Ở Hancock, do lạ nhà lạ giường, tôi thấy mình giống xác ướp di động, giữa đêm vùng dậy, mò mẫm ra phòng khách ngồi nghĩ ngợi một hồi rồi bật radio hóng hớt.
Chương trình trò chuyện lúc 2h42 sáng ngoài bà dẫn có ba khách, một ông chủ chuỗi tiệm cafe nhượng quyền đến từ xứ Ấn, một ông barista đồng hương với James Joyce và một cô Mỹ nhân viên phục vụ trong tiệm cafe địa phương ở một thành phố nào đó thuộc tiểu bang North Carolina.
Cô khách duy nhất không hẳn nói về cafe mà là về phân loại khách uống cafe, hiểu biết và không hiểu biết [về thức họ uống], lịch sự và không lịch sự, thân thiện và không thân thiện.
Anh chàng đến từ Dublin không rõ có phải đệ tử của Cụ Bụt không, say sưa triết lý thiền-cafe. Cái ví dụ nổi tiếng về một nhân vật nổi tiếng nào đó trong một sitcom nổi tiếng nào đó - nhân viên chạy bàn - phàn nàn rằng thì là mà sau một ngày dài rót cafe không ngớt tay cho khách, đến khi về nhà thấy bạn nước nâu này khiếp hãi muốn chết có thể nói xem ra không đúng trong trường hợp của anh này. Lập luận của anh rất hay ho, mỗi khách là một câu chuyện. Vì thế mỗi lệnh đặt đồ uống bản thân nó là cửa mở một hành trình. Ngày dài làm việc bên quầy pha chế trở thành chuỗi hành trình thú vị của các bài thiền-pha cafe siêu ngắn.
Còn ông chủ khởi nghiệp người Ấn lại nói về cái thách thức to đùng đối với cafe "đích thực": cafe xơi liền cùng ảnh hưởng của nó tới một đám đông khách hàng. Ông này bảo, có nhiều khách nghĩ pha cafe đơn giản là đổ bột cafe vào cốc, khuấy vài nhát và thích thì cho thêm đường, sữa, thế là xong. Ông lại kể, có khách dõng dạc gọi cappucino không cafe, đơn giản vì nhìn cái cốc có bọt trắng trắng thì lầm tưởng là một loại sữa đánh bọt.
Nghe đài trong đêm đến đúng 3h25 sáng, tôi quay lại với màn tranh đấu cam go cùng cơn mất ngủ. Sáng ra ngó tủ lạnh không có sữa, tắp lự bỏ ý định uống cafe.
Một ngày không có nước nâu, hóa ra tôi vẫn sống khỏe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét