Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

về quê ngày cuối 2012

Lần này không có T. L. người đang ngồi co ro tránh rét và làm bài tập ở London.

Còn lại, như mọi khi chuyến đi gồm có các việc: đánh chén, xin rau quả... và càu nhàu việc hai cụ già quá tham việc :-)



Ra vườn
Các loại rau đông
Thanh long ruột đỏ
Cà chua giống Nhật cho quả đều đều hàng năm
Thu hoạch su hào
Cúc
Hồng đỏ
Vốn là hồng bạch
Hồng phớt

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

tư duy hàng xén

Chuyện này rất chi là thú vị.

Cách đây nhiều năm, Bố có nói đến ý tưởng Mẹ có thể nhận đặt hàng của hàng xóm để làm mấy món cho mâm cơm ngày thường hoặc dịp giỗ chạp. Cái này làm mình nghĩ tới mấy bác traiteurs người Hoa mà mình hay lê la hồi còn ở khu Gare de Lyon, và cả chuyện về mấy bác Việt kiều ở khu 13 nữa.

Sau có lần nào đó ở New London, có vào một cái quán mua chocolat nhà làm, ngon ơi là ngon. Lúc đó, được nghe kể là bà chủ hàng tuần có một bữa ăn tối theo lịch hẹn. Bà chủ đưa thực đơn lên mạng, bà con đăng ký. Sau rồi, bà chủ gom đủ khách thì báo chốt lịch. Bà con cứ theo lịch đến đánh chén, ai cũng hài lòng. Mình không ở đủ lâu để chờ được vào cái danh sách đấy, coi như chỉ là biết có mô hình thế tồn tại.

Hôm rồi coi kênh nào không nhớ, thấy có bà cô ở bên Hongkong từ thành phố chuyển về cái làng chài nhỏ sống và có thú vui học nấu món địa phương. Bà cô này hàng tuần có một bữa mở nhà hàng tại gia và khách cũng là chọn theo ý của mình. Công việc làm ăn phát đạt. Bà cô vừa ra sức thử nghiệp cổ kim đông tây kết hợp, còn khách thì vui sướng thưởng thức.

Quay lại mình, hồi Hạnh móm còn chưa bỏ chỗ làm hẩm hiu đi tìm chân trời mới thì ba chị em, và sau này thêm T. L. nhập hội là bốn, có không ít buổi ngồi bàn vụ mở cơm một bữa một tuần. Ý tưởng lần này có một phần từ cái quán Cục gạch mà em Hạnh bạn T. L. đã dẫn T. L. đi ăn ở Sài Gòn. Tính toán một hồi thấy nản vì có vẻ sẽ lỗ triền miên.

Giờ chả còn ai, em gái xinh tươi chân dài đang tung tăng sự nghiệp, T. L. co ro chịu rét ở London, thầy T. thì mải đi cứu người. Còn mình với tảng thịt bò. Nghĩ một hồi thì bảo, đằng nào cũng mang tiếng hàng xén rồi, giờ ta đi bán thức ăn làm sẵn. Để xem đợt này kiếm chác ra sao :-)

thưởng bò luộc vị rau củ

Gọi món này là luộc, ninh hay kho đều có phần có lý: mặn, nước nhiều, đun lâu và đun sôi lặp đi lặp lại.

Khi sống một mình, ở nhà một mình, tối muộn mới mò về nhà sau mấy giờ học căng thẳng còn sáng ra mở mắt đã xấp ngửa đi làm thì việc bếp núc vừa mang tính ngẫu hứng, vừa là cuộc thử nghiệm điên rồ không có hồi kết.

Tình già gọi điện báo có cái thưởng ngon, đúng dịp tiết lạnh và Bác J. đang ở Hà Nội thì bày đặt làm món bò kho. Tối muộn về ngắm nghía nguyên liệu thì chuyển sang kế hoạch B: lấy vị rau củ làm nền cho món luộc-ninh-kho này.

Nồi nước dùng to tướng có củ cải, cà rốt, hành tây, gừng, thảo quả, carmadon, bay leaves rồi lại thêm chút ớt khô, mấy cái lá mùi tàu, mấy cọng tỏi tây, tôm khô, mực khô, nấm hương và rong biển sấy khô. Lười không bóc tỏi, hành hương không có, hồi quế cũng hết sạch thì tặc lưỡi bảo không sao. Để tạo vị còn có món bột cá trứ danh của Nhật, bột gia vị, chút mắm, chút xì dầu và chút đường nữa. Túm lại, úm ba la một hỗn hợp theo kiểu tiện có gì xài nấy :-)

Cái nồi to ôm trọn miếng thưởng. Đun sôi để dăm mười phút tắt bếp, nghỉ chừng nửa giờ lại đun sôi. Cứ thế chu trình lặp đi lặp lại cho đến khi việc dọn tủ sách bên cạnh khu bếp hoàn tất. Coi đồng hồ đã quá nửa đêm. Bỏ miếng thịt giờ đã co lại đáng kể ra chờ nguội rồi bọc cất vô tủ lạnh, nước dùng lọc lấy phần trong để riêng.

Sáng đặt bình café xong thì đi kiểm tra thành phẩm. Coi như là ổn. Vị bò thơm, hơi ngầy ngậy đặc trưng. Và hay hơn nữa là nó ngọt, thơm vị của nước hầm rau củ. Từ món này làm phở bán chay hẳn không tệ.

Hơi điên một chút, nhưng mình thích mấy vụ mần ăn không theo khuôn phép này :-) Coi như là xả xì-trét luôn cho những ngày bận rộn cuối năm và cho tình trạng nợ việc chồng chất vẫn chưa tháo gỡ xong :-) 


Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

nghỉ ngơi ngày chủ nhật

Lấy lý do dọn sách nhưng rồi lý do trượt sang thành vụ mừng sinh nhật một em gái trong cánh anh em nhà em N. và vụ mình đã sống sót sau 100 ngày tu tập.

Kế hoạch lẩu nướng rất hoành tráng. Các em lau quét sân, mang bàn ghế ra kê ngay ngắn. Trước nửa giờ mang lò đá ra làm nóng thì không thấy dây điện đâu. Lầm bầm bảo ta có kế hoạch B là cái lò điện Electrolux. Nhưng cả lò điện cũng không có dây. Hồi hồi nhớ ra là mình đã rất cẩn thận để hai bạn đó cùng nhau, và sau đó để đâu thì không nhớ. Mọi khi cứ túm năm tụm ba cứ cái gì là dây điện chỉ để vào đúng ngăn kéo của tủ gỗ cẩm thị, giờ bày trò dọn dẹp thì kết quả lại thảm vậy.

Thầy sang rồi thì bảo Thầy coi giúp. Rồi em này em kia em nào cũng nhắm mắt ra sức đoán định. Lôi cả tarot ra hỏi, bạn ý bảo hướng nảo hướng nao ra thành góc nhà tắm. Không thấy!

Sau rồi tòi ra phương án chữa cháy. Ăn bụng căng thì thôi. Cuối bữa có cả bánh ga-tô sinh nhật muộn!

Hài lòng là mình đã đỡ ốm và được nghỉ ngơi chút chút :-)

Nhìn trộm!
Dọn dẹp... để có bếp nướng không dây :-)
Chút sức sống từ khuông vườn không được chăm sóc!

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

mùa thu, mùa đông và mèo con

Tính ra thì từ ngày T. L. đi học, ra vườn dọn dẹp hay ngồi rỗi uống trà đã trở thành thú vui xa xỉ :-)

Lần này mèo mẹ sinh ba, một con lai đen trắng
Lá khế tích tụ sau vụ chặt cành vướng dây điện và sau cơn giông
Thử trồng rau
Dọn cành khế

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

cháo cho người phải cảm

Khi ở một mình, đôi lúc vài chuyện đơn giản nhất lại trở thành một thách đố lớn. Đặc biệt với kẻ lười như mình.

Sáng qua, trong tình trạng kiên quyết nói không với bác sĩ và thuốc, khi biết cái dạ dày cần chút gì đó nhẹ nhõm, thanh thanh và cái thân đau nhừ kèm cái họng đau rát cần chút hỗ trợ thì giải pháp chỉ có một từ duy nhất: cháo.

Thế là ta đi bắc nồi. Nấu cháo, cháo trắng, rất đơn giản. Vấn đề chính là thời gian và sự kiên nhẫn đi kèm. Nồi đất nung được dùng đảm bảo cháo nhừ và nóng lâu. Canh lửa khéo sao cho nước cháo sôi bùng thì lúc đó chỉ còn lửa nhỏ cháo sôi liu riu, âm ỉ. Cẩn thận có thể cho một hai giọt dầu mè (loại dầu trong cho đỡ bị nổi vị) để cháo tránh bị sôi trào.

Cho người bị cảm, hay ở cảm giác khật khưỡng gần với bà con bị cảm cúm, thì cháo ăn thế nào?

Rất đơn giản. Tía tô loại lá xoăn thơm lừng, vẫn thường được gọi là tía tô ta, cùng hành hoa thái mỏng. Một quả trứng gà tươi cùng vài hạt muối hoặc chút bột gia vị để sẵn đó. Người ốm nhưng vẫn còn đắm đuối với vị thì có thể để ké chút tiêu xay và mắm cốt. Nhưng cho hai bạn này vào thì cái thanh của cháo hẳn bị giảm sút ít nhiều :-)

Lửa được vặn to chút xíu, để nồi cháo trên bếp ở trạng thái đang sôi. Đập trứng cho vào bát kèm tía tô và hành hoa. Múc cháo từ nồi vào bát, dùng thìa khuấy để trứng tan và tự chín dưới nhiệt độ của cháo nóng.

Thêm chút bột gia vị. Và ăn. Bát cháo nóng, thơm lừng vị tía tô và hành hoa. Trứng đã chín không có chút vị tanh nào cả. Ăn xong người cảm thấy khoan khoái, nhẹ nhàng. Như thể trút đi được một gánh nặng vậy!

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

thịt quay kho tàu với trứng

Trời lạnh rồi thì nhớ món thịt quay kho Tàu. Sau cả tháng trời không nấu cơm với lý do hết gạo, giờ mình cố gắng quay lại tinh thần mỗi ngày một bữa tử tế. Kết quả là có nồi thịt quay kho Tàu, lần này là kho với trứng.

Công thức làm món thịt kho vẫn thế. Có mới thì chỉ là trứng.

Trứng vịt luộc chín, bắc ra ngâm trong nước lạnh một lúc thì lấy ra lau khô rồi bóc vỏ. Dùng dụng cụ châm hoặc đầu dĩa châm vào quả trứng để sau này khi kho thịt thì quả trứng ngấm gia vị. Sau đó, dùng tay ấn nhẹ để quả trứng hơi dẹt (cái này chỉ dành cho bà con khéo tay vì nếu không cẩn thận thì trứng sẽ nứt, sẽ vỡ).

Bắc chảo láng tý xíu dầu ăn rồi rán trứng cho vàng tới hai mặt. Sau có thể kho để nguyên quả hoặc bổ đôi (tùy sở thích có thể bổ dọc hoặc bổ ngang). Nồi thịt kho đã kho lần một xong rồi thì cho trứng vào kho tiếp. Cẩn thận thì dùng thìa lấy nước gia vị trong nồi rưới lên trứng vài lượt.

Món thịt quay kho Tàu với trứng ăn hạp nhất là vào mùa đông và với xôi trắng.
Mình béo ú nên dù rất thích thì cũng chỉ dám rón rén đôi lần làm món trong suốt cả một vụ đông :-)

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

nộm su hào giò tai

Từ hôm nay, mình có thêm nhãn mới "leftovers" :-)

Khác với nộm su hào cổ truyền, món nộm làm lần này chủ yếu là theo những gì có trong tủ lạnh và theo một cách ngẫu hứng. Đĩa nộm bày ra không có lạc rang, cũng chẳng có rau kinh giới đi kèm :-)

Món làm nhanh, chén cũng mau hết. Như mọi khi, mình vẫn lải nhải cái công thức: bí mật nằm ở dấm. Thêm nữa là phải kiên nhẫn. Mình cứ hì hụi thái, thái và thái, từ su hào qua cà rốt tới giò tai và mùi tàu. Túm lại, cần phải kiên nhẫn, hay vui tính thì gọi là thiền nấu :-)

Nguyên liệu:
- Su hào 1 củ
- Cà rốt 1 củ
- Giò tai mấy lát thái mỏng
- Tỏi 1 củ
- Ớt bột
- Muối hạt (mình dùng muối Bạc Liêu, không biết có phải là do tưởng tượng không, nhưng cảm giác ăn ngon hơn muối đóng gói công nghiệp)
- Dấm balsamic (Maille) và dấm nho trắng (Ortalli)
- Rau ăn kèm: mùi tàu, mùi ta và rau thơm.

Thực hiện:
- Su hào và cà rốt thái sợi, xóc với muối hạt (lượng đủ tạo độ mặn) để chừng 10 phút.
- Tiếp đó cho dấm balsamic và dấm nho trắng theo tỷ lệ 1/2 (dấm balsamic để lấy vị thơm đậm đà, còn dấm nho trắng lấy vị chua chủ đạo), ớt bột và tỏi đập dập cùng lá mùi tàu thái sợi chỉ mịn vào. Trộn đều tay và để chừng 5-7 phút cho ngấm.
- Dùng bao tay làm thức ăn vắt kiệt nước tiết ra từ su hào và cà rốt và để ra cái thố hay cái đĩa sâu lòng miệng rộng.
- Dỡ tơi hỗn hợp vừa được vắt nước. Sau đó trộn tiếp với giò tai thái sợi mịn và rau mùi ta cùng rau thơm xắt khúc dài chừng 1-2cm.
- Bày món ra đĩa. Sợi nộm tơi, giòn cộng với độ sần sật của sợi giò tai. Khêu đũa ăn chơi đầu bữa không cũng thích, còn nếu cầu kỳ hơn thì rán thêm vài cái phồng tôm, đặt một khêu nộm lên trên bề mặt miếng bánh và cắn rộp một cái thật là vui vẻ :-)

* Bình thường nếu nghe nói đến chuyện vắt kiệt nước su hào cà rốt, chúng ta có thể sợ rằng món làm ra sẽ bị nát tươm. Kỳ thực khi đã vắt hết nước rồi và dỡ tơi ra thì sợi su hào và cà rốt đảm bảo vẫn rất giòn.
** Dấm balsamic màu sậm làm cho món trộn lúc ban đầu coi không đẹp lắm, nhưng khi đã vắt kiệt nước thì các sợi su hào quay trở lại sắc trắng xanh ban đầu.

Đã thái sợi, chờ trộn với muối hạt

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

thiền liệu lý

"NẤU ĂN tức là THIỀN, và chỉ có thể giải thích điều này bằng mấy chữ THỐNG HỢP, NHẤT NHƯ" - trích từ trang 337, trong Taisen Deshimaru: Chân thiền ZEN (bản dịch của Ngô Thành Nhân và Trần Đình Cáo), Nxb Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, 1992, 353 trang.

Không thể tưởng tượng được rằng ở tuổi 19 mình lại mua và đọc sách này. Nhìn lại mấy notes ghi và gạch chân lời văn, giờ mình chỉ muốn cười phá lên. Nhưng mà cười một mình thì cũng kỳ kỳ :-)

Giờ, đọc sách với một thái độ khác. Trong đó, mình thích nhất là món thiền liệu lý này. Chắc chắn mình sẽ không phải là tín đồ tuyệt đối của dòng phái này. Nhưng có rất nhiều điều tuyệt vời của cuốn sách tạo cảm hứng cho công cuộc tập công và cải tổ thân thể, sức khỏe và đặc biệt nhất là tâm tính của mình.

Hài lòng khi đã vô tình tìm thấy lại sách này trên kệ. Coi như là hạnh duyên!

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

thịt viên (1)

Mỗi lần làm món này mình lại nhớ đến chuyện có một bài hát buồn buồn về cái viên thịt, thịt bò. Chuyện cái ăn loanh quanh thế nào lại thành chuyện thời thế.

Nhưng với món thịt viên này của mình thì thành phần là thịt lợn, làm theo kiểu Việt Nam, và được làm với một mối quan tâm duy nhất: cái dạ dày :-)

Nguyên liệu làm món chẳng có gì đặc biệt:
- Nạc vai xay
- Nấm hương
- Mộc nhĩ
- Hành hương
- Hành hoa
- Hành tây
- Mùi tàu
- Tôm khô
- Tôm tươi / Tôm sú rã đông
- Mắm
- Tiêu giã / Tiêu xay
- Bột gia vị.
- Chút dầu mè (loại trong).

Nhưng làm chú tâm và làm đại khái thì kết quả quả là có khác! Đối với mình, quan trọng nhất là cách thái/băm mấy loại nguyên liệu và thêm nữa là vai trò của món tôm xay nhuyễn như là chất tạo độ dính cho các viên thịt.

Về đại để, có mấy bước thế này:
(1) Chế nguyên liệu
- Ngâm nở rồi làm sạch, ráo nấm hương và mộc nhĩ. Thái sợi mộc nhĩ rồi băm ngang thành các vụn nhỏ. Nấm hương thì thái chỉ thật mịn.
- Hành hương băm nhỏ. Hành hoa và mùi tàu thái mịn. Hành tây băm.
- Tôm khô ngâm mềm, làm ráo rồi cho vào cối xay bông tơi.
- Tôm tươi làm sạch bóc vỏ hoặc tôm sú rã đông cho vào cối xay mịn.
(2) Trộn
- Trộn thịt nạc vai xay với nấm hương và mộc nhĩ trước, rắc chút tiêu hạt, bột gia vị và vài giọt nước mắm.
- Trộn tiếp hành hương và hành tây băm, tôm khô đã xay bông, tiếp đó là hành hoa và mùi tàu đã thái nhỏ.
- Cho chút xíu dầu mè vào trộn đều rồi kết thúc công đoạn trộn với món tôm phết.
(3) Viên và nấu
- Với hỗn hợp được trộn đều và quết nhuyễn này, chỉ cần một tay đeo găng làm món, tay kia giữ thìa cafe hay thìa súp (tùy kích cỡ viên mà ta muốn) cứ thế viên từng viên thịt để ra khay.
- Bắc cái nồi đáy rộng đun lửa vừa phải. Nồi nóng rồi thì cho chút xíu nước lã, khoảng 1 thìa súp, chú xíu dầu mè với mấy hạt tiêu giã rối và vài giọt mắm vào đun nóng. Sau đó đặt nhẹ các viên thịt vào và đậy vung. Thịt chín mềm, thơm lừng.

Mở ngoặc: Tất nhiên là với ai không thích nước mắm thì mùi mắm hơi khó chịu một chút. Để giải quyết thì ngoài cái máy hút mùi ra, mình không có bạn này, chỉ cần mở toang cửa sổ và bật quạt chạy vù vù chút chút :-)

Đối với mình, món thịt viên này ăn như là thức ăn mặn thì có phần hơi kỳ kỳ. Nhưng nếu để làm nhân cho món miến, bún hay mỳ gạo thì không tệ chút nào. Bát miến hay mỳ gạo tô điểm thêm mấy khúc lá hẹ nữa, vài lát ớt tươi nữa, vài giọt chanh hay quất vắt nữa. Cái này gọi là vui vẻ, ngon và sạch!

kim chi su hào

Trời bắt đầu mát. Mình có su hào vườn nhà Bắc Ninh. Thế là có món kim chi su hào.

Những lần trước làm món này đều rất ổn. Nhưng từ ngày T. L. đi học, có vẻ như mọi thứ mình làm đều chuệch choạc, ăn kém ngon hẳn.

Giờ thì hồi hộp, chờ đôi ba hôm xem thành phẩm thế nào :-)

Note 14/11/2012:
Thành công :-)
Như vậy, túm lại là công thức làm kim chi su hào giống hệt làm kim chi cải thảo. Chỉ cần lưu ý là trước khi muối thì su hào thái miếng như ý rồi trộn với muối hạt trong vòng nửa ngày cho nước tiết ra và su hào có độ mặn nhất định. Sau đó, trộn những miếng su hào đã được để ráo với hỗn hợp gia vị.

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

cháo chim câu

Nước đun sôi thì cho chim đã làm sạch và gạo đã vo để ráo nước (người cầu kỳ có thể vo gạo trước đó lâu lâu, rang qua gạo hay giã rối gạo... cái này gọi là tùy thói quen) và đun sôi bùng thì hạ lửa. Có mấy củ hành hương dập qua thả vào cho thơm thì càng tốt. À, nhớ thêm vài hạt muối nữa. Thêm nữa, hôm nay mình hứng chí ngâm mềm mấy hạt sen khô, thu hoạch từ vườn nhà Bắc Ninh, rồi cho vào nồi cháo.

Gạo mềm, thịt chim chín mềm, thơm thì coi là xong.

Món cháo này ăn với gì?
Có hành hoa, mùi ta và rau răm thái nhỏ mịn hoặc thái rối.
Hoặc giả không có rau răm thì chỉ cần các bạn hành hoa, mùi ta và mùi tàu cũng rất hợp.
Thêm chút tiêu giã dập (thơm hơn là tiêu xay mịn).
Có người thích thì thêm vài giọt mắm cốt, mấy lát ớt tươi hay nhúm nhỏ ớt bột. Cái này gọi là tùy!

Ghi thêm: Nồi cháo mới nhìn béo ngậy, mình nhìn hơi nản. Nhưng cho rau vào thì hợp lý hẳn. Ăn ngọt và thơm. Ngon nữa :-)
Thêm nữa, mình ăn solo, nên nấu bằng cái nồi đất. Cháo nóng lâu, tắt bếp rồi gạo vẫn tiếp tục nhừ.

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

canh ngao mồng tơi lá lốt

Ghi lại note này để có ngày tự mình mần thử xem sao.

Hôm qua mình có bữa trưa ngon ở nhà một em đồng nghiệp. Trong mâm cơm có bát canh ngao nấu mồng tơi. Lúc ăn chơi thìa canh thấy vị ngon là lạ, hỏi ra thì được em giải thích là cạnh mồng tơi và chút lá đay còn có lá lốt.

Canh ngao nấu rau láo nháo mồng tơi, dền cơm, đay và có lúc là cả sâm nam thì mình biết. Nhưng cho thêm chút lá lốt vào thì đâu là lần đầu tiên.

Đối với mình, sự kết hợp này nghe lần đầu thì lạ tai. Nhưng nói về vị thì thật là hợp lý.

tô canh ngao hoa nấu với mồng tơi thả xíu lát lốt
TL nấu ngày đầu tháng 6/2021 siêu nóng

* Note và hình bổ sung 2/6/2021

Cuối cùng, sau gần chục năm nói về món canh này và không biết bao lần lên rồi nhỡ kế hoạch, TL đã nấu một tô canh ngao mồng tơi lá lốt ra trò. 

Ngao là ngao hoa, thịt dày mình, chắc có chắc, béo có béo. Mồng tơi lần này không lấy từ vườn nhà mà là rau sạch từ trang trại Mộc Châu. Lá lốt thì chạy ra vườn quơ mấy cái.

TL lọ mọ trong bếp một hồi thì chạy ra hỏi tôi, lá lốt mình cho nhiều hay ít. Tôi ớ người, nào có nhớ chi tiết bữa cơm trưa nhà em đồng nghiệp năm nào, chỉ đại ý là có canh ngao mồng tơi lá lốt là lạ mà thực ngon thôi. Vậy là quyết định, cứ rón rén chút chút gọi là thôi nhá!

Canh rất ngon, mát. Bát cơm ăn canh này với mấy trái cà ngâm mắm thính đặc sản xứ Nghệ mặn, đanh, giòn, rồi thêm nữa có bát sấu non thái lát mỏng ngâm mắm. Cơm cứ gọi là trôi/bay vèo vèo :-)))

Ngày trước đi ăn cơm khách, không để ý thì không nghĩ tới. Bữa nay tính toán giá thành tô canh ngao, ngon đấy nhưng mà hơi nặng ký [tiền] và có chút phiền [phức]. Dù ngồi mâm nhiều hay ít người thì ngao mua về cứ phải kha khá để nước canh có phong vị của biển. Mùa này mớ ngao hoa ngon đâu rẻ. Thêm nữa, nhà có sẵn lá lốt bò quềnh quàng thì chẳng thấy có vấn đề chi. Nhưng tưởng tượng cái gì cũng phải chạy ra chợ mua, mà cho món canh này lá lốt chỉ là rau gia vị thoảng qua, nào ai có thể dõng dạc kêu bà hàng rau, cô cho cháu dăm cái lá lốt đâu :-)))

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

cơm rang kiểu leftovers với gia vị creole

Nói cơm rang vì đúng là cơm rang thật.
Leftovers là vì xài những gì có trong tủ lạnh.
Gia vị creole ở đây là cái hộp xanh đỏ trứ danh duy nhất có thể tìm thấy ở Hà Nội: Tony Chachere's.

Lần này mình có:
- Cơm nguội nấu từ gạo Nhật, cho thêm chút nước vào rồi đảo tơi.
- Một thìa súp món thịt nạc vai băm đảo chín với bột canh, mắm, tiêu và hành khô.
- Ba con tôm rã đông, thái lát mỏng.
- Mấy miếng khoai tây chiên, thái ô cờ.
- Ba bốn quả dưa chuột bao tử muối, thái ô cờ.
- Vài cọng hành hoa và rau mùi, xắt khúc nhỏ.
- Và tất nhiên là dầu olive cùng gia vị creole.

Thực hiện:
- Láng tý xíu dầu olive vào chảo rồi đảo cơm cho săn. Có thể cho khoai tây và thịt băm vào ngay từ đầu hoặc trong quá trình rang cơm.
- Chừng hạt cơm đã săn thì cho tôm vào giữa chảo, rắc gia vị lên và cho dầu olive vào đảo nhẹ cho ngấm, sau đó đảo rộng ra xung quanh.
- Thấy tôm chín rồi thì cho tiếp dưa chuột vào, đảo thật nhanh và tắt bếp.
- Trút cơm ra đĩa sâu lòng, rắc hành mùi lên và đánh chén.

Về nguyên tắc chỉ cần có dầu olive kết hợp với creole seasoning là đã đủ thơm và ngon rồi. Giờ mình có vị tôm sần sật, vị thơm của hành mùi và vị giòn giòn chua chua nơi đầu lưỡi của dưa chuột muối.

Cái này gọi là không tệ cho kẻ sống một mình, lười và ki-bo như mình :-)

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

có thuật phong thủy giảm cân?

Lạ lắm nhé! Đêm qua lọ mọ đi tìm mấy từ liên quan đến kiến trúc thì dây cà ra dây muống mình được chỉ tới một trang mạng nhện giới thiệu các thuật phong thủy.

Căng mắt ra tìm giữa biển từ cái món xuyên chính và vì kèo thì lại ra tiết mục phong thủy giảm béo. Ngó lơ thì thấy bảo để đèn ra sao, khăn ăn màu gì... có thể làm cho chúng ta bớt béo.

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

ăn mặn, ăn chay và ăn nhạt (1)

Căn tính mình gắn với vế thứ nhất. Thói ham chuộng cái lạ khiến mình nhất thời đến với vế thứ hai, rồi dần dà nó đã trở thành một phần thói quen cố hữu trong mình từ lúc nào không rõ. Còn vế cuối chính là đích tới cho cuộc chiến đấu trong bản thân vì một nhịp sống chậm, sống lành và sống sạch.

Không bàn tới chuyện sức khỏe cho lắm, thực tế ta có thể tìm thấy hàng đống sách vở về cái ích lợi của sự ăn nhạt, thì ăn nhạt có cái tốt cho công cuộc cải thiện tâm tính.

Thứ nhất là khi mình cứ bần thần trước đống gia vị, lẩm bẩm kiểu cô gái già đang bứt và tính đếm cánh hoa hồng trong nỗi vô vọng, rồi quyết tâm trỗi dậy và không chạm vào chúng nữa thì khi đó là mình đã trở thành một người có kỷ luật :-).

Thứ hai, ăn lạt là một phương thức để đi tới cái đạm trong cuộc sống tổng thể. Mình bắt đầu tin là sự tiết độ này dẫn đến một lối cư xử, một thái độ sống hòa nhã và an nhiên hơn... và hình như cả cái việc tiêu tiền cũng hợp lý hơn. Cái đích đến cuộc sống tối giản không còn là từ ngữ thốt ra lúc cao hứng hay một sự gò mình vật vã nhất thời mà nó bắt đầu ngấm từ từ vào trong trí, trong tâm để trở thành một phần của căn tính.

Chắc chắn mình không bao giờ muốn và cũng chẳng bao giờ đủ sức để trở thành người ăn chay trường. Chắc chắn mình vẫn tiếp tục những cơn lên xuống của cái psy, vẫn mắt hấp háy trước kệ hàng gia vị, vẫn tìm cách nhét đủ mọi thứ vào khay trộn thức ăn... Nhưng trong lúc vẫn như thế, mình có một cái đích rõ ràng: ăn nhạt đi. Và lần này, mình bắt đầu bằng bốn món: tiêu, ớt, mắm và muối.

Để xem nhé :-)

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

cà la thầu củ cải nhà làm

Món này đặc biệt hợp với cháo trắng ăn nguội. Làm đơn giản, chỉ sau một ngày là có thể ăn được. Gọi tên cà la thầu có vẻ hơi "điêu điêu" một chút, xong về cơ bản thì cũng chấp nhận được vì đồng vị.

Củ cải, chọn đúng loại củ cải ta củ tháu có vị cay và thơm, củ chắc chứ không xồm xộp và nhạt nhẽo như giống củ cải Tàu, gọt vỏ, cắt khúc chừng 5-7cm rồi bổ tư hoặc bổ sáu tùy ý. Trộn các miếng củ cải với muối rồi để qua đêm (mình làm món này lúc tối muộn). Sáng ra thấy các miếng củ cải xọp lại, còn nước muối thì tiết ra khá nhiều, lúc đó vớt củ cải để ráo.

Củ cải đã ráo nước cho vào cái âu nhỏ hoặc hộp nhựa đựng thức ăn, trộn một chút xíu đường nâu, xì dầu cùng nước mắm và dấm theo tỷ lệ 3 xì dầu/1 mắm/1 dấm. Xóc thật đều cho củ cái ngấm gia vị rồi đậy kín âu/hộp, cẩn thận cho vào bao đựng thức ăn, dùng kẹp bếp kẹp chặt để không bị mùi, rồi cho vào tủ lạnh. Đến bữa thì bỏ củ cải ra, trộn tiếp với gừng và tỏi băm cùng chút ớt bột.

Các miếng củ cải không bị thũng nước mà rất chắc, giòn, mặn, chua cay và thơm thơm vị gừng, tỏi tươi chứ không bị đậm mùi củ cải tươi đặc trưng. Ăn với bát cháo trắng nguội được nấu hơi đặc một chút không phải là ý tệ cho một bữa tối muốn ăn nhẹ.

* Đông-Tây kết hợp: dùng dấm nho trắng của Ý, còn xì dầu mình trung thành với Yamasa ngọt. Người ăn đậm vị sẽ thích dùng xì dầu Quảng Châu hơn.

Còn đây là cà la thầu su hào của T. nhá :-) chuyện siêu hài: cà la thầu củ cải của T. "xuất ngoại" như thế nào :-)))

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

chả viên lá lốt kiểu t.

Nói là kiểu T. cho oách, thực tế thì món chả viên này cũng chẳng có gì đặc biệt. Có chăng là cái cách mà mình làm món :-)

Cho tới hôm qua vừa tròn một tuần T. L. đi học. Mình chỉ vào bếp hàng ngày để đun café, thêm nữa là đôi ba lần úp mì tôm ăn liền. Tuần đầu tiên ở trường việc ngập đầu đâm ra lại là cái cớ hay để chống chế cho chuyện ăn uống linh tinh. Nhưng đến hôm nay, sau khi cho vào dạ dày bốn hộp sữa nhỏ pha với café vị thảo quả và một tô cháo ăn liền ở cơ quan cho cả một ngày dài làm việc thì đến chiều muộn, mình hết chịu nổi.

Thế là tạt qua chợ mua được dẻo nạc vai ở hàng thịt sạch. Sạch không không biết nhưng chắc chắn là thịt để lạnh quá 8 tiếng đồng hồ theo cái quy định thiếu chút có hiệu lực của ông Nông nghiệp đợt vừa rồi :-)

Mua thịt xong rồi chẳng biết làm gì, lúc tưới vườn thì quyết định hái lá lốt. Thường thường, món chả lá lốt là lấy lá bọc thịt băm rồi cuốn dài và rán. Lần này vơ đại gói mộc nhĩ lấy mấy tai đem ngâm nở, lại có thêm củ hành tây thì gật gù tự bảo làm bếp một tý. Kết quả là có món chả viên lá lốt ăn kèm... tabasco xanh :-)

Nguyên liệu:
- Thịt nạc vai thái lát mỏng
- Lá lốt đã rửa sạch, vẩy ráo nước, thái rối
- Mộc nhĩ đã làm sạch, thái rối
- Hành tây, thái lát
- Một quả trứng gà
- Một chút bột cào mì loại chiên xù
- Tiêu, đường, nước mắm.

Thực hiện
- Cho thịt vào xay bằng máy xay tay. Sau cho tiếp lá lốt, mộc nhĩ và hành tây xay nhuyễn.
- Trộn hỗn hợp nói trên với các nguyên liệu còn lại. Viên thành các viên thịt theo ý.
- Bắc chảo láng dầu ăn rồi rán. Để lửa nhỏ rồi dùng cái vỉ đậy thì thịt vừa chín vàng lại mềm.

Mình lười nấu cơm. Ăn vã chả viên với nước chấm là tabasco xanh, một sự kết hợp tưởng chẳng đâu vào đâu nhưng té ra là cũng ổn. Đánh chén một mình món này lại nhớ đến bữa tối của nhóm sinh viên quốc tế do một đôi bạn Đức cầm trịch hồi còn đi học ở ScPo. Điểm chung của các bạn ý với mình chỉ là thịt và hành tây. Còn lại, các bạn ý có phô-mai và thịt viên thì bỏ lò, ngầy ngậy. Chẳng hiểu tại sao với mắm, mộc nhĩ và lá lốt mình lại liên hệ ra món đó mới tài :-)

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

sống một mình, ăn một mình

Từ lúc chào đời tới ngày tốt nghiệp đại học, chuyện ở nhà Bố Mẹ, ăn cơm Mẹ nấu là chuyện đương nhiên. Sống ở khu tập thể của trường đại học, trong cái nghèo đói dân chủ, chuyện đám giáo viên hùa nhau tranh thủ các ô đất của sân bóng bỏ hoang để vỡ luống trồng rau, ăn không hết còn bó đem bán, rồi chăn nuôi con này con nọ... cũng là điều đương nhiên. Và trong cái chiều đương nhiên đó, thi thoảng có niềm vui xa xỉ trong thế giới của bọn trẻ con: quả táo người lớn nào đó mang từ Liên Xô về, những cái kẹo vị sả chanh, và tất nhiên là sôcôla... Người lớn lúc đó nghĩ thế nào mình không rõ. Nhưng ngày xưa còn bé xíu thì cái chuyện ăn, cái sự ăn có còn rơi rớt lại trong trí có chăng chỉ là vụ bọn trẻ con uống sái café, húp nước ca cao và chia nhau cùng cắn trái táo tây là hết. Nếu mình có nhớ thêm tý xíu nữa thì là kiểu cách ăn uống bên nhà nội ngoài phố Cửa Bắc, nhiều món, cầu kỳ, đĩa tách cứ bé xinh xinh.

Ba tháng sau khi tốt nghiệp, lóc cóc xách va li đi học. Thắc mắc đầu tiên khi đã yên vị ở nhà trọ là quái, sao nước lấy ở vòi ra đun sôi pha chè uống nó tệ thế. Rồi loanh quanh vài hôm thì mò ra khối đồng hương, được cho nào chảo, nào nồi, nào đũa, nào bát... đâm ra có hứng tự nấu cơm mần ăn. Nói là nấu cho oai chứ tính ra hầu hết thời gian mình ăn mỳ Tàu mua ở shop Tàu đóng ngay quảng trường Aligre. Thực thà mà nói, nếu nhớ lại năm đó xét về chuyện ăn uống thì không phải là mình đã làm gì ở phố Beccaria mà là vụ thực hành làm nem ở nhà Oli xứ Firenze và nốc bánh ga tô cà rốt nhà mẹ cô Barbara ở Basel. Chút hương sắc Paris thực sự còn đọng lại có chăng là những ngày cuối tuần ở La Coupole, những buổi sớm mai bên nhà trọ của các cô gái Ý hay nhà mẹ già mẹ trẻ của Alex và đặc biệt nhất là ba tháng hạnh phúc với các loại món Thái của bà giáo trường Chula.

Sau này có dịp chu du thêm tý nữa thì đột nhiên có một khám phá thú vị là là ở cái xứ kinh đô của thức ăn nhanh hóa ra có nhiều bà con thông thái, biết sống chậm và biết ăn ngon kinh khủng. Chính là ở đây mà tình yêu cho món Nhật bắt đầu, và cái sự liên hệ giữa dạ dày và chất lượng cuộc sống cộng với chút thông minh cần thiết cho tổ chức gia đình mới thành hình.

Về nhà lại quay lại nhịp ỷ lại, chỉ biết mần đồ ăn Mẹ làm mà không có ý gì tập tành nấu ăn cả. Chỉ đến lúc Bố Mẹ quyết định làm nông dân ở Bắc Ninh thì trẻ con trong nhà mới hốt hoảng lo cho cái dạ dày. Phải học tuốt tuột từ đầu, trong đó nấu ăn là chuyện nhỏ, nhưng tổ chức cuộc sống sao cho nó diễn ra theo nhịp bình thường, lành mạnh, tốt cho cái dạ dày và cho cả những thói quen thiện lành khác... lần này là trong thực tế, của chính bản thân mình, thì sao mà khó thế. Thành tích kể ra không tệ, song cái ví sinh hoạt phí cho đến giờ chỉ qua ngày 20 của tháng thì đã tròn trịa lui về con số không và cứ thế mà lùi về cõi âm. Khổ ơi là khổ!

Giờ nhà lại vắng teo. Chỉ còn lại hai con mèo to và bé. Lại chun chun cái miệng và nghĩ tập sống một mình, ăn một mình sao đây để nỗ lực duy trì một nhịp sống lành vẫn được duy trì và đặc biệt nhất là giấc mơ 57kg có một ngày trở thành hiện thực :-)

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

trám đen ỏm

Tháng 7 tháng 8 Âm lịch là mùa trám đen. Người già trong nhà căn cơ, đi chợ về với mớ trám, vừa làm vừa lẩm nhẩm tính rồi kết luận ăn trám đắt hơn ăn thịt. Xét về mặt nào đó, sự so sánh này cũng có lý. Ba chục ngàn đồng mớ trám về ỏm xong ăn với mắm tính kỹ thì với một nhóm thợ xây toàn những thanh niên tuổi làm tuổi ăn thà mua dẻo thịt ba chỉ rang mặn còn được cơm hơn là bát trám khều đũa gắp ăn nếm chứ không thể là ăn no.

updt. món TL làm 8.2016
Đấy là tính của người già. Còn với người trẻ hơn một tý trong nhà, còn chưa biết tính toán sao cho hợp lý cái ví tiền sinh hoạt hàng ngày lại còn lười và dốt với mấy vụ làm món, thì bát trám đưa lên mâm đáng giá gấp nhiều lần mấy món thịt thà. Thịt trám bùi bùi, ngầy ngậy. Đơn sơ ăn với chút mắm không đã ngon, cầu kỳ có thịt nạc vai băm rồi rim ta lấy cái nước thịt đó trộn với trám rồi ăn kèm với nước rau muống luộc thì bữa cơm ngày cuối hè đầu thu phong vị có phần vui vẻ hơn, đánh tan cả cái nỗi bực thân trước sự đỏng đảnh của thời tiết.

Cách làm trám đơn giản xét về công thức. Nhưng cái độ may mắn trong việc định lượng độ nóng của nước đun sôi thì quả là khó. Người Việt dân gian vốn chẳng bao giờ chính xác mấy thìa mấy dĩa bao nhiêu độ nên cái sự miêu tả cho các khâu thao tác làm món từ người nói tới tai người nghe và tay người thực hành luôn luôn xê dịch hàm nghĩa. Vì thế mới có chuyện dở khóc dở cười là đôi ba người tập tành làm món trám ỏm rồi chịu thua vì căn nước không chuẩn nên món trám không mềm mà cứng đơ, bỏ đi rồi cứ tiếc rẻ mãi.

Dù sao, đại để thì món trám ỏm là như thế này:
- Trám đen mua về rửa sạch sẽ rồi để ráo nước.
- Nước cho vào nồi đun đến khi lăn tăn bọt đáy nồi hay có người còn gọi là nước bắt đầu "reo" thì bắc cái nồi ra, thả trám cùng mấy hạt muối vào và đậy vung.
- Nước nguội thì vớt trám và lấy dao khía ngang thân bỏ hạt.
- Phần thịt trám trộn với chút nước mắm hoặc nước thịt rim.

 * Trám sau khi rửa phải để ráo tiệt nước. Nếu trám còn ướt quá thì nhiệt độ nước ngâm trám sẽ giảm, nguy cơ món trám ỏm thay vì mềm bùi thành cứng như đá sẽ là rất cao :-)

** Note bổ sung 6/2021: Và đây phát hiện mới, trám đen ỏm trữ đông.

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

văn minh trà việt của trịnh quang dũng

Mình đọc được cái note nhỏ giới thiệu về sách này đâu đó trong Sài Gòn tiếp thị hay Tuổi trẻ cuối tuần nên để ý tìm. Ở mấy hiệu sách tư nhân ngoài Đinh Lễ hỏi không ra nên dò vào hiệu sách Nhà nước. Mua được rồi thì rất khoái chí.

Thực ra thì mình chỉ mới đọc mỗi phần nói về nhà chè Chính Thái mà mình hâm mộ. Nhưng lần nhanh các trang sách thì nói chung là rất hài lòng. Độc giả abc như mình coi như có cuốn bách khoa thư mini để biết về trà và uống trà ở Việt Nam.

Thế là bộ sưu tầm sách về trà của mình được thêm một cuốn!

Trịnh Quang Dũng: Văn minh trà Việt, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2012, 427 trang, 140.000vnd.

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

nấm hương kho

Món này được làm theo cảm hứng từ nồi nấm kho trứ danh nhà Trúc Lâm Trai cộng với trải nghiệm món nướng làm theo hướng dẫn của bạn TA và kết quả đã được T.L. duyệt là OK :-)

Bên quán chay, niêu nấm kho nhà hàng đem ra mỗi lần mỗi khác. Có bữa là nấm khô, có bữa lại là nấm tươi. Bữa ngon đậm đà, bữa lóc chóc nước phong vị có phần giảm sút. Nhưng dù thế nào vẫn cứ ngon, bà con vẫn cứ xơi sạch :-)

Lần đầu thực hành mình làm rặt nấm hương khô, chưa được loại nấm khuy nhưng cũng không phải là loại nấm to đùng to đoàng. Món nấm của mình không dám tự xưng là chay vì có dùng bột cá Nhật. Thêm nữa, mình không nghĩ là bên Trúc Lâm Trai dùng tới mirin và sake cũng như tỏi tây - cái này là theo công thức của TA.

Nguyên liệu:
- Nấm hương: khoảng 30 chục cái.
- Tỏi tây: 1 cây.
- Hành hương: 2 củ.
- Gừng lai: một miếng chừng hai đầu ngón tay.
- Mắm: nửa thìa café.
- Xì dầu: một thìa súp.
- Dầu mè: một thìa súp.
- Mirin: một thìa súp.
- Sake: một thìa súp.
- Bột cá ngừ của Nhật: chừng non thìa café.
- Bột gia vị dùng theo ý.
- Đường nâu (optional): nửa thìa café

Thực hiện:
- Nấm rửa rồi ngâm nở mềm. Lấy kéo cắt bỏ phần đầu chân nấm rồi xẻ khía tư phần khuy nấm để khi kho xong thì các cây nấm nở bung ra coi đẹp mắt.
- Tỏi tây làm sạch rồi cắt các khúc dài chừng 2-3cm rồi bổ thành các dọc nhỏ.
- Gừng thái chỉ thật mịn.
- Lấy cái nồi đất tráng qua lớp dầu vừng. Sau đó xếp nấm cùng các loại gia vị vào. Chêm chừng bát cơm nước rồi đun to lửa. Nồi sôi rồi thì chỉnh lửa nhỏ liu riu. Trông chừng món nấm vừa ý, nước trong nồi sền sệt thì tắt bếp. Nồi đất nóng lâu làm nấm tiếp tục mềm, đợi lúc ra bữa vẫn nóng. Ăn với cơm trắng rất hợp.

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

công thức ướp thịt nướng kiểu hàn (1)

Nhân vụ khai mạc cái lò nướng điện mới tậu, mình lần giở công thức T.A. gửi đã lâu rồi thực hành theo đó với tinh thần đã gia giảm tý chút. Kết quả không tệ nên ghi lại ở đây rồi sau này tiếp tục công cuộc sưu tầm công thức ướp :-)

Đây là công thức ướp thịt ba rọi (ba chỉ) và thịt nạc vai thái lát mỏng 0.5kg

Nguyên liệu:
- Xì dầu Yamasa: 6 thìa súp
- Sauce mirin: 2 thìa súp
- Sake: 2-3 thìa súp
- Dầu vừng (loại đen của Đài Loan): 2-3 thìa súp
- Tỏi tây: một cây lớn
- Gừng: một miếng nhỏ
- Hành tím: 2-3 củ
- Đường nâu: một thìa súp
- Tiêu xay: một thìa café
- Bột gia vị: một thìa café
- Nước mắm cốt: non một thìa café (gọi là lấy vị nhà mình)

Thực hiện
- Tỏi tây làm sạch, bỏ bớt phần lá rồi thái lát mỏng, sau băm qua. Gừng thái lát mỏng, sau đó thái chỉ rối rồi băm qua. Hành tím băm.
- Sau đó trộn tất cả các gia vị vào với nhau rồi ướp thịt.
- Để khay/hộp thịt ướp đã đậy kín vào tủ lạnh từ 1-2 giờ thì có thể đem ra nướng.

* Mình cũng đã thử ướp với thịt bò nhưng thấy với thịt lợn thì hạp hơn. T.A. có gửi kèm công thức làm nước chấm nhưng vì đọc thấy ly kỳ quá, phải đun đun nấu nấu, thì mình lười, tặc lưỡi bảo thôi bỏ. Thực tế thì với việc mình bổ sung công thức nguyên lai bằng việc cho thêm bột gia vị và nước mắm thì miếng thịt cũng đủ đậm đà, chẳng cần món chấm đi kèm nữa.

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

bánh hẹ sóc trăng

Đang ngồi ngó nghiêng mấy cái bài cũ trên HZ thì mình thấy ảnh này. Nhớ em T. A, nhớ Sóc Trăng với cái hồ nước ngọt to đùng, quán cafe tối rất chi là sành điệu, món lẩu mắm trứ danh và đương nhiên là cả mấy đĩa bánh hẹ này.

Ăn chơi đủ thích, còn ăn no thì chắc là không phải. Ở Sóc Trăng món ngon nhất là mì vằn thằn của chú người Tàu do em T.A, bạn của T. L. dẫn đi ăn.

Mình mong có dịp lại làm một chặp bay vào Cần Thơ rồi rong ruổi trèo xe đi Sóc Trăng và Cà Mau như năm trước.

Ở Hà Nội và nói chung là miền Bắc lò dò ra đường thấy căng thẳng thần kinh, dịch vụ sờ đến chỉ thấy hai chữ tiền tiền. Đi xuôi Nam, có lẽ một phần là do có người quen hướng dẫn và dẫn đi, thong dong ăn ngon, ngủ khỏe, thấy cuộc sống thanh bình.

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

cháo bào ngư

Bào ngư là thành tích thu hoạch từ chuyến đi Chu Lai hè này. Hồi hai năm trước, trước khi rời Chu Lai, vợ chồng anh chủ quán cả nhóm hay ăn bảo mua bào ngư về nấu cháo ăn được lắm. Lúc đó mình mua chơi về xem thế nào, thì thấy hay thật.

Giờ chả cần anh chị ý bảo gì nữa, tự tắp nhắc là mai em về thì để sẵn cho em hai gói nhá. So với những lần nấu trước, giờ mình để ý hơn. Ngày xưa thì cháo với bào ngư cộng chút hành và rau gia vị là chấm hết. Giờ coi được cái công thức lấy cảm hứng từ các bác Nhật và thử, mình thấy cũng rất hay.

Bào ngư
- Bào ngư đông lạnh được rã đông, làm sạch rồi rửa bằng nước gừng giã (có công thức hướng dẫn cho thêm rượu nhưng mình không dùng đến). Tiếp đó tráng lại bằng nước trắng rồi lau khô, thái lát mỏng.
- Phi mềm hành hương (không để hành khô cong vàng rộm lên) rồi cho bào ngư vào xào nhanh tay với chút bột gia vị, tiêu và đôi ba giọt mắm cốt. Bắc ra để riêng.

Cháo
Cháo trắng nấu chín tới.

Thức phụ đi kèm (optional)
- Nấm hương hoặc nấm đông cô sau khi đã ngâm nở và làm sạch thì thái lát thật mỏng rồi xào lên. Có thể tận dụng dấu chảo xào bào ngư để đảo chín tới.
- Gừng Nhật (loại gừng củ to tướng, không cay hăng như gừng ta củ tháu) thái lát mỏng rồi thái sợi chỉ thật mịn. Nếu muốn vị gừng nhạt hơn nữa thì còn có thể ngâm trong nước một lúc rồi bắc ra để ráo.

Rau đi kèm
Chắc chắn phải có hành hoa và rau mùi và/hoặc mùi tàu. Mấy thứ rau này nhặt rửa sạch sẽ và vẩy ráo nước rồi thì thái nhỏ để sẵn đó.

Gia vị đi kèm
Tiêu xay hoặc giã kèm chút ớt khô.

Chế cháo và chén
- Nồi cháo đun sôi thì cho nấm vào trước đôi ba phút, sau đó cho tiếp bào ngư. Chờ chừng dăm bảy phút thì bắc bếp.
- Cháo ăn kèm với chút gừng thái sợi (nếu có) và hành rau gia vị. Các lát bào ngư hơi giòn, sần sật. Còn nấm thì mềm. Cháo ăn ngọt, thơm và theo sách vở thì bổ nữa :-).

cháo tôm-ghẹ ăn với cà la thầu

Món này cánh học trò học ở miền Nam Trung Quốc về quảng cáo mãi, đến tối qua mới tụ tập được một đống người để thực hành. Làm nhanh, đơn giản và giá cả nói chung là hợp lý.

Cháo trắng nấu sẵn, để ở dạng chưa nhừ hẳn. Tôm bổ dọc thân, lọc bỏ chỉ đen ở khấu lưng. Còn ghẹ thì xé phần thân riêng, chân cẳng riêng. Xong xuôi thì cho tôm và ghẹ vào nồi cháo đun tiếp. Thời gian có thể xê dịch từ dăm bảy phút tới hơn mươi mười lăm phút tùy vào kích cỡ nồi cháo và số lượng tôm ghẹ. Quan trọng là không để lâu quá vì thịt tôm và ghẹ sẽ bị bở.

Hành hoa và mùi ta làm sạch rồi thái mỏng. Khi nào ăn cháo thì dúm chút hành và mùi để vào đáy bát rồi múc cháo vào. Tùy người tùy tính mà có thể thêm tiêu xay và ớt bột.

Cháo ăn với tôm trong đó luôn thì đương nhiên rồi. Còn ghẹ thì có thể để riêng ra bát tô lớn cho bà con cầm tay ăn vã. Muốn cháo nóng thì có thể nấu bằng nồi đất (nếu ít cháo) hoặc sau khi vớt ghẹ ra thì chuyển cháo sang nồi đất đun nóng lần nữa. Cái nồi đó đặt trên bàn từ đầu bữa đến cuối bữa đảm bảo cháo vẫn nóng như mong muốn :-)

Giờ nói thêm về cà la thầu. Mình không đủ tài năng để tự làm nên dùng cái món đóng gói sẵn có hình ông diễn viên đóng vai vua Khang Hy to đùng đang cười nhăn nhở ngoài vỏ. Chỗ củ muối đó khi đã bỏ ra khỏi gói thì được đem rửa sạch rồi vắt kiệt nước. Sau đó chêm thêm bột gia vị, xì dầu, ớt, tỏi dập, chút đường và bóp ngấm. Cà la thầu ăn với cháo trắng thì nổi vị nhất. Sang đến tiết mục cháo hải sản có bị chìm vị ít nhiều, nhưng vẫn là ngon.

Mình không phải tuýp người đắm đuối đồ hải sản, lại còn mắc mớ cái vụ cơ địa liên quan đến loại thức ăn này. Nhưng kể ra một năm làm đôi ba bữa tụ tập bà con, phớ lớ ngồi bệt dưới đất quanh cái bàn to ôm nồi cháo như tối qua thì cũng vui. 


Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

thức chấm thịt vịt luộc no 2

Món chấm này dành cho cả vịt lẫn ngan. Điểm đặc biệt của nó là chẳng có tý nước mắm nào. Và thêm một bí mật nhỏ: thật nhiều mùi tàu.

Về lai lịch món chấm, được lưu truyền đã ba đời bên nhà nội, chuyện cũng khá thú vị. Hồi năm 1950, nhà nội đã rời Hà Nội tản cư đi làm và đi theo Kháng chiến, sống ở vùng người Mán - Cao Lan trên Tuyên Quang, Ông Nội làm việc cho Bộ Tài chính, còn Bà Nội thì chăm một dắt con nhỏ với 5 con vịt thả rông. Ở trong bộ, Ông Nội có người chú họ bên nội là cụ Thu - cha của ông trẻ Hàn Ngọc Bích có tiếng một thời với những bài hát cho trẻ con - là đồng nghiệp. Một lần, ông và cụ cuốc bộ hơn năm cây số về thăm nhà. Bà Nội làm món vịt luộc đãi khách. Đến đoạn nước chấm thì cụ Thu bảo để cụ làm. Từ đó, món chấm thành món của nhà.

Công thức ghi ra ở đây chỉ là đại để. Còn về tỷ lệ và gia giảm thì tùy người làm người ăn. Cũng phải nói thêm là cái cách mà chúng ta thái khế (thái ngang thân quả hay thái chéo), cắt mùi tàu (thái chỉ nhỏ hay cắt khúc lớn), giã lạc (độ mịn, độ lớn nhỏ của hạt lạc vỡ) cũng có thể quyết định đến cả hình lẫn vị của món chấm. Về điểm này, lúc nào rỗi rãi và có chút hứng chí thì mình sẽ còn quay lại :-)

vì tấp tửng chực chén nên quơ cái máy roẹt một cái - để sau chụp lại :-)
Nguyên liệu:
- Khế chua: thái lát mỏng rồi giã dập (không nát hẳn, cố gắng vẫn còn hình hài của lát khế).
- Tỏi: giã nhỏ (được tỏi tía - tỏi ta là tốt nhất)
- Mùi tàu: thái chỉ hoặc cắt khúc rồi giã
- Lạc rang: giã vừa
- Bột gia vị (nguyên gốc là muối hạt nhưng giờ mình dùng bột canh tiện hơn)
- Ớt 
- Đường (optional - cái này mình chỉ dùng trong trường hợp hết bột gia vị - vốn trong đó luôn có dính vài cánh mì chính - và phải dùng tới muối hạt).  

Cách làm:
* Hoặc là giã các món riêng biệt rồi trộn. Trong trường hợp này thì lạc sẽ được trộn sau cùng.
* Cách nữa - và là cách ở nhà mọi người vẫn làm: Đầu tiên là giã lạc rồi bỏ riêng ra. Tiếp đó cho tỏi vào cối giã, sau cho mùi tàu rồi khế vào giã cùng. Cuối cùng, cho lạc quay trở lại rồi trộn đều.
Riêng ớt thì bỏ hạt rồi giã cùng hoặc thái lát mỏng cho vào sau cũng được (tùy việc trong bữa có bà con không ăn được cay).

Món chấm này coi rất đẹp mắt. Ăn có vị đậm của bột gia vị, chua dịu của khế (chắc do tác động của mùi tàu và lạc nên nó không giữ vị chua ban đầu), vị bùi của lạc và đặc biệt thơm của mùi tàu. Thêm nữa, món thịt ngan vịt đối với người không quen hay không chuộng - cho rằng có vị hơi hoi, hơi tanh - khi gặp vị thơm của mùi tàu và vị chát chua của khế thì rõ ràng là đã được trung hòa. Lại thêm chuyện miếng thịt hơi béo gặp vị bùi của lạc rang coi cũng là hợp.

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

măng xào

Vào mùa măng tươi, cái dạ dày tí tách nhắc món măng xào. Xào chay.

Công thức quen thuộc là phi chút hành hương rồi xào măng. Nêm nếm gia vị cho đậm rồi thì trước khi bắc chảo ra khỏi bếp cho thêm hành hoa và mùi tàu thái nhỏ. Cạnh đĩa măng bày trên mâm có bát nước mắm nguyên chất với đôi ba lát ớt hiểm. Măng đã đậm, đũa đưa phớt qua bát nước chấm cốt chỉ để lấy vị cay. Chiều hè mát, bát cơm nguội chắc chỉ cần có món này cũng đủ sức và vui vẻ :-)

Còn công thức nữa là do T. L. học từ bà con Hòa Bình - đất măng Bát Độ nổi tiếng. Phi chút tỏi thơm - không để cháy vàng - rồi xào măng. Gần tới lúc tắt lửa thì cho vào tiếp lát lốt và tía tô thái nhỏ, và cả hành hoa nữa nếu tiện có. Khi ăn đương nhiên cũng cần món mắm ớt cay xè :-)

Trong các loại măng tươi để xào, mình thích nhất là giống măng nứa thân nhỏ xinh. Mớ măng mua về, sau khi đã bỏ đi chút phần đầu và đuôi  thì chẻ làm 6-8 dọc, luộc qua nước sôi rồi để ráo chờ nguội cho món xào.

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

63

Hơn kém một chút xíu thì là vậy.

Giấc mơ giảm cân của mình là quay về con số 57. Nếu cứ tiếp tục hùng hục bê vác sách từ chỗ này bỏ ra chỗ kia, đào đào bới bới ngoài vườn, sơn sơn quét quét tường và cửa... thì chắc giấc mơ này sẽ thành sự thực.

Không sợ béo nhưng mình ki-bo không muốn tốn tiền thay quần áo rộng, cũng chẳng muốn khổ tâm nhấm nháp cái cảm giác người nặng nề mệt mỏi.

Tuy vậy, có hai khó khăn lớn. Món công mình đang tập tành theo lời thầy T. sẽ làm người nở ra. Thứ hai là mình có thể kiêng đồ ngọt nhưng không đừng lại được cái vụ đun nấu café mỗi sáng và hì hụp với một cốc to tướng sữa đi kèm.

Ouf! Khó!

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

sách về trà của aaron fisher




Đây là một phần thù lao của hai tuần mần ăn với các loại động và suối. Trời nắng và nóng, người mình như con cá ươn chỉ chực rũ ra ngủ bất kỳ lúc nào cũng được. Có một cốc trà nóng rồi ngồi ở vườn ngồi trốn dưới gốc khế và nhấm nháp đọc cuốn này, kể ra cũng không tệ!

sách đồ ăn trung quốc

Ít nhất là mình có thêm cảm hứng động chân động tay cho món há cảo và mấy món canh có nấm và cải thảo :-)

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

tâm thức ăn chay - sách của janet barkas

Sách của nhà xuất bản Thời đại, ấn bản năm 2011. Tác giả: Janet Barkas; dịch giả: Bùi Thanh Châu. Bản dịch này không có ghi thông tin về sách gốc (!)

Mua vì tò mò cái tít sách chiều qua, chiều nay mình đã có dịp đọc vài phần trong lúc ngồi café Lan Hai Bà Trưng chờ thầy T. đi ăn cơm trưa với khách.

Đọc nhảy cóc và trong trạng thái nhấp nhổm chờ người để mau mau về nhà vì đã buồn ngủ rũ sau một bữa trưa chắc nịch nên mình thực sự chưa nắm bắt được tinh thần của sách này.

Tuy nhiên, cũng thu hoạch được hai thứ. Trước hết là một mớ từ ngữ liên quan đến ăn chay. Sau nữa là đọc sách khiến mình tự nghĩ ngẫm một tý về cái chuyện ăn uống của bản thân. Lần đầu tiên nghe chuyện em T. sau hồi tập công thì chuyển sang tâm ăn thực vật, mình đã phì cười. Nhưng giờ, với mấy cái trải nghiệp tập tành nho nhỏ của mình thì đúng là tâm ăn thịt của mình nó cũng giảm đi đáng kể.

Còn đến cái độ bàn chuyện thái độ và đạo đức về ăn chay ăn mặn thì mình không dám :-)

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

cá mòi

Mùa cá mòi thường là ngắn. Cá này ăn ngon nhất có lẽ là nướng, nướng rồi ăn vã :-)

Được Mẹ gửi cho mớ cá làm sẵn, từ trưa, T. L. đã lui cui ướp cá rồi bọc màng nhựa kín cái thố cất vào tủ lạnh để chuẩn bị cho bữa tối bắp bếp than hoa nướng cá. Nhưng rồi có việc về muộn, trời lại ỉu xìu dọa cơn mưa đến nên món nướng biến thành món rán. Kết quả vẫn rất chi là ổn vì đĩa cá đem ra đầu bữa đã được bà con xơi sạch trước khi chuyển sang món cơm.

Chuẩn bị:
- Cá mòi làm sạch, khía chéo lưng mấy đường.
- Nguyên liệu ướp: mắm, bột gia vị, tiêu xay, hành hương giã nhỏ, bột nghệ.
- Chút dầu ăn.

Thực hiện:
- Ướp cá trong vài giờ đồng hồ để gia vị ngấm (mùa này oi nên để vào tủ lạnh)
- Chảo đổ dầu (lượng vừa phải) đun nóng rồi rán cá ở chế độ lửa nhỏ hoặc nướng vỉ trên bếp than hoa.

* Món cá có vị ngọt đặc trưng của cá mòi, lại thơm hương gia vị của hành và tiêu. Nếu định ăn vã đầu bữa thì khi ướp chỉ cho lượng mắm và bột gia vị vừa phải để khi vào bữa, có thể chấm cá với nước chấm mắm chanh tỏi ớt. Còn nếu là món nướng hay rán để ăn với cơm thì nên ướp đậm đà ngay từ đầu.


cá mòi rán

bánh gai nhà làm

Nhà ở đây không phải là nhà Hà Nội, và đương nhiên là không phải bởi tay mình - người vốn không mấy hâm mộ đám đồ nếp cho lắm. Đây là mớ bánh Mẹ mới làm chiều qua và sáng nay được Bố mang ra từ Bắc Ninh.

bánh gai nhân đỗ - hạt sen


Hai cụ già sau mấy năm chuyển về Bắc Ninh tập tành làm "nông dân thực thụ" bất thành đã kịp tạo cho mình vô số thú vui, trong đó có cái vụ thi thoảng lại thử món này món nọ. Mẹ vốn khéo tay với mấy món bánh làm từ gạo nếp nhưng bánh gai thì chưa từng thử làm bao giờ.

Đợt rồi, trong đám bạn tử vi lý số của Bố ở làng, có một bác mang sang nhà mời hai cụ già món bánh gai do bác tự làm. Thế là hai cụ hứng chí quyết định tập làm bánh gai.

Bố nói lần làm này coi như là chốt hạ xong công thức, về tỷ lệ lá gai và bột nếp. Điều thú vị là trong nhân bánh có hạt sen của nhà thu hoạch. Thêm nữa là Bố Mẹ đã xin cành về giâm để có lá gai sẵn trong vườn nhà.

Đối với mình, bánh mới ăn tươi và ngon. Thích hơn nữa là cái bánh bé xíu, ăn một cái là vừa chứ không núc nỉu như các bạn bánh gai mà mọi người đi chơi tỉnh Nam về vẫn hay cho.

Sống ở làng thế này thật là thích :-))

về nhà bắc ninh

Đi về thăm Bố Mẹ cuối tuần trước.

Vẫn như mọi khi, công thức là một bữa ăn uống no say, một cuộc dạo chơi loanh quanh - lần này là đi sang chùa làng ngắm Phật Bà Quan Âm và cả ông bụng to cùng đám thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh :-)

Ở Hà Nội mọi thứ cứ căng ra, thường là mệt mỏi. Về Bắc Ninh, tất cả chậm lại và bỗng chợt thấy mình lố bịch với cái nhịp tất bật không cần thiết ở ngoài thành phố!

một mùa sen mới
chùa đang được sang sửa
hòn non bộ bên chùa

mình thích ông này, nhìn thẳng ra đường và rất vui vẻ
ao làng

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

gusto thái - một quán thái ở hà nội

Gusto Thái - 9 Phan Chu Trinh
Điện thoại: 39336353

Mọi thứ vừa phải về hình thức. Không chân tình ấm cúng kiểu Vijit cũ ở bên Nam Ngư, chẳng gồng mình bóng bẩy kiểu quán to bên Lý Thường Kiệt, quán trang trí đẹp theo hơi hướng tối giản, vừa đủ giản dị để người lôi thôi như mình không cảm thấy bị bối rối và cũng đủ tinh tế để ai đó điệu đà cảm thấy vui vẻ khi ở đây. Phục vụ chu đáo (+ 5% service charge).

Bữa đầu đến quán này, món chả tôm đối với mình rất ổn, nhưng có lẽ không đậm đà bằng bên Sawasdee. Bù lại, món gỏi gà bằm nấm mèo thính ăn với xôi trắng và mấy loại rau thì rất tuyệt. Hay nữa là mấy cái hạp đựng xôi xinh xinh có thoảng mùi khói bếp, làm khách ăn cứ đưa lên hít hà mãi :-)

Còn gì nữa? Có món cá chẽm chiên sốt ba vị phần thịt cá ngon, nhưng sauce thì không rõ rành cho lắm - chắc là vì ba vị đã trộn lẫn vào nhau tùm lum anh này áp chế anh kia mất rồi :-) Món nộm bò Yam Nuea Yang và súp tôm chua cay nước trong cũng rất ngon!

Có một điều mình nghĩ thấy hơi tiếc ở đây. Vào giờ trưa, nếu nhà hàng có set menu cho bữa trưa thì đảm bảo là sẽ sớm có khối khách :-)

Note 21/11/2012: Giờ thì bạn ý đông khách lắm rồi. Lần sau có lẽ mình sẽ alô đặt chỗ cho chắc ăn :-)

Và đây, một chuyện hài về bạn ý: Bữa tối ngon và điên rồ nhất của năm 2013 :-)

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

vườn nhà tháng 6

Kiếm cớ mệt mà thực chất là lười, mình không làm gì nhiều ngoài vườn cho lắm. Các kế hoạch trồng rau trong chậu vẫn để nguyên đó. Thi thoảng có áy náy thì tặc lưỡi bảo, đấy mồng tơi, dọc mùng, ngải cứu, sâm nam, dền đỏ... bao nhiêu đó có ăn hết đâu mà còn bày đặt. Cái này gọi là cùn hết cỡ :-)

An ủi là sáng ngày đầu tháng sáu, mò mẫm ra sân thấy cây, thấy hoa... vẫn tốt. Vui!

quất cảnh vẫn chăm chỉ cho trái
đợt hoa mới của chậu lan cũ lăn lóc góc vườn
gốc nhài mới tậu cách đây đôi tháng
mướp đắng bò lồm ngồm giờ đã có cái khung để leo trèo
bạn ớt vẫn ăn nhờ ở đậu hồng môn

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

sách nấu ăn mới tậu :-)

T. L. đi công tác cả tuần, việc ở trường nợ ngập đầu, mèo thì đã có hạt cá ăn sẵn... Mình chả có lý do gì để phải chui vào bếp và kết quả là một tuần ăn uống nham nhở, đến mức bị trận đau dạ dày gần chết do ăn tạp, và công cuộc giảm béo vẫn dậm chân tại chỗ nếu không nói là có chiều hướng bị bi kịch hóa :-(

Thành tích duy nhất và cũng là to nhất đợt này là vào ngày đầu tiên của tuần làm việc, mình đã tậu thêm được dăm ba cuốn sách nấu ăn. Hai cuốn là mua theo tên tác giả - cô Diệu Thảo ở Sài Gòn: Món ăn thuần Việt (2009) & 100 món ăn đổi bữa (2012). Còn một cuốn có tên rất oách: 30 thực đơn ăn chay bổ dưỡng (2010), sách của Tuệ Thiên. Cả ba đều là ấn bản của nhà xuất bản chị em (Phụ nữ).

Cuốn thứ ba là cuốn mình quan tâm hơn cả. Phần vì cái bụng mình quá to nay cần được tiết giảm, phần nữa là thời gian này khoái chí với vụ ăn uống ở Trúc Lâm Trai nên cảm hứng với món chay lại quay về như hồi làm fan của nhà Mây Trắng :-)

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

salad gà hun khói với trái bơ và cà chua

Lần đầu làm thử, mình rất khoái chí. Thành phần đều là thứ dễ kiếm. Nhưng theo chủ quan của mình, làm với gà do chính nhà tự hun thì ngon hơn món gà hun khói mua ngoài siêu thị vì món mua ngoài cứ béo béo và ướt ướt thế nào, trong khi những những phần thịt gà mình tự hun khô ráo mà lại không bị béo, đó là chưa kể cái niềm vui sướng khi được ăn sản phẩm mình tự làm, đồ mới chứ không phải đồ hộp có dán mác HSD to đùng :-)

- Cà chua bỏ hạt, bỏ đầu lõi trắng, thái hạt lựu.
- Trái bơ có thể thái hạt lựu hoặc các lát mỏng.
- Gà hun khói, chọn phần thịt lườn nguyên miếng thái lát thật mỏng.
- Hành tươi xắt khúc dài chừng 2-3cm, phần dọc trắng có thể bổ đôi bổ ba, trộn với chút dầu ăn.
- Chuẩn bị thêm chút dầu olive, chút tiêu xay, chút muối.

Khi nào ăn thì cho cà chua, bơ, gà và hành tươi vào đĩa. Rưới dầu olive, rắc muối và tiêu lên rồi trộn đều.

Món này ăn không cũng ngon mà ăn với bánh baguette cũng tốt. Tối hè có khi chỉ cần đĩa salad thế này là đủ! Mở ngoặc: câu cuối cùng dành cho người thanh-cảnh, chứ không phải kẻ lỗ-mãng như mình ^_^

gà tự hun ^_^

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

cá song hấp xì dầu

Từ trước đến giờ làm món cá song hấp mình không cho xì dầu và chỉ làm cá filet. Lần này có ba cái mới: hấp xì dầu, cá nguyên con, và làm với một cái chảo hấp/nướng xịn thay vì cái đĩa inox bầu dục. Kết quả là có một bữa tối rất chi là vui vẻ, mấy bác cháu hì hục đánh chén, chén sạch sành sanh.

Nguyên liệu:
- Cá song nguyên con làm sạch (~ 1.2kg)
- Hành tây: 1 củ, bổ cau thành hai phần rồi thái lát theo chiều dọc.
- Hành hoa: 1 nắm lớn khoảng 2-3 lạng, rửa sạch rồi thì cắt khúc dài chừng 5-7cm, phần dọc trắng nếu to thì có thể chẻ đôi.
- Mộc nhĩ: 3 cái tai bự, ngâm, tẩy, rửa sạch rồi thì thái sợi, không cần quá mỏng, bề ngang khoảng 0.5cm
- Nấm hương: chừng 20 cái nấm nhỏ, làm sạch và ngâm mềm.
- Hành hương: chừng 5-7 củ, bóc vỏ.
- Thì là: 2 mớ nhỏ, rửa sạch rồi cắt khúc dài chừng 5-7cm (hoặc cắt phần thân làm 2 khúc)
- Mùi tàu: 2 mớ nhỏ, rửa sạch rồi thì xếp lá chồng lên nhau, lấy dao nhọn mũi và sắc khía sợi mỏng chạy theo phần dọc thân. Nếu lá mùi to và dài thì sau khi cắt sợi xong có thể chia đôi thành 2 khúc.
- Cà rốt ta: 1 củ nhỏ, thái sợi, cũng theo khúc khoảng 5cm.
- Ớt cay: 2 quả, bỏ hạt rồi thái sợi.
- Gừng: 1 miếng to chừng hai ngón tay cái, thái sợi. Mình chọn loại gừng lai, củ to màu trắng vàng - ngoài chợ hay gọi là gừng sạch hay gừng Nhật, vì vị của loại gừng này không bị gắt như gừng ta.
- Một dúm tiêu trắng.
- Dầu mè loại sậm/đặc: 1 thìa súp.
- Xì dầu Yamasa: chừng 5 thìa súp.
- Bột gia vị: chừng 1 thìa súp.

Thực hiện:
- Rắc chút hành tây, nấm hương và mộc nhĩ vào đáy chảo rồi đặt cá lên.
- Phủ cá bằng phần hành tây, nấm hương và mộc nhĩ còn lại.
- Sau đó rắc lên thì là, gừng, ớt, cà rốt cùng chỗ hành hương và tiêu.
- Rắc bột gia vị, tưới dầu mè và xì dầu lên.
- Cho nước chừng một bát ăn cơm hoặc hơn tý xíu.
- Đậy nắp chảo đun trong khoảng 15-20 phút cho tới khi cá gần chín.
- Rắc tiếp chỗ hành hoa vào rồi đậy vung chờ đôi ba phút cho tới khi cá chín là có thể bỏ ra ăn.


Đánh chén:
- Lóc các miếng cá rồi cuốn bánh đa nem với bún và các loại rau.
- Món chấm đi kèm có thể là chính nước sauce trong chảo, nước chấm chua cay và cả một chút muối tiêu để cạnh.

* Nếu làm cá filet thì có thêm chút giò sống đính kèm các khuy nấm hương không phải là một ý tệ.

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

cơm nếp đậu đỏ vỡ (red lentils) nấu lò vi sóng

Mình không thật sự thích đồ nếp và chưa bao giờ lại nghĩ có lúc chỉ trong vòng vài ngày mà lọ mọ bày đặt nấu món cơm nếp đến ba lần liền.


Trong số quà tặng sinh nhật "thu hoạch" được năm nay, có một cái nồi nấu cơm nếp bằng lò vi sóng từ chị L. đồng nghiệp. Chị tặng quà, em cười tý toét mang về thực hành luôn. Lười không tìm lạc viên, lười không mua đỗ xanh đã vỡ hạt ngoài chợ, thì ta mần món red lentil vẫn lăn lóc trong tủ lạnh từ bấy lâu nay.

Gạo và đỗ trộn lẫn với nhau được vo rửa sạch sẽ, cho nước theo cữ thông thường, rồi đậy nắp trong nắp ngoài theo hướng dẫn trước khi bỏ vô lò. Nồi đặt trong lò đúng 15 phút trong lò, được chia làm hai lận. Đợt 1 là 5 phút rồi bắc ra xới đều tay. Đợt 2 là 10 phút.

Về hình thức, đơn giản là món cơm nếp này không đẹp. Thành phẩm khác xa với cơm Mẹ nấu. Nhưng về khẩu vị thì chấp nhận được. Đánh chén với món kim chi dưa chuột muối quá tay muối và ớt mà để chữa cháy mình đã phải ngâm rửa trong nước rồi cắt thành miếng nhỏ, cộng thêm mấy miếng thịt chân giò quay kho tàu... Chẳng có gì vui vẻ hơn!

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

uống nước chè vỉa hè

Ngày xưa, cách đây đến gần 20 năm, mình đã từng có đến hai ba năm ròng lê bệt trên mạn Thuốc Bắc-Hàng Bồ coi các cụ đánh cờ và uống chè chén, thường là với anh bạn Ken. Sau một vụ xích khẩu liên quan đến chuyện chọi gà thì mình chấm dứt sự nghiệp chè-chén. Rồi đi học tiếp, rồi đi làm, rồi gì gì nữa... đâm ra hết cái thú lêu têu. Giờ nhớ lại những năm đó, trong nhiều chuyện, nhiều hình ảnh dội lại, luôn có dư vị của chén trà nóng đầu lưỡi, hơi chát để rồi thoáng sau đọng lại vị ngọt và sự sảng khoái.

Trưa nay được T. L. mời đánh chén miến ngan, sau một chặp no nê, cùng với em T., ba chị em quyết định nhân vụ phải đi mua vé kịch ở bên Nhà hát lớn thì gửi xe ở Nguyễn Xí rồi bách bộ gọi là bát phố tý xíu. Thế là có cái vụ khám phá ra quán trà đá bệt góc Nhà triển lãm tranh trên phố Ngô Quyền.

Trà không hẳn đã ngon. Ngồi thì líu ríu vào mép tường. Nhưng thích là thi thoảng có luồng gió mát chạy qua. Đối diện lại được ngắm miễn phí đôi bạn trẻ chụp ảnh cưới. Trời nóng, em gái mặc váy chắc còn mát, chứ bạn đối ngẫu của em người tròn vo trong bộ hộp trắng cứ nhăn nhó đứng để em véo mũi chụp ảnh nũng - ngó từ bên này sang thấy ngồ ngộ thế nào ý :-).

Hết một chặp luyên thuyên, đứng dậy vị chi là 12 ngàn đồng cho bốn cốc trà đá. Quá được cho một buổi trưa vui vẻ!

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

canh rau láo nháo đầu tôm

4/2021 - từ 4 lạng tôm sông Mẹ gửi cho
nõn tôm làm nhân bánh, đầu tôm được 
giã lọc nước nấu tô canh này

Nói là láo nháo nhưng thực ra thì chỉ có các bạn rau dền, gồm dền đỏ và dền cơm, Mẹ gửi ra cho từ vườn nhà Bắc Ninh, cùng mấy cọng mùng tơi và sâm nam hái nhanh từ vườn nhà Hà Nội.

Ngày thường, mình hay nấu các bạn rau này với tôm khô. Canh ăn kèm với khi thì là cà muối, khi thì là mấy lát sấu thái mỏng ngâm mắm... Còn hôm nay, nhân làm một món tôm đãi khách, dư cái phần đầu thì mình tiếc rẻ bày đặt vụ canh này.

Đầu tôm ở đây là đầu của các bạn tôm to nước lợ đem xốc với muối hạt để ráo rồi xay, lọc lấy nước nấu canh. Ngày trước cầu kỳ thì mình còn lôi cối đá ra hì hục giã. Nay lười, úm ba la ta cho vào cái cốc to rồi cứ thế chạy máy xay tay xèo xèo.

Muốn có phần thịt tôm nổi lên thành miếng thì khi bắc nồi lúc đầu chú ý để lửa thật to. Khi nước bắt đầu nóng và nhìn vào nồi nước thấy nổi gợn thì để lửa nhỏ liu riu. Phần thịt tôm sẽ từ từ thành hình và kết thành các mảng sắc hồng hồng-nâu nâu giống canh cua.

Cầu kỳ thì khi các mảng thịt tôm này đã định hình rồi, dùng cái muôi nhẹ tay múc để riêng ra bát, rồi lúc đó mới thả rau vào nấu thành canh. Khi nào múc canh ra bát tô thì mới đặt nhẹ phần thịt tôm đó lên trên. Nói vậy chứ mình vừa ẩu vừa lười, lập luận rằng đằng nào cũng chui vào dạ nên kết quả bát canh hôm nay là mọi thứ cứ nháo nhào hết cả lên. Túm lại là rất xấu!

Trời nóng, người chẳng làm gì mà cứ lừ đừ nhưng cơm trưa dọn ra có bát canh này, cộng thêm đĩa cà-la-thầu thế chân cho các bạn cà pháo, thì cuộc sống vẫn rất chi là tươi đẹp ^_^

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

vườn tháng tư

Có hoa hồng. Có quất bắt đầu trổ trái non. Có mẫu đơn trắng nở tưng bừng.

Và cái này là hay ho nhất: cây ghép đào ăn trái mọc dại với đào Phú Thượng cho trái năm đầu. Mình chẳng hy vọng gì vào việc thu hái và đánh chén. Nhưng sáng ra ngồi tý tách ngoài vườn phát hiện thấy quả xinh xinh lấp ló sau đám lá thấy vui vui!

trái đào đầu tiên

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

trứng đúc miến-nấm hương

làm với giò nạc - trông hơi "nhạt nhòa"
Món được làm ngẫu hứng vào một tối đầu hè nóng nực. Ăn với cơm nguội có vẻ rất có lý. Có lý hơn nữa là cứ thế làm một miếng lớn ăn vã chơi đầu bữa cơm tối muộn!

Nguyên liệu:
- 2 quả trứng vịt (nếu là trứng gà thì dùng 3 quả)
- Mấy cọng miến (có lẽ là 15-20g) ngâm thật mềm rồi vẩy ráo nước, cắt khúc nhỏ dài chừng 2-3cm
- Nửa củ hành tây nhỏ, thái sợi ngang thật mịn
- Bốn cái nấm hương xinh xinh (nếu là loại nấm hương cánh to thì chỉ cần 2 cái là đủ), rửa sạch, ngâm nước ấm thấy mềm thì dùng dao thái lát thật mịn rồi ngâm cho mềm hẳn thì vớt ra để ráo nước
- Giò nạc 2 lát mỏng (hoặc một lát jambon) thái chỉ thật mịn
- Chút bột gia vị, chút tiêu xay
- Hành hoa mấy cọng
- Một củ hành hương bóc vỏ rửa sạch rồi thái lát mỏng
- Chút dầu ăn
- Mấy cọng mùi (optional)

làm với jambon - coi vui mắt hơn, nhưng mình thích giò nạc hơn
Làm món:
- Bắc chảo để lửa vừa vừa, cho chút dầu ăn đợi nóng chảo thì cho hành hương, nấm hương vào miến đảo nhanh tay, nếu sợ khô thì dùng chút nước ngâm nấm cho vào để sao hỗn hợp trong chảo chín tới là được
- Cho hỗn hợp nói trên vào cái bát tô lớn, đợi nguội chút xíu thì cho giò/jambon cùng hành tây, hành hoa, trứng, tiêu, bột gia vị vào trộn đều
- Kiếm cái chảo khác bắc lên bếp, cho dầu ăn vào và chờ đến khi dầu nóng thì rán trứng. Để lửa vừa phải, khi ngả vàng mặt dưới thì đảo mặt.

* Điệu đà cắt mấy cọng mùi rắc lên trên đĩa trứng. Món trứng coi giống cái bánh xốp, phồng phồng lên, mềm mềm, thơm vị tiêu và nấm, ăn rất thích.