Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

canh mướp đắng nhồi thịt

Hôm nay làm canh mướp đắng. 

Mướp lai, chưa phải giống mướp ta như mình thích, nhưng ăn cũng đủ đắng chứ không vô vị như thứ mướp to đùng phổ biến ngoài chợ bây giờ. 

Công thức về đại thể vẫn thế, nhưng hôm nay can tội tranh thủ đáy nồi vừa rim thịt nên nước canh không được trong lắm.

(1) Nguyên liệu:

- Mướp đắng lai: 2 quả
- Thịt nạc vai: vừa đủ nhồi (mình làm món thịt viên rim nên chiết một ít sang cho món này).
- Tôm khô: 4-5 con
- Nấm hương: 2-3 cái
- Mộc nhĩ: 1 cánh to
- Hành khô: 1 củ (hôm nay hết hành khô, mình dùng tạm mấy lát hành tây)
- Hành hoa: 4-5 cây
- Mùi tàu: 2-3 lá  (đúng ra là mùi ta, nhưng mùa này mùi ta không thơm nên mình thay bằng mùi tàu)
- Nước mắm
- Bột gia vị
- Hạt tiêu xay 

(2) Chuẩn bị:

* Nhân nhồi: 
- Nấm hương rửa sạch rồi ngâm nước ấm cho nở
- Tôm khô rửa sạch, ngâm nước ấm cho mềm
- Mộc nhĩ rửa qua, ngâm nước ấm cho nở. Sau đó vắt khô, bỏ phần chóp, bóp muối hạt rửa lại cho sạch. 
- Cầu kỳ nhất là băm (bằng tay) thịt và mộc nhĩ, nấm hương, hành, tôm khô. Nhưng lười nên mình cho hỗn hợp thịt và nấm, mộc nhĩ, tôm đã sơ chế và hành rồi dùng máy xay nhuyễn.
- Hành hoa lấy 2 cây thái thật mỏng, trộn cùng hỗn hợp vừa xay, rắc thêm tiêu, gia giảm mắm, bột gia vị cho hỗn hợp nhân này đậm đà.

* Mướp đắng 
- Rửa sạch mướp, cắt bỏ hai đầu. Sau đó cắt làm 3-4 khúc tùy độ dài của quả mướp. Lần này mình chia tư.
- Dùng con dao nhỏ đầu nhọn khoét bỏ hết phần lõi.
- Đun nước bắt đầu sủi thì cho mướp vào để 2-3 phút nước sôi thì bắc ra, để ráo nước rồi rửa bằng nước lạnh. Làm thế này thì miếng mướp chắc và giữ được màu xanh chứ không bị ngả vàng. Nếu cầu kỳ còn có thể ngâm cả miếng mướp vào tô nước đá.

* Nhồi mướp
Rất đơn giản, lấy thìa nhỏ (thìa café) cho thịt vào phần lõi rỗng và ấn nhẹ cho chặt thì thôi. Bạn nào lần đầu làm chưa quen tay thì để miếng mướp lên một mặt phẳng (thớt, đĩa) rồi nhồi thịt. Còn người quen thì cứ thủng thẳng dùng tay giữ miếng mướp, đưa một đầu ngón bịt nhẹ phần đáy, còn tay kia làm thao tác nhồi.

(3) Nấu và đánh chén:

- Đun nước sôi (nếu thích có thể thả 2-3 con tôm khô, củ hành khô đã dập) có chêm bột gia vị rồi thả miếng mướp vào đun sôi tiếp.
- Khi nào dùng tăm xiên qua miếng vỏ mướp thấy được có nghĩa là chín.
- Mùi tàu và hành hoa thái lát dài khoảng 2-3cm để đáy tô canh, vớt miếng mướp đặt lên trên, rồi trút nước dùng vào.

Món ra mâm để ăn ngay thì không nói làm gì, Nhưng nếu có chút chậm trễ vì chờ ai đó thì nhớ để các miếng mướp ra tô trước, phần nước canh sau này nếu nguội có thể hâm nóng lại trước khi trút vào bát. Như thế đảm bảo các miếng mướp vẫn tươi sắc xanh chứ không ngả màu ỉu xìu.

Với một số người vừa ăn mặn lại vừa nghiện bạn chấm xì dầu, có thể bày cạnh chén nhỏ đựng chút nước tương và vài lát ớt cay. Miếng mướp lướt qua nước chấm đó, càng thêm ý vị càng thêm đậm đà.

(4) Note ghi thêm:

- Có người cho trứng vào nhân để tạo độ dính, hoặc cho chút dầu ăn cũng là để tạo độ dính. Mình chọn thịt nạc vai và xay nhuyễn nên độ dính coi như được đảm bảo, không cần đến hai thành phần kia nữa.
- Thêm nữa, mình không cho xì dầu hay dầu vừng vào hỗn hợp nhân như nhiều bạn người Nam vì đã ăn quen kiểu mặn của nước mắm. Làm như các bạn, canh ăn rất ngọt và có vị ngon riêng, cũng rất thú vị.
- Còn về mộc nhĩ, khác nấm hương tạo độ thơm thì mộc nhĩ cho vào có tác dụng làm món nhân ăn sần sật, hay hay.

Trái mướp đắng lai
Nếu là mướp đắng ta thì quả gầy gò, tháu hơn, 
gai nhỏ và nhiều hơn, sắc xanh và vị đắng đậm hơn

Nhân xay và trộn xong, chờ được nhồi

Mướp đắng được cắt khúc, nạo bỏ ruột, đã chần nước sôi

Mướp đắng đã nhồi, chờ nấu

Xong rồi! Chờ chan nước canh là chén!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét