Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022

khi hồ biến thành ao, đường biến thành ngõ và một anh nhà quê sợ khu công nghiệp

minh bạch ư: hoàn hảo một logic quy hoạch kiểu xứ ta
(1)

Chuyện thực buồn cười. Cạnh cái hồ to ở một góc kia có đại công trường với liền mấy khối nhà bọc kính. Chẳng bàn chuyện xấu đẹp ở đây, tôi mỗi lần đi qua chỉ đơn giản là thắc mắc đường đi lối lại thế này nhà xây xong người chuyển vào sống thì chắc là tắc mệt đây. TL nghe chuyện lại bồi một câu, mấy anh lái xe của đại sứ quán đã thám thính kỹ địa phương và kết luận, đúng là chỉ có một hai con đường nhỏ.

Nhưng xem ra chiều qua tôi đã nhìn ra "giải pháp" cho cái tương lai ngộp thở về giao thông ở chốn hồ to giờ hoá ao làng. Cả một con ngõ đỏ rực các tấm biển phản đối. 

(2)

Bắc Ninh được xếp vào nhóm tỉnh thành công với các khu công nghiệp ở phía Bắc. Chả biết thành công ở đâu và như thế nào, nhưng lần nào đi qua con lộ chạy ngang mấy khu công nghiệp tôi cũng phát khiếp. 

Cảm giác là vậy nhưng dù sao vẫn cứ là xa xa mơ hồ. Chỉ gần đây nó mới trở nên sống động và mang tính hiện thực hơn, khi có tin chỉ cách vài cây số làng quê Ngoại sẽ có một khu công nghiệp mới.

Cậu lái xe làng bên bữa trước đưa các cụ già ra Hà Nội giải quyết công việc, trong thời gian trà nước đợi khách cùng tôi nói chuyện này. Cậu chàng bảo lo hơn là mừng. Rằng thì là mà người ta cứ nói tạo việc làm, tăng ngân sách, nhưng công nhân hảo tụ đồng nghĩa với đời sống thôn làng đảo lộn, và nhất là cả một đoạn sông cung cấp nước ngọt cho khắp vùng, từ sinh hoạt tới sản xuất nông nghiệp, giờ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Anh bạn nhà quê ly nông kia không dùng những từ ngữ to tát kiểu ô nhiễm và/hay bảo vệ môi trường, nông nghiệp sạch, công nghiệp 4.0... nhưng rõ ràng các vấn đề từ tiềm ẩn tới to lù lù liền ngay trước mặt thì anh dư năng lực cảm nhận. 

(3)

Tối qua TL đi chơi một rẻo Nam Định-Ninh Bình về, nó nghe tôi kể chuyện nhìn thấy các tấm biển bạt phản đối thì bảo, thì ra là vậy.

Xong rồi nó lại kể thêm chuyện mới liên quan con đường to chạy qua trường đại học, rằng thì là mà đại gia mỳ gói sẽ xây nhiều khối nhà trên 30 tầng và có một bài báo chính thống đả động chuyện này - ở phương diện bàn bạc nguy cơ nhiều hơn là ca tụng - chỉ kịp có một vòng đời ngắn ngủi trước khi bị dỡ bỏ. 

(4)

Sự tham lam, ngu xuẩn, dốt nát, và cả độc ác nữa ngày xưa chỉ là ngấm ngấm biểu hiện, giờ thì thành một điều hết đỗi bình thường, thậm chí là tầm thường.  

Tôi không rõ còn ai ở Hà Nội nhớ chuyện hội đồng dân biểu đã từng quyết nghị về chiều cao giới hạn cho các toà nhà trong khu phố Tây. Không rõ có ai biết rõ những màn "tranh đấu" không phải nội bộ người ta với ta mà là phái đoàn ngoại giao nọ với văn phòng ông đô trưởng về chuyện định một địa phương giá trị kim cương để mở trung tâm văn hoá-ngôn ngữ.

Và ai còn nhớ lịch sử về Hồ Tây, đã từng cực kỳ yên bình, đã từng là một cái máy điều hoà khổng lồ lý tưởng cho thành phố này, nhưng rồi qua tháng qua năm cứ bị gặm nhấm và tổn hại dần dần bởi các bản quy hoạch.

(5)

Ơ nhưng mà thôi, trong mọi kỳ cuộc luôn có kẻ chiến thắng, người mất mát mà. Lo nghĩ hay khó chịu chẳng giải quyết được chi thì chi bằng ta đây tư duy tích cực.

Chúc mừng thủ đô ta danh chính ngôn thuận trên đà trở thành thành phố "đáng sống" với một tổ hợp toà nhà kính cùng quần thể sinh hoạt văn hoá-xã hội vô cùng hiện đại.

Và chúc mừng cả quê Ngoại nhà mình lại thêm một cơ hội chật ních túi tiền [góp] ngân sách vẻ vang, tiếp tục ngẩng cao đầu với các chỉ số kinh tế thắng đám môi trường-văn hoá-xã hội. 

đã từng là một cái hồ to

sống ở đâu thì an

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét