Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

ngan hai món: cà ri xanh bếp thái và khoai sọ ninh

(1)

Con gái xin Mẹ thức ăn, gà hay ngan, gần như bỏ qua tiết mục nguyên con, mà là pha [chia] thành túi nhỏ. Túi này xương xẩu để ninh canh. Túi kia thịt đùi. Túi kia nữa thịt lườn. Đại loại thế. 

Chẳng phải cảnh vẻ gì ở đây. Đơn giản, nhà ở Hà Nội có hai cái miệng, mà càng ngày càng già thì xem chừng bao tử nó co, mà nó đã no thì ăn sẽ ít đi. Đơn giản vậy.

Hôm rồi TL dùng hai túi thịt ngan lần lượt làm hai món canh.

(2)

Cà ri xanh bếp Thái nấu với ngan. Ngon! 

Ngoài các nguyên liệu tươi bên ngoài, món có hỗ trợ quan trọng từ gói curry paste Maepranom Brand mà tôi tìm được ở Dan's. Rau củ nấu kèm có khoai tây và cà rốt. 

Điểm dở duy nhất là lâu ngày không chạm tới sữa dừa, tôi có chút e dè. Sữa dừa thơm béo ngậy tuỳ người mà có khi lại thành ngấy và bứ. Tôi thậm chí còn biết có người ngày đẹp trời bỗng mắc chứng dị ứng [với] và trở nên bài xích sữa dừa. 

(3)

Nếu thịt ngan nấu canh cà ri xanh bếp Thái là một thử nghiệm, kiểu lần đầu làm món, thì canh ngan ninh khoai sọ là món không lạ trong bếp nhà, nhất là bếp nhà Bắc Ninh.

Điểm đáng chú ý nhất của món là bộ ba rau gia vị: hành lá xanh, mùi tàu và mùi ta.

Đối với tôi, có thể bỏ qua mùi ta. Nhưng dứt khoát phải có hành xanh và mùi tàu thái nhỏ. Hai bạn gia vị này có lẽ quyết định tới 40% thành công và mức độ ngon của món canh ra mâm. 

canh ngan cà ri xanh bếp Thái

canh ngan ninh khoai sọ

này bung, này toang: mày bị chưa

(1) 

Người ta nhìn nhau, khơ khơ khơ chào hỏi, bị chưa, có mệt không. Vui tính hơn thì là hỏi một câu đánh đố, thế mày định bao giờ thì bị [covid]. Giời ạ!

Ngày hôm nay tôi có việc phải đi ra ngoài, việc buổi sáng, việc buổi chiều.

Buổi sáng đứng vất vơ ngoài đường chờ người, nhìn thấy một cậu giao hàng loay hoay đổi tiền mà không được, tôi thương hại bảo, lại đây tớ đổi cho. Cậu chàng đến, phản ứng tức thì của tôi là khoát tay ra hiệu giữ khoảng cách. Được hồi, tôi nghĩ lại chuyện này thì cười phá lên tự dziễu bản thân. Con cúm nó bám vào mấy tờ tiền, cứ xịt cứ phun chắc quái gì nó đã đi chầu ông vải.

Buổi chiều phải chờ lấy bài vở. Anh chị hàng in ấn quen ra ý bảo tôi giữ khoảng cách. Con giời nghi nghi, chắc hai bác này dính chưởng rồi. Y như rằng, cả hai đều kinh qua một tuần covid. Giờ nghe nói con nhóc con vẫn đang trong thời kỳ [tự] điều trị. Chị chủ bảo, hôm nay không dám mời cô nước trà. Tôi cười phe phé, em đang mong bị cho nó xong việc đây này. Được hồi, có một bạn đồng nghiệp đi ngang qua. Hoá ra khu đấy chơi cả dẫy dính cúm. Đông và vui!

Lên phòng chức năng nộp tài liệu, tôi cười trêu chị lãnh đạo, em đang tầm F một phẩy hai phẩy ba gì đó nên phải giữ khoảng cách với chị. Thế là đám đàn bà trong phòng lại cười ồ lên, có vẻ như một trong số đó đã từng là F0.

cái que thứ hai: vẫn là người "âm" :-)
(2)

Hồi Hà Nội vừa bước ra thời kỳ xê-ri giãn cách, Chị Q qua chơi với chúng tôi kể chuyện về đồng nghiệp đi hỗ trợ cho y tế ở Sài Gòn. 

Chị bảo cả một đám có đủ mọi triệu chứng của người nhiễm covid. Xét nghiệm nhanh người âm người dương loạn xà quầng. Sau cậu trưởng đoàn tỉnh táo, làm một cú xét sâu. Chả ma nào dương tính cả. Hoá ra có bệnh tưởng covid. 

Giờ xem ra cả TL và chúng tôi đều mon men cái căn bệnh đó. Tôi trở về nhà giữa chiều, cảm thấy họng đau rát, sờ chán thấy có vẻ âm ấm khác thường, rồi lại quyết định là hình như mình bị đau đầu. Mỗi cái món Tào Tháo đuổi là không thấy. Phân vân chốc lát, ừ thì test nhanh. Hôm nay mình vẫn là người "âm" nhá. Tốn của tớ đây chín chín nghìn đồng tiền :-)

(3)

Theo cập nhật của Chị MA, vẫn luôn là toà nhà cũ kỹ của chúng tôi dẫn đầu thành tích số lượng F0 của toàn bộ tiểu khu. 

Chuyện này nghe thật lạ kỳ. 

Hay là do phong thuỷ nhể!

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

konjac salad: với dưa leo và giò tai

không đẹp nhưng ngon miệng, vui tinh thần
konjac salad với dưa leo và giò tai
Món lần này đáng gọi là leftovers hơn là bếp hiệp hai. 

Konjac còn dư một ít sau khi được dùng nấu canh hôm trước. Giò tai cũng vậy, vốn mua để làm nộm su hào nhưng vì nhiều nên thành dư. Còn lại chỉ có hai trái dưa leo gầy gò là được coi nguyên liệu cấp một chứ không phải đồ thừa hay tận dụng chi hết.

- Dưa leo xắt lát dài mong mỏng, xóc với xíu muối hầm và bột tỏi khô - lần này tôi dùng vụn bột tỏi, còn ở dạng mảnh vụn lạo xạo chứ không phải loại mịn.
- Giò tai thái sợi dài mỏng như ý.
- Konjac đã qua xử lý (tức là được luộc một lượt) và được lấy ra từ tủ mát, thái lát mỏng dài theo ý, bắc chảo làm nóng, cho các sợi konjac vô, chêm vài giọt dầu mè rồi lại thêm xíu nước tương lạt và vụn tỏi khô, đảo mau tay chừng đôi phút rồi tắt bếp; ngay sau khi tắt bếp thì bổ túc ponzu sauce, đảo một lượt và để sang bên chờ nguội.

Ba thành phần nguyên liệu kể trên được trộn đều trong thố. Mè trắng đã rang được giã dậy thơm, rắc vô và đảo/trộn một lượt nữa. Thế là mình có một phần salad nhìn không hẳn đẹp mắt nhưng ăn vô miệng cho thanh mát, cho giòn giòn sần sật, rất chi là vui vẻ.

Tôi đặc biệt thích sự kết hợp của bộ ba hạt mè giã/dầu mè ngậy bùi thơm + tamari nước tương vừa đủ đậm lại vừa đáo thanh + ponzu sauce dìu dịu chua dìu dịu thơm vị trái yuzu.

Món làm cho bữa trưa nay có giò tai là do "tai nạn" - nguyên liệu dư. Nếu không, tôi nghĩ cứ konjac với dưa leo đã đủ ngon miệng và vui vẻ cái tâm trạng rồi!

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

dọn sách thấy gì

Các bao tải cuối cùng đã được tháo dỡ. Sách về căn bản vẫn là được đóng trong các túi các bịch. Nhưng dù gì, nhìn chúng xếp chồng lên nhau gọn gàng một góc nhà vẫn còn khá hơn cái đống bao dứa đựng gạo hồi trước.

Tôi cần tìm đám sách vở chị em. Mắt căng ra được hồi thì mỏi. Mỏi một hồi thì thành toét nhèm. Đó là chưa kể húng hắng ho, hẳn là do thành tích hít bụi chữ nghĩa.

Trong lúc tìm những sách vở và ghi chép cần tìm, tôi phát hiện nhiều món hay ho nho nhỏ, những thứ nhắc nhớ tôi về con người, về nơi chốn, và về cả những cái tôi điên khùng mà tôi đã từng sống.

Tôi chưa bao giờ là fan của Dzung Yoko
nhưng cô nàng Anna này, tôi thích :-)

sách ông cụ Vincent gửi cho
chưa đọc quá hai trang

mứt gừng kim long xứ huế

mứt gừng Kim Long xứ Huế
Tôi mò vào Dan's Shop ở góc đường Thanh Niên để tìm curry paste bếp Thái.

Đứng lơ va lơ vơ đợi thanh toán thì nhìn thấy hai bịch mứt gừng ghi Kim Long, Huế. Mua hay không mua đây? Vừa kiếm được hơn ký rưỡi gừng tươi từ nhà Biggreen, tôi đang có ý làm một mẻ mứt. Vậy mua hay không mua đây?

Hỏi chơi bác chủ một câu, thế là bô-lô-ba-la một tràng đây là mứt nhà mua dịp Tết nhiều thì để mấy bịch bán, rồi mời khách nếm thử trước khi quyết định mua hay không mua, rồi mứt gừng Kim Long nổi tiếng xứ Huế.

Tôi không thử mứt, khoát tay vậy em làm một bịch.

Mứt nhìn đẹp mắt là một chuyện, ăn cay cay nồng nồng gặp đúng mấy ngày Hà Nội lạnh, dù Tết đã qua thì vẫn cứ là hài hoà hợp lý.

Bình thường nghe địa danh Kim Long, xứ Huế, tôi chỉ biết đất đó có các cô gái đẹp, rồi sau nữa là có món bún thịt nướng. Giờ, tôi có thêm một gạch đầu dòng giải ngố, xứ Huế mình có món mứt gừng Kim Long.

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

vườn hiên lạnh

Trời lạnh. Tôi trốn tiệt trong nhà. Vườn tý hon ngoài hiên thành vất vưởng sống.

May là từ đôi ba hôm nay Ông Trời cho nắng, đem lại chút cảm giác ấm áp lừa gạt. Thế là sau bữa trưa, có đứa dở hơi lọ mọ kê kê dọn dọn góc hiên nhà căn hộ.

Kế hoạch sắp tới cho hiên nhỏ sẽ là kê lát vài tấm gỗ để khi hè sang tôi có thể thò chân trần ra đứng bới dọn các chậu cây.



trứng hấp vân, trứng hấp long

hấp vân thì ai mà chả biết
nhưng bếp mình đặc biết: hấp [rồi] long
Lần đầu tiên món trứng hấp vân tôi làm lại thành thảm hại thế này, phần trứng vỏ bánh cuốn và phần nhân giò sống ôm lạp xưởng cứ như cặp đôi trong hồi hờn dỗi chẳng chịu ôm ấp quấn quít với nhau như phải là.

Nhưng bỏ qua cái sự long, cái sự lỏng lẻo đó, thì thử nghiệm trộn nhân giò sống lần này đối với tôi có thể xem là thành công:

- giò sống
- nấm hương khô
- nấm mỡ trắng tươi
- konjac
- hỗn hợp hành tươi và mùi 

Trừ giò thì tất cả nguyên liệu còn lại được thái và/hoặc bằm nhuyễn. Trộn chúng với giò sống. Thêm xíu tiêu xay cho thơm.

Lạp xưởng ăn chơi, tôi chỉ dùng 1/4 cây. 

Cuốn rồi hấp. Hấp chín dỡ ra đợi chờ. 

Món này khều tay chơi chơi ăn vã giữa chiều lạnh, rất thích!

đợi trứng nguội

bung ư, toang ư: ngoáy mũi, phụt phụt và cách ly

tờ này chưa kịp bong rơi
Chuyện giờ thực bi-hài.

Trước, bị è ra ngoáy mũi, nhân dân cáu rinh. Giờ, khối nhân dân đổ xô đi tìm mua kít-tét, trong đó không ít người phàn nàn nào khan hiếm, nào giá cao. 

Trước, cứ có ca F1 mà xem, cán bộ y tế phường xuống phi thường nghiêm túc chỉ đạo xịt chỗ ni phụt chỗ tê. Giờ, việc dồn hết sang tay đội bảo vệ và đội vệ sinh của toà nhà. Hỏi tại sao, thì cán bộ dương tính gần hết roài.

Trước, cả toà nhà có một hay hai trường hợp F1 thôi mà đã khăn gói quả mướp đi cách ly với tháp tùng của cả đống cán bộ. Tờ quyết định dài hơn manh chiếu được ghim ở chính giữa bản tin, thực vinh dự, mà cũng thực gây sợ. Giờ mỗi ngày tính ra chưa đến chục thì cũng cứ phải là trung bình 4-5 căn có người dính chưởng cúm Tàu. Những nhân dân này được tự cách ly y tế điều trị tại gia tuốt. Và từ khi họ có kết quả dương tính đến lúc họ nhận được quyết định của y tế phường thì có khi vài người trong số đó đã kịp khỏi bệnh. Lý do rất đơn giản, y tế phường quá tải, F0 thì nhiều như zum-bi, thế nên ra quyết định không kịp.

Mà liên quan đến tờ quyết định, trước cứ là tờ A4 đánh máy chuẩn chỉnh, giờ là quyết định sản xuất hàng loạt, để nguyên cái ô trống để cán bộ điền tay tên và địa chỉ người bệnh. Cho nó mau!

Trước, người ta tranh cãi về hình thức của biển thông báo đặt trước các nhà có người cách ly y tế tại gia. Hồi đó có không ít nhân dân véo von so sánh, giống như cẩn thận, có chó dữ ý nhể. Giờ, có nhà giấy hôm trước dán tạm bợ với mấy mẩu băng dính, hôm sau nó bung và rơi rồi bay đi mịa đằng nào chẳng rõ. Tờ giấy xem ra cũng chẳng quan trọng, quan trọng là cái ý thức tự giác của người đang cách ly trong nhà. Đơn giản vậy thôi. 

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

bung ư, toang ư: cứ bình tĩnh, ai rồi cũng có quà

góc an trú nhỏ
(1)

Lúc đầu tôi nghĩ là mình nghĩ nhảm. Nghĩ ra một chuyện rồi ngắm nghía cái sản phẩm suy nghĩ của mình rồi sau một hồi thì là tự dziễu, tự sỉ vả mình, sao mà u ám, sao mà bậy bạ. 

Nhưng với những ý nghĩ điên rồ khác không nói làm gì, riêng suy nghĩ phát sinh từ mấy bữa nay rằng thì là mà trước sau ai cũng dính chưởng cúm Tàu, tôi càng lúc càng "kiên định lập trường" của mình. 

Mới hôm qua chỉ nghe chuyện Cô Nương, người nhà của đồng nghiệp của TL có kết quả dương tính thì sáng nay tôi lại nghe thêm tin bé con trong nhà gia nhập câu lạc bộ. Con nhóc còn bé tý xíu, ngày thường lanh lanh đùa chơi như một con khỉ con, giờ nghe chuyện nó than con đau đầu thật là tội nghiệp. Mà thói đời nghĩ cũng lạ, có bao nhiêu tổn thương và mất mát từ năm trước qua năm nay, nhưng phải đợi đến khi những con số và thông tin dính líu đến người chúng ta biết, người chúng ta yêu quý thì cảm giác mới thực sự nặng nề. Tôi không nghĩ đây là thói đạo đức giả mà đơn giản là cơ chế vận hành của tâm lý nơi con người, chỉ đơn giản thế thôi.

(2)

Sáng hôm qua tôi nghe TL thì thào, kìa trên mạng bà con đang kháo nhau thành phố này bung rồi, toang rồi. Cho đến cuối ngày, tôi vẫn mù tịt không rõ tổng số ca nhiễm mới được thống kê trên cả nước nói chung và của/ở riêng Hà Nội là bao nhiêu.

Nhưng cái dự cảm "bung" và "toang" thì xem ra thật gần với tin về em bé nhỏ ở trên, với thông báo-kêu gọi tình nguyện viên cho công tác phòng chống dịch ở cái phường nơi chúng tôi sống. Mẩu thông báo-kêu gọi ngắn gọn bắt đầu với thống kê số "nhiễm": 6/7 người của trạm y tế, 10/24 của công an, 4 cán bộ chuyên trách của phường và nhiều thành viên trạm [y tế] lưu động cũng như tổ hỗ trợ.

(3)

Ngày hôm nay khởi đầu với rất nhiều nắng, bầu trời không xanh nhưng cao và trong.

Tôi đi bộ ra chợ tiểu khu, xuyên qua chỗ bãi xe, sân chơi thể thao và góc công viên nhỏ dành cho thiếu nhi, nghe lảnh lót bọn chim chuyền cành, nhìn thấy một tiểu đội nhí đang ngồi ngay ngắn thành hàng trên dẫy ghế dành cho khán giả của sân đánh tennis vốn dành cho bọn người lớn, nhìn ngó một cái cây và hỏi tên của nó mà ông bảo vệ - người được hỏi sau hồi ngẫm nghĩ đành phải bảo tôi cũng không biết là cây gì. 

Chợ tiểu khu chỗ nào đóng quầy vẫn cứ đóng quầy, còn chỗ nào mở đông vui vẫn cứ là đông vui. Các bà cô bà thím ngồi quây một quán chè chén vỉa hè, sát sàn sạt người này với người kia, ai cũng có khẩu trang vắt ngang qua mặt... và sôi nổi tám. Chỗ kia có một tiệm giặt là công nghệ cao mới khai trương chừng hôm đầu tuần hoa hoét kết giỏ kết vòng vẫn còn tươi roi rói nhưng bản mặt của anh chàng đứng quầy sao mà cạn kiệt sức sống. 

Về đến nhà, tôi tìm một góc ngồi gõ note nhỏ của ngày, qua ô cửa sổ thấy ngạo nghễ chóp lâu đài của ông chủ tên Thanh hiệu chữ nôm nhà cẩu nổi tiếng một thời đất Hà thành với mấy con gà không rõ là dát vàng hay bằng vàng nguyên khối. 

(4)

Gần giờ ăn tối, TL nhận điện thoại từ cô người quen.

Cô nói cả cô và chú đều dính covid. Có ai đó cho cô chú lá cây xuyên tâm liên (?), dùng rất hiệu nghiệm.

Hai cô cháu nói chuyện ề à có lẽ gần hai chục phút. Sau đó, TL gọi điện về Bắc Ninh nhắn nhủ hai cụ già chú ý tự "bảo vệ" mình thật tốt và kết luận, có lẽ vấn đề giờ là bị cho nó xong một việc.

(5)

Tối muộn Chị MA nhắn thêm một tin cập nhật tình hình ca nhiễm mới trong toà nhà. Lần này là nhà hàng xóm cùng tầng gió hú mà tôi đặt biệt hiệu lão dâm tặc hái hoa, kết hợp hai phẩm chất dzê cụ và chuyên công khai vặt hoa lài dưới sân vườn chung của tiểu khu. 

Sau chừng nửa giờ vẫn là bà chị đính chính thông tin, số nhà đó là ở toà bên kia. Tôi nhắn lại, em còn đang thắc mắc sáng nay thấy ông lão đó nhởn nhơ dưới sân. Chị MA tức thì dặn dò, chớ chủ quan, trong số đồng nghiệp của anh xã nhà chị có hai vị cả ngày ở cơ quan bình thường, đến tối về nhà đồng loạt nhắn tin báo mình đã trở thành F0 và nhà chị giờ kích hoạt trở lại chế độ khẩu trang. Nghe cái sự cẩn thận này cũng có lý a.

(6) 

Mọi thứ xét ở vẻ bề ngoài của chúng có vẻ hết đỗi bình thường. Nhưng tôi biết, trong thành phố này đang mơ hồ âm ỉ những lớp sóng phản ánh thứ mang tên dịch bệnh. 

Xem ra lời nhắn mang tính bình luận thoảng vị u-mặc của bạn phương xa tối qua không hẳn là không có cái lý của nó, cứ bình tĩnh, ai [rồi] cũng có quà!

đường ra chợ

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

bung ư, toang ư: gừng nguyên giá, kít-tét cháy hàng

(1)

Cuối tuần tôi gọi điện hỏi cửa hàng Biggreen phố Ngọc Khánh có còn hay không gừng củ. Em gái nhận điện trả lời hết hàng. Tôi ú a ú ớ một câu, mai chị gọi lại vậy. 

Hôm sau ngày đầu tuần cuối sáng tôi gọi hú hoạ, nhà em nhập gừng củ chưa. Nhận được câu trả lời khẳng định, con giời hoan hỉ, làm ơn để riêng cho chị, giờ chị qua liền.

Tôi bất chấp băn khoăn của TL trước con số không ngừng gia tăng ca nhiễm mới trong toà nhà và chủ trương "cố thủ" trong nhà của cô em, che kín người ngợm mà phi ra đường... đi tìm các củ gừng Mộc Châu yêu quý.

Ngoài tưởng tượng của tôi, giá gừng củ hình như chỉ nhỉnh 5 ngàn đồng tiền một ký so với lần mua trước Tết, cũng tại Biggreen.

Ơ thế cháy hàng gừng sả cùng nồi xông là tin đồn à?

(2)

TL làm việc ở nhà.

Tin tức về cúm Tàu từ đồng nghiệp xem ra càng lúc càng phức tạp. Trưa nay, cô em nghe thêm tin mới là người nhà của một cô cùng cơ quan vừa phát hiện dương tính. Cô này chuyên việc chợ búa tiếp xúc nhiều người đã là một nhẽ, lại thêm tuần trước có vụ đi khám mắt, giờ cái que thử cho hai vạch có ngồi nghĩ nát óc cũng chẳng biết nguồn cơn là ở đâu, từ ai. 

Mà với tin tức này, xem chừng chưa biết chế độ ON/OFF thế nào thì cô em nhà mình chắc chắn cứ phải chuẩn bị tinh thần tét, tét và tét. Phòng khi cơ quan ra yêu cầu kiểm tra và báo kết quả để lên kế hoạch phân công công tác ở văn phòng hay tại nhà.

Bữa trước tôi rón rén mua hai que thử, kể chuyện với Chị MA đã bị bà chị doạ, mau mua thêm đi kẻo giá lên vèo vèo kia kìa, chưa kể là không cẩn thận còn bị cháy hàng. Con giời nghe vậy cười khơ khơ. Sau đó đi qua tiệm thuốc thấy người đông như kiến cỏ thì sợ không dám mò vào. 

Trưa nay, sau cái tin cô người nhà của đồng nghiệp của TL dính chưởng thì cả TL và tôi bắt đầu khẩn trương, còn mỗi một cái kít thử thì không được. Nào, xông pha mình đi mua kít-tét. 

Ở hiệu thuốc quen, cô đứng quầy bảo chiều mai tầm bốn rưỡi năm giờ Chị qua nhá, giờ nhà em hết hàng rồi. Tôi vớt vát, thế có cái nước xịt xịt tay không, cái đấy nhà em cũng hết, chỉ còn lọ gel cỡ nhỏ thôi. Hỏi xong và được trả lời xong về vụ cái bình xịt, tôi quên sạch thông tin mua kít-tét, thế là lại lơ mơ có phải là chiều mai bốn rưỡi không em. Cô nhân viên nhẫn nại trả lời với cái nhìn đầy vẻ bề trên ban ơn cộng với chút vẻ vang tự đắc của một chức việc nhà nước ở các cơ quanh hành [là] chính. 

Tôi đã định quay về nhà căn hộ nhưng tiện đường rảo bộ thì đi thêm một đoạn, đến một tiệm xưa nay thi thoảng vẫn ghé qua mua mấy đồ y tế. Kít-tét à? Có liền. 99 nghìn một bộ nhá. Hàn Quốc hay Tàu hả Bác? Đương nhiên Hàn Quốc rồi. 

Một cuốc đi bộ, tôi về nhà với 7 bộ xét nghiệm và một chai xịt xịt sặc mùi sả, tự quảng cáo xịt phun sương nhưng thực tế là xịt sóng trào, nước cồn lạt chảy toé roe, cái ví bỗng rỗng đi gần tám trăm ngàn đồng tiền. Úi, hơn tuần tiền chợ của tui đó!

Nhưng mà thôi, tôi chẳng kêu ca thêm chi nữa. Có cái túi này, coi như là yên tâm. Để khi bị/được yêu cầu, chúng tôi không lúng túng đến mức loạn lên vì những sự thiếu, khan và/hay cháy hàng.

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

bung ư, toang ư: còn hơn nỗi sợ

(1)

Tôi lẩn thẩn nghĩ, được hồi thì tạm kết luận, sống thế này còn tệ hơn thời kỳ "xê-ri giãn cách" năm trước. 

Xem ra giờ phổ biến một câu hỏi mọi người dành cho nhau qua các màn hình công nghệ hay khi mặt đối mặt - thường là ở khoảng cách trên dưới một mét - là Anh/Chị/Cô/Chú/Bác/Mày bị [cúm Tàu] chưa? Tất cả là vấn đề thời gian - bao giờ mình, chúng mình dính chưởng [covid], đơn giản là vậy.

Và thời gian chờ đợi này, ngàn lần khó chịu hơn là đợi Godot, thực là khó chịu. Chúng ta biết chuyện sẽ đến, nhưng khi nào, theo cách nào... úi chà, không biết!

(2)

Các thông báo được gửi qua tin nhắn giữa các cư dân của toà nhà càng ngày càng đậm mùi u-mặc. Tin mới nhất sáng nay là tin kép. Nhà kia tầng lầu thấp có gia đình người con gái dương tính và giờ quyết định đi chỗ khác cách ly (đọc đến đây, tôi chủ quan suy luận rằng thì là mà chủ nhà hẳn là các cụ già và các cụ già này hẳn là đã dương tính trước đó). Cán bộ quản lý toà nhà canh thời gian gia đình đó chuyển đi thì sẽ ngay tắp lự vệ sinh khử khuẩn tầng lầu, khu đổ rác và thang máy. Tin nhắn còn lại là vì có quá nhiều F0 nên phường ta giờ mới ra xong quyết định cho 8 trường hợp dương tính tự cách ly điều trị ở nhà. Tôi tự hỏi, trong số 8 trường hợp đó, liệu có hơn một ca đã hoá thành âm tính sau cả tuần tự điều trị a.

Cơ quan của TL đã chia đội nhóm rồi mà loay quanh thế nào hết bên này F1 lại bên kia F0 nên lịch làm việc cứ gọi là "đảo điên", từ ở nhà thành đi cơ quan rồi lại từ đi cơ quan thành ở nhà, đại khái là cứ ON/OFF nhấp nháy liên hồi. Giữa những tắt mở đó thì chắc chắn một điều là các cán bộ phải biết tự lo thân, tự ngoáy mũi cập nhật tình hình âm dương để cơ quan còn biết mà chỉ đạo đi làm hay không đi làm. 

Cũng sáng nay Chị MA nhắn tin cho tôi kể rằng nhìn xung quanh bạn bè họ hàng người quen biết có khối vị đã và đang mắc covid. Lại một lần nữa, câu hỏi Bao giờ đến lượt mình quay trở lại gõ cốc-cốc tâm trí tôi.

(3)

Tôi định cả ngày ngồi im trong nhà nhưng đến cuối chiều, sau một cuộc điện thoại, vẫn cứ phải là đi ra ngoài.

Xe hàng được đẩy vào thang máy, chưa đầy một phút thang dừng. Tôi nghe tiếng người, ngẩng lên thấy xanh một mảng. Hai người chẳng rõ ông hay bà, già hay trẻ, kín mít với đồ bảo hộ, một mang bình phun và một cầm giấy cùng bút hẳn là đang tích các đầu việc đã hoàn thành. Họ mất đâu năm giây nhìn nhau rồi trao đổi đôi lời quyết định phun hay không phun. Chẳng ai nhắc tôi bước ra hay đứng im nên tôi quyết định thuỷ chung vị trí của mình. Cái vòi của bình phun được tua đi tua lại đôi ba lượt chỗ mép cửa thang máy. Nhiệm vụ hoàn thành.

Tưởng thế là xong, nhưng trước khi thang máy đóng cửa lại vọt một thân người đồng hành cùng tôi. Anh này xuống tầng lầu cách một tầng phía dưới, tay mang mớ giấy. Anh quay sang nói với tôi như thể với người quen biết cũ, tình hình phức tạp quá, giờ mình cứ phải cẩn thận, nhất là cho các cháu bé bác ạ. Dạ vâng ạ.

(4) 

Thang máy dừng ở tầng trệt, tôi bước ra đập ngay vào tầm mắt là tấm bảng ghim kín các tờ quyết định,

Xe hàng được đẩy ra chỗ hẹn ở cổng to của khu chung cư, lọc xọc suốt một quãng đường. Bình thường âm thanh đó đối với tôi thực vui tai, nhưng giờ lại có chút nặng nề.

Cô gái nhận hàng nói với tôi, em ngại [covid] phải khai báo bảo vệ nên đợi ở đây. Ừ, nghe có lý!

(5)

Về lại nhà, TL nhắc bếp nhà thiếu sả và chanh. Tôi hỏi, để làm gì. Trả lời, phòng trường hợp cần đun nồi nước xông. À, đã hiểu.

Nhìn đồng hồ đã muộn để xuống chợ tiểu khu. Thôi, để mai tính tiếp. Mà đã ra ngoài thì hẳn tôi còn phải nhớ nhắc mình mua thêm một hộp kít-tét nữa. Giờ chả ai bắt nhân dân khối vị cũng chăm chỉ tự giác ngoáy mũi, ngoáy cật lực luôn.

(6)

Tôi không gọi đây là cơn hoảng loạn hay cận-hoảng loạn. Nhưng đúng là  hơn là nỗi sợ đã lững thững theo bám tâm trí tôi từ hồi đầu năm 2020 tới giờ.

Nói vậy không có nghĩa là bàn một cuộc thắng thua tâm lý ở đây.

Với tôi, thách thức là giữ sao cho cơ thể bình bình ổn ổn theo hướng khoẻ mạnh, và một tinh thần sẵn sàng gỡ chỉ nếu/khi rối. Việc này khó, nhưng là việc cần làm!

làm chơi sủi cảo tê tê cay cay nhắc bếp tứ xuyên

(1)

Thứ Hai đầu tuần, kế hoạch đi ra ngoài bị huỷ vào phút cuối. Sau đó, có tin nhà Biggreen có gừng củ, tôi lại hấp tấp chạy xe ra Ngọc Khánh để mua. Trong tiệm, nhìn thấy khay thịt xay nhỏ tôi tiện tay nhặt với suy nghĩ, mình sẽ làm sủi cảo.

Vỏ bánh mua ở Lương Văn Can, một dãy quầy hàng tôi cứ nhằm cái đầu tiên mà dừng lại gọi mua. Cậu bé bán hàng nghe lời yêu cầu của tôi thì gợi ý, chị lấy một thếp hai chục đi, tức 20 ngàn đồng tiền. Tôi nhìn xấp bánh có vẻ ít thì đòi gấp đôi. Lúc về tới nhà TL nhìn thấy có ý hỏi, mua đây chất lượng đảm bảo không, tôi thật thà trả lời, ăn thử thì biết vậy. May là vỏ bánh đó rất ổn.

Vỏ bánh này tôi đã làm một tô sủi cảo hôm cuối tuần, với nhân là hỗn hợp trộn thịt nạc vai xay + thịt tôm tươi cả xay lẫn bằm + giò sống. Nhân bánh bữa đó có sắc xanh của hành lá, lại thêm xíu sần sật của vụn mộc nhĩ bằm. Tôi rất hài lòng về bộ ba thịt - tôm - giò sống nên định sẽ lặp lại kết hợp này.

(2)

Ai ngờ trời lạnh, cộng với tin tức dồn dập trong ngày về các ca dương tính trong toà nhà và hoạt động phun khử khuẩn, tôi lười chẳng ra chợ tìm giò sống nữa. Nhân sủi cảo vậy là chỉ có tôm và thịt bằm.

cái gì cũng vừa phải: không đỏ rực rỡ,
chẳng óng ánh sánh dầu ớt, nhưng đảm bảo tê tê cay cay
nhắc nhớ bếp Tứ Xuyên
- Tôm và thịt bằm được cho vô cối với hỗn hợp gia vị gồm tiêu xay, xuyên tiêu giã mịn nhất có thể, bột hành tây, muối hầm, tỏi và gừng bằm nhuyễn rồi chạy máy xay một lượt rồi lại một lượt.
- Sau đó nhân xay trộn tiếp với hỗn hợp bằm nhuyễn tỏi tây - thay cho hành lá xanh bếp nhà không còn và mộc nhĩ cũng như hành hương và gừng, thêm vài giọt dầu mè cho thơm và không bị dính
- Nước luộc sủi cảo là nước đun vỏ tôm với vài lát gừng, một cây tỏi tây, đôi ba cọng cần Tàu, muối hầm và xíu bột rong biển

Sủi cảo luộc chín vớt ra khỏi nồi, cho chạy qua tô nước lạnh rồi sau cho ra giá lưới để ráo. Đến bữa thì luộc/trụng nóng lại tuỳ ý, có thể ăn khô với dấm đen và nước tương, mà cũng có thể làm nước xốt hay nước xúp mà rưới hay chan.

Phải ghi chú ngay ở đây là lần làm món thứ hai này rất kém ngon so với lần làm món thứ nhất:

- Dùng tỏi tây thay cho hành lá khiến nhân bánh vừa kém thơm lại lạo xạo cứng
- Tôi tham lam bấm máy xay nhiều lần làm cho nhân thịt - tôm bị mịn quá, mà mịn quá đồng nghĩa với "bã"/"xác" quá. 

Túm lại, bài học tôi rút ra được cho bản thân là cứ hỗn hợp bằm tay tôm - thịt heo rồi sau đó thêm phần nhuyễn của giò sống là ngon nhất!

(3)

Bỏ qua câu chuyện nhân sủi cảo của lần làm thứ hai này không được như kỳ vọng, điều làm kẻ ăn tục tôi đây khoái chí là phần nước canh chan sủi cảo mang phong vị bếp Tứ Xuyên quả là thích hợp cho một ngày vẫn còn lạnh như hôm nay.

Vì vội đánh chén nên tôi bỏ qua tiết mục rang thơm tử tế gia vị trước khi nấu nước canh. Đại loại cách nấu lần này là:

- Nồi nấu nước canh làm nóng, cho mấy nguyên liệu vào đảo mau tay (không cần dầu mỡ phụ trợ nhá): hạt mùi khô + tiêu hạt trắng + xuyên tiêu + đại hồi + ớt khô Tứ Xuyên + gừng thái lát
- Nghe hương gia vị dậy thơm góc bếp thì cho nước dùng gà vô, đun tới sôi thì bổ túc thêm chút sốt đậu răng ngựa bếp Tứ Xuyên - nhớ dùng thìa dằm nhuyễn - để hóng thêm phần vị thơm đặc trưng cũng như đường nhan sắc óng ánh đỏ ngậy 
- Dùng vá lưới để trụng nóng các miếng sủi cảo trực tiếp trong nồi nước canh rồi cho vô bát hay đĩa sâu lòng
- Rắc gừng thái sợi mịn và rau mùi ta thái rối lên trên, nước canh kia trong nồi được chan - qua vá lọc - vào nhiều ít tuỳ ý người ăn

Trời lạnh, xì xà xì xụp một phần sủi cảo chan canh tê tê cay cay rất chi là thích!

Bữa sau tôi nhất định sẽ làm lại theo hướng hoàn thiện một công thức cho riêng mình. Và dứt khoát sẽ tránh xa cái cối xay. Cứ phải là tay băm tay bằm tay phết nhuyễn mới thực có nhân sủi cảo ngon như ý a :-)))

sủi cảo nhân chuẩn chỉnh làm bữa đầu
thịt và tôm bằm + xíu giò sống
ăn với dấm đen úi a chèm chẹp

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

bung ư, toang ư: cách chúng mình bắt đầu tuần mới, ngày mới

chuẩn bị cho ngày mới,
sau rồi lại ở nhà
Tôi lơ mơ trong cơn ngái ngủ, tay rờ cái điện thoại ấn nút huỷ chuông báo thức không rõ mấy lượt thì mới có thể nhấc tấm thân nặng nề khỏi giường ấm. 

Pha cho mình một cốc cafe bự khởi động ngày mới, tuần mới. Lọ mọ lục tủ đồ lôi ra cho bằng được cái mũ bảo hiểm loại che tai, dự tính lát nữa đội nó để chống lại cái lạnh buốt chẳng vui vẻ gì ngoài đường.

Thế rồi có một cú điện thoại. Mọi kế hoạch thay đổi. 

Vấn đề là TL được yêu cầu phải làm xét nghiệm nhanh và cập nhật tình hình cho cơ quan, hầu cơ quan của cô em còn tính đường thu xếp, phân công công việc.

Tôi cứ nghĩ hai cái kít-tét nằm im trong túi thuốc mua bữa trước và túi thuốc đó tiếp tục im lìm ở một góc nhà, ai dè vừa bắt đầu ngày mới của tuần mới thì chúng được nhớ tới.

Con chị hỏi con em, con em hỏi con chị trước cái bộ xét nghiệm. Chữ trong tờ hướng dẫn bé ti ti, căng hết mắt tôi mới đọc ra được thông tin. May mà hướng dẫn rõ ràng.

Hồi hộp tính đếm thời gian, hồi hộp ngó kết quả. 

Xong xuôi, tôi lầu bầu, đi toi 65 ngàn đồng tiền của tui đây. Rồi lại ân cần hỏi thăm TL, thế có đòi cơ quan tiền chi cho cái kít-tét vừa rồi không nhể. 

Chọc vui vậy xong thì tôi nghiêm túc nghĩ, ừ giờ tôi đã hiểu tại sao ở ngoài tiệm thuốc đa phần nhân dân rón rén mua chỉ có một hoặc hai cái kít. Vì cứ cộng tiền lại mà xem, ra cả mớ to à. Mà nếu hàng ngày TL phải chăm chăm chỉ chỉ làm ít nhất một cái xét nghiệm nhanh để báo cáo cơ quan thì chi phí đâu phải nhỏ a :-)

hồi hộp

bánh mỳ kẹp thịt kho tàu vị xuyên tiêu

(1)

Bánh mỳ "chuột" ba ngàn đồng tiền một cái, được nướng lại sao cho nóng giòn, thịt kho tối hôm qua giờ vẫn nguyên trong nồi sứ với một lớp mỡ trắng đóng đông ôm ấp, cứ mấy miếng bự vậy kẹp vô bánh. 

Cắn một miếng thô lỗ. Rùm rụm âm thanh vỏ bánh vỡ tan trong khoang miệng. Tự bánh mỳ nhỏ đã hơn một tầng cấu trúc, hơn một tầng vị với giòn rụm của vỏ bánh, ấm mềm mà lại hơi dẻo của ruột bánh, giờ lại gặp gỡ cái ngậy mướt của mỡ cùng dẻo sánh của bì và chắc ngọt của nạc trong miếng ba rọi, tất cả làm nên một kết hợp hài hoà đến khó tả.

Về hình thức, từ miếng thịt kho để nguội cho tới cái bánh kẹp được làm một cách ẩu tả, chẳng có gì là đẹp mắt. Nhưng về cái đường ăn, tôi tự khen mình, cũng được đấy chứ! 

(2)

Miếng ba rọi được cô hàng thịt ở gần nhà cũ quảng cáo siêu ngon, tôi lười thì nhờ cậy cô thái miếng giúp. Khách bảo em chia làm sáu miếng, miệng nói còn đầu óc thì đã có một hình ảnh miếng thịt được chia đều thành đúng sáu miếng xấp xỉ ô thịt của ông họ Tô. 

Ai dè cô kia lia 5 nhát dao chia đều thành 6 lát thịt dài. Tôi thực muốn khóc, đành bồi thêm câu nữa, làm ơn cắt đôi mấy miếng đó. Kết quả, 6 miếng thịt to hoá thành 12 miếng thịt to vừa vừa, đại loại là giống như bao diêm Thống Nhất kéo dài thêm một nửa :-)

(3)

Thịt được rửa với nước muối lạt, sau đó lại cẩn thận trụng tráng qua nước sôi rồi để ráo.

Nồi kho thịt là nồi sứ, cứ nguyên cái nồi làm nóng, cho thịt vô áp đáy nồi ở lửa trên trung bình. Kiên nhẫn chờ, kiên nhẫn lật mặt các miếng thịt, khéo sao miếng thịt sém ngả vàng, săn săn là được.

Thịt dỡ ra khỏi nồi, dấu mỡ tiết ra xiu xíu đó được dùng để phi thơm hỗn hợp gồm:

- tiêu trắng nguyên hạt
- tiêu xuyên
- ớt khô (bếp Tứ Xuyên)
- đại hồi
- gừng thái lát
- tỏi bóc để nguyên tép
- hành hương bóc màng vỏ để nguyên củ

Phi thơm gia vị một lượt rồi thì cho thịt áp chảo sơ qua lúc nãy vô lại nồi, bổ túc - tính theo đơn vị thìa súp - 1 hắc xì dầu từ chai chữ vuông nhãn mác gì tôi không biết đọc + 1 hắc xì dầu nhà Lee Kum Kee (chuyện hài là chai xì dầu này dùng đã non nửa tôi mới phát hiện ra là mình lấy nhầm, dùng nó thay cho nước tương thông thường) + 1 rượu vàng + 1 rượu mirin và một dúm xíu muối hầm. Trộn đều rồi để thịt được ướp vậy chừng nửa giờ.

Sau cữ thời gian đó, bổ túc nước xâm xấp, hành tươi cả phần thân củ trắng lẫn lá xanh được xắt đoạn dài chừng 5-7cm rải một lớp lên trên bề mặt. Đậy vung đun nồi tới sôi, mở vung rồi khẽ đảo một lượt nguyên liệu, niệm đôi ba phút đợi chờ rồi hạ nhiệt bếp về liu riu, đóng lại vung nồi và để nồi kho tự vận hành trong chừng một giờ đồng hồ. Xíu quên, ở công đoạn này, tôi cho thêm vào nồi kho một thìa cafe bột rong biển hầu cường ngọt thay cho đường. 

Trong thời gian kho thịt, có đôi ba lần tôi háo hức mở vung ngó nghiêng, rồi khẽ đảo các miếng thịt. Tôi nghĩ việc này không cần thiết vì nước kho gần như ôm ngập các miếng thịt. Đây hẳn là vấn đề thói quen.

Nồi kho thành phẩm vẫn còn kha khá nước kho chứ không phải là cạn ráo. Các miếng thịt do công lao của hắc xì dầu có màu sậm rất đẹp. Thịt ăn ngon, tôi hài lòng. Và điều làm tôi thích thú hơn cả là vị thơm của xuyên tiêu. Rất vừa phải, không gắt gỏng mà thoang thoảng tê tê cay cay. 

Tôi chưa làm thử món kho Tàu kiểu Thượng Hải. Nghe nói thịt kho đó ngon nhưng quá ngọt. Thôi, cứ kho Tàu kiểu ta, vốn đã có nhiều công thức phong phú, hay mần theo mấy công thức tự xưng Tô Đông Pha chính hiệu hay nữa là Chủ tịch Mao cũng đã đủ vui vẻ rồi.

Chưa kể, dù không bài xích quá đáng kiểu eo ôi em không ăn thịt, lại càng không mỡ dứt khoát em không chạm đũa [vào] thì đúng là tôi vẫn phải chú ý cái mồm miệng của miệng. Thi thoảng làm món với ba rọi vui vui vậy chứ dứt khoát là không nên quá thường xuyên a :-)

ba rọi kho tàu vị xuyên tiêu
kho tối hôm trước, giờ kết đông

bánh mỳ kẹp thịt kho tàu

bung ư, toang ư: này khan, này hiếm, này tăng

(1)

Gừng củ trong nhà dùng gần hết. Tôi thong thả tìm số Biggreen để gọi hỏi xem hàng họ thế nào thì qua mua đôi ba ký, vừa là dùng như gia vị bếp, vừa là để làm chơi tiếp mứt gừng. Cô gái nhận điện bảo em hết sạch hàng.

Sau cuộc điện thoại hỏi thông tin, tôi mới nhận thức ra là Hà Nội đang trong cơn vơ vét từ thuốc qua thảo mộc, rau củ có công dụng giúp trị/ngừa cúm Tàu a. Giời ạ!

(2)

Chị MA gửi cho tấm hình kèm lời giải thích, trà khô trong túi ép chân không. 

Tôi hi hi ha ha nhớ ra nhà mình có một hộp trà cam-quế, chụp ảnh gửi cho bà chị và hỏi, Chị thích thì em san cho một nửa. Chị trả lời, vừa mua xong món tương tự.

(3) 

Cũng Chị MA hôm qua phàn nàn đi và hỏi vòng vòng mà chưa mua được bồ kết. Tôi đoán là để xông nhà xông cửa.

(4)

Về vụ xét [nghiệm] nhanh, bữa trước tôi mua hai cái que hết 110 ngàn đồng tiền, hôm nay bà chị cập nhật vẫn là nhà thuốc đó, giá đã là 60 ngàn đồng một que. 

Mà thế vẫn là rẻ. Vì em của Chị sống dưới Hoàng Mai, nhà 4 người từ hôm trước đến giờ chăm chỉ tét nhanh tốn đâu gần 2 triệu đồng tiền mua kít-tét. Giá mỗi que dưới đó là 90 ngàn đồng.

(5)

Các cơn "sốt" này làm cho tôi thấy thực phiền. May là trong bếp chúng tôi chỉ cần củ gừng chứ chưa đến mức quýnh quáng tỏi, sả chi chi để mà loạn óc. 

Tôi đang tính chuyện mua ít than củi để làm thử vài món xông/nướng, nhưng giờ thì "thối chí", e rằng bà con trong cơn say nồi niêu đất xông hơi thì chắc than cũng vơ vét ráo trọi à.

TA biết chuyện tôi "đu dây" chạy ra hiệu thuốc Tây mua thuốc đối phó bạn cúm Tàu thì cười nhạo tôi chút vụ mua vitamine [cho] đàn bà. Theo bạn thì cái sự phân biệt đó thực là vớ vẩn. Xong rồi bạn hỏi có cần bổ sung gì thì mua gửi về cho. Thôi khỏi, tôi mua về cho yên tâm, chứ túi thuốc vứt xó rồi kia kìa.

Mà cũng là chuyện TA kể, bên Tây giá cái kít-tét cũng tăng nhá. Hoá ra đâu chỉ là vấn đề ở xứ mình a!

Rồi tôi dư máu xỏ xiên, bắt đầu âm thầm tự hỏi, không rõ mấy que tét kia chất lượng Việt Á chuẩn Việt Nam có đạt không nhể. 

đây trà khô của bà chị

chị kể chuyện thì con em nhớ mình có món này

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

bung ư, toang ư: toà nhà, tầng lầu cùng thi đua

cứ thong thả từ sáng tới giờ đã có 4 nhà tham gia câu lạc bộ
thông tin càng lúc càng ngắn gọn
(1)

Đôi ba tháng trước, tôi nhận các thông báo dưới dạng tờ quyết định cách ly y tế của Y tế phường sở tại đối với ca nhiễm sống trong toà nhà từ Chị MA thì chỉ nghĩ đơn giản là bà chị tiện tay chụp hình từ bảng thông báo dưới sảnh rồi gửi cho tôi, đứa lười không chịu để ý ngó nghiêng để nắm bắt thông tin. Sau tôi nhận ra rằng thông báo từ Chị có khi vượt thời gian, đến tay tôi trước khi tờ quyết định được ghim vào tấm bảng. À, hoá ra anh nhà có chân trong ban đại diện nhân dân, vì thế mà thông tin đảm bảo được cập nhật kịp thời và lưu loát.

Tuần trước, bà chị bảo, nhiều ca quá nên giờ anh nhà chán chẳng buồn chụp hình các tờ quyết định mà chỉ gõ tin nhắn gửi chuyển tiếp. 

Còn từ hai ba hôm nay, tôi phát hiện, tin nhắn mà bà chị gửi cho mình ngày càng trở nên ít phần formal, nếu không nói là cụt lủn cộng với chút màu ngôn ngữ hài đời thường. Cúm Tàu xem ra đã trở thành chuyện ngày thường ở huyện, chúng ta nói về nói giống như ngày mai gió mùa đông bắc về, nhớ giữ ấm.

(2)

Giữa hai toà nhà mới và cũ, có vẻ như số ca nhiễm ở toà cũ áp đảo số ca nhiễm ở toà mới. Tôi tám nhảm với Chị MA, chắc tại toà nhà mình không có cái vụ quẹt thẻ khi vô thang máy nên con cúm nó lộng hành. 

Sau rồi tôi mới biết, sự thật đúng là vậy, nhưng nói áp đảo thì là sai toe toét. Chính xác chỉ là nhỉnh hơn chút. Sở dĩ chúng tôi đã từng có ấn tượng về sự chênh lệch lớn là vì ông xã của Chị MA chỉ tập trung gửi tin liên quan đến toà bên này. Bên kia đã có đồng chí đại diện nhân dân khác lo việc.

(3)

Mấy hôm Tết, nhà chếch đối diện có người mới chuyển vào sau khi gia đình tiền mới với hai đứa trẻ một không nói, một nói theo cách đặc biệt chuyển xuống khu biệt thự nhà giàu. Nhà mới chuyển đến tiệc tùng ầm ĩ cả ngày lẫn tối khuya. Đã đôi bận tôi muốn chạy sang nhắc nhỏ nhưng nghĩ chuyện tết nhất, lại nữa là người ta mới đến hẳn đang khoái chí ăn mừng thì dứt khoát "mũ ni che tai", bỏ qua.

Năm mới chưa được mấy ngày, cửa nhà đó dán tờ giấy ghi Cách ly y tế. Tôi hú vía, may mà mình không thò cái mặt sang a.

Từ bữa nhà hàng xóm có F0, con giời tính toán chuyển địa điểm đổ rác. Nhưng tính toán đó thực là rất dở hơi vì giờ đã có thêm hai hộ trong tổng số 9 hộ của tầng lầu dính cúm. Mà hai nhà này lại chuyên đổ rác ở cái địa phương mà tôi mới khám phá. Hic, khôn lỏi hoá thành khôn thừa. Tôi được bữa tự dziễu mình. 

Mà hay nhá, nhà thứ hai của tầng lầu dính cúm được hai hôm thì sang nhà thứ ba chính là căn đối diện và cũng là căn có chung sân vườn. Tôi thi thoảng chạm mặt người lớn của hai hộ này, đại khái là có gật gù ra cử chỉ chào hỏi [cho] phải phép chứ không nói chuyện gì. Nhưng qua nhiều lần vô tình đi ngang qua hay chạm mặt, tôi biết hai nhà đó có giao lưu gần gũi ra phết. Vì thế, lúc này tôi tự hỏi, vụ dính cúm hai nhà đối diện nhau liệu có liên quan yếu tố giao lưu không nhể.

(4)

Dù thế nào thì tâm thái, tâm thế của tôi, của chúng tôi lúc này là chuyện gì cũng có thể xảy ra. Thế nên, cứ cẩn thận nhất ở mức có thể.

Còn lại là đi mua thêm mấy củ gừng vì nhà sắp hết bạn gia vị này. Lại thêm vài trái chanh nữa. Để sẵn sàng mình đây mình uống chanh gừng mật ong a :-)

À mà có nên mua củ sả hay mấy món lá xông nữa không nhể? Tôi tự hỏi thế rồi cũng tự trả lời luôn, thôi dẹp. Vì nghe nói bà con tranh mua ngoài chợ mấy món lá cùng bếp và nồi xông dữ lắm. Giờ loạng quạng ra đấy rồi hoá thành mất công thì đúng là chả đáng :-)

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

khi hà nội chúng mình ướt nhoét

Thì tâm trạng con người sống trong thành phố, ít nhất là trường hợp của tôi, rất chi là tệ.

Lúc mới nhìn mặt sàn tầng hầm nhà xe sáng nay, tôi choáng váng. Bác coi xe giải thích, tự nó ướt đấy. Rồi bác ân cần dặn dò, đi chậm thôi kẻo ngã. 

Mà chẳng phải mặt sàn tầng thấp, ở hành lang của tầng lầu chúng tôi sống, cũng cứ là ướt nhoét. 

TL đi làm về kể chuyện theo lời cô đồng nghiệp, nhà cô mỗi ngày đổ đi hàng lít nước từ máy hút ẩm. Tôi thật thà, thế mình mua một cái nhể. Tức thì bị mắng, có biết cần bao nhiêu cái máy và mỗi cái bao tiền không. Thôi dẹp!

Nhà căn hộ có đến một vạn điều dở hơi, từ dở hơi to tướng tới dở hơi nhỏ nhặt lặt vặt. Nhưng thời gian này, tôi thực đánh giá cao việc sống ở đây. Trên tầng cao, các cánh cửa lại luôn được đóng kín, vì thế cảm giác ướt nhoét não nề xem ra giảm bớt đi đáng kể mỗi khi chúng tôi về nhà.

bung ư, toang ư: đây sáng kiến nhốt âm thả dương

Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đây là chuyện hài nhảm giữa hai chị em với nhau. Trong các mẩu tin nhắn hàng ngày giữa tôi và Chị MA, bà chị không phải một lần nhắc tới cái ý rằng thì là mà đến một ngày đẹp trời, F0 sẽ đông hơn người thường [chưa/không nhiễm cúm Tàu] và vì thế tốt nhất là Y tế phường nên ra quyết định cách ly cho các F-không-0 thay vì cách ly F0.

Rồi hôm trước, trên mạng nhện lưu truyền một bức hình mà tôi nghi là hình chế, với cái chú thích, giờ là lúc các F0 đang chăm sóc một F1 duy nhất trong một gia đình.

Hà Nội được vài người tám là đang trên bờ của bung và toang. Tôi không theo dõi tin tức nên chẳng rõ thực hư thế nào. Chỉ biết cùng tầng lầu 9 căn thì đã có hai hộ được ghim tờ giấy A4 đánh máy cách ly y tế to đùng. Cửa nhà mở ra lấm tấm vết phun của thuốc khử trùng. Còn nữa là dọc hành lang cũng như thang máy cứ gọi là "thơm phức" mùi thuốc phun đó đánh bạn cùng cái vị khăn khẳn tanh tanh đọng lại sau mỗi sáng hai cô lao công rê miếng lau sàn đẫm nước tẩy rửa sặc mùi hương hoa - son phấn.

không khí chung cư có chút mùi doạ người
ra phố thì là bình thường... không mới

chơi chữ: âm chăm dương
hình TA lấy từ mạng nhện gửi qua

bung ư, toang ư: thì tớ đi mua thuốc

một "gia tài" thuốc men:
cảm xuyên hương Yên Bái - lạ hoắc a
trà gừng Trafaco - ừ chuẩn
vitamine tổng hợp cho đàn bà - mua theo nhà thuốc
hai que test - đu dây theo bà khách lạ
nước xịt họng - hỏi bừa hoá ra mua được
(1)

Giờ Bồ Tát đi tuần và xơi cơm, tôi lóc cóc chạy xe ra nhà thuốc Liên Mai mua thuốc.

Sở dĩ có chuyện này là vì gần trưa, Chị MA gửi cho tấm hình tiệm thuốc-chuỗi mới mở gần nhà với lời chú, bình thường lơ thơ khách, giờ phải xếp hàng. Theo lời Chị, mấy món thuốc thang liên quan bạn cúm Tàu giờ vô nhà thuốc không phải món nào cũng dứt khoát có sẵn. 

Tôi tám một câu, em đang [tự] bảo phải mua ít cảm xuyên hương. Tức thì bà chị thúc giục, đi mua luôn đi, kẻo lại không còn.

(2)

Nhà thuốc nói đông "nghịt" thì hơi quá, nhưng đúng là đông thật.

Tôi xếp hàng với cả một tiểu đội người đợi đằng sau, có cô gái trẻ lanh chanh từ đâu chạy tới chiếm cứ quầy thanh toán. Tôi nhắc một câu, cô này một mặt ra chiều ngượng ngập, mặt khác lại bày ra cái vẻ chanh chua hót-gơn Hà Thành thời 4.0 không văng tục chửi bậy nhưng hàm chút ý thách thức trước bà cô già tôi đây, ừ thì chị cứ mua đi. Ừ thì chị mua, em gái vui lòng chờ nhá :-)

Mà cô kia lanh, nhả lời kiểu cà khịa xong thì tót sang quầy ở cuối cửa hàng lúc này vừa kịp trống. Tôi nhìn cô mà phì cười. Em cứ lớn nữa đi, cứ già thêm chút đi, rồi sẽ thấy mấy kiểu tí tách đỏng đảnh láo toét này thực là thừa thãi a :-)

(3)

Khách hàng dõng dạc trình bày với cô đứng quầy đang tay giấy tay bút: ba hộp cảm xuyên hương, ba hộp trà gừng - nhớ là Trafaco nhá, em có xịt họng thì cho một cái, à mà thêm cả hai cái tét [test] nữa nhá. Chuyện mua test là vì trước đó mấy phút tôi ngó thấy có bà khách đứng ở quầy bên mua hai cái, con giời nghĩ nhanh mấy giây thì quyết định đánh đu bắt chước người thiên hạ.

Cô quầy nói xịt họng ong ong gì đó, tôi nghe mãi không thủng, dứt khoát chốt định, chị lấy.

Rồi tôi tiện miệng hỏi cô, thế có cái món vitamine gì ngừa cúm Tàu không. Nói đi nói lại, cuối cùng tôi theo tư vấn của cô quầy, làm thêm một hộp vitamine tổng hợp dành cho đàn bà. 

(4)

Hiệu thuốc đông vui tôi nói phóng lên là ngang ngửa hội làng. Có vẻ như đến bác coi xe cũng cười miệng ngoác tận mang tai trước cái sự làm ăn sao tốt đấy, ấy là tôi đồ thế vì ông bác đeo khẩu trang. 

Có bà bác đang chờ người nhà mua thuốc, đứng cạnh xe máy tay chân vung vẩy bài tập cơ thể. Bác gái nói gì đó, tôi nghe không rõ thì tám mấy câu về chuyện thuốc thang. Rồi cao hứng còn nói với bác gái không quen kia, cứ từ từ thì bác cháu mình rồi cũng thành F0 hết Bác nhể. Bà bác cười khanh khách đồng ý liền. 

Nhớ hồi mới rộ lên cái tên Vũ Hán rồi sau đó là những tuần những tháng đen tối ở một góc Châu Âu và xứ cờ hoa, tôi cứ gọi là sợ, là run cầm cập. Giờ thì sao, tỉnh bơ, nhăn nhở, và nhảm!

(5)

Vậy đấy, thế là tôi cũng giống như ai, cũng giống như không ít nhân dân Hà Nội đang đổ xô đến các tiệm thuốc để "càn quét".

Sau những màn tranh mua thực phẩm và thuốc men, rồi tiếp sau đó sẽ là tranh đua vơ vét gì nhể?

Ôi cúm Tàu! 

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2022

cháo nếp đỗ xanh với cải bông xanh và tôm bằm

cốt cháo gạo nếp và đỗ xanh vỡ hạt
nước dùng kép: nước ninh xương heo + nước ninh đầu tôm
nhân mặn có tôm nõn bằm và cải bông xanh
gia vị: tiêu xay + gừng xóc muối và dấm
(1)

Nồi cháo được đặt [nấu trên bếp] theo một cách ngẫu hứng, tuỳ tiện. Tôi lười đi tìm gạo lài nên vộc một nắm nếp, sau đó rờ tay tìm hũ đựng các hạt đậu xanh đã được bỏ vỏ và vỡ đôi. Hai bạn này được trộn nháo nhào với nhau, vo rửa một lượt, để ráo chừng mươi phút thì a-lê-hấp vô nồi bự với rất nhiều nước. Nồi cháo sôi ở lửa to chừng dăm phút, bếp được hạ nhiệt, nồi được đậy nắp, và bắt đầu một quá trình liu riu ninh/nấu cháo.

Cháo thành phẩm mềm nhuyễn và sánh nhờ công các hạt nếp, lại thơm thoảng vị đậu đỗ. Cứ chay như vậy xem ra cháo đã ngon rồi.

(2)

Cháo ở dạng "cốt" - tức sánh và đặc, được bổ túc nước thành món cháo "loảng". Nước thêm vào là nước dùng kép: một phần nước ninh xương heo, một phần nước ninh vỏ và đầu tôm. 

Lại có mấy bạn tôm tươi bóc nõn được TL bằm qua, rồi không rõ là có xóc và ướp thêm gia vị không, cứ thế cho vô nồi cháo cùng cải bông xanh - brocoli.

(3)

Gia vị cho cháo có tiêu xay. Và đặc biệt hơn là một bát chấm nhỏ với các sợi gừng thái mịn xóc xíu muối  cùng dấm, chua chua, mằn mặn mà lại cay cay hăng hăng vị gừng.

Nấu cháo cốt dễ, nhưng đến đoạn làm món cháo rau-tôm thành phẩm thì cần chút tập trung. Thịt tôm nõn bằm cần căn chuẩn thời gian tính từ khi cho vô nồi cháo đang sôi trên bếp, khoảng đâu 3 phút đồng hồ tuỳ cỡ vụn bằm. Rồi với rau cải bông xanh thì vấn đề còn là tuỳ vào mồm miệng kẻ ăn. Cả TL và tôi thích rau vẫn còn hơi sần sật nên rau vô nồi cháo thật mau là tắt bếp và múc cháo ra tô. 

Trời lạnh, người ngợm khó chịu trốn ở trong nhà, lóc cóc nấu được nồi cháo ngẫu hứng rồi lại mất xíu công sức làm ra tô cháo thành phẩm có đủ đạm đủ xanh rau thơm liền mấy tầng gia vị, cái dạ thoả thê niềm vui món ngon trong khi đầu lưỡi lại hoan hỉ với nhiều kết cấu của cùng một món cháo, từ mềm nhuyễn sánh của gạo đỗ qua mềm mà lại sần sật của tôm bằm đến giòn sần sật của súp lơ xanh, bỗng dưng con người có chút phần phấn chấn, vui vẻ a :-)

một món khoai tây chiên [bằng] nồi chiên không dầu

Tôi giữ thái độ e dè, dè chừng với mấy cái đồ bếp hiện đại, nhưng từ từ khám phá nồi chiên không dầu Tefal TL mua, tính đến giờ cảm tưởng của tôi thực không quá tệ.

Hôm qua tôi thử làm lại món khoai tây chiên bằng nồi chiên không dầu.

Nói làm lại vì hồi trước Tết con giời đã một lần hăm hở khai thác cái máy. Kết quả không tốt vì tôi hấp tấp cho các gia vị vào xóc cùng khoai trước khi cho khoai vô nồi, nói đến đây hẳn mọi người có thể hình dung cái bộ dạng cũng như hương vị của các miếng khoai bị chín quá thành cháy phần gia vị rắc.

Lần thứ hai làm món, tôi từ tốn hơn. Và như vậy là tôi có thể chốt hạ công thức cho mình.

- Khoai tây cắt miếng luộc sơ rồi để ráo nước, sau đó xóc trộn với dầu olive và để nghỉ ngơi trong chừng mươi phút
- Khoai cho vô nồi chiên, để ở 160 độ cho hai lượt mỗi lượt 8 phút - giữa hai lượt tất nhiên là phải xóc khoai trong nồi; sau đó nâng nhiệt lên 180 độ và để máy chạy thêm 5 phút
- Khoai nóng dzãy nhảy ra khỏi nồi vô cái tô to trong đó đã bày đặt sẵn tiêu xay rối + muối hầm/bột gia vị + bột tỏi + bột hành tây + vụn lá mùi tây khô (nếu thích có thể thêm chút bột ớt cay)

Khoai giòn đanh lớp mặt ngoài, mềm ruột và có cả thơm cùng ngậy của dầu olive cũng như đủ đậm đà thơm thảo các tầng gia vị trộn.

Hôm qua tôi làm mẻ lớn nên tối nay có một màn leftovers. Khoai chiên lại ngon vẫn ngon nhưng thua xa mẻ làm tối qua, vì lớp "da" đã bị khô ngả quắt. Bài học to là làm mẻ nào xơi mẻ nấy. 

Tôi thích làm khoai chiên kiểu này một phần là vì ăn xong không bị cảm giác ứ vị ngậy bơ hay dầu chiên ngập như các miếng khoai khẩy tay nhặt từ hộp giấy mua ngoài tiệm đồ ăn nhanh. Thơm dầu olive vừa đủ cho cái sự ngậy lại vừa đảm bảo đủ phần thanh nhã.

Nhưng phải mở ngoặc ngay là nếu thật thà hơn nữa mà nói, tôi chẳng cần nồi chiên không dầu chi chi. Cứ một bạn chảo gang hay chảo sắt, có bơ lạt hay dầu olive đáo qua lấy chút thơm chút ngậy bên cạnh dầu thực vật rón rén chiên khoai thì tốt, mà không thì nhà cháu cứ nhắc lại đúng bếp xưa thời bao cấp, khi món khoai tây rán thực là món đặc biệt, đó là dùng mỡ heo rán các lát khoai bổ cau. Ngon lắm (dù biết không mấy tốt cho sức khoẻ theo quan điểm của nhiều người).

chờ khoai vô thì xóc/trộn: muối hầm, tiêu xay,
bột tỏi, bột hành tây, vụn mùi tây khô

khoai chiên lại - leftovers ruột vẫn mềm, vị vẫn ngon
nhưng phần vỏ ngoài hơi "quắt queo", hơi "dai"

súp bí ngô - nấu bằng máy làm sữa hạt tefal

Máy gọi vắn tắt là máy làm sữa hạt nhưng thực có ti tỉ củ tỉ chế độ làm cái này cái kia. Mới rồi, TL đã khai thác công dụng làm/nấu súp của máy này.

- Nước ninh xương heo
- Bí nghệ - butternut squash
- Hành hương + tỏi + tỏi tây (phần thân củ trắng thêm chút cọng lá xanh)
- Tiêu xay 
- Muối 
- Thêm thắt ngoài lề: thịt bóc từ hai con tôm sú nướng có vị nướng (nếu có thêm vị khói hẳn sẽ rất hay ho)
- Xíu dầu olive

Tuốt tuột cho vào cối, bấm roẹt nút chế độ nấu soup.

Súp chín rồi, mình cho ra bát, rắc chút vụn mùi tây khô. Ngon!

súp bí nghệ vị tôm nướng
nấu với nước ninh xương
và nấu bằng máy làm sữa hạt Tefal 

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

rằm tháng giêng

đồ cúng ngọt cho Rằm Tháng Giêng
quà từ Chị MA
(1)

Chị MA nhắn tin, hai phút nữa em mở cửa nhận đồ. Con giời hấp ha hấp háy với khẩu trang che mặt đứng sau cánh cửa, dzỏng tai nghe tiếng động từ cầu thang máy.

À, hoá ra bà chị đặt hai khay bánh để cúng Rằm Tháng Giêng, một cho nhà mình, một cho cô em.

Tôi nhìn khay bánh mà chực phá lên cười. Công nghệ cúng mỗi ngày một phong phú và đa dạng. Nhưng mà hay nhá, đồ ngọt thanh nhã vừa vặn hợp một số gia đình và một số người không quen hay chủ động tránh mâm cao cỗ đầy mặn mặn mặn.

(2)

Hôm qua ngày 14 lịch dưới của tháng Giêng, đột nhiên Ông Trời thương nhân dân Hà Nội và vẩy cho chút nắng trong buổi sáng.

Sau nhiều ngày thu lu tránh rét trong nhà, cuối cùng tôi cũng dũng cảm mở cửa hiên, hiên ngang tay kéo tay xới mà tỉa tót dọn dẹp mấy cái cây tội nghiệp.

Mà như vậy mới phát hiện cây trúc Nhật bị bỏ quên một góc hiên tầng trên đã khẽ khàng cho bông từ lúc nào. 

(3)

Sau nửa ngày của cảm giác ấm áp, tôi bị cái lạnh tấn công khi đêm về. 

Áo TA gửi về vừa nhận lúc tối cứ thế mà phát huy tác dụng. Lớp len mềm của áo được hoá phép thành miếng trùm bao quanh cổ, ấm thật ấm.

Hôm trước tôi nói chuyện với cô em đồng nghiệp, nó bảo lạnh quá nên có đêm em mặc cả áo khoác chui vào chăn ngủ. Lúc đó nghe vậy tôi còn nghĩ cô em mình nói phóng lên chút. Nhưng đêm qua đúng là có con dở hơi một tầng đồ len quấn cổ, người nai nịt từ áo pull sang hoodie rúc ở trong cái chăn thật. 

Rằm Tháng Giêng năm nay ở nhà căn hộ quả đặc biệt a :-)

đồ nếp ngọt ngào này bà cụ già ở Bắc Ninh thích lắm đây

quay trở lại pha và uống cafe

đợi bữa hái ngải cứu nấu canh cá diếc a

trúc Nhật cứ im im vậy mà cho hoa lúc nào chẳng rõ

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

chuyện bánh chưng đeo ngọc trai, mắm tôm hà nội và trà sen lào cai

miền sáng tạo của các
" nhà phát triển nội dung"
(1)

Mấy hôm trước có vẻ như Phạm nữ sĩ sống ở trời Tây làm không ít nhân dân mang danh người Việt cả trong và ngoài Việt Nam hoặc nhảy tưng tưng hoặc tưng tửng gật gù hoặc nữa là nhấm nháp thái độ hai chân hai thuyền với bài viết về bánh chưng của bà. 

Tôi không tò mò và không tìm hiểu, chỉ đơn giản là nghe. Thuận tiện nghe được gì thì nghe. Nghe câu được câu chăng bình luận, khen có chê có mà nửa này nửa nọ cũng có thì coi như là "giải-mù-chữ". Đại khái ai nói chuyện bà Hoài tám bánh chưng thì con giời cũng biết là người ta đang nói chuyện gì. 

Tôi hỏi cô em trong nhà, nó bảo chẳng phải đợi đến bà này thì khen chê bánh chưng có khối người nói rồi; thêm nữa là tác giả có chút "ác ý". Tôi lại hỏi bạn, bạn bảo động đến miếng ăn, không chỉ cấp độ cá nhân mà cả cấp độ quốc gia-dân tộc chuyện dứt khoát không thiếu phần tế nhị và thậm chí là cả phần "thiêng", nói chung là không nên lấy chuẩn "ta đây" mà đánh giá người khác. 

Có người hỏi tôi sao không tìm đọc bài viết này, tôi cười khì khì, thế đọc xong rồi thì làm gì. Từ trước giờ tôi vẫn bị một vài bạn "cấp tiến" chê bôi vì cái thành tích không chịu đọc "Chị Hoài" để có tinh thần "cởi mở" và "phản biện", giờ thêm một bài bánh chưng tôi không biết thì có sao.

Nhưng vẫn là chuyện bánh chưng, Tết năm nay có một chi tiết tôi vô tình biết được và thấy thật thú vị. Đó là có cô gái gốc Việt sống xứ cờ-hoa tạo hình mới mẻ cho bánh chưng truyền thống bằng cách cho bạn này đeo chuỗi ngọc trai. Nghiêm túc mà nói, tôi thấy bức hình chẳng có chi đẹp. Nhưng nhìn vài tác phẩm sắp đặt khác của cô nghệ sĩ này thì tôi thích. Nghĩ khác đi - và đồng hành với đó là làm khác đi - là một dấu chỉ cho cởi mở, hiếu kỳ và có khi là cả bao dung nữa!

(2)

Năm trước, từ Paris bạn kể chuyện một chị người quen - không rõ quê gốc vùng miền nào - cho rằng mắm tôm là đặc sản Hà Nội, và đương nhiên mắm tôm ngon nhất phải là mắm tôm Hà Nội. 

Tôi nghe chuyện này cười té ghế. 

Có nhiều tranh cãi về mắm tôm vùng nào ngon nhất. Cá nhân tôi, cứ phải là xứ Thanh [Hoá]. Tôi đã từng nghe được nhiều đáp án trong đó không chỉ có chỉ danh vùng miền cụ thể mà đôi khi còn lẫn cả những đậm đà tình cảm bếp nhà, bếp của Mẹ... nhưng dứt khoát chưa bao giờ nghe chuyện mắm tôm Hà Nội.

(3)

Hôm qua, vẫn là bạn phương xa lại làm tôi được bữa cười hi hi như một con dở.

Chuyện là bạn gửi cho tấm hình gói trà của nhà Palais de Thé với trà sen [xuất xứ] Lào Cai.

Tôi đã từng uống mấy món trà của nhà này, trong đó ấn tượng nhất là trà-son-phấn vị anh đào xuất xứ Nhật Bản, thấy vui vui. Tôi thi thoảng coi blog của ông sáng lập nhà trà, thấy thú vị vì biết được khối chuyện nho nhỏ hay ho về thế giới các lá trà và những người trồng trà, làm trà... Chỉ vậy!

Còn bạn của tôi thì lại để ý nhiều chi tiết sặc mùi "con buôn" - nói thô thay cho lối văn vẻ "nghệ thuật viết content" hay "phát triển nội dung". À thì bấy lâu nay, chúng ta sống ngập trong các chuyện kể. Hầu hết các sản phẩm thương mại đều có một câu chuyện riêng. Chuyện càng ấn tượng, khả năng bán được hàng đối với nhà sản xuất hay tay buôn và khả năng móc hầu bao đối với đám đông nhân dân-người tiêu dùng "thông thái" lại càng cao. 

Thế nên, giữa một gói trà sen được làm từ một cái làng còn sót lại chút vẻ cũ kỹ nào đó không xa cái hồ to của Hà Nội không tên không tuổi chẳng nhãn mác và một gói trà đóng túi thiếc xinh đẹp và thấp thoáng  xung quanh những chi tiết về một anh người Kinh được lớn lên trong thế giới cây lá của đồng bào dân tộc vùng cao rồi ngày nọ anh khám phá, tôn vinh các gốc trà cổ thụ, rồi trà đó được làm mới/hiện đại hoá với các tầng hương truyền thống miền châu thổ như lài như sen... thì rõ ràng món sau sẽ nhiều phần hấp dẫn hơn món trước rồi. Tôi nghe giải thích của bạn, mơ mơ hồ hồ chán rồi thì cắc-bụp nhà cháu đã hiểu. Thế đấy, dứt khoát bao gói phải đẹp, và quan trọng hơn là cứ phải có một câu chuyện nhá!

(4)

Mà nhân ba chuyện bánh chưng, mắm tôm và trà sen dịp Tết này, tôi nhớ hai chuyện cũ.

Thứ nhất là tô cháo vịt ở cái quán xập xệ bẩn ơi là bẩn ở Cà Mau. Tôi chê bẩn, dứt khoát không ăn. Nhưng vì chờ hai cô em thì tò mò ngó nghiêng. Rồi chốc lát, tôi thấy mình vục mặt trong tô cháo. Ngon khủng khiếp!

Thứ hai là nồi lẩu chuối lươn ở một quán ăn trên con phố chính của một trấn nhỏ xứ Thanh - thị trấn Lào - mà chúng tôi những kẻ xa lạ chỉ có thể biết được nhờ chỉ điểm của một ông công an xã. Ăn ngoài ở xa Hà Nội đối với tôi vốn đã là một thách thức, lại thêm món bày trước mặt là món lươn... úi chà, tôi thực có chút e dè. Nhưng giờ nếu ai hỏi thì ngoài mấy món lươn nấu trong bếp nhà, món lươn ăn ngoài ngon nhất mà tôi đã từng ăn thì ngay tắp lự tôi sẽ kể tên nồi lẩu lươn ở trấn Lào xa xôi đấy.

(5)

Chuyện thức ăn, món ăn, miếng ăn... đại loại là ăn thực không thể là một chuyện chuyên nhất, độc quyền mà chỉ một ai đó - kiểu như một văn sĩ nổi tiếng - hay một nhóm người nào đó - kiểu như mấy tay tự xưng phê bình ẩm thực - mới có thẩm quyền phát ngôn.

Hãy tưởng tượng bạn có một đĩa đậu phụ chiên với mấy cái lá kinh giới hái vội từ vườn nhà. Mắm tôm ngon xứ Thanh không có, à thì đã có một hũ nhỏ mắm nhà làm quà quê của bằng hữu tỉnh Nam [Định]. Mắm quê đó chạm đầu lưỡi của bạn, sao mặn thế, sao gắt thế. Nhưng chỉ vài động tác úm-ba-la hoá phép tài tình với đường, với chanh, với ớt.... bạn dứt khoát có một bữa đậu phụ chấm mắm tôm ngon cái miệng, vui cái dạ mà.

Rồi bánh chưng, tôi biết không ít người gần như cả đời chẳng bao giờ chạm vào miếng bánh tươi, nhưng cứ được mời ăn bánh tét xắt khoanh rán giòn mà xem, có mà ăn như "húc mả tổ".

Rồi sang câu chuyện thanh thanh nhã nhã thưởng trà ngát hương sen. Tôi cóc cần biết sen có phải là sen Tây Hồ không, trà có phải là từ gốc cổ thụ pha sương gió miền núi cao nào đó không, cứ một vốc trà mạn được đằm mình trong một đoá sen vườn nhà Bắc Ninh qua một đêm rồi sau đó được pha ấm nhỏ nhâm nhi, cái ngon của trà không còn là chuyện riêng của trà hay sen mà là ngon của hoàn cảnh, của không khí gia đình-xã hội xung quanh bạn.

(6)

Cận tuổi 50, tôi có cả đống vấn đề sức khoẻ, cái sự ăn, háu ăn và ăn tạp của tôi theo thời gian mỗi ngày một theo chiều hạ dốc. Tôi ăn, tôi uống giờ phần nhiều là theo quán tính. Thế nên, thi thoảng thay vì nói chính chuyện cái sự ăn, tôi lại thấy mình hồ đồ và nhảm với mấy chuyện bên lề. Tỷ như bánh chưng đeo trân châu thì quyến rũ thế nào. Tỷ như mắm tôm thượng hạng thì cứ phải em đây gốc Hà thành. Hay tỷ như trà sen thượng đẳng dứt khoát cứ phải là lòng thòng cái danh phỉ thuý. 

Ăn hay không ăn, uống hay không uống, dứt khoát chúng ta cần thả lỏng tâm trí và giữ cho mình một chút phần vi tiếu a :-)))

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

bắc ninh mùng 5 tết (05.02.2022)

(1)

Lúc tôi bước ra sân, TL cùng cô em khách về chơi nhà Bắc Ninh đang cúi đầu ngó điện thoại và nói gì đó. Tôi hóng hớt. À, thì ra là chủ đề ngày thần tài, là chuyện bà con rủ nhau đi mua vàng lấy may.

Tôi có ki-bo đến mấy thì vẫn phải dắt lưng mấy cái hồng bao nho nhỏ, tiền đó tính khéo đủ mua một hai chỉ vàng, nhưng được việc này thì phải bỏ việc kia. Thôi, coi như nhà cháu đây năm nay ngó lơ Cụ Thần Tài. Ngày 5 hay chuỗi ngày 8-9-10 nhận lộc may mắn từ Doji ý à, nhà cháu cóc quan tâm.

Mà ở nhà Bắc Ninh hay lắm nhá. Các cháu của Mẹ đến chúc Tết, phong bao từ HD Bank qua củ tỉ củ ti nhãn mác này nọ phong phú đa dạng sắc màu và kích cỡ. Đến lượt hai cụ già nhà mình, cứ tiền tươi thóc thật, tờ tiến cứng quẹo là ô-kê-la. Tôi trêu đùa Mẹ, thế này chẳng nhã tẹo này. Bà cụ già tỉnh bơ, thế là được rồi. 

Mà thêm cái mà nữa là năm nay tôi chẳng nhận được xíu quà mừng tuổi nào trừ một cái mặt nạ chân chính made in Korea từ bà cô áp út bên Nhà Nội trước khi chúng tôi khởi hành đi Bắc Ninh. Tôi đoán là Cô qua nhà con trai ăn Tết thì lấy từ chỗ cô con dâu, người chuyên xài đồ Hàn Quốc từ đầu tới chân :-)

(2)

Tết năm nay ở quê Ngoại, TL và tôi đi chúc Tết hai nhà, một anh họ thân cận là cháu ruột của Mẹ và một chị họ là con gái của chị họ thân thiết của Mẹ.

Đến nhà anh họ thân cận, anh đang ở nhà xưởng lọ mọ tháo dỡ máy móc chi chi. Chúng tôi hỏi thăm thì ra anh "mở hàng" Tết hôm nay. Chúc sự nghiệp sửa chữa của Anh phát tài phát lộc a :-)

Ở nhà anh họ thân cận, chúng tôi cười lăn lóc với/về chuyện làng qua lời kể của Anh. 

Nhà hàng xóm kế lưng tưng bừng âm thanh của lễ hầu đồng. Anh họ giải thích, sáng nay chủ điện mời sư về cúng. Còn chiều thì mở phủ đầu năm. 

Tôi nhầm nhà này với chị họ xa bắn bảy tầng không tới đã từng làm vãi ở chùa làng. Hoá ra không phải, bà này [chủ điện] chẳng họ hàng chi sất với nhà mình. Chị gái có lịch sử mấy đời chồng không rõ, đại khái lang thang phiêu bạt chán chê thì giờ ổn định cuộc sống ở làng một nách ba con. Sau mấy tháng học nghề, không rõ có bằng tốt nghiệp hay chứng chỉ chi chi không, chị về làng mở điện. Khách của chị cấm có người làng hay người thôn xã thân cận mà là tít mù tắp từ tận đẩu tận đâu, nghe nói Hà Nội đông lắm. 

Điện của chị và bản thân chị giống như một mắt xích trong mạng lưới bán hàng đa cấp khổng lồ. Thời đại 4.0 trong mồm miệng ông ngày xưa giờ thủ tướng nay hoá thành chủ tịch xứ ta áp sang trường hợp của chị thực chính xác không cần bàn cãi. Nghe nói mọi sự đều là qua và trên điện thoại, ngựa cao quá đầu người, mã chất đống được chở tới bằng xe tải, lễ từ hoa quả tới đồ mặn đều là đặt hàng theo mối quen, cứ đến ngày đến giờ có khách là cả một đám chỉ có việc nhảy nhót. À quên, cần kể vai trò của bốn ông chơi nhạc nữa, tiền công lao động ở quê mình cho các bác thợ nhạc này là một triệu đồng mỗi ông mỗi lễ. 

Tôi biết anh họ không vui với âm thanh từ nhà bên vọng sang, hấp ha hấp háy xui, Anh kiếm ba bốn cái loa kẹo kéo rồi cứ đến khi bên kia có lễ thì bên này Anh chơi cho em từ nhạc đỏ qua nhạc vàng, lãng mạn, tiền chiến... gì cũng chơi. Anh bảo, làm như cô nói tốn kém. Anh mà thích thì đơn giản hơn nhiều, chỉ có điều hàng xóm láng giềng thì chẳng chơi trò mèo đấy.

Tôi tò mò hỏi trò mèo là gì. À, hoá ra hai nhà chung một cái cầu dao. Anh nhà mình mà thích thì chỉ việc ra đóng phập một cái. Hết ồn ào loa kích âm nhà bên liền a :-)

(3)

Tôi quên không hỏi Mẹ và anh họ về chị gái họ hàng có lịch sử làm vãi rồi chuyển sang môi giới hầu đồng giờ trôi dạt về đâu. Hay là ở làng giờ có hơn một điện hầu nhể!

Nhưng bỏ chuyện đồng cốt sang bên, tin mới là làng có sư. Sư nữ. Và theo tin đồn làng xã được lưu chuyển một cách không chính thức và sặc mùi khả nghi, sư này có bằng đại học Phật giáo [!], được đào tạo bài bản ở Huế, và quan trọng nhất là em nuôi của vợ đầu tiên của một ông bộ trưởng to đùng xứ mình. Ái chà, em nuôi, vợ đầu, bộ trưởng!

Với những gì nghe được, vị sư mới này hiện đang trong thời kỳ "thử thách". Chờ được dân làng, hay chính xác hơn là chính quyền địa phương, gật đầu thì sư mới chính thức chuyển khẩu, chân chính trở thành trụ trì chùa làng. 

Hiện tại, theo lời anh họ thân cận của chúng tôi, sư này được hưởng món "kế thừa" kha khá tốt từ ông sư "hổ mang" ngày trước, người đã vay nợ tùm lum để sắm tượng cho chùa và làm cho chùa làng ngày nay thật khang trang, thật đẹp :-)

Anh họ hi vọng sư mới có thể ổn định vị thế rồi dùng ảnh hưởng mà đề nghị chính quyền giao ao làng cho chùa, bỏ đi cái tiết mục đấu giá cho thả cá tính ra chỉ thu về ngân sách được đâu bốn triệu đồng tiền mỗi năm. Cái lý lẽ đằng sau ý tưởng này của anh họ là nếu ao từ nuôi cá chuyển sang thả hoa súng thì vừa sạch lại vừa đẹp. Mà như thế thì nhà Ông Ngoại, nay là nhà dành cho cháu đích tôn của Ông tức là anh họ thân cận của chúng tôi chúng, cũng được hưởng chút lợi lạc vì mở cổng bước ra đường thì thấy ngay ao làng - ao chùa trước mặt.

Tôi nghe ý tưởng của anh họ xong thì cười phe phé, chuyện dễ mà. Sư chỉ cần phóng một tiếng hẳn chẳng thiếu con nhang đệ tử cúng dường tiền triệu hàng chục hàng trăm, vác một góc mớ tiền đấy nộp ngân sách thì chùa tha hồ thả hoa súng ngoài ao a. Câu nói vừa dứt, tôi đã kịp thấy mình ngu ngốc. Đời nào có thể nói chuyện tiền nong dễ như trở bàn tay vậy chứ. Dù tiền cho thuê ao tính rẻ bèo thì theo quy trình cứ phải là mấy năm một lần đấu thầu, phi thường nghiêm túc chọn ra ông bà trả giá cao nhất rồi tiền vào ngân sách cứ gọi là chặt chẽ li lai. Mà tiền chùa đâu phải nhà chùa - tức sư trụ trì - muốn làm gì cũng được. Nói chung là loằng ngoằng. Hi vọng việc sư mới là em nuôi của bà vợ đầu của ông bộ trưởng nào đó sẽ giúp cho ao làng có ngày trở thành ao chùa. Và ai mà biết được, bên này chùa thả hoa súng, bên kia anh họ nhà mình mở cà phê chùa không phải chùa theo nghĩa miễn phí mà là ở cạnh chùa

(4)

Từ chuyện đồng cốt và sư sãi sang chuyện văn hoá làng xã và dân trí xứ ta, loay hoay thế nào chúng tôi chuyển sang chuyện một thằng cháu họ. 

Thằng bé này có bố mẹ đi Nam kiếm tiền, nó và thằng em ở lại quê được bà ngoại chăm sóc. Bà trông cháu, cháu ngã đau mắt thì đại khái chuyện thuốc thang, đến lúc cảm thấy có vấn đề thì một mắt thằng cu coi như là hỏng. Hỏng cái mắt là một chuyện, con xa bố mẹ đi học thì ít lêu lổng vất vưởng thì nhiều lại thành hỏng về cái con người xã hội. Nó không láo quá láo, cũng chẳng phải tội phạm chi chi, chỉ là sống ngất ngưởng và là tay nói phét đại tài. 

Nó đi làm nhà máy của chủ Hàn Quốc, về tám thế nào mà bố nó tin sái cổ là con mình được làm cai xưởng, và được ông chủ yêu quý như con cháu trong nhà gửi sang xứ người tu nghiệp. Bố nó đợt đấy không làm ở Miền Nam mà về làng sống, mở luôn một bữa tiệc năm sáu mâm mời họ hàng thân hữu đến mừng cho cháu.

Thằng con có con xe hai bánh mấy chục triệu về nhà thông báo với bố, chuyến này đi con bán xe để chi thêm trong chuyến tu nghiệp. Bố nó bảo OK. Về sau này, khi thằng cháu kia dở chứng rồi bỏ lang thang chốn nào chẳng rõ, anh họ thân cận lên tận nhà máy tìm hiểu thì mới ngã ngửa.

Thằng cháu nhà mình nổi danh không phải vì chuyên môn hay năng lực quản lý mà là bê tha và phét lác, nổi từ trong xưởng ra ngoài phố chỗ có bà bán nước chè. Mà cái vụ nó đi Hàn Quốc thì tu nghiệp quái gì. Thằng ranh con mua tua du lịch đãi bạn gái, Giời ạ.

Tôi cười lăn lóc chuyện thằng cháu một mắt của mình thì ít mà vì cái nhận xét của anh họ mình thì nhiều. Ý anh bảo, anh chị mình [bố mẹ thằng bé] lơ mơ thành ra hỏng cả con. 

(5)

Nhân tiện chuyện phụ huynh dư thừa niềm tin vào năng lực của con cái trong nhà, anh họ kể cuối làng có gia đình kia nghèo ơi là nghèo nhưng thằng con quyết chí thi Nhạc viện Hà Nội, tỉ tê thế nào mà bố mẹ nó vay nợ tùm lum rồi bố con đèo bồng ra thủ đô thi thố. 

Kết quả là trượt từ vòng gửi xe. Và dĩ nhiên là lòng thòng nợ nần. 

Anh họ lại kết luận, vấn đề dân trí đấy chứ đâu.

(6)

Từ nhà anh họ thân cận, chúng tôi qua chơi nhà chị họ là mẹ của thằng cháu một mắt đi tu-nghiệp giả ở Hàn Quốc kia.

Anh chị vì cúm Tàu bỏ luôn đất Saigon về quê sống đời nông dân. Khổ nỗi ruộng cấy hình như chẳng có mấy, vườn tược bao quanh nhà cũng thật khiêm tốn nên tính chuyện đồng ra đồng vào so với tiền thu nhập từ buôn thúng bán mẹt ở đất phương Nam quả là khác biệt một trời một vực.

May có miếng đất quá ba sào hai cụ già nhà chúng tôi nhượng lại cho một chị người quen trước nay để một chị họ xa trồng cấy thì giờ chuyển sang tay chăm bẵm của anh chị họ gần này. Năm nay hành tỏi được mùa rớt giá, anh chồng của chị họ than vãn một hai câu rồi lại tự an ủi, may mà anh chị trồng sớm nên bán sớm, cũng được khá tiền. Rồi anh hoan hỉ chỉ cái rẻo đất trồng cần đã bị cắt trụi, hôm Tết cắt hết rau cần đổ buôn kiếm được hơn triệu. 

tỏi quê được mùa rớt giá

kẹo Tết nhà anh họ
lâu lắm rồi mới thấy bạn đồ ngọt này

nhà của người đi Nam
chưa bị cơn sốt đất quật ngã

rẻo ruộng bé tí hin trồng cần thu về hơn triệu

nhân dân tự trang trí - công lao của một chị họ