Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

1001 chuyện vặt của một kẻ tâm thần cuối năm 2017

(1)

Tôi khoái chí tận hưởng tuần dài sống một mình. Và khi không có ai đó gừ gừ ở bên cạnh nhắc nhở việc giữ vệ sinh chung, ngay ngắn trong lề lối sinh hoạt thì tôi phóng túng cơn bày bừa của mình. Góc làm việc giấy vở trạt sàn, muốn bước từ bếp sang phòng khách phải đi lại thật khéo. Trong phòng gỗ, sập đơn hóa thành mặt bày quần áo đã khô chờ gấp, còn sàn nhà thì được trải mấy lớp chiếu-đệm-chăn hóa thành cái ổ chăm giấc ngủ. Miếng tơ tằm thô mua ở làng lụa năm trước phát huy tác dụng. Trải nó giữa các lớp đệm bông, tôi tin chắc chẳng còn phần khí âm độc nào có thể ngoi lên từ nền đất.

(2)

Các bài luận dự kiến được báo cáo trước tiểu ban ngày làm việc cuối cùng của tháng giờ được dời lịch sang những ngày đầu của năm mới. Tôi lờ đờ sau một đợt thiếu ngủ dài, rồi lại ngốc nghếch cố nhích cho tiến độ, kết quả đầu tuần thì sụp hoàn toàn, lóc cóc gõ một cái tin nhắn báo cáo và xin lỗi rồi tập trung ngủ bù.

Kết quả là tối ngày làm việc thứ hai của tuần có đứa chăm chỉ ôm cái sàn nhà khi quá nửa đêm chút chút với miếng vải thơm mùi thảo mộc Origins trên mặt. Sáng sớm vẫn là miếng mặt nạ trên mặt loạng choạng ra mở cửa cho hàng xôi xong thì con giời quay lại ổ chăn đệm ngủ tiếp. Giấc ngủ kéo dài quá mười giờ đồng hồ, sâu và êm. Miếng vải bỏ ra khỏi mặt khô cong. Trong gương, tôi thấy một nong bánh đúc lạc cười tít mắt. Cảm giác no đủ giấc ngủ đem lại, chỉ loại người nào đã kinh qua cái gọi là cơn thiếu ngủ hay mất ngủ mới có thể biết là nó đáng giá thế nào!

(3)

Tôi gặp lại đàn chị sau gần một năm đứt liên lạc. Một bữa trưa yên tĩnh với phần lớn thời gian là chị nói em nghe. Đàn chị bình thường là người chu đáo, nghiêm cẩn, lấy thể diện đặt lên hàng đầu, quản con chặt theo phong cách không hẳn "mẹ hổ" mà chính xác là "phát xít" giờ bỗng biến thành một con người hoàn toàn khác. Tôi nghe chuyện về con nhóc con nổi loạn trong nhà, nghe xong cười ha ha ha bảo, em nghĩ ngày xưa mình là quái vật, giờ nhóc này còn siêu cao thủ võ lâm hơn em. Lại thêm một câu, mà ngẫm giờ lại càng thương bà già nhà em hơn.

Ngày trước tôi làm loạn, anh hùng bỏ nhà ra đi có, đập phá đồ có, chưa kể là thi thoảng lại một cơn sưng sỉa không nói không rằng. Nhưng nhà nghèo thì làm gì có chuyện đặt đồ hiệu từ nước ngoài bắt phụ huynh thanh toán, làm gì có chuyện bắt phụ huynh ứng tiền công làm việc nhà mỗi lần cả vài triệu để mua mỹ phẩm, lại càng không có chuyện phá tung đồ vải mặc trên người để sửa chữa thành phong cách thời trang này nọ và khi không sửa được thì bắt phụ huynh phải mang chỗ vải rách nát ra tiệm may để sửa tiếp.

Đàn chị bảo giờ không kỳ vọng con mình phải trở thành ai nữa, chỉ cần nó không làm cái việc ngốc ễnh cái bụng ra phải can thiệp rồi ảnh hưởng đến sức khỏe. Lại tiếp, hẹn gặp em khi nó thi cử xong xuôi mùa hè tới.

(4)

Tôi phát hiện D có tóc bạc. Nhưng kiểu gì thì người trước mặt vẫn đẹp, kiểu ở đó mà không sao chạm tới được. Còn thằng cu người hâm mộ thì tiếp tục gầy như một tay ma xó. Nó đi cái xe đen sì nhìn đã thấy áp lực. Tôi hỏi bao giờ đi, nó bảo sắp ạ.

Tôi bị hỏi về đống mụn thì ề à giải thích. Thằng bé con ngồi cạnh tỉa tót tin nhắn điện thoại chán quay sang hóng hớt, phán câu xanh rờn, tuổi này dùng Estee Lauder là phù hợp hơn cả.

Tôi bảo, mày biết tiền lương tao bao nhiêu mà xui dại vậy. Nó gãi đầu cười hì hì, thì tại hóng vợ em nói chuyện chăm sóc da thì biết vậy.

(5)

Tôi dự cuộc họp bắt buộc của những màn kiểm thảo và thề thốt khi năm đáo hạn. Nói chuyện sức khỏe, tay đồng nghiệp trẻ xuất hiện ở cơ quan chưa phải là lâu hỏi, em tưởng chị tập Pháp luân công thì khỏe vô địch. Thiếu chút tôi giơ tay tát cho nó một phát. Cuối cùng lại là hỏi lại một câu, ai bảo mày thế, rồi quay sang làm việc khác.

Tôi tập khí công, nhìn động tác của những người tập món kia biết là đẹp và hẳn thần dụng. Nhưng thái độ của nhiều người trong số họ thì tôi không thích, nên về căn bản là tránh xa nhất có thể. Chuyện này làm tôi nhớ lại mùa hè năm trước với cả đống nhảm nhí ngu xuẩn một cách ngớ ngẩn. Có nhiều chuyện trong cuộc sống tôi không thể giải thích tại sao, hay đúng hơn là thực cũng chẳng quan tâm bao đồng xuể. Ai đó vào một thời điểm nào đó nhắc một chuyện nào đó, kết quả là thòi ra một mẩu ký ức cụt lủn. Xong rồi tự dziễu, ừ vậy là có một đoạn thời gian vậy!

(6)

Tôi đi thăm ông thầy giáo già ốm đã lâu. Ông cụ không nhận ra tôi. Phần nhiều thời gian của cuộc thăm viếng, tôi bô lô ba la với cô và chị con gái. Trước khi về ông cụ nắm tay bảo xin lỗi không nhận ra cô là ai.

(7)

Những món đồ chăm dưỡng theo đặt hàng đã đến Hà Nội.

Tôi từ ngày lọ mọ lên danh sách đặt hàng đến giờ nhìn đống hộp trước mặt dường như đã thay đổi nhiều. Từ bận tâm ban đầu làm sao phải sạch nay chuyển sang thánh thót nỗi niềm làm sao phải đầy đặn độ ẩm cho da.

Mấy chuyện đàn bà này đến giờ căn bản tôi vẫn cho là phù phiếm. Nhưng cho là vậy thì cũng từ nhiều tháng nay có đứa dở hơi thế quái nào tự huấn luyện tạo lập cho mình một routine chăm dưỡng cũng không hẳn là tệ. Kết quả hiển hiện nhất là khác với những mùa đông trước, năm nay không còn cái màn nứt nẻ khô rát mặt mày nữa.

(8)

Trên đường đến thư viện quen, tôi thấy đại gia. Mồ ma partner từng có việc liên quan đến người này nên tôi biết.

Tôi đứng chờ sang đường, ngó đại gia giơ cái điện thoại thông minh chụp hình nhà hát thành phố, chụp xong thì ngồi phịch mép bồn hoa trước cửa nhà băng. Lúc đó có đứa xỏ xiên trong đầu, sặc mùi của thuyết âm mưu, chẳng nhẽ thằng cha này định tóm nốt cái nhà hát.

Đại gia mặc quần kaki, đi giầy thể thao, áo phông có cổ. Nếu có thứ có giá trị đập vào mặt thì hẳn là cái đồng hồ và điện thoại.

Tôi kể chuyện này cho D. Thằng bé người hâm mộ cười khớ khớ. Còn D thì tủm tỉm. Cuối cùng tôi kết luận, hai ông trước mặt này coi bộ dạng hóa ra lại thành phô diễn. Nói xong biết mình dại vì lại loanh quanh một hồi giải thích phô diễn ý là gì, rồi nắn nót bổ sung mấy từ họ hàng.

(9)

Có cuộc hẹn ở Paris Deli. Sau cả vạn năm tôi quay lại chỗ đó, gọi cốc trà lài quen thuộc, rồi ra ngó quầy bánh. Nghe cậu phục vụ bùi tai, chọn phần bánh dừa.

Bánh béo ngậy, các vụn dừa giòn rụm, cùng với nước trà kiểu công nghiệp ăn liền hóa ra không tệ.

Người ra vào quán nhiều, phong phú đa dạng vô nhường. Một ông chỉ đạo thằng cấp dưới đi mua thùng sữa chua biếu chị em phòng đào tạo của cái trường đại học nào đấy. Một cặp đôi nhân tình nhân ngãi dạng đại gia tỉnh xa Hà Nội hàng hiệu từ đầu đến chân nhưng cứ ngúc nga ngúc ngoắc. Mấy thằng cha bụng bệu của ngân hàng dáng dấp mờ-phia không ra, mà quan chức gian manh cũng chẳng hẳn. Rồi một hội các nữ cường nhân không phải gái ế thì cũng là nữ quan thành đạt nhưng đau đầu vì thằng đàn ông thất chí của mình, thì thào than phiền chán thì quay sang an ủi lẫn nhau.

Tôi nhớ ngày xưa quán tầm sáng ít khách, có mấy kẻ bí hiểm ngồi đọc sách an tĩnh một cách quỷ dị. Lại có quý anh người Tàu làm chủ buôn lớn, đặt phịch cái túi đẹp rồi gục mặt o o ngủ trước khi có đám đối tác đến thanh toán, tiền hàng cọc bừa bộn một góc bàn. Mấy tay anh chị nghệ sĩ nhà báo chi chi chưa mở miệng thì áo xống và cử chỉ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khua chiêng gõ trống thông báo cái căn cước của họ. Và đặc biệt nhất là đến nửa sau buổi chiều hay có một ổ sồn sồn váy áo các quý bà chơi chứng khoán.

(10)

Qua Indigo mua quà đám cưới em họ ở Sài Gòn. Cô chủ kỳ công bao gói chỗ quà, xong xuôi dặn khi trao thì theo tục lệ phải đưa đầu nào trước đầu nào sau. Tôi phì cười, gửi bưu điện mà.

(11)

Tôi ngồi bus ngó đường Phan Đình Phùng ngày trước khi mưa và gió lạnh tấn công thành phố. Thấy trước mặt là chuỗi dài những sắp đặt.

Người lớn bận rộn không tự sướng thì có thằng sướng giúp. Công cụ tác hành cái sự sướng ấy, camera xịn có, mà điện thoại thông minh đại chúng cũng có. Đang vậy thòi lòi ra một dàn âm thanh, sau những tiếng hét là bốn cái xe đạp thể thao thu nhỏ với bốn thằng nhóc chừng học lớp ba lớp bốn gì đó. Những đứa trẻ ồn ào vô tư trong các khối nắng dịu tạo nên một điểm nghỉ dễ chịu bên cạnh những phấn son váy áo và các biểu cảm mặt mày cùng cử động thân thể theo công thức xã hội.

(12)

Từ lâu tôi không để ý thời sự đông tây cận viễn. Hôm nay tự dưng mùi mẫn thốt ra một câu với người trước mặt, đấy Bowie mất gần hai năm rồi đấy. Thế là nghe cả một đống tên những người hay ho mới lìa đời, trong đó có ông Elvis Presley nói tiếng Pháp.

Hết chuyện hát hò thơ ca thì hóng thêm chuyện cấm đoán ngôn từ. Thế là cả buổi tối cứ được lúc lại phì cười khi nghĩ về cái biển nhà hát vui tính ở thành phố nhỏ tôi đã từng dừng chân kia.

Và thấy thời gian trôi thật nhanh!

cái nguồn là đây

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

bắc ninh 17.12.2017

Tôi không nghĩ bị cơn trầm cảm mới khuấy đảo. Các cơn đau, có. Những biến chuyển mơ hồ trong cơ thể, có. Những suy nghĩ liên tục biến dạng và ngả màu tiêu cực, có.

Các ngày giống như thể bị treo, ngưng lại, rồi đột nhiên bật tốc khiến tôi hẫng hụt, ngã nhoài.

Về nhà của hai cụ già ở Bắc Ninh, bất chấp cái bề ngoài ầm ĩ và lộn xộn, rốt cuộc lại là một dấu nghỉ bình an.

Như mọi khi, trên đường đi và về không thiếu những câu chuyện hài hước bật ra. Lần này, tôi không  o o suốt buổi cả hai chiều đi về. Bạn tài xế chủ đích đi chậm để con giời ra tay "tác nghiệp" chụp lại hình cái biển báo có một không hai. Qua làng nghề đúc đồng, xe tải to chạy đi chạy lại sôi nổi phục vụ công trình khu làm nghề mới. Nhà đại gia đã bắt đầu sơn tường, màu vàng bắt mắt.

Như mọi khi, ở nhà, con được Mẹ cho ăn no và ngon.

Bà bá, chị gái của Mẹ, ra Bắc vì việc tang của ông em trai đặc biệt của mình, qua nhà chơi cả buổi. Chúng tôi cười khành khạch khi phát hiện ra Bá của mình, đã lên chức Cụ với ít nhất là ba đứa chắt, kể từ ngày lấy bác trai đến giờ chưa bao giờ nhận một đồng tiền từ chồng - người cho tới nay vẫn đều đều hàng tháng có khoản tiền từ tư cách thương binh cộng với lịch sử công tác ở trạm y tế xã. Chắc câu hỏi làm sao Bá sống sót và sống tốt với cả một tiểu đội năm sáu anh chị họ giờ ai nấy đều rất ổn xứ Nam sẽ còn ám ảnh tôi vài ngày nữa.

Anh họ con nhà bác trai mới qua đời chưa rời Việt Nam, chạy loanh quanh chơi nhà này nhà nọ trong làng, tha lôi về một đống đồ sành sứ cũ từ nhà bà ngoại giờ đã thành người thiên cổ, nhớ em họ điên khùng là tôi, khoát tay cô thích gì cứ lấy. Kết quả, con giời ẵm cho riêng mình mấy cái hũ để làm bình hoa, mấy cái đĩa nhỏ mỗi cái một họa tiết hoa lá và sáu chén uống nước còn tinh tươm chưa một đường sứt mẻ.

Chiều nay, Bố bắc thang tuốt lá đào. Con gái hỏi, thế con cũng làm thế với cây đào ở vườn Hà Nội nhá. Câu trả lời là được, kèm câu dặn tỉ mỉ về cách tuốt lá.

biển báo sáng tạo :-)
thành tích vại sành

xà lách, đậu
cà chua
bắp cải

bánh chưng dài gói cho lễ giỗ

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

bánh đúc nóng nhân thịt

Món làm đơn giản vì có gì xài nấy. Thêm một ý nữa, món làm nhanh, ăn liền :-)

Nhân bánh có nạc vai xay trộn với nấm hương và mộc nhĩ, cả hai sau khi được làm sạch thì cho chạy rào vài vòng trong cái cối xay, hành lá và lá mùi tàu xắt mịn, một chút xíu hành tây cũng xắt mịn, tiêu xay, bột gia vị và chút mắm cốt. Hỗn hợp này ướp chừng nửa giờ là có thể tiến hành xào nhân bánh.

Ngoài ra bổ túc cho phần nhân thịt bằm còn có ruốc tôm khô vốn dành cho món bún thang và tiện lần này có sẵn trong tủ lạnh.

Nhà đã lâu không dùng hành hương, món hành khô là lấy trộm từ hàng xôi, để sẵn một bên.

Còn món hành lá chưng dầu ăn thì làm rất mau tay. Hành làm sạch, bỏ cái phần trắng, còn lại từ dọc cứng xanh xanh trắng trắng tới phần lá xanh mướt, đều tay dùng dao thái nhỏ. Trộn các bạn vụn hành này với chút xíu đường nâu, chút xíu bột gia vị rồi để chừng dăm bảy phút. Chảo cho lượng dầu ăn theo ý, tôi làm nhiều để dành cho món khác, lửa vừa chờ đến khi dầu nóng thì thả chút hành tây bằm vào chưng thơm. Sau đó thả phần lá hành ướp kia vào chưng tiếp. Có nhiều cách làm món hành lá chưng dầu. Có lúc đơn giản là dầu nóng già thì trút vào chỗ hành lá đã thái sẵn rồi sêu nhẹ là đảm bảo hành chín, thơm như ý. Còn lần này, đích thị là chưng hành, từ lúc thả hành vào chảo đến lúc tắt bếp chừng 3 phút. Hành nguội thì cho hỗn hợp chưng dầu-hành đó ra cái hũ nhỏ cho các món sau.

Bột gạo cộng chút xíu bột bắp hòa nước chuẩn bị cho công tác khuấy bột bánh đúc. Trước mỗi lần làm đều có bột năng, lần này cái hộp để các loại bột vắng bóng bạn này, tôi xài bột bắp. Thực thì nhà có arrowroot starch/flour hiệu Red Mill nhưng túi to đùng, tôi nghĩ chuyện khui nó ra rồi chẳng biết bao giờ mới dùng tới tiếp thì lười, bỏ qua.

Rau thả vào bát bánh đúc thành phẩm có một bên là hành lá và mùi tàu cùng chút xíu hành tây, thái mịn; thêm nữa là hai thứ rau gia vị mùi ta và thơm Láng, cũng là thái mỏng. Trong đó thực cái đám hành lá-mùi tàu-hành tây kia chỉ gọi là thoang thoảng, còn chính vẫn là mùi và thơm.

Nước chấm chan vào bát bánh đúc thành phẩm pha không thiên vị thành phần nào, có đủ cả mặn của mắm cốt, ngọt của đường nâu, chua nhẹ của dấm táo Heinz, tất nhiên là không thiếu tiêu xay, tỏi bằm và xíu ớt khô bằm vụn nữa. Về căn bản, nước chấm lấy lượng dồi dào - vì tôi thích chan ngập bát, còn vị thì chủ là lạt, nước chấm lạt.

Bột đã pha được khuấy ở lửa vừa. Kiên nhẫn khuấy đến khi bột sánh lại, nở bùng bục ra các bong bóng nhỏ coi như là hoàn thành. Bát bày sẵn, trút bột bánh ra rồi bày lên trên đó phần nhân thịt bằm, ruốc tôm khô, hành khô, hành lá chưng, hành rau gia vị và tất nhiên là chan ngập nước chấm.

Trời lạnh, trước bữa tối làm bữa lửng là bát nhỏ bánh đúc nóng, coi như là vui cái miệng, phấn chấn cái dạ dày!

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

bắt nhịp thời gian

(1)

Mỗi lần đi qua nhà triển lãm Ngô Quyền, tôi theo thói ngó một cái chỗ mấy cái ghế nhựa của dân chè thuốc, nếu gặp ánh mắt nhìn của bác già và cô trẻ thì sẽ có một biểu tỏ thay câu chào, lần nào cũng như lần nào. Cho đến tuần trước, khi tôi ngoác miệng ra cười xong thì nhận được câu hỏi của bác già, sao lâu cháu không vào uống nước.

Chiều nay điên điên khùng khùng quyết định tự tặng mình một nửa ngày rong chơi, trong cái vòng tròn đi bộ và ngồi bus, tôi nhớ tới mùi vị của cốc nhân trần nóng. Gọi nước xong, giơ thêm cái chai nước tinh khiết uống đã quá nửa, cẩn thận dặn bác bán hàng, cho cháu tý xíu nhân trần, chỉ tý xíu thôi, chỉ đến chỗ mép này thôi. Cốc nước được mang ra, vị lâu ngày gặp lại, ngọt dịu và ấm áp. Mấy phút sau là cái chai được rót thứ nước tối màu đầy đặn đến mức chực trào với câu hỏi đi kèm của bác gái, lúc nãy cháu có đưa bác cái nắp chai không. Tất nhiên là không rồi. Gấp đôi chỗ mấy phút sau nữa là một cái nút màu vàng, hẳn là từ một chai trà xanh, trà chanh gì gì đấy cùng lời xin lỗi của bác gái. Tôi phì cười, trả lại cái nút.

Bác gái ngồi cạnh, xin lỗi thêm lần nữa. Tôi phì cười thêm lần nữa, không sao, không sao. Lịch sử tôi ngồi quán vỉa hè này tính khéo cũng không phải là ngắn, nhưng tổng số lần ngồi thì chẳng phải là nhiều. Còn chiều hôm nay, số lời chui ra khỏi miệng tôi có lẽ phải gấp cả vài chục lần tổng số từ tôi đã từng nói với bác gái kể từ lần đầu tiên đặt mông xuống cái ghế nhựa màu đỏ cáu bẩn và ngả lưng ra cái gờ tường của tòa nhà cơ quan nông nghiệp lúc nó chưa được sang sửa thành tiệm bán máy ảnh và quán cafe sành điệu.

Bác gái chẳng khác nào một tay an ninh văn hóa lọc lõi, ề à hỏi như có như không. Còn tôi, thật thà có mà ranh mãnh cũng có, trả lời đầy đủ tất cả các câu hỏi. Thu hoạch to đùng của màn trò chuyện kỳ lạ là bác gái giờ sẽ không còn tưởng tôi làm nghề thợ vẽ nữa.

Ở bên cạnh bác gái, cô chủ trẻ hơn duyên bán hàng đầy đặn hơn có khách là một nữ phụ đầy vẻ nghệ sĩ, đầy vẻ suy tư, với điếu thuốc hờ hững trên tay. Lát sau xuất hiện một bà già bán dạo mấy món bông tăm chi chi, giọng xứ Thanh đặc sệt, không hẳn là khách mà là người vào ngồi nghỉ nhờ và được mời miễn phí miếng nước. Bà cụ già kể chuyện ai đó trong nhà tai nạn, đi cấp cứu, vân vân và vân vân, không phải là tố khổ hay kêu than, đơn giản là kể chuyện. Tôi nghe câu được câu chăng, phần nhiều chú tâm nếu không phải là dành cho những đôi giày của đám người bộ hành lướt qua trước mắt thì là các biển xe máy đậu ở ngang tầm mắt với đủ cung bậc từ phô trương đến trễ nải, lúc quay lại ngó bà già thì nghĩ, thêm một tiếng nói lọt thỏm trong thành phố.

Cái chai nước pha nhân trần không nắp được trút già nửa sang cốc. Phần còn lại tôi tưng tửng vác theo người, cứ thế mà đi xuyên một chặp Tràng Tiền sang Hai Bà Trưng tìm quán cafe quen. Trên đường, tôi nín nhịn mà không phá lên cười nhạo hình ảnh của bản thân. Một cái chai không nắp rốt cuộc thì có thể biểu tỏ cho điều gì, sự-bất-cần hay thói-bê-tha? Mà cuối cùng xem ra tôi chẳng điên là mấy với cái câu hỏi ngắn cụt lủn đó vì khi tới chỗ ngồi quen thuộc với công thức "hai cốc một thìa" thành routine của mình, ít nhất có vài đôi mắt dò hỏi chằm chằm vào cái chai và một câu hỏi thẳng tuột, sao lại vậy.

(2)

Tôi đi tìm bus về nhà. Ở chỗ tòa nhà bưu điện to có mấy ông thợ hàn đang làm việc, các tia hàn chạy dài gây sợ. Trong khoảnh khắc, tôi nhận ra, ở phía đầu kia của các khuôn sắt đang được kết nối là khuôn mặt quen thuộc của người tôi đã từng chịu ơn, người tôi đã từng hâm mộ trong một đoạn thời gian dài. Kịp cho một câu hỏi có nên chào hỏi. Kịp cho câu trả lời, tùy duyên. Kịp cho một sự chủ động, cứ thế mà lướt qua.

Cảm giác sau đó hóa ra không tệ chút nào. Tôi thấy mình tựa như có một dòng khoái cảm xẹt qua người, khoái cảm của cái sự được-giải-phóng.

Không lâu trước khi partner của D qua đời, có lần tôi nói ra cảm giác khó chịu về việc mang nợ ai đó. Không giống như người già trong nhà với triết lý "nợ đồng lần", ông anh thản nhiên bảo, nếu thời điểm đó không phải là cưng thì người ta lại giúp một cô bé khác, cậu nhỏ khác, thế thôi. Lúc đó, tôi thấy mình nhẹ nhõm nhiều, nhưng sự khó chịu thì tôi không xóa tiệt đi được.

Chiều nay tôi nghĩ thế là xong. Bất luận thế nào, tôi không còn mang vác món nợ nào nữa với bậc trưởng bối này.

(3)

Ở tiệm tóc quen cuối ngày, tôi tiếp tục lải nhải về kế hoạch quay trở lại tính nguyên bản cho mái tóc. Kế hoạch vẫn là chăm dưỡng bọn tóc hiện tại thật tốt, chờ chúng dài chút chút thì cắt ngắn đi. Vài chập như vậy thì dấu vết của thuốc nhuộm, thuốc tẩy coi như bay biến.

Con nhóc gội đầu cười khanh khách về ba cái gạch đầu dòng nổi loạn trễ của tôi. Hai cái đầu tiên, bôi màu cho móng tay và trát màu lên tóc, tôi coi như đã chơi chán. Còn lại là xăm mình.

Giống như phần lớn những người đã nghe về cái kế hoạch nhố nhăng này của tôi, con bé thì thào, hay là chị cứ thử làm cái hình xăm dzỏm trước vài ngày xem thế nào. Tay chủ đi ngang qua, dừng lại hét toáng lên, vài  ngày là thế nào, hình dán xịn có mà vài tuần.

Tôi nghĩ đến phản ứng của bà cụ già ở Bắc Ninh, kêu ầm lên như là trời sập. Rồi cái vẻ mặt đầy khoái trá của BJ khi chỉ tay vào một bà khách du lịch già và nói, đấy lúc trẻ chắc hình xăm của bà ấy đẹp đấy, còn giờ nhăn nhúm thế nào mày nhìn ra chưa. Rồi cái vẻ thản nhiên hài hước chẳng phải kiểu cách D chút nào, ừ cưng coi kỹ hình nào thật thích rồi làm nha.

Việc lưu ký mẫu tự Phạn ngữ tôi yêu thích bấy lâu lên chính cơ thể của mình xem ra sẽ tiếp tục trong một thời gian dài là một ý niệm đơn thuần không hơn không kém.

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

cơm gạo basmati và đậu lăng

Làm chuyên gia ăn hạt đậu không phải là việc dễ. Tôi thích thú cái món hầm chẳng giống ai của mình, nhưng ăn chơi chút chút thì được, còn lại vẫn là các bạn hạt đậu này giàu dinh dưỡng quá, làm tôi thành ra mau "ngán" :-(

Nhân chuyện đậu hầm thì thòi lòi ra các túi gạo đủ kiểu loại trong cái hộp đồ khô. Tối thứ Ba, con giời lọ mọ dọn dẹp, vứt đi cả loạt gạo để đã quá lâu, chủ yếu là các loại gạo dành cho mấy món cajuntex mex mà tôi vốn chẳng giỏi giang gì và nói chung thì cũng chẳng phải là kẻ hâm mộ đắm đuối.

Gói basmati còn sót lại được nâng lên hạ xuống. Chốc lát sau đó có màn ngâm gạo và đậu lăng vỡ hạt. Rồi tiếp nữa là nấu cơm nồi điện, trong nồi thả mấy lá phổ tai. Cơm ra vui mắt, hạt gạo trắng, dài, xốp. Bọn đậu vỡ khép nép bên cạnh cho chút sắc vàng. Mấy lá rong được bỏ đi.

Cơm này ăn thế nào? Thực hẳn là với hạt đậu hầm rồi. Nhưng cái bữa hạt đậu no nê kia, chỉ nghĩ đã thấy có phần ngán. Thế thì phải tìm thức khác.

Một lát nạc lưng bò ướp muối tinh và tiêu. Bắc cái chảo láng chút xíu xíu dầu rồi áp chảo nóng, sém đều hai mặt. Chừng phần thịt chín được già nửa thì bỏ nó ra cái thớt, thái khéo thành các miếng vừa miệng theo ý, cho bọn chúng quay lại chảo xóc mau tay để chín đến 7-8 phần thì bỏ ra. Cơm gạo basmati pha đậu lăng ăn bao nhiêu cho bấy nhiêu vào chảo đảo mau tay rồi đưa ra đĩa, để một góc bên cạnh các phần thịt xắt miếng kia.

Trong nhà không có dưa chuột để làm mấy lát dưa ăn kèm. Cũng chẳng có bí ngòi để làm món hấp hay xào mau tay thanh đạm bày cạnh. Nhưng món cơm quái gở tùy hứng xem ra ăn vẫn cứ là hợp lý. Cơm đậu xôm xốp, mềm mại, thấp thoáng vị ngậy nhờ công lao láng chảo rán lúc trước. Thịt bò đơn thuần đậm vị ướp muối và tiêu sau ăn nhờ chút thơm của dầu chiên hỗn hợp olive và hạt cải mềm, ngọt.

Tự dưng tôi nhớ đến món cơm vị chanh của bà cô người xứ Pondicherry mà tôi đã từng quen biết trong mấy tháng hè thực tập ở cái thư viện to đùng trên đại lộ Wilson. Rất kỳ lạ, tôi nhớ tên tuốt tuột từ cô gái Thái tưng tửng tên Deng tới chị Ngọc Anh yêu quý mà đáng ra tôi phải gọi là bác, qua bà cô già Alice mặt càu cạu nhưng tốt bụng vô cùng, rồi anh chàng lai liền tù tì mấy dòng máu Saming vô cùng dễ thương mà tôi trót giận chỉ vì viết nhầm chữ phở thành cái từ thiếu và sai dấu chỉ một thứ hạng đàn bà đứng đường. Còn có người phụ nữ Ấn điềm đạm và hòa nhã, người cho tôi thử không biết bao phong vị xứ Ấn, người dẫn tôi ngồi tàu nhanh đi đến một thương xá xa tít tắp ven Paris để được cạo đầu miễn phí bởi cô con dâu người Nam Mỹ thì tôi lại cố gợi nhắc mãi mà dứt khoát không ra tên gọi. Cái tính phũ đó của tôi, vậy coi là có từ lâu lắm rồi chứ không phải là bây giờ tôi mới ngộ ra :-/

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

hạt đậu hầm gia vị ý

Trong bếp không khoai tây, lò nướng không nốt. Còn cái đầu của kẻ háu ăn thì chật chội đủ ý tướng điên khùng :-)

Lục hộp đồ gia vị khô, tôi thấy gói aromi per patate al forno với lời quảng cáo rất oách "hương vị cổ xưa xứ Firenze" là quà TA gửi cho từ năm một ngàn chín trăm lâu lắm. Ảo não một hồi làm gì với nó, cuối cùng con giời tự bảo, điên thêm một lần cũng không sao.

Bếp nhà sẵn một phần hạt đậu trắng tươi, là đồ con bé bán hoa quả nhờ trước cổng cho TL. Có thêm một quả bí ngòi, và đương nhiên bọn hành tây, tỏi, đậu lăng bỏ vỏ vỡ hạt thì lúc nào cũng sẵn sàng.

Tôi mua thêm đậu đỏ, xương hom và xúc xích ông già Klobasa cho món hạt đậu hầm.

- Xương cục được chần qua nước sôi, rửa kỹ nước lã với muối hạt rồi để ráo.
- Đậu trắng tươi không cần ngâm. Đậu đỏ hạt khô ngâm nước cho mềm.
- Đậu lăng tách vỏ vỡ hạt rửa sạch
- Hành tây xắt miếng.
- Cà chua xắt miếng.
- Bí ngòi xắt khúc.
- Su hào thái miếng con chì, sau chia tiếp thành khúc ngắn.
- Tỏi bóc tép.
- Dầu olive.
- Muối tinh.
- Bay leaves.
- Và đương nhiên là cái bạn gia vị khô mang phong vị xứ Firenze rồi

Nồi hầm đun nóng cho dầu olive vào rồi thả tỏi vào phi chút cho dậy mùi thơm, sau mau tay trút các bạn hành tây, bí ngòi, su hào, hạt đậu và xương cùng cà chua đảo tiếp chút nữa.

Châm muối, thả lá nguyệt quế, đậu lăng cùng nước xâm xấp, đậy vung hầm.

Món làm ra để nguội, cho hộp trữ lạnh. Lúc nào đánh chén thì bỏ ra nấu lần hai. Cho lần này, đơn thuần là dùng chảo sâu lòng, áp chảo các lát xúc xích nóng tới thì trút phần đậu hầm theo lượng muốn ăn vào, đun nóng bắc ra cho bát là xong.

Tôi chẳng biết gọi tên món là gì, các hạt đậu làm tôi nhớ đến những ngày lạnh ở Paris. Đám gia vị khô kia thì mơ hồ gợi nhắc điều gì đó mà chính bản thân tôi thực là bất lực không định rõ.

Phần xương hoàn thành nhiệm vụ tạo ngọt được bỏ đi. Lá nguyệt quế xong việc được nhặt ra. Còn lại bí ngòi cho vào miệng mềm mượt, cà chua cùng hành tây chẳng thể nào nhìn ra bộ dạng. Chỉ duy các hạt đậu nguyên hình hài, lúc cho vào miệng thì như tan mịn. Các lát xúc xích bổ sung sau này đem lại chút an ủi cho kẻ không thạo ăn chay. Và tất nhiên không thể bỏ qua hương vị của những thứ hạt khô cùng đặc trưng mà dầu olive đem lại.

Tôi không quen thói ăn hạt đậu. Có làm đôi lần là đậu hầm vị cajun kèm xúc xích. Cả món đó lẫn món làm lần này, ăn hạp với món cơm hạt gạo dài basmati. Nhà có gạo nhưng tôi lười, thế là thành ăn vã hạt đậu hầm.

Dù thế nào, bếp bất quy tắc lần này xem ra không hẳn là tệ :-)


Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

mực lá chiên vị xì dầu & tỏi

Hàng xóm cũ, cả bố và con gái đều ăn ngon và nấu ngon. Dù gia đình đã chuyển đi từ lâu, chúng tôi vẫn giữ liên lạc, rồi theo đó mà lộc ăn lộc uống hoan hỉ hưởng thụ.

Con bé học ở Đài Loan, mỗi lần về Hà Nội kiểu gì cũng có màn đi chợ Mỹ Đình, vào hàng hải sản quen của bố nó, lấy một mớ nào cua, nào ghẹ, nào tôm, nào bề bề, rồi ngao, rồi ốc, và cả sò huyết nữa - tùy quầy hàng có gì và cái dạ dày réo rắt muốn gì thì mỗi lần là một tập hợp lựa chọn.

Cuối năm nay con bé không về, có người ở Hà Nội cao hứng nhớ món mực, thế là tự mình đi chợ xa tìm đồ.

Con mực lá vẫn chưa phải là to nhất, nhà hàng cân lên tròn xoe 8 lạng. Phần già làm món mực ướp vị cumin áp chảo nửa rán nửa nướng. Phần non vào tay TL biến tấu bếp ăn bất quy tắc, chiên nương theo vị ướp trước đó là xì dầu và tỏi.

Đại thể, phần mực làm sạch được khía đều để thuận lợi ngấm gia vị tẩm ướp. Thành phần ướp, trong nửa giờ đồng hồ, gồm bột gia vị, bột rong biển, tỏi bằm và xì dầu Quảng Châu đậm đà.

Bắc chảo, cho lượng dầu ăn tương đối, chờ dầu nóng thì điều chỉnh lửa to vừa, chiên đều hai mặt của lá mực. Mực chín cắt khéo thành các dải con chì. Thịt mực ăn vừa tới độ mặn của xì dầu, thơm vị tỏi, ngọt nhờ vào bột rong biển.

Tôi cơ địa kém, tiếp nhận hải sản có nhiều khó khăn. Nhưng yêu thích thì vẫn cứ là yêu thích. Món mực ngã lòng là mực một nắng chiên muối ớt ở quán Huế chấm muối tinh chạy qua hàng tiêu xanh và được bổ túc vài lát ớt xanh cùng nước cốt chanh không hạt, rau ghém chỉ đơn giản là vài cái lá húng. Sau quen vị mực ướp cumin TL làm ở nhà. Giờ có thêm cái gạch đầu dòng thứ ba ưa chuộng, mực lá chiên vị xì dầu & tỏi :-)))

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

ngày chậm

Thành phố thừa thãi âm thanh, thừa thãi khói bụi, thừa thãi cử động và lời đậm cả vị phô trương lẫn khoa trương của kẻ thị dân.

Tôi đóng vai bà già Choi Kab-soo ngồi bus và nhìn những mảnh vụn đô thị từ một tầm lạ lẫm. Vừa đủ thấp để ngó lơ phía trong các cửa tiệm, thường là hào nhoáng. Lại vừa đủ cao để thấy những tầng lầu trên, thường là xập xệ, lem nhem, thiếu đi sự chăm sóc của bàn tay gia chủ.

Cuộc chiến giấc ngủ xem chừng chuyển ngã rẽ mới. Tôi không biết có phải do món đồ uống mới mẻ mỗi sáng hay không. Dù thế nào thì sau vài ngày đầu tiên ở trạng thái bị kích động, giờ cơ thể đã bắt nhịp với màu, mùi và vị của thứ nước nâu nhàn nhạt đó. Các giấc ngủ không dài về thời gian, nhưng sâu, no tròn, đầy đủ trong cơn cữ của chúng.

Một món nợ bài vở đã trả xong. Thêm một món khác, được nhét vô phong bì, cũng được thành hoàn. Tháng 12 còn nhiều khoản nợ việc chờ kết thúc.

Và giữa các khoảng thời gian ngồi im, tập trung với cái màn hình hay đống notes lộn xộn chờ được sắp xếp ý tứ rành mạch, tôi nhâm nhi Những kẻ khó thích nghi của Trà Đóa.

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

cho ngày mới, tháng mới, đời mới

Bọn mụn béo múp míp, phong phú, dồi dào trên mặt. Còn tôi thì tối tối cầm cái gương ra ngắm nghía rồi long trọng kết luận với TL, hay không này, có mụn mà không bực. Con em xỏ xiên, thế bực hay không bực thì mụn vẫn ở đấy mà. Hết chuyện!

Sáng ngày cuối cùng của tháng, một món nợ bài được thành hoàn. Tính khéo, tôi trụ gần 24 giờ lờ phờ vắng bóng giấc ngủ. Sau khi đã nhét vào người một lượng lớn cafeine và cả ginsenoides cùng ít đồ ăn tạp nham trái bữa. Xét về một phương diện, tôi là nhà vô địch huỷ hoại bản thân, sau vài mảnh vụn thời gian muốn cải tạo lối sống. Tệ!

Nhưng trong lần chạm đáy thứ n này của một cơn khủng hoảng không có hồi kết, xem ra tôi học được chút gì hữu ích về căn bệnh lần khân và phương thuốc giải dành cho nó.

Hành động của tôi có chung một motif là trì hoãn thật lâu, thật dài nhất có thể các đầu công việc, kể cả trong trật tự nghề nghiệp lẫn đời sống riêng tư. Kết quả là tự trọng cứ thế mà sụt giảm, sức khoẻ thân tâm bị đập vỡ tơi tả, chưa kể một đống dài những đơn từ thanh minh xin xỏ gia hạn và mấy món nộp phạt chẳng khiêm tốn chút nào.

cú xa xỉ cuối cùng của năm 2017 - yin zhen :-)))
Thò chân vào tuổi 40, tôi thi thoảng loè bịp bản thân rằng mọi chuyện vẫn ổn. Chưa có những o ép quá nặng nề về chăm sóc y tế, về trách nhiệm gia đình. Thiên hạ rêu rao thành tựu, tôi rón rén thò mặt điểm danh với chút đắc chí, bà đây chưa phải ngồi hàng ghế chót trong cái rạp tuồng chữ nghĩa hoa hoè hoa sói. Thêm nữa, tôi lại chẳng bị rượt đuổi bởi mấy thứ lấp lánh nhãn mác xã hội.

Thế nhưng tôi không thể lờ đi những khoảng trống, những hố đen ngày một lớn của sự vô nghĩa, của bất an vô nguyên cớ và phi hình. Tôi không dám và cũng chẳng dư độ điên để đoạn tuyệt thế giới này theo phương thức cực đoan nhất như đã từng được lên kế hoạch cho tuổi 40. Tôi đã thử không ít thực đơn tâm linh song qua vài hồi hưng phấn thì phần lý lẽ dở dở ương ương cùng năng lực xỏ xiên vô hạn của bản thân lại là những kẻ thắng cuộc.

Ngày hôm nay, chẳng có sự tỉnh thức diệu kỳ nào, cũng chẳng hề có một thứ ánh sáng hứa hẹn con đường giải phóng, giải thoát mới. Đơn giản đến nực cười, tôi nhận ra từ lâu rồi, tôi đã vô thức tránh cho mình nhiều cam kêt-nợ việc mới. Vậy nên mỗi khi một món nợ lưu cữu được kết toán, cả thân  người và tâm trí của tôi theo đó mà nhẹ nhàng, thanh thoát hơn. Một sự sảng khoái êm dịu. Rất chân thật và cũng rất tuyệt!

Vậy nên tiếp tục sống. Tiếp tục trả nợ. Với hình dung về tưởng thưởng là những note thời gian đẹp này!

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

chuyện nhảm về sự ăn, về sự chăm sóc, về sự luyện tập

(1)

Gặp bạn lớp 1 trường Nguyễn Phong Sắc sau gần 40 năm. Bạn có chút vấn đề về chân, trong trí nhớ đứt quãng của tôi về những ngày sống ở khu tập thể trường đại học dưới phố Đại La, bạn đi lại có phần chật vật nhưng mặt mũi lúc nào cũng hớn ha hớn hở. Giờ bạn vẫn là người cởi mở, cái chân hình như không gây ra nhiều phiền toái trong đi lại và giao tiếp, ít nhất là tôi nghĩ thế.

Chúng tôi ăn liên hoan ở nhà cô giáo chủ nhiệm lớp 2-3, bữa trưa do các cô chủ nhiệm từ lớp 1 đến lớp 4 tổ chức. Bạn ngồi cạnh, tôi biết trước chuyện bạn giữ chân tổ chức sự kiện và chạy việc cho một chùa to ở Hà Nội, ề à hỏi han này nọ. Bạn làm một lèo về cái sự trở thành như ngày hôm nay. Tốt nghiệp kinh tế, đi làm makerting hay bán hàng chi chi cho một hãng viễn thông to đùng, rồi đã kinh qua cán bộ phường, ngày đẹp giời thì thành người nửa dân gian nửa tu tập. Chuyện xảy ra sau khi em gái nhỏ trong nhà ôm cái án mấy năm tù vì tội danh lừa đảo. Bạn bảo, ai tìm tới đạo Phật cũng phải có lý do hết cậu ạ. Ý chừng, không có biến cố thì sẽ chẳng bén ra cái sự gặp gỡ này.

Chúng tôi nói chuyện nhiều, sau nhiều chủ đề thì quay sang chuyện ăn uống. Giữa chừng của mạch trò chuyện ấy, bạn bảo, các vị to trong chùa được cúng giàng đồ chay ngon và tinh nên ăn cái thứ đó thì người khỏe, da dẻ hồng hào; còn cái bọn như tớ ý à, toàn rau với đậu phụ thì mặt mày có mà tối om, xám nghoét. Kết luận đi kèm với hành động tay gắp một miếng tướng tiêu biểu cho protein thần thánh vào bát của tôi là [cậu] không việc gì phải ngại ăn thịt.

(2)

Tự dưng tôi nhớ chuyện MA kể, từ mấy năm trước, rằng anh sếp nói thích nhất là được ăn ở chỗ các Cha. Đồ ngon, tươi, sạch, thứ nhất luôn. Chuyện này hồi mồ ma partner của D còn tại vị trên đời, có lần tôi vui miệng kể lại. Hai ông anh cười ngất nhìn nhau rồi quay sang nghiêm túc phi thường nói với tôi, cái người đó nói đúng. Sau hồi tôi mới nhớ ra cái hoàn cảnh dây mơ rễ má chằng chịt đủ đường tâm linh của gia đình bên đó, cười khì khì ra chiều hiểu chuyện.

(3)

Mà chẳng phải nói chuyện người tu hay chuyện kính lão trong gia đình được trọng vọng cái đường ăn uống, dưỡng sinh. Là quan và làm quan, thời cũ hay thời mới, cũng là một địa vị để nhận lộc thuận cho cái đường bao tử. Cô học trò nhỏ của ông cụ già trong nhà có niên đại từ cái đời tám hoánh nào đến giờ vẫn thân thiết điện thoại qua lại hỏi thăm Bố Mẹ từ xứ Điện Biên, có lần kể với Mẹ về chuyện trên tỉnh đó, người ta tìm tam thất tự nhiên để bán cho bọn biếu sếp, giá đôi chục triệu đồng một kí lô. Con gái cười khướt trêu bà cụ già, mình mua hỉ. Bà già siêu ki-bo thì đừng hòng có chuyện đó. Nhưng phản ứng tức thời hóa ra không phải là tiền, làm sao chắc được là người ta không trộn tam thất thường vào. Úi dza, chuyện ăn biến thành chuyện vốn tin cậy trong giao tiếp xã hội.

(4)

Nhiều năm trước, tôi "đú đởn" chay chay theo mốt. Lúc đó bị BJ chê cười, mày thích làm phiên bản New Age kiểu của riêng mình à (?) Còn D và partner thì cảnh báo, chuyện này nghiêm túc chứ không phải là phóng túng nhất thời đâu. Được hồi, tôi bỏ. Vì nhai rau, hạt và củ mau thấy mồm miệng nhạt thếch. Thêm nữa, cái sự chế biến bếp chay đôi khi hóa lại phức tạp hơn bếp thường (!)

Giờ thì chuyện gì xảy ra với tôi, với chúng tôi? Tôi phát hiện bản thân không còn bài xích bọn đậu phụ và rau củ đủ loại nữa. Thậm chí, có lúc nghĩ mà còn "thèm" chúng. Xem ra là dấu hiệu tốt. Rồi nữa, kẻ ăn tạp là tôi bắt đầu bài xích với mấy món mắm xưa nay tôi luôn ngợi ca "quốc hồn quốc túy". Tôi để ý mấy lần dù chỉ là ăn chơi chót vót đầu lưỡi mấy món mắm quà từ Huế, Đà Nẵng và xứ Thanh, lần nào cũng như lần nào, cái bụng sau đó cọt kẹt giận hờn. Còn bữa qua, nồi cà bung TL nấu tuyệt hảo, lúc đánh chén chẳng sao, nhưng tối muộn thì xem chừng thành phần mẻ chua trong đó không phải là bạn tốt của bọn lòng ruột nhà mình.

Tôi từng cười cợt đám người kiêng tanh, kiêng cay, kiêng chua. Giờ với đống lổn nhổn trong người, xem ra tôi bắt đầu thò chân vào hàng ngũ những kẻ kiêng khem đích thực! Chuyện hay là không còn à la mode như ngày trước, mà là do chính phải ứng của cái thân này của mình. Rất tự nhiên mà vậy!

(5)

Tôi đọc cuốn sách của một cô người Nhật nói về mấy chuyện phục trang và chăm sóc hình dạng bản thân. Chưa biết ngộ ra cái gì nhưng điều đầu tiên đến trong trí là bộ tóc xác xơ và màu mè kiểu con bé ngoại ô mất dạy cuối thập niên [19]90 của bản thân xem ra đúng là không ổn.

Thế là có quyết định to, đi ra tiệm tóc cắt xén chút.

Thằng bé thợ phụ trong tiệm, tôi chẳng buồn quan tâm địa vị của nó, tiện thấy mặt thì ngoắc tay chỉ, mày làm cho tao, thế nào cũng được, chỉ cần vẫn đảm bảo vẫn còn đủ dài để buộc.

Gần một giờ đồng hồ cắt tỉa, tôi ngồi im trên ghế, thi thoảng bị tay kéo ấn cái đầu, lúc thì chúi về phía trước, lúc thì ngả nghiêng sang phải rồi sang trái.

Quãng thời gian đó, ngoài một quý bà vào phòng trong gội đầu, tôi đếm có tất thảy 5 gã thanh niên chạy vào tiệm ngắm mình trong gương và bắt đầu chải chuốt đầu tóc; đám này nếu không phải là bọn bán hàng ở mấy tiệm bên cạnh thì là khách chơi điện tử kiêm khách cắt tóc gội đầu quen của tiệm. Có một gã trai trẻ gồng mình "anh chị" cổ đeo thòng lọng vàng chắc cỡ gần chục "cây" tính cả dây lẫn mặt chạy vào yêu cầu chủ tiệm kiêm thợ chính vuốt keo chuẩn bị cho lễ sinh nhật của bản thân buổi tối. Anh chàng kết thúc màn làm đẹp quay sang nhắc thằng cu chủ tiệm, mày nhớ qua 1946, mình ăn uống bét nhè ở đó rồi tối đi bar nhảy nhót. Đời nghe vui lạ! Sau là một gã khác, tay xăm kín đặc, phớ lớ ngồi vào ghế kêu tạo hình để chuẩn bị đi gặp "phụ huynh". Lúc đầu định cắt tỉa đơn thuần, hồi sau thành nhuộm, phải là "khói" cho ngầu.

Chuyện nhìn là một chuyện. Chuyện nghe lại là một chuyện khác. Thế giới [kinh tế] phi chính quy quả là phi thường. Lời tuôn ra từ cậu chàng có ngày sinh nhật kia nếu ghi lại chuyển cho quan tòa, chắc xét xử được vài chục vụ cưỡng bức. Còn anh bạn xăm trổ, tôi nghe mãi mà không đoán ra được ông con giời rốt cuộc làm nghề gì, chủ tiệm cầm đồ, tay đại lý đề đóm cấp 2, hay đơn thuần chỉ là ông chủ một shop quần áo dành cho các quý ông theo đuổi phong cách Galliano và Versace phiên bản Tàu.

(6)

Tôi quay lại phòng tập sau hơn tuần đứt quãng vì ốm. Thân thể như không phải của mình, lờ phà lờ phờ cố căng, cố dãn.

Lúc ngồi im, thay vì đếm cừu, thay vì để tâm trí chạy theo thứ nhạc ồn ã của phòng tập cơ, tôi bắt đầu tưởng tượng, chuyện gì xảy ra nếu quý Đạt Ma hát jazz, quý Di Lặc chơi rock, còn quý Quan Âm trẻ trung tưng bừng hip-hop. Cái hình dung láo toét đấy xem chừng có tác dụng. Con giời ít nhất cũng là đảm bảo cữ thời gian không nhúc nhích, duy trì nhịp thở đều và nhẹ như mong muốn :-)

Lúc chuẩn bị rời phòng thay đồ, tôi thấy một cô nàng gần như là khỏa thân, õng ẽo rón chân thả nước tưng tưng xuống nền gạch và phàn nàn chất lượng gạch không tốt, có thể làm cô ta ngã và nếu ngã thì sẽ đi tong cái răng mới làm giá năm chục triệu đồng tiền. Chuyện này tối kể cho một người, người đó cười ngất làm một câu chẳng ra câu hỏi chẳng ra lời bình, chắc cô này muốn khoe giá cái răng. Sau lại bồi thêm, mà thế hẳn chưa hay bằng liên hệ chuyện nếu ngã thì sẽ vỡ tan bộ ngực giá mấy ngàn đồng mỹ kim.

(6)

Cuộc đời kỳ lạ thế đấy!

Tôi đã từng cố gắng làm người nghiêm túc, ngay ngắn. Nhưng xem ra thế gian đủ người nghiêm túc và ngay ngắn rồi, chẳng cần tôi phải cố chen lấn xếp vào cái hàng dài bất tận ấy.

Thế nên, cứ vui vui mà sống những ngày nhỏ của mình, chú ý cái sự ăn uống, chăm sóc cơ thể cho nó lành, nó an.

Và thi thoảng thì phân thân, bỏ rơi cái "một chỗ trong đời" mang tính gán định bên cạnh đám thầy bà phần đông là kiêu ngạo và vĩ cuồng với tư tưởng bố mày là nhất vì có chữ, mà để chân chạm đất trên cái nền trần trụi của phố nhỏ ngày thường đủ tạp vị hèn mọn mưu sinh, lừa lọc, hưởng lạc và phù phiếm.

Nhể!

Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

kích cỡ và giới hạn của những phi lý thường ngày

Khi tôi bắt đầu "thành thật" với bản thân, chuyện bắt đầu bằng "có chút vấn đề" rồi tằng tằng leo thang thành "tệ" và "rất tệ". Vì thế, dễ hiểu là mỗi ngày sống trôi qua, tôi thường cố gắng tránh cái bẫy "tự vấn", "tự kiểm", "phản tỉnh" trong khi tiếp tục ề à, dễ dãi để mình cuốn theo những thói quen thực chẳng mấy tốt đẹp gì trong sinh hoạt, từ chuyện ăn uống đến ứng xử với đồ vật xung quanh.

Cuối sáng Chủ nhật ở nhà một mình, tôi dốc hết chỗ trà sót lại trong hộp Forté Apricot Amaretto vốn đủ cho ba lần pha vào cái bình thủy, châm nước và sau đó lấy từng phần nhỏ ra pha loãng với nước nóng rồi uống từng cốc lớn với mật ong vị whisky. Trời lạnh, cổ họng ngứa rát báo hiệu một đợt ốm mới, thứ nước trà bất quy tắc này xem ra thực không tệ chút nào. Cho tới khi tôi nhìn rồi cầm, nâng lên hạ xuống, cái vỏ hộp trà giờ đã thành trống rỗng. Trong nhiều năm, tôi luôn láo toét mà cười nhạo Mẹ trong nhà về thói quen tích trữ đồ vật, nhưng giờ tôi thực y chang là một phiên bản hiện đại của bà cụ già. Sau chừng mươi phút, cái vỏ hộp được nhét vô túi rác màu đen to đùng vốn để tích mấy thứ đồ dành cho bà con lượm rác tối. Còn tôi, sau hồi độc diễn ngốc nghếch đó thì tiếp tục một mình, tự mình khoái chí, thế là mình đã gạch thêm một cái tên trong dãy các loại trà cần uống hết sạch, và đã bỏ đi được một cái vỏ hộp.

Một chuyện như vậy nếu chỉ là đôi ba năm trước mà nghe thấy, tôi sẽ nghĩ kẻ trong chuyện là tâm thần thứ thiệt. Ấy thế mà thế quái nào tôi lại là cái người ấy. Và giờ, thì là màn tự chữa trị!

Cuối chiều tôi đi tìm bus vào phố mua thức ăn. Ra gần trạm xe thì phát hiện xe cần tìm vừa vụt ngang, con giời quyết định giết thời gian bằng việc băng qua đường, tự tặng bản thân một cốc latte ngoài kế hoạch. Đứng quầy pha chế là một cậu trai lạ hoắc. Nó vừa làm vừa quay ngang ngửa nói chuyện, táy máy tay chân vào việc của đồng nghiệp, để sữa trào và phải làm lại phần sữa mới. Lúc đó trong chốc lát tôi đã có nghi ngờ về chất lượng của cái cốc nước nóng mình sắp được nhận. Cầm đồ uống trong tay, tôi quay lại trạm bus, tiêu tốn quá nửa giờ đồng hồ chờ đợi và tất nhiên là nhấp các ngụm nhỏ thứ nước nâu pha sữa này. Kết quả tôi có gì trong vòm miệng, một hỗn hợp chín phần sữa một phần cafe. Cảm giác tức thời là tức giận, sau là chán nản và hài hước. Giống như buổi sáng, tôi lại một mình tự diễn, lần này không phải là nhân vật với hành động, mà là kẻ tưởng tượng ra một kịch bản. Đại loại là tôi sẽ băng qua đường trở lại tiệm cafe quen, sẽ đặt phịch cái cốc lên mặt quầy, sẽ quắc tay chỉ cái thằng bé kia kêu nó nếm thử thứ đồ uống nó đã làm một cách thiếu chuyên nghiệp đến tệ hại. Ý tưởng là vậy nhưng cuối cùng vẫn là tôi an tĩnh đứng trên nền gạch lát đường mấp mô mà đợi bus. Vì tôi lười phải động đậy cái thân. Và nhất là vì sau cái màn tưởng tượng có chút ồn ào đó, tôi quay sang tự dziễu bản thân. Đúng là ngu mới bỏ ra số tiền thừa sức mua một hộp rưỡi sữa loại một lít để uống một cái cốc sữa nóng đánh bọt chạy qua hàng cafe ép kia. Vậy nên, đây là sẽ là cốc latte cuối cùng của chuỗi những ngày điên rồ tự mình đầu độc mình, làm cho bọn sỏi trong cơ thể không ngừng được vun bồi mà phát triển.

Tôi bắt đầu đọc phiên bản chữ Việt của The China Study danh tiếng. Sách dày. Đọc khó. Dù thế nào, cạnh một đống những điều dở hơi ngày này qua ngày khác tôi không ngừng lặp lại, tôi xem ra cũng đã có chút nỗ lực đi tìm ánh sáng của cái gọi là cuộc sống lành mạnh :-)))

Tất nhiên là nếu chỉ đọc không thì chưa đủ. Cần tiếp tục tống khứ các món đồ không cần thiết. Cần tiếp tục hạn chế đưa vào cơ thể những thứ đồ ăn thức uống vừa tốn tiền vừa làm gia tăng nguy cơ bệnh tật. Trước khi mơ đến một chế độ sinh hoạt mới thực sự lành mạnh. Đại loại thế!

Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

bắc ninh 18.11.17

Chuyến đi này, chúng tôi có nhiệm vụ to là mang cái lồng gà hai mái một trống giống gà chín cựa về cho hai cụ già ở Bắc Ninh - món quà từ một bác trai trước làm cùng Bố.

TL càu nhàu chút đại ý là loằng ngoằng, vừa là nhận quà [thành] "mắc nợ", vừa là đưa bọn gà đi xe đường xa có phần bất tiện. Tôi thì cười khì khì, các cụ già quý mến nhau rồi biếu tặng nhau thứ này đồ nọ, đó là từ tình cảm chân thành và vô tư, thế là tốt chứ sao. Thêm nữa, hình như ông cụ già - nông dân amateur là Bố thực sự thích thú cái vụ thử nghiệm giống gà này.

Sau gần tuần phải cảm, giờ Mẹ vẫn húng hắng ho. Con như mọi khi chỉ biết nhai đi nhai lại mấy câu nhắc cụ già lượng sức. Lần này tôi hài lòng khi biết hai ông bà già mua xe đất to cho vườn, sau khi thấy sức khỏe không tốt thì đã thuê người chở xe cút kít đưa đống đất từ cổng ngoài vào vườn. Ở trong nhà, giữa con cái và cha mẹ thi thoảng lại thòi ra chuyện quan điểm về việc nhà. Con chủ trương việc khó thuê người, còn Bố Mẹ thì chừng nào còn sức thì chịu khó mà làm. Vấn đề là đến tuổi nhất định, cái sự chịu khó đó có thể mang theo chút rủi ro nên quan điểm đôi lúc cũng cứ nên là linh hoạt chút vẫn tốt hơn.

TL theo chân Mẹ sang nhà anh họ con bác trai mới mất để cho phần thức ăn. Lúc về nó hỉ hả giơ ra một tập vở cũ - ghi chép của Ông Ngoại. Sau khi tôi đào nhiệm chức vụ và nghĩa vụ trưởng chi họ vì phận nữ nhi của mình, giấy tờ và ghi chép của Bà Nội được chuyển giao sang nhà ở phố Cửa Bắc. Lần này, nhìn cuốn vở trong tay TL, tôi nghĩ tại sao không mượn lại ghi chép của Bà Nội rồi đánh máy lại, thành chuyện hai họ Nội - Ngoại tha hồ tưng bừng :-)))

Như mọi khi, tôi ngủ rất nhiều cả chiều đi và về. Giữa các giấc ngủ ngắn, trên xe, chúng tôi vẫn có dư thời gian để cười ầm ĩ khi nhìn thấy cái tấm biển, nhiều khả năng là do nhân dân tự sáng tác, thông báo "đường xấu cách 2500 mét" được đặt một cách trở trêu ở góc ngã tư gần Sủi, không phải là trước khi đến đèn xanh đèn đỏ mà là sau khi đã qua đèn xanh đèn đỏ vào phần đường được cảnh báo là xấu - nói cách khác là thông báo có mà như không vì đọc xong rồi đố ông tài nào có thể tìm đường mà tránh. Còn nữa, khu nhà đại gia đất Kinh Bắc gần cái làng đúc đồng xem chừng sắp đến hồi hoàn tất, một kết hợp kỳ lạ của cả Đông lẫn Tây ở một mép cánh đồng giờ đang trong khoảng thời gian được ủi lấp để chia ô xây nhà.


trước là cây mít nay là cây sung
hồng và măng
cà chua

đống đất mới cho vườn
thấy trên đường đi: đông gặp tây

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

chuyện một ngày trong thành phố được chép lại

Cuộc họp bắt đầu 9 giờ sáng, đó là thông tin tôi biết qua cô đồng nghiệp.

Trước đó, tôi có một đêm dài lộn xộn, gần như là đêm trắng. Sáng mở cửa cho hàng xôi xong, loanh quanh hơn giờ đồng hồ cọ rửa mặt mũi và tìm bộ quần áo tử tế để mặc, cuối cùng tôi cũng thò chân ra đường.

Con đường to có trạm bus và tiệm cafe quen lúc 8 giờ sáng thực sự là một thế giới của sự hỗn loạn, vô kỷ luật và phi lý. Mê mê tỉnh tỉnh, tôi không biết làm thế nào có thể băng qua đường hai lượt mà không húc vào ai đó đang chạy xe máy tè tè trên hè hay bị ai đó đâm vào. Chuyện kỳ lạ là xe bus lại không phải là cái nồi quả ép như tôi tưởng. Tôi có chỗ ngồi yên tĩnh để giải quyết cốc latte cùng mấy cái bánh quy xin ở tiệm cafe trước khi nhường chỗ cho một bà bác mới lên xe.

Cuối con đường đê bán hoa, chim và đồ gỗ, có một đám người hơn chục giương hai tấm vải lớn nền đỏ chữ vàng, đúng luôn màu quốc kì. Một yêu sách liên quan đến chuyện đất đai ở thành phố phồn hoa phương Nam tố giác những ông bác và bà bác đứng tuổi đó đến từ đâu.

Xe dừng đèn đỏ nên tôi có dịp nhìn kỹ các khuôn mặt người. Yên tĩnh bao trùm cộng với thoảng chút sắc thái của mỏi mệt. Điều đó làm nên chút tương phản với vài khuôn mặt trẻ chẳng ra dáng dấp lưu manh chực manh động chẳng ra vẻ lạnh lùng của kẻ giữ gìn trật tự công cộng già tuổi nghề đang tụ tập gần đó, và cũng tương phản nốt với mấy ông bác hẳn là trị an phường nếu không phải là đang phóng túng thân người trên cái ghế nhựa cũ kỹ đọc báo lá cải thì là đang ngả ngốn người trên thân xe máy tỉa râu. Tôi không đếm kỹ nhưng dám chắc số người chủ yếu là mặc thường phục kia với đám các ông bà già giương tấm vải chênh lệch lớn. Ít nhất là ba góc đường chỗ ngã tư, nếu không phải gấp bốn thì cũng là gấp ba. Xe bus đi tiếp, trước khi nhìn thấy những chuyện khôi hài khác trên đường và trong đầu thòi lòi ra những mẩu vụn nhảm nhí khác, tôi có một ý nghĩ rất theo thuyết âm mưu, có thể có bao nhiêu biểu ảnh, bao nhiêu diễn giải liên quan đến cái hình ảnh thoáng chốc vừa rồi nhỉ.

Cuối cùng tôi cũng có mặt ở cuộc họp rồi sau đó là màn ăn uống chúc tụng nhân dịp ngày lễ của đám anh chị em võ lâm chữ nghĩa sắp đến. Như mọi khi, tôi có một hành động mang tính ngoại lệ là thỉnh chút rượu mùi từ chính cái ly của ông chủ lớn đi đến chúc rượu từng thuộc cấp vào cái ly bé xíu của mình và nốc cạn sau khi cung kính cụng bồi theo đúng nghi thức. Như mọi khi, tôi từ chối việc tay cầm chén tay cầm chai chạy quanh bàn tiệc và làm một bài đít-cua dài lòng thòng cùng những cái bắt tay hờ hững với khắp lượt đồng nghiệp. Như mọi khi, tôi cố gắng không bài xích các đĩa bát đồ ăn trước mặt. Lần tham gia hiếm hoi vào bữa ăn tập thể này, tôi có vui thú lớn là tập trung tấn công đĩa củ quả luộc to tướng trước mặt và sau đó là thả lỏng người, kể một đống chuyện hài nhảm làm cho ít nhất là các thủ trưởng ngồi trước mặt và kế bên hi hi ha ha một chặp.

Trong lớp học chị em, không ít lần tôi cùng các bạn  nhỏ thảo luận về quan hệ giữa ăn uống và cơ hội thăng tiến. Tất nhiên là với một ngôn ngữ và đặt vấn đề nghiêm túc hơn chứ không phải là huỵch toẹt và thô lỗ như tôi đang làm bây giờ. Chuyện đó tôi cũng nghe ở nhiều nơi chốn và trong nhiều hoàn cảnh khác, thường là một ông anh nào đó biện hộ chuyện uống rượu nhiều, uống đến tàn gan chạm gút, uống đến trở thành cái thân thể nặng nề bê tha, rằng phải xã giao thì mới "làm ăn" được.

Hơi buồn cười nhưng chẳng hiểu sao tôi thích liên hệ chuyện này với mớ òm sòm mấy cô đào xi nê tố giác tay trùm làm phim ở xứ người đến giờ vẫn còn chưa hết độ nóng. Cô diễn viên xứ Anh quốc tôi vô cùng ngưỡng mộ có một câu bình về nạn quấy rối rằng ngoài chuyện "lựa chọn" thì còn chuyện quan hệ quyền lực, rõ ràng hay vô hình, quyết định đến sự nghiệp của [những] người liên quan - những "nạn nhân".

Tôi nhớ cô gái trẻ gặp cách đây vài năm, con nhà ai đó ở cái tỉnh miền núi năm trước nổi tiếng cả nước vì vụ xả súng, nó đẹp rực rỡ, cái đẹp của một người đàn bà. Nó kể đã từng về quê, thực hiện  đúng công thức "xin việc" nhưng đi làm được ít thời gian thì bỏ vì bị sếp quấy rồi xuống Hà Nội làm thuê thời vụ linh ta linh tinh, lấy nhảy việc làm vui thú. Nó giải thích, em có học hành tử tế, là con của Bố Mẹ em, nhà em không giàu nhưng chẳng nghèo đến mức phải "buôn trôn" chị ạ. Hồi đó tôi nghe xong mấy từ phụt ra khỏi mồm con bé thì phát khiếp, nghĩ trong lòng con ranh này "oách" thật. Mà hình như nó oách thật thì phải. Tin cuối cùng tôi nghe về nó, trở thành nội trợ chuyên nghiệp toàn thời gian sau khi kết hôn và chuyển đến sống ở xứ người xa lắc lơ nào đó, rằng nó hài lòng về tất cả những gì đã làm, đã chọn.

Nhưng dữ dội thật sự cả trong lẫn ngoài như con nhóc kia thực chẳng có mấy người. Tôi nhìn trước ngó sau, ngoảnh đầu bên này rồi lại sang bên kia, lúc đầu còn bị mấy màn lập lòe lừa mắt, sau thì yên yên mà nhận thức, và cuối cùng là phì cười. Đàn bà và đàn ông, trẻ và già, khua chiêng gõ mõ rõ ầm ĩ, tuyên ngôn này tuyên ngôn nọ về đủ dạng đạo đức và lẽ làm người, nhưng cứ lọc hết các lớp phấn son phù phiếm mà xem, cuối cùng vẫn là không thoát khỏi cái lưới đời sống nhân gian danh lợi tình.

Ông anh lướt khướt bàn nhậu vì "làm ăn", bà chị uốn éo thân người giao bôi vì "nghĩa vụ", bỏ qua những lý lẽ chính đáng kia, còn lại là gì. Một thế giới nhàm chán, kiếm tiền phải dựa vào những méo mó của hệ thống, của cái nhân danh đạo đức xã hội; còn sống thì không có mấy vui thú nên để ngày trôi qua bên các đĩa chén ngồn ngộn rang chiên.

Những lựa chọn đó nếu chỉ là chuyện của riêng anh, riêng chị thì chẳng nói làm gì. Vấn đề là anh chị rất vui vẻ, rất nhiệt tình bảo rằng, đó là chuẩn mực chung. Kẻ ngồi im không rời chỗ trong bữa ăn bị đánh giá là không nhập cuộc. Kẻ không chịu nhấc mông đi lòng vòng chuốc rượu người thiên hạ và cũng không để người thiên hạ động đến mình bị đánh giá là không hòa đồng. Kẻ không đứng lên giơ cái lý gào lên dzô dzô thì bị coi là lạc loài. Tôn kính đó, hài hòa xã hội đó, tôi không đánh giá tốt xấu, nhưng cuộc chơi này xin phép các bác, em không tham dự.

Tôi rời tiệm ăn trong khi đồng nhiệp vẫn dzô dzô, đi vào thành phố hẹn hò với HĐ. Kết quả của thiếu ngủ và cứng đơ người trong khuôn khổ mấy giờ liền là lộp cộp cụng đầu liên tục trên bus vì ngủ gật.

Tiếp chuyện hôm trước, HĐ khoe thành tích đi phục vụ một buổi nói chuyện của tay sư nhà giàu. Tôi trêu nó, thế lần này tùy tâm bao nhiêu, nó tỉnh bơ lần trước lên chỗ của Thầy tùy tâm rồi, lần này không có gì.

HĐ người phàm đích thực, sống trọn vẹn đời sống đô thị nửa giàu sang nửa phú quý và tràn ngập sức trẻ, nó nghe giảng kinh thế nào đến lúc kể lại cho tôi thì thành một mớ lộn xộn. Tu tức là tu sửa mình. Tại sao tu, là để giải nghiệp. Ở đời này mọi thứ chỉ là tạm bợ. Chồng con mình hóa ra, sau buổi giảng, cũng chẳng phải là của mình. Có bài tập khí công y đạo thần kỳ cứ vẩy vẩy tay theo hướng này vòng nọ, đảm bảo tập xong thì không phải xài thuốc. Đại loại là một mớ vậy.

Tôi cười khành khạch, còn đứa đối diện trước mặt chẳng lấy đó làm phiền tiếp tục cười toe toét và tiếp tục kể về thế gầm gừ của ông bác trưởng đạo tràng tiếng tăm với ông sư trẻ kia. Cuối cùng, để kết thúc cuộc dạo chơi thế giới của những kẻ tu tập, tập tu, tôi bảo nó, đấy nhá, tu gì mà còn để ý còn hằm hè. Kết luận của hai đứa dở hơi, tiếp tục đời phàm tục!

Cuộc gặp của chúng tôi kéo dài một vệt, từ tiệm cafe quen xuống hàng đồ chàm. Tôi ngồi một lúc với cô chủ, chủ yếu là nghe cô nói. M hóa ra đúng, đến một độ nhất định, tôi không chỉ là "nghe" mà còn "thấy", những dòng chảy năng lượng đa sắc qua phễu lọc thì phân thành thật giả, thực tâm và phóng đại, đích thực hay bề mặt... Tự dưng, tôi thấy, không chỉ giấc mơ là điều gì đó xa xỉ mà ngay cả việc một người đích thực tự định dạng cho bản thân một giấc mơ, chỉ nội điều đó cũng thực là xa xỉ rồi.

Tôi tạm biệt bạn nhỏ, tạm biệt cô chủ tiệm với giấc mơ làm sống động di sản nghề vải truyền thống nhưng vẫn không lơ là đặt giá ngút ngát trên trời cho những món đồ đẹp đẽ của mình, tiếp tục hành trình ngủ gật trên bus, về nhà, ăn uống linh tinh, lau chùi bọn đồ gỗ, nghe Stevi Ray Vaughan phù phép Little Wing và nghĩ mình có nên đích thực có một giấc mơ đích thực :-)



Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

vườn tháng 11

TL trước khi đi công tác nghiêm túc dặn dò, chị ở nhà nhớ tưới vườn. Nghe xong câu đó thì tôi thực sự ý thức, nhà mình có cái vườn cần được chăm sóc.

Kết quả của nhìn ngó sáng nay là thu hoạch năm trái quất để chiều thong thả làm món nước tắc, phát hiện ra cây mai trắng cần được hồi sức, và bất lực trước bọn tía tô cao lồng ngồng.

Tuần trước cái cây leo cho hoa vắt ra bờ rào đã chính thức lìa đời. Cau mấy buồng cuối cùng cũng được ông chồng của con bé bán hoa quả nhờ trước cổng đến dỡ, việc tốt một đổi lại việc dở một là đi tong cành khế to vốn la đà dựa dẫm vào thân cau đến lúc đó bị sức nặng của gã đàn ông bắn bay rạp xuống đất. Sáng đầu tuần, cái cành oằn lưng kia được con bé xử lý thành một túi rác to.

Sáng nay, sau một hồi ngó nghiêng ngoài vườn, tôi tiếp tục sự nghiệp trốn trong nhà làm trạch lão bà. Lúc đặt chân lên bậu cửa phía Bắc, chợt thấy có gì đó trống trống. Ngẩng đầu lại ngó kỹ càng, à thì ra là cái cành khế đã mất tiêu. Một mảng sân vườn tự dưng thành quang và sáng!

dền chua

tía tô

quất

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

tám cây bơ và câu chuyện về chọn lối sống

Cách đây hơn tuần, TL ra ngoài ăn tối, gặp lại sếp của nó sau nhiều năm.

Nó về nhà hào hứng kéo dài, kể chuyện anh sếp ôm giấc mơ trở thành nông dân, trồng thử 8 cây bơ trong vườn nhà ở nông thôn, tính toán một trái bơ giá là hai đồng tiền Mỹ, về lâu dài cây cho quả thì ung dung sống. Vấn đề là lần trồng thứ nhất thất bại, và giờ là hồi hộp cho lần thử thứ hai.

Về câu hỏi của nó, có phải dân Nhật sống bí bách với áp lực công việc và nhịp đời thị dân không, anh sếp bảo không hẳn, rằng vấn đề chính là lựa chọn. Lấy luôn ví dụ bản thân, gia đình anh sống ở thành phố nhỏ, sống an yên và rất ổn. Hai anh em nói một hồi thì kết luận, hóa ra sống ở "đây" mới khó.

Chuyện cây bơ là chuyện hài, theo mô típ "đếm thúng vỏ chai", là người kế chuyện đem ra lấy vui cho bữa tối. Còn chuyện lựa chọn và khả năng có được nhiều sự lựa chọn thì là chuyện đời thật, người thật, việc thật của người kể chuyện.

Từ hôm nghe chuyện, thi thoảng, ở trên bus, ở trên đường rảo bộ, ở tiệm cafe quen, rồi ngay trong ngôi nhà mình đang sống, tôi nhìn con người và đồ vật xung quanh, ngẫm nghĩ về chính bản thân mình, được hồi thì có chút cảm giác thành tựu.

Về căn bản, tôi có vẻ vẫn ở trong một cuộc "khủng hoảng ỳ trệ" bất tận, vẫn tiếp tục "sáng tạo" ra đủ loại rắc rồi và vấn đề cho bản thân và cho những người tôi yêu quý, vẫn tiếp tục "ngạt thở" trong các đồ vật do chính bản thân không ngừng tích cóp. Nhưng ở một chỗ nào đó trong tâm trí, theo một cách mơ hồ, tôi bắt đầu nhận biết các giới hạn.

Tôi đã mất quá nhiều thời gian để chán ghét thành phố, chán ghét cuộc sống ở thành phố. Trong khi nếu có câu hỏi rời xa Hà Nội được đặt ra thì rất mau lẹ, tôi co cẳng chạy mất dạng khỏi tầm nhìn của kẻ đặt câu hỏi. Thói quen sống ở đây, bất chấp sự đi lại mỗi ngày một khó khăn, bất chấp bầu không khí ô nhiễm mỗi ngày thêm trầm trọng, bất chấp thói quen sinh hoạt của các đồng loại thị dân mỗi ngày thêm tệ hại..., giống như thứ thuốc gây nghiện, ăn sâu bám rễ vào mọi ngóc ngách của não trạng.

Vậy nên thay vì đặt câu hỏi so sánh Hà Nội với một nơi chốn khác, tôi cần tập trung vào chính cuộc sống của tôi, của chúng tôi, ở đây, vào lúc này. Tiếp tục "cho đi", tiếp tục "giải phóng" bản thân khỏi những sức ép từ hiện diện của vô khối đồ thừa trong nhà, và "thanh lọc" cái đầu óc nửa mơ màng nửa oán hận của kẻ thị dân hèn mọn vô lực trong việc hiểu về cái thế giới hỗn loạn mình đang tham gia và từ đó là bất lực toàn tập trong việc tự xác định cho bản thân một lối sống và dũng cảm thực hành nó. Đại loại sẽ là vậy đi!

Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

khi nhanh gặp chậm - chốt một công thức cháo cá hồi gia vị creole

Bữa trước cháo cá hồi làm tùy tiện, à l'improviste, dựa vào phần cháo ăn liền trong túi.

Hôm nay, cháo cá nấu theo chủ đích. Nhưng vì gấp rút thời gian nên phần cháo vẫn ỷ lại chút vào mấy túi cháo ăn liền vị gà :-) Cái này gọi là "nhanh". Còn lại thì là "chậm" vì cạnh bạn cháo ăn liền, bếp nhà vẫn đảm bảo túc tắc một nồi ninh gạo và đậu lăng đỏ tách đôi.

- Cá hồi filet chừng 250gr
- Cháo ăn liền liền mạch 4 gói, xài hết cả 4 túi bột gạo nấu cháo, còn các bạn túi gia vị và túi súp gà đi kèm thì chỉ dùng một nửa (vị súp gà có thoảng hương sả)
- Gạo [Nhật] chừng một chén trà da lươn
- Đậu lăng già nửa phần gạo
- Rau gia vị: hành tươi, mùi ta, mùi tàu, răm; trong đó mùi hai loại lất phất gọi là, còn chính vị là hành và răm
- Phần củ quả và gia vị cho vào ninh cháo từ gạo hạt và đỗ hạt: một củ cải trắng, một củ hành tây, hai lá kombu, muối hạt Bạc Liêu, non thìa cafe bột cá, hai ba lá mùi tàu già
- Gia vị khác: Tony Chachere's cho món cá rán; và tiêu xay rắc thêm vào bát cháo (nếu thích)

Gạo và đậu lăng vo rửa kỹ, cho vào nồi ninh cháo kèm củ cải, hành tây, kombu, muối hạt, bột cá và lá mùi tàu. Lửa để lớn, đến khi nồi sôi thì chuyển sang liu riu, vung khép hờ chút chống trào, trong khoảng thời gian già nửa giờ.

Sau bắc nồi chờ nguội chút, khéo vớt tất cả mấy thứ rau củ gia vị ninh kèm, còn lại phần gạo và đỗ cho vào máy xay, ra hỗn hợp nhuyễn dẻo thì cho vô trở lại nồi nước ninh, chỉnh lửa lớn cho sôi lần hai, chỗ gạo và đỗ xay tự động hòa vào phần nước dùng thành món nước cháo loảng.

Bắc chảo sâu lòng, láng dầu và rán cá mau tay. Đầu tiên đặt mặt da cá xuống trước, chịu khó nghiêng chảo, lấy thìa múc dầu láng lên mặt thịt cá còn lại. Trước khi lật mặt thì rắc gia vị creole lên phần mặt thịt cá. Lật mặt rồi thì rắc tiếp gia vị lên mặt da. Rồi lặp lại chi tiết múc dầu láng miếng cá. Miêu tả thì có vẻ dài dòng vậy nhưng thao tác thực rất nhanh vì cá hồi chỉ cần chín tới, phần thịt giữa miếng cá vẫn còn sắc hồng, còn bề mặt ngoài thì đượm đà gia vị.

Lúc bắt đầu rán cá thì bếp kế bên cũng sẵn sàng cho nồi cháo giờ bổ túc thêm phần gạo cháo ăn liền và mấy thứ gia vị đi kèm. Lửa để liu riu, cháo sôi lục bục chờ cá được chế biến.

Các rau gia vị được thái nhỏ rồi cho vào bát. Phần cá hồi được đặt lên trên, thích thì có thể dùng thìa dằm nhẹ cho miếng cá lớn vỡ ra thành các phần vừa miệng. Rồi múc cháo vào.

Thế là xong, bát cháo nóng dzãy, nước cháo chưa nói đến vị cá hồi thì đã ngọt vị rau củ cộng với tham luyến chút gia vị ăn liền thoang thoảng hương vị sả. Cá rán gia vị creole tuyệt đối không còn vị "tanh" đặc trưng của cá hồi, lại thêm mấy thứ rau gia vị hành răm mùi nữa, và tý xíu tiêu xay, coi như một hoàn hảo đông - tây, nhanh - chậm gặp gỡ.

Cháo được chủ ý nấu loãng, ăn kèm Meiji Plain Crackers. Con giời xì xụp, tự dưng nhớ đến món siêu kinh điển vùng New England, New England Clam Chowder, dù thực hai món chẳng có chút liên quan. Tại phần bánh quy mặn chăng :-)

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

nước dùng chủ vị rau củ quả và chuyện ăn chay ăn mặn

(1) Nước dùng bán-chay ký

Tôi càng ngày càng khoái chí vụ nước dùng lấy rau củ quả đủ loại làm nền chính. Lúc đầu chập chững, còn ngó nghiêng công thức này nọ và máy móc theo. Sau thì "tùy theo", bếp nhà sẵn món gì, đi chợ nhớ nhớ quên quên nhìn và nhặt thứ gì. Đó là chưa kể chủ đích món nước dùng là gì. Cứ thế mỗi nồi ninh to là một bản hợp xướng tùy biến.

Về căn bản, có hai thứ rau củ tôi đặc biệt thích thú cho nước dùng bán-chay kiểu này: hành tây và củ cải. Trong đó, củ cải cần chút quan tâm khi ninh để tránh bị đậm vị nồng vốn đặc trưng.

Ngoài ra, thì úm ba la đủ loại rau củ quả khác, tùy thời mà chọn mà dùng:
- bí xanh
- bí ngồi
- bí đỏ (cả loại bí đỏ đỏ thật và bí ngô bao tử quả xanh rì)
- ngô bắp
- cà rốt
- su hào
- cải thảo
- cải bắp
- củ đậu
- và còn gì nhất thời có thể chưa nghĩ ra :-)))

Mấy năm trước, có một đợt tôi say mê món cơm gạo lứt ở Mây Trắng, học đòi tự nấu ở nhà và kết quả coi không phải là tệ. Thời điểm đó đánh dấu lần đầu tôi biết đến phổ tai (kombu). Năm nay bắt đầu mua trở lại bạn tảo này, không phải để nấu cơm cũng chẳng phải vì món kho chay, mà là cho nước dùng bán-chay.

Về chuyện nước dùng bán-chay, gọi tên vậy thì đương nhiên ngoài bè đảng rau củ quả sẽ còn có các đồng chí giàu protein. Có lúc là sườn hoặc xương ninh cùng ngay từ đầu với rau-củ-quả. Có lúc là một phần nạc vai hay ức gà, được đưa vào luộc khi nước ninh chay đã sôi lần một, hay nói cách khác là đã bắt đầu thành vị.

Luộc thịt kiểu này, tôi không vớt ra ngay mà trông chừng thịt chín thì tắt bếp, đóng vung "ngâm" miếng thịt trong nước ninh. Sau một hồi vớt ra để nguội rồi chế biến, đảm bảo phần thịt đượm vị ngon ngọt của các loại rau củ, và đặc biệt mềm.

Ngoài ra, tùy món chế biến sau rốt là gì có thể cho thêm tôm khô, mực khô, hay vỏ tôm tươi.

Về nấm, có dạo tôi thích thả nấm hương khô và vài loại nấm tươi. Nhưng sau lười sơ chế nấm khô, còn nấm tươi hoặc tôi lên cơn ki-bo tiếc rẻ tiền bỏ ra, hoặc tôi thấy cũng không hẳn đem lại ếp-phê đặc biệt nên về căn bản là các bạn nấm không nằm trong danh sách nguyên liệu thành phần cho món nước ninh.

Nồi nước ninh làm mặn có muối hạt (um oa, muối Bạc Liêu luôn là nhất) hoặc muối hầm. Sau tùy tâm trạng và ý đồ làm món mà chêm thêm mấy giọt xì dầu và/hoặc mắm cốt. Còn thêm "ngọt" thì ngoài đường nâu (hiếm khi tôi cho), tôi thích thêm tý xíu bột cá bào.

Ngoài chuyện làm nước cho các món chan, từ bún qua miến đến phở, thì tôi đặc biệt thích lấy nước dùng này cho món bò kho. Cảm giác như vậy phần thịt bò kho sẽ ngọt hơn, sẽ mềm hơn, sẽ đậm đà hơn.... đại loại thế :-)))

(2) Bất đắc dĩ trở thành người ăn chay

Vào tiệm đồ chay kêu muối hồng và phổ tai, chị chủ bảo muối hồng vừa vặn hết rồi hỏi tiếp có định thay bằng muối hầm không. Tôi bảo muối hầm em vừa mua ở đây, lại vừa được cho nên không cần. Ngó nghiêng một chặp thì kêu thêm phần miến sạch.

Chị chủ mời ăn thử bánh bao mới làm rồi nói gì đó với giả định tôi là một vegan đích thực.

Con giời nhăn nhó, úi chị ơi, em vẫn là loại người không thể sống thiếu thịt. Rồi cao hứng làm mặt mày nghiêm trọng thêm chút, rằng thì là mà thi thoảng gặp người ăn chay toàn tập có sở thích phê bình triệt để bọn ăn mặn và ăn tạp, em được hồi đâm ra mất tự tin và thấy mình cứ như là "quái vật" vậy.

Chị chủ biết mình nói lỡ, nhanh nhẹn đối đáp, không sao em ơi, có người ăn chay mà vẫn nghĩ và làm ác, lại có người ăn mặn nhưng tâm bồ tát tràn trề.

Tôi nhét chỗ đồ mới mua vào cái túi đi chợ, túc tắc hành trình mua mua bán bán dọc đường Xuân Diệu, vừa đi sát mép đường thiếu vỉa hè tránh xe vừa nghĩ, thế mình là cái bộ dạng người nào nhỉ (?)

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

note nhớ cho nước nhúng ruốc biển

Tối qua tôi được đánh chén bét nhè đồ biển nhân cớ sinh nhật cô em. Nhìn các bạn đối diện, con giời cười hì hì, đi ăn đồ biển thế này đúng là "nhà quê ra tỉnh".

Vấn đề cơ địa, vấn đề thói quen ăn uống, về căn bản đồ biển tôi thích thú vừa phải. Thích nhất là ăn ở nhà, cuối tuần con bé hàng xóm cũ đi qua rồi cùng TL lọ mọ ra tiệm hải sản dưới khu Mai Dịch mua đồ về nấu nướng. Sau nữa, ở Hà Nội nhiều năm trước, có quán Minh Thủy hình như là Tô Hiến Thành, tôi theo chân TL và các sếp Nhật của nó ăn ở đó vài bận. Còn lại, nếu nghe ai rủ rê ăn đồ biển thì tinh thần cảnh giác cao độ vì sợ sau đó ôm một màn không dị ứng thì ấm ức dạ.

Con ruốc, tôi gọi nó là bạch tuộc tý hon, lần đầu tiên biết đến là ở nhà. H đưa khách chơi Hạ Long, lúc về gửi cho ruốc và sò huyết. Nhìn đám ruốc nhỏ xíu lồm ngà lồm ngồm, tôi sợ phát khiếp, hỏi cách làm rồi hì hục hấp và đánh chén. Nhớ là ngon ngon và do tay dở nên món ruốc đen sì. Chuyện đã lâu lắm rồi, từ ngày ở Hà Nội còn chưa có khái niệm chuỗi nhà hàng hải sản này nọ.

Quay lại chuyện tối qua, lần thứ hai nhìn và ăn con ruốc. Lần này đương nhiên là ở tiệm.

Note mấy món cho vào nước nhúng ruốc được ghi lại để nhớ. Còn bao giờ thử tự làm và ăn thì thực tôi cũng chẳng rõ.

- Dấm (chút xíu)
- Dứa
- Sả (thái lát chéo, mỏng, và là chủ đạo)
- Ớt [sừng]
- Lá ổi

Cô gái chủ cũ của quán hải sản trông ra hồ Giảng Võ giải thích, lá ổi giúp làm con ruốc không bị đen, ngả hồng rất đẹp.

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

give away - sách (5)

Một túi đi chợ sợi dứa của Big C gần đầy.

Mấy cuốn thuộc tủ "tâm linh", mấy cuốn đoản văn, ký sự chi chi, và cuối cùng là truyện Nhật.

Tôi cứ im im rồi thế quái nào có cả một dãy sách truyện nếu không phải là trinh thám hài hước thì là vụ án kinh dị và/hoặc sặc mùi u ám. Giờ đến lúc cho chúng đi.

Riêng Tôi có quyền hủy hoại bản thân của vị tác giả người Hàn, TL đặc biệt nhấn mạnh cho đi đi vì đen tối quá còn tôi thì khăng khăng giữ lại.

Thực tôi chẳng có ý đọc lại ngay tức thời. Nhưng có một thứ bám chặt trong đầu tôi, ấn tượng về phòng gỗ ngập trong ánh sáng ngày và hương trầm, tôi xếp dọn đồ cá nhân, thi thoảng chạy ra ngồi bậu cửa, nốc đầu tiên là cafe và sau đó là trà, và xơi hết cuốn sách mỏng này. Tôi không nhớ chuyện và nhân vật, nhưng cái cảm giác nặng nề sâu và cái tên của Chet Baker được nhắc trong sách thì tôi nhớ.

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

salt, fat, acid, heat

Nguồn: tại đây

Nguồn: tại đây

Thêm một gạch đầu dòng cho danh mục sách nấu & ăn muốn có :-)))

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

tổng kết tháng 10

(1)

Cho luận án, kế hoạch được thực hiện một nửa.

Bài luận viết xong, in xong nhưng tại cái hội thảo chen ngang làm ông thầy mệt, mà ông thầy mệt thì tôi lừng khưng có cớ lùi lịch hẹn, nhất là sau khi đã xong vụ gia hạn, mà chừng nào chưa gặp ông thầy thì chưa có chuyện đi nộp quyển để xin quyết định tiểu ban và bảo vệ.

Cái vòng tròn trì hoãn có vẻ phức tạp ấy, thủ phạm chính là kẻ "hết thuốc chữa" là tôi.

Tối qua khi khách qua nhà uống trà, tôi trở thành đối tượng của sự châm chọc. Đám người ngồi trước mặt tôi xúm vào, quyết định lý giải cho hành động luôn chậm của tôi là vì tôi còn tiếc rẻ cái mác nờ-cờ-sờ. Xong rồi vẫn là đám người ấy thắc mắc tại sao tôi không có cái cạc-vi-dít thật oách với tên và chú thích "nghiên cứu sinh đang trong quá trình gia hạn". Tôi nhăn nhở từ đầu tới cuối bất chấp các mức độ chế dziễu kết tủa xung quanh, còn trong đầu thì ngẫm nghĩ, thế là dự kiến bảo vệ trước tiểu ban sẽ là câu chuyện của tháng 11 rồi.

Sang tháng mới, tôi cần làm việc tích cực và khẩn trương hơn. Lần này, tôi có một nguồn động viên mới là ET và điều đó thật tuyệt!

(2)

Cho giao tiếp xã hội, tuần cuối của tháng tôi thấy mình khẩn trương.

Tôi không thân thiết bác trai nhà Ngoại để sụt sùi than khóc trong đám rước. Thực thà mà nói thì cảm giác bao trùm mấy ngày qua là lo lắng cho Mẹ, dù anh em trong nhà yêu ghét đến đâu thì cũng không bỏ được mối dây gắn kết máu thịt ruột rà nên bà cụ già hẳn là buồn nhiều và có lẽ là có phần sốc nữa.

Đàn anh bị bệnh tôi vẫn chưa tìm số điện thoại người nhà để liên lạc hỏi tin và để biết đường đi thăm. Chuyện này được xếp lịch cho tháng 11, sau khi nợ nần tiểu luận được giải quyết.

(3)

Cho tình yêu của tôi, D gọi điện báo tin "mắc què" chân. Hỏi tới lui một hồi tôi mới hiểu ra tình hình. Nếu mọi chuyện tốt, tôi sẽ sớm gặp lại ông anh nhân dịp gặp mặt chào tạm biệt thằng bé người hâm mộ.

Tôi kể cho D, em vừa mua ba sách của Tanizaki. Kết quả ông anh cười chúc đọc vui và thêm một câu rằng đây là một trong những tác giả yêu thích của partner. Tôi nhớ một trong những lý do yêu thích partner chính là chúng tôi có một danh sách dài hâm mộ các nhà văn Nhật buổi đầu hiện đại, và đặc biệt là ông già tự sát bằng khí ga.

(4)

Cho thân thể và cái dạ dày, tôi bắt đầu tháng 10 với tình trạng bê bết kéo dài của các cơn mất ngủ. Điều kỳ diệu sau đó là có hai ba buổi tôi gò ép mình trên cái mặt sập đơn cứng quèo và loanh quanh một hồi thì mệt quá mà thiếp đi. Kết quả, có giấc ngon đẫy đà gần chạm thời gian của nửa ngày.

Lượng cafe tôi tống vào người hàng ngày về căn bản đã giảm đi hai phần ba so với trước. Sáng một bình moka đun ở nhà, gần trưa thi thoảng điên điên thì thêm một phần latte ngoài tiệm. Và tuyệt đối không có móm mém chạm vào chất cafeine trong nửa sau của ngày.

Thời gian này, sự thích thú của tôi, của chúng tôi, tập trung vào trà. Các bữa trà tối luôn vui vẻ, ngay cả khi nhà không có khách ghé chơi. Ông bác chủ nhà trà xứ Firenze vui tính, đặt tên Lục Vũ cho cái món trà đen ướp hương hoa thơm thoảng và ngọt mùi son phấn. Cho lần uống đầu, tôi sốc. Cho lần uống thứ hai và tiếp sau đó, tôi đâm ra phải lòng. Chúng tôi còn thử tiếp trà đen mang phong vị xứ bạch dương rồi nữa là nhảy phắt sang nàng Shahrazad đại biểu cho hương sắc trà xứ Ba Tư.

Thời gian mỗi lần ngồi im ở phòng tập mỗi ngày dài thêm chút, kỷ lục là 25 phút. Đối với tôi, đó luôn là những đoạn lặng kỳ diệu, điên rồ. Tôi nhìn thấy đủ loại màu sắc, nghĩ lung tung đủ mọi câu chuyện và có lúc thì lãng du trong thế giới của đám huyệt đạo mà tên của chúng thường là tôi nhớ nhớ quên quên và đôi khi tệ hại hơn là râu ông nọ cắm cằm bà kia. Dù thế nào, chuyện ngồi im thở nhẹ và đều luôn tuyệt vời, nó làm cho tôi yên tĩnh hơn trong cái đầu và thẳng thớm hơn trong cái thân.

Bữa trước tôi bị phê bình là lơ là các bài tập khí công. Điều này không sai nhưng không tệ bằng việc tôi tự mặc cả với bản thân, chỉ khi nào bận tới lui với bài vở thì mới nhớ tới các bài tập như là một phương thức tạo sự cân bằng và/hoặc cung cấp thêm năng lượng tươi mới. Giờ đã đến lúc tôi phải nghiêm túc quay trở lại các bài tập, cả cũ lẫn mới.

(5)

Cho tài chính, chỉ có một chữ: thảm!

Đúng là tôi đã thanh toán không ít nợ nần, đúng là hiện tôi còn là chủ nợ ở đôi ba chỗ. Nhưng về căn bản, năng lực tiêu tiền và kiểm soát tiền của tôi tuyệt đối là lộn xộn và tỷ lệ nghịch với số năm tồn tại của tôi trên cõi đời này.

Trong mấy cuộc điện thoại của D và BJ, cả hai luôn không quên hỏi tôi về tình hình cái ví tiền. Và tôi luôn luôn hi hi ha ha, em ổn, em ổn.

Thực thì chẳng ổn chút nào! Nói là tôi nhẵn túi hoàn toàn không đúng. Nhưng nói là tôi "ngu" với việc cầm và giữ tiền thì trúng phóc!

Hôm qua trong lúc cà kê với con nhóc con ghé qua nhà chơi, tôi nhận ra rằng mình thực sự ra khỏi cơn điên sưu tầm giày dép, quần áo giờ cũng không phải là trọng tâm quan tâm của tôi nữa. Về điểm này, tôi cảm thấy có chút quyền hy vọng là tháng mới tới, mọi chuyện sẽ trở nên tốt hơn khi mà những mẩu dục vọng với đồ vật, với ngoại vật xem ra đã nhạt màu và đang tan biến.

(6)

nha trang hè 2014 thăm TA
Cho kế hoạch nghỉ ngơi, tất cả đều ở trạng thái treo.

Hai năm trước tôi tự hứa với mình sớm quay trở lại Yangon. Xứ Miến vào cuối năm trong đoạn trí nhớ ngắn ngủi của tôi vô cùng đẹp và tôi nóng lòng muốn nhìn lại nó.

Tôi nhận được mấy lời rủ rê xuôi Nam vào dịp cuối năm với những mô tả về hành trình vô cùng hấp dẫn.

Vấn đề là tháng 12 sẽ phải thanh lý món nợ Badie, và vừa mấy hôm trước rơi từ trên trời một lớp học ngoài kế hoạch nên gần như chắc chắn là ngoài việc về làng thăm hai cụ già hay xa nhất là hành trình xứ Thanh thì tôi sẽ ngoan ngoãn tiếp tục hít thở không khí ô nhiễm ở Hà Nội.

Nếu thuận lợi về thời gian, tôi có thể sẽ nhìn thấy biển Nha Trang mùa đông, uống một ly Mê Trang đậm đà và đi thăm lại cái chùa to trên núi.

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

bắc ninh 29.10.17

TL bận công tác ở Hà Giang không về Bắc Ninh giữa tuần việc hiếu nên cuối tuần mới về để thực hiện nghĩa vụ gia đình.

Tôi đùa vui anh họ về nước chịu tang bác trai, rằng ông - ông ngoại của tôi, ông ngoại của anh họ - còn để lại gì không. Câu trả lời, chẳng còn chút dấu vết nào, rằng có cái đĩa thì mấy năm trước bác trai đã bán đổi lấy ba triệu đồng tiền. Về nhà, tôi kể Mẹ nghe chuyện này, cười ha ha bảo, con lời to. Lý do vì ngay sau khi ông mất, con giời đã được bác trai chuyển phần "thừa kế" là một ấm xa-mô-va, một ấm trà nhỏ và một hộp bộ sưu tầm các miếng đá hoa cương lấy từ một công trình đặc biệt ở Hà Nội. Bà cụ già nghe chuyện cái đĩa, bổ sung thông tin, cái đĩa đó vào thời điểm được bán đi giá trên thị trường là gần hai chục triệu. Con lại được bữa cười, bác trai nhà mình vẫn cứ là "đặc biệt" đi.

Hôm nay Bố Mẹ có khách là một chị vốn là đồng nghiệp với Mẹ ngày xưa hồi còn ở tập thể dưới Đại La. Đầu năm nay chị liên lạc rồi về thăm hai cụ già sau gần hai chục năm không có tin tức. Lý do là để trả nợ một chỉ vàng vay trước ngày đi lao động xuất khẩu, món nợ mà hai cụ già nghe xong thì ú ớ không nhớ ra. Cứ thế mà thêm mấy quan hệ cũ từ thời trường Kinh tế kế hoạch được nối lại, tôi thấy vui vì hai cụ già thi thoảng có khách vui cửa vui nhà. Bữa trưa không nghỉ, tôi nghe kể chuyện về những người quen cũ ở trường Kinh tế kế hoạch, gật gù bảo chị nếu nhà em không chuyển đi thì cuộc đời em hẳn khác lắm. Tốt hơn hay xấu hơn tôi không rõ. Nhưng có một điều tôi chắc chắn, khuôn viên trường đại học xen lẫn các dãy và khối nhà tập thể hồi những năm [19]80 đối với tôi là một thế giới yên bình, hài hòa và tràn ngập niềm vui chứ không phải những không gian bị bằm vụn, bụi bặm, ầm ĩ, nhốn nháo, và có đôi chỗ thậm chí là bẩn thỉu do hàng quán và đám taxi ngoại tỉnh đưa khách về khám ở Bạch Mai tạt sang đậu xe hết ngày để tránh tiền bãi đậu gây ra.

Tối về Hà Nội, nhà có khách tự mời đến. Con nhóc con đã mấy năm chúng tôi không gặp mang đến hai hộp trà Chính Thái là quà từ một thằng nhóc con khác mà cũng ngần ấy năm chúng tôi không gặp. Trong màn trà sau bữa tối, tôi và TL cười lăn lóc với chuyện kể của con nhóc về gia đình đặc biệt của nó, về lịch sử của một góc Hà Nội, về thế giới lô-đề-xiên.

Chuyện của bác trai đã từng "vang bóng một thời" rồi mau thành kẻ bất chí gây gổ với tất cả những ai bên cạnh, chuyện của chị người quen từ khu tập thể cũ trường đại học, chuyện của con bé đến từ "quân khu" ven sông... giống như ba cuốn phim câm, quay chậm của và về ba thế giới bất đồng. Song cuối cùng, chúng đều có một điểm chung đặc biệt, những chuyện chúng ta biết, chúng ta đôi khi nhớ, và chúng ta không bao giờ kể lại thành một câu chuyện hoàn chỉnh, có đầu cuối!

lỡ tay bấm thì thành seo-phì kiểu T

mẫu đơn đỏ

giàn cà chua
hoa sâm