Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

bắc ninh mùng 5 tết (05.02.2022)

(1)

Lúc tôi bước ra sân, TL cùng cô em khách về chơi nhà Bắc Ninh đang cúi đầu ngó điện thoại và nói gì đó. Tôi hóng hớt. À, thì ra là chủ đề ngày thần tài, là chuyện bà con rủ nhau đi mua vàng lấy may.

Tôi có ki-bo đến mấy thì vẫn phải dắt lưng mấy cái hồng bao nho nhỏ, tiền đó tính khéo đủ mua một hai chỉ vàng, nhưng được việc này thì phải bỏ việc kia. Thôi, coi như nhà cháu đây năm nay ngó lơ Cụ Thần Tài. Ngày 5 hay chuỗi ngày 8-9-10 nhận lộc may mắn từ Doji ý à, nhà cháu cóc quan tâm.

Mà ở nhà Bắc Ninh hay lắm nhá. Các cháu của Mẹ đến chúc Tết, phong bao từ HD Bank qua củ tỉ củ ti nhãn mác này nọ phong phú đa dạng sắc màu và kích cỡ. Đến lượt hai cụ già nhà mình, cứ tiền tươi thóc thật, tờ tiến cứng quẹo là ô-kê-la. Tôi trêu đùa Mẹ, thế này chẳng nhã tẹo này. Bà cụ già tỉnh bơ, thế là được rồi. 

Mà thêm cái mà nữa là năm nay tôi chẳng nhận được xíu quà mừng tuổi nào trừ một cái mặt nạ chân chính made in Korea từ bà cô áp út bên Nhà Nội trước khi chúng tôi khởi hành đi Bắc Ninh. Tôi đoán là Cô qua nhà con trai ăn Tết thì lấy từ chỗ cô con dâu, người chuyên xài đồ Hàn Quốc từ đầu tới chân :-)

(2)

Tết năm nay ở quê Ngoại, TL và tôi đi chúc Tết hai nhà, một anh họ thân cận là cháu ruột của Mẹ và một chị họ là con gái của chị họ thân thiết của Mẹ.

Đến nhà anh họ thân cận, anh đang ở nhà xưởng lọ mọ tháo dỡ máy móc chi chi. Chúng tôi hỏi thăm thì ra anh "mở hàng" Tết hôm nay. Chúc sự nghiệp sửa chữa của Anh phát tài phát lộc a :-)

Ở nhà anh họ thân cận, chúng tôi cười lăn lóc với/về chuyện làng qua lời kể của Anh. 

Nhà hàng xóm kế lưng tưng bừng âm thanh của lễ hầu đồng. Anh họ giải thích, sáng nay chủ điện mời sư về cúng. Còn chiều thì mở phủ đầu năm. 

Tôi nhầm nhà này với chị họ xa bắn bảy tầng không tới đã từng làm vãi ở chùa làng. Hoá ra không phải, bà này [chủ điện] chẳng họ hàng chi sất với nhà mình. Chị gái có lịch sử mấy đời chồng không rõ, đại khái lang thang phiêu bạt chán chê thì giờ ổn định cuộc sống ở làng một nách ba con. Sau mấy tháng học nghề, không rõ có bằng tốt nghiệp hay chứng chỉ chi chi không, chị về làng mở điện. Khách của chị cấm có người làng hay người thôn xã thân cận mà là tít mù tắp từ tận đẩu tận đâu, nghe nói Hà Nội đông lắm. 

Điện của chị và bản thân chị giống như một mắt xích trong mạng lưới bán hàng đa cấp khổng lồ. Thời đại 4.0 trong mồm miệng ông ngày xưa giờ thủ tướng nay hoá thành chủ tịch xứ ta áp sang trường hợp của chị thực chính xác không cần bàn cãi. Nghe nói mọi sự đều là qua và trên điện thoại, ngựa cao quá đầu người, mã chất đống được chở tới bằng xe tải, lễ từ hoa quả tới đồ mặn đều là đặt hàng theo mối quen, cứ đến ngày đến giờ có khách là cả một đám chỉ có việc nhảy nhót. À quên, cần kể vai trò của bốn ông chơi nhạc nữa, tiền công lao động ở quê mình cho các bác thợ nhạc này là một triệu đồng mỗi ông mỗi lễ. 

Tôi biết anh họ không vui với âm thanh từ nhà bên vọng sang, hấp ha hấp háy xui, Anh kiếm ba bốn cái loa kẹo kéo rồi cứ đến khi bên kia có lễ thì bên này Anh chơi cho em từ nhạc đỏ qua nhạc vàng, lãng mạn, tiền chiến... gì cũng chơi. Anh bảo, làm như cô nói tốn kém. Anh mà thích thì đơn giản hơn nhiều, chỉ có điều hàng xóm láng giềng thì chẳng chơi trò mèo đấy.

Tôi tò mò hỏi trò mèo là gì. À, hoá ra hai nhà chung một cái cầu dao. Anh nhà mình mà thích thì chỉ việc ra đóng phập một cái. Hết ồn ào loa kích âm nhà bên liền a :-)

(3)

Tôi quên không hỏi Mẹ và anh họ về chị gái họ hàng có lịch sử làm vãi rồi chuyển sang môi giới hầu đồng giờ trôi dạt về đâu. Hay là ở làng giờ có hơn một điện hầu nhể!

Nhưng bỏ chuyện đồng cốt sang bên, tin mới là làng có sư. Sư nữ. Và theo tin đồn làng xã được lưu chuyển một cách không chính thức và sặc mùi khả nghi, sư này có bằng đại học Phật giáo [!], được đào tạo bài bản ở Huế, và quan trọng nhất là em nuôi của vợ đầu tiên của một ông bộ trưởng to đùng xứ mình. Ái chà, em nuôi, vợ đầu, bộ trưởng!

Với những gì nghe được, vị sư mới này hiện đang trong thời kỳ "thử thách". Chờ được dân làng, hay chính xác hơn là chính quyền địa phương, gật đầu thì sư mới chính thức chuyển khẩu, chân chính trở thành trụ trì chùa làng. 

Hiện tại, theo lời anh họ thân cận của chúng tôi, sư này được hưởng món "kế thừa" kha khá tốt từ ông sư "hổ mang" ngày trước, người đã vay nợ tùm lum để sắm tượng cho chùa và làm cho chùa làng ngày nay thật khang trang, thật đẹp :-)

Anh họ hi vọng sư mới có thể ổn định vị thế rồi dùng ảnh hưởng mà đề nghị chính quyền giao ao làng cho chùa, bỏ đi cái tiết mục đấu giá cho thả cá tính ra chỉ thu về ngân sách được đâu bốn triệu đồng tiền mỗi năm. Cái lý lẽ đằng sau ý tưởng này của anh họ là nếu ao từ nuôi cá chuyển sang thả hoa súng thì vừa sạch lại vừa đẹp. Mà như thế thì nhà Ông Ngoại, nay là nhà dành cho cháu đích tôn của Ông tức là anh họ thân cận của chúng tôi chúng, cũng được hưởng chút lợi lạc vì mở cổng bước ra đường thì thấy ngay ao làng - ao chùa trước mặt.

Tôi nghe ý tưởng của anh họ xong thì cười phe phé, chuyện dễ mà. Sư chỉ cần phóng một tiếng hẳn chẳng thiếu con nhang đệ tử cúng dường tiền triệu hàng chục hàng trăm, vác một góc mớ tiền đấy nộp ngân sách thì chùa tha hồ thả hoa súng ngoài ao a. Câu nói vừa dứt, tôi đã kịp thấy mình ngu ngốc. Đời nào có thể nói chuyện tiền nong dễ như trở bàn tay vậy chứ. Dù tiền cho thuê ao tính rẻ bèo thì theo quy trình cứ phải là mấy năm một lần đấu thầu, phi thường nghiêm túc chọn ra ông bà trả giá cao nhất rồi tiền vào ngân sách cứ gọi là chặt chẽ li lai. Mà tiền chùa đâu phải nhà chùa - tức sư trụ trì - muốn làm gì cũng được. Nói chung là loằng ngoằng. Hi vọng việc sư mới là em nuôi của bà vợ đầu của ông bộ trưởng nào đó sẽ giúp cho ao làng có ngày trở thành ao chùa. Và ai mà biết được, bên này chùa thả hoa súng, bên kia anh họ nhà mình mở cà phê chùa không phải chùa theo nghĩa miễn phí mà là ở cạnh chùa

(4)

Từ chuyện đồng cốt và sư sãi sang chuyện văn hoá làng xã và dân trí xứ ta, loay hoay thế nào chúng tôi chuyển sang chuyện một thằng cháu họ. 

Thằng bé này có bố mẹ đi Nam kiếm tiền, nó và thằng em ở lại quê được bà ngoại chăm sóc. Bà trông cháu, cháu ngã đau mắt thì đại khái chuyện thuốc thang, đến lúc cảm thấy có vấn đề thì một mắt thằng cu coi như là hỏng. Hỏng cái mắt là một chuyện, con xa bố mẹ đi học thì ít lêu lổng vất vưởng thì nhiều lại thành hỏng về cái con người xã hội. Nó không láo quá láo, cũng chẳng phải tội phạm chi chi, chỉ là sống ngất ngưởng và là tay nói phét đại tài. 

Nó đi làm nhà máy của chủ Hàn Quốc, về tám thế nào mà bố nó tin sái cổ là con mình được làm cai xưởng, và được ông chủ yêu quý như con cháu trong nhà gửi sang xứ người tu nghiệp. Bố nó đợt đấy không làm ở Miền Nam mà về làng sống, mở luôn một bữa tiệc năm sáu mâm mời họ hàng thân hữu đến mừng cho cháu.

Thằng con có con xe hai bánh mấy chục triệu về nhà thông báo với bố, chuyến này đi con bán xe để chi thêm trong chuyến tu nghiệp. Bố nó bảo OK. Về sau này, khi thằng cháu kia dở chứng rồi bỏ lang thang chốn nào chẳng rõ, anh họ thân cận lên tận nhà máy tìm hiểu thì mới ngã ngửa.

Thằng cháu nhà mình nổi danh không phải vì chuyên môn hay năng lực quản lý mà là bê tha và phét lác, nổi từ trong xưởng ra ngoài phố chỗ có bà bán nước chè. Mà cái vụ nó đi Hàn Quốc thì tu nghiệp quái gì. Thằng ranh con mua tua du lịch đãi bạn gái, Giời ạ.

Tôi cười lăn lóc chuyện thằng cháu một mắt của mình thì ít mà vì cái nhận xét của anh họ mình thì nhiều. Ý anh bảo, anh chị mình [bố mẹ thằng bé] lơ mơ thành ra hỏng cả con. 

(5)

Nhân tiện chuyện phụ huynh dư thừa niềm tin vào năng lực của con cái trong nhà, anh họ kể cuối làng có gia đình kia nghèo ơi là nghèo nhưng thằng con quyết chí thi Nhạc viện Hà Nội, tỉ tê thế nào mà bố mẹ nó vay nợ tùm lum rồi bố con đèo bồng ra thủ đô thi thố. 

Kết quả là trượt từ vòng gửi xe. Và dĩ nhiên là lòng thòng nợ nần. 

Anh họ lại kết luận, vấn đề dân trí đấy chứ đâu.

(6)

Từ nhà anh họ thân cận, chúng tôi qua chơi nhà chị họ là mẹ của thằng cháu một mắt đi tu-nghiệp giả ở Hàn Quốc kia.

Anh chị vì cúm Tàu bỏ luôn đất Saigon về quê sống đời nông dân. Khổ nỗi ruộng cấy hình như chẳng có mấy, vườn tược bao quanh nhà cũng thật khiêm tốn nên tính chuyện đồng ra đồng vào so với tiền thu nhập từ buôn thúng bán mẹt ở đất phương Nam quả là khác biệt một trời một vực.

May có miếng đất quá ba sào hai cụ già nhà chúng tôi nhượng lại cho một chị người quen trước nay để một chị họ xa trồng cấy thì giờ chuyển sang tay chăm bẵm của anh chị họ gần này. Năm nay hành tỏi được mùa rớt giá, anh chồng của chị họ than vãn một hai câu rồi lại tự an ủi, may mà anh chị trồng sớm nên bán sớm, cũng được khá tiền. Rồi anh hoan hỉ chỉ cái rẻo đất trồng cần đã bị cắt trụi, hôm Tết cắt hết rau cần đổ buôn kiếm được hơn triệu. 

tỏi quê được mùa rớt giá

kẹo Tết nhà anh họ
lâu lắm rồi mới thấy bạn đồ ngọt này

nhà của người đi Nam
chưa bị cơn sốt đất quật ngã

rẻo ruộng bé tí hin trồng cần thu về hơn triệu

nhân dân tự trang trí - công lao của một chị họ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét