Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

nhà rừng: chuyện cỏ cây

khi gió lớn, có liền các lớp sóng cỏ
(1)

Hàng xóm trên núi có bò mẹ [tương lai] và bê con đồng hành. 

Hàng xóm dưới núi để dành trảng cỏ cho hàng xóm trên núi bữa nào đem máy đến cắt và cuộn cỏ tích trữ cho bò bê khi đông về.

Và thế là cỏ cứ ngút ngây chuyển mình theo chiều gió. Khi có gió lớn, nhìn trảng cỏ tôi tức thì liên hệ đến các lớp sóng biển. Tôi có thể nhìn chuyển động này suốt cả ngày dài mà không chán. Nhưng đâu phải lúc nào gió cũng to, và thêm nữa là các đầu việc cần làm trên núi dài tít tắp a.

cây táo "cổ" đánh dấu lịch sử nhà rừng
(2)

Trong chuyến đi nhà rừng lần trước, có một bữa sớm mai tôi mò mẫm đi xuống bãi cỏ, chăm chăm nhìn mặt đất với hy vọng thấy được thyme cùng dâu Tây, cả hai đều là cây mọc tự nhiên. Mắt nhắm mắt mở thấy vài đốm sắc đỏ, hí hửng gần như là úp mặt vào đất, té ra không phải, đó chỉ là một loại cây cỏ dại có các đốm đầu lá màu đỏ.

Lần này tôi còn chưa chủ động tìm kiếm thì hôm qua trong lúc trèo lên lối đi dốc nhỏ cạnh nhà đã vô tình nhìn ra không ít dâu rừng. Quả bé tý xíu, chừng hạt ngô. Quả mọng và ngọt nước, khi có một vốc nhỏ liền lúc tống vô cái miệng kẻ tham ăn.

(3)

Cây táo do gia trưởng trồng cách đây hàng chục năm giờ bị khô hoại một phần ba. Phần còn lại hứa hẹn cho một mùa quả náo nhiệt.

Còn về đám cây ăn quả được trồng năm kia và năm trước, chỉ duy nhất có red delicious apples là cho trái. Còn lại từ lê qua đào đến táo mấy giống loại khác, hoặc im lìm hoặc vật vờ lá cuốn bệnh.

Ở tiệm cây, ông chủ nhà hỏi cô kỹ thuật. Cô hỏi lại, có phải ông trồng táo gần đào không. Đúng thế. Thảo nào. Rồi cô chỉ cho thuốc trị cùng lời dặn, cứ bình tĩnh, đâu rồi có đấy. Tôi đoán là cái sự đợi chờ này chắc phải sang năm mới cho câu trả lời.

trái dâu này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét