Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

món sấu dầm kiểu t.

Theo phần lớn các hướng dẫn cho món sấu dầm cuối mùa, luôn phải có chút vôi cho quá trình thực hiện và theo các tác giả thì có thể để lâu ăn dần.

Sấu dầm

Không có và ngại kiếm vôi thì mình đánh bài cùn, lập luận là có gừng tẩy và tạo vị là đủ. Làm thử rồi cho T.L. và T. mèo làm khách thử nghiệm. Hồi đáp tích cực thì ghi lại công thức để sau "phát triển" tiếp (từ này nghe rất oách!). Món sấu dầm tự chế này mình chủ trương là ăn liền.

Nguyên liệu:
- Trái sấu chín tới (mình không biết dùng từ nào cho thật chính xác, ý ở đây là không phải loại sấu chín vàng hẳn mà quả hơi ngả màu thôi) chọn quả to (nói vậy vì có giống sấu quả tháu nhỏ xinh xinh, làm loại này phải người tính không kiên nhẫn và thích ăn nhiều như mình thấy hơi oải). Lần này mình làm chừng 30-35 quả, không nhớ chính xác.
- Đường nâu
- Muối
- Gừng

Thực hiện:
- Chuẩn bị sẵn tô nước để bên, sấu gọt vỏ (không cạo vì nếu cạo thì vẫn còn lớp vỏ mịn lúc ăn chát lắm) rồi thả nguyên quả đã gọt vào bát.
- Sấu gọt xong hết rồi thì lại kiếm bát nước mới, thả mấy hạt muối (mình làm vậy mà chẳng biết tại sao, cứ cảm thấy nên có muối thì cho vào thôi), gọt cắt khoanh xoắn trôn ốc bỏ hạt từng quả một rồi để phần thịt sấu vào bát nước.
- Xong xuôi hết rồi thì bắc nồi nước, thả mấy lát gừng tươi đun sôi. Nước gần sôi thì trút các quả sấu ngâm từ nãy ra cái rổ cho ráo nước, chờ sôi rồi thì cho sấu vào và tắt bếp. Dùng đũa dài hoặc thìa gỗ đảo nhẹ rồi lại trút ra rổ để ráo. Mình không nhớ chính xác thời gian để sấu trong nước nóng là bao lâu. Túm lại là khi nếm thì sấu vẫn còn vị chua, tất nhiên là thế rồi, nhưng ăn sần sật chứ không cứng như lúc ban đầu, còn phần lõi sát hạt thì mềm.
- Kiếm cái bát thủy tinh và trút sấu đã ráo nước vào đó, trộn đường (mình cho khá nhiều, cỡ 6-7 thìa súp) và vài lát gừng thái thật mỏng (nếu không muốn vị gừng quá trội thì trước khi cho vào sấu nên ngâm nước một lúc). Nhẹ nhàng trộn đều tay rồi bỏ vô tủ lạnh.


* Món này làm tối hôm trước thì sang chiều tối hôm sau đi làm về có thể chế nước sấu uống ngon lành rồi. Các lát sấu ngấm đường ngả màu hổ phách, coi rất đẹp mắt. Chỗ sấu ngâm đó đủ pha 4-5 cốc, khi pha thì gạn bỏ gừng lát đi.
Nước sấu chua dịu, ngòn ngọt. Sấu ăn sần sật, chỉ hơi chua tê tê đầu lưỡi, đượm vị gừng. Rất thích!

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

dưa cải bắp rau răm

Mua cải bắp cho món gỏi cải bắp thịt gà mà chỉ dùng chưa đến một phần sáu cây cải, lại tiện thừa mẩu cà rốt và già nửa mớ răm cũng là nguyên liệu của món gỏi, mình đi làm món dưa cải bắp rau răm. Hơi run vì từ trước đến giờ luôn có mặc cảm tay vụng với tất cả các thể loại dưa cà muối. Sau một ngày đêm tính từ tối qua, món dưa về cơ bản thành công.

Nguyên liệu:
- Cây cải bắp nhỏ đã bị bớt một phần sáu
- Nửa củ cà rốt
- Nửa mớ rau răm
- Hành khô 2 củ
- Muối
- Đường

Thực hiện:
- Cải bắp tách bẹ, rửa sạch từng tàu, vẩy ráo nước rồi thái chỉ
- Cà rốt thái chỉ
- Rau răm rửa sạch, để nguyên cọng hoặc thái rối thành đoạn 2-3cm
- Đun nước nóng già thì thả cải bắp đã thái chỉ vào chần nhanh rồi để ra rổ cho ráo nước, sau vẩy thêm cho khô hẳn
- Nước nóng già cho muối vào pha đậm hơn nước canh, hành khô đập dập thả vào cùng ít đường và khuấy đều.
- Xếp nhẹ các lớp rau cải bắp và rau răm cùng cà rốt vào cái thố (mình dùng cái tô canh đại vì ngại lục lọi tìm dụng cụ muối dưa), rồi đổ nước muối vừa chuẩn bị lên trên. Dùng cái đĩa úp lên, ấn nhẹ để sao cho rau ngập trong nước. Kiếm cái vung lớn đậy lên và để ra một chỗ.
- Một ngày sau là ăn được rồi. Chấm với nước mắm cốt vắt thêm vài giọt chanh và đôi ba lát ớt. Có người còn cho tí xíu tiêu xay. Dưa chua vừa tới, ăn giòn và thơm vị rau răm, rất được cơm!



* Chọn cải bắp Đà Lạt tròn mình, lá cải cuốn chặt, nhỏ xinh xinh.

canh mướp đắng nhồi thịt

Hôm nay làm canh mướp đắng. 

Mướp lai, chưa phải giống mướp ta như mình thích, nhưng ăn cũng đủ đắng chứ không vô vị như thứ mướp to đùng phổ biến ngoài chợ bây giờ. 

Công thức về đại thể vẫn thế, nhưng hôm nay can tội tranh thủ đáy nồi vừa rim thịt nên nước canh không được trong lắm.

(1) Nguyên liệu:

- Mướp đắng lai: 2 quả
- Thịt nạc vai: vừa đủ nhồi (mình làm món thịt viên rim nên chiết một ít sang cho món này).
- Tôm khô: 4-5 con
- Nấm hương: 2-3 cái
- Mộc nhĩ: 1 cánh to
- Hành khô: 1 củ (hôm nay hết hành khô, mình dùng tạm mấy lát hành tây)
- Hành hoa: 4-5 cây
- Mùi tàu: 2-3 lá  (đúng ra là mùi ta, nhưng mùa này mùi ta không thơm nên mình thay bằng mùi tàu)
- Nước mắm
- Bột gia vị
- Hạt tiêu xay 

(2) Chuẩn bị:

* Nhân nhồi: 
- Nấm hương rửa sạch rồi ngâm nước ấm cho nở
- Tôm khô rửa sạch, ngâm nước ấm cho mềm
- Mộc nhĩ rửa qua, ngâm nước ấm cho nở. Sau đó vắt khô, bỏ phần chóp, bóp muối hạt rửa lại cho sạch. 
- Cầu kỳ nhất là băm (bằng tay) thịt và mộc nhĩ, nấm hương, hành, tôm khô. Nhưng lười nên mình cho hỗn hợp thịt và nấm, mộc nhĩ, tôm đã sơ chế và hành rồi dùng máy xay nhuyễn.
- Hành hoa lấy 2 cây thái thật mỏng, trộn cùng hỗn hợp vừa xay, rắc thêm tiêu, gia giảm mắm, bột gia vị cho hỗn hợp nhân này đậm đà.

* Mướp đắng 
- Rửa sạch mướp, cắt bỏ hai đầu. Sau đó cắt làm 3-4 khúc tùy độ dài của quả mướp. Lần này mình chia tư.
- Dùng con dao nhỏ đầu nhọn khoét bỏ hết phần lõi.
- Đun nước bắt đầu sủi thì cho mướp vào để 2-3 phút nước sôi thì bắc ra, để ráo nước rồi rửa bằng nước lạnh. Làm thế này thì miếng mướp chắc và giữ được màu xanh chứ không bị ngả vàng. Nếu cầu kỳ còn có thể ngâm cả miếng mướp vào tô nước đá.

* Nhồi mướp
Rất đơn giản, lấy thìa nhỏ (thìa café) cho thịt vào phần lõi rỗng và ấn nhẹ cho chặt thì thôi. Bạn nào lần đầu làm chưa quen tay thì để miếng mướp lên một mặt phẳng (thớt, đĩa) rồi nhồi thịt. Còn người quen thì cứ thủng thẳng dùng tay giữ miếng mướp, đưa một đầu ngón bịt nhẹ phần đáy, còn tay kia làm thao tác nhồi.

(3) Nấu và đánh chén:

- Đun nước sôi (nếu thích có thể thả 2-3 con tôm khô, củ hành khô đã dập) có chêm bột gia vị rồi thả miếng mướp vào đun sôi tiếp.
- Khi nào dùng tăm xiên qua miếng vỏ mướp thấy được có nghĩa là chín.
- Mùi tàu và hành hoa thái lát dài khoảng 2-3cm để đáy tô canh, vớt miếng mướp đặt lên trên, rồi trút nước dùng vào.

Món ra mâm để ăn ngay thì không nói làm gì, Nhưng nếu có chút chậm trễ vì chờ ai đó thì nhớ để các miếng mướp ra tô trước, phần nước canh sau này nếu nguội có thể hâm nóng lại trước khi trút vào bát. Như thế đảm bảo các miếng mướp vẫn tươi sắc xanh chứ không ngả màu ỉu xìu.

Với một số người vừa ăn mặn lại vừa nghiện bạn chấm xì dầu, có thể bày cạnh chén nhỏ đựng chút nước tương và vài lát ớt cay. Miếng mướp lướt qua nước chấm đó, càng thêm ý vị càng thêm đậm đà.

(4) Note ghi thêm:

- Có người cho trứng vào nhân để tạo độ dính, hoặc cho chút dầu ăn cũng là để tạo độ dính. Mình chọn thịt nạc vai và xay nhuyễn nên độ dính coi như được đảm bảo, không cần đến hai thành phần kia nữa.
- Thêm nữa, mình không cho xì dầu hay dầu vừng vào hỗn hợp nhân như nhiều bạn người Nam vì đã ăn quen kiểu mặn của nước mắm. Làm như các bạn, canh ăn rất ngọt và có vị ngon riêng, cũng rất thú vị.
- Còn về mộc nhĩ, khác nấm hương tạo độ thơm thì mộc nhĩ cho vào có tác dụng làm món nhân ăn sần sật, hay hay.

Trái mướp đắng lai
Nếu là mướp đắng ta thì quả gầy gò, tháu hơn, 
gai nhỏ và nhiều hơn, sắc xanh và vị đắng đậm hơn

Nhân xay và trộn xong, chờ được nhồi

Mướp đắng được cắt khúc, nạo bỏ ruột, đã chần nước sôi

Mướp đắng đã nhồi, chờ nấu

Xong rồi! Chờ chan nước canh là chén!

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

bbq kiểu hàn - công thức chờ thử nghiệm

Mới đây, khi mình ti toe với T.A. về thành công của bàn đá bạn cất công mua và nhờ người vác về từ Paris cùng những công thức nướng quái đản mình nghĩ ra thì được bạn ưu ái gửi cho công thức học từ người Hàn ở Paris.

Ghi lại một cái, chờ ngày đông và túi tiền rủng rỉnh thì mình sẽ mần thử xem sao.

Ướp thịt: 
- Xì dầu dùng cho đồ nướng, rán: 5 thìa
- Sauce mirin: 1 thìa
- Dầu vừng: 2 thìa
- Tỏi tây: lấy đoạn lá non, thái khoanh mỏng
- Sake: 2 thìa
- Tỏi, gừng (thịt lợn có thể thêm một củ hành tím nhỏ): thái lát tròn thật mỏng
- Đường: 2 thìa
Trộn đều hỗn hợp nói trên rồi rưới lên đĩa thịt (thái lát mỏng) để ướp trong vòng 2 giờ. Tốt nhất là để trong tủ lạnh.

Sauce chấm:
- Xì dầu
- Sauce mirin
- Sake
- Đường
- 1/2 quả táo, cắt lát mỏng
- 1/2 quả chanh vàng, cắt lát mỏng
- Tỏi tây cắt lát mỏng
Trừ chanh, táo và sake, trộn đều những thứ còn lại, cho lên bếp đun nhỏ lửa sôi nhẹ (từ của TA, chắc là sôi lăn tăn, sôi sủi?). Tắt bếp, thả chanh, táo và sake vào khi sauce đã nguội. Khi ăn thì nhớ vớt chanh và táo bỏ đi, và cho phần tỏi tây còn lại vào (nhớ cho vừa phải thôi)
Các thành phần không được kê chính xác vì tùy vào khẩu vị của mỗi người ăn món chấm. Nhưng sauce càng nhẹ, hơi ngọt một chút là coi thành công. Về sắc, sauce có màu cánh gián, hơi trong. Về xì dầu nên chọn loại xì dầu ngọt. Nếu phải dùng xì dầu thường hay xì dầu mặn thì có thể pha thêm chút nước sôi để nguội!

* Lưu ý thêm: cố gắng chọn chanh vàng vì thơm đặc trưng và đặc biệt là không át mùi các gia vị khác như chanh xanh nhà mình hay lime.
Thêm nữa, dù hơi ki bo đi nữa thì cố gắng kiếm sake. Rượu gạo nhà mình vị đậm quá nên có nguy cơ làm biến vị.

chính thái danh trà

updt. 2020 nhân dọn dẹp nhà biển
chè Chính Thái - vỏ hộp trà sen đã đi vào lịch sử
Khi bắt đầu viết Easy Vietnamese Cooking, chủ đề đầu tiên mình nghĩ tới là trà, trà Chính Thái đầu phố Phó Đức Chính. Nhưng cứ lần khân vì chẳng biết nên bắt đầu từ đâu, và diễn đạt thế nào cho trọn vẹn sự mến mộ của mình đối với nhà chè này nên lại thôi.

Không nhớ từ bao giờ mình bắt đầu có thói quen đi mua trà ở đây nữa. Nhưng có lẽ là phải sau khi mình tốt nghiệp CFIT, là lúc đã chơi thân thân với em L. nhà ở ngay ngõ chếch đối diện nhà Chính Thái, vào khoảng năm 2000.

Lúc đầu chỉ là trà mạn, tự uống và tự sướng, rồi tháng qua tháng, năm qua năm, cùng với túi tiền rủng rỉnh hơn, mình bắt đầu mua làm quà cho bạn gần thì Sài Gòn, xa thì túc tắc sang Tây sang Đông đủ cả. Ai nhận được cũng thích thú, người ra chiều bẽn lẽn hỏi nhờ mua tiếp, người thẳng toạch luôn là lần sau mày nhớ cho tao thêm một hộp giống lần trước, có bạn thì lịch sự mua giùm tớ nhá. Lạ là mồm miệng người ta với ta thì còn hiểu được, nhưng cảnh ông Tây uống trà mạn, chè sen, chè Thiết Quan Âm thì đúng là "vãi chưởng" - nói theo ngôn ngữ của bọn trẻ con mà mình mới học được.

Năm trước nhân đợt sửa nhà, Bố có mặt dài dài ở Hà Nội để lo việc nhà thì khi rỗi có dự án đọc lại Truyện Kiều kèm cuốn Từ điển truyện Kiều của cụ học giả họ Đào bên cạnh. Đọc Kiều của ông cụ ngoài 70 - từ tốn, nhẩn nha như nếm món quà ngon - quả có khác lối đọc ăn cướp của mình, tay cầm cuốn Kiều bé bằng hai bao diêm, nhảy cóc vài trang là chuyện thường. Nhân vụ đó mà mình được Bố chỉ ra một câu của cụ họ Đào nói về việc đọc Kiều trong nhân dân Hà Nội thời trước:
Làm trai cho đáng nên trai
Uống trà Chính Thái ngâm thơ Thúy Kiều.

Khoái chí, mình chạy tuốt lên hàng chè khoe với bác chủ thì bác cười tủm tỉm bảo đại ý là cụ Đào nói thế là hơi "quá" chứ thực ra, câu ngày xưa phải là:
Làm trai cho đáng nên trai
Uống trà mạn hảo ngâm thơ Thúy Kiều.

Mình nghĩ rất đơn giản, chứng tỏ ngày xưa Chính Thái đã danh tiếng lẫy lừng thì mới đi vào sách cụ họ Đào như vậy!

trà ngon - uống kiểu "lỗ mãng"
Quay lại chuyện chè, ngoài chè mạn Thái Nguyên (hi hữu có đợt không được ngon xứng tầm Chính Thái - cái này xảy ra với mình hai lần), thức uống khác mình tuyệt đối hâm mộ ở nhà chè này là món Thiết Quan Âm. Tên làm người ta lầm tưởng liên quan gì đến anh Thiết Quan Âm phương Bắc nhưng nội dung bên trong thì té ra lại không có gì dính líu cả. Bác chủ giải thích là trà sau khi đã ướp các vị hoa khác nhau thì phần nguyên liệu ướp (bã) bỏ ngay đi rất tiếc. Vì thế nào ngâu, nào sen, nào cúc rồi nhài và thêm vài thứ nữa (bí mật của nhà chè) được ướp lần 2 cho một mẻ chè mới, từ đó mà ra đời sản phẩm Thiết Quan Âm của Chính Thái.

Món trà sen thì tuyệt hảo, miễn chê rồi. Nhưng thú thật, mình chỉ dám tay chơi mỗi năm tự thưởng cho mình một lạng uống dịp đông thôi. Vì đắt quá. Ngày đầu tiên mua trà sen giá mới có 150 ngàn một lạng, giờ đã ngất ngưởng 400 ngàn. Tính đi tính lại thà cháu thêm 50 ngàn làm mười gói Thiết Quan Âm để uống và để cho bạn cho bè còn thích hơn. Mà không có cháu chợ vẫn tấp nập như thường. Biết thân biết phận thì đợt cuối tháng 6 sang tháng 7 là phải hỏi thăm ngay bác chủ để còn biết đường mua sẵn chè sen cho mình và chè sen làm quà dịp Tết cho mọi người. Không phải chỉ có một năm mà đã nhiều cái Tết mình chứng kiến cảnh bà con chạy ào ào ra mua chè sen mà chè thì đã hết từ lâu rồi. Cái này hơi giống chuyện tích trữ thời mậu dịch ngày xưa!

Chuyện về Chính Thái thì còn nhiều. Nhưng có lẽ ấn tượng hay nhất là vào mùa ướp sen, từ mấy năm nay rồi năm nào mình cũng được uống ké BJ ấm trà ngon mới ướp của hai vợ chồng bác chủ hàng chè. Đồ gỗ nhà hai bác giống đồ của Cụ trên phố Hàm Long, bộ bát tiên xinh xinh trên khay gỗ chạm, mọi người nói chuyện rì rầm nhẹ nhàng, nước trà xanh đượm hương sen... không có gì thích hơn cho một ngày hè nắng gắt.

Tết 2022 - cửa tiệm cũ và người cả bán lẫn mua đều già-đi

Tết 2022 - Tôi thay đổi tính nết,
đuổi theo những tầng hương mới
nhưng có và pha trà Chính Thái trong nhà
đã trở thành thói quen

Tết 2022 - Trà cốm Chính Thái
món quà được nhiều bạn của tôi yêu thích
và không quên thỏ thẻ "đòi" thêm

Hè 2022 - lần mua cuối cùng:
5 hộp trà cốm gửi đi Pháp,
còn ở nhà tâm tính đổi thay mình ngâm trà Tàu

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

mua café ở hà nội

Café ngon đây rồi!

Sau hơn một tuần cai bất đắc dĩ món café ngũ vị hương yêu thích và uống trường thứ nước béo và ngọt một cách không cần thiết mang tên Vinacafe, thật là hạnh phúc khi lại được quay trở lại thói quen tự đun và tặng mình một đúp café nhà làm.

Mọi người thường bảo mình điên vì uống café là café, ai lại đi uống thứ trộn gia vị. Còn mình thấy không tệ sau khám phá vị chicory thì giờ là nào quế, nào thảo quả, nào ngũ vị hương. T.L. lúc nhớ lúc quên, hôm qua vào mua còn dõng dạc yêu cầu café húng lìu nữa.

Cái này gọi là café mang hơi thở của núi rừng!


* Nếu muốn làm quà tặng người phương xa không quen uống café vị quá đặc và đậm theo kiểu phổ biến ở nhà mình bây giờ, bạn có thể mua loại arabica không. Còn nếu bạn là người dám-thử, thì tại sao không phải là café có thêm mùi của mấy loại gia vị. Thơm nhẹ lắm, chứ không đậm đà như nước dùng phở hay món thịt xá xíu đâu!

Và sẽ là không tệ vào một ngày lạnh, thậm chí là hơi u ám (tuyệt nhất là ở nơi có tuyết!), sáng ra chỉ có một mình trong căn bếp, tự mình lục tục đun ấm café, và lôi cái máy đánh sữa thủ công cho món cappuccino ra hì hục đánh lên đánh xuống được lớp bọt sữa mềm mại và tinh khiết, rồi... chập chập miệng và ngồi bên kệ cửa ngắm trời ngắm đất và thưởng thức món cappuccino bất quy tắc thay vì rắc bột quế thì lại đượm hương đủ loại gia vị miền nhiệt đới! Thật không có gì thú hơn!

Địa chỉ kiếm café: Vertiacale, 19 Ngô Văn Sở (sảnh ngoài bán đồ gia vị và sách dạy nấu ăn).

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

canh riêu cua nhà làm

Ghi chép chưa đầy đủ.

Lưu ý mấy điểm khi nấu:
- Nước lọc cua cho vào nồi đun lửa khá to, dùng đũa khuấy đều tay cho tới lúc nước trong nồi nóng già (nhưng đừng đợi đến lúc phần thịt cua thành hình - vì như thế là quá tay) thì thôi, để nước tiếp tục nóng, sôi và phần thịt cua thành hình - dạng lớp xốp màu vàng nâu rất đẹp. Khi thịt cua bắt đầu tạo hình thì nên chỉnh lửa nhỏ xuống.
- Trước khi đun nước lọc cua thì phi hành khô và nhân gạch cua cùng cà chua và ớt khô (optional) để sẵn. Hành khô thái lát mỏng phi thơm mềm trong một chảo nhỏ, lúc đó cho bột nghệ, cà chua (cho phần nhân này cầu kỳ thì phi bột cà chua khô - cái này là của nhà tự làm - và chút ớt bột khô - cũng của nhà tự làm) vào đảo lên cho thơm và đượm màu, sau đó cho gạch cua vào chưng. Xong xuôi thì phần nhân vẫn để nguyên trong chảo nhỏ nhưng gạn khéo sang một nửa chảo. Nửa kia chờ phần thịt cua trong nồi thành lớp xốp rồi thì vớt nhẹ tay những mảng lớn đó đặt vào.
- Nồi nước cua lúc này đã vớt phần thịt cua ra, cho dọc nướng vào (hôm nay ki bo nên mình dùng dọc khô!) thêm chút mẻ hòa tan nước vào (một chút thôi) rồi gia giảm bột gia vị vào cho đậm vừa phải. Tất nhiên là vài lát cà chua nữa (bổ ngang hoặc bổ cau múi nhỏ là đẹp nhất). Chắt phần nước nhân chưng lúc nãy màu rất đẹp để cho vào nồi nước cua.

Nào múc ra bát:
Bún chần còn nóng dzẫy xếp vào bát, rắc hành tươi (phần dọc xanh thái mỏng, phần dọc trắng chẻ nhỏ) lên trên, lấy nhân gạch cua và thịt cua xếp lên tiếp. Chan nước cua đang sôi trên bếp vào. Nhớ chan nhẹ tay để thịt của không bị vỡ vụn. Bát bún đẹp là bát bún mà thịt cua vẫn còn nguyên miếng lớn, tảng lớn (nghe từ tảng to quá!).

Ăn với gì
- Xưa nay ăn bún riêu cua mình hay ăn mắm tôm. Nhưng sau vì nhà ít ăn món này mà đã mua mắm ngon thì phải mua chai to, cộng với khám phá ra mắm ruốc Đà Nẵng (đỡ nặng mùi hơn) thì mình chuyển sang ăn kèm mắm ruốc. Lấy chút mắm ruốc để ra cái bát chấm nhỏ, cắt thêm vài lát ớt hiểm để bên. Khi ăn, ai thích thì có thể khêu chút mắm cho vào bát bún ăn cùng. Cũng có người, hoặc ngày người ẩm ương tự dưng thấy món mắm này nặng mùi, thì chuẩn bị sẵn bát mắm cốt có vài lát ớt hiểm để sẵn để ăn cùng.
- Cạnh mắm thì kiếm thêm quả chanh, được trái chanh cốm nhỏ xinh xinh và thơm thật là thơm bên cạnh là ngon nhất. Cũng có khi thích thay đổi vị thì kiếm loại chanh không hạt họ lime (nhờ mua từ Sài Gòn) mùi thơm là lạ cũng hay. Nước riêu đã đủ chua rồi nhưng cho thêm vài giọt chanh cũng không phải là ý kiến quá tệ.

Rau ghém ăn cùng lần này:
- Cọng hành trắng chẻ
- Giá đỗ (ít thôi)
- Cọng muống trắng chẻ
- Rau kinh giới (đặc biệt hợp với riêu cua)
- Rau tía tô
- Rau mùi ta (ít thôi)

Hình ảnh:

Hình coi không đẹp bằng ngoài vì chụp ảnh chưa siêu 
và lúc chan xong thì cố đấm ăn xôi còn cố bốc thêm dúm hành thả cạnh



Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

gà hấp lá sen

Có hai cách: hoặc ướp rồi hấp, hoặc hấp "chay". Khi nhà có giỗ ăn đông người thì Mẹ cầu kỳ chặt gà thành miếng rồi tẩm ướp để hấp. Miếng thịt ăn vừa miệng, người ăn nhạt thậm chí không cần dùng đến món chấm, và thơm vị gà cùng các thức gia vị ướp kèm. Mình thấy ngon, nhưng có một điểm nhỏ xín không thích lắm là món này chắc chắn sẽ có phần nước cốt tiết ra từ quá trình hấp.

Còn cách thứ hai chỉ phù hợp khi ăn chơi bạn bè hoặc trong nhà mình. Con gà giò gần một ký làm sạch đâu đấy rồi thì cứ để nguyên con bó trong lá sen (khoảng 2 lá là đủ bao kín) rồi đặt trong cái thửng hấp đun lửa to. Khi nước ở phần nồi dưới sôi rồi thì để lửa nhỏ. Khoảng 30-45 phút sau thì gà chín mềm, có thể bắc ra chờ nguội để đánh chén.

Con gà khô, ở đây không phải là khô kiệt mà là khô ráo, thân và da vẫn đủ lượng nước để căng mọng, trông rất hấp dẫn. Dùng dao chặt miếng lớn rồi ăn... bằng tay. Tưởng tượng ra hình ảnh này hơi kỳ. Nhưng thế mới gọi là ăn kiểu dân gian, ăn sung sướng! Rất lạ là không ướp gì cả nhưng con gà khi đã chín thì miếng thịt ngọt và khá đậm đà, đến mức có người ăn không chẳng cần chấm gì cả. Còn bình thường, sẽ là không tồi khi cạnh đĩa gà có một góc bột gia vị trộn tiêu vắt nước cốt quả chanh hoặc quất, rồi thêm vài lát ớt tươi và vài chỉ chanh lá.

Món này ngon không nhờ gia vị mà nhờ vào chất lượng của con gà, loại lá sen kiếm được (ai tưởng lá sen nào mà chả là lá sen chắc chắn là "bé cái nhầm"!). Thịt gà thơm hương sen, không nồng đậm mà cứ thoang thoảng hương xung quanh người ăn, theo kiểu chơi trò vờn đuổi, ở đó mà lại không nắm bắt được. Vì thế, ăn không còn là ăn mà đã thành một kỳ trải nghiệm nhỏ về mùi vị. Rất thú vị!

gà hấp lá sen và cam kết học nấu từ Mẹ

Hôm qua được Mẹ đãi món gà hấp lá sen.

Gà nuôi của nhà ở Bắc Ninh. Lá sen cũng từ vườn nhà Bắc Ninh.

Gà giò thịt thơm và mềm. Hương vị của sen đậm đà. Thịt ăn không (gọi là ăn vã), chấm chút bột gia vị vắt chanh có điểm tý hạt tiêu giã mịn và lá chanh vườn nhà Hà Nội thái chỉ.

Thành công của món do chất lượng của con gà quyết định, thêm vào đó lá sen tươi vừa hái. Giờ tự dưng ngồi ở Hà Nội mà tính chuyện kiếm được cái lá sen tươi ưng ý (trừ phi chạy thẳng lên Hồ Tây) thì cũng không phải là dễ. Hàng hoa sen, hay đúng hơn là quỳ, không hiếm lá sen, nhưng đó là thứ lá uể oải, mệt mỏi, chẳng còn chút hương và vị tươi mát gì cả.

T.L. bảo chị nên học Mẹ mấy món tủ rồi có thất nghiệp thì có cái mần ăn. Chưa biết mần ra tiền không, nhưng ăn thì thấy sung sướng! Sẽ viết một cam kết tam cá nguyệt cuối cùng của năm 2011 cho ít nhất là 3 món. Gọi là "Bếp Mẹ nấu". Chắc sẽ chạy tốt!

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

đồ ăn thức uống và giao tiếp láng giềng

Hồi còn ở Paris mình nhớ hầu như lần nào tới nhà Alex cũng được đánh chén bánh ngọt của bà hàng xóm của đồng chí ấy. Chưa đi Tây thì thấy bảo là bọn Tây nó cá nhân chủ nghĩa lắm, thằng nào biết thằng ấy. Ở ngay giữa thành phố to đùng, mình thấy bà con Tây vẫn phớ lớ hàng xóm láng giềng lắm. Lại còn có vụ mỗi năm rủ nhau cả khu nhà làm đôi ba cái party ở phần sân vườn sau. Đấy là chuyện ở Pháp.

Sang tới Mỹ cũng thấy chuyện tương tự. NL cạnh biển, ông hàng xóm của BJ câu được con cá bảo con đem sang cho một khúc. Rồi tiệc BBQ giữa mấy nhà với nhau nghe chừng cũng là chuyện không lạ.

Còn ở nhà mình, mình nhớ hồi bé mấy em nhà bên bỏ cơm giò chả nhà giàu để sang ăn cơm muối lạc muối vừng và cá khô của Mẹ là chuyện bình thường. Nhưng bây giờ thì phần nhiều nhà nào cũng cửa đóng then cài, nhìn thấy nhau có khi nhệch cái mép thay cho lời chào là may!

Nói vậy thôi chứ chắc máu "nhà quê" của Mẹ đã đủ ngấm vào mình nên giờ mình vẫn có khối hàng xóm hay. Có cô H. gần nhà thỉnh thoảng chạy sang hỏi có ăn măng ngâm Lạng Sơn, có ăn kim chi dưa chuột cô làm không thì cô cho. Có nhà điện tử bên cạnh quê Thanh Hóa thì thỉnh thoảng lại biếu nhà bên ít mắm ngon. Rồi hàng xóm cũ chuyển đi từ lâu thỉnh thoảng từ trên trời rơi xuống với nào là thịt lợn mọi Cao Bằng, nào là cá thu tươi Đà Nẵng... Bù lại, T.L. đi công tác thì khệ nệ thùng xốp mua mắm đủ loại để mình lại "Cháu biếu cô chú ăn chơi". Mẹ thì gửi nào là đỗ tương sạch, nào là bí là muống để con gái đi phát khắp lượt. Ai cười thì mình không biết. Đồ ăn thức uống chẳng đáng giá gì mấy nhưng mà giàu tình cảm. Nghĩ thì thấy vui! Rồi ngẫm nghĩ sâu hơn thì thấy chuyện ăn cũng là chuyện văn hóa.

nộm dọc mùng thịt bò

Nộm dọc mùng thịt bò - đã làm xong, chờ đánh chén!
Dọc mùng vườn nhà tốt quá nên chiều nay sau một hồi đấu tranh với tính lười thì mình đã quyết định làm chơi món nộm dọc mùng thịt bò.

Nói là lười có lý do của nó. Thịt bò chế biến thì nhanh. Nhưng chuẩn bị dọc mùng, rồi lại đi rang lạc thì đúng là hơi ngại!

Cuối cùng, cái dạ dày đã chiến thắng óc làm biếng. Món nộm về cơ bản là thành công.

* Nguyên liệu có gì

- Dọc mùng: 6 dọc lớn
- Lạc: một vốc tay
- Giá đỗ: 50g (chính xác được như vậy vì chị bán giá không bán dưới 1 lạng, mình cần rất ít thì mua đúng 1 lạng về chia đôi, một nửa cho món nộm, một nửa cho bát mỳ nấu sáng mai)
- Hành hoa, mùi ta, rau thơm, mùi tàu
- Muối hạt
- Bột gia vị
- Đường
- Dấm (hôm nay mình dùng Martlet - Organic White Wine Vinegar thay cho Clovis đã hết)
- Tỏi: 1 củ (chọn loại tỏi ta củ sắc tím, nhỏ, vị hăng)
- Ớt hiểm: 1 quả
- Thịt bò thăn: 2 lát chưa đến 100g (kèm chút mắm, gia vị, tiêu, tỏi và gừng để ướp).

* Làm gì với nguyên liệu

(1) Thịt bò: Từ lát thịt bò thái miếng dài (hình như nhà bếp gọi là con chì?!) rồi ướp với mắm, gia vị, tiêu, tỏi và gừng bằm khoảng 15-20 phút. Bắc chảo xào mau tay lửa lớn chín tới và bắt màu sém vàng rồi trút thịt ra đĩa để riêng.

(2) Rau các loại rửa sạch và vẩy ráo nước:
- Giá đỗ nguyên sợi
- Mùi ta và rau thơm cắt đoạn khoảng 2-3cm.
- Mùi tàu thái chỉ nhỏ hoặc cắt đoạn khoảng 0.5cm tuỳ ý. Nếu cầu kỳ còn xắt đoạn chừng 4-5cm rồi thái chỉ dọc để lúc trộn nộm coi đẹp mắt - tất nhiên là làm thế này mất thời gian!
- Hành hoa cắt khúc dài khoảng 5-7cm cả phần trắng và phần lá, sau đó dùng dao nhỏ chẻ đôi hoặc ba. Các cọng hành chẻ được cho vào một bát sâu lòng, đổ chút dấm, gia vị, đường vào trộn lên và để khoảng 10 phút cho hành ngấm vị chua, mặn và hết hăng.

(3) Dọc mùng:
- Dọc mùng tước xơ, thái lát chéo vào chậu lớn, rắc muối hột lên rồi xóc nhẹ để muối trộn/ngấm đều vào dọc mùng. Để khoảng 15-20 phút để dọc mùng ngấm muối tiết ra nước và trở nên mềm.
- Sau đó, xối nước rửa dọc mùng nhiều lần - nhớ dùng găng tay làm bếp để tránh bị ngứa. Trong quá trình này, chịu khó bóp nhẹ tay để hết mặn và hết chất gây ngứa. Dọc mùng đã được tẩy nhựa và rửa sạch được cho vào một rổ đục lỗ để ráo nước.
- Bắc nồi đun nước sôi thì thả dọc mùng vào chần mau tay. Sau đó trút dọc mùng ra rổ và tráng bằng nước lạnh rồi để tự ráo nước.
- Khi nào trộn salad thì dùng tay (nhớ đi găng làm bếp) nhẹ nhàng vắt ráo các lát dọc mùng trước khi cho chúng vào tô lớn để trộn món.

(4) Lạc: rang chín, se vỏ, đãi sạch rồi giã rối (không để mịn quá, hạt lạc vỡ ra thành 7-8 mảnh là được). 

* Ra món thành phẩm - nôm dọc mùng thịt bò

- Dọc mùng trong tô trộn salad đã sẵn sàng thì cho khoảng 1/2 thìa soup dấm, chút bột gia vị, ớt thái chỉ, tỏi đập dập và 1 thìa café đường rồi dùng dĩa trộn salad hoặc dùng tay (tất nhiên là đeo găng) trộn với nhau. Để khoảng 5 phút rồi chắt bỏ phần nước tiết ra.
- Cho thịt bò, giá đỗ, rau hành đã chuẩn bị vào trộn tiếp.
- Trước khi cho ra đĩa để ăn thì mới cho lạc rang vào (chú ý lạc rang chỉ cho vào trước giờ ăn để không bị ỉu)

Món nộm trông rất vui mắt với sắc xanh lá non của dọc mùng, màu xanh đậm của lá rau thơm, mùi tàu và hành hoa, sắc tía của thân rau thơm, màu vàng của lạc rang, màu trắng của giá đỗ và điểm xuyết là ớt thái lát cùng mấy dải thịt bò. Dọc mùng ăn giòn, sần sật. Thịt bò không nhiều nhưng đủ tạo thêm vị ngọt cho món rau chủ đạo. Thêm vào đó là vị thơm của các loại rau gia vị và vị bùi của lạc.

Món nộm này bỏ thịt bò đi có thể trở thành món không tệ cho bữa cơm chay! Tất nhiên, mình thì chưa chay đến mức đó trừ phi nhẵn túi vào cuối tháng thì trở thành vegy bất đắc dĩ!

* Note ghi thêm

Bình thường mấy món dọc mùng - nộm hay canh chua, chúng tôi đều dùng rau từ vườn nhà, hoặc Hà Nội hoặc Bắc Ninh. Có bữa mua dọc mùng về làm, chẳng rõ tôi thần hồn nát thần tính thế nào nhưng sau bữa cứ có cảm giác ngưa ngứa với chút bức bối nơi cổ họng. Sau bữa đó nếu bắt buộc phải mua rau thì cả lúc rửa các lát dọc mùng tẩy muối và trụng chúng trong nước sôi, tôi đều chú tâm làm kỹ hơn.

Có người quen nghe chuyện này bĩu môi bảo, tao chỉ trộn với muối 5 phút, rửa sạch rồi cho thẳng vào nồi canh, chẳng ngứa tý nào. Cái này, tôi nghĩ chắc do cơ địa mỗi người! Cái thân mình nó kém thì làm kỹ chút cho chắc ăn vậy.

Dọc mùng sau khi đã tước xơ và được thái lát chéo
Dọc mùng sau khi đã được chần nước sei

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

đếm bát tính tiền xưa và nay

Lần đầu tiên mình biết tới việc tính tiền ở quán bằng cách tính số đĩa thức ăn theo màu sắc kích cỡ là chuyện một quán bia chủ người Bắc ở quận I Sài Gòn. Đồ ăn thì tính theo đĩa, còn bia thì tính theo can. Lúc đó, nghe kể chuyện xong thì mình thắc mắc nhỡ người ta giấu đĩa và can đi thì sao. Người nghe phá lên cười, bảo to thế thì sao giấu được.

Hôm nay đọc lại Nguyễn Công Hoan thì à một cái, chuyện tính kiểu này hóa ra xưa lắm rồi, và ở ngay Hà Nội chứ đâu.

"Ở Hà Nội, hiệu cao lâu của người Hoa kiều tập trung ở phố hàng Buồm. Cao lâu nghĩa là lầu cao. Khách ăn ở trên gác. Tầng dưới, ngay ở cửa vào là bếp. Khách ăn xong đứng dậy ra về, thì người hầu sáng đếm đĩa để tính ra tiền. (Vì thức ăn nào giá bao nhiêu thì đựng vào thứ đĩa nào, hầu sáng đã thuộc). Khi khách xuống thang gác, người hầu sáng gọi to người ngồi ở quầy thu tiền dưới nhà, và nói số tiền khách phải trả. 
Nhiều người khách ăn hết nhiều đĩa, trước khi ra về, giấu một hai chiếc đĩa vào trong túi áo, hầu sáng không thể biết được".
(Nhớ và ghi, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1978, trang 78-79)

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

bún riêu cua

Sáng nay được T.L. và H. chiều chuộng một tý khi hai cô em lọ mọ lên tận Bát Đàn ăn bún riêu cua sáng thì mang vác thêm cái cà-mèn và một hộp nhựa đựng thức ăn để mua bún cho mình ở nhà.

Hai em về nước dùng trong cà-mèn vẫn còn nóng dzẫy (nhờ cái cà-mèn tốt!). Còn trong hộp có bún, ít rau sống thái sợi nhỏ, mấy ô đậu phụ, mấy lát giò. Chế ra bát đánh chén thì thấy vị cũng ra dáng riêu cua. Nhưng thực thà mà nói thì bát bún này chẳng còn mấy gần với công thức cổ truyền.

Bây giờ có cái lạ là ăn bún riêu cua đương nhiên phải có giò, thịt bò và đậu phụ. Gạch cua thì gần như không thấy. Vị chua không còn là vị thơm và chua dịu của trái dọc nướng lột vỏ mà là thứ chua ngọt hơi lợ vì cà chua cho quá tay, chưa kể là những thứ tạo chua không đảm bảo khác. Còn về màu thì đó là thứ màu đỏ quá đà trong khi canh riêu ngày xưa có sắc đỏ nâu vàng của cà chua, gạch cua chưng hành, thịt cua và cả do dọc tạo màu nữa.

Có lẽ, nếu ăn một bát canh riêu ngày xưa, người ngày nay sẽ bĩu môi bảo: Thế này mà dám gọi là bún riêu cua. Riêu cua gì mà ít cà chua. Riêu cua gì mà không có bò, giò, đậu phụ.

Cười và chê một tý vậy thôi. Chứ bây giờ nghĩ đến chuyện tự tay đi mua cua, về xóc, xé, giã, lọc rồi lọ mọ nướng dọc để nấu nồi canh... cũng ngại!

mướp đắng xào trứng

Món này là mướp đắng xào trứng chứ không phải là ngược lại. Ngon lành mát bổ và về nguyên tắc thì không đắt. Vốn dĩ là món của nhà nghèo, nhưng giờ có lẽ nói là món nhà giàu thì chính xác hơn. Đây là kết luận của mình sau khi phải tưng bừng "nhảy nhót" cùng với giá cả những ngày này, nhất là khi cầu kỳ kiếm được trái mướp đắng ta và sạch cũng như trứng gà ngon và đương nhiên là cũng sạch nữa.

Nguyên liệu:
- Mướp đắng: 2 trái (chọn được mướp ta quả nhỏ và đắng thật là tốt nhất!)
- Trứng gà: 1 quả
- Hành khô: 1 củ
- Dầu ăn
- Gia vị
- Xì dầu (optional)

Thực hiện:
- Trứng gà đập vỏ để phần lòng trắng và đỏ vào bát (không cần phải đánh lên).
- Hành khô bóc vỏ, rửa sạch rồi thái lát (không cần mỏng quá để khi chín lát hành vẫn còn nguyên dạng).
mướp đắng xào trứng
- Mướp đắng cắt bỏ đầu, bổ đôi dọc quả rồi bỏ phần ruột. Sau đó thái lát mỏng, nếu thái chéo thì đẹp hơn là thái ngang. Xóc chỗ mướp đã thái với bột gia vị, để khoảng 5-10 phút cho mướp ngấm mặn.
- Láng chút dầu ăn vào chảo chống dính. Chờ đến lúc nóng chảo thì phi hành cho thơm (không phi vàng rộm), rồi đổ tiếp mướp đắng vào đảo. Tùy nhà ăn mềm ăn cứng, ăn chín ăn tái mà có thể đảo từ 1-2 phút. Sau đó cho trứng gà vào đảo nhanh tay. Trứng chín thì bắc ra. Người thích ăn xì dầu có thể thêm vài giọt vào chảo trước khi tắt bếp. 

* Món ăn đẹp, có màu xanh mát của những lát mướp lại thêm sắc vàng tươi của trứng. Miếng mướp ăn thơm và giòn, tất nhiên là hơi nhằng nhặng đắng. Nhưng như thế mới gọi là mướp đắng!


Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

dưa chuột muối chua ăn xổi kiểu nhật

Món này học từ chương trình dạy nấu ăn nhanh của NHK (quick pickled cucumber). Mình đã thực hành từ gần hai năm rồi và rất hài lòng.

Chuẩn bị:
- Dưa chuột: theo hướng dẫn là giống dưa Anh, quả dài. Không kiếm được ở Việt Nam, mình kiếm trái dưa ta, quả nhỏ, dài khoảng 10-15cm. Chuẩn bị 5-6 quả.
- Xì dầu: khoảng 1.5 - 2 thìa soup (mình dùng Yamasa, không biết tại sao thấy ngon hơn các loại khác).
- Đường nâu:  khoảng 1/2 thìa soup.
- Dấm: khoảng 1 thìa soup. Theo hướng dẫn thì phải có dấm gạo, tất nhiên là của Nhật, nhưng mình dùng Heinz trắng, thậm chí có lúc quên với tay lấy luôn cả chai Clovis vang đỏ cũng chẳng sao.
- Dầu vừng: khoảng 1 thìa soup (chọn loại dầu vừng ngon).
- Gừng tươi: một củ nhỏ (gừng bánh tẻ), thái sợi chỉ nhỏ.
- Muối.
- Túi nylon đựng thức ăn.

Thực hiện:
- Dưa chuột rửa sạch rồi thì xát muối xung quanh để khoảng 15-20 phút.
- Sau đó rửa bỏ muối, bổ dọc quả dưa thành hai nửa, lấy thìa café nạo hết ruột. Cắt bỏ hai nhúm đầu. Đặt sấp miếng dưa rồi lấy cái dần dần nhẹ cho miếng dưa bị rạn thành hai nửa 1/4. Lấy tay tách hẳn phần rạn rồi bẻ thành các thanh dài từ 4-5cm.
- Cho các miếng dưa đã bẻ vào túi nylon, cho gừng và hỗn hợp gia vị vào rồi xóc nhẹ cho ngấm. Dùng cái kẹp túi thức ăn kẹp lại miệng túi hoặc khóa zip. Để khoảng 2-3 giờ như vậy (để ngoài nhiệt độ thường hoặc cho luôn vào ngăn mát tủ lạnh đều được).
- Sau cho vào lọ thủy tinh để tủ lạnh. Lúc ăn bỏ miếng dưa ra đĩa, nhớ để ráo phần nước trộn.







* Món dưa thành phẩm ăn chua chua, giòn giòn, thơm vị gừng và dầu vừng. Ăn với cơm trắng gạo Nhật là ngon nhất!
Mình hay làm tối hôm trước cho bữa ăn ngày hôm sau.
Về khoản đong-đo-đếm, mình chỉ ghi đại khái vậy vì quả dưa khi to khi bé, đầu óc người nấu cũng có lúc tập trung có lúc long dong đâu đâu nên không chỉn chu con số được. Có điều lưu ý là đặc điểm món này là chua dịu và ngả ngọt chứ không phải theo kiểu mấy món gỏi, rau củ muối xổi chua cay và mặn của Việt Nam.

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

dẻ sườn thăn bò kho mềm của t.

Hôm nay mình sáng tác thêm một món mới, thấy tàm tạm, ghi lại để lần sau nghiên cứu gia giảm tiếp.

Thường thì mình chỉ mua dẻ sườn để ninh canh dưa hay cho món khoai tây hầm vào mùa lạnh. Nhưng dần dà thì thấy làm món bò kho thi thoảng cũng có thể biến tấu một chút, không nhất thiết lúc nào cũng bắp, cũng thưởng. Nguyên lai của món dẻ sườn thăn bò kho mềm là như vậy.

- Dẻ sườn thăn của Tình già bò: 350g (nói rõ: dẻ ở đây hiểu là đây là phần thịt lọc từ sườn bò chứ không, gọi vậy vì nó dài; chứ không phải dẻ như là quán từ cho từ dẻ sườn = miếng sườn nhá).
- 1/2 củ tỏi bóc lấy tép
- 5-6 hạt tiêu đen nguyên hạt
- 1 cái hoa hồi khô
- 1 miếng gừng nhỏ thái lát mỏng
- lớp vỏ ngoài của 1 củ hành tây (bóc lớp da vàng đi, lấy lớp thân trắng đầu tiên)
- 1 thìa café đường nâu
- 2 thìa súp nước mắm cốt
- bột gia vị gia giảm tùy ý (nếu đã có mắm cốt rồi thì độ mặn về cơ bản là ổn, không cần thêm bột gia vị)
- 5-6 hạt carmadon
- 2 Bay leaves
- 1/2 bát nước (đong bằng bát nhỏ ăn cơm)
- 1 thìa súp dầu ăn
- 3-4 con tôm khô
- 1 miếng quế nhỏ

Thực hiện:
- Kiếm cái nồi đất loại mới (không phải nồi cơm niêu mà là nồi tráng men hiện đại có thể dùng trong lò nướng), tráng dầu ăn xung quanh thân nồi và đáy nồi.
- Xếp các dẻ sườn rồi phủ các thứ gia vị lên trên, cho nước vào.
- Đun sôi bùng trong khoảng 5-10 phút thì vặn nhỏ lửa để liu riu cho tới khi nước cạn là ăn được.

* Món thịt này rất mềm, thơm và ngậy! Ăn với cơm trắng và rau củ hấp là hợp lý nhất.

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

salad rong biển - tôm - dưa chuột

Lần đầu tiên khám phá rong biển là ở Tokyo - Bangkok tại New London. Chủ quán người Lào, nhân viên phục vụ một dây từ Hàn, Triều tới Trung, Miến, Thái nhưng Lào và Việt hay Khmer lại không có. Còn sushi chef là một em gốc Triều quốc tịch Trung chẳng hiểu làm thế nào mà mò mẫm từ một thành phố công nghiệp nhỏ miền Bắc nước Tàu sang Mỹ làm đầu bếp.

Món chế không cầu kỳ. Ngon hay dở là do rong biển. Trong chuyến đi đầu, mình đã nhờ mua một gói lớn từ New York đem về nhà. Đó là thứ rong biển thái sợi xanh ngâm trong dầu. Khi ăn thì rã đông rồi để ráo khô dầu rồi trộn. Còn về nhà thì chỉ kiếm được ở shop thực phẩm Nhật thứ rong biển đông lạnh ngập trong muối mịn, lúc rã đông và để khô trộn salad thì mình thấy cũng có dầu trong đó. Dù là loại nào thì cũng đều rất ngon và thơm, đặc biệt là không bị vị tanh.

 Không có công thức chi li, chỉ đại khái một đĩa salad nhỏ trên mâm thì cần những thứ này:
- Rong biển đã rã đông, để khô để sẵn sàng trộn một nửa bát ăn cơm (lần sau mình sẽ cân lên xem sao)
- Dưa chuột 1-2 quả tùy kích cỡ. Bên kia mua được giống dưa Anh dài như quả mướp hương, vỏ xanh mướt, hạt gần như không có, và rất giòn. Còn ở nhà thì đành chịu khó bổ tư nạo phần hạt rồi cắt khúc vuông quân cờ cỡ như hạt ngô là được. Nói chung tỷ lệ rong biển/dưa chuột là xấp xỉ 50/50.
- Cà rốt vài sợi chỉ rối trang trí (optional)
- Vừng trắng rang chín tới (không để vàng và chín quá vì như thế vị của vừng sẽ át vị salad)
- Chút dầu vừng (loại trộn salad của Nhật), và muối nếu cần
- Tôm sú 4-5 con tùy size (khoảng 150g) luộc chín để nguội rồi cắt ô hạt lựu
- Dấm và đường (optional)

Trước khi vào bữa khoảng 15 phút, trộn dưa chuột với chút muối cho đậm rồi cho thêm dầu vừng và dấm nếu cần. Sau đó trộn tiếp rong biển và cà rốt nếu có. Rắc vừng lên trên.

Món này khêu miếng nhỏ ăn chơi đầu bữa. Rong biển, tôm và dưa chuột đều sần sật nhưng là theo ba kiểu khác nhau. Sợi rong đậm đà hơi dai. Tôm giòn và ngọt còn dưa chuột thì mát. Thêm vào là vị thơm của dầu vừng lẫn vừng rang.

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

đánh dấm rau muống luộc

rau muống luộc trong hộp cơm "cách ly tập trung"
Bình Dương tháng 3/2021
Nghe tiêu đề có vẻ hơi buồn cười, nhưng đây là cách nói của mình khi nói về việc luộc rau muống và dùng một thứ tạo vị để làm cho nước rau có vị chua.

Xòe hai bàn tay ra nhẩm tính thì mình thấy là có rất nhiều cách để đánh dấm, làm chua, tạo vị chua cho nước rau muống luộc:

1. Trái sấu (cái này chỉ có ở miền Bắc, còn vào Nam mà thấy thì chắc chắn là quà từ Bắc gửi vào)
- Đầu mùa sấu đánh dấm nước rau bằng mấy trái sấu non, non đến mức có thể đưa quả vô miệng, cắn đánh phật một cái, nước chua ứa ra, mặt nhăn nhăn, mũi chun chun. Phải ghi chú ngay là chỉ có bọn trẻ con và người còn trẻ, răng còn tốt thì mới dám làm thế!
Tiện có sấu đánh chua nước canh thì có thể cạo vỏ vài trái nữa, rồi dùng dao cắt lát mỏng tang, tất nhiên là cắt cả phần hạt non, rồi cho vào bát trộn thêm tý nước mắm nguyên không pha gì cả.
Nước mắm này vừa dùng chấm rau luộc, ăn sấu tươi đó với rau rất thú vị, vừa dùng để chêm tý vào nước rau cho có vị đậm đà.
- Sấu cuối vụ quả cứng rồi thì không thể cắt lát mà ăn như sấu non, chỉ dùng để dấm chua nước luộc. Thế thì mình dùng luôn thân sấu luộc đó, đã dầm để tiết chất chua ra nước luộc rồi, cho vào bát dầm với mắm (cũng có lúc thay mắm bằng xì dầu, vị chua sẽ dịu đi). Cũng rất ngon. Nhất là để lâu một tý thì miếng sấu đậm vị, nhai sần sật, vị hơi chua lại đậm, cũng rất tuyệt!

2. Lá me chua
Bây giờ lá me chua gần như tiệt chủng ngoài chợ. Nhưng cách đây hơn mười năm thôi, nhà mình có tường rào thấp được củng cố thêm bằng rặng me chua này thì vẫn thấy nhiều người cuối chiều hè khều khều cành me rồi dùng kéo cắt. Nhìn thấy vậy mình luôn đoán là để cho món rau muống luộc. Vì có lẽ, lá me chua hợp lý nhất chính là cho món luộc này.
Nước luộc dấm lá me có màu hồng là lạ. Nhược điểm của lá me là lá nhỏ xíu chạy tứ tung trong bát tô, trông rất vướng víu. Vị chua thì có nhưng tệ là hơi chát.

3. Trái me
Trái me dùng để dấm chua đủ thứ, trong đó có cả rau muống luộc.
Có trái tươi thì ngon, không thì cấp cứu tý me khô cũng được. Chỉ có điều người ta chế biến me khô thế nào mình không rõ, có lần thấy nguyên cả một cụm mấy sợi tóc ghê hết cả người thì từ đó tạm biệt hẳn món khô này.
Nước muống luộc dấm trái me chua dịu nhưng không ngọt và đậm vị như trái sấu.

4. Quả dọc
Nhiều người, nhất là bạn trẻ, nếu có biết quả dọc thì chỉ gán nó cho canh riêu cá hay riêu cua. Thực tế thì dọc mà dấm rau muống luộc cũng không tệ chút nào. Chua hơi gắt nhưng bù lại, nước rau luộc rất đẹp, vàng ngả chanh yên.
Có điều, nếu dấm bằng dọc thì cầu kỳ lắm. Phải bắc vỉ nướng quả cháy ngả đen rồi để nguội một chút và bóc lớp vỏ xanh bị cháy đi, để thân quả vàng ươm bắt mắt lộ ra. Phải bóc thật kỹ vì lớp vỏ còn dính tý chút sẽ để lại vị chát.
Ở nhà quê, có lúc gặp mớ dọc ngon, Mẹ còn làm món dọc phơi khô. Nhà vào bữa mà con gái đãng trí quên mua đồ chua ngoài chợ thì có thể cấp cứu món khô này. Rất hiệu quả! 

5. Tai chua
Chua. Nhưng có đặc điểm là trông hơi xấu và chua thì hơi gắt. Khi cảm thấy vị chua tiết ra đủ rồi thì phải nhớ bỏ ra ngoài ngay vì nếu không thì thành ra là chua quá.

6. Quả thanh tra
Dấm cũng rất ngon. Mình ít dùng đến, chỉ là những khi khó kiếm chất tạo chua khác.

7. Trái muỗm
Không biết diễn tả thế nào nữa. Chua nhưng vị hơi khẳn. Mình nghĩ cho vào riêu cá hay riêu cua thì hợp hơn.

8. Quả quéo
Quả này thân giống muỗm nhưng nhỏ chỉ cỡ trái thanh tra. Cực ngon luôn. Nước rau không đẹp lắm nhưng vị chua dịu và thơm.
Tiếc là giờ tìm ngoài chợ tịnh không thấy một hàng. Thậm chí khi mình nói tên chỉ có mấy bà đứng tuổi còn biết chứ phần nhiều người, cả bán lẫn mua, đều mắt tròn mắt dẹt nhìn mình như từ trên trời rơi xuống.

9. Quả cà chua
Tại sao không. Dù dấm cà chua gần như là lựa chọn cuối cùng của mình. Chua không đến nơi đến chốn nhưng bù lại là có vị ngọt.

10. Vắt nước chanh
Nước rau đã nguội rồi thì chanh vắt lấy nước cốt, gạn bỏ hạt rồi cho vào bát nước rau (vắt chanh khi nước rau còn nóng sẽ bị đắng). Nước rau ngả vàng rất đẹp, chua và thơm thơm vị chanh! Tuyệt vời, nhất là khi ăn kèm nước chấm chanh tỏi cho phần rau! Và bên cạnh tô nước canh có đĩa nhộng tằm rang khô.

Còn gì nữa thì mình chưa nhớ ra. Nhưng có một hình ảnh đến giờ vẫn lưu giữ dù tên của thứ chất kết tinh đó là gì mình không nhớ. Đó là những năm 80 của thế kỷ trước khi mà hầu như ai cũng sống trong cảnh nghèo khó kinh khủng - nghèo một cách dân chủ! Lúc đó nhiều người tự trồng rau muống, nhưng đến khoản tạo chua thì phải mua mà mua thì phải tiêu tiền. Hàng họ thì chẳng có gì nhiều ngoài chợ, không phải là nhảy phắt ra đầu ngõ thì gặp ngay cái mẹt của bà bán rau như bây giờ. Thế là có cái lọ con con, cái này mình thấy ở nhà một cô bạn, có những hạt kết tinh màu trắng to cỡ hạt gạo hay nhỉnh hơn tý chút. Luộc rau xong, bạn cho hạt này vào, canh có vị chua nhưng là một thứ vị chua rất là khó chịu, hơi lợ, ngai ngái nếu không nói là khai. Nghe nói hạt này quý lắm. Mình ấn tượng mãi vì cái lọ và cả vì chuyện nhà mình không có thứ chất thần kỳ ấy.

Một chuyện nhớ ghi thêm (25/4/2013):
Một chị họ xa bên nhà Ngoại dạy mình cách cho đôi ba lá mùi tàu vào nồi nước luộc. Đã làm thử với canh dấm sấu. Rất thơm. Rất hợp. Tất nhiên là lá mùi tàu thì không phải là để tạo vị chua rồi :-)

Dấm nước rau luộc là vậy, còn [món] chấm nước muống luộc thì coi ở đây :-)

Note bổ sung 26/9/2017:

11. Lá giang
Chuyện này rất hay ho. Lá giang là thứ quý hiếm với bếp nhà. Thường là TL đi công tác miền Nam hoặc có bạn từ trong đó ra ngoài Hà Nội thì tranh thủ mang vác, gửi gắm.

Hôm rồi nó vác về túi tướng, hỏi thì hóa ra có bạn nhỏ cùng dân nhận học bổng Chevening ra Hà Nội tập huấn. Chị dặn em bốn mớ với hình dung trong đầu là mỗi mớ chỉ gọn xinh một ôm tay. Ai ngờ rau em gái mua ở Sài Gòn một mớ bằng cả 4 mớ trong hình dung của chị.

Thừa thãi rau nên có trò tôi đang loay hoay nghĩ đánh dấm món nước luộc bằng thứ gì đây thì TL tỉnh bơ, để em dùng lá giang. Nước rau muống luộc làm chua nhờ lá giang, không tệ chút nào, phải mỗi tội hơi "xa xỉ" :-)))

hình bổ sung 7/6/2021 -"giải phẫu" một trái sấu
sấu trong nước luộc rau, lấy ra bát dầm rồi hoà lại tô canh lấy vị chua

luộc vịt

Con vịt đã được Mẹ làm sẵn, chỉ việc luộc, quay, om, rán là có thể chén.

Công thức cố định thì không có vì vịt có hôm nó già, có ngày nó trẻ. Đó là chưa kể bếp nhà đun ga, đun than, đun điện, núm điều chỉnh có khi lửa to lửa nhỏ cũng tùy. Rồi nồi đáy to đế dày hay nồi cao đáy nhỏ.

Nhưng đại khái thì là thế này:
- Nước lã cho vào nồi đun khi bắt đầu hơi sủi bọt nhỏ tý xíu dưới đáy (người dạy cho mình tip này nói là khoảng 70 độ C - mình chưa đo bao giờ vì chưa sắm được cái đo).
- Thả vịt vào, đợi 10-15 phút từ khi nước bắt đầu sôi hẳn thì để lửa nhỏ liu riu trong khoảng 15-30 phút nữa (tùy món nấu mà có thể cho 1-2 củ hành khô và vài lát gừng tươi vào nồi để vừa làm nước dùng thơm lại có tác dụng tẩy hôi - ít nhất là về mặt tâm lý của người nấu!). Xong thì tắt bếp.
- Tắt bếp rồi thì như nhà hàng họ sẽ cho vào chậu to nước lã (không rõ có thêm chất gì vào không) để ngâm cho da vịt căng mọng, vân vân và vân vân. Mình không làm thế, hoặc vớt ra luôn hoặc cứ ngâm tiếp vịt trong nước dùng ấm, để thịt tiếp tục chín. Nếu ngâm tiếp thì cũng phải liệu trước là chỉ làm khi mình đánh chén thôi, vì nếu làm cơm khách mà ngâm thế này thì da con vịt sẽ rất xấu. Bù lại, thịt vịt nó mềm, mềm, mềm, rất thích. Có thể ngâm vịt trong nồi nước dùng từ 15-30 phút nữa.
Nếu thực hiện cả hai bước, đun liu riu và ngâm thì tổng thời gian nên rút về chỉ còn khoảng 30 phút!
- Cho con vịt ra cho nó nguội. Rồi tùy món thì ta tiếp tục chế biến.

* Ghi thêm:
- Cái nồi để luộc vịt đúng là nên kiếm nồi đáy lớn (tiết kiệm nhiệt = bảo vệ môi trường) và thân cao (để nước ngập con vịt).
- Cầu kỳ nhà có khách và muốn ăn món thái trông ra tấm ra món thì luộc con vịt từ tối hôm trước. Khi vịt nguội thì bọc túi rồi cho vào tủ lạnh để ngăn mát. Ngày hôm sau làm bếp vừa đỡ lộn rộn, đến lúc làm món vịt thái miếng thịt vừa đẹp vừa nhàn.
- Có bạn sợ cho gừng tươi vào nó làm hỏng vị nước dùng. Thú thật, ngay cả khi làm món vịt măng thì mình vẫn cho đôi lát gừng vào ở công đoạn nước dùng. Tất nhiên là khi vớt vịt ra thì cũng lọc nước dùng và bỏ gừng đi luôn. Chuyển sang nấu măng, vị gừng gần như biến mất hoàn toàn.

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

trứng rán tỏi và lá thyme

Món học từ bà Walaya. Vốn chỉ biết lá thyme cho món thịt đút lò hay mấy thứ salad, đến khi thấy cho vào trứng thì quả là rất lạ.

- Trứng gà 04 quả (quả nhỏ và tươi từ con gà vườn nhà ăn thức ăn sạch và có chỗ để tập thể dục)
- Tỏi 1 củ (chọn được loại tỏi lai, không quá hăng và gắt là hợp nhất)
- Thyme leaves (ở Hà Nội mình chỉ kiếm được loại trong hộp nhựa nhỏ của McCormick, cũng được)

Cho trứng vào bát, đánh lên với tỏi bằm thật nhỏ và lá thyme. Với 04 quả trứng thì từ 1 đến 2 thìa café lá thyme là được.

Dầu olive tráng chảo nóng rồi thì rán trứng. Mình tráng theo kiểu cổ truyền, lớp mỏng rồi cuộn lại. Nhưng có lần lười tráng dày xốp ăn cũng hay.

Mọi người cứ bảo trứng không được ăn với tỏi. Mình đồng ý với điều kiện là tỏi không đi kèm với lá thyme. Còn nếu hai thứ này tham gia vào món trứng thì mọi cái đều là có thể và thậm chí là rất ngon lành.

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

café

Café thì có nhiều chuyện để nói.

Lúc còn bé tý, chắc mình học lớp 2 lớp 3 gì đó, ở nhà tập thể cấp 4. Nhà dài một dãy, có 10 gia đình tất cả. Nghèo! Lúc đấy có Giang móm bố đi Bulgarie về nên có món cacao. Cả lũ trẻ con xếp hàng dài, chờ bạn cho nếm thử mỗi đứa một thìa. Cười tí tách giữa trưa hè oi nồng với ngụm cacao nóng. Bọn trẻ con bây giờ mà thấy thế thì hẳn khịt khịt mũi bảo là điên!

Quay trở lại chuyện café cái đã. Đó là một ngày họp lớp cấp III của Bố hồi giữa những năm 80. Nhóm bạn đồng học, phần lớn gốc gác Hà Nội, sơ tán lên Yên Bái những ngày kháng chiến. Trong những bác và cô đến nhà, nếu mình nhớ chính xác thì người đem café đến để pha là bác Trâm - vợ của ông Hữu Thọ, lúc đó hẳn đã có tên có tuổi rồi. Cuối bữa liên hoan, mình và bọn trẻ con trong xóm được uống nước sái món café đen này. Cũng như cacao, uống say sưa cái thứ nước gần như chẳng còn vị cũng chẳng còn màu. Ngon!

Vào đại học, quán café đầu tiên mình lân la có lẽ là quán của chị Lan ở Hai Bà Trưng. Thực thà mà nói café ở đây chưa bao giờ ngon. Món uống đầu tiên của mình cũng chẳng phải là café mà là sinh tố đu đủ có pha thêm chút café cốt. Cô Barbara chết mê chết mệt vì món này, sau quay về Paris lần nào cũng nhắc. Những năm đại học nhạt nhẽo ở trường nhưng sôi động ngoài đường, mình đã lê bệt đủ cả. Đầu tiên là dãy quán trên phố Yết Kiêu, bung ra vì có Alliance. Ba năm bì bõm học ở đấy, không biết mình đã dốc bao nhiêu tiền học bổng cộng với tiền Bố Mẹ cho vào cái món nước nâu nâu này. Cũng như chị Lan, café ở đây mình chẳng nhớ có ngon hay không nữa, chắc cũng thường.

Nếu là ngon, uống vào choáng luôn ở Hà Nội thì hẳn phải là ở quán Nhị Nương trên phố Hàn Thuyên. Có người nói xỏ xiên, đã xấu rồi lại còn tự xưng Nhị Nương, khi nhắc tới hai chị chủ quán. Nghiêm túc mà nói thì mình thấy chị mình hay gặp rất "đẹp". Đẹp chứ không phải xinh. Đó là vẻ đẹp của người phụ nữ, người đàn bà đã thực sự trưởng thành về tâm tính, hồn người. Sau lâu lâu café ở đây cứ đổi vị dần nên mình cũng không lui lại. Giờ thì hình như quán đã đóng cửa.

Còn những quán được xem là có tên có tuổi kiểu như café nào Giảng, nào Lâm, nào Nhân gì gì đó, mình đã thử đủ. Nhưng không thích! Có lẽ vì không quen bắt nhịp với một thế giới những người đến và đi, lui tới những chốn này vì tò mò, vì muốn tìm hay thể hiện bản sắc. Nhớ những lần tới mấy chỗ này, hầu như lần nào cũng là theo cùng một motif gặp gỡ, theo hẹn với một anh hay một cô bạn đầy mình cá tính: Café à, phải đến đây!

Café ở Hàng Bạc, phần nhiều là ngồi ngay ngoài hè, được vài người tụng ca hết lời. Cũng đã thử. Vừa đủ thích nhưng không đủ độ say đắm để tự mình quay lại.

Hay nhất là vụ café Mái Lá trên ngõ Tràng Tiền. Giữa những năm 90, quán này, thực ra là một cái bar, có mình trong đó chẳng khác nào tiệm cao lâu phải tiếp thằng ăn mày. Chui vào là vì đi cùng chị H. phố Huế và một số chị em sành điệu khác. Chẳng nhớ café uống ra sao, nhưng cái cốc đẹp của quán thì nhớ.

Bây giờ ai hỏi có quán café ruột không, câu trả lời của mình bao giờ cũng là Lan 10A Hai Bà Trưng kèm theo lời chú: nhưng không phải là để uống café.

Café ngon với mình là café ở nhà. Sáng thong dong đi châm bình café, loại bình thủy của Ý - hay đúng hơn là ấm đun hai tầng, nước nóng ngăn dưới chạy qua phần trên mặt rồi làm cho một thứ chất lỏng sánh và đậm cứ lừ lừ trào ngược ở ngăn trên, đủ hai hoặc ba đận. Uống café một nửa, sữa tươi một nửa - café là chất dẫn để uống sữa mà uống sữa thì hy vọng nó cho mình tý canxi, đơn giản là thế. Café bột lúc đầu là của nhà Ân Nam, nhưng sau khi Ân Nam có nhà cung cấp mới thì mình thấy vị của nhà này không còn thú vị nữa. Giờ thì tèng tèng thăm bác Corlou, cứ đôi tháng lại một bận đủ cả café vị quế, ngũ vị hương, hồi, hoặc có lúc thuần arabica. Chắc vì mình già nên uống nhè nhẹ thế và cảm thấy rất mỹ mãn. Còn nếu thật sự thèm một ly espresso, tốt nhất là sau một bữa tối no nê ở quán Ý trên phố Thợ Nhuộm thì tặng cho mình một tách. Uống xong chắc chắn đêm mất ngủ, mà mất ngủ thì sẽ lơ mơ nhớ tới hai tuần tưng bừng sáng café, trưa café, tối café ở Florence khi sang thăm Oli.

Nếu ai hỏi nhớ café ở đâu nhất, mình sẽ trả lời không ở đâu cả. Quán chic trên đại lộ St-Germain gần trường mình học hay quán bình dân toàn "rệp" (xin lỗi các bác!) ở Paris, quán nhuộm đầy nắng vùng Toscane, quán sạch đến từng milimetre ở Basel hay chạy tọt sang Mỹ nếm café phong cách slow ở Mystic, café nhà làm trong bữa sáng ngập nắng ở Austin, tất cả đều thú vị nhưng không phải là cái mình thực sự muốn được thưởng thức lại bằng mọi giá. Nếu là muốn thì sẽ phải là một hộp French Chicory giá chưa tới 10 đồng một hộp tướng mua tại chợ Á Đông ở New Heaven. Chicory này không phải là loại công nghiệp kiểu đóng hộp gấy của Nestle đâu nhá. Mà là Chicory hộp thiếc, mình cũng chẳng nhớ mác chính xác nữa, chế tại Mỹ, ở đúng New Orleans luôn. Đối với mình đây thực sự là món đồ uống bạn nhất thiết phải nếm trước khi chết!

Trong khi mơ có ngày được ôm lại trong tay cái hộp thiếc màu vàng đã trở thành kinh điển này, đôi khi mình vẫn tiếp tục đầu độc mình, theo kiểu giữa đêm bỗng dưng muốn thức, bằng mấy gói Vinacafe ngọt kinh người và nhạt nhẽo khủng khiếp như bây giờ đang làm! Cuộc đời thật lạ! Lọ mọ giữa đêm để làm việc nhưng lại loanh quanh thành café ký!

cháo đậu đỏ vỡ (red lentils)

Phải chú thích ngay: đậu đỏ ở đây không phải là hạt đậu tươi, to cỡ hai hạt ngô vẫn bán ở hàng rau ngoài chợ mà chị em hay mua về nấu súp.

Đậu đỏ này là hạt đậu đã vỡ, và có lẽ là được cán mỏng nữa, và có màu hồng hồng. Mình đoán hạt đậu gốc chắc to như đậu xanh nhà mình. Sản phẩm của Bob's Red Mill (Oregon), ghi là natural. Hy vọng nó bio thật.

Vì ốm mà đậu xanh trên kệ bếp hãy còn chưa được vỡ nên mình lấy món này ra nấu cháo đậu. Kết quả thật mỹ mãn: ăn cháo rất ngọt, thơm và vị giống y hệt hạt đậu xanh của Việt Nam.

Rất đơn giản món cháo này: một nắm tay nhỏ gạo tẻ, hai nắm tay nhỏ đậu. Trộn hai loại hạt với nhau, vo sạch rồi cho vào nồi với khoảng 0.7l nước. Đun sôi bùng thì để lửa liu riu trong khoảng 30 phút. Gạo trắng nở bung, đậu ngả xanh, hợp sắc lại trông rất hấp dẫn.

Mình đã thả mấy hạt muối vào nồi cháo, giờ ăn với ruốc Mẹ làm. Ngon và thấy tỉnh cả người!

Kết luận: không nên chấp nê theo đúng công thức. Và phải dám thử một tý. Bác bên Mỹ nấu súp thì nhà cháu nấu cháo, vẫn ổn như thường!

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

mắm dưa đà nẵng

Ghi lại thông tin để không quên:
Mắm dưa Dì Cẩn
Lô 108 chợ Hàn, thành phố Đà Nẵng - ĐT: 0511.3812424
NR: K99/2B, Lê Đình Dương, thành phố Đà Nẵng - ĐT: 0511.3816217

Thật sự ngon? Không. Nhưng mà "khoái". Ăn mặn, cay, dưa thì giòn.
Mẹ cho là có chất gì tạo độ giòn. Con gái cũng e ngại như vậy nhưng vẫn chén tì tì. Ăn với cơm nguội và ruốc - bữa tối của kẻ lười. Ăn xong thì uống nước bằng bát chứ không phải bằng cốc hay chén. Đúng là bạn của bác thằng Bờm!

sách về món ăn hà nội cổ truyền cần mua

Thỉnh thoảng lò dò trên mạng thì phát hiện ra nhiều điều thật là hay.

Hôm nay, mình có thêm một cam kết cho tháng 8 này. Đó là sẽ bổ sung cho góc sách còn khiêm tốn về ẩm thực một cuốn về món ăn cổ truyền Hà Nội mà chỉ tên của người biên soạn/tác giả thôi cũng đủ đảm bảo mức độ hay và thú vị của sách:

Nguyễn Phương Hải: Món ăn Hà Nội cổ truyền.
Sách do nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin in năm 2011, dày 170 trang.
Thấy ghi là có bản chữ Anh. Giá bìa 300.000vnd.

Rất hồi hộp chờ ngày đi vào phố để kiếm nó!

Ghi thêm ngày cuối tháng 11 năm 2011, vừa ghi vừa cười hì hì: hành trình mua sách phá sản hoàn toàn vì đi tới đâu người ta cũng bảo là không biết, không có. Gọi điện hỏi tác giả, tác giả cho một cái địa chỉ. Đi tới đó, thì ra là Trung tâm giáo dục thường xuyên của quận nhà. Hỏi tiếp cũng vẫn là màn tắc tịt. Cười xòa bảo cái duyên mình nó chưa đủ đầy. Thôi đành bỏ!