Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

có gì trong chén: mỳ xào chay vị tương ớt quế lâm

Thai folded brown rice noodles
Lee Kum Kee Guilin style chili sauce
Cholula hot sauce

(1)

Sợi mỳ là Thai folded brown rice noodles, tôi vô tình mua và đến giờ vẫn loay hoay chưa biết chế biến thế nào cho ngon. Làm món lần này, tôi thử cách xử lý mỳ mới: luộc mỳ, để nguội và sau đó là làm lạnh, mỳ lạnh đó được rưới nước tương và được xóc đều rồi để bên chừng mươi phút đến nửa giờ trước khi nhảy vô chảo xào.

Rau trong bếp nhà rừng tiện có gì mình xài cái nấy: cải thảo, cà rốt, nấm shiitake tươi, hành tím, hành hoa, mùi. 

Gia vị nêm nếm cho món mỳ xào ngẫu hứng và mang tính thử nghiệm lần này là bộ ba quen thuộc hành hương + tỏi + gừng bằm vụn được phi lấy thơm cùng lấy vị, tiêu, vụn ớt khô. Và quan trọng nhất là tương ớt Quế Lâm lần đầu tiên tôi mua, lần đầu tiên tôi dùng trong bếp Lee Kum Kee Guilin Style Chili Sauce. Lẽ dĩ nhiên, còn phải nhớ gọi tên nước tương và muối :-)

Cuối cùng, không thể bỏ qua bạn tương ớt để cạnh tô/đĩa mỳ xào, để tuỳ mồm miệng và mức độ thô lỗ của người/kẻ ăn mà sẽ ồn ào hay kín đáo đánh bạn với mỳ và rau.

(2)

Khi mỳ đã ngấm nước tương, khi rau củ đã được thái, khi mấy món gia vị tạo thơm đã được bằm vụn sẵn sàng, nào bắc chảo mình xào mỳ.

- Láng xíu dầu làm chảo nóng thật nóng, cho hỗn hợp hành + tỏi + gừng và nếu thích là xíu vụn ớt khô vào xào dậy thơm. 
- Sau đó là hành tây, cà rốt, cọng cải thảo và nấm, muộn hơn chút là phần lá cải thảo. Tay đảo mau, chảo siêu nóng, được chừng đôi ba phút thì nêm tương ớt Quế Lâm cùng chút nước tương và vụn tiêu.
- Tôi không nhớ chính xác thời gian, đại loại rau ngấm gia vị thì cho tiếp mỳ vào. Mỳ bản chất đã chín và đã ngấm đậm ngọt nước tương, giờ vô chảo chỉ cần nóng và quyện đều với rau củ chín tới là được. 
- Bước cuối cùng trước khi tắt bếp bắc chảo và lấy món ra đĩa/bát là nêm hành hoa cùng mùi thái rối.

(3)

Với món làm lần này, tôi hài lòng ở hai điểm.

Thứ nhất là tìm ra cách xử lý các sợi mỳ Thái gạo lứt. Thứ hai là khám phá tương ớt Quế Lâm, cũng như "gặp lại" quý bà Cholula Hot Sauce vốn quen mặt ở Bayou

Thật thà mà nói, tôi sẽ không phải là fan của bạn tương ớt này. Nhưng thử chút mới mẻ trong bếp thì tại sao không. Và đúng là với tương ớt này, món xào từ rau củ không qua mỳ bún phở, tôi thấy rất chi là ô-kê-la.

các tầng cay: tương Tàu trong chảo xào
tương Mễ trong món bày bàn

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

vườn nhà biển: mẻ rau đầu tiên

Không tính thi thoảng tôi chạy ra vườn sau nhà biển vặt trộm mấy lá bạc hà rừng, mấy cọng mùi hay hành tươi thì hôm nay đánh dấu mẻ thu hoạch rau cỏ đầu tiên của hè này.

Có lá diếp tím và các cọng mùi. 

Cảm giác của tôi là rau cỏ vườn nhà tươi, mọng và ngọt hơn rau mua ngoài siêu thị. Cảm giác đó có thể là  không hẳn chính xác. Nhưng có một điều tôi biết, ít nhất thì rau mùi hái từ vườn nhà thanh và thơm giống như mùi ta ở Việt Nam, chứ không phải thứ rau mùi cọng mập lá to phổ biến xứ này.

rau vườn nhà cho bữa trưa ngoài hiên nắng
mẻ thu hoạch đầu tiên: diếp tím và mùi

có gì trong chén: canh chua nước nghêu cá viên

Câu đầu tiên, ở Việt Nam tôi sẽ không bao giờ nấu và ăn một món canh chua như vầy! Còn câu thứ hai, ở đây, xứ cờ-hoa, tôi có thể bày ra đủ trò mà không sợ bị chê cười.

Nước nghêu của nhà Mazzeo được lão Tiên sinh mua với ý định nấu clam chowder. Nguyên liệu nghêu cho món này, từ nước dùng tới thịt nghêu, đều là được chế sẵn. Tôi chê ông lười, hỏi sao không mua nghêu tươi mà làm, ông bảo loằng ngoằng. Nghĩ cũng đúng, vì đến nguyên liệu chế sẵn trong tầm tay mà kế hoạch nấu cháo của ông còn lần khân bất tận thế này cơ mà. Và vì ông lão mãi không dùng đến hũ nước nghêu cấp đông trong ngăn đá tủ lạnh thì tôi mượn dùng trước a.

Cá viên là do tôi tò mò mà nhặt một túi mua về nếm thử xem sao. Bao bì chữ Anh chữ Nhật loằng ngoằng, tên hiệu rất chi là Nhựt bổn nhưng nhìn kỹ thì thông báo rõ ràng xuất xứ Mỹ. Cá viên có texture mịn, giòn, chắc, có vị cá nhưng lại thiếu một tinh thần biển cả. Nói chung là tôi mua và ăn một lần cho biết vậy thôi. Túi còn mấy viên, à có nước nghêu thì kết hợp hai bạn này nhể.

Cũng là một chữ tiện [thể], có mấy lát đậu rán, tôi cũng cho chúng náo nhiệt tham gia món canh. 

Tạo chua có miếng dứa chua chẳng mấy chua cùng xíu dấm gạo bổ trợ. Trái cà chua tươi trong nhà không có mà tôi lười cũng chẳng nghĩ tới chuyện mua cà chua tươi khi đi chợ. 

Thiếu trái quả này đồng nghĩa với thiếu vị chua dịu thanh và thiếu luôn cả sắc đỏ hồng tươi tắn. À, cho nhan sắc tô canh mình có thể dụng bột nghệ a.

Tô canh chua còn được tăng vị nhờ nhánh sả, tép tỏi và không ít hành hương phi thơm với vụn ớt khô. Rau gia vị tươi có hành lá và thì là cùng mùi, tất cả đều là vặt từ vườn rau sau nhà. Hành và mùi ổn, nhưng cây thì là khi mua nó bé vị nó thơm, giờ nó cao lêu nghêu, thân lá chắc nịch thì thơm dịu hoá thành thơm gắt, quá ư đậm đà. Tôi lỗ mãng cộng tham, cho quá tay thì là nên đường vị của tô canh có phần bên trọng bên khinh, thơm hăng của hành mùi bị lép vế trước hung hăng gắt gỏng ta đây thì-là.

Có kẻ tham ăn ngồi ngoài hiên hai chân đung đưa tay đưa thìa đón từng miếng canh vô miệng, sì sà sì sụp câu trước tự mình khen mình sáng tạo, câu sau hoá thành mình ngu, ăn thế này làm hư cái bao tử. 

Thôi, một năm dài có một lần lên cơn vậy, cũng coi là không sao đi. Mà đúng là canh chua láo nháo tự biên tự diễn đó công nhận ngon mà :-)

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

tháng 6 vào hè

Có một ông hàng xóm ở cách mấy nhà trong thành phố biển đi dạo qua trước cửa thì dừng lại chào hỏi. Hai ông bà tám ra trò, hết nói về chuyện tương lai của Light Inn. - cái nhà trọ có lịch sử lâu đời ở gần đây - thì trèo sang chuyện thời tiết. Kết luận to của hai ông là không bình thường.

Ngày đầu tiên đánh dấu vào hè, chúng tôi ở trên núi, tối đến co ro vì lạnh. Trở về nhà biển, liền mấy ngày trời mù, nhìn ra biển chỉ thấy một biển màu ghi xám, phà đi tới lui được nhận biết qua những tiếng còi hụ gấp gáp, nóng nảy hơn là hình thù của các con tàu. 

Tôi bắt đầu quen quen với việc đối phó tiết trời đỏng đảnh. Nguyên tắc vàng của tôi là dù có thấy giữa ngày nắng chói chang và nóng gay gắt thì nếu có việc phải ra ngoài, cứ là nên thủ thân một áo khoác nhẹ dài tay. Vì chui vào một chỗ nào đó tôi có nguy cơ bị cấp đông do máy điều hoà. Hoặc không, ông trời vào mỗi cuối ngày đều giống đứa trẻ hờn dỗi, đang ồn ào ầm ĩ khí nóng lại thành vác cái mặt lạnh lùng. 

tháng 6 trên núi nhóm lò

đường về nhà biển - tưng bừng nắng và nóng

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

đi nhà rừng 2023 (3)

(1)

Chúng tôi làm việc chăm chỉ. Cuối mỗi ngày có một ông kêu đau nhức hông và một bà kêu tay tê mỏi rã rời. Người ngợm là vậy, còn về kết quả lao động thì vườn Nhật Bản xem ra thêm phần tươi tắn nhưng vẫn chưa chạm đến đường chốt cuối cùng; về phần vườn rau, như kế hoạch các phiến gỗ đã được đặt định gần xong, và ngoài mong đợi là ông chủ nhà không cần gọi mua xe đất nữa sau khi nhận được một phần quà mà ông gọi là sh*t cocktail, từ ông hàng xóm drone.

Chuyện là bạn đời luôn nỉ non, ông ý ở một mình buồn lắm, bữa nào mình dứt khoát phải nấu vài món Việt Nam mời ông ý. Tôi chẳng ngại vào bếp, nhưng đúng là sau hơn hai năm ỷ lại vào TL ở nhà căn hộ Hà Nội thì giờ tay bếp của tôi thành lởm khởm. Chưa kể trên núi đụng vào cái gì thấy thiếu cái đó từ dụng cụ bếp tới nguồn nguyên liệu. Chúng tôi nghĩ một hồi thì mới chốt được một cái công thức làm bữa tươm tươm. Ơn Giời, với ông người Mỹ lần đầu tiên trong đời ăn món Việt, bữa tối tạm coi là ổn. Tôi rất khoái chí với chốt định nguyên tắc, với người chưa quen bếp Á, bếp Việt, mình làm món cứ nên nhẹ nhàng vừa phải đường gia vị, và thay vì ú hụ một hai đĩa bát thì nên phong phú gấp đôi số món, và tất cả đều ở lượng khiêm tốn. Kiểu phòng ngừa khách không quen không hạp cái này thì có thể rờ cái nọ. 

Quay lại chuyện quà của ông drone. Ông này, cũng như nhà hàng xóm liền kề trên đỉnh núi, có một cái có thể gọi là trang trại, với dê, với cừu, với ngựa, và với con gì nữa tôi không rõ lắm. Ông chở cho chúng tôi một wagon phân chuồng ủ lâu năm, hỗn hợp hoàn hảo từ nguồn thải của liền mấy loại con vật ở trang trại: từ ngựa, từ cừu, từ dê, và từ bò. Tôi mù tịt về trồng cấy, nhưng nhìn cái xe chất ủ đó thực là phấn chấn, cứ như thể một dàn cà chua béo múp míp đang nhảy nhót trước mắt tôi vậy.

Bạn đời cười phớ lớ bảo, nói lịch sự thì là manure cocktail. Tôi cười hì hì, cái lợi của kẻ ngu ngơ không biết tiếng người là đôi khi có nghe mấy từ tục chạy ngang tai thì cũng cứ đơ cái mặt vì chẳng hiểu gì. Thôi, tiếng Việt nhà cháu cứ thật thà tổng hợp phân chuồng ủ lâu năm

(2)

Trong chuyến đi nhà rừng lần này có vẻ như những chuyện nổi bật đều liên quan đến ông drone. Khi đến ăn tối ở chỗ chúng tôi, ông khoe sắp đi Pittsfiel kèm tiếng Anh cho người nhập cư. Ông kể đây là đăng ký tự nguyện, được huấn luyện 18 giờ về sư phạm và vài kỹ thuật dạy phát âm, rồi sau đó là dạy kèm một thầy một trò. Mấy hôm sau bữa tối mời cơm khách, khi qua nhà ông, chúng tôi nghe ông hào hứng kể về "học trò" của mình, một ông đến từ El Salvador, đã ở Mỹ hơn 10 năm, đã kịp có riêng cho mình một công việc kinh doanh landscaping, kiếm tiền tốt và giờ muốn cải thiện tiếng Anh để trao đổi thuận lợi hơn với khách hàng. Nghe thật thú vị!

Nhân chuyện này, hai ông, ông drone và bạn già yêu quý của tôi, quay sang phi thường nghiêm túc tính tính toán toán thu xếp cho tôi một người dạy kèm. Lão Tiên sinh được dịp xỏ xiên chê bai cái sự phát âm giọng Pháp và thói nuốt âm nơi cuống họng của tôi. Còn tôi thì được dịp trề môi, chả có ai aggressive như ông, người ta vừa mở miệng mà ông đã hằm hè uốn nắn. Mà nghĩ cũng hài, một ông điếc gặp một bà nói ngọng, đó mới chính xác là tình cảnh của chúng tôi. Đúng là tôi có rất nhiều khó khăn trong phát âm, trong việc nói tiếng Anh, nhưng trong không ít trường hợp, bạn đồng hành do tai nghễnh ngãng nên nghe chữ tác đánh thành chữ tộ rồi cứ thế mà cho là tôi nói sai. Cách giải quyết tốt nhất là tìm ra người thứ ba có thể giúp tôi đánh vật với món Anh ngữ!

(3)

Trong chuyến đi lần này, ông chủ nhà giống con thoi thoắt đi thoắt lại từ rừng xuống phố, địa chỉ luôn là mấy tiệm bán vật liệu hay máy móc dụng cụ, đồ ngũ kim. Tôi thi thoảng nhảy tót lên xe đi cùng, gọi là em đây đi thành phố. 

Mỗi lần đến hay đi qua Pittsfield tôi đều có cùng một cảm giác, một thành phố ma, một thành phố chết. Dù không thiếu vắng xe hơi chạy trên đường, dù không phải không có cảnh ở điểm đợi bus công cộng nào đó nhàn tản vài người hoặc đang hút thuốc hoặc đang nốc bia và tám chuyện ầm ĩ một góc phố thì về căn bản, ở mấy con phố chính, các mặt tiền cửa hàng hay lối vào toà nhà chung cư đều treo biển đóng cửa hay sẽ sớm mở.

Và hơn nữa là có một mẫu số chung không đổi cho cảnh quan thành phố, ở đến quá hai phần ba ngã tư đường luôn có một ai đó giơ tấm bìa xin được giúp đỡ [cho tiền]. Giới thiệu về bản thân của họ bắt đầu là cựu chiến binh hay vô gia cư. Và dòng chữ/hàng chữ cuối cùng trên tấm biển luôn là God Bless [You].

Bác thợ cả Joe vốn là một người ôn hoà về chính trị vậy mà có bữa cũng lắc đầu ngao ngán, rất không ổn. Tôi nghe kể có bữa ông bác động lòng trắc ẩn, dừng xe hỏi một vị homeless rằng thì là mà có muốn giúp bác mấy việc tay chân không. Người kia cám ơn và từ chối. Tôi nghe chuyện này, rồi cộng thêm nhiều mẩu vụn vặt khác thì tự hỏi, đây là do lười hay do lựa chọn lối sống. Bất luận thế nào thì hình ảnh những người đứng ở ngã tư đường hay túm năm tụm ba gần mấy điểm dừng xe bus đều đưa lại một phức hợp cảm giác, về sự nhếch nhác có, về chênh lệch xã hội cả, và không thiếu cả về một nguy cơ mất an toàn, hay thậm chí là phạm tội.

Pittsfield

mưa mịt mùng xứ Berkshires

trên núi dựng vườn rau

tiệc rừng - tổng hợp phân chuồng ủ lâu năm

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2023

từ crab rangoon tới há cảo chiên vị cua nhà làm

crab rangoon ở quán Thái: mang tiếng
món Tàu nhưng lại không đến từ nước Tàu
quá nhiều cream cheese, cua đâu chẳng thấy
Nếu trong bếp nhà đang sẵn thịt cua bể [đóng hộp], nếu bạn thèm món há cảo/hoành thánh chiên, và nếu công thức crab rangoon không quá hấp dẫn đối với kẻ kiêng-kị mấy món ngậy béo thì tại sao không, việc thử làm một món chiên kiệm béo và vẫn đảm bảo mang hương vị đặc trưng biển cả qua các vụn thịt cua.

- Thịt heo - lần này tôi dùng thịt lọc từ sườn heo non - được bằm một lượt. Sau đó bổ túc cà rốt, hành tím, hành hoa, cọng mùi, tiêu, muối, và xíu tỏi cùng gừng, lại một lượt bằm thật kỹ. Thêm một lần sau đó trộn thịt bằm với thịt cua, nêm xíu nước tương rồi dùng thìa chà hoặc tay đi găng bếp bóp nhuyễn để thịt heo và thịt cua hoà quyện vào nhau.
- Vỏ há cảo nếu cầu kỳ thì có thể cắt tỉa hình tròn thành hình vuông để cuốn/gập thành bánh chiên đẹp mắt. Tôi lười, cứ để nguyên miếng tròn như vậy rồi nhồi nhân, gập mép bánh hình bán quyết, ấn ấn chặt mép lá bánh và cứ thế cho bánh vô chảo chiên.

Biết là chiên ngập thì món sẽ giòn và thơm hơn nhưng tôi sợ dầu mỡ, thành ra rón rén cái chảo nhỏ mỗi mẻ chỉ chiên/rán ba phần bánh. Và rất từ từ.

Hoành thánh chiên với nhân thịt cua và thịt heo làm thế này ăn rất ngọt, thơm mà lại không quá ngậy béo vị của kem sữa. Món này làm chơi ăn chơi ta với ta rất ổn, mà tính bữa nào có khách tới nhà mình làm một đĩa khêu khêu đầu bữa xem ra cũng rất được a :-)

* Note ghi thêm: với người thích vị ngọt mọng của rau củ, ngoài hành tây và cà rốt có thể thêm phần lá của cải thảo cho nhân trộn.

nhìn không mấy hấp dẫn nhưng bánh giòn, nhân ngọt và thơm

nhật ký mèo ú

Tôi bỏ đi nhiều trò phù phiếm nhưng vẫn giữ thói quen dùng sổ lịch Moleskine. Cho năm 2023, tôi đòi thêm TA bỏ giỏ sổ ghi chép mèo ú. Sổ lịch đã được dùng, còn con mèo vẫn nguyên trong bọc. 

Đã từ lâu tôi không còn ghi nhật ký đều đặn. Cuốn sổ mới giống như một lời nhắc nhở, một lời mời chào. Và tôi thì luôn tự nhủ, chờ dịp đặc biệt.

Chuyến đi xuôi Nam cho cuộc phỏng vấn. Lộn xộn việc chuẩn bị thêm một lần hồ sơ bổ sung. Cuộc điện thoại cập nhật tình hình xét duyệt hồ sơ. Lòng vòng khám lại sức khoẻ. Giấy tờ được duyệt. Nghỉ việc. Rồi thấy mình trở lại. Tôi có cả đống những ngày đặc biệt để bắt đầu sổ mèo ú.

Hôm qua, từ nhà rừng trở về nhà biển, tôi đã có thêm một lý do để tháo bỏ bao bọc. 

Và nắn nót những dòng đầu tiên. Cho một hành trình mới!

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2023

green papaya salad with grilled sirloin steak - món gỏi đu đủ thăn bò nướng

green papaya salad with grilled sirloin steak
gủi đu đủ thăn bò nướng
(1)

Bếp nhà rừng thiếu nhiều dụng cụ, với đu đủ xanh tôi dùng cây nạo chạy các đường mỏng dọc theo thân quả. Kết quả là độ mỏng thì như nhau nhưng bề mặt sợi salad thì cái to cỡ sợi phở xé trong đĩa phở xào bếp Hoa, cái nhỏ thanh như sợi bún. Đu đủ được xóc muối, để chừng nửa giờ thì rửa thật kỹ và bóp ráo. 

Vì đu đủ đã kém xinh trai thì cà rốt cũng chẳng cần đẹp gái. Tôi cũng gọi là nạo sợi ngang bè bè. Cà rốt được xóc với xíu đường và để bên.

Hành tím - cái này gọi là optional - thái lát mỏng, xóc với xíu dấm gạo, để bên.

(2)

Rau gia vị cho món gỏi rất đúng tinh thần có gì xài nấy: vài cọng mùi từ bó mùi mua ở Guido's; và lá bạc hà rừng miễn phí hái từ sân trước nhà.

Rau mùi được thái rối. Riêng lá bạc hà thì cầu kỳ hơn, chụm các lá thành một tệp nhỏ và thái thành các sợi cỡ như sợi bún dọc theo sống lá.

Hỗn hợp bạc hà và mùi được để bên.

(3)

Gia vị trộn được giã trong cối có vụn ớt khô + muối hạt + tép tỏi tươi + đường. Nếu cầu kỳ thì hẳn sẽ phải là ớt Thái cay xè xè, nhưng nhà không có tôi cũng chẳng buồn :-)

Gia vị trộn đó sau khi đã được giã nhuyễn trong cối thì đón chào một nhà dấm gạo. Lần này tôi thử chai tự xưng organic của 365 Whole Foods Market, vị rất được nhưng cái chai kiểu cách có phần hơi quá, tôi thấy hài hước. 

(4)

Thăn bò mềm nguyên miếng steak - sirloin steak - được nướng sơ trong Green Egg, công đoạn này giúp thịt chín sơ là một chuyện, quan trọng hơn là thịt đó đượm thơm vị khói. Sau đó thì tuỳ ý người ăn tái hay chín, mà có thể áp chảo dài ngắn thời gian.

Hôm nay tôi lười, lại tính làm phần salad xinh xinh chẳng bõ nổi lửa nên cứ nguyên hai miếng steak được cho vô chảo gang nóng rần, lật đi lật lại xèo xèo thì lấy ra. Cắt mau thành các miếng mỏng vừa ý. Chảo vẫn nóng trên bếp, lần này có bổ túc vài lát tỏi và hành hương thái mỏng cho dậy thơm, rồi cho các miếng thịt vô, rắc tiêu và đảo mau. 

Trước khi bắc chảo khỏi bếp và lấy thịt ra, tuỳ ý người ăn mà có thể chêm xíu nước tương. Nếu là thực hiện hai bước nướng lò và áp chảo bò thì tôi sẽ chỉ dùng duy nhất một thứ gia vị là tiêu. Nhưng hôm nay đi tắt nên tôi ỷ thơm từ hành, tỏi qua cả xíu đậm của xì dầu.

Sirloin steak vốn rất mềm, tôi biết bạn đánh chén thích ăn tái nên khi áp chảo thịt bò thì rất khẩn trương, Miếng thịt cắt ra nhìn thoáng tưởng chín quá nhưng thực vẫn còn chút hồng hổng ở giữa, và khi dùng thì đúng là mọng mị đậm nước ngọt thịt khỏi phải bàn.

(5) 

Đu đủ đã tẩy muối được trộn với hỗn hợp gia vị giã nhuyễn và dấm gạo. Sau đó nhẹ tay vắt nước và trộn tiếp với cà rốt đã ngấm đường và hành tím đã được nhẹ tay vắt bỏ nước dấm trộn. 

Rất nhẹ tay vắt thêm một lần nữa phần rau trộn rồi bổ túc hai bạn rau gia vị mùi và bạc hà. Bày gỏi ra một góc đĩa.

Góc kia của đĩa là thịt bò nướng/áp chảo.

(6)

Món làm dễ và dễ ăn, ăn ngon.

Khó chăng và khéo chăng đối với người đứng bếp là căn thời gian cho chuẩn, vừa vặn ra đĩa gỏi thì cũng vừa vặn bò nướng nóng hôi hổi sẵn sàng ra mâm. 

Bếp nhà rừng nhỏ, đồ bếp thiếu nhiều, khi làm món tôi hay cáu bẳn, với chính mình. Nhưng đến lúc ra bàn ăn thì mọi thứ cứ gọi là ô-kê-la. Thịt bò mềm mọng và thơm ngậy gặp đu đủ giòn đanh chua dìu dịu, lại vấp vị cay hăng của từ ớt qua hành tây, cùng thơm mát của rau gia vị mùi tàu và bạc hà. Vừa đủ thanh mát vừa đủ no cái dạ cho một bữa trưa đầu hè trên núi.

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

mùa hè trong túi & mua rau chịu

vườn chưa có nhưng rau đã sẵn sàng
Ông bà chủ The Perry Patch hầu như ngày nào cũng đi dạo đường núi. Có bữa lão Tiên sinh gặp thì hỏi bao giờ có rau quả. Câu trả lời là hiện giờ trại chỉ bán các giống cây rau gia vị, dâu tây muốn ăn thì phải đặt trước, còn rau quả mua về nấu ăn thì đợi sang hẳn hè.

Hôm nay có việc vào thành phố, khi quay về nhà núi qua chỗ trại cây, bạn đời nghĩ thế nào dừng xe và hỏi tôi thích mua cây rau gia vị gì cho vườn rau nhà núi. Tôi cười hì hì, vườn rau ông còn chưa làm xong thì vội mua cây làm chi. Ông lão lập luận, mua đi kẻo hết.

Ông nhặt ba cây rau, thyme, Greek oregano và rosemary. Túi giấy được xếp chồng trên bàn bên cạnh với một hòn đá to chặn khỏi bay. Rau được xếp vào túi xong thì đến tiết mục thanh toán. 

Ông lão mở ví, không đủ tiền. Tôi chẳng có đồng xu nào trên người. Ông nhìn tôi, tôi nhìn ông. À, tui cần cây bút. Túi đựng rau bị xé lấy một mảnh nhỏ. Khách hàng hí hoáy vài chữ rồi nhét qua cái khe vốn là để nhận tiền mặt hay séc. Xong!

Ở góc này của New York không chỉ có Berry Patch mà còn nhiều điểm nhỏ bán trứng gà, bán củi, bán rau quả thường xuyên để ở chế độ tự thanh toán The Honor System

Bữa nay ông lão nhà ta vui tính, mua chịu với miếng giấy nhắn xin thanh toán sau. Trên đường về nhà từ trại cây, tôi thò mũi ngửi các tầng hương mang cảm giác mùa hè và quay sang tò mò, ngoài ông ra thì không rõ có vị khách nào ghi giấy nợ như ông không nhể :-)

từ Berry Patch: hương thảo, cỏ xạ hương và kinh giới Hy Lạp

rau Tây làm bạn rau Ta: răm, kinh giới và ngổ

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

câu chuyện đồ vật: máy xay hạt cafe

Máy xay hạt cafe được ông chủ nhà sắm cho ba nhà, từ rừng xuống biển qua đại dương đến căn hộ ở Hà Nội đều là hiệu Krups.

Tôi nhìn thấy vất va vất vưởng một góc bếp nhà rừng máy pha cafe cũ dính đầy bụi lẫn vụn cafe, hỏi ông sao không bỏ đi thì ông bảo để tính.

Máy được lau chùi sạch nhất có thể, hỏi tiếp đến ông thì ông bảo, để mang xuống tầng hầm cất, rồi bữa nào tiện gom liền mấy món không dùng mang đi cho.

Ông nói thêm, hồi còn học cao học không có tiền phải làm thêm cho trang trại của ông chú để đổi lấy việc được ở miễn phí trong nhà kho, phải chạy ăn từng bữa nên mua được cái máy Mocca này là cả một sự kiện to. 

Có vẻ như chuyện ở đây không phải là tính ki-bo và thích trữ đồ mà còn là một kỷ niệm.

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2023

sớm mai vận động

Hai tuần đầu quay lại Mỹ, tôi còn có thể nỉ non nào thời tiết, nào đồ ăn thức uống, nào lệch múi giờ như là cái cớ để ù lì cái thân tượng của mình. 

Còn giờ thì không thể nữa. 

Việc đơn giản nhất tôi có thể làm, coi như là một sự khởi động mới mẻ, là đi bộ một vòng mỗi sáng. Hôm nay là vòng đầu tiên. Ở trên núi :-)

ngó hoa dại ngoài trảng cỏ

một mô tả về bản thân: bà này thân tượng [voi]

gần xa, xa gần: ngày đầu tiên đi một vòng trảng cỏ

bạn sẽ thích: the woks of life

(1)

Có hai đầu sách về bếp Hoa tôi lên kế hoạch mua năm nay là The Food of Sichuan và The Woks of Life.

Cuốn thứ nhất, của Fuchsia Dunlop, tôi biết được là qua The Mala Market chuyên về gia vị bếp Tứ Xuyên. Gần ba năm trước, tôi đặt liền một giỏ bự các gia vị từ nhà này, lúc đó khều đến sách bếp thì đã hết hàng. Sau đó về Hà Nội liền một mạch hai năm, tôi tự nhủ, lúc nào quay lại Mỹ mình tính.

Cuốn thứ hai là của gia đình-nhóm tác giả chủ trang mạng nhện cùng tên - The Woks of Life - mà tôi theo dõi đã lâu. Tôi mới biết sách được phát hành, còn đang tính toán mò mẫm mạng nhện đặt hàng thì hôm nay, theo một cách hết sức tình cờ, tôi có cơ hội tự tặng mình The Woks of Life.

(2)

Chúng tôi đi siêu thị Guido - địa chỉ đi chợ yêu thích của lão Tiên sinh khi sống ở nhà rừng kể từ hồi đỉnh dịch covid. Thời gian đó, ngoài mua hàng theo kiểu đặt trước và chạy xe qua lấy thì khách còn có thể xếp hàng chờ được theo lượt vào 5 người trong nửa giờ để mua đồ. Chính vì thế, chỉ đến năm nay tôi mới bước chân vào Guido, và hôm nay là lần thứ hai.

Lần này, tôi nhận ra có một góc bàn bày bán sách nấu ăn. Mối quan tâm tức thời của tôi là hai đầu sách bếp Nhật. Nhìn thoáng chúng thực là hay hay nhưng khi giở xem qua thì chúng tôi không còn nhiều hứng thú. Phần nhiều là các món được giới thiệu trong hai cuốn sách này dính dầu mỡ và mayonaise. Bạn đánh chén sốt ruột, xem phần salads ý. Ừ thì có đấy, nhưng món hoá ra là Nhật hoá Mỹ/Mỹ hoá hết roài. Thế là bỏ qua luôn.

Buông sách Nhật xuống thì tôi thấy ở góc bàn có The Woks of Life. Thiếu nước con giời rú lên. Đang vui thì bị ông lão nhà ta dội cho gáo nước lạnh, bếp Trung Quốc nhiều dầu mỡ chết đi được.

Tôi kể mau về việc mình đã theo dõi và yêu thích trang bếp này ra sao. Bạn đánh chén thay đổi ý kiến, ừ mua ừ mua.

Chúng tôi rời siêu thị với lủng lẳng cà rốt, hành xanh, gừng cùng dưa hấu. Và cả sách nấu mới tậu nữa.

(3)

Chuyến đi nhà rừng lần này của chúng tôi có rất nhiều việc cần thực hiện và hoàn thành. Tôi không nghĩ mình sẽ có thời gian để nhâm nhi cuốn sách nấu ăn mới tậu.

Tuy vậy, trong khi chờ về nhà biển ngồi ngâm cứu các món được giới thiệu trong sách, tôi vẫn kịp kéo dài cảm giác hoan hỉ khi có trong tay sách này.

Đối với tôi, sách bếp không đơn giản chỉ là ngắn gọn hay tỉ mỉ công thức món. Một sách bếp tốt còn có những phần giới thiệu về gia vị, dụng cụ bếp, bối cảnh văn hoá-xã hội của một phong cách, một phương pháp nấu và cách thức ăn uống. Xa hơn còn là những liên hệ lịch sử, từ quốc gia-dân tộc tới cộng đồng người - văn hoá-sắc tộc-tôn giáo, hay có khi đơn giản là một gia đình, một cá nhân cụ thể.

Với The Woks of Life trong một thoáng nhìn, tôi thấy các khía cạnh đó.


Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

đi nhà rừng 2023 (2)

hết rồi con đường đất lổn nhổn
(1)

Các đầu việc cho chuyến đi nhà trên núi lần này kha khá dài. Tiếp tục dọn rừng, dọn vườn Nhật Bản, tiếp ông thợ diệt côn trùng, gửi sửa cái máy cắt cỏ, và đón mấy món đồ gỗ mới.

Hai việc đầu tiên tiến triển tốt, dù còn lâu mới có thể nói là hoàn thành. Cho đầu việc cuối cùng, ông bán hàng tên Christ của cửa tiệm máy móc ở Pittsfield biến mất dạng. Phải đến khi ông chủ nhà gọi điện cho ông quản lý bán hàng thì ông Christ này mới xuất hiện trở lại trên điện thoại. Hôm qua tiệm cử người đến lấy máy đi. Hôm nay ông Christ báo tuần sau có máy. Như vậy là lịch đi nhà rừng lần tới đã có thể được xác định.

Coi như hoàn thành trọn vẹn có diệt côn trùng theo kế hoạch sáu tháng một lần; và đồ gỗ mới đến cũ đi. Nhân có ông chuyên gia côn trùng, tôi học được một mớ từ tiếng Anh về các loài gây hại cho nhà. Còn về đồ gỗ, thì là cảm giác thành tựu, cuối cùng cái nhà nhìn cũng ra dáng cái nhà. Vì có đồ đạc trong đó.

Nhà rừng sau khi sửa chỉ có một phòng ngủ được xem là đủ điều kiện, còn ba phòng khác thì gần như trống huơ trống hoác. Lý do là vì các món đồ có giá trị, trong đó có cả không ít bàn, gỗ và đèn cổ, đều đã được anh em đạo chích ẵm đi trong chuyến càn quét mấy năm trước. Lý do nữa là nhân dọn và sửa nhà thì chính ông chủ nhà cũng tiện tay bỏ đi kha khá đồ. Lần này đồ gỗ mới sắm có một giường gấp giấu mình trong một cái tủ với hộc bàn làm việc, một tủ cosmos và một bàn console. Đồ cũ chuyển đi là một cái tủ dạng cosmos bệ vệ có kèm một miếng gương to đùng bệ vệ không kém, được coi là do ông cố nội trong nhà làm ra. Bỏ thương vương tội, ông chủ nhà sau khi nói chuyện với ông chủ tiệm gỗ thì tìm ra giải pháp, gửi đồ đến tiệm rồi bản tiệm xem chừng ai quan tâm thì chuyển cho người ta. 

(2)

Từ một cuộc trò chuyện chẳng đầu chẳng cuối giữa tôi và bạn đời, kế hoạch làm vườn rau trên núi cứ thế mà hình thành và đã bắt đầu được triển khai. Ông lão nhà ta ới ông hàng xóm nhà trên núi nhờ mang cái máy cày xuống làm vài đường cơ bản. Ông kia sáng đi làm ở văn phòng bên Albany, chiều từ kiến trúc sư trưởng hoá thành nông dân, cưỡi máy cày xuống giúp hàng xóm. Đất được cào mấy đường thì cái máy khựng. Ông nhà dưới áy náy thì được ông nhà trên an ủi, không sao đâu, đằng nào tui cũng phải sửa. Rồi ông hứa, sửa xong tui xuống cày tiếp. 

Trong lúc đợi cái máy cày được sửa và làm đất tiếp, ông nhà dưới đã kịp mua gỗ và rào để quây vườn rau. Rào thì đi cửa hàng mua vác về nhà. Còn gỗ thì đến cửa hàng chọn, thanh toán rồi bên cửa hàng mang tới. Chủ quen, khách quen nên có chuyện chủ nhà tót đi đâu lúc về nhà đã thấy gỗ để ngoài sân. Nhân chuyện này tôi học được một điều, không phải cái gì cũng là Home Depot. Rất nhiều món liên quan đến việc sửa chữa nhà cửa vườn tược gặp vị nào khó tính đều được mua ở các tiệm riêng. Giá đắt hơn nhưng chất lượng cũng tốt hơn rất nhiều. Cái này gọi là tiền nào của nấy. 

(3)

Nhà hàng xóm trên núi có tá lả các loại xe và máy. Tôi hỏi, túm lại nhà ông có bao nhiêu machines, ông hàng xóm tính nhẩm hồi rồi bảo, rất nhiều. Hai vợ chồng ông cưỡi một cái mini pick-up siêu hầm hố coi chẳng khác chi bọn nhóc tuổi đi lớp mầm chơi đồ hàng. Lão Tiên sinh cười hỏi tôi, muốn không tui mua cho một cái. Tôi biết thừa ông lão đùa cợt, cười khì khì, nhà mình không có bò bê thì chẳng cần cái xe này.

Tôi quyết định gọi gia đình ông hàng xóm trên núi là nông dân tự do. Họ có nghề nghiệp và công việc kinh doanh tạo thu nhập rất tốt, nhưng phần lớn thời gian sống thì họ lại là nông dân tay mơ. Ngày trước mồ ma partner của D. có kể cho tôi về cuộc sống kiểu này, tôi nghe ú a ú ớ cái hiểu cái không. Giờ thì tôi nhìn thấy tận mắt. Công nhận là hay! Nhưng phải nói ngay là thứ nhất cần phải có điều kiện tài chính để "chơi"; và thứ hai là đừng nhìn bề ngoài hay ho mà tưởng bở, kể cả là làm trang trại vui vui vậy nhưng cũng phải lao động cật lực chứ chẳng chơi. 

(4)

Trong chuyến đi nhà núi lần này, tôi có dịp nói chuyện với hàng xóm Scott dưới đường cái to. Ông này bị tai nạn lao động xong thì thành người khuyết tật với tính tình rất quái. Ông tự tiện đi cắt cây lấy gỗ nhà hàng xóm làm củi đốt mùa đông, chẳng hàng xóm nào buồn trách, kiểu thôi kệ gã. Nhà ông nhìn khá hơn cái chuồng gia súc để hoang một tý xíu, nhưng trên mái lại hoành tráng một dàn pin mặt trời. Bà vợ, người tôi đến giờ vẫn chưa rõ mặt mũi ra sao, rất chịu khó trang trí sân nhà. Gọi là đủ hoa đủ hoét với một đống đồ trang trí chất liệu gỗ hay gốm gì đó, hôm nay con cú ngày mai con gấu. Mới đây nhất bên hông nhà còn xuất hiện một cái xe mô-tô nước cũ hoèn, chẳng rõ vợ chồng ông kiếm được ở đâu ra. 

Hôm kia gặp Scott, chúng tôi nghe ông hỉ ha khoe thành tích "Thu Cúc đi kiện" là được hứa hẹn khoản đền bù 10 triệu đồng tiền Mỹ. Tính ra sau thuế và phí luật sư thì ông được cỡ một phần ba món đó. Tôi tò mò, có tiền hẳn ông hàng xóm này sẽ xây nhà mới nhể. Còn bạn đời thì bĩu môi, nói thế thôi chứ biết bao giờ có tiền. Ừ thì cứ gọi là happy với một phóng tưởng, tại sao không.

(5)

Phần lớn thời gian, chúng tôi tự nấu nướng. Vì để tranh thủ thời gian làm việc ngoài trời.

Lần duy nhất đi ra ngoài là cho bữa trưa ngày mưa gió, ở Blue Berry Hill. Tôi tranh thủ kiểm tra kệ hàng, các chai tương Huy Fong đã biến mất dạng. Vậy là suy nghĩ của tôi về một cuộc "càn quét" tương ớt xem ra đúng a.

Tôi bị bạn đánh chén cười nhạo, đã bảo mua lại không mua, giờ tiếc a. Không, tôi đâu có tiếc. Vì cái bạn tương ớt lỏng trứ danh đó tôi đâu có chuộng. 

Nhân chuyện tương ớt này, tôi rất chi là hoan hỉ vì nếu đột nhiên lên cơn thèm cay, cụ thể là nhớ nhung tương ớt, thì tôi đã có địa chỉ học tập làm món. Đó là hai hướng dẫn làm tương ớt, loại lỏng ăn phở và tương ớt-tỏi, của bác nhà báo, văn sĩ kiêm chủ bếp Mạc Lâm: tương sriracha ăn phở và tương ớt tỏi.

(6)

Chuyện cuối cùng tôi muốn ghi lại về chuyến đi lên núi lần này là về một ông hàng xóm đặc biệt. Ông này là anh vợ của ông drone - người có niềm vui đi dán poster sang cây nhà hàng xóm để cảnh báo anh em trộm gỗ và săn lậu, và cũng là một kiểu "tai mắt" trong khu láng giềng.

Bà vợ quá cố của ông drone và người anh em trai của bà là con của nhà sản xuất nước hoa lớn nhất xứ cờ-hoa. Họ không nối tiếp kinh doanh gia đình, giàu có với tài sản thừa kế nhưng vẫn đi làm ăn lương như người bình thường. Điều duy nhất phản ánh túi tiền to của họ là đất đai họ sở hữu ở góc này của Massachusetts. Và cả hai gia đình anh chị em nhà này có niềm vui to là tích cực mua đất, mua rừng. Vì một lý do rất đơn giản: ngăn chặn đám phát triển tới phá huỷ cảnh quan.

Về căn bản là họ thành công. Vì trừ nhà bà vợ goá ông giáo sư dưới núi, chỗ gần đường lộ to, bán nhà và đất cho tay broker ở NYC thì còn lại chẳng ma nào treo biển bán nhà bán cửa cả. Nếu không nói là còn rỉ tai nhau kiểu, ông bà bán thì ới tui nhá. 

Vì không phải lúc nào cũng có đất có rừng bán để mà đàm phán nên ông anh em vợ ông drone, giờ đã nghỉ hưu, có niềm vui hàng ngày là dẫn chó đi dạo. Chó không phải vợ chồng ông nuôi mà là được foster. Tôi ú a ú ớ, nói nuôi/đỡ đầu bọn trẻ con thì tôi biết, còn với thú cưng, tôi chịu.

Ông này chỉ con chó nhỏ dễ thương và giải thích, bạn cún 6 tháng tuổi và bị chủ abuse. Giờ chủ dứt khoát không chịu ký giấy cho chó đi, và trong khi chờ phán quyết của toà thì ông bà thẩm phán đã đồng ý cho trung tâm chăm thú cưng bị bỏ rơi hay bị hành hạ tạm thời chăm sóc bạn cún này. Trung tâm này gửi chó tới những thành viên tự nguyện, người cam kết chăm sóc chu đáo chó cùng với các biện pháp trị liệu [tâm lý].

Bà vợ ông chăm chó lại nói thêm về tình trạng tâm lý của cún nhỏ khi mới tới nhà ông bà, rằng đêm đầu tiên bạn này sợ hãi và đã được để ngủ chung giường với ông bà chủ ra sao. Rồi chuyện quay sang thành ông bà cần không gian sân chơi cho cún. Hai mẫu đất bãi cỏ vốn định mặc cỏ lớn rồi cho hàng xóm trên núi đem máy đến cuộn rơm để nuôi bò bê giờ cần được cắt tỉa gấp để cún có sân chơi. 

Hai ông bà nói gì với nhà hàng xóm trên núi tôi không rõ. Chỉ biết là sau đó một ngày, ông lão nhà ta quay sang thông báo với tôi, đất cỏ không đủ nhiều để tốn công mang máy từ Vermont về đây xử lý. Như thế có nghĩa là ông hàng xóm trên núi không cần động đến trảng cỏ nhà dưới nữa. 

Và cũng vì thế mà trong chuyến đi tiếp theo, đầu việc to đầu tiên chúng tôi cần thực hiện chính là chạy máy cắt cỏ a :-)

xuống lạch lấy đá cho vườn Nhật

hàng xóm mang máy cày xuống giúp đánh luống

tủ gỗ ông cố làm giờ dành cho người quan tâm

đến Blue Berry Hill ngó tương ớt Huy Fong: hết rồi

cửa hàng tiện lợi trong resort gần nhà
cũng là điểm bưu điện cho những người sống trong rừng, trên núi

có gì trong chén: bữa trưa bánh bèo làm mau

(1)

Cốt-lết kurobuta pork của Mazzeo bán ở Guido, phần diềm béo được thái nhỏ để riêng, chỗ nạc được cắt lát mỏng rồi bằm với hành hương, xíu muối, xíu tiêu xay, sau đó được trộn với phần diềm béo thái nhỏ kia.

Mộc nhĩ đã sơ chế được thái vụn, trộn với hỗn hợp thịt bằm, thêm vài giọt mắm cốt. Trộn kỹ rồi để sang bên chừng nửa giờ cho thịt ngấm thơm gia vị.

Bắc chảo làm nóng và xào thịt bằm. Thịt lợn ngon làm cho người đứng bếp theo đó mà hoan hỉ. Trước khi tắt bếp bắc chảo, cho xíu vụn hành xanh vô lấy sắc điệu đà.

(2)

Bột gạo Thái Lan hai thìa súp + tinh bột bắp chừng nửa thìa cafe + bột năng cũng chừng nửa thìa cafe. Một xíu muối. Rồi nước lạnh vô từ từ, khuấy bột. 

Ai hỏi tỷ lệ bột nước thế nào, bữa nay tôi thật thà, chịu. Tôi cứ làm theo thói quen mà thôi.

Trong lúc khuấy bột với nước, tôi thêm chút tinh bột nghệ tạo sắc vàng. Bột đó được để nghỉ cũng chừng nửa giờ.

Trước khi vô xửng hấp, bát bột được bổ túc thêm một hai giọt dầu ăn.

(3)

Bình thường làm món hấp bánh bèo, tôi cầu kỳ làm nóng trước các chén hấp, lau ráo rồi phết một lượt dầu ăn chống dính.

Lần này, cho bữa trưa hai người với sáu chén [bánh bèo hấp], tôi lười.

Nháo nhào nước sôi tráng một lượt mấy cái chén, dùng vá gắp khua khua cho nước ráo rồi xếp chén vô lửng. Đúng cữ một muôi canh nhỏ bột cho một chén hấp. Nhớ phủ vung bằng miếng khăn bếp để chống nước đọng rồi rơi xuống chén bánh bèo.

Hấp bánh. Đợi bánh nguội. 

(4)

Làm nhân thịt mộc nhĩ nhanh. Làm bột và hấp bánh nhanh. Sang đến làm nước chấm cũng mau lẹ chẳng kép.

Tỏi xứ này củ cứ gọi là bự, tép cứ gọi là khổng lồ. Pha một chén nước chấm mà tỏi chỉ cần đúng một tép. Thái lấy vụn tỏi thô tháo, cho vào khuôn ép, rụp một cái tỏi nhuyễn xuất hiện trong bát tô nhỏ. Cho tiếp vào bát nước mắm, đường, nước cốt chanh, dấm và tiêu xay cùng dúm nhỏ vụn ớt khô. Trộn đều và từ từ chêm nước, cho tới khi ưng ý là xong.

Cho món nước chấm tôi cũng chẳng màng tỷ lệ, cứ gọi là "theo mách bảo của trái tim".

Điều tôi ghi nhớ ở đây là vị nước chấm có chua dịu của dấm gạo cùng chút đỏng đảnh của chanh xanh - lime, vừa có vị [chua] và có hương [tươi mát], một của dấm một của chanh. 

(5)

Cho bữa trưa ngoài hiên, bày ra nào bánh hấp, nào nhân mặn thịt mộc nhĩ, nào nước chấm. 

À hình như thiếu cái chi chi.

Chạy ra vườn sau, thò tay qua rào ngắt mấy cọng mùi tím, rồi thêm một lá bạc hà rừng. Rửa rau, dùng giấy bếp thấm khô, rồi tay dao thái mịn.

Rau đó rắc ở một góc của chén bánh bèo, một góc khác dành cho vụn thịt bằm rang với mộc nhĩ.

Nước chấm tuỳ ý ai thích nhiều ít thế nào thì tự phục vụ.

Thế là xong một bữa trưa sáu chén bánh bèo hấp cho hai kẻ ăn tham.

(6)

Tôi làm bánh bèo không ít lần. Lần nào cũng có chút cảm giác mới mẻ.

Hôm nay tôi thấy việc bếp thật tự nhiên, cứ tuần tự động tác này sau động tác kia.

Nếu được hỏi có gì không hài lòng, tôi ắt sẽ chỉ ra các một dãy gạch đầu dòng. Nào xửng hấp nhỏ nên không thể hấp được nhiều bánh hơn cho một mẻ nấu. Nào thịt bữa nay mình bằm vẫn chưa kỹ. Nào mộc nhĩ giá mà nhiều hơn thì hay hơn. Nào sao thiếu chút thịt tôm. Nào nào nào.

Nhưng bất luận thế nào thì chúng tôi cũng đã có một bữa trưa nhẹ nhàng và ngon!

6 chén cho 2 người: khi xửng hấp nhỏ, nồi nấu khiêm tốn thì
kẻ ăn tham tôi đây hoá thành người ăn nhã :-)

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

hai ông diệt côn trùng

Cho cả nhà biển và nhà rừng, ông chủ nhà gọi cùng một dịch vụ. Thường thì người đến làm mỗi năm là người quen mặt. Năm nay đặc biệt, ông đến nhà biển lạ hoắc; còn ông đến nhà rừng thì mang máng, tui đến đây một lần mấy năm trước.

Cùng một dịch vụ nhưng hai chi nhánh ở hai tiểu bang, hai ông có cách làm việc và nói năng thực khác biệt.

Ông nhà biển xách vào một cái bình nhỏ, ông chủ nhà nhìn thấy thì làu bàu sau lưng, ông vẫn đến đây bao giờ cũng mang bình bự. Ông dịch vụ chui xuống tầng hầm, ngó nghiêng các phòng rồi trèo lên tầng mái. Tất cả diễn ra mau lẹ. Hơn nửa giờ đồng hồ ông đã thông báo, xong.

Ông nhà rừng thì tỉ mỉ, nhẩn nha từng đầu việc, chu đáo hỏi han rồi còn giải thích kỹ càng về các giống côn trùng nguy hiểm. Nhà rừng có nhiều diện tích phải xử lý hơn nhà biển, nhưng đó không hẳn là lý do vững chắc giải thích tại sao ông dịch vụ mất đến hơn tiếng rưỡi thời gian để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

carpenter ant - lần đầu tiên được thấy ở nhà rừng

mỗi năm đón ông dịch vụ một lần

có gì trong chén: mỳ phở hải sản tuỳ hứng

Món làm ngẫu hứng nhân mua cod halibut làm chả cá viên thử nghiệm kết hợp hai loại cá này.

Nói là phở nhưng sợi bánh không phải là sợi phở dài [khô] quen thuộc. Chính xác thì là rice flake noodles hay như có người gọi tên tiếng Việt là bánh cuốn khô

Nước dùng được nấu từ vỏ tôm tươi + da cá halibut. Nước dùng được chêm muối, mắm cốt, xíu đường lấy ngọt cùng miếng dứa cho dịu chua và lát gừng tẩy tanh.

Nhân mặn có tôm, cá viên kiểu Nhật - theo thông báo trên bao bì -, cá miếng cod và halibut được ướp bột nghệ, mắm, muối, tiêu và phủ một lớp áo tinh bột bắp rồi chiên. 

Rau gia vị có hành và mùi.

Thời gian này tôi kiêng khem ớt quả tươi. Tương ớt trong bếp nhà có nhưng tôi cũng thật thà kiêng kị. Kết quả là ăn tô mỳ phở chan này, tôi chỉ rón rén một giọt mắm cốt cùng xíu xíu vụn tiêu xay để thêm vị đậm đà nơi đầu lưỡi.

Tô mỳ phở này được nấu chơi chơi, ngẫu hứng. Nhưng ăn thì là thật. Và vui vẻ ngon!

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

nhà rừng: chuyện cỏ cây

khi gió lớn, có liền các lớp sóng cỏ
(1)

Hàng xóm trên núi có bò mẹ [tương lai] và bê con đồng hành. 

Hàng xóm dưới núi để dành trảng cỏ cho hàng xóm trên núi bữa nào đem máy đến cắt và cuộn cỏ tích trữ cho bò bê khi đông về.

Và thế là cỏ cứ ngút ngây chuyển mình theo chiều gió. Khi có gió lớn, nhìn trảng cỏ tôi tức thì liên hệ đến các lớp sóng biển. Tôi có thể nhìn chuyển động này suốt cả ngày dài mà không chán. Nhưng đâu phải lúc nào gió cũng to, và thêm nữa là các đầu việc cần làm trên núi dài tít tắp a.

cây táo "cổ" đánh dấu lịch sử nhà rừng
(2)

Trong chuyến đi nhà rừng lần trước, có một bữa sớm mai tôi mò mẫm đi xuống bãi cỏ, chăm chăm nhìn mặt đất với hy vọng thấy được thyme cùng dâu Tây, cả hai đều là cây mọc tự nhiên. Mắt nhắm mắt mở thấy vài đốm sắc đỏ, hí hửng gần như là úp mặt vào đất, té ra không phải, đó chỉ là một loại cây cỏ dại có các đốm đầu lá màu đỏ.

Lần này tôi còn chưa chủ động tìm kiếm thì hôm qua trong lúc trèo lên lối đi dốc nhỏ cạnh nhà đã vô tình nhìn ra không ít dâu rừng. Quả bé tý xíu, chừng hạt ngô. Quả mọng và ngọt nước, khi có một vốc nhỏ liền lúc tống vô cái miệng kẻ tham ăn.

(3)

Cây táo do gia trưởng trồng cách đây hàng chục năm giờ bị khô hoại một phần ba. Phần còn lại hứa hẹn cho một mùa quả náo nhiệt.

Còn về đám cây ăn quả được trồng năm kia và năm trước, chỉ duy nhất có red delicious apples là cho trái. Còn lại từ lê qua đào đến táo mấy giống loại khác, hoặc im lìm hoặc vật vờ lá cuốn bệnh.

Ở tiệm cây, ông chủ nhà hỏi cô kỹ thuật. Cô hỏi lại, có phải ông trồng táo gần đào không. Đúng thế. Thảo nào. Rồi cô chỉ cho thuốc trị cùng lời dặn, cứ bình tĩnh, đâu rồi có đấy. Tôi đoán là cái sự đợi chờ này chắc phải sang năm mới cho câu trả lời.

trái dâu này

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2023

có gì trong chén: mô tả một món cơm rang leftovers

cơm rang leftovers
Cơm gạo lài từ đĩa đồ ăn tối của bạn đánh chén ở quán Thái trong thành phố biển. Ông lão xấu tính, khều rau và thịt gà nướng, còn cơm thì nói là để dành cho tôi.

Hành tây tím và hành tây vàng được thái hạt lựu, chờ chảo láng xíu dầu nóng thì cho vô xào thơm. Nấm baby mushrooms cũng thái chì được cho tiếp vào, lại đảo tới đảo lui một lượt. Tiếp theo là một cây lạp-xưởng bếp Thái, cũng là được thái hạt lựu, tham gia náo nhiệt chảo nóng. Rắc chút muối tỏi cùng tiêu xay lấy đậm lấy thơm rồi nhanh tay cho cơm vào chảo.

Cơm trữ trong hộp đóng khối, chẳng lo. Dùng vá nấu ấn nhẹ một hai cái, rồi nhiệt trong chảo tiếp tục làm các hạt cơm rã tơi. Xíu bột nghệ tạo màu, rồi ít ruốc thịt heo tự mình làm hôm trước. Ruốc vốn mặn nên về căn bản không cần thêm thắt muối tạo đậm cho cơm rang. 

Rau mùi ta ở xứ Tây to quềnh quàng, cọng chắc nịch, lá thì to như lá cần ta. Phần lá để sang bên, còn cọng mùi cùng hành lá xanh, cũng khổng lồ và vô cùng chắc chứ không mảnh khảnh dịu dàng như hành lá xanh mua ở chợ Hà Nội, được thái nhỏ và cho vào chảo chừng đôi phút trước khi tắt bếp. Điều này đảm bảo cọng mùi cùng hành lá vừa đem lại hương sắc cho món cơm, lại vừa đủ mềm nơi đầu lưỡi kẻ ăn.

Còn dư một đoạn dưa leo, vỏ được nạo bỏ, thân dưa được thái hạt lựu rồi làm bạn với lá mùi thái rối, tất cả để bên. Kim chi cải bắp lấy ra từ lọ một phần nhỏ như ý. Thêm cơm rang, thế là có một đĩa đồ ăn vui vẻ cho một bữa trưa trên núi. 

Nấm biến mất dạng trong chảo cơm rang nhưng tinh tế vẫn có thể được nhận ra trong khoang miệng. Hạt cơm đủ chắc đủ mềm, thơm hương rau gia vị cũng như vị nghệ. Ruốc đậm gặp lạp-xưởng ngọt dẻo. Tươi  mát mọng dưa leo và chua chua giòn giòn kim chi. Tất cả cộng lại, hài hoà, hoàn hảo!

Thứ Hai, 12 tháng 6, 2023

nhà rừng: dấu vết khu vườn cũ

Cây hoa lẫn trong cỏ và cây dại. 

Cuối xuân đầu hè, hoa nở thì tôi mới à, vỡ lẽ chỗ này vốn trước là vườn hoa.

Một vài gốc hoa được di chuyển sang chỗ khác. Còn lại sẽ nhường chỗ cho một vườn rau hè.



Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2023

belmont stakes: một vụ đặt cược

Tôi được rủ rê đi quán rượu cổ trong thành phố gắn với tên tuổi ngài văn sĩ O'Neill. Vốn không thích la cà mấy chỗ cứ phải nhe răng ra cười, tôi hỏi đáng đi lắm a, thì được trả lời ừ đáng lắm, vì bữa nay chúng ta đặt cược.

Cuộc đua bắt đầu đâu như 7:02 hay 7:05 tối. Chừng 6:30, bà con ngồi quầy bar nhốn nháo hỏi nhau, ai cầm giấy và bút chì. À, đây là chỉ người ghi cược.

Sau một góc giờ đồng hồ, hùng dũng hiên ngang một ông to con với mái tóc kiểu Karl Marx nhưng phần đỉnh đầu thì thoáng đãng hơn bước vào quán. Ông này ngồi phịch vào ghế quầy bar. Cô bartender đưa một tờ giấy, một cây bút và ông bắt đầu rồng bay phượng múa, viết ra một dãy tên chín thủ trưởng ngựa cùng chín miếng giấy nhỏ lần lượt ghi tên chúng để bên.

Bà con trong tiệm rượu giống bé ngoan làm theo lời Bác, người này sau người kia nộp ra mỗi vị 5 đồng để đổi lại việc thò tay nhặt một miếng giấy nhỏ. Tôi nộp 10 đồng cho hai người, úm-ba-la nhặt được Forte Hit Show.

Trên màn hình, Forte có tỷ lệ đặt cược cao hơn cả. Tôi bị doạ, nó mà thắng thì phải chi tiền bia. À, lệ của quán là ai thắng thì trả một vòng đồ uống cho bà con. 

Từ lúc bước chân vào quán tới thời điểm diễn ra cuộc đua, chúng tôi có gần một giờ tám nhảm đủ mọi chuyện, từ công thức coca cola + nấm + hành tây cho món brisket của tay trống The Reducers đến bây giờ trời chưa hẳn đã nóng qua nghị luận pháp đình. Sau đó thì chưa đầy hai phút dán mắt vào màn hình xem ngựa phi, xong. 

Forte về thứ hai. Thắng cuộc là một bạn ngựa có trainer là một quý bà. 

Nhìn trên màn hình bà con nhảy nhót ăn uống ầm ĩ, có mấy quý bà quý cô mũ mãng loè xoè to hơn cả cái ô che nắng ngoài hiên nhà nhìn vui và ngộ lắm. Tôi tính toán, để xem một đôi phút ngựa đua cho một dặm rưỡi dài, tính thời gian di chuyển đến trường đua, nghe hát hò phát biểu đến khi rời đi, chắc phải vài tiếng đồng hồ chứ chả chơi. Thế là được trả lời, thì đương nhiên, đây là một social event mà.

Nhìn lại, chúng tôi chui vào quán rượu, nói chuyện, bắt thăm đặt cược, xem đua, uống rượu mời miễn phí rồi lại cười nói tiếp... thế thì cũng là một social event nhể :-)

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2023

không tương ớt con gà, mình vẫn sống khoẻ

cái hũ rỗng này...
tương ớt-tỏi này, tôi thích :-)
Tôi không phải là fan của tương ớt con gà Sriracha - Huy Fong. Và tôi hẳn chẳng biết gì về "khủng hoảng" khan hiếm tương ớt Huy Fong nếu không có chuyện ba tuần trước, Kenny - sushi chef ở Mystic - giơ bình tương lên và nói với chúng tôi, giờ không thể nào đặt hàng được món này. Chúng tôi hỏi tại sao, Kenny nói không biết. Còn ông lão nhà ta thì nói, hẳn là do hạn hán ở Mexico khiến thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Rồi ông bồi thêm phỏng đoán, cơ sở sản xuất kia hình như còn đang dính dáng kiện tụng nữa. 

Sau bữa tối đó một đôi ngày, tôi đi Asian Market ở Groton để mua mấy loại gia vị. Qua kệ đồ gia vị, tôi thấy một dãy hai loại sản phẩm của Huy Fong: bình tương lỏng và lọ tương ớt-tỏi. Tôi chỉ cho bạn đánh chén, rồi tiện tay với một lọ tương ớt-tỏi và cười hì hì giải thích, vì giờ tui kiêng ăn ớt quả tươi nên có một hũ tương ớt-tỏi thế này sẽ rất tiện mỗi khi làm mấy món phở hay món chấm chi chi. Ở trên giá nếu tôi không nhớ nhầm thì có/còn phải tới chục bình tương lỏng cùng năm bảy lọ tương ớt-tỏi. 

Về nhà khui hũ tương nếm thử, tôi thấy rất ô-kê-la. Hai ba lần định quay lại tiệm ở Groton để mua thực phẩm và nhặt thêm một hai hũ tương loại này, hai ba lần chúng tôi lỡ kế hoạch. Đến hôm qua quay lại thì giá gia vị chỗ bày sản phẩm Huy Fong đã trống trơn. 

Tuần trước ở Blue Berry Hill bên tiểu bang New York gần nhà rừng, tôi đếm được gần chục bình tương ớt con gà loại lỏng. Lúc đó, bạn đánh chén xui, mua đi kẻo hết. Tôi bĩu môi, loại này tôi không thích. Giờ thì tôi tò mò lắm. Rằng thì cuối tuần này quay lại Massachusetts, dứt khoát việc đầu tiên tôi làm sẽ là chạy qua Blue Berry Hill ngó xem có còn các bình tương không.

Không phải là để mua, vì tôi dứt khoát không đắm đuối bạn này. Mà đơn giản chỉ là đo xem ở một trấn nhỏ thiếu vắng các khuôn mặt Á Châu, trong một tiệm Mỹ, liệu có cuộc "càn quét" tương ớt con gà không :-)

Rất nhiều năm về trước, có lần tôi hóng hớt một cuộc thảo luận về quan hệ cái ăn cái uống và ổn định chính trị-xã hội. Tôi quên tiệt những ví dụ từ Châu Phi, nhưng rất nhớ chuyện nhân dân Ai-Cập khó chịu thế nào khi phải mua đường theo hạn định và người xứ Ấn bức bối ra sao khi củ hành tây vừa trở nên khan hiếm vừa có giá trên trời. Với một người sống ở Việt Nam không có thói quen ngồi rung đùi uống trà bạc hà ngọt lừ hay nấu đủ kiểu loại sauces với rất nhiều hành tây tạo ngọt, chuyện thoạt đầu thực kỳ. Sau này, phải tự xoay sở phục vụ bản thân trong đường ăn uống, rồi thêm vài trải nghiệm này nọ cũng như đọc biết nhiều chuyện của/từ thế giới xung quanh, tôi mới vỡ lẽ, cái sự ăn sự uống có quan hệ mật thiết với khía cạnh khác của đời sống xã hội và môi trường thiên nhiên. 

Tất nhiên là tôi chẳng dở hơi mà liên hệ sự thiếu hụt và thiếu vắng món tương ớt con gà trứ danh trên các giá kệ hàng với một tình trạng bất ổn nào đó ở xứ cờ-hoa này. Nhưng tôi tưởng tượng, có thể sẽ có nhiều vị chủ các tiệm ăn than phiền, có thể sẽ có nhiều người ăn quen mồm quen miệng không tương đời không vui. Tôi không ở trong số người đó, nhưng nếu có thể mua một hũ nhỏ tương ớt-tỏi hiệu Huy Fong thì tôi sẵn sàng móc ví thanh toán liền tay a :-)

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

muống trắng và sả chanh: điều ta nhớ, cách ta nhớ

lần đầu biết thế nào là sả chanh
lần đầu trồng sả chanh
(1)

Con gái nói chuyện với Mẹ, khoe thành tích tập tành trồng rau muống. Bà cụ già nhìn các thân rau đứng thẳng tắp thì bảo, đúng ra phải cắm nghiêng. 

Sau cuộc trò chuyện với Mẹ, đầu tôi như được bật công tắc, đột nhiên xuất hiện một loạt hình ảnh, chính xác hơn là tựa như một cuốn phim quay chậm, về cuộc sống xóm nhà cấp 4 tập thể trường Kinh tế Kế hoạch (nay là Kinh tế Quốc dân). 

Đất đánh luống và cọng rau - hồi đó thường là muống tím, muống thân xanh đậm chứ không phải muống xanh, muống trắng cọng mảnh mai và xôm xốp như bây giờ - được các bà nội trợ ngoài giờ cắm đều tăm tắp, tất cả đều theo một độ nghiêng nhất định. 

Ngày xưa nghèo, mang tiếng là giáo viên đại học nhưng hầu như nhà nào nhà nấy đều phải tranh thủ "tăng gia", nuôi con này trồng cây nọ. Rau muống ngày đó luộc lên, nếu có nước chấm pha cầu kỳ với chanh vắt và mấy lát ớt thái mỏng cùng tỏi đập dập thì là sang lắm. Nếu không thì chỉ là nước mắm mặn chát chúa xíu xíu với một hai tép tỏi đập dập. Tôi nhớ có nhà Bác Giàu thuộc dạng giàu nhất nhì xóm, con gái út nhà Bác là Chị Hương hầu như tuần nào cũng có tiết mục chẻ rau muống. Một que tre hình như chiếc đũa với nửa cái manh-xa-lam (dao cạo râu) được khéo léo cài vào, rồi dao tự tạo đó lướt vèo cho ra các sợi rau thanh mảnh mau cuộn lại tròn vo. Tưởng là rau chẻ cho mấy món "ăn tươi" kiểu canh riêu hay bún chả chi. Ai dè rau chẻ cùng mấy món rau thơm này nọ và vài cọng giá đỗ làm thành món ghém ta đây ta đứng một mình. Ấy mà ngày đấy, vậy cũng là ăn tươi đi :-)

(2)

Ông lão nhà ta cần đi tiệm cây tìm mua giá đỡ và bạt phủ vườn cho tiết mục trồng cà chua, tôi ngồi nhà buồn thì lẽo đẽo đi theo. Đến nơi, đồ vật mua thì ít mà cây thêm thắt giống này loại nọ lại nhiều. Trong số các cây tôi nhặt, có một chậu verbena

Tôi đọc tên cây, à verveine, à sả chanh. Tên cây tôi biết, nhưng nhìn thấy cây thì đây là lần đầu. Và rồi tôi nhớ ra một dãy chuyện cũ.

Lần đầu tiên tôi biết đến verveine là ở dạng lá khô được dùng làm trà thảo mộc. Ở nhà Cô Barbara tại Paris. Bữa đó, tôi được mời trà lá cùng mấy món bánh kẹo do bạn của Cô gửi từ Liban qua. Sau này rất nhiều năm tôi mới biết thêm nhiều chuyện về mấy món đồ ngọt đặc sản này cùng các địa phương gắn liền với chúng, và mới hiểu tại sao cô chủ nhà lại nâng niu cái hộp quà như là bảo vật và thì thào nói với tôi bữa đó, hôm nay là dịp đặc biệt nên tao dứt khoát phải mời mày các món này. 

Chừng mười lăm năm trước, tôi bỗng dưng phải lòng hương sả chanh trong các sản phẩm của nhà Occitane. Liền tù tì mấy năm liền, trong nhà Hà Nội luôn phảng phất hương này, từ xà bông rửa tay trong bếp qua mấy đồ thanh tẩy cơ thể trong nhà tắm. Có sản phẩm tôi mua ngay ở Hà Nội, có sản phẩm là do TA, người chiều cái tính đồng bóng của tôi, gửi về từ Paris mỗi khi tôi đòi. 

Rồi thế nào nữa thì tôi quên. Mấy năm rồi, hình như với quá trình tôi-đang-già-đi, câu chuyện về các tầng hương vẫn là quan trọng với tôi nhưng không còn theo cách cũ. Càng lúc tôi càng được thuyết phục rằng hương vị tuyệt vời nhất chính là huân hương tự nhiên. Từ Mẹ thiên nhiên!

(3)

Muống trắng và sả chanh, chuyện cũ và mới hoá thật nhiều.

Tôi tin rằng chúng ta luôn có nhiều phiên bản cho cùng một sự kiện. Ở mỗi thời điểm, nhắc về một chuyện cũ, chúng ta có một câu chuyện kể cùng một lối kể chuyện riêng. Tuỳ thuộc vào cảm trạng của chúng ta ở thời điểm nhắc nhớ chuyện xưa. Tuỳ thuộc cả vào những ấn định giá trị hay có khi là cả một dạng kỳ vọng hay thậm chí nặng nề hơn là "ảo tưởng" về/cho bản thân trong chính chúng ta. 

Ngày hôm nay, ở xứ người, tôi nhớ lại mấy chuyện cũ này. Tôi cố gắng khách quan nhất có thể, thật thà nhất có thể, với câu chuyện và với chính bản thân tôi. Nhưng ai mà biết được, có thể chính note nhỏ ngày hôm nay cũng là một tạo dựng về quá khứ mà sớm thôi chính tôi sẽ lại thay đổi thành một phiên bản mới.

Nhưng dù thế nào, có một sự thật là tôi đã từng sống qua một thời bao cấp nghèo khó nhưng ít nhiều con người ăn ở với nhau còn tử tế, cái liêm-sỉ vẫn còn có uy lực xã hội. Rồi nữa, tôi đã từng có một thời kỳ sống hời hợt với những dục vọng nham nhở, truy cầu các tầng hương với niềm tin chúng làm nên "căn cước" - cá tính - của tôi mà không biết rằng hương này sắc nọ xét đến cùng chỉ là phù phiếm vật ngoài thân. 

(4)

Tôi trồng rau muống chủ yếu là vì tiếc chỗ cọng thân. Thêm nữa là tò mò, nghịch ngợm. Còn vì rau muống đắt mà con giời muốn trồng để có rau ăn, tiện đường tiết kiệm, tôi không dám nghĩ xa đến vậy.

Tôi mua cây sả chanh vì lúc đó bỗng nhiên cao hứng, bỗng thấy yêu thích vị lá nhỏ bị vân vê một hồi. Mua về rồi, tôi không giống như trong nhiều trường hợp hậu-mua-đồ-vật là ngồi thuỗn mặt mà tiếc sao mình bốc đồng, sao mình phung phí. Tôi thấy vui vẻ, tự nhiên và giản dị thế. Chốc lát sau đó là cái màn bỗng dưng nhớ chuyện cũ xưa, bỗng dưng có dịp kiểm điểm một đoạn thời gian sống phù phiếm, truy cầu hương này vị nọ hình kia.

Nhưng một lần nữa, ai mà biết được. Sự kiện tôi trồng rau muống và mua cây sả lần sống này, rất có thể đến một ngày kia, khi nhìn lại, tôi lại nỉ non ra một đống chuyện kể mới hì :-)

verbena / verveine / sả chanh

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2023

trồng rau cần mấy công phu

mẻ cây giống đầu tiên mùa hè này
Khuông vườn nhỏ được chỉnh trang để ưu tiên chào đón các bạn cà chua, xà lách, đậu đỗ, và có thể muộn hơn là ớt. Còn lại, tôi tuỳ hứng vài bữa lại kiếm một cây nhỏ để trồng trong chậu di động. 

Sau hơn kém một tuần khởi động victory garden, giờ tình hình các bạn rau trong chậu của tôi ra sao?

Gừng nhú mầm lên được thêm chừng 5cm thì bị con của nợ nào đó vào phá tung toé đất trong chậu, mầm gừng bị bẻ quẹo nằm lăn lóc một xó. Tôi không rõ chỗ thân củ vùi trong đất có còn đà sống để cho mầm mới không. Có lẽ tôi phải tính tự mình ngâm gừng lấy mầm trồng cây mới. 

Hành hoa và mùi ở trong chậu cũng bị tàn phá, song mức thiệt hại thấp hơn. Bạc hà rừng đánh về từ nhà trên núi cũng nghiêng ngả một cây trong cái chậu bị bới loạn xà ngầu. Tôi kiếm được miếng gốm bao cây, đặt đại lên chậu hầu tránh con vật phá hoại vọc chân vào. Sau một đêm chạy ra ngó, có vẻ hiệu quả. 

Riêng mấy bạn bản địa - hương thảo, húng Tây, thì là và cải rocket - thì con kia không rờ tới. Tôi mà gặp nó dứt khoát sẽ hỏi tại sao :-)

húng Thái mình cảnh giác tạm để trong nhà

đây rocket

kia thì là

bạc hà rừng từ rừng xuống biển

húng Tây và hương thảo, chẳng hề hấn chi