Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

chuyện bánh chưng đeo ngọc trai, mắm tôm hà nội và trà sen lào cai

miền sáng tạo của các
" nhà phát triển nội dung"
(1)

Mấy hôm trước có vẻ như Phạm nữ sĩ sống ở trời Tây làm không ít nhân dân mang danh người Việt cả trong và ngoài Việt Nam hoặc nhảy tưng tưng hoặc tưng tửng gật gù hoặc nữa là nhấm nháp thái độ hai chân hai thuyền với bài viết về bánh chưng của bà. 

Tôi không tò mò và không tìm hiểu, chỉ đơn giản là nghe. Thuận tiện nghe được gì thì nghe. Nghe câu được câu chăng bình luận, khen có chê có mà nửa này nửa nọ cũng có thì coi như là "giải-mù-chữ". Đại khái ai nói chuyện bà Hoài tám bánh chưng thì con giời cũng biết là người ta đang nói chuyện gì. 

Tôi hỏi cô em trong nhà, nó bảo chẳng phải đợi đến bà này thì khen chê bánh chưng có khối người nói rồi; thêm nữa là tác giả có chút "ác ý". Tôi lại hỏi bạn, bạn bảo động đến miếng ăn, không chỉ cấp độ cá nhân mà cả cấp độ quốc gia-dân tộc chuyện dứt khoát không thiếu phần tế nhị và thậm chí là cả phần "thiêng", nói chung là không nên lấy chuẩn "ta đây" mà đánh giá người khác. 

Có người hỏi tôi sao không tìm đọc bài viết này, tôi cười khì khì, thế đọc xong rồi thì làm gì. Từ trước giờ tôi vẫn bị một vài bạn "cấp tiến" chê bôi vì cái thành tích không chịu đọc "Chị Hoài" để có tinh thần "cởi mở" và "phản biện", giờ thêm một bài bánh chưng tôi không biết thì có sao.

Nhưng vẫn là chuyện bánh chưng, Tết năm nay có một chi tiết tôi vô tình biết được và thấy thật thú vị. Đó là có cô gái gốc Việt sống xứ cờ-hoa tạo hình mới mẻ cho bánh chưng truyền thống bằng cách cho bạn này đeo chuỗi ngọc trai. Nghiêm túc mà nói, tôi thấy bức hình chẳng có chi đẹp. Nhưng nhìn vài tác phẩm sắp đặt khác của cô nghệ sĩ này thì tôi thích. Nghĩ khác đi - và đồng hành với đó là làm khác đi - là một dấu chỉ cho cởi mở, hiếu kỳ và có khi là cả bao dung nữa!

(2)

Năm trước, từ Paris bạn kể chuyện một chị người quen - không rõ quê gốc vùng miền nào - cho rằng mắm tôm là đặc sản Hà Nội, và đương nhiên mắm tôm ngon nhất phải là mắm tôm Hà Nội. 

Tôi nghe chuyện này cười té ghế. 

Có nhiều tranh cãi về mắm tôm vùng nào ngon nhất. Cá nhân tôi, cứ phải là xứ Thanh [Hoá]. Tôi đã từng nghe được nhiều đáp án trong đó không chỉ có chỉ danh vùng miền cụ thể mà đôi khi còn lẫn cả những đậm đà tình cảm bếp nhà, bếp của Mẹ... nhưng dứt khoát chưa bao giờ nghe chuyện mắm tôm Hà Nội.

(3)

Hôm qua, vẫn là bạn phương xa lại làm tôi được bữa cười hi hi như một con dở.

Chuyện là bạn gửi cho tấm hình gói trà của nhà Palais de Thé với trà sen [xuất xứ] Lào Cai.

Tôi đã từng uống mấy món trà của nhà này, trong đó ấn tượng nhất là trà-son-phấn vị anh đào xuất xứ Nhật Bản, thấy vui vui. Tôi thi thoảng coi blog của ông sáng lập nhà trà, thấy thú vị vì biết được khối chuyện nho nhỏ hay ho về thế giới các lá trà và những người trồng trà, làm trà... Chỉ vậy!

Còn bạn của tôi thì lại để ý nhiều chi tiết sặc mùi "con buôn" - nói thô thay cho lối văn vẻ "nghệ thuật viết content" hay "phát triển nội dung". À thì bấy lâu nay, chúng ta sống ngập trong các chuyện kể. Hầu hết các sản phẩm thương mại đều có một câu chuyện riêng. Chuyện càng ấn tượng, khả năng bán được hàng đối với nhà sản xuất hay tay buôn và khả năng móc hầu bao đối với đám đông nhân dân-người tiêu dùng "thông thái" lại càng cao. 

Thế nên, giữa một gói trà sen được làm từ một cái làng còn sót lại chút vẻ cũ kỹ nào đó không xa cái hồ to của Hà Nội không tên không tuổi chẳng nhãn mác và một gói trà đóng túi thiếc xinh đẹp và thấp thoáng  xung quanh những chi tiết về một anh người Kinh được lớn lên trong thế giới cây lá của đồng bào dân tộc vùng cao rồi ngày nọ anh khám phá, tôn vinh các gốc trà cổ thụ, rồi trà đó được làm mới/hiện đại hoá với các tầng hương truyền thống miền châu thổ như lài như sen... thì rõ ràng món sau sẽ nhiều phần hấp dẫn hơn món trước rồi. Tôi nghe giải thích của bạn, mơ mơ hồ hồ chán rồi thì cắc-bụp nhà cháu đã hiểu. Thế đấy, dứt khoát bao gói phải đẹp, và quan trọng hơn là cứ phải có một câu chuyện nhá!

(4)

Mà nhân ba chuyện bánh chưng, mắm tôm và trà sen dịp Tết này, tôi nhớ hai chuyện cũ.

Thứ nhất là tô cháo vịt ở cái quán xập xệ bẩn ơi là bẩn ở Cà Mau. Tôi chê bẩn, dứt khoát không ăn. Nhưng vì chờ hai cô em thì tò mò ngó nghiêng. Rồi chốc lát, tôi thấy mình vục mặt trong tô cháo. Ngon khủng khiếp!

Thứ hai là nồi lẩu chuối lươn ở một quán ăn trên con phố chính của một trấn nhỏ xứ Thanh - thị trấn Lào - mà chúng tôi những kẻ xa lạ chỉ có thể biết được nhờ chỉ điểm của một ông công an xã. Ăn ngoài ở xa Hà Nội đối với tôi vốn đã là một thách thức, lại thêm món bày trước mặt là món lươn... úi chà, tôi thực có chút e dè. Nhưng giờ nếu ai hỏi thì ngoài mấy món lươn nấu trong bếp nhà, món lươn ăn ngoài ngon nhất mà tôi đã từng ăn thì ngay tắp lự tôi sẽ kể tên nồi lẩu lươn ở trấn Lào xa xôi đấy.

(5)

Chuyện thức ăn, món ăn, miếng ăn... đại loại là ăn thực không thể là một chuyện chuyên nhất, độc quyền mà chỉ một ai đó - kiểu như một văn sĩ nổi tiếng - hay một nhóm người nào đó - kiểu như mấy tay tự xưng phê bình ẩm thực - mới có thẩm quyền phát ngôn.

Hãy tưởng tượng bạn có một đĩa đậu phụ chiên với mấy cái lá kinh giới hái vội từ vườn nhà. Mắm tôm ngon xứ Thanh không có, à thì đã có một hũ nhỏ mắm nhà làm quà quê của bằng hữu tỉnh Nam [Định]. Mắm quê đó chạm đầu lưỡi của bạn, sao mặn thế, sao gắt thế. Nhưng chỉ vài động tác úm-ba-la hoá phép tài tình với đường, với chanh, với ớt.... bạn dứt khoát có một bữa đậu phụ chấm mắm tôm ngon cái miệng, vui cái dạ mà.

Rồi bánh chưng, tôi biết không ít người gần như cả đời chẳng bao giờ chạm vào miếng bánh tươi, nhưng cứ được mời ăn bánh tét xắt khoanh rán giòn mà xem, có mà ăn như "húc mả tổ".

Rồi sang câu chuyện thanh thanh nhã nhã thưởng trà ngát hương sen. Tôi cóc cần biết sen có phải là sen Tây Hồ không, trà có phải là từ gốc cổ thụ pha sương gió miền núi cao nào đó không, cứ một vốc trà mạn được đằm mình trong một đoá sen vườn nhà Bắc Ninh qua một đêm rồi sau đó được pha ấm nhỏ nhâm nhi, cái ngon của trà không còn là chuyện riêng của trà hay sen mà là ngon của hoàn cảnh, của không khí gia đình-xã hội xung quanh bạn.

(6)

Cận tuổi 50, tôi có cả đống vấn đề sức khoẻ, cái sự ăn, háu ăn và ăn tạp của tôi theo thời gian mỗi ngày một theo chiều hạ dốc. Tôi ăn, tôi uống giờ phần nhiều là theo quán tính. Thế nên, thi thoảng thay vì nói chính chuyện cái sự ăn, tôi lại thấy mình hồ đồ và nhảm với mấy chuyện bên lề. Tỷ như bánh chưng đeo trân châu thì quyến rũ thế nào. Tỷ như mắm tôm thượng hạng thì cứ phải em đây gốc Hà thành. Hay tỷ như trà sen thượng đẳng dứt khoát cứ phải là lòng thòng cái danh phỉ thuý. 

Ăn hay không ăn, uống hay không uống, dứt khoát chúng ta cần thả lỏng tâm trí và giữ cho mình một chút phần vi tiếu a :-)))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét