Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

tỏi nhà ta, tỏi nhà ông cha

tỏi bé tí hon nhà mình
cạnh hai bạn tỏi quà từ vườn hàng xóm
(1)

Thấy tôi lặp đi lặp lại thái độ bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Father Mark như một thợ làm vườn giỏi giang, bạn đời bĩu môi, ông ý có làm gì đâu.

Nghĩ thì ờ, đúng vậy a.

Hình ảnh về ông cha hàng xóm có liên quan tới mấy khuôn vườn của ông mà tôi lưu giữ trong đầu hoá ra luôn là ông đang giới thiệu về cỏ cây hoa lá hay lũ ong nuôi; ông đang nhổ, hái rau này củ nọ để cho chúng tôi mang về nhà; ông giải thích về tên gọi của một giống loại cỏ cây nào đó và/hay cách trồng, chăm sóc và thu hoạch chúng. Nếu có hành động liên hệ trực tiếp tới hoạt đồng vườn tược thì là ông ôm một cái lọ to tướng với lổn nhổn trong đó vỏ trứng, rác rau củ tích từ bếp trong nhà giờ được mang ra để vung vãi trên nền đất vườn rau.

Việc làm vườn căn bản là do em trai của Father Mark, Brother Luke, đảm nhiệm. Ngoài ra còn có một cô tín đồ kiêm thợ vườn chuyên nghiệp hàng tuần tới kiểm tra, giám sát và can thiệp này nọ. 

(2)

Ngày 1 tháng Bảy là ngày Father Mark thu hoạch tỏi vườn nhà. Lúc đó chúng tôi còn đang ở trên núi.

Trở về nhà biển, tôi há hốc mồm nhìn đám tỏi được dỡ và phơi trên bờ rào vườn nhà hàng xóm. Sao mà to!

Nhìn lại mấy bụi tỏi có hai năm tuổi của ông lão nhà ta, tôi chẳng buồn phóng tưởng chúng sẽ ra sao, các củ tỏi sau khi được thu hoạch nữa.

(3)

Tôi ra vườn ngó một cái. Cỏ dại và cả cây hoa lấn lướt nhà tỏi. Thôi thì mình đây cũng phải thu hoạch tỏi thôi.

Thành quả lao động của ông lão nhà ta xem ra thật là khiêm tốn.

Tỏi được phơi, bên cạnh hai bạn quà từ ông cha hàng xóm. Nông dân tay chơi tôi đây ngắm chúng và hi hi ha ha cười, tỏi nhà ta đấu sao lại tỏi nhà ông cha a :-)

thế này mới gọi là trồng tỏi chứ!
vườn nhà ông cha hàng xóm

các sắc hoa rau

 

cải rocket

cà chua

đậu đỗ


ngổ

thì là

chuyện hai vườn rau

Vườn rau trên núi có thêm nhiều thành viên mới. Bên cạnh mấy gốc cà chua được trồng lần trước, trong chuyến đi nhà rừng lần này, ông chủ nhà trồng thêm dưa chuột, bí ngô, ớt và một hai giống loại gì đó mà ông kể tôi nghe liền quên. Mấy cây phúc bồn tử xin từ vườn nhà Father Mark dưới thành phố biển có vẻ sống tốt, sống khoẻ trên núi.

Dưới nhà biển, chuyện trồng rau và ăn rau thực hài hước. Chúng tôi thường đi Massachusetts nên bỏ lỡ cơ hội hái và ăn lá cải rocket từ vườn nhà. Giờ mấy cây rau đều bung hoa và đậu quả, hoa và quả lấn lướt lá rau. Trong vườn phong phú sắc hoa, từ đỏ chúm chím đậu đỗ tới trắng gạo của cải rocket, qua vàng dịu của cà chua tới vàng thổ của đám hoa bí khề khà trên nền miếng lót vườn. Ong từ nhà ông cha hàng xóm líu ra líu ríu xung quanh các tầng hoa, nhìn rất vui mắt.

Tôi có mấy bài học to từ vườn rau năm nay: không cần mua quá nhiều cây giống mùi [ta] và hành lá, vì khi chúng lớn thì cái dạ của tôi đuổi theo không kịp. Nhìn rau mùi và hành xanh vì không được cắt kịp thời trở nên già cỗi và ngả sang sắc vàng, tôi sốt ruột và tiếc của giời lắm. Thì là và húng Thái tôi nghĩ cũng không cần mua về trồng. Đúng là có rau gia vị đó trong vườn đó thật tiện lợi, nhưng tính nhẩm thì số lần tôi dùng đến húng và thì là không phải là nhiều. Đó là chưa kể, không rõ do khí hậu hay thổ nhưỡng chi chi mà vị của thì là và húng Thái đặc biệt đậm sâu quá mức, kết quả là trong các món ăn, chúng áp đảo hương vị của tất cả những thành phần nguyên liệu và gia vị còn lại.

Đám rau bếp ta được trồng kiểu tận dụng và tranh thủ - rau muống giâm cành, răm và ngổ cùng kinh giới ngâm nước bén rễ thì chuyển sang chậu đất, sả cũng tương tự như hai bạn vừa kể tên - cũng như cây giống được mua - gừng trồng bị con gì nó gặm được vùi lại trong đất với hy vọng sống sót, chanh Thái mua một cây đắt lòi-tù-và mở hộp ra hoá thành hai cây con -, tất cả đều chầm chậm lớn. Tôi bắt đầu tính toán, hẳn sang tháng sau mình có thể hái nắm muống trắng đầu tiên.

không chỉ là cà chua :-)

phúc bồn tử xin từ vườn nhà ông cha hàng xóm

con gái của Mẹ giỏi ra phết: muống trắng này :-)

trồng rau kiểu "tranh thủ": ngổ và kinh giới
cành ngâm nước, chờ bén rễ rồi thì cho ra đất

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

có gì trong chén: miliket & tri-tip steak

Tô mỳ leftovers 🍜

Miếng tri-tip steak nướng áp chảo còn dư bữa trước được lấy ra khỏi hộp để trong tủ mát. Dùng dao thái chéo thành các lát  mỏng. Cũng giống như mấy món xông khói nhà làm, khi được để lạnh thì hương vị của thịt bò nướng áp chảo này càng trở nên đậm đà. Và thích nhất là phần giữa của các lát thịt lộ ra sắc hồng coi rất hấp dẫn. 

Cải chíp trắng nếu là trong tô mỳ ở quán Thái thì luôn là cứ nguyên rau vậy được chan nước dùng nóng dzãy, ai quen không sao, phải tôi thì mặt nghệt, ơ kìa mình ăn rau sống sao. Có lẽ vì bị ám ảnh bởi món rau gần như là sống này trong tô mỳ Thái mấy tuần trước, bữa nay nấu món, tôi quá tay chần/trụng cải, kết quả là rau chín kỹ quá. Hơi dở!

Miliket-Colusa nửa gói hiệu Hai tôm hương vị tôm chua cay, nửa gói trước cùng gia vị đã chui vào dạ từ bao giờ chẳng nhớ, còn nửa gói thuần sợi mỳ đóng bánh này, tôi trụng qua nước sôi để tẩy dầu mỡ. Sợi mỳ đã ráo được cho vào đáy tô. Nước dùng nóng được chan lên. Sợi mỳ vừa chín tới, sần sần dai, rất thích! Không rõ có phải vì trên bao bì có ghi chú nào sản phẩm cao cấp, nào for export only nên tôi có chút cảm giác, cũng là Miliket mà mua ở bên này ăn nó đỡ "nặng nề" so với mỳ gói mua ở Việt Nam. 

hai tôm sần sật dai vừa chín tới, bò nướng leftover,
cải chíp trắng chần quá tay hơi nát
bù lại, tô mỳ có trái ớt vàng ngâm chua cay cường vị

bobcat, gấu đen và một ông bị cớm rượt

(1)

Dân Mỹ nhiều người thích hoạt động ngoài trời, rất chịu khó dã ngoại, cả đi xa lẫn đi gần. Hôm rồi có nhóm người cắm trại ở một công viên, bên bờ Connecticut River. Mọi chuyện tưởng tốt đẹp, cuối cùng hoá thành thảm. Không đến mức chết người nhưng có hai vị bị bobcat tấn công và bị thương nặng. 

Lão Tiên sinh đọc tin xong kêu ầm ĩ. Tôi bảo, thứ nhất là ông đã lâu không chơi kayak, thứ hai là có đi nữa thì là ông ra biển chứ mò mẫm gì ở bến sông mà lo con mèo to nó tấn công. Ông lão trả lời, thì biết vậy. Nhưng bọn mèo nó vào thành phố thì sao. Ừ nhỉ.

(2)

Xóm núi từ lâu sôi nổi bà tám chuyện gấu. Có người nói một con, có người nói hai con, có người nói có cả một gia đình gấu.

Chuyện bị gấu tấn công thực thế nào chẳng rõ, nhưng thì có đến cả đống. Lần trước đi nhà rừng, khi lên nhà hàng xóm đốt lửa, tôi nghe ông chủ nhà kể chuyện hết mực sống động, rằng thì là mà có ông đi dã ngoại, ngồi gặm bánh kẹp, có gấu kia đi tới, ông này dứt khoát không nhường thức ăn cho gấu nên bị nó tát cho sém chết. 

Rồi gấu từ đâu xuất hiện ở góc này của Massachusetts cũng là một chủ đề kéo theo cả một núi lý giải sặc mùi thuyết âm mưu. Trong đó nổi bật hơn cả là chuyện từ rất nhiều năm trước, ở vùng ven của Boston có bà nhìn thấy gấu liền báo sở cẩm. Nhà chức trách túm được gấu, bàn tính thế nào thì mang nó về khu vực giáp ranh này giữa hai tiểu bang để thả gấu với cái lý, ở đó ở đây nhiều rừng.

Rừng đúng là nhiều thật nhưng mấy ông bà ra quyết định quên mất một chi tiết nhỏ mà cũng là to: trong rừng cũng có người sống a. Như vậy là gấu đến từ đâu chẳng quan trọng. Quan trọng là xóm núi này hầu như ai cũng có dịp chạm mặt hay nhìn thấy nó qua kiếng xe, qua camera an ninh. 

Ở xứ cờ-hoa, tôi chỉ nhìn thấy gấu đúng một lần và là từ rất xa. Đó là năm 2006, ở xóm dân hippie nghỉ hưu gần Alpine. Tôi nghe chuyện về gấu gần nhà rừng thì chỉ cười khì. Thấy nó qua camera lững thững đi trước nhà mới mấy tháng trước, tôi cũng cười khì. Nhưng nghe chuyện gấu tấn công người nhiều quá thì cuối cùng tôi hoá sợ. Sợ đến mức vừa mới hăm hở kế hoạch đi bộ đường rừng mỗi khi đi Massachusetts xong thì tôi cũng liền kết liễu nó.

(3)

Hôm trước, từ nhà rừng, bạn đời gọi điện kể cho tôi nghe một drama không đầu không cuối.

Trên đường đi Massachusetts, ông dừng lại ở Harford để đặt mua một món đồ. Ông nói gần tới khu mua sắm thì thấy rất nhiều cảnh sát và xe cảnh sát, ai ai cũng ngó nghiêng tìm kiếm gì đó. Khi vào cửa hàng, ông phát hiện không chỉ riêng ông mà khối khách hàng cũng đang thắc mắc, chuyện quái gì vậy. Ông quản lý cửa hàng nhanh nhảu mồm miệng, à chuyện là có một bé gấu đen ở trong thành phố, gấu ta lượn lờ tìm cách trèo cột chán thì lục lọi và đá văng kha khá món trên đường (hẳn là thùng rác đi).

Ông lão nhà ta rời khu mua sắm và quyết định thử một tuyến mới hướng nhà rừng. Chẳng may cho ông là ông bị lạc, và thế là ông phải dừng xe ở trạm xăng vừa là để đổ xăng, vừa là để hỏi thông tin. Ở đó ông tiếp tục nghe bà con sôi nổi bàn tán. Nhưng chuyện lần này là có một gã tội phạm bị cảnh sát rượt đuổi. 

Ông lão nhà ta thắc mắc, sao lúc trước tôi nghe chuyện con gấu. Có khách khác đổ xăng cũng góp lời, tôi cũng nghe là vậy. Vậy thì cảnh sát ra quân đông đảo thế này là tìm gấu hay đuổi người đây ta.

Kết quả là có ai đó trong đám khách đang đổ xăng và bà tám ở trạm xăng đề xuất một kịch bản sặc mùi âm mưu thuyết và hết mực hài hước: trên xe gã tội phạm đang chạy trốn kia có một con gấu, và cảnh sát truy đuổi, tìm kiếm đây là cả người lẫn gấu.

(4)

Tôi có một câu hỏi ngu ngốc dành cho lão Tiên sinh khi nghe chuyện có gấu trong thành phố lớn, rằng thì mấy ngài cảnh nhìn thấy gấu thì làm chi, bắn chết nó à? Ông lão bảo, ấy không không. Chắc là họ bắn thuốc mê chứ sao giết nó được. 

Tôi hi hi ha ha, à vậy chắc bước tiếp theo là lại thả gấu vào rừng gần xóm núi nhể. Ông bảo, ấy đừng nói xủi xui như vậy. Tôi lại hi hi ha ha tiếp, ở xứ tui thì đừng hòng. Linh miêu hay gấu có mà tuyệt chủng hết roài!

Kết thúc cuộc trò chuyện qua điện thoại với bạn đời xong, tôi mới ớ người. Ơ kìa, Harford là thủ đô [thủ phủ] của Connecticut. Hà cớ chi mà gấu lại được chuyển từ tiểu bang này thả sang tiểu bang kia nhể.

Thế nên, hẳn ông lão nhà ta có thể yên tâm không lo có thêm một cá thể gấu xuất hiện nơi xóm núi :-)

chẳng đi đâu xa, chuyện ngay trấn bên này :-/

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2023

ni dieu, ni maître: kết thúc một đoạn thầy-bà

kỳ học cuối cùng
từ trường ta ngó qua trường bạn
Hai thư điện tử được ấn nút gửi đi. Hành động nhỏ đánh dấu cột mốc to: tôi triệt để giải phóng bản thân khỏi các nghĩa vụ của/ở trường đại học, điều vốn được khẳng định từ lâu trên giấy tờ chính thức.

Và trong chiều muộn xám xít nền trời với gió và mưa đỏng đảnh chợt đến chợt đi của ngày hôm nay, không tệ chút nào nghe lại Léo Ferré (chứ không phải là La Canaille nhá - tôi chưa đủ cởi mở đến mức này).

(1)

Tôi bắt đầu hành trình thầy-bà của mình với tư cách trợ giảng cho một môn học mà nhiều người nghe thấy sẽ nhăn mặt, lắc đầu và có khi là lên cơn chỉ trích. Lớp học đầu tiên đó được tổ chức ở hội trường to, tôi cùng mấy đồng nghiệp trẻ lon ton chân chạy, phụ trách từng nhóm-lớp nhỏ. Sinh viên đều là dân tự nhiên, kỹ thuật. 

Có một chuyện hết sức thú vị là khi kỳ học chính thức kết thúc và tôi chuẩn bị nghỉ hè thì có hai bạn nhỏ sinh viên không rõ làm thế nào mò mẫm đến tận nhà riêng để "thăm cô". Hai cô gái với một quả dưa hấu to bự, thực hấp dẫn và hứa hẹn cho một bữa giải-khát ra trò trong tiết hè oi nực. 

Tôi ngạc nhiên lắm, và chẳng biết ai là ai. Cô này giới thiệu cô kia, em học trong lớp của cô, còn bạn em là sinh viên trường Tài chính. Ờ, rồi sao nữa. Cô gái giải thích tiếp, em kể với các bạn cùng trọ là học môn tư tưởng này không phải "đi phong bì", các bạn ý nhất định không tin. Vì thế, hôm nay em tới chơi cám ơn cô, bạn này đòi đi để xem mặt cô. Úi Giời!

Tôi không nhớ buổi thăm gặp với quả dưa hấu làm quà đó kết thúc như thế nào. Với tính của tôi thì khả năng cao là hai cô nhóc kia ra về hẳn có chút quà nhỏ kèm tay, như là cách tôi cảm ơn họ.

(2)

Tôi đi làm ở trường đại học theo kiểu "việc nó chọn tui chứ tui có chọn nó quái đâu". Gọi là sự sắp xếp của số phận đi!

Vô tư, được ai hỏi tôi cũng thật thà, em muốn "làm" về lịch sử tư tưởng Việt Nam hồi đầu thế kỷ [20]. Đó là cách nói của tôi cho một mối quan tâm cụ thể hơn: Cụ Nguyễn An Ninh. Tôi chẳng quan tâm tuồng Hai Bà Trưng ông viết, tôi cũng chẳng mấy để ý những diễn thuyết đình đám của ông. Lúc ban đầu, tôi chỉ là khoái chí so sánh văn lãnh tụ nhà ta với văn ông cụ này, khi được viết bằng tiếng Pháp. Chỉ thế thôi.

Tất nhiên là cái sự đặt vấn đề sặc mùi xỏ xiên, thậm chí còn bị coi là láo toét, phản-động của tôi khi đó rất mau giống như bếp than nhỏ bị dội nguyên cả thùng phi nước. Cả nước nghiên cứu tư tưởng của Người, cô cũng cần phải vậy.

(3)

Nguyễn An Ninh cứ thế bị quẳng ra sau gáy. Nhờ TA giúp mà tôi mần được liền ba bốn tập tài liệu, mỗi tập dày đến cả gang tay và đủ để làm hung khí gây án mạng, tập hợp bài vở của cụ Nguyễn. Sách vở này, tôi đã cho đi hết từ lâu rồi. Giờ trong nhà căn hộ tôi chỉ giữ lại đôi ba cuốn sách dạng tiểu sử, hồi ký liên quan đến Nguyễn An Ninh, những thư văn mà tôi không biết bao giờ sẽ đọc lại, chỉ biết là giữ làm kỷ niệm.

Làm chân chạy dưới danh nghĩa trợ-giảng đâu được đôi ba học kỳ thì tôi được ông thầy kiêm ông sếp phó giao nhiệm vụ, em phải làm thế nào nghiên cứu kết hợp được ba nội dung, tư tưởng Hồ Chí Minh, kinh tế và nghiên cứu giới và phụ nữ. Wow. Một món tôi đã đủ chết ngập, giờ còn là 3 trong 1. Tôi chạy mất dạng, và có vẻ như đó là một trong những lý do chính để tôi bị ghét về sau này.

Tất nhiên là trong một guồng quay mà cái đinh cái ốc nào cứ tìm cách vặn vẹo phóng mình theo kiểu của riêng mình sớm muộn cũng bị nhổ văng và vứt bỏ. Tôi vừa hèn vừa lười, thích sống yên ở cái ao làng chữ nghĩa chật hẹp này, nên bướng thì bướng mà thoả hiệp thì vẫn thoả hiệp. Và cứ thế, theo một cách vô cùng tự nhiên, tôi gắn với món chị em này.

(4)

Kết quả lao động, phần là đối phó kiểu có thành tích báo cáo chứng thực đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong bảng đánh giá kết thúc năm học, phần là do thực sự tôi yêu thích mà làm, tính ra không dày cũng chẳng mỏng.

Tôi không thích con người, không thích giao tiếp, vẽ rồng vẽ rắn oang oang cái miệng ở những nơi chốn tụ họp học thật học giả từ quốc doanh sang quốc tế - kiểu đại hội võ lâm các nhà tài trợ phát triển trong đó kiểu gì cũng phải có tiết mục tiếng nói của chị em - tôi lại càng ghét và cũng là không có khả năng. Niềm vui to của tôi là đọc, ngẫm nghĩ và khi có dịp thì viết, với một thái độ trung lập và khách quan nhất có thể.

Nhưng rất mau, tôi phát hiện sự vô tư đó chẳng có giá trị gì. Có bài vở trong sách được in ở cái nhà xuất bản to và oách nhất nước ư? Thoạt nghe hay đấy, nhưng nhìn kỹ mà xem, bài mình viết ra bị thiến hoạn đến thảm. Tôi thắc mắc thì được rỉ tai, nhạy cảm chị ơi. Giời ạ. Paolo Freire cả nước Việt Nam này tôi đoán chắc chưa đến mươi người nhắc tên, nhạy cảm cái con khỉ. Vâng, nhưng mà vì chị nói tới áp bức, tới tự do... thành ra là nhạy cảm. Tôi thua!

(5)

Tôi có một kỳ lên lớp ở học viện đàn bà. Lớp học trang bị hiện đại với rất nhiều tóc tai thiếu nữ từ đen tới nâu vương vãi sàn nhà. Học trò số đông là cử-tuyển, đi học không ngủ gà ngủ gật thì là lâng câng láo cáo, một vài cô bé xinh xinh thì chia sẻ giữa hai phong cách hót-gơn phóng khoáng và tiểu thư ngôn-tình Lâm Đại Ngọc thời 4.0.

Tôi mau gạt bỏ cơn chán nản, quyết chí tranh thủ thời cơ khám phá một thế giới tuổi-trẻ mà trước nay ở trường đại học của mình tôi gần như không thấy có. Kỳ học kết thúc, tôi bắt đầu thấm thía cái ý tứ trong nhận xét nơi cửa miệng vài người mà trước đó tôi nghe dứt khoát không hiểu, đại ý là cứ phải là con cái bọn quan chức địa phương mới là khiếp. 

Cũng ở viện đại học chị em này mà tôi càng chắc nịch cái cảm giác và sau thành quan điểm cá nhân của mình: rất nhiều người, nhiều kẻ nhân danh vì và cho người yếu thế thực chất là những người, những kẻ kiếm chác lợi lộc cho bản thân. Tiền đổ cho nghiên cứu và/hay dự án [hỗ trợ] phát triển, người nghèo, phụ nữ và giới... tôi đảm bảo nếu được bạch hoá thì cứ gọi là khối tổ chức, chương trình, dự án, đề tài này kia chi nọ có vấn đề to về tính giải-trình.

Câu chuyện chị em mà tôi vô tình gắn mình vào cứ thế theo năm tháng trở thành một dạng routine. Không đến mức làm cho xong việc, nhưng mỗi khi bắt đầu một lớp học mới, tôi luôn tự nhủ, không bất ngờ, không thất vọng. 

Và phần thưởng tôi nhận về xem ra không tệ. Bất chấp một số không nhỏ bạn trẻ sống gấp gáp chỉ muốn đi tắt đón đầu và nói, làm những điều vĩ đại, chỉ quan tâm sau này có cơ hội làm việc ở mấy khu phố Phan Đình Phùng, Trần Bình Trọng hay Nguyễn Phong Sắc, vẫn luôn có vài cô vài cậu chân thật suy nghĩ của mình, dám thắc mắc, dám hiếu kỳ. Tôi không dại dột gì mà xui họ dấn thân tuổi trẻ, càng không vẽ ra những ảo mộng to lớn về sức mạnh tuổi trẻ này kia chi nọ theo lối diễn ngôn đoàn đội, đơn giản tôi chỉ nói, thật là tuyệt khi có một lúc nào đó mình được tự do là mình, từ nghĩ tới biểu đạt.

(6)

Bài luận được sinh viên gửi qua mạng nhện có hai phần. Một bình luận về chương sách của Pettus, một là viết theo chủ đề tự chọn. 

Hơn ba chục bình luận chỉ có nhõn một cái là thực thà thắc mắc, bày tỏ một chút không đồng tình với tác giả. Còn lại là tán dương bét nhè. Tôi đọc mà cười ha ha ha như một con mụ dở. Học trò giờ hay, rất chi là hợp thời

Viết theo chủ đề tự chọn thì còn hài hước hơn nữa. Đọc các bài viết mà tôi gặp được cả một đống người quen và/hoặc biết. Văn chương giáo sư, nhà báo, nhà hoạt động nữ quyền, cán bộ lãnh đạo hội đàn bà, ông bộ này bà ban nọ cứ gọi là chen chúc trong một đường hầm tư tưởng. Tôi kính phục các bạn trẻ này, Quá tự tin, quá "ngạo nghễ" - nói nhại theo ý kiến tung hô một thời "chuyến bay giải cứu".

(7)

Tôi không bực, phẫn nộ lại càng không.

Sinh hoạt trí thức xứ mình nó là vậy. Tôi đây bài vở còn bị giáo sư, thầy hướng dẫn của bạn bê nguyên mấy chục trang từ kỷ yếu hội thảo sang sách in bởi nhà xuất bản của đảng ta kia kìa. Hôm nhìn cuốn sách có bài của mình mà không có tên mình, tôi choáng lắm. Biết chuyện, D và mồ ma partner bực và thắc mắc sao tôi không có hành động gì vì sự liêm-chính. Các ông anh hỏi, con em xin trả lời, dạ em ngại. Vì bạn viết chung bài là học trò của một trong hai vị đứng tên sách. Vì hai vị kia, một ông là tốp-tem giới nghiên cứu làng xã ở Việt Nam, một ông vừa là con rể của một ông quan lý luận lại vừa chính ông cũng là một lãnh đạo cơ quan lý luận, tôi bày tỏ ý kiến thì ngang với lấy đá đập đầu mình à. Bỏ đi!

Tôi nghĩ về các bạn nhỏ thì chỉ thấy tiếc, việc nhỏ làm chưa xong thì sao nói mấy việc to tát a.

Nhưng mà thôi, thế giới ngày nay nổi bật xu hướng càng to mồm, càng nói lời to tát thì càng là dấu chỉ thành công, càng có cơ hội thành đạt. Lựa chọn sống, từ lối qua cách tới đạo lý, là chuyện của riêng mỗi người.

Tôi đã kết thúc hành trình thầy-bà của mình như vậy!

chuyện hè về mình hoá bí ngồi và một món cơm hấp zucchini thơm hương olive oil

mùa "rau cho-rau xin" bắt đầu như thế này 
từ Father Mark
(1)

Theo lời kể của bạn đời, nhà Jacobs ở gần chân núi có ông bố, đã qua đời từ lâu, hàng chục năm trước là một khuôn mặt lớn trong làng báo chí Bờ Đông, nhất là ở NYC. Khi về hưu, ông chuyển đến sống ở góc này của Massachusetts, và do thói quen nghiệp thì trở thành tay viết kiểu tay chơi, đóng góp bài vở thường xuyên cho chuyên mục văn hoá của một tuần báo lớn ở/của Pittsfield. 

Ông cụ dân thành phố này quan sát tỉ mỉ người địa phương là một chuyện, mặt khác ông không bỏ qua đám người thành phố có nhà nghỉ ở xó nhà quê và vào mùa hè về đây tập tành làm nông dân như thế nào. Và thế là qua các bài viết của mình, ông để lại một mô tả vừa chính xác vừa hài hước về những bác nông dân tay mơ đến mùa bị ngập trong cà chua, trong bí ngồi và chạy loanh quanh nhà này cho quả nhà kia, một hồi thành trái quả rau dưa thu hoạch hoá chạy vòng vòng. Mô tả này hàng chục năm sau tôi thấy cứ như là được lấy ra từ thành phố biển mùa hè vậy. Ai ai cũng hỏi, ăn bí ngồi không, ăn dưa leo không, ăn cà chua không... Người hỏi dư rau củ quả. Mà người được hỏi tỷ lệ cao là cũng đang loay hoay chẳng biết làm sao với thành quả thu hoạch từ vườn rau mùa hè. 

(2)

Mùa hè ba năm trước ở thành phố biển, chúng tôi ăn "bét nhè" rau từ vườn ông cha hàng xóm. Ông cha chỉ "ki-bo" giữ lại đám tỏi thu hoạch vào ngày đầu tiên của tháng Bảy, còn lại từ rau đến củ qua quả và thảo mộc các loại, ông vẫy tay mời chào nhiệt tình. 

Tôi cầm kéo sang vườn hàng xóm cắt oải hương, thò tay ngắt một đám lá thơm các loại, có bữa thì là ngó nghiêng tìm phúc bồn tử chín để vặt. Rau chủ động xin chủ yếu là diếp và cải rocket, mỗi khi trong bếp nhà có đứa dở hơi cao hứng muốn làm món cuốn mà thiếu hay không đủ rau. 

Sang đến cà chua và bí ngồi thì... chà chà chà, được cho theo kiểu "bị cưỡng bức". Chúng tôi được cho nhiều đến mức trong mấy tuần thời gian tôi còn sợ bị hàng xóm nhìn thấy. Chỉ cần thò mặt ra vườn mà có ông ở đấy, tức thì con giời bị gọi lại và... được cho rau. 

Ở trên núi, hàng xóm nhà cách nhà tương đối xa nên cơ hội hay nguy cơ được hay bị cho rau không quá cao. Còn ở đây thì...

Có lần tôi vẩn vơ nghĩ, nếu mồ ma ông cụ nhà báo kia còn sống và nhìn thấy cảnh giao lưu rau hàng xóm thị dân, chứ không phải là giữa dân thành phố và dân xóm núi, thì ông sẽ có một chuyện kể như thế nào nhể. 

(3)

Hè năm nay, tỏi vườn nhà ông cha được dỡ vào ngày 1 tháng Bảy. Khi chúng tôi từ nhà rừng về lại thành phố biển, đi ra vườn sau ngó một cái, hình ảnh ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là dãy củ tỏi mập mạp vắt ở rào vườn rau nhà bên.

Và vì tỏi quý nên ông lão nhà ta sang chào hỏi ông cha sau một hồi trở về quà tỏi chỉ nhõn hai cây tỏi mới dỡ. 

Bù lại là một ôm 4 trái bí ngòi, từ bé tới lớn. Mà đây là ông đã từ chối lấy thêm.

(4)

Nhà có hai người, ông không thích bí ngồi, còn bà thì bận tâm làm thế nào để bí ngồi hấp dẫn. 

Với tình hình đó, rau quà từ nhà hàng xóm có nguy cơ bị hỏng và bị bỏ đi. Mà thế thì thật là phải tội!

Tôi cứ vậy mà bắt đầu một mùa hè-bí ngồi với các gạch đầu dòng về món có zucchini.

leftover rice - zucchini - olive oil
steam-cook in a rice cooker
(5)

Cho bữa nay, tôi có món cơm nguội hấp bí ngòi vị dầu olive.

Cơm nguội leftovers là cơm nấu từ gạo lài ở quán Thái. Láng xíu dầu olive đáy nồi cơm điện, cho cơm vào nồi và dàn đều. Bí ngồi, bỏ đi phần lõi, xắt hạt lựu rải lên trên cơm. Rưới thêm một lượt dầu olive. Bật nút nấu cơm, cái nút duy  nhất của cái nồi cơm điện có từ năm "một ngàn chín trăm lâu quá" này :-)

Sau một hai phút thì mở vung nồi, rưới chút nước lã vào cơm-rau. Nhà không có bình xịt nhỏ, nếu có tôi nghĩ dùng nó là tiện nhất. Bổ túc nước như vậy giúp món trong nồi không bị khô.

Sau chừng mươi, mười lăm phút thì có món để đánh chén. Sở dĩ có khoảng cách giữa hai mốc thời gian áng chừng này là vì có nhiều yếu tố quyết định ở đây: thói quen của người ăn, thích bí ngồi giòn sần sật hay chín mềm; dung tích nồi cơm to nhỏ quyết định mức nhiệt và hơi nước làm nóng mạnh yếu thế nào; lượng cơm và lượng rau củ trong nồi cũng liên quan chặt chẽ đến thời gian nấu nướng; chưa kể việc bí ngồi được xắt to nhỏ ra sao cũng có thể khiến thời gian cắm nồi cơm điện dài kém số phút. Và nhất là, nhiều khi do bận bịu gì đó, bạn quên rút phích cắm nồi cơm, chuyện có khi chỉ đơn giản là vậy :-)

(6)

Cơm-rau hấp mềm, mướt mượt và ngọt thơm.

Có vẻ như tôi quá tay ở lượt rưới dầu olive lần hai, khi phủ dầu lên bí ngồi. Nhưng cũng chẳng sao, vì với bạn dầu này tôi vốn không mấy "giữ kẽ" do ám ảnh ăn dầu làm ta béo a.

Cơm và rau cùng dầu olive, thuần tuý là vậy. Không có bất cứ thức seasoning hay món kèm nào. 

Tôi thích món cơm chay này. Nó rất hương!

Xem ra, bí ngồi không phải là không hấp dẫn a :-)

bữa thứ hai: bí xanh nay chuyển bí vàng
chay hoá mặn với ruốc gà rang cay tự làm

ăn bí ngồi mình hoá bí ngồi

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2023

fish-katsu: cá miếng haddock chiên xù

cá haddock làm thành món chiên xù theo kiểu tonkatsu
cá mềm, yểu điệu như tiểu thư họ Lâm (Hồng Lâu Mộng)
nên phải rất nhẹ tay khi làm món :-)
Bột áo phủ các miếng cá thay vì là bột mỳ thì là tinh bột bắp.

Không chỉ có vậy, tinh bột bắp được trộn với hỗn hợp tiêu trắng và vụn ớt khô được giã kỹ trong cối, xíu muối, xíu bột tiêu đen, và đặc biệt là vụn rong biển khô.

Còn lại, làm món này giống như làm tonkatsu, tức là vẫn đầy đủ các công đoạn phủ bột - thấm trứng (được trộn với chút bột mỳ) - lăn qua bột chiên xù - và chiên (hai lượt / double fry).

Thịt cá haddock mềm và ngọt. Khi chia filet cá thành các miếng nhỏ cần chút chú tâm, chút nhẹ tay để các thớ thịt cá không bị vỡ, và như thế thì miếng cá chiên sẽ ngay ngắn và đẹp mắt hơn.

Tôi thích món này. Bạn đánh chén cũng thích món này. Dù cả hai chúng tôi đều e dè cái phương pháp dầu mỡ chiên ngập chảo. Có lẽ chúng tôi cần tính toán chuyện mua một cái nồi chiên không dầu :-)

haddock trong chảo chiên fish-katsu rón rén đường dầu mỡ

sống chung với lũ

mưa cả ngày Chủ nhật
thành phố hoá đi vắng
Trên đường về nhà biển, ông lão nhà ta thì thào, ngày mai có mưa to và ngập lụt đấy. Rồi ông giơ tay ra minh hoạ, nước ngập đường như thế này này. Tôi hỏi sao ông biết. Thì nhà đài bảo thế.

Hôm sau có đứa nghển cổ ngó mưa. Trời xám xịt. Mưa lững thững đến cuối sáng thì bắt đầu. Mưa chậm. Mưa từ tốn. Rồi rào rào một trận đâu chưa đến nửa giờ. Rồi lại thành tí ta tí tách. Tôi hỏi bạn đời, đâu mưa to, đâu ngập lụt. Thì nhà đài bảo thế.

Hoá ra nhà đài đúng, chỉ không trúng cái góc bé tý xíu này của tiểu bang thôi. Ở trấn bên, có cảnh vừa buồn vừa tức cười là cả đoạn cầu tàu bị nước cuốn phăng, kết quả là thuyền bè của đám nhà giàu giờ bập bềnh giữa sông. Còn chuyện nhà bị ngập, đường và cầu bắc qua các con lạch nhỏ bị vỡ lỡ, không thể đi lại được, thì không phải là hiếm lạ. 

Liền mấy tiểu bang thuộc New England bị dính chưởng mưa, lũ và lụt. Ở đâu đó của New York không xa nơi có nhà rừng, có một bà vì muốn cứu chó cưng mà cuối cùng mất mạng. Tất cả là do mưa quá lớn, nước quá nhiều hoá thành ngập lụt.

Tôi nghe trên radio một ông ở khu nào đó, vẫn là thuộc tiểu bang New York, tuyên bố đại ý là, giờ thì nhân dân yên tâm sống chung với lũ lụt. Wow, cứ tưởng câu này là độc quyền tiếng Việt, chỉ là của riêng người xứ ta a.

Hôm qua mưa cả ngày, cả dưới biển lẫn trên rừng. Hôm nay, tôi ngó qua ra ngoài thấy nắng lấp loá vui vẻ, người đi người lại kiểu đi bộ-tập thể dục đông bất thường, lao xao đâu đó tiếng người, tiếng chó sủa, khiến cho chuyện cả ngày trước đó thành phố biển giống như một thành phố chết trong mưa chỉ là một ảo ảnh. 

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2023

thức ăn an ủi: comfort food & sympathy meals

chờ dọn dẹp sau bữa tối mời khách
trà Thiết Quan Âm xuất xứ Phúc Kiến
(1)

Tuần trước, chúng tôi có khách qua nghỉ đêm ở nhà trên núi. Bữa tối muộn được làm đơn giản. Tôi tính toán khách chạy xe đường dài đường xa mười mấy giờ đồng hồ, vậy nên cái sự ăn nên nhẹ chút. 

Món chính cho bữa tối của mỗi người là một tô phở gà nhỏ mà lượng tính ra chỉ bằng một góc bát phở gà trên phố Hàng Đậu. Ngoài ra, trên bàn còn có thêm chút rau củ quả xào gần như là chay cùng một phần rau trộn. Ông khách và ông chủ [nhà] trong bữa ăn nói về comfort food. Đầu tiên là một trao đổi ngắn bên bàn ăn theo kiểu về một chủ đề trong hàng vạn chủ đề cái này tiếp nối cái kia mà người ta nói xong thì gần như là quên liền. Rồi rất mau hoá thành tranh luận, tranh cãi. Với vốn tiếng Anh vò mẻ của mình, lại cộng thêm cả cái thói chuyên suy luận liên hệ sặc mùi xỏ xiên của bản thân, tôi trịnh trọng kết luận, thôi thì mỗi người có một định nghĩa của riêng mình về comfort food đi.

Nói là đồ ăn thức uống nhắc nhớ tuổi ấu thơ hay một kỷ niệm xưa cũ, một thời xưa cũ, một người xưa cũ, ờ. Nói là đồ ăn thức uống tiện lợi, kiểu tạt xe gọi món thanh toán lấy đồ trong vỏn vẹn đôi ba phút rồi vừa lái xe vừa nhón khoai tây chiên, gà viên chiên, cũng ờ. Mà nói là thức ăn bổ dưỡng, lợi lạc cho sức khoẻ, làm cho cả thân tâm ý thoải mái, cũng ờ nốt. 

Tôi lúc đó rất muốn hỏi hai ông ngồi trước mặt rằng thì là mà thế comfort food liệu có hàm ý an ủi, làm dịu bớt trạng thái âu lo, phiền muộn hay thậm chí là phẫn nộ hoặc buồn khổ không. Vấn đề là muốn hỏi thì phải nói, mà nói thì phải dùng tiếng người, mà cái món Anh ngữ của tôi thì đến phát âm còn chẳng xong, nói chi bày đặt câu chữ thành hàng thành lối chỉn chu. Thôi, bỏ!

(2)

Về nhà biển được hai hôm, tôi biết tin cô hàng xóm đối diện qua đời. Người báo tin là ông lão nhà ta.

Tôi thấy hai ông đứng ở bên kia đường, trước lối xe vào nhà hàng xóm. Ông hàng xóm thấy tôi thì giơ tay vẫy chào. Tôi cũng vẫy tay rối rít mà không biết là sau đó sẽ nghe tin buồn này.

Bạn đánh chén đề nghị, mình làm món Việt Nam mời hàng xóm nhá. Ông kể, ông hàng xóm và vợ có kế hoạch đi chơi Việt Nam mấy năm trước, đang hăm hở lên kế hoạch thì bùm, cúm Tàu. Sau đó là vấn đề sức khoẻ của cô vợ. Chuyện cứ tưởng được cải thiện sau khi thay ghép tim nhưng cuối cùng lại kết thúc buồn. Ông hàng xóm nói lo việc cho vợ xong sẽ đi Việt Nam như là thực hiện chuyến đi "tưởng niệm".

(3)

Tôi càng già-đi thì càng nhận ra mình "con gái giống Mẹ", mắc cái tính dễ lo lắng.

Tôi sợ khách không quen gia vị xứ mình, đặc biệt là nước mắm, thì rón ra rón rén làm món lạt. Nấu nồi nước phở thì cứ phơn phớt đường gia vị, nếm xíu nước dùng phải mất hồi lâu mới nhận ra hương ra vị của các bạn quế hồi thảo quả. 

Bất ngờ là ông khách xơi tất và lạ là rất đúng kiểu cách người Việt. Chẳng cần nghe hướng dẫn hay giải thích chi, ông liền với tay lấy nước mắm cho chút vào tô phở, rồi chanh miếng bày sẵn vắt lấy nước cốt đâu ra đấy. Chỉ riêng tiết mục bánh bèo ông lần đầu làm quen thì mới hỏi ăn thế nào. 

Hoá ra ở quê vợ ông, tiểu bang Minnesota, nơi có cộng đồng người Việt kha khá to và đương nhiên theo đó là tiệm quán Việt kha khá nhiều. Ông đặc biệt thích và rành món phở và bún bò Huế. 

Xong màn ăn thì đến tiết mục uống. Tôi luôn có ấn tượng về người Mỹ bình thường không biết, không quen hoặc không thích uống trà xanh Á Châu, vốn bị/được coi là đậm và làm mất ngủ. Nhưng vì có hạt sen khô, có bánh quế Nhật, chả nhẽ lại nhâm nhi với cafe, thế nên chủ đãi khách vẫn là một ấm Thiết Quan Âm, được pha từ hộp trà bạn nhỏ Hồng Tâm tặng trước khi tôi quay lại Mỹ. Tôi lại được một phen kinh ngạc, bạn đánh chén của tôi chỉ nhấp miệng gọi là vì sợ mất ngủ, còn ông khách thì mấy lượt châm trà, rất chi là vui vẻ.

Khi ra về, ông cám ơn và nói bữa tối nay thực sự có tác dụng xoa dịu. Chúng tôi chào tạm biệt và nói, ông luôn được đón chào cho những lần khám phá món Việt mới. 

(4)

Trong cuộc trò chuyện quanh bàn ăn tối ngoài hiên, chúng tôi không nói tới chủ đề comfort food hay sympathy meals

Câu chuyện về cảm giác mất mát, về sự chịu đựng, về sự học làm quen với một sinh hoạt thường nhật mới khi không có bạn đời bên cạnh chiếm một phần lớn thời gian ăn tối và chuyện trò của chúng tôi. 

Tôi nhận ra rằng lần này mình có dịp nhìn nhận những khía cạnh mới của những chuyện tưởng hết đỗi bình thường và do đó là khiến tôi chẳng quan tâm.

(5)

Sau bữa tối này, tôi không còn quá bận tâm tìm nghĩa đích xác của comfort food hay sympathy meals cùng đa dạng các ví dụ cũng như gợi ý mà người ta gán cho chúng. 

Tôi nghĩ, câu chuyện đồ ăn thức uống ngoài chuyện thoả mãn nhu cầu sinh lý và đối với không ít trường hợp trong chúng ta là một dạng dục vọng/ham muốn nhất thời thuộc phạm trù tâm lý thì ở chiều kích xã hội của chúng, cốt lõi vẫn là quan hệ người người và những tình cảm giành cho nhau! 

Đó có thể là sự kính trọng, sự biết ơn, tình thương yêu, sự khích lệ... và cũng có thể là giúp làm dịu bớt căng thẳng, âu lo, sợ hãi hay những cảm giác mất mát, đau đớn. Trong trường hợp cuối này, tôi gọi là thức ăn an ủi

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2023

cơm hấp ruốc gà thơm vị dầu olive

(1)

Tôi có một bí mật nho nhỏ ở quán Thái trong thành phố. Đó là luôn dặn bạn đánh chén, nhớ lấy cơm. Phần cơm side dish sau đó sẽ được đóng hộp mang về. Một tô cơm nhỏ vừa vặn đầy cái hộp giấy xinh xinh đủ để tôi chế thành hai suất cơm rang nhà làm. 

Vì vừa mới làm món chiên ngập dầu - tonkatsu - nên cho một bữa trưa ngày mưa gió như hôm nay, và nhân tiện mò ra được cái nồi cơm điện mini nằm sâu trong tủ đồ bếp, tôi tự nhủ, vậy mình làm món cơm hấp.

Chú tâm trước hết của tôi là nhằm vào giỏ bí ngồi mà hôm trước Father Mark nằng nặc bắt chúng tôi nhận. Trong đầu kẻ tham ăn nhảy nhót hình ảnh cơm hấp đượm thơm hương vị dầu olive cùng với các miếng bí ngồi bé xinh xinh ngọt mọng. 

Vấn đề là liền 4 trái zucchini trái nào cũng là quá sức một người ăn solo tôi đây. Thôi, bỏ.

(2)

Nghĩ nhanh một phút. À vậy mình làm khác đi. Nhưng tinh thần chung vẫn là có cái gì trong bếp ta liền mần cái nấy.

Tôi có nấm hương khô đã ngâm mềm, hành tây trắng, cà rốt và ruốc gà vốn được làm chơi chơi sau bữa nấu phở trên nhà núi dư ra cả một miếng thịt lườn gà luộc. À xíu quên, bữa nay tôi còn có nguyên một phần nước dùng gà rất ngon nữa.

(3)

Nồi cơm điện đã được làm sạch sau hơn hai năm bị quên lãng trong tủ. Cơm nguội lấy ra từ hộp để tủ mát đóng khối, chẳng sao. Lấy cái và dần nhẹ rồi tãi cơm dàn đều mặt đáy nồi cơm, nấm hương và cà rốt thái thành các vụn nhỏ mịn rắc lên trên, lấy một muôi nước súp gà rưới một lượt. Đậy vung lại và ấn nút.

Cái nồi cơm bé tí hon và tối giản chỉ nhõn một nút bấm này thực lợi hại. Sau chừng mươi phút, với vài lần mở nắp kiểm tra xem có cần nêm thêm nước dùng gà tránh cơm bị khô, thì đã đủ để cho các hạt cơm mềm ngọt với cà rốt và nấm hương đảm bảo chín. 

Lúc này rưới thêm chừng một thìa súp olive oil xung quanh thành nồi cơm. Lại đậy vung đếm 123 chờ thêm chừng đôi phút. Tất nhiên là nhớ phải kiểm tra cái nút bấm vì nhiều khi nó lanh chanh thấy mình đủ nóng thì tự tắt a.

Công đoạn tiếp theo là hỗn hợp hành tây trắng và hành lá xanh thái mịn rắc vô nồi cơm hấp, một dúm nhỏ ruốc gà cũng được rắc vào cơm liền theo đó. Lại thêm một lần đậy vung, lại đếm 123 và đợi thêm đôi phút. Ai thích vị tiêu xay thì có thể rắc xíu. Lần này tôi có vụn tiêu trắng giã trong cối, rất thơm.

(4)

Căn đủ thời gian rồi thì tháo phích cắm cơm, mở nắp nồi cơm điện, dùng cái vá trộn đều cơm lên. Cho cơm ra bát, và đương nhiên là đánh chén rồi.

Cơm mềm mà chắc hạt nào ra hạt nấy. Hành, cà rốt và nấm bé hạt tiêu mà lợi hại, vẫn kiêu hãnh vị ta đây rõ ràng nơi đầu lưỡi. Ruốc gà đem lại sự đậm đà cho món. Và có lẽ hay hơn cả là thoang thoảng ngậy của dầu olive

Món cơm hấp vừa là leftovers vừa là second round này, tôi nghĩ mình sẽ còn làm tiếp. Có thể lần sau sẽ là với bí ngồi :-)

bước 1: cơm nguội, nấm, cà rốt và nước súp gà

bước 2: thơm vị olive oil rồi, mình thêm hành xanh, hành trắng

bước 3: ruốc gà nhà làm góp vui

bước 4: trộn một lượt cơm hấp ta đây liền ra tô

một kết hợp: miến hàn sợi tròn, tương ớt quế lâm và húng thái

Đây thêm một lần làm bếp hiệp hai. Tôi tự tán dương mình lắm, nói trắng ra là tôi ki-bo, còn uyển chuyển thì là bà nội trợ có tinh thần tiết-kiệm :-)

Liệt kê là vậy nhưng thực chưa đủ. Món miến xào cho bữa trưa hai người hôm nay của chúng tôi thịt nhiều hơn miến, cho nên gọi là miến xào thịt heo bằm cũng đúng, mà thịt heo bằm xào miến cũng chẳng sai.

- Miến Hàn sợi dày và cần ngâm nước lâu để làm mềm. Miến ráo rồi thì trộn tiếp với nước tương. Trước khi xào miến chừng 5 phút, bổ túc thêm chút dầu hào.
- Thức phi thơm dậy hương và cũng là tạo vị cho món miến xào có gừng + tỏi + hành hương, có thể bằm nhuyễn mà cũng có thể thái mỏng tuỳ ý.
- Rau củ quả tham gia chảo xào hôm nay khiêm tốn, theo tinh thần bếp có gì ta xài cái nấy: ớt chuông ngọt và hành tím.
- Tạo vị nổi bật cho món là tương ớt Quế Lâm và lá húng Thái tươi. Trong đó, tương ớt được cho vô chảo xào cùng thịt; còn lá húng Thái thì có hai cách: vào chảo cùng thời điểm với tương ớt và thịt, như vậy thịt sẽ đượm thơm vị húng; hoặc cho vào chảo miến xào chỉ chừng một phút trước khi tắt bếp, làm thế này thì lá húng sẽ giữ lại vị thơm và tươi mới của riêng mình cho riêng mình hơn là chia sẻ nó với các thành phần nguyên liệu khác. Nếu làm cách thứ hai thì lá húng để nguyên và nên có nhiều; còn khi con nhà nghèo chỉ có mấy cái lá rau gia vị còn thừa sau khi làm món khác trước đó, tốt nhất là xắt rối lá hùng rồi xào cùng thịt để lấy thơm triệt để cho phần thức mặn - thịt bằm trong món miến xào.

Tuần tự làm món:

- Phi dậy thơm gừng + tỏi + hành hương.
- Xào thịt với tương ớt Quế Lâm (và lá húng Thái). Sử dụng kỹ thuật ruan thịt, nếu có nước dùng gà thì là tốt nhất; bữa nay tôi dùng nước lã và nêm xíu bột cá Nhật. Để bếp lửa lớn và đảo mau tay.
- Hành tây và ớt chuông cho vào chảo xào thịt, đảo mau tay chừng một phút thì cho miến vào xào cùng. Nếu không muốn hành và ớt bị mềm (hành tây thậm chí là nát và mất luôn hình dạng ban đầu) thì gạt hỗn hợp thịt xào hành ớt này ra đĩa để bên cạnh, chỉ xào miến không trong chảo.
- Miến Hàn sợi mập và cứng, dù đã ngâm nước làm mềm kỹ càng rồi sau đó là trộn với nước tương để ngấm đậm và tiếp tục mềm thì về căn bản, các sợi miến vẫn rất còn rất cứng và dai. Vì thế, trong quá trình xào miến, phải luôn tay chêm nước để miến không bị khô vánh thành tảng. Cũng như lúc trước ruan thịt, nếu có nước dùng gà ở đây thì thật lý tưởng, còn không thì đầu bếp ta đây vui vẻ với nước chảy từ vòi a :-)


Món thành phẩm có cay có hăng có thơm của mấy bạn gia vị, thịt bằm đậm đà ngọt vị, và hay ho nhất là miến: mượt, dẻo dai vừa đủ độ, đượm thơm tất cả những gì thơm ngọt từ gia vị, từ thịt. Nói quá chút thì làm xong món này, tôi có thể xấu tính chỉ khều miến ăn không cũng đủ thoả mãn rồi.

Rau sống để bên có gì mình xài nấy, nhà sẵn dưa leo mua ở siêu thị và rau diếp vặt từ vườn nhà ông cha hàng xóm, tôi lười xắt dưa nên trên đĩa chỉ có vài lá diếp. Diếp hay dưa không quá quan trọng, với món miến xào này, dứt khoát cần miếng chanh xanh - lime. Vắt lấy nước cốt chanh lên miến, trộn trộn trộn, miếng ăn lại càng ngon!

Hôm trước chẳng hiểu sao tôi nhặt túi miến Hàn này, sau đó về nhà còn có mấy bận tự trách bản thân, sao mình hâm thế, mua về biết làm sao đây. Miến Hàn trước nay tôi mua làm salad miến trộn đều là loại sợi dẹt chứ không theo phong cách sợi miến dong nhà mình được phóng đại kích cỡ như thế này. Nhưng sau lần làm món này, tôi có thể yên tâm tiếp tục làm chơi ăn chơi miến Hàn trong bếp.

Thứ Năm, 13 tháng 7, 2023

tonkatsu - kurobuta pork chops: thịt heo chiên xù bếp nhật

tonkatsu - kurobuta pork chops
lần thứ hai làm món
Đây là lần thứ hai tôi lần mò làm tonkatsu - thịt heo chiên xù bếp Nhật Bản. 

Nói ra nghe có vẻ chẳng giống tôi - một kẻ ăn tham và thô lỗ thuộc tuýp "không thịt đời em không vui", nhưng thực thà mà nói thì nếu trong tủ đồ khô không có sẵn một hộp bột chiên xù - panko thì tôi đừng hòng nghĩ mình sẽ làm tonkatsu

Lý do rất đơn giản, làm món này phải chiên ngập dầu mỡ, vốn là điều trong bếp tôi luôn chủ trương tránh. Với một số món khác, tôi có thể thay cho việc dùng lưng chảo dầu để chiên đồ bằng cách rán/chiên/áp chảo phong cách nấu chậm, và chấp nhận món làm ra không tựu đủ hương vị cũng như có texture vốn như được mong đợi ở thức ăn chiên ngập dầu. Nhưng tonkatsu ư, bất khả!

Món được làm chủ yếu là theo hướng dẫn trên trang mạng nhện của cô chủ Just One Cookbook. Lần đầu tôi ẩu tả, bỏ qua vài chi tiết. Lần thứ hai, mới hôm qua thôi, thì khá hơn chút với nhiều chú tâm. 

Dù thế nào, tôi nghĩ cần thêm lần thứ ba, lần thứ tư... để hoàn thiện cách làm món bởi chính mình trong bếp nhà mình :-)

(1)

Về thịt, tôi phát hiện kurobuta pork chops mua ở Guido's là tuyệt nhất. Từ miếng thịt mua về, pha lạng thành lát dày mỏng thế nào tôi nghĩ là tuỳ hoàn cảnh và ý thích của người nấu kẻ ăn, quan trọng là các lát thịt phải có độ dày đồng nhất. 

Tôi không bỏ đi phần diềm, mà dùng dao khía chỗ này để đảm bảo chỗ này dễ dàng thấm quyện nguyên liệu bao cũng như mau chín trong chảo chiên. Thêm nữa, tôi học được cách dùng màng bọc thực phẩm phủ lên các miếng thịt và dùng cái dần khẽ gõ làm mềm thịt. 

Thịt được xát xíu muối và tiêu, rất ít nhá, đều cả hai mặt và để sang bên nghỉ ngơi từ một góc giờ đồng hồ tới 30 phút. 

(2)

Về bao phủ thịt, các bước tuần tự thì ai cũng biết cả: bột mỳ - trứng - bột chiên xù. 

Có một mẹo nhỏ ghi lại ở đây: trứng đánh xong rồi thì được bổ túc thêm chút bột mỳ và đánh tiếp thành một dạng thức lỏng có chút quánh, điều giúp cho các lát thịt vừa lăn qua bột mỳ giờ sẽ tiếp thu và ngấm phần trứng tốt hơn.

(3)

Sang công đoạn chiên thịt, không khó để tìm trên mạng nhện các chỉ dẫn về lượng dầu được dùng, mức nhiệt được định, thời gian để các lát thịt tung tăng trong chảo dầu.  

Điều làm tôi quan tâm là cách chiên: chiên kép - chiên hai lần/lượt. Lần chiên thứ nhất đảm bảo sao lớp bột phủ chuyển sắc vàng tươi tắn thì liền lấy thịt ra để ráo dầu mỡ. Và sau đó là bước chiên thứ hai để thịt bao bột vàng rụm, hay như có người thích là bén sắc nâu, thì có thể lấy ra rồi dùng giấy thấm dầu một lượt, và tiếp đó đương nhiên là ra bàn ăn rồi.

Lưu ý nhỏ là giữa hai lần chiên thì cần phải lọc dầu để loại bỏ các vụn bột chiên rơi vãi trong chảo.

(4)

Có cần cải bắp xắt và tonkatsu sauce không?

Tôi trả lời liền, không. Tất nhiên đây là ý chủ quan của riêng tôi. Và trong trường hợp món làm lượng nhỏ để ăn chơi chứ không phải thành thức ăn kèm với cơm trắng.

Không có gì làm tôi ngán ngẩm hơn mỗi khi ở quán Nhật lên cơn đồng bóng gọi tonkatsu và thấy ú hụ trước mặt cải bắp xắt sợi cùng tô nhỏ nước sauce nâu có vị ngọt. Tôi biết dùng hai thức kèm này là có ý tứ. Thịt chiên ngập dù xử lý thế nào gì cũng có chút nặng nề đường dầu mỡ, gặp ngọt của nước sauce giúp tăng thêm vị  của bản thân miếng thịt cũng như đằm xuống cái ngấy của món chiên. Cải bắp thì lại càng tuyệt hơn, ngọt mọng tươi mới của rau rõ ràng làm cho dầu mỡ trở nên điệu thấp nơi đầu lưỡi kẻ ăn. 

Nhưng tôi không thích thì vẫn là không thích a. Các lát thịt được xoa chút muối và tiêu trước khi lăn phủ lớp áo và chiên như vậy đối với tôi là đã đủ đậm đà. Thêm nữa, ừ thì món có chút ngấy, nhưng một năm mình làm và xơi tonkatsu khéo ra là hai ba bận thì ô-kê-la. Miếng thịt nguyên bản vị, không có can dự của từ thức chấm tới rau xanh ăn kèm, có cái mỹ vị riêng của nó mà :-)

* Xem hướng dẫn làm món cũng như lịch sử tonkatsu ở trang nhà của cô chủ bếp Just One Cookbook:
-  tonkatsu/japanese pork cutlet - thịt heo chiên xù bếp Nhật
- homemade tonkatsu sauce - tự làm nước xốt cho món thịt heo chiên xù tonkatsu

điều tích cực nhỏ từ bạn đánh chén ham ăn và ham tích đồ
từ nhà rừng xuống nhà biển, tủ bếp nào cũng có panko :-)

Thứ Tư, 12 tháng 7, 2023

đợi bánh nguội

Làm thịt heo chiên xù tonkatsu còn dư trứng và bột mỳ, tôi tiếc rẻ, nào mình làm chơi cái bánh mỳ. Bánh đã có trứng hơi dị rồi thì dị thêm chút nữa, thành phần bột trộn và ủ có thêm chút half & half.

Tôi không đong đo đếm chi, thời gian và nhiệt độ cũng chẳng thèm để ý. Làm món theo kiểu trái tim mách bảo, theo trí nhớ vụn vặt về bánh mỳ nướng nồi gang

Bánh giòn vỏ, thơm mềm ruột. Phải mỗi tội chỗ vỏ bánh ăn vào nhìn ra ngay vị trứng.

Bữa trước mua được hộp sữa đặc Ông Thọ, hôm nay tôi liền khui để ăn bánh mỳ chấm sữa đặc. Rất ngon! Và cũng nhân thế mà mang mác cái ngày còn bé, bánh mỳ hiếm, sữa bò quý :-)

Hôm nào tôi sẽ nghiêm túc làm lại bánh mỳ chuẩn chỉnh mới được :-)



Thứ Ba, 11 tháng 7, 2023

lên núi thấy gì: cỏ cây chào mùa hè

Táo hai cây cho trái, một cây cao niên do phụ huynh của ông chủ nhà trồng cách đây nhiều thập kỷ, một cây là mới được trồng đôi ba năm trước. 

Cây trồng trong ô vườn Nhật Bản cho hoa nhưng chưa đem lại ấn tượng về một chỉnh thể vườn. Tôi chụp hình đều đặn và khi so sánh thì thấy những biến đổi rõ rệt. Nhưng cảm giác về một sự tựu thành thì hẳn cần chờ chút thời gian mới tới. 

Hoa dại, hay hoa trồng lâu rồi thành tự nhiên, ngược lại rất chi là tươi tắn. Chúng rải rác mỗi chỗ một cây, một đám. 





đi nhà rừng 2023 (4)


(1)

Tôi biết tình trạng cái thân của mình nên trước chuyến đi liền tuyên bố, lần này tui không làm gì đâu nhá. Nói là vậy nhưng đến phút cuối, vẫn có kẻ tham việc, lọ mọ mang theo hai món dụng cụ cùng đôi găng tay làm vườn. Và đúng là vườn Nhật Bản cũng như vuông đất trồng cây phủ trước nhà đã được dọn bỏ không ít cỏ cây dại. 

Ở trên núi cả tuần dài, ngoài thời gian khò khè và thở than kêu đau nhức mỏi người, tôi đã kịp hoàn thiện bức ghép indigo mà ý tưởng làm nó có từ cách đây cả năm. Có một cuộc thảo luận nhỏ giữa một ông già và một bà già về việc có nên thêm hai hàng vải ghép nữa không, rồi sau đó là có miếng chàm mới rồi thì chúng ta làm gì với nó. Cho tới giờ, tôi vẫn nghĩ đến ô cửa sổ nhỏ của nhà vệ sinh ở nhà biển. Nhưng nghĩ là vậy, tôi biết mình lười, từ nghĩ tới làm chả biết dài ngắn thời gian ra sao a. 

(2)

Chúng tôi lên đỉnh núi chào hỏi hàng xóm và chia sẻ tin vui. Tức thì có một bữa trà chiều, sau đó tối muộn là đốt lửa nướng kẹo marshmallow. Kẹo nướng vừa vặn sém bề mặt, chực tan chảy thì được kẹp mau tay giữa hai tầng bánh quy cùng một mảnh chocolat. Chúng tôi cứ vậy mà có một buổi tối vui vẻ với hai nhân vật được chúc mừng, tôi và bạn nhỏ Jack. 

Ba năm trước khi tôi gặp cậu bé này, nó gầy như một cái que, không đi trường mà là học tại gia. Sau đó chút thời gian, đúng vào giữa mùa đông giá, tôi cực kỳ ấn tượng khi nhìn thấy Jack cùng một cậu bạn, hai đứa thân trần cõng bao nặng trĩu gò lưng trèo dốc đường rừng. Lão Tiên sinh dừng xe trêu, có muốn tui đưa về không thì hai bạn nhỏ từ chối và giải thích đang luyện tập. Hoá ra chúng muốn nhập ngũ, và tự thiết lập một chế độ rèn luyện riêng.

Hai năm qua tôi thi thoảng nghe kể chuyện về bạn nhỏ này, rằng cậu đã kịp nhập ngũ, đã ở Syria, đã về lại Mỹ, và có ý định sống đời binh nghiệp. Lên trên núi đốt lửa, tôi nhìn thấy một anh Jack to con, nếu không nói là có chút phục phịch. Cậu chàng cười phớ lớ đưa tay ra bắt, hỏi thăm hỏi nom rất chi là người lớn. Hỏi đợt tới được điều đi đâu, bạn nhỏ mơ hồ có thể là quay lại Syria, có thể là ở đâu đó Châu Phi, và cũng có thể là về California hoặc Texas. Tôi nghe nhiều chuyện người "thiểu số" ở xứ này đăng ký đi lính vì lý do tài chính. Với chàng thanh niên trước mặt, tôi không nghĩ vậy. Nó giống như một lựa chọn vì yêu thích, cũng như cô em gái Roe của cậu giờ đang muốn trở thành thợ đóng móng ngựa chuyên nghiệp vậy.

cà chua khai cuộc vườn rau trên núi
Roe giờ chừng 15-16 tuổi, đã sở hữu ba cái máy, tiền riêng hẳn tích kha khá vì rất chịu khó giúp việc cho mấy nhà-nông-tay-chơi xung quanh, rồi chưa kể là còn làm đầu bếp một tuần một hai buổi gì đó cho quán Mễ dưới trấn. Cô nàng đi học cưỡi ngựa nhưng không có tý vẻ gì của các quý-tiểu-thư thành phố. Nếu không tính mái tóc dài thì tôi sẽ nghĩ nó là một cậu chàng. Và "cậu chàng" này giờ đã thành thục dùng máy cắt cỏ khổng lồ. Tất nhiên là nếu phải làm việc ở một cánh đồng xa thì bao giờ cũng có ông bố chạy xe tháp tùng. 

(3)

Giữa hai chuyến đi nhà rừng lần trước và lần này của chúng tôi, bác thợ cả Joe đã hoàn thành công việc lắp giá đẩy cho tủ bếp. Điều này hứa hẹn rằng thì tôi sẽ bớt cơ hội "lên cơn" bất chợt than phiền bếp nhỏ, kệ giá khó xếp đồ. Tủ bếp giờ rất tiện lợi, nhưng tôi mệt và lười nên mới chỉ lau dọn qua quýt gọi là. Kế hoạch sắp xếp ngay ngắn và sạch sẽ các dụng cụ nhà bếp được dành cho chuyến đi kế tiếp. 

Công việc chính ở trên núi lần này dành cho vườn rau. Rào đã được dựng gần xong. Đất đặt mua nhưng bà con còn mải nghỉ lễ Độc lập nên cứ hẹn tới hẹn lui cuối cùng hoá thành thôi thì sau vậy. Ông chủ nhà tham lam tiếp tục hỏi xin manure cocktail, ông hàng xóm drone bảo đương nhiên nhưng kèm với lời ghi chú tuần này tui bận. Vậy nên bổ sung đất trồng lẫn phân bón đều được xếp vào mục các đầu việc cho lần lên núi tới.

Dù vườn rau nhà rừng chưa hẳn đã hoàn thiện, ông chủ nhà đã kịp trồng mấy gốc cà chua, lại nữa là phía ngoài bờ rào ông còn trồng thêm mấy cây phúc bồn tử vốn là được đánh gốc từ vườn của ông cha hàng xóm dưới thành phố biển. 

Tôi ốm đau lụ khụ nhưng cũng kịp trồng một chậu rau răm và tãi phủ vụn gỗ cho mặt vườn Nhật Bản. Cái bao gỗ vụn to đùng thế mà khi đem ra phủ vườn vẫn tính là thiếu. Nhà hàng xóm dưới chân núi thuộc phần đất New York đợt rồi cưa cây cổ thụ bày ra một đống vụn gỗ bên con lạch. Chúng tôi thậm chí nghĩ tới chuyện dừng xe hỏi xin. Việc này nếu có làm cũng tính là cho lần đi Massachusetts tới a.   

(4)

Ba bốn năm qua, tôi chứng kiến bạn đời "đổ tiền" vào nhà rừng, vừa là choáng ngợp vừa là sốt ruột. Sau rồi tôi tự nhủ, cóc phải tiền của tui nên cảm giác còn lại và thường trực chỉ là wow, khiếp quá

Hẳn thấy thái độ của tôi, ông lão nhà ta không ít dịp giải thích, đây là tiền từ ông chú, từ bà mẹ, từ bán gỗ... túm lại là không phải tiền ông móc từ trong túi. Rồi nữa là ông đưa ra món "bánh vẽ", nhà hoàn thiện thì mình có thể cho thuê cuối tuần, lấy nó nuôi nó. Úi chà, nghe thật hấp dẫn.

Tôi đã tin là vậy. Nhưng rồi dần dà tôi biết là mình nghe bạn đồng hành thì ngang với sờ đầu gối. Thôi, kệ. Ông muốn làm gì cũng được. Miễn là ông vui. Giống như tôi luyến tiếc cái xe máy mua từ tiền Bà Nội cho ngày trước, giống như tôi chuyển lên nhà căn hộ mà phải một thời gian dài mới có thể đi qua nhà cũ với cảm giác bình thường, nhà rừng đối với lão Tiên sinh hết mực đặc biệt. Vậy thì cứ để mọi chuyện là vậy đi!

Nhà không có vẻ gì sẽ đón chào người lạ, nhưng bằng hữu thì rất được welcome, và ông chủ nhà luôn nhân những dịp này mà nhấn mạnh, để người quen đánh giá nhà cửa rồi mình có căn cứ hoàn thiện để sau này cho thuê. Lần này chúng tôi có khách dừng lại nghỉ một đêm. Ông khách chạy xe 13-14 giờ từ Michigan, nghỉ đêm ở Massachusetts trước khi tiếp tục hành trình chạy xe 3 tiếng đồng hồ về Connecticut. Chúng tôi chuẩn bị bữa tối nhẹ đãi khách, còn cho bữa sáng hôm sau thì khấp khởi, chúng ta sẽ đi Blue Berry Hill

Ai dè xuống núi thấy quán đóng cửa. Nhân dân vùng này rất hay, ngày 4 tháng Bảy mở cửa phục vụ khách, sau đó là "biến" cả tuần để nghỉ ngơi. Dân thành phố từ New York City hay Boston đi nghỉ ở vùng này vốn không ít người quen dừng ở Blue Berry Hill cho từ bữa sáng qua bữa trưa. Giờ thì sao, hết xe này đến xe khác táp vô, bà con mặt dài thuỗn, mười xe thì có tới tám chín xe mọi người mở cửa chạy vào tận cửa để ngó thật kỹ miếng giấy thông báo thời gian đóng cửa của bản tiệm. Tôi mới đầu thất vọng nhưng rất mau khi nhìn cảnh người tới người đi kia thì hoá thành phì cười.

Vị khách của chúng tôi như vậy là lên đường với cái bụng rỗng. Bù lại, ông bảo đã có bữa tối vui vẻ, đã ngủ một giấc ngon, điểm hiếu khách coi như trên trung bình đi :-)

(5)

Cũng chuyến đi lần này tôi khám phá ra sức mạnh của "bà tám" xóm núi. 

dâu trang trại quả to nhỏ không đều,
mềm mọng, và cực kỳ dễ nát
Chuyện là bạn đánh chén dừng xe ở The Berry Patch hỏi mua dâu tây. Trước đó tôi đã bảo ông, muốn mua phải đặt trên mạng, ông già bướng bỉnh, cứ thử xem. Y như rằng, bà chủ đang ở trong nhà kính nói không có quả sẵn. Tiện qua trại cây thì ông lão nhà ta cùng bà chủ tám bét nhè. Ông khoe tui đây cho nhà hàng xóm trên đỉnh núi cắt cỏ cho bò. Bà chủ trại cây tức thì bảo, thế thì ông nói họ nếu muốn liên lạc với chúng tôi. Bà có một cánh đồng to, tha hồ mà cắt và cuộn cỏ khô a. 

Từ đường to ngoặt sang đường nhỏ lên núi, chúng tôi gặp nhà hàng xóm. Bé Roe cưỡi máy cắt cỏ đi trước. Đằng sau là xe bán tải với hai vị phụ huynh và cô chị gái Mia. Ông lão nhà ta vội khoe chuyện bãi cỏ của bà chủ trại cây. Nhà hàng xóm cười phớ lớ. Cả làng đều vui!

(6)

Về đến nhà được chừng nửa giờ, có cú điện thoại gọi tới. Từ bà chủ The Berry Patch. Bà nói có dâu tây rồi, muốn mua qua lấy trước khi dâu được gửi đi cho khách đặt trước.

Thế là ông bạn đánh chén lon ton chạy liền ra xe, phóng một mạch xuống núi.

Để mua dâu tay đảm bảo lành và ngon thật thà, chứ không phải thứ quả chắc nịch và to khổng lồ bán ngoài siêu thị :-)

bee balme bụi cây đầu tiên cho hoa

thuê thợ thuyền ngồi rung đùi một tuần có vườn
tự mần, tuần này qua tuần khác vẫn chưa xong

nào trồng Indian corn cho vui mắt

Thứ Hai, 10 tháng 7, 2023

làm gì với tri-tip steak

(1)

Guido's ngay cả sau ngày lễ Độc lập, khách hàng vẫn cứ là nườm nượp. Siêu thị vốn không lớn, người đi đi lại lại mua bán thì nhiều, thế nên có cảnh tức cười là tắc đường. Chỗ quầy thịt cá, tôi muốn có chút thời gian nhìn ngó rồi quyết định chọn mua gì mà xem ra thật khó. Khi có liền mấy người đứng đợi sau mình thì đâu có thể, cho tôi đôi phút. Khi được hỏi về thịt bò, không nhìn thấy phần cắt quen thuộc, tôi cứ thế mà chỉ đại một miếng tri-tip

Nói thịt một miếng nghe bé, một tảng nghe to. Miếng tri-tip này đúng là to thật, nên tôi cứ gọi là tảng đi. 

Mù tịt về phần cắt này, tôi làm hai món, một áp chảo một nướng grill, kết quả một hỏng một tạm được. 

(2)

Cho bữa tối có khách qua nhà rừng nghỉ lại một đêm, tôi dùng một phần thịt bò này làm món xào rau củ quả. Theo thói quen, kiểu như đã được lập trình vậy, tôi chẳng nghĩ ngợi gì mà cứ thế tay quen thái thịt, dần thịt, ướp thịt với gừng và tỏi bằm cùng mấy bạn nước tương, tiêu, muối này nọ. 

Đến lúc vào món xào, Úi Giời, các miếng thịt vị ngọt và hương thơm thì không có gì phải phàn nàn, nhưng khi vô miệng thì cảm giác về cái texture đúng là thảm hại. Miếng thịt bò xào nơi đầu đũa ngay dưới mí mắt kẻ tham ăn nhìn rõ ràng vẫn đẹp, nhưng bắt đầu thưởng thức nó mà xem, thất vọng!

Thịt cứ như bở bục, tan rã tức thì. Ông khách và ông chủ nhà bảo vẫn tốt mà, còn tôi thì nghĩ họ lịch sự nói vậy thôi. Con giời ngồi ngắm món xào và tự sỉ vả, ngu ngu ngu.

(3)

Phần thịt còn lại bữa sau tôi thử làm món nướng bếp lò ngoài trời. Tôi trèo lên mạng nhện tìm hiểu cách nướng tri-tip steak, tức thì bị lạc vào mê cung. Kết luận to đùng là ở xứ sở cái gì cũng to, ăn gì cũng nguyên tảng này, bà con nướng trip-tip trên grill đều là nguyên khối thịt a. Và với rất nhiều đầu bếp từ tại gia tới chuyên nghiệp, gọi là nướng thịt mà tác hành cứ như là khoa học gia đang thực hiện một đề tài nghiên cứu cấp quốc gia - ở Việt Nam gọi là chương trình KX :-) - vậy. Các tiêu chí về thời gian từ ướp đến nướng, về mức nhiệt vỉ/lò nướng, về cách cắt thịt khi đã nướng xong vô cùng tỉ mỉ, vô cùng chặt chẽ. Tôi nhìn xong một hồi thì nản, thôi thì nhà cháu đã trót dại dột nhặt phần cắt này, giờ theo các bác khó quá, nhà cháu đây cứ quay lại lối nấu quen thuộc của mình.

Thịt thái miếng dày, ướp trong chừng đôi giờ, thức ướp đơn giản chỉ là dầu mè, nước tương, dầu hào, tỏi và hành hương bằm, tiêu trắng cùng tiêu đen giã tay với vài vụn ớt khô không quá mịn, cùng chút rượu vàng (tôi lười khui chai sake).

Tôi không phải là người chuộng mấy món steak hay nướng tảng chi chi. Thịt bà con kêu hồng mọng nước tôi nhìn thấy gật gù theo rất chi là giả tạo chứ thực thà nếu tự mình quyết định thì hẳn sẽ là nói không. Vì thế, đứng bên lò nướng, tôi cứ chăm chăm lật thịt sao cho sém, sao cho chắc chín. 

Không rõ do miếng cắt (loại thịt), do gia vị ướp hay mức nhiệt lò nướng và cách nướng, các lát thịt ra đĩa không có sắc màu thật hấp dẫn. Nhưng thật thà mà nói thì hương và vị của chúng rất ổn. Chúng tôi có bữa trưa thịt bò nướng kèm rau xà lách, hành xanh, mùi và bạc hà rừng thu hoạch từ vườn nhà, rau dưa mua ngoài có thêm cà chua và dưa leo. Thịt vốn ướp đậm nên chẳng cần thức chấm bày cạnh, ai thích ăn nguyên miếng thì nguyên miếng, còn không thì cắt một phần, xếp thịt cùng mấy loại rau vô lá diếp to, cuốn lại và thế là mình ăn món cuốn.

(4)

Bài học to nhất của tôi với tri-tip steak là gì? 

Nếu không phải để thử làm món nướng kiểu Mỹ thì thôi nhá, nhìn thấy bạn này tôi lướt qua liền. 

Lý do rất đơn giản, để không mắc cảm giác tội lỗi là làm cho một phần cắt vốn ngon hoá thành dở do cái thói nấu nướng ẩu tả của mình đây :-(((

tri-tip steak lần đầu chế biến
miếng nướng leftover