Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

ngày cuối cùng

(1)

Giấc ngủ cuối cùng có lẽ đã "làm lành" với tôi. Nó quay lại từ từ sau nhiều tháng đỏng đảnh đến rồi đi. Tôi ngủ giấc dài, ngủ "ngon" theo đúng nghĩa của từ. Mỗi khi rời khỏi cái sập, cảm thấy vẫn thèm thuồng muốn dán người xuống mặt gỗ lạnh đánh thêm một giấc ngắn nữa. Phần lớn thời gian trước kia tôi không quan tâm đến chuyện giấc ngủ và da dẻ mặt mũi. Nhưng việc một trong những cái sự sinh hoạt căn bản nhất của con-người bị rối loạn có thể tàn phá thế nào sức sống và tinh thần của một người, tôi đã nhìn thấy đủ và cũng tự mình nếm trải ít nhiều. Nên giờ, đối với tôi, trọng tâm của ngày-sống là đảm bảo có thời gian được thả lỏng người yên nhất có thể trong một khoảng thời gian tối thiểu.

(2)

Sau nhiều tuần "mất tích", D tái xuất, cười giòn giã trong điện thoại, hỏi tôi về lời hứa hoàn thành các tiểu luận trong năm 2016. Có đứa cười khì khì kể chuyện đăng ký thi B2 thì đổ bể vì thiếu người dự thi, nộp bài dịch thì thành viên tiểu ban bận việc riêng, túm lại dồn sang đầu 2017. Người hỏi không bị đánh lừa, thế còn tiểu luận. Lại khì khì có đứa trả lời loanh quanh, ừ thì bản thảo jet 1, jet 2, jet n em xong rồi, chỉ chờ có hứng thì chỉnh sửa và nhuận sắc thành bài chốt. Thế là có câu, chịu cưng. Ừ thì tôi vẫn thế mà :-)

(3)

TL sớm sẽ trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ. Sau mấy ngày để nhà ngập ngụa trong bụi và đồ vật vứt lung tung, tôi tỉnh giấc với suy nghĩ đầu tiên, bắt đầu dọn từ đâu đây. Tất nhiên là mục tiêu đầu tiên là nhà bếp với nồi cơm lên mốc, một đống bát và cốc chờ rửa, mặt bàn bếp nhìn nghiêng lộ rõ bụi và bẩn. Cho đến giờ tôi vẫn lảng tránh đề xuất của TL thuê người dọn nhà theo giờ. Túi tiền của tôi không hề bị ảnh hưởng bởi chuyện này vì nếu xảy ra thì nó sẽ là người bao đồng trọn gói. Nhưng vấn đề to là tôi ghét có người lạ trong nhà, dù là họ xuất hiện vào lúc tôi vắng mặt đi chăng nữa. Kết quả của sự lần khân này là tôi tiếp tục cắn răng bặm môi mà rửa và dọn đồ trong khi cơn lười biếng đã chạm ngưỡng bao dung.

(4)

Tôi ăn tối với M và H. Hỏi hướng đi, tôi một đằng thằng bé một nẻo. Như mọi khi, tôi chịu thua nó với cái lập luận chỗ nào nhiều âm độc cần tránh. Tôi không bận tâm mấy về đồ ăn trước mắt, đơn giản là đánh chén và khoái chí vì nói năng lung tung thoải mái với hai đứa cùng bàn. Tôi kể câu chuyện về sự trừng phạt của gia đình mất con vì tai nạn giao thông ở Mỹ được Đặng Hoàng Giang dẫn lại trong bài viết trên số Tuổi trẻ cuối tuần vừa rồi, nghe xong M cười cười bảo chắc lại một urban legend. Rồi nó nói tiếp, câu chuyện này chắc thiếu một vài chi tiết. Tôi nghe nó thấy thật có lý. Trừ con người tôn giáo đích thực bị ràng buộc bởi nghĩa vụ đạo đức chặt chẽ, tôi chẳng tin mấy vào cái chuyện lương tâm dằn vặt ở một phàm nhân thị dân. Rất có thể, đúng như lời của M, anh chàng thủ phạm trong câu chuyện không mang cái nội tâm giằng xé tự thân, mà đơn giản là hàng tuần vào cái ngày anh ta phải ký tấm séc gửi đi thì anh ta biết mình đang là đối tượng của nhiều câu chuyện của cái thế giới tiểu-xã hội xung quanh, anh ta "chết dần" trong các lớp sóng của dư luận, thực có hay do chính anh ta tự tưởng tượng ra.

(5)

Bữa trước HD cho tôi xem hình của Em L trên FB. Tôi ngẫm nghĩ có nên liên lạc lại, sau rồi tự bảo, tùy duyên. Cho tới lúc từ giã cuộc đời này, có hai người tôi thực sự muốn gặp lại trong đó có L. Khi đã qua nhiều chuyện và bình tĩnh nhìn lại, tôi có thể cảm giác được sự ấm áp chân thật từ sâu trong tim của người này hay sự quan tâm thuần túy bề mặt của người kia - những người đã có các đoạn thời gian bên cạnh tôi.

(6)

Đối với tôi, ghi chép của năm 2016 kết thúc ở đây. Chiều nay tôi sẽ quay lại phòng tập sau mấy tuần ngưng trệ với bao biện vì ốm, vì bận. Bình đun cafe mới chưa được mua, tôi tiếp tục dùng cái vỏ chai vốn đựng dưa chuột muối và cái phễu lọc sứt mẻ. Không nói là cai cafe và trà nhưng hưởng thụ sẽ là ở nhà, và như vậy tình hình tài chính của tôi sẽ có bước cải thiện đáng kể. Cuối cùng, liên quan đến cái bao tử, thực thà mà nói là tôi chẳng có bất cứ ý niệm nào về thứ mà tôi thích và muốn làm. Vậy nên, đơn giản cho năm 2017, ăn uống lành mạnh, nấu bếp đơn giản và giảm dầu mỡ, mặn ngọt cùng các loại gia vị đi. À, mà có thể thêm vào cam kết trồng mấy chậu rau trong vườn nhà Hà Nội nữa :-)))

Tạm biệt [trước] năm 2016 :-)


Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

phố nhà

Cơn ho quay trở lại. Tôi chán ngán mấy vụ khám và uống thuốc, giờ thành đứa cùn, lúc nào ho dữ quá thì rời bus, ho xong thì trèo lên xe khác đi tiếp. Ngồi hay đứng trên bus thì có trò nghĩ vẩn vơ, tự nhủ, ừ thì lúc nào nó [cơn ho] đến thì đến thôi. Kết quả của cái thái độ đó là mấy đêm liền khục khặc, sáng ra đờ đẫn vì thiếu ngủ, đi ra khỏi cửa thiếu chút đá vào đồ của hàng xôi.


Sáng nay tôi cũng mơ màng như thế mà đi ra ngoài. Nhưng hôm nay lạ, được đôi ba bước chân có cảm giác con phố có chút dị. Nhìn kỹ thì hóa ra đường bị chặn, đang có mấy bác cưa cây. Ngó lên nhìn trời tự dưng thấy thanh bình, hài hòa và đẹp. Tất nhiên là chỉ đúng cái khoảnh khắc đó mà thôi. Còn lại, phố bé xíu, bà con ai cũng "khôn" đáp đậu từ xe máy tới ô tô chẳng theo trật tự nào, lại thêm cái nhà đối diện xây mãi xây hoài chẳng xong, cho cả một đoạn phố thưởng thức miễn phí bụi và bụi, lại thêm cái vỉa hè bị vằm nát tưng bừng nhếch nhác tích cực, muốn gọi là yên, là lành, là đẹp thì đúng là không-tưởng :-/

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

câu chuyện hai bát cháo sườn

(1)

Trong mơ hồ, tôi nhớ đi từ Cổng B của Trường Kinh tế Kế hoạch tới Trường Nguyễn Phong Sắc, đều trên trục phố Đại La, qua Ngõ Tân Lạc một xíu có nhà của bạn học tên Thúy, có trạm y tế Đại La nơi công tác của mẹ bạn học khác tên Yến, có cửa tiệm mà tôi chẳng biết gọi chính xác là gì nơi có sách, có vở, có nhãn vở, có bút, có mực, lại có cả con quay... với người bán hàng quen thuộc là một ông chú mắc hội chứng Down người nhỏ nhỏ tính tính trầm lặng hiền hòa, và ngay cạnh cái cửa tiệm đó là một cái đền hay chùa gì đó cửa to tướng, lúc nào cũng đóng kín rất huyền bí và sáng sáng trước hai cánh cửa cổng to nặng nề có hàng cháo sườn khách ngồi ăn nhộn nhịp.

Chúng tôi sống ở khu tập thể trường đại học, nghèo, và đương nhiên không có thói ăn quà đường phố. Hình như chỉ hai ba lần, nhân dịp gì đó, mà tôi ngồi ghếch ghế chén cháo sườn quẩy trong cái bát chiết yêu ở giữa phố Đại La. Quẩy ngày xưa gầy và đạm, không bự mỡ và ăn vào một hồi thì ứ trong cổ như bây giờ. Cháo nói là cháo sườn nhưng đố ai bói ra được một vụn thịt hay sụn sườn to quá đầu móng tay đứa trẻ ba tuổi. Cũng chẳng có ớt bột hay tiêu xay rắc vung tay. Món ăn thuần, lành, ngon và vì Hà Nội lúc đó hẳn còn xa lạ với khái niệm ô nhiễm môi trường nên mọi thứ đều tuyệt.

(2)

Hôm nay tôi giữ chân chuyển đồ cho TL. Việc cơ quan chạy ra chạy vô đầu tuần, lúc tớn mắt nhìn đồng hồ thì lầm bầm chửi thề một tiếng rồi chào nhắng một câu tạm biệt sếp và chuồn lẹ. Tôi đi hai chặng bus đến cơ quan TL đúng giờ tan sở. Nó cất đồ xong thì gạ gẫm tôi không theo lộ trình bus quen thuộc mà đi xe số 9 chạy qua Đội Cấn để coi đôi giày.

Xong chuyện hàng giày, tôi nổi máu ki-bo, kiên quyết từ chối gọi taxi mà chỉ đạo TL cùng cước bộ đến đầu Kim Mã Vạn Phúc để bắt xe 38. Quyết định vậy, chúng tôi đâu biết sẽ la cà một chặng dài khám phá cái đoạn này của phố Đội Cấn, trong đó có điểm dừng chân là hàng cháo sườn chuyên bán chiều.

Theo lời TL, hôm nay mức độ ô nhiễm của Hà Nội cao bất ngờ, tôi thì ngờ vực mấy cái thông tin kiểu đó vì cao thấp thế nào không biết, về căn bản lúc nào tôi cũng thấy thành phố đông, chật, bẩn và bốc mùi. Và chúng tôi ngồi ngay trên cái mặt vỉa hè chật hẹp của con phố nhỏ để ăn quà vặt. Bát đựng cháo là hàng "phíp", chắc của Thái Lan. Bát vuông cách điệu, màu vàng nghệ chói chang. TL và tôi mau miệng kêu hai bát, chủ hỏi đầy đủ, đáp lại vâng đầy đủ, dù chẳng biết đủ là đủ cái gì. Kết quả của cái gọi là đủ là chút thịt băm, chút ruốc thịt, chút ruốc nấm, chút thịt sườn sụn thái lát mỏng tang như giấy dó và đương nhiên là mấy thanh quẩy được cắt thành khúc nhỏ. Trước mỗi nhóm khách là một cái khay nhựa với một hộp rắc tiêu, một hộp rắc ớt, một hộp chọc tăm và mấy tờ giấy lau miệng, khay nào cũng y chang như khay nào.

Tôi xơi hết bát cháo to, thấy vui cái miệng và có chút lạ lẫm trong lòng.

(3)

Ngày xửa ngày xưa bát cháo đúng là bát cháo, kiểu nó [vẫn] là thế. Nhưng ai mà biết, vì cái thời xa lắc lơ đấy đã qua mất rồi, lại nữa vì con người qua đận nghèo khó và sau một độ dài thời gian nhìn lại thì có xu hướng tưởng tượng ra nhiều hơn là thực sự nhớ chuyện đích thực như nó là, nên thực khó mà nói cuối cùng thì bát cháo Đại La ngày ấy có thực sự ngon hay không.

(4)

Ngày nay, bát cháo trở thành siêu-hiện đại, hậu-hiện đại với tinh thần xì-tát-ấp thần thánh sáng tạo không biên giới, lại thêm mồm miệng người thị dân hình như bị ngộn trong sự phong phú, dồi dào, đa dạng của thức ăn đường phố nên gọi là hàng quà nổi tiếng của con phố, gọi là ngon xem ra cũng dễ bị đem ra mà nghi ngờ.

(5)

Bất kể nói gì đi nữa, có một sự thực là tôi không phải đứa cuồng ăn quà cháo sườn, cháo sườn sụn càng không. Thêm nữa, vì không "máu mê" nên sẽ chẳng bao giờ có chuyện tự dưng ngày đẹp giờ có đứa dở hơi đi vo, ngâm rồi giã gạo để ninh nồi cháo gọi là cháo sườn ăn chơi ở nhà. Nếu có lúc lên cơn cao hứng thèm ăn cháo sườn, tôi sẽ trèo bus vòng vèo ra phố Đội Cấn.

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

chuyện phố hàng chiếu và ý tưởng sống một năm ở quận năm

Sáng thứ Bảy, sau một khoảng thời gian lùng nhùng ở ngân hàng chờ TL rút tiền, sau một đoạn thời gian ngồi bus, cuối cùng chúng tôi thấy mình ở Ô Quan Chưởng, đi dọc phố Hàng Chiếu dò số nhà cần tìm.

Tôi không ấn tượng mấy về khu phố cổ Hà Nội, ngày trước chạy xe máy vòng vèo, chui từ chỗ này vọt ra chỗ khác, loằng ngà loằng ngoằng nhớ trước quên sau; rồi một dạo rảo bộ sãi cẳng với Akent coi ông anh chụp ảnh người già hoặc xí xớn ngồi chồm hỗm coi trộm hội cờ bạc; còn trong cả chục năm ròng chạy theo các bà các chị các cô gánh hàng rong thì như phép tiêm phòng ngay từ đầu chúng tôi tuyệt đối tránh khu vực này vì đối tượng chủ yếu là người nhằm vào khách du lịch.

Riêng về phố Hàng Chiếu thì lại có đôi ba chuyện nhớ lâu. Trong ấn tượng của tôi, đó là chỗ có thể mua túi nylon đại cỡ về bọc chăn gối hoặc va-li, và cũng là chỗ có những người lấp ló bờ vỉa hè bán thuốc tăng cường năng lực sinh lý, nói lịch sự là vậy, hay thuốc kích dục lậu, nói huỵch toẹt. Cũng con phố này, rất nhiều năm về trước, tôi lôi tha DP đi ngắm phố cận-Tết, chúng tôi dừng chân ở một tiệm cafe nhỏ giữa phố sau đó ra đầu Hàng Đậu uống trà chén, nước rót trong những chén quả hồng nhắc thời bao cấp huy hoàng. Sau này tôi kể chuyện cho một người bạn cư dân đích thực khu phố cổ, trình bày thắc mắc về chuyện sao quán cafe như vậy có thể trụ được, bạn cười phá lên bảo, nó có phải là bán cafe đâu. Ừ mà tôi dốt, nào có biết gì về thế giới "tài chính" và "thuốc" ngầm ở cái tam giác đó.

Quay trở lại sáng thứ Bảy kỳ quặc của chúng tôi lần này, có gió hiu hiu từ sông Hồng tấp vào, có nắng nhẹ, và có mùi tổng hợp của đường phố Hà Nội, từ chua nồng khó chịu chỗ các tiệm bia hơi đầu Ô Quan Chưởng tới vị nước ninh vỏ tôm của mấy tiệm vằn thắn góc cắt Hàng Chiếu-Đào Duy Từ và ngô nướng ngô luộc chênh vênh miệng cống vỉa hè. Tôi ngếch mắt nhìn ra được những miếng gỗ chạm khắc trang trí của các tòa nhà hai tầng cũ nát có tầng một rôm rả màu sắc cửa tiệm, còn tầng hai phảng phất chút u buồn dưới mấy lớp tôn che chắn cho mái ngói ở tư thế sẵn-sàng-sập-bất-cứ-lúc-nào. Các mô típ vô cùng phong phú, và đẹp! Tôi cứ nghĩ vẫn vơ mãi, con phố này vào thời kỳ thuộc địa hẳn phải là rất đẹp!

Xong giao dịch, chúng tôi quay trở lại Long Biên tìm bus. Đến đầu phố thì có màn mặc cả với nhau, hay là chén mì vằn thắn. Cửa tiệm có bảng thông báo chữ vuông to tướng, khách ăn đông vui trạt vỉa hè, xe máy để dông dài dưới lòng đường. Tiệm chuyên mì, chúng tôi ăn ngon lành và vui. Quán trên phố Huế và đường Xuân Diệu, một cái có đến cả tỷ năm tôi không quay lại một cái đã chính thức biến mất, đối với tôi có chút "nặng" và "đầy" (vị đậm và bát to :-)), ở đây không phải chuyện ngon hay không, mà điều làm tôi thích thú là có cái vị thật thà vốn dĩ của tiệm-nhà-làm chưa bị công nghiệp hóa.

Tôi kết thúc bát sủi [cảo] và ly nước vối của mình, sảng khoái vô biên, và bắt đầu nghĩ đến chuyện sẽ rủ rê BJ một ngày nào đó cuốc bộ đến đây đánh chén tiếp. Rồi lơ mơ nghĩ sang số tạp chí đọc giết thời gian ở trong ngân hàng, trong đó có bài báo kèm serie ảnh về những khu dân cư bao Chợ Lớn. Tự dưng, nảy ra một ý nghĩ điên rồ, tại sao không xuôi Nam, đến Sài Gòn, tìm một căn gác nhỏ ở quận Năm và sống đủ một vòng quay thời gian, khiêm tốn thì là một tam cá nguyệt, còn giàu có thì trọn một năm đi :-)))

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

gặp bạn yêu dấu và món củ cải kho ba rọi siêu tối giản

Tôi lên kế hoạch thứ Ba đi cơ quan làm việc over-time để sắp xếp cho xong vụ chuyển giao chính thức tư cách , nhưng sáng ra sụt sịt và ho khặt khặt nên mau chóng đập bể cái kế hoạch mơ hồ thoát ra khỏi miệng chiều hôm trước. Rồi tự quay sang động viên bản thân, đúng rồi, từ giờ trở đi mình sẽ có ngày "thứ Ba thần thánh", dứt khoát chỉ dành riêng cho mình.

Kết quả của cái kế hoạch mới ngày của riêng mình trong buổi sáng là rửa cái đầu, phơi phóng quần áo, quét cái sân, dỡ mấy thùng sách để tìm tài liệu chị em cho buổi làm việc cuối cùng với bọn trẻ con, bày chán ra rồi thì nản, quay sang lụi cụi nhắn tin rủ rê bạn yêu dấu uống trà sau bữa trưa bên tiệm cafe quen. KL nhắn lại đồng ý và chốt giờ. Tôi cứ theo thế ung dung xách cái túi nhỏ trong đó có máy tính bảng với ý đồ dứt khoát phải chụp một kiểu ảnh để còn về khoe Bố Mẹ. Chuyện là bữa trước khi tôi kể về việc gặp lại bạn sau 32 năm, hóa ra là hai cụ già còn bồi hồi xúc động hơn cả tôi, rồi còn nhắc cả những chuyện, những tên người mà tôi đã quên tịt. Mẹ cứ hỏi mãi KL thế nào, vì thế mới có vụ ủ mưu chụp ảnh :-)

Tuyệt đối không tệ chút nào cho lần gặp lại thứ hai này. KL làm tôi cười nghiêng ngả về lịch sử công tác của bạn. Ngày hôm nay tôi biết thêm một "thế giới" mới của chị em thị dân/công sở. Tôi nghe chuyện về cách bạn nhìn nhận các sự kiện, ứng xử với chúng và những con người liên quan trong đó mới thấy mình đã tự "hãm" quá lâu trong các vấn-đề-không-đáng-chút-nào. Tôi khoe bạn việc được giải phóng khỏi sự vụ hành chính rồi bảo, hẹn gặp ấy nói chuyện phiếm giờ hóa thành tớ có nguồn cảm hứng mới.

Chúng tôi chia tay mà chẳng có kiểu ảnh nào vì trong tiệm cafe ai ai cũng bận bịu, không tiện nhờ. KL nhắc, nhân tiện thì mau mở FB tha hồ xem ảnh cũ và mới. Tôi không thích món này, nhưng với những người bạn cũ ở khu phố Đại La, việc nhờ TL mở cho một cái tài khoản xem chừng rất đáng.

Sau cuộc chuyện dài, tôi về nhà tiếp tục đánh vật với đống sách chị em. Tính sơ sơ, sách chữ Việt kể cả đã chiết khấu nửa giá bìa, tiền mua cộng lại chắc chắn đủ cho tôi uống cafe bét nhè suốt một năm ròng; còn sách chữ Tây thì thôi rồi, thừa sức mua được vài cái xe giấc mơ đời mới sản xuất tại Việt Nam. Có vài cuốn ở bìa phụ tôi nắn nót ghi, mua sách này từ tiền viết bài hậu hiện đại hay nguồn lực nữ gì gì đó, tự dưng lên cơn hoan hỉ sao có lúc mình chăm chỉ và năng suất vậy. Giờ nhìn lại bản thân, lờ đà lờ đờ, đọc được mươi trang bản thảo thì mắt đã dzíp tịt.

Cho bữa tối tinh thần của ngày là xài leftovers nên tôi chẳng phải làm gì nhiều. Vấn đề phát sinh là có hai bạn củ cải từ vườn Bắc Ninh nằm im một góc bên cửa sổ như nhắc nhở. Tôi ngẫm nghĩ chút thì quyết định đi kiếm một rẻo ba rọi về làm món củ cải kho. Lần nấu này của tôi đơn giản hơn bảo giờ hết, có chút điều kiện là mirin, còn lại chẳng chưng nước hàng, chẳng hành tây cho ngọt, chẳng hành lá cũng như cà rốt cho đẹp, cũng chẳng cầu kỳ nước tương Nhật loại này loại nọ. Đơn giản chu trình ướp - kho và đương nhiên là sự kiên nhẫn :-)

Chuẩn bị
- Dải thịt ba chỉ thái miếng xấp xỉ hai bề 3cm x 3cm. Xong rồi thì kiếm cái nồi đất, cho các miếng thịt vào, ướp chúng với xì dầu (tôi lười quyết định chọn loại nào trong đám nước tương Nhật nên làm người Việt Nam yêu nước vớ luôn lọ Phú Sĩ) và mắm theo tỷ lệ 1 xì dầu/2 mắm, muối hạt, một thìa súp mirin.
- Củ cải cắt khúc rồi bổ đôi, xóc với muối hạt.
- Mấy củ hành hương bóc vỏ, rửa sạch để cạnh sẵn sàng.

Kho nhá
- Sau chừng nửa giờ ướp thịt và củ cải, phần củ cải rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào nồi ướp thịt, đảo đều. Cho chừng một hai thìa súp nước lã vào cùng chỗ hành hương đã chuẩn bị sẵn. Lần này tôi còn cho thêm mấy hạt tiêu xanh ngâm mắm.
- Để lửa to đến khi sôi thì từ từ hạ lửa. Cứ thế cho tới lúc cạn thì thôi.
- Khác với những lần trước kho theo kiểu Nhật để nước kho phong phú, lần này tôi kiệm nước, có phần lo lo sợ không kịp ngấm, sợ thịt không mềm. Nhưng kết quả bất ngờ là món thành phẩm có màu đẹp (bất chấp không có nước hàng), và khi nguội rồi thì thịt mềm, dẻo, thơm, còn các bạn củ cải chắc do ướp muối quá tay nhưng còn lại thì tuyệt cú mèo, ngọt vị củ cải nguyên thủy, đượm vị ngọt từ thịt thấm sang, mềm mềm, dẻo dẻo.

Kết luận của phi vụ nấu ăn tối nay của tôi là khi suy nghĩ đơn giản, nhẹ nhõm và tích cực thì làm gì cũng theo đó mà thập phần vui vẻ :-)

Cứ đà này thì sau khi tôi được giải phóng hoàn toàn khỏi cái công việc mõ khốn khổ khốn nạn đeo bám nhiều năm nay, tôi dứt khoát sẽ làm xong cái luận án và lên thêm một trình nấu ăn bất quy tắc theo kiểu t :-)))

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

đậu phụ nhồi mọc hấp kiểu t. này

Trong suốt nhiều nhiều năm, tôi vốn là đứa không thích đậu phụ. Nhạt hoét, lại mềm õng ẹo ỏng eo nữa chứ. Nhưng mấy năm rồi, qua nhiều chuyện, sau vài biến cố, tâm tính thay đổi kéo theo phần thân cũng biến chuyển. Bản chất đứa ăn tạp vẫn là vậy nhưng bắt đầu lề mề lúc này lúc khác gặm nhấm rau củ, ăn mấy thứ được xem là tốt tốt lành lành trong đó có đậu phụ.

Xế cổng phụ của chợ trong khu có chị hàng đậu chuyên bán buổi chiều. Cạnh hàng đậu là hàng nem rán. Hàng nem rán có bán nem đương nhiên rồi, đôi ba tháng trở lại đây thêm món chả hấp, chờ bà con mua về tự biên tự diễn, tức là tự rán.

Tôi lờ đờ đến được hàng đậu thì như đứa tỉnh ngủ, hét toáng lên rất oách "Chị cho em mua hẳn hai bìa đậu". Hàng nem tủm tỉm cười, nhại lại có bổ sung "Hai bìa đậu và chục cái nem". Tất nhiên là tôi sẽ cười khì khì, chờ tớ đi cướp ngân hàng cái đã.

Hôm nay trong đầu tôi ấp ủ âm mưu làm món đậu phụ nhồi mọc nên rất thuận miệng, bảo hàng nem rán để cho một miếng chả hấp. Có đậu phụ, có giò sống, có chả hấp, có hành tươi, ở nhà thì đã ngâm sẵn mộc nhĩ nấm hương, tôi sẵn sàng cho món đậu phụ nhồi mọc kiểu mới.

Nhân mọc tự chế
- Nấm hương và mộc nhĩ làm sạch, cho vào máy xay nhuyễn
- Hành tươi thái mỏng mịn cả phần lá xanh lẫn thân củ trắng
- Giò hấp thái sợi chỉ mịn rồi băm nhuyễn (bình thường tôi trộn giò sống với thịt xay, nhưng hôm nay quyết định thay đổi chút chút)
- Úm ba la trộn tất cả các bạn ấy với giò sống, và thêm chút tiêu xay nữa.
(Những lần thử nghiệm trước còn có vị dầu mè và chút sợi gừng thái chỉ siêu mịn màng, hôm nay thì tôi dẹp tuốt).

Nhồi đậu phụ
Bìa đậu cổ truyền chia thành 6 phần, sau đó mỗi phần lại xắt ngang, trét mọc vào giữa.
Nói chung là phải rất nhẹ nhàng vì nếu không đậu sẽ bị vỡ, và phải khéo để mọc kết dính hai mặt đậu (cứ như là chơi mấy trò minimatures vậy).
Đặt nhẹ các miếng đậu vào xửng hấp, rưới chút xì dầu lên chúng. Và đương nhiên là hấp rồi.

Ăn thế nào
Ăn siêu nóng là ngon nhất. Tức là lấy các miếng đậu ra khỏi đồ hấp, đặt vào cái đĩa sâu lòng, rưới thêm chút xì dầu nữa, và cứ thế mà ăn vã chơi đầu bữa. Đậu mềm, ngọt thơm vị mọc và xì dầu. Mọc cũng mềm rượt, lại có chút sần sật của vụn chả hấp bằm.
Hôm nay tôi rất nhã, đậu phụ nhồi là đậu phụ nhồi. Không xí xớn tìm lọ Tabasco ăn kèm :-)))

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

paradise of madness

Hôm trước trên xe về Bắc Ninh, chúng tôi nói về chủ đề "phượt". TL ghét du lịch với tôi vì theo nó, tôi đích thực là con heo béo chỉ loanh quanh ăn uống và sau đó là lăn quay ra ngủ. Có chút oan uổng cho tôi trong chuyện này vì tôi cũng vui thú ngó nghiêng lắm chứ. Duy chỉ có một điều là tôi ghét con người, ghét đám đông nên rốt cuộc cái sự gọi là thăm thú bỗng mang một kiểu dạng quái dị.

Người trò chuyện với tôi trên xe bữa đó có danh sách "điểm đã đến" bằng xe máy thật đáng nể nang, gần là mấy cái chùa nho nhỏ, im lìm, khuất nẻo đâu đó trong một Hà Nội mỗi ngày một tham lam phình nở, nhốn nháo lộn xộn và phô trương giàu nổi, xa là cái hồ lịch sử rộng mênh mang ở tận tỉnh Ninh Bình. Tôi nghe lắc đầu lè lưỡi, sau vẫn không bỏ được máu láo toét xỏ xiên, mặt mày nghiêm túc phi thường tuyên bố, cháu cũng sẽ đi phượt.

Trên xe cả nhà chăm chú nghe câu kế của tôi. Có đứa thủng thẳng, kế hoạch 5 năm của cháu là chạy xe máy đến Đền Lừ. Lý do, vì biết là nó ở ngay đầu kia của thành phố và vì tên nó hay. Hết chuyện.

Trong lúc tôi bắt đầu quên cái kế hoạch làm phượt thủ vĩ đại nơi đầu lưỡi của mình thì gia đình người nói chuyện với tôi hôm đó đã kịp có chuyến đi mới. Và trên đường đi, theo lời thuật của M tại bữa trà tối qua, một thiên đường đã được tìm thấy.

Nó cho tôi xem ảnh chụp hai cái đầu tượng người ngoại quốc, đồ chừng theo vị trí đặt chúng là thầy y, ở dưới ghi năm sinh tháng mất tính ra cách đây cả một thế kỷ rưỡi. M nói ở đó rộng thênh thang, cỏ cây xanh mát, có cả đống cây cảnh quý giá, bà con ngồi phởn phơ xơi cơm, không khí trong mát không hề vương mùi hôi bế của đô thị mà cũng chẳng có vị thuốc men. M kể thi thoảng thấy ai đó nói chuyện điện thoại, cắt cử phân phó công việc rất bossy, lại có mấy chú áng chừng đầu gấu cò đất kiêm cho vay họ chạy rầm rập giữa các khu nhà không rõ là tìm ông chủ lớn báo cáo công việc hay truy sát con nợ. Rồi nó bảo còn chuyện hay ho nữa là cửa phòng lão bản lãnh đạo khu đó có tấm biển to tướng ghi số điện thoại liên hệ.

Tôi vốn ghét cái bọn mua đất nhà máy cũ trong thành phố xây cả rừng nhà. Tôi vốn ghét cái sự thiếu thủy chung và thông thái trong đầu óc của hạng người được gọi là lãnh đạo từ thế hệ này qua thế hệ khác, khiến cho cái cơ thể đô thị vốn chỉ đước cấu tạo cho một lượng người khiêm tốn giờ kẽo kẹt khói bụi và âm ỉ chứng tâm thần thị dân. Tôi vốn bội phục mấy bác coi bộ điên điên khi đầu tư từ cái ngày xa lắc lơ trại dưỡng lão cao cấp, khách sạn kiêm spa cho chó mèo nhà giàu và ấp ủ âm mưu làm nên đế chế dịch vụ hầu người quá cố, tất nhiên là hoặc họ giàu hoặc con cháu họ quan chức cần phô danh.

Vốn chỉ vậy. Song sau tối qua, tôi không còn trong đầu mấy cái nghĩ nhảm đó nữa. Giờ là những suy nghĩ buồn cười khác. Thứ nhất, trong thành phố vẫn còn các góc thiên đường. Thứ hai, thật là vĩ đại những người nghĩ ra cách khai thác cái xứ thần tiên mà M miêu tả.

Đố ai đoán được đó là gì :-)

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

kẻ nghiện ngập

Tôi ho trở lại. Từ chối uống thuốc.

Đến trưa qua thì hết chịu nổi, nghe lời xui của ai đó, khề khà uống Jameson. Trước khi rời nhà đi ăn tối với TL và bạn của nó, làm thêm một ngụm lớn, kết quả là ở quán có đứa mặt đỏ văng đỏ vái. Giữa đêm là lần nốc thứ ba, phóng túng cái tinh thần giờ mình đang an toàn, ở nhà mình.

Sáng ra hậu quả là thiếu nước móc họng. Lúc ra khỏi cửa, tôi ngó chai rượu tự dưng rùng mình khiếp hãi.

Mấy năm tập, tôi đã bài trừ chất cồn. BJ và D mỗi người một lối diễn đạt song đều không ít lần tội nghiệp tôi về cái sự tự tước đoạt một vui thú ở đời.

Tôi có thể không chạm vào bia và rượu. Nhưng với trà và cafe, thật khó tưởng tượng một ngày sống thiếu chúng. Cái gọi là sự giản dị trong ăn và uống xem ra cũng có nhiều giới hạn.

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

quà tháng 12

Từ bà chị yêu quý người cho tôi nhiều bài học về đức tính điềm đạm và thái độ chân tình.

Chúng tôi lên lịch hẹn từ hai ba tháng nay, đến hôm rồi thành gặp thật theo kiểu hẹn hú họa ăn may.

Ngồi ở The Kafe Village, tôi chén no bánh ngọt và uống hết bình trà to tướng dành cho hai người. Cô gái phục vụ hỏi có thẻ gì đó chưa, tôi cười hì hì bảo, mình nhà quê lên tỉnh cả năm mới có một đận qua đây nên không cần thiết. Quán quá nửa buổi sáng vắng tèo, tủ bánh gần như rỗng không, nhưng món bánh vị chocolat kèm cafe tôi chọn có thể nói là tuyệt cú mèo. Tôi thiếu nỗi nức nở, nhân bà chị tiếp điện thoại ai đó thì lôi cái Note ra hoan hỉ chụp đĩa bánh thứ hai.

Nhân chuyện chụp ảnh thì có chủ đề "phây-búc". Tôi được bữa cười thiếu sặc khi nghe chuyện ai đó khoe tuốt ruột từ loại kem đánh răng mình dùng cho tới con tôm hùm bữa tối. Nhưng cười xong một hồi thì thấy mình chụp cái bánh rôi "ấp" ảnh lên cái "bờ-lốc" này thì cũng thế còn gì.

Tôi luyên thuyên một đống chuyện, đến giờ bà chị phải đi công chuyện thì nhe răng chào tạm biệt, vác cái bụng căng tròn và quà sách về nhà.


Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

vé vào và ra

Ở hiệu sách, tôi nhặt cuốn "Em đồng ý ly hôn" của tác giả Chúy, tiện miệng nói nhảm ly hôn muốn rồi, giờ tìm thêm cuốn em muốn lấy chồng. Ai dè bà con nghiêm túc í ới hò nhau đi tìm cái tựa sách giả định đó. Thế là tức thì thanh minh thanh nga.

TL là người đọc đầu tiên cuốn sách. Tôi hỏi nó hay không, nó bảo thú vị. Nói xong cười khì khì bảo có quen ai đó từng qua cái đận này, vốn là người tháo vát nên trong chuyện này chạy đúng cửa, bao trọn gói mười triệu đồng thủ tục, đến ngày chỉ cần một lần xuất hiện là xong. Tôi không rõ giá kết hôn, cái ngày xa lắc lơ là dăm chục ngàn đồng lệ phí phường thì phải. Dù thế nào thì vé ra đắt hơn vé vào, nên chuyện này có lẽ phải tính kỹ.

Tấm vé vào cửa, ngay cả nó tôi cũng ngại mua. Sống theo nhịp buồn tẻ ngày qua ngày mãi thành quen. Thi thoảng giật mình lo nghĩ chút tương lai bà cô già. Song tảng đá lì trong tôi xem ra còn lớn lắm :-)(

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

khi bụng căng tròn...

The only way to deal with an unfree world is to become so absolutely free that your very existence is an act of rebellion [C. ~ Homme révolté]
Cái áo thun TL mua ở chợ đêm Vientane khi đi làm "hầu tước" được chuyển tay sang cho tôi. Tối qua tôi thử xỏ vào, tròn trĩnh thân trên ba khúc, coi ngán ngẩm đến độ có đứa nhìn với ánh mắt tràn trề thương hại rồi bảo, hay là đưa lại cho em. Tất nhiên là tôi nói không. Vì tiếc của, nói cách khác là  tham. Vì tính vẫn có thể mặc nó rồi phủ lên người một cái áo chui đầu rộng rãi. Và đặc biệt, vì một phép kích thích psy, mặc nó nhắc tôi về sự xấu xí do chính tôi tạo nên cho cái thân của mình :-)))

Đợt ốm dài lần này không chỉ để lại hậu quả là sự phình nở của thân mà cả một đẳng cấp ù lì mới. Tôi quay lại phòng tập sau hơn hai tuần, lờ đờ trên cái máy một hồi, chống tay mấy cái rồi mau mau chuồn. Thời gian đứng chờ bus về nhà còn dài hơn nhiều thời gian tập. 

Luận án vẫn là một chủ đề ở nơi cửa miệng. Tôi nói về nó như thể nói về việc sáng qua đã nốc mấy cốc cafe, kiểu như một điều đương nhiên, kiểu như một chuyện tầm phào của cuộc sống ngày qua ngày. Thi thoảng đêm về, vào cái khoảnh khắc bất chợt [và] hiếm hoi mà theo mô tả của M là phút thực sự một mình, thực sự cô-độc, thực sự đối diện với chính mình, tôi có chút lo lắng. Nhưng mau mau sau đó là đọc nhảm nhí, nghĩ lung tung và thế là cái vòng tuần hoàn lại tiếp tục.

Làm bản thảo GB xong, tôi cao hứng được đôi ba ngày rồi suy sụp hoàn toàn, cả phần thân vật lý lẫn cái đầu suy nghĩ. May mắn là, sau cơn khủng hoảng thì có phần bù đắp, với chút bất ngờ thiện lành, tôi quay lại thói quen đọc của nhiều năm trước, với thích thú. Đà mới này cho luận án, cho đề cương chị em, cho những jets bản thảo kéo dài hàng năm, có thể coi là không tệ.

Để giải trí trong những khoảng ngắt quãng giữa các bài luận và bản thảo luận án, tôi sẽ đọc lại một tiểu luận của Camus và đọc thật chậm bản dịch Maeterlinck của Nguyễn Trí Dũng - một tác giả to mà tôi chỉ mới vừa biết. 

Và tất nhiên tôi không quên cái chí thú sặc mùi đau khổ của kẻ đang cố gắng rèn thói quen gặm nhấm rau củ để giảm cỡ cho ba cái vòng ở thân trên :-)))

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

bắc ninh 27.11.2016


Hai cụ già có sàn bếp mới, phần bàn bếp rộng thênh thang, điểm có thể coi là dở hơi duy nhất của lần sửa sang này là hai bồn rửa có phần khiêm tốn. TL bảo đáng tiếc, nếu biết trước thì thậm chí đặt bồn ở Hà Nội nó cũng sẵn sàng làm. Tôi cũng nghĩ như nó, nhưng đến lúc thơ thẩn rửa bát đũa sau bữa thì lại nghĩ, nhà của Bố Mẹ, nhu cầu của Bố Mẹ, mình là đứa thi thoảng "xâm nhập", đánh chiếm và thụ hưởng chút tiện nghi rồi lại quay về thành phố thì sao cứ áp cái tiêu chuẩn của mình. 

Sau bữa trưa, chúng tôi khềnh khàng ra sân ngồi phơi nắng. Có đứa ưỡn cái bụng bảo "phơi chữ" rồi xuất khẩu thành thơ. Nó đang trong cơn hứng chí với kế hoạch trở thành "tác giả", cười te te bảo có thể về thuê một phòng trọ trong nhà của hai cụ già để sáng tác. Mẹ cười bảo, gì chứ cơm lứt muối mè rau dưa thì nuôi được, thuê gì mà thuê.

Chúng tôi nói về những giấc mơ, những tương lai gần và xa điên rồ của mình, về kế hoạch xây nhà tự dưỡng, về cái giấc mơ "tổ ấm nơi tận cùng thế giới". Tôi có xu hướng nhìn sự vật theo cách méo mó và xấu xí một cách tiêu cực nhất có thể, lầu bầu, mơ với chả mộng, may mà có cái xác nhà chứ giờ vắt chân lên lo nghĩ trả tiền thuê nhà hàng tháng ở thành phố thì còn thời gian đấy mà mơ. Thằng bé vặc lại, thì chính vì mình có các điều kiện để làm điều mình thích, vấn đề là có thích và có làm hay không. Đến đó thì đúng là nó có lý.

Đường về Hà Nội lần này có chút đặc biệt. Chúng tôi dừng chân ở một ngôi chùa cổ, thưởng chút thong thả và chậm rãi trước khi quay trở lại thành phố ngột ngạt và phô trương.









Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

các cách chúng ta sống

(1)

Rất nhiều năm về trước, tôi có một giấc mơ, thi thoảng bật ra khỏi miệng và làm cho người đối diện phải phì cười, đó là lấy được một ông chồng người Hoa làm nghề đầu bếp. Lý do rất đơn giản và chân thật, bếp ăn đó ngon.
Hôm nay thằng bé kể chuyện gặp khách hàng tiềm năng là người nổi tiếng thích "ăn ngon mặc đẹp" vốn xuất thân từ nghề bếp, lại có ông chồng là người Hongkong chuyên nghề chef thì tôi nhớ lại giấc mơ xưa cũ đó.


(2)

Đi linh tinh lang tang chỗ này chút, chỗ kia chút, cái giấc mơ của đứa sinh viên năm nhất năm hai đại học tan biến trong không khí như bọt bóng xà bông. Cái sự yêu thích ăn ăn uống uống của tôi thực là lên lên xuống xuống tùy tâm trạng, tùy hoàn cảnh, tùy mối kết giao.
May mà trong suốt thời gian dài, tôi không lên cơn theo kiểu vì thích mấy món bánh Nhật thì dứt khoát mơ màng có ông chồng Nhật, vì thích đồ nguội của Ý và Tây Ban Nha thì dứt khoát mơ màng có ông chồng người các xứ ấy, vì thích cafe có vị quái dị từ New Orleans thì dứt khoát mơ màng có ông chồng xứ cờ hoa, vì thích mấy món sauce làm từ trái bơ và ớt habanero thì phải kiếm ông chồng người Mễ... :-)

(3)

Giờ, thân thể phình nở nghịch với bao tử có xu hướng lão suy và co rút thì rốt cuộc tôi kết luận, hóa ra bản thân mình cũng chẳng phải là máu mê vụ đánh chén cho lắm.
Gọi là thích thích có lẽ là diễn đạt vừa vặn.

(4)

Bữa trước tôi vui tính lên cơn chán đời hỏi sếp, giả dụ em kết hôn rồi bảo ông xã nuôi mà không đi làm nữa, vậy có ngại không. Sếp bảo được chứ, lúc đó có thể làm khối việc mình thích.
Cả tôi và sếp đều lờ đi một vế quan trọng, cái người mà tôi giả định là "ông xã" phải có đủ điều kiện để nuôi một đứa ăn không ngồi rồi giả định là tôi.

(5)

Có con nhóc tốt nghiệp đại học đã lâu nhưng ở nhà làm mấy đồ linh tinh, đại loại kiếm được đôi ba triệu thu nhập không bị đánh thuế.
Tôi hỏi thăm về nó, thắc mắc, sao người lớn trong nhà không giục đi làm à. Người được hỏi trả lời hộ con bé, ừ thì lúc đầu cũng giục, nhưng sau một hồi thì nhớ ra là cả nhà đó có ai đi làm [Nhà nước] đâu mà phải cố. Chuyện nữa là con bé hàng ngày sớm tối giúp cha mẹ mở và đóng cửa tiệm của gia đình, còn ban ngày thì coi con cho anh chị, tính ra hình như rẻ hơn là thuê "ô-sin". Thế là cả nhà nó quên tiệt chuyện giục nó đi làm.

(6)

Thi thoảng vì một lý do vớ vẩn nào đấy mà tôi chạy sang siêu thị gần nhà trúng giờ giờ tan tầm, tôi không khỏi bỏ thói tò mò về các nhóm nữ khách hàng.
Có rất ít người thong dong, và nếu có chủ yếu là các bà già.
Có một vài cô gái trẻ, tôi đoán là đang tuổi cập kê và còn dư năng lượng biểu tỏ sức trẻ và sắc đẹp bất luận trong điều kiện thời gian và không gian nào, hoặc đi một mình tràn ngập tự tin đang được mọi người chiêm bái hoặc nhí nhảnh bên anh chàng bạn tình đối tác tiềm năng.
Còn lại, có một loại người đặc biệt, những nữ cường nhân hết ngày quay về vai bà nội trợ của gia đình, mang những khuôn mặt xám xịt, bạc phếch phấn phấn son son bôi trát đầu sáng, giày cao gót lễu đệu lê bước, mua vội chút chút đồ tươi và sau đó là không ít thức ăn làm sẵn. Nhiều trong số họ kiêu hãnh không kém mấy cô thiếu nữ kia, nhưng cách họ mua đồ, thời điểm họ mua đồ, thứ đồ mà họ mua... xét về mặt nào đó đã trói buộc họ vào sợi dây "cam chịu" của cái đời sống thị dân mỏi mệt, chạy tuần hoàn rì rì từ ngày này qua ngày khác.

(7)

Tôi và TL lười nấu, sau một hành trình bus tắc đường dài lê thê thì chuyển sang cá cược vụ có đặt được chỗ ở Huế không. Tôi có kinh nghiệm mấy bữa cao hứng chạy xe máy qua đó đều kín bàn nên lần này gọi điện, bắt đầu mở miệng là mặc cả, mình có hai người "đánh nhanh thắng nhanh". Thế là a-lê-hấp, được một khung giờ trước khi khách đặt ồ ạt đến quán. Chúng tôi tới nơi, chẳng khó khăn gì nhận ra anh chàng quản lý giọng ngọt mê người. Lời khuyên chúng tôi nhận được là gọi điện đặt chỗ từ sáng sớm hoặc ngày hôm trước. Tôi cám ơn một câu, TL hỏi một câu như có như không, sao không mở thêm thì nhận được câu than phiền đầy tự hào, bọn em ba quán giờ đã không đủ người làm :-)
Chúng tôi ngồi bàn số O. Trong lúc đợi món được xem và nghe miễn phí màn hài hước khách gọi điện đặt chỗ bị từ chối và khách không đặt chỗ trước đến trực tiếp phải rời đi. Trong những đám phải rời đi đó, có một đôi rất thú vị. Anh mặt mũi và thân người múp míp của kẻ ham thưởng thức đồ cồn, coi bộ như cán bộ sở thuế hay chính quyền địa phương có liên quan đến nhà hàng. Chị coi bộ như phụ nữ tuổi ngoài ba mươi super-woman siêu thành đạt, váy gấm xòe công chúa lấp lánh, túi da bóng nhẫy, giày cao đế đỏ gõ lộp cộp. Người ta không có chỗ biểu tỏ chút thất vọng rồi yên tĩnh rời đi. Anh quơ quơ cái điện thoại thông minh cao giọng hỏi cô bé phục vụ quản lý nhà hàng đâu như thể sếp tổng hạ ân cho thuộc cấp, rồi phẩy tay kéo chị lên tầng. Đôi ba phút sau, cả anh cả ả cùng đi xuống rồi rời đi với chút hậm hực.
Kết thúc bữa tối ngon và sặc mùi hài hước này, tôi quyết định, lần sau nếu đã muốn ăn ngon và thư thả thì tốt nhất là biết thân biết phận đặt bàn cho nó tử tế :-)

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

quà cho bản thân - bao kính mới

Vẫn là con nhóc kì dị đáng yêu, nói năng khe khẽ khò khè như con mèo hen đó.

Vẫn là tôi, lơ ma lơ mơ đặt hàng, diễn đạt chẳng đâu vào đâu, cuối cùng thì thòi ra câu chốt, "mày muốn làm gì cũng được".

Áo mới cho kính TL mua cho mấy năm trước ở BKK.

TL bảo, mặt trước bao kính tàm tạm. Mặt sau, hoa sen nổi, "đồng bóng" quá.

Mà vậy thì mới là tôi!

Và cũng mà vậy thì tôi giấu tiệt cái mặt sau đó đi :-)))


chuyện nhảm khi ốm

Đận ho kéo dài này của tôi chỉ thua kém duy nhất cái tuần rũ rượi học M2. Trong suốt hơn mươi buổi lên lớp của cô giáo người sau này kiêm vai trò hướng dẫn luận văn cho tôi, tôi ho triền miên, không có nổi mười phút ngồi yên trong lớp.

Cũng như dạo đó, lần ốm này, ho có thời biểu của riêng nó, đại loại là đến giờ con gà lần về chuồng. Tôi ngồi bus, đến đầu Thụy Khê thì hết chịu nổi, người rung rinh như con nghiện. Chai nước rỗng không có gì để tu, xoay sang ăn kẹo bạc hà không ăn thua, xoay tiếp sang nói chuyện với bà thím ngồi kế. Hiếm khi tôi bỏ cái mặt cau có của mình trước người xa lạ, lần này cứ khe khẽ thì thào trụ được hơn mươi phút trước khi cơn ho quay trở lại. Thế là có câu tuyên bố, thôi cháu hết chịu nổi rồi, xuống xe ho hoành tráng một trận mới được.


Ngồi hàng nước chè vỉa hè trong ánh đèn đường và xe nhộn nhạo, tôi nghe được một ổ chuyện hay ho, từ chuyện hàng xóm trong khu phố lừa gạt nhau tới đám cháy nổi tiếng hôm đầu tháng. Tốn mười tám ngàn đồng bạc, được một chai La Vie, một cốc trà nóng uống siêu dở và một cốc nước chanh có thể nói là ngon nhất của năm. Chị gái bàn hàng buông lời khuyên, ho kiểu này phải đi "soi". Tôi cười trừ, sau nói đi nói lại mấy câu vui vẻ trước khi rời đi. Gọi được taxi, câu đầu tiên khi đặt mông xuống ghế là xin lỗi cậu tài, "tớ ho nhưng không lây đâu". Lại tiếp tục nói nhăng cuội kiềm chế cơn co giật của cái cổ họng và lại một lần nữa thất bại thảm hại. May mắn là đường hết giờ tắc, xe hanh thông mau mắn về đến đường to gần nhà. Lúc thanh toán, tôi học được từ mới, không gọi đơn vị chục ngàn đồng là "k" [ka] mà là "c" [cờ]. Nghe câu, "hết bốn mươi cờ", tôi mất nửa phút mới luận ra, xong rồi thì cười ha ha ha.

Hôm nay người tôi gần như là trống rỗng. Ở cơ quan tay chân táy máy được một đống việc mõ, nhưng cái đầu thì lạnh lẽo, vô cảm tuyệt đối. Cuối ngày làm việc có chút niềm vui khi một người học cũ qua chào hỏi, khi một bậc đàn anh khi được hỏi thì đưa ra cái ý kiến ủng hộ âm mưu tôi hiện giờ đang ấp ủ.

Sáng nay, trước khi rời nhà, tôi rúc rích cười khi đọc Tràng Thiên nói chuyện "nuốt đầy bụng" và "giao hoan".

Trưa nay, tôi lờ đờ làm khách từ đầu chí cuối màn ăn và uống, khám phá thêm một tiểu-thế giới của sự ăn sự uống theo phong cách công-nghiệp và thời-thượng ở khu nhà giàu mới của thành phố.

Chiều nay, tôi xui một người dứt khoát phải đọc Đổi chỗ của Lodge.

Tối nay, tôi thấy mình tiến thêm được một mi-li-mét con đường tiến bộ tâm tính :-)))

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

cuối tuần đặc sắc

Giữa tuần, tôi khụt khịt, người nhuốm lạnh song chủ quan nên cuối tuần thành ốm tưng bừng. Phều phào nói chẳng ra hơi. Không đi gặp thầy thuốc mà hỏi thầy bói, bao giờ khỏi. Câu trả lời mơ hồ, năm bảy ngày nữa.

Bọn trẻ con đến dọn giúp sảnh ngoài. Tôi bảo chúng, vẫn "nguy hiểm" như xưa. Có lẽ, từ chính xác phải là "lợi hại".

Khoái chí với cái sảnh mới dọn, tôi đốt chút bột trầm bữa trước được ông thầy hướng dẫn cho. TL khịt khịt cái mũi, sao giống mùi lá cà ri tươi.

Vườn được dọn chút ít. Đám cây vẫn như mọi khi, lờ vờ sống. Ít nhất sẽ có một cái cây sớm được gửi về Bắc Ninh nhờ bà cụ già "cứu vớt" cuộc đời.

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

cá ba sa kho măng tươi

Bữa trước là món thử, măng chua, do TL làm. Bữa này tiếp tục là món thử, măng tươi, do tôi làm.

Tôi hấp tấp chẳng buồn ướp cá lâu như TL, hình như được hai chục phút. Phần kỹ càng hơn là chưng nước hàng tử tế. Dùng luôn cái nồi đất sẽ kho măng mà chưng nước hàng rồi chờ nguội thì ướp cá. Ướp cá có nước hàng, chút xì dầu, bột gia vị, tý xíu tiêu xay, mấy củ hành hương đập dập.

Măng nứa tươi bỏ phần cuống già đi, bỏ chút phần đầu búp cứng đi, bổ dọc rồi xé tiếp mỗi nữa thành hai ba phần sợi. Rửa thật kỹ. Tôi lười chẳng buồn luộc, rửa xong thì để ráo nước là được.

Chỗ cá ướp chừng đủ thời gian thì cho măng phủ kín phần cá, thêm nước xâm xấp, ớt tươi bỏ núm đầu và đuôi, cẩn thận thì tẽ đôi thân quả gảy sạch hạt, tôi lười nên để nguyên quả. Lần này đặc biệt tôi cho thêm nước mắm ngâm tiêu xanh và đương nhiên là mấy cái hạt tiêu trong đó.

Thế rồi kho. Lửa to đến khi sôi thì chỉnh nhỏ, để liu riu vậy cho tới khi gần cạn. Chỗ nước kho dư đó có thể là để cho lần kho thứ hai, hoặc làm nước chấm rau củ luộc ăn kèm.

Khác cá ba sa bà cô nhà Nội mua ở Big C béo mũm mĩm, bọn cá tôi mua cả hai lần đều thuộc dạng nghiện tập gym. Thế nên phần béo và ngậy vốn đặc trưng của ba sa không được như mong đợi.

Nhưng dù thế nào thì đối với tôi vẫn rất là ổn. Với một điều kiện duy nhất, chỉ là thi thoảng mới mần ăn vui vẻ vậy. Vì cơ địa tôi không hạp cá. Và măng ăn nhiều hẳn không phải là tốt :-(

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

lời hứa xứ miến

Tôi xỏ dép lê, quần mạng một miếng to tướng ở mông, áo Dao đường diềm cổ gần như bung rời, lếch tha lếch thếch đi tìm cafe. Hôm qua đọc Thual được hơn hai chục trang, thấy mình rất giỏi giang. Hôm nay đọc tiếp chưa được bằng đó, vẫn thấy mình rất giỏi giang.

Có hai ba đoạn về xứ Miến, khác với những lần trước, giờ tôi đọc thảnh thơi và hiểu cũng thuận lợi hơn. Sau Pye, Lady và Zarganar, giờ là Thual. Tôi cứ thế mà từ từ khám phá rồi phải lòng xứ này.

Trên đường về nhà, tôi nhẩm tính chỉ còn hai ba tuần nữa là tròn một năm sau chuyến đi ngắn mà giàu có về thành tích của tôi ở Yangon. Và cũng nhớ, kèm chút phiền não và hổ thẹn với bản thân, lời hứa viết email cho mọi người.

Dứt khoát tháng 12, sách, cartes và emails sẽ được gửi đi!

 



ngày rằm ăn mặn

Mẹ vô thần vô thánh, từ ngày trong nhà có chuyện thì để ý hơn chút chút, nhưng về bản chất vẫn là một bà cụ già chẳng ngại ngùng gì mà trêu chọc đám người sùng tín trước mặt nếu như những người này định "lên lớp"/"truyền đức tin" cho bà cụ. Tôi nhớ cách đây cả tỷ năm, khi Bố Mẹ còn chưa chuyển về Bắc Ninh, có anh hàng xóm, giờ là hàng xóm cũ, làm trong đội quản lý thị trường của một quận to và giàu nhất nhì thủ đô, khôn khéo vô cùng tận, say sưa khoe cái tâm thiện của mình với một trong những biểu hiện là ngày một và ngày rằm cương quyết không sát sinh. Ông anh nói nhiều thành quá rồi thành lố, thế là bà già tinh quái nói cho vài câu, kết quả câu chuyện ăn chay niệm Phật đột nhiên dừng.

Tôi rất quý ông anh hàng xóm này, bữa đó thấy bà cụ già nhà mình có hơi quá, nhưng ngẫm nghĩ thì cũng buồn cười, chén chú chén anh ăn tả pí lù đủ thứ suốt cả tháng, còn hai ngày "tinh khôi", bác lẳng lặng thực hành thì xin mời, lại lôi chuyện giáo lý và đạo đức ra nói với bà già thì đúng là thành đi "dạy khôn" người khác. Từ cái ngày có chuyện buồn cười đó, tôi cảnh giác cao độ với tất cả các thể loại bà con mỗi khi họ bắt đầu nói quá mười câu về chủ đề "cơm chay". Tất nhiên là trừ ngoại lệ bàn về công thức và cách thức nấu nướng. Túm lại là cứ lôi chuyện sạch/bẩn và đạo đức ra là tôi đánh bài chuồn hoặc lảng sang chuyện khác.

Cuối tuần trước tôi hẹn hò với đồng nghiệp, cô em chốt chét ăn trưa thứ Hai. Đến cơ quan, tôi chẳng quan tâm ngày tháng, tắp lự rủ rê tính toán, đi ăn miến ngan rồi tiện đường về thì mua quà để qua thăm ông giáo chung của chúng tôi luôn. Cô em bảo trước đấy có mấy đồng nghiệp khác rủ xơi cơm chay, lúc đó tôi mới biết là trúng ngày rằm. Tính ra chẳng nhã lắm, nhưng đã chốt thì chét.

Hai đứa có một bữa tưng bừng. Xong xuôi, tôi nói với đồng nghiệp, lần nào cũng vậy, ăn xong món này tự trách mình ngu vì biết là quán chẳng sạch sẽ gì, rồi nữa là khó chịu với cái mùi của thức ăn bám dính, bất chấp là đã cố tình ngồi bàn vỉa hè, nhưng sau vài tháng lại ngu tiếp.

Chiều nán lại cơ quan chăm chỉ làm việc, ra về đúng giờ tan sở làm. Nhìn hai lượt bus tuyến quen tới người nêm cối thì con giời khiếp hãi, sau tính chuyện có việc phải qua Lò Đúc thì nhảy đại lên bus tuyến lạ. Chẳng may trúng vào cái xe bị hỏng điều hòa. Đứng im một xó, đột nhiên có cảm giác mình là con ngan. Lại tự trách mình ngu tiếp.

Để xem lần này cái "ngu" được ý thức trong bao lâu :-)))

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

hai bọt trà của tràng thiên

Tôi đọc nhẩn nha, đọc nhảy cóc, vừa đọc vừa nghĩ có chút đáng tiếc là dốt nát, không biết Tràng Thiên sớm hơn. Tôi thích tác giả này, thích tiếng Việt của Ông!

Hồi nhỏ, đọc Thạch Lam viết về quà Hà Nội thì mê lắm. Lớn hơn chút nữa đọc lại thấy có chút lướt tha lướt thướt, buồn buồn. Lúc thập thò chân vào ngưỡng bà cô già thì không còn đậm đà thích nữa. Cảm giác sau lần đọc lại cuối cùng là, văn chương hay thật là hay nhưng, theo thuyết âm mưu mà nói, có chút vẻ như tác giả không khoái chí chuyện ăn và uống bằng chuyện biểu diễn ngòi bút. Kỹ xảo là trong phạm vi của viết lách chứ không phải trong cái khuông dạ dày.

Một ông cụ khác mà tôi hâm mộ vô cùng khi còn học Triết là Nguyễn Tuân, với cái ấm pha trà và bát phở bò. Hồi đó, tôi không nhớ nói chuyện với ai, đại khái là bậc đàn anh, hình như ở tiệm cafe-trà tre trúc bờ tường Thư viện Quốc gia, thì đối phương phun ra đúng hai chữ "kiêu mạn". Tôi không để ý lắm. Sau này, cũng là vào lần cuối đọc lại một cách tương đối tử tế, thì thấy dứt khoát tác giả là kẻ sành ăn đích thực, song đúng là "kiêu" thật và trong câu chữ của mình, chỗ này chỗ khác, có vẻ như trọng tâm biểu tỏ không phải là cái sự ăn uống, cái nghệ thuật ăn uống mà trước hết là cái tôi nhân tài chữ nghĩa.

Yêu thích thật thà và trung thành nhất của tôi thủy chung là Vũ Bằng. Từ ngày đầu tiên thấy bản Thương nhớ mười hai xấu mù mịt trên tiệm sách mậu dịch trên phố Tràng Tiền rồi lê la cả tháng trời trong mấy tầng hầm thư viện của EFEO Paris rúc đầu đọc mấy tập san cũ ở Sài Gòn trước 1975 cho tới sau này chăm chỉ mua thêm cuốn này cuốn khác nói về quà miền Nam của ông thì cái sự cứ thế mà mỗi ngày một lớn. Đọc Vũ Bằng, ít nhất là liên quan đến ăn uống, tôi nghĩ là đang đọc một tâm hồn không có nhu cầu phải nỗ lực gồng mình biểu tỏ.

Giờ thì là Tràng Thiên. Giống như đọc Vũ Bằng, tôi bắt đầu khám phá ra một thế giới hương vị xứ Nam giản dị, thuần khiết và đẹp. Điều đó, với một kẻ chỉ có những chuyến đi chụp giật, vội vã xuôi Nam như tôi, thực là một món quà chữ nghĩa xa xỉ.

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

trong nhà, ngoài vườn

từ xứ Miến
Sau hồi nước thấm, rồi chảy tong tỏng thì giờ tường sảnh ngoài loang lổ, trần thạch cao mốc đen sì mấy mảng, coi phát khiếp. Nhà không có thang, tôi lại lười nên kế hoạch lau nấm mốc vẫn tiếp tục là kế hoạch. Cuối tuần này quyết tâm động chân tay tý xíu, vì nếu cứ tiếp tục hít hà không khí như vậy thì không ốm mới là lạ.

Ở ngoài vườn có cả đống chuyện kỳ cục. Tôi nhìn mãi mới ra cây cari của TL. Nó bảo, vườn nhà mình được duy trì theo phương pháp "một cọng rơm", cảm hứng từ ông cụ Masanobu Fukuoka, coi như là bao biện cho sự thiếu chăm sóc. Tôi dứt khoát không có duyên với các bạn cây leo tường, cả hai chậu cây có bò lan thì cũng chỉ là lơ phơ lất phất một đoạn tường ngắn. Nếu nói nhìn cái vườn biết chủ nhân thì đúng là "cùn" hết cỡ. Cái này tôi gọi là thuận theo tự nhiên, theo phong cách nhà Đạo :-)))

Năm nay có chuyện lạ là cây quất cứ im lìm thế mà cho đống quả. TL nấu canh rau muống từ nước rim thịt nạc thăn, thả miếng gừng, lúc bắc ra bát đã bớt nóng rồi thì vắt mấy trái quất, cho nước canh vị chua dịu, rất ngon. Tôi còn nhăm nhe làm món nước tắc. Nhưng nói vậy chứ chắc lười thì lúc định làm bọn quả đã bị vặt và chén sạch rồi.

chiến trường cừu hun khói
cari của TL

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

cá ba sa kho măng chua

Hộp măng ngâm chua bà cô nhà Nội cho nằm im lìm một góc bếp. Măng bà cô ngâm tôi chẳng rõ làm thế nào, túm lại là trong vắt chỉ có măng, không hạt này hạt nọ, cũng chẳng có ớt cay. Túm lại là măng ngâm chua.

TL đi ra đi vô mấy lần liếc cái hộp đó bảo, để mua cá về nấu canh. Nói là vậy nhưng cả tuần làm việc bã người nên chẳng có kế hoạch nấu nướng nào ra hồn, còn cuối tuần thì món canh hóa thành món kho.

Tôi hỏi TL trước khi sang siêu thị, cá nào. Nó bảo thế nào cũng được. Được hồi tôi quay về với khay ba sa ba khúc nhỏ. Cả chiều thấy TL gật gật gù gù bảo ngon ngon. Món cá kho măng đến trưa hôm sau thì được đem ra đánh chén, công nhận là ăn chạy cơm.

Cơm nóng ăn với cá kho măng và món nước đơn giản chỉ là cải thảo luộc có thả chút gừng lấy vị. Hai đứa ôm cái bàn, ăn sạch sẽ cả cơm, canh lẫn thức ăn mặn vốn tính là cho hai ba bữa. Kết thúc bữa trưa, tôi hỏi TL thế làm thế nào. Nó bảo lần sau sẽ rút kinh nghiệm chút chút, còn cho lần này rất đơn giản.

Cá ướp với bột canh và ít xì dầu. Lẽ ra phải chưng nước hàng nhưng TL lười biếng, chuyển sang dùng xì dầu. Nó nói ướp chừng nửa giờ, nhưng nếu là lần sau thì sẽ còn lâu hơn nữa.

Măng muối chua được đem ra rửa ráo nước và luộc qua một lần cho bớt vị chua. Sau khi làm ráo thì cho vào nồi đất kho cùng với cá ướp lần trước. Trong nồi kho cho thêm mấy phần ớt tươi, chút nước mắm và một ít nước. Rồi cứ thế thong thả lửa to, nồi sôi thì hạ nhiệt, kho đến kiệt nước thì xong.

Tôi xấu tính, thích nhặt măng ăn. Đến lúc hóng đũa vào phần cá thì thấy ngon chẳng kém. Vị xì dầu không hề xuất hiện. Cá ngấm vị măng, vị ớt rất ngon, chỉ có điều với kẻ ăn mặn thì chắc chắn cần thêm chút nước mắm cốt, có thể thêm cả vài lát ớt và tiêu giã, bên cạnh. 

* Chẳng biết xếp ba sa vào nhà nào: biển/sông/đồng, vậy nên thành mục từ "cá khác" :-)))

mực xào cumin

Mấy năm trước, tôi được đánh chén một bữa ra trò món "mực nhảy Vũng Áng". Nhớ mang máng là cuốn lá lốt và chấm nước tương pha mù tạt xanh. Nhớ mang máng là ăn vui miệng, ngon. Song không phải đến mức nhớ nhung dứt khoát phải quay lại thử thêm lần nữa. Đại loại thế. Lý do một phần là món sống, tôi ngại. Phần nữa là cơ địa tôi không tốt, đồ biển nhìn chung là ngại, trừ ngoại lệ vác cái mặt ngoác ra khoái chí ở mấy quán ăn Nhật quen.

Thế nhưng từ ngày biết Huế thì đâm ra phải lòng món mực nướng muối của quán. Lần nào đến đó, mặc bạn đánh chén tập trung ngưỡng mộ các món bánh trái hay bún, tôi bao giờ cũng ra điều kiện, dứt khoát phải có đĩa mực, bất chấp là ngày đầu tháng lịch dưới hay không. Còn ở nhà, tôi đặc biệt thích món mực xào vị cumin của TL, thi thoảng mua con mực về gạ gẫm nó làm.

Món dễ làm, vị cumin có thể quá đậm với một số người, nhưng đã quen rồi thì dễ thành "nghiện" :-)

- Mực cắt miếng to bé, dọc ngang, khía hay không khía là tùy ý, chỉ cần nhất quán không lộn xộn miếng to miếng bé là được.
- Ướp các miếng mực với bột cumin và chút bột gia vị, bọc kín rồi tùy thời gian ướp để nhiệt độ phòng hay tủ mát đều được. Thời gian xê xích, cho đứa háu ăn và vội thì nửa giờ; cho kẻ thong thả thì nửa buổi, kiểu như món ăn bữa tối thì ta ướp lúc giữa chiều rồi nhét vô tủ lạnh chờ, đại loại thế.
- Tỏi bằm, phi thơm thì cho mực vào xào. Lửa để thật to, đảo nhanh tay.
- Bắc ra ăn nóng, ăn chơi ăn nếm là hay nhất, còn vào bữa tử tế thì là thức kèm cơm trắng và rau củ quả hấp/luộc là hạp nhất.

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

bác mo đã đúng & sự biến mất của một nơi chốn

Tháng trước đang coi nhà đài bình này nọ về vận động bầu cử ở xứ Hoa Cờ, TL nhớ ra Micheal Moore và bắt đầu gõ gõ tìm kiếm. Tay lướt máy nó cười hì hì, hóa ra có cả đống người tìm kiếm như em. Kết quả, bác này dự báo bác Trâm thắng. Tôi không để ý lắm chuyện này, sau nói qua điện thoại với D thì ông anh cười bảo khả năng cao. Hôm nay ngồi bus về nhà thấy bà con bàn tán xôn xao cả lượt, vậy là bác Mo đúng. Tối bọn trẻ con kể chuyện nữa, rằng mạng tìm kiếm thông tin vào sống ở Canada sập. Hôm tới nói chuyện với D nhất định tôi sẽ chúc mừng ông anh vác cái căn tính công dân của xứ sở hạnh phúc :-)

Nói tôi không quan tâm chuyện ở tít tắp xứ người là xạo. Nhưng cú sốc lớn tối nay liên quan đến một nơi chốn quen thuộc ở ngay mảnh đất Hà Nội này. Đang trà nước, TL thông báo tiệm xi-nê quen đóng cửa. Có ai đó trong số khách tới nhà tối nay mơ màng đại ý "anh ý" [ông chủ đất mới] giàu thế mà còn thò tay vào phá tan cái địa chỉ văn hóa hay ho này. Tôi cười hì hì bảo, ông ý có văn hóa của ông ý, không cùng hệ với cái tay mở rạp chiếu bóng. Nói cửa miệng vậy nhưng thực thà là buồn.

Tối mò mạng gõ gõ thấy một "tâm thư". Chỉ là viên sỏi nhỏ ném vào lòng đại dương, nhưng thôi thì ở đâu đó cũng có một nỗi lòng. Nghĩ lẩn thẩn thêm hồi, tôi chắc nịch rằng, cũng vì nghèo nên sẽ còn cảnh tích cực phá tiếp chỗ này chỗ khác trong cái thành phố nhộn nhạo này để nhường chỗ cho mấy món lấp lánh quê kệch. Dù gì thì thành phố đã biến dạng, nay thêm chút hẳn chẳng sao. Mà chắc nịch nữa là khối kẻ sẽ vỗ tay hoan nghênh ầm ĩ cái màn hiện đại hóa này :-(((

Tôi luyến tiếc rạp chiếu bóng nhỏ đó vì đó là một nơi chốn đặc biệt.

Ở tiệm xi-nê đó, lần đầu tiên tôi lập chiến tích đi coi phim một mình, Departure, điều đem ra khoe ầm ĩ với BB để nghe lại một câu, thì anh ở Paris vẫn thế mà.

Ở tiệm xi-nê đó, lần đầu tiên tôi khám phá thế giới của một Fritz Lang tài ba trước khi thành ông đạo diễn phim porno nhẹ.

Ở tiệm xi-nê đó, tôi đã chăm chỉ xem tới lui Silence des rizières, một bộ phim như nhiều bộ phim với ai đó, nhưng với tôi là một cú huých psy lớn vào cái tôi-động vật chính trị, khiến tôi bắt đầu chú ý và suy nghĩ nghiêm túc về lịch sử, về thân phận người. 

Ở tiệm xi-nê đó, giấc mơ xưa cũ của tôi về một cơ hội phóng chiếu đời sống của những phụ nữ nông thôn lam lũ chốn thị thành cuối cùng đã thành hiện thực.

bún cá hồi (2)

Hai ba năm trước, có dạo tôi chịu khó làm bún cá [biển], cầu kỳ chuẩn bị chút này chút kia, cá có hồi, thu, tuyết và có lúc là cả cá song. Sau rồi cơ địa, sau rồi không tiện đường qua siêu thị quen, ý niệm món bún cá cứ thế phai dần.

Tối nay bún cá, bún cá hồi quay lại. Được làm theo cách đơn giản nhất có thể :-) và nếu nói với chút chút khoa trương là "nhã" nhất có thể :-)))

- Cá hồi filet, rán chín tới thì rắc gia vị creole, sau chia miếng/lát để vào bát bún theo kích cỡ tùy ý.
- Nước dùng chỉ có xương ninh với một cái cải thảo và mấy củ hành tây nhỏ tháu cùng muối hạt cộng với một hai giọt mắm cốt. Nhẹ tay gạn bọt có nước dùng ngọt và trong. Hôm nay tôi không kiếm được củ cải, nếu có thì còn ngọt nữa.
- Bún loại sợi to vốn cho món bún Huế. Con giời dừng trước quầy, dõng dạc yêu cầu, sợi loại số 1, tức là to nhất.
- Hành tươi và rau gia vị gồm mùi ta, mùi tàu và thơm.

Bún chần nóng, vẩy ráo nước, đơm vào bát. Rắc một bên bát hành hoa thái nhỏ, phần củ chẻ sợi dọc, cùng một nhúm mùi tàu thái mịn. Một bên bát là mấy miếng/lát cá hồi. Chan nước. Rắc thêm các bạn rau mùi ta và thơm thái rối. Ai ăn cay khỏe thì có thể thêm tabasco và tiêu xay. Tối nay cạnh hai thứ tạo cay này tôi còn có mắm ngâm tiêu xanh, chanh tươi, ớt tươi, tùm lum tùm la bà con xơi tuốt.

Người ta sinh nhật hoành tráng một màn. Còn sinh nhật năm nay của ai đó khiêm tốn bát bún cá hồi nhà làm :-)))

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

thứ ba

Kế hoạch cả ngày thứ Ba chăm chỉ làm xong đề cương món chị em theo đặt hàng phá sản từ sớm khi tôi phát hiện nhà bị cắt nước, còn khi cắm máy bơm thì nó ro ro lạ lùng và kiểm tra bồn sân sau thì rỗng đến đáy. May mắn trong bếp còn mấy bình La Vie to dự phòng nên cuối cùng tôi cũng thong thả làm sạch cái mặt mốc của mình. Thay xong áo quần thì lững thững sang tiệm cafe với kế hoạch mới, đọc cho xong Bayard.

Như mấy bữa trước, tôi cười lắc lư một mình. Tiệm giờ ăn trưa thì quay về nhà, ngồi ngoan trước máy tính mò mẫm kiểm tra mấy thông tin cho bài giảng. Xong xuôi lại ra ngoài với lý do rất chính đáng: mất nước.

Kết quả của chuyến trèo bus lần này là nghe một màn hoành tráng của một ổ lái xe và phụ xe tuyến bus quen. Một người đàn bà và ba người đàn ông, văng bậy ầm ĩ như không có ai khác ngoài họ trên xe, nói về cả tá đồng nghiệp bằng những từ gọi tên "nó, thằng, con". Tôi ngồi kế họ, chỉ muốn cười ha ha ha, không phải cười họ mà là cười mình. Nhiều năm về trước, tôi cũng ồn ào, thô lỗ, chân tay vung loạn giống họ.

Kết quả nữa khi tôi quay về nhà cuối chiều là một cái quần tập dài "hàng xấu giá cao" và mười ngón tay đỏ ngả tím. Cái quần được phát huy tác dụng tức thì. Tôi tiêu đúng 8 phút rưỡi ở phòng tập, còn lại là hơn nửa giờ chờ và ngồi bus vì xe máy hôm nay đã cho bạn của TL mượn dài hạn. Khi xuống bus, tôi quyết định qua công viên. Trời ngả sắc xám và dọa dẫm gió lạnh nhưng thực tế là gió dịu. Hoa cỏ nở tưng bừng, nhạc xập xì ầm ĩ một góc công viên với đám thanh niên đang tập nhảy cổ vũ. Mọi thứ hẳn sẽ tuyệt một cách hoàn chỉnh nếu không có cái mùi khó chịu xộc lên từ hồ nước.

Tôi dừng chân ở tiệm sách Nhã Nam trong khu. Rất thần kỳ, vừa kết thúc Bayard thì tôi thấy David Lodge. Đổi chỗ đầy bụi, nằm ngất ngư tít tắp trên cao kệ sách ngôn tình. Tôi tự tiện kiếm thang trèo lên với sách. Sau thấy thêm hai cuốn của Tràng Thiên và một cuốn hình thức rất đẹp của tác giả mà cả tôi và TL đều thích, Deepak Chopra. Cuốn sách đầu tiên của tác giả này chúng tôi có trong tay theo một cách tình cờ, sách xấu mù và lại còn là ấn bản của một nhà xuất bản dư tai tiếng ở đất Hà Nội, nhưng đọc thì thích mê cả tác giả, cả cuốn sách lẫn hai bác dịch giả và hiệu đính. Cuốn mới mua hôm nay làm rất đẹp, tôi chẳng buồn dở xem bên trong thế nào, chỉ chăm chăm nhìn cái giá bìa, thò tay vào túi kiểm kê số tiền mang theo. Tính tính toán toán thì quyết định vác tất cả chỗ sách đã nhặt ra, dặn dò cậu thu ngân, đây nhá phần này đủ tiền, còn cuốn cuối nếu trong phạm vi thì mua tiếp. Hai cậu hàng sách cười phá lên, bảo bọn em còn chiết khấu nên mua được là cái chắc. Tôi rời tiệm sách, khoái trá với hơn bốn chục ngàn bạc dư trong túi quần.

Bố ra Hà Nội lấy tiền lương, mua thuốc, thăm cô út trong nhà và cũng là để chúc mừng sinh nhật con. Ông cụ già hỏi thăm con tình hình thế nào, tôi làm một tràng lộn xộn, cuối cùng kết luận là không phấn đấu làm người tốt, đơn giản là có cuộc con chơi, có cuộc con đứng ngoài. Và nếu đã đứng ngoài rồi thì khi bà con chia chác phần cỗ, con dứt khoát không có ý kiến thắc mắc chi.

Cuộc sống thật buồn cười. Tôi ngày càng thấy rõ là phần lớn bà con, dù có tô son trát phấn có tên gọi "đạo đức" cầu kỳ và tinh vi đến đâu nữa, thì rốt cuộc đều tham cả lượt. Nếu chăm chỉ làm lụng mà tham thì chẳng nói làm gì. Đằng này, tệ hại là vừa ngu dốt vừa lười biếng mà lại chỉ chực nhòm và nhón lấy được phần bánh to nhất về mình. Và như thế, càng tham thì lại thành càng ác độc.

Nhưng thôi, kệ bà con. Hôm nay tôi còn có vui thú to, nhảy phắt từ Heathen của Bowie sang thế giới Shanghai Jazz đậm vị hồi niệm. Và cả việc lần lượt ngả mũ chào một ổ thầy bà chuyên gia về giới nữa. Rất tuyệt :-)))

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

hương hình vị cũ

(1)

Sáng trước khi rời nhà tôi tiếp điện thoại. Bình thường máy để chế độ im lặng, hôm nay thế nào tôi để nhạc vang ồn ào. Bình thường tôi nhìn ngó số lạ một chặp mới quyết định nhận điện, hôm nay thế nào tôi cứ thế thuận tay bấm phím. Người gọi đến là bạn yêu dấu đã 32 năm chính thức không gặp. Bạn làm ở tòa nhà có tiệm cafe sáng quen của tôi. Sau mươi phút chúng tôi gặp trực tiếp.

Chúng tôi có cuộc chuyện dài quá nửa sau buổi sáng. Không một chút khách sáo, không một chút làm bộ dạng. Như thể chúng tôi vừa mới nhảy nhót mướt mải mồ hôi ở sân trường Nguyễn Phong Sắc. Như thể, vụ ầm ĩ do bạn nuốt mảnh quế phải chuyển sang cấp cứu ở Bạch Mai mà bác sĩ chịu không dò ra cho tới khi tôi thỏ thẻ với người lớn trong nhà rồi người lớn trong nhà hốt hoảng đi báo cho cha mẹ của bạn mới chỉ là chuyện của ngày hôm qua. Tôi phát hiện cách chúng tôi nhớ về một số chuyện không hẳn là giống nhau. Nói văn vẻ chút thì là chúng tôi mỗi người phóng tác, nhào nặn, sáng tạo quá khứ đi học của mình theo một cách.

Trong khi liệt kê chuyện này bạn nọ, tôi nói với bạn, mỗi khi nhìn sắc trắng của thân bạch đàn tróc vỏ tớ lại nhớ khuôn mặt của NT trước giờ nhập quan. Bạn nhớ chuyện NT mang chun tới cho các bạn trong lớp, nhưng không biết bí mật thời tiểu học của tôi, chuyện tôi ngồi cạnh NT và đã hết sức khoái chí hẹn hò sau này chúng mình làm vợ chồng, tất cả chỉ vì đống dây chun, món quà quá ư xa xỉ với lũ nhóc tì ngày ấy. Bạn cũng như tôi đều nhận từ một cô bạn học đầu gấu cùng khối những nắp lọ thủy tinh bỏ đi từ xưởng gia đình. Tôi nhớ cô bạn ấy tên Giang, còn bạn cương quyết tên Trang. Tôi nhớ đại thể chuyện chúng tôi bị phạt nhốt trong phòng chứa học cụ và đã uống say bét nhè món si-rô tự chế của các cô giáo, còn bạn có thể kể chi tiết tên từng đứa trong đám tội phạm tí hon ngày đó.

(2)

Tối, DA bạn của TL qua nhà. Tôi nghe tiếng xe ngoài cổng đã gióng, có em bé không. Nó trả lời, không, em bé ở Hong Kong. Vào nhà, nó đưa tôi túi chứa đồ lạnh, dặn dò có chè em nấu mang đến. Tôi mở hộp chia ra bát hai phần, một cho TL một cho mình. Nhìn thoáng qua thấy táo đỏ hấp dẫn tự dưng nghĩ bâng quơ đến ai đó. Khi nếm thơm vị gừng, mấy món hoa và củ quả trong bát chè lạ mà quen.

Tôi hỏi DA cái này tên gì, cái kia tên gì. Nó bảo tên Việt em không rõ, còn lại món nó gọi ra tên tiếng Anh, món nó chỉ biết đúng tên Quảng.

Ăn sạch sẽ phần chè của mình, tôi cám ơn người nấu, bảo nó vốn dĩ không thích mấy đồ ngọt kiểu này nhưng chè này ngon thật là ngon. Có một điều tôi không nói với DA lẫn TL, rất nhiều năm về trước, tôi đã có một hai mùa tưng bừng mấy món đồ cùng một kiểu phong vị. Cái ngày xa lắc lơ đó, qua một người mà tôi lãng đãng bước chân vào thế giới của Pearl Buck và một dãy tác giả thơ Đường.

(3)

Buổi sáng trước khi chúng tôi chia tay, bạn nói một câu đại ý, khi chúng mình bắt đầu nhắc tới thời "huy hoàng" [tuổi trẻ] của mình thì có nghĩa là mình già đi. Còn nhắc chuyện thời đi học bé tí xíu thì đơn giản là nhớ.

(4)

Tôi nghĩ mọi chuyện không phải tự dưng xảy rụp một cái theo kiểu ngẫu nhiên. Có một số chuyện đẹp đẽ và tốt lành trong quá khứ, cả của những năm đầu đi học cho tới thời gian chập chững trở thành người lớn khi thò chân vào giảng đường đại học, sau khi tôi đã trải qua đủ mấy đoạn ngu ngốc và độc ác, chúng khẽ khàng quay lại, giống như những làn gió brise dịu nhẹ từ đại dương vỗ về, an cái psy của tôi, giải phóng cái ego của tôi khỏi những rườm rà của đố kị, toan tính và thói bao đồng vô duyên không cần thiết.

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

trèo núi

Tôi thường chật vật nghĩ để có thể trả lời câu hỏi của ai đó về cái gọi là sở thích. Trong đa số trường hợp là phụt ra một vài câu vô thưởng vô phạt, kiểu nấu nướng và đọc sách. Còn từ cái ngày muốn nghiêm túc với lời của mình thì phản ứng của tôi là nhăn nhở cười rất vô duyên để mặc cái người hỏi kia muốn hiểu thế nào cũng được. Điều tốt là tôi giao tế kém, quảng giao tiệm độ zero nên tình huống trên không nhiều, còn nếu có thì cũng chắc nịch là cái kiểu nói chuyện có loại câu hỏi đó vốn dĩ chỉ khách sáo hình thức nên có ma mới thực để ý tôi thích làm gì.

Nhưng thời gian này, thế quái nào đầu óc tôi lại lãng đãng, lả lướt, đa sầu đa cảm, thi thoảng quay sang nghiền ngẫm cái vấn đề to này, rằng rốt cuộc tôi thích gì. Theo một cách hết sức nghiêm túc.

Tôi đã từng hỏi BJ, câu trả lời thủy chung là làm những chuyện điên rồ. D thì bảo tôi thích nghĩ, xong còn không quên chú thích rằng các suy nghĩ của tôi phần lớn chẳng có liên hệ với những chuyện tôi làm. TL nói tôi thích ăn và bày ra các đống mess. Ý kiến của M là tôi thích đi chơi, thích lang thang. Như vậy là giữa mớ đáp án trên và hai cái cụm từ có phần nữ  tính và sặc mùi nho nhã tôi đã từng tự gán cho mình xem ra chẳng mấy tương đồng.

Tối muộn hôm qua, tôi xoa xoa cái bụng trống cơm sau một màn đánh chén ầm ĩ và thái quá, rờ rẫm cái điều khiển ti vi thế nào thì đến cuộc thi sasuke gì gì đó. Có hai đứa dở hồi hộp chán thì là cười ngất ngư. Kết thúc, đến giờ làm ổ, tôi long trọng tuyên bố với TL, dứt khoát chăm chỉ ở phòng gym để sớm có ngày trèo núi.

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

tiếp tục bài trừ

Tối hôm kia, tôi mệt nhoài sau bài tập theo hướng dẫn, về nhà thở phì phò, cầm cái điện thoại tìm TL gạ gẫm, lát về ra ngoài ăn nhá. Đứa bé kia việc quá tải vẫn còn ngồi dính mông ở văn phòng đồng ý ngay tắp lự.

Nó xuống bus gọi điện, tôi chạy xe máy ra đón, lầm bầm giờ đi Huế e không có chỗ. Y như rằng, chui vào đầu ngõ to phố Đào Tấn, vừa dừng xe ngó qua mấy cái ô gạch hàng rào đã thấy kín các bàn. Ở đầu kia con phố chúng tôi sống, có không ít quán ăn đồ Huế nhưng TL bài xích thẳng tưng. Tôi đại khái hơn nó, vớt vát vẫn còn một chỗ tạm được. Lần này chắc vì muộn nên nó nhượng bộ.

Nem lụi tàm tạm. Ram ít nhão nhoét. Bát bún kèm rau thì rau như thể vơ vét từ những đĩa ăn của khách rời bàn lúc trước. Trà có tên rất oách là sả-bạc hà thì đặc vị lipton, nếu so với thang điểm của một lọ trà sả-chanh tiêu chuẩn ở Hum thì sẽ là 1-1.000. Tôi im re đánh chén vì sợ đứa đối diện cáu. May mà nó tá lả vì công việc nên chẳng nói gì, biểu tỏ thái độ duy nhất là cái bát bún xơi được non nửa.

Tối về nhà rũ người, lần này mệt là vì ăn. Tôi hay tự nhạo báng bản thân cái vụ thề lần thứ n rồi thành n +. Nhưng lần này tôi biết, sự bài trừ vẫn tiếp tục.

ớt chuông xào thịt bò vị dấm balsamic (2)

Phiên bản rút gọn, đơn giản hơn, nhanh hơn.

Ớt bỏ núm và khía đuôi, bổ dọc quả bỏ tiếp hạt rồi thái ngang thành các sợi mỏng. Xóc với mấy hạt muối và dấm, để yên mấy phút.

Thịt bò lần này là phần dải sườn, thái lát mỏng rồi ướp với chút bột gia vị, mắm và tiêu xay.

Hành tây thái lát mỏng. Hành tươi và mùi xắt khúc. Tỏi bằm.

Bắc chảo phi tỏi, tiếp đến đảo hành tây rồi thịt bò chín tới thì trút sang một cái đồ đựng. Vẫn chảo đó xào tiếp ớt, để lửa to, đảo nhanh tay. Cho lại thịt bò vào đảo nhanh một lượt, tắt bếp, rắc hành và mùi vào trộn nhẹ rồi bày ra đĩa.

Mùa đông này khả năng cao tôi sẽ thành đứa thích ăn quả ớt chuông :-)

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

nộm đu đủ bò khô (1)

Tôi không khoái chí lắm món bò khô. Nếu gặm thì là theo kiểu tiện miệng, nhón ăn khi có ai đưa đẩy bày ra trước mặt. Còn lại về căn bản tôi kính phục tất cả những bà con nào có thể vắt chanh/tắc lên đĩa bò khô xé rồi xì xào cay cay.

Ở nhà Quốc Hương, tôi quen thói mua gói nhỏ nem chạo thì chỉ sang túi bò khô mua về cho M và H. Cửa tiệm có nhiều loại, tôi thường chọn loại miếng dày mình, màu sẫm, coi không nổi hạt ớt nhưng khi ăn thì vị cay rõ ràng rành mạch. Hôm rồi tôi lầm bầm lần này làm nộm đu đủ bò khô, bác chủ mau tay đề xuất hay là loại này và đưa ra loại miếng cán mỏng, sắc ngả đỏ tươi khoe vị cay của ớt. Tôi lắc đầu bảo, cháu thích loại kia, mất công cắt/thái miêng nhỏ rồi cho vào cối giã chút đến lúc trộn nộm thì mềm đi là vừa.

Đấy là bò khô. Còn đu đủ thì chuyện có chút buồn cười. Nhiều năm trước, nhà trồng đu đủ ở góc cuối vườn, quả đu đủ xanh theo đó mà ăn ròng mấy vụ. Sau không còn cây nữa, rất hãn hữu tôi mới mua đu đủ ngoài chợ, chẳng phải vì cảnh vẻ gì mà tự dưng là vậy, nhìn thấy quả to chất đống khác với cái quả hây hẩy tay tự mình khều xuống thì chán. Năm nay phát hiện nhà hàng xóm đối diện ở Bắc Ninh và cũng là họ hàng xa lắc lơ bắn đại bác bảy ngày không tới có cây đu đủ thì tôi rất chịu khó thì thào kêu Mẹ chạy sang xin mấy trái đem về Hà Nội. Và cũng theo thế mà nghĩ ra món đu đủ nộm bò khô.

bác này chẳng có liên quan - có đứa xơi xong thì nghịch
Có ý tưởng rồi thì loay hoay tìm dao nạo. Con dao cầm tay không rõ bác người Nhật nào cho hay chính tay TL mua đã từng đắc dụng một đoạn thời gian giờ tìm mãi mới ra, đáng buồn là nó bị rụng mất một hai cái răng [cưa], các bạn còn lại thì ít nhiều lão suy nên tôi hì hục mãi mới ra được chỗ sợi đu đủ mịn vừa ý. Hôm đầu tuần nhà có khách phương xa, tôi còn kiên nhẫn dụng bạn dao này. Đến hôm nay làm món ăn vặt cho một lũ dở hơi, thì thành tặc lưỡi, dùng con dạo chuyên nạo vỏ cũng được.

Quả đu đủ đã nạo vỏ và ruột, cắt thành múi lớn rồi thuận tay nạo thành các thớ sợi mỏng. Xong xuôi thì xóc các bạn ý với muối hột để chừng mươi mười lăm phút. Lúc đó rửa sạch rồi bóp ráo nước, cho thật kiệt.

Tỏi ép nhuyễn, chút đường, chút dấm (Heinz vàng) và chút bột gia vị trộn đều rồi chờ sau dăm bảy phút khi sợi đu đủ ngấm thì lại vắt kiệt nước lần nữa. Tôi không có cà rốt, ớt thì quên, lúc nhớ ra thì lại lười đi lục tủ nên món lần này thiếu sắc đỏ của sợi cà rốt và các lát ớt mỏng, chỉ có chút vị xanh của nắm lá kinh giới hái đại ngoài vườn trộn cùng sau khi đu đủ đã được làm kiệt lần thứ hai.

Xong xuôi cả thì bày ra đĩa và trộn lần cuối với các miếng bò khô đã được giã rối và lạc rang cũng là giã rối.

Nhà không có khách kiểu "chính quy", nên cái đĩa bày giữa bàn to, đứa nào điệu thì xài đũa, còn lại nhón tay ăn chơi, vui vẻ hết mức.

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

một cách pha cafe

Một kết hợp "hoàn hảo" biểu tỏ tính lười cố hữu, sự đỏng đảnh của psy và cuối cùng là màn dziễu cợt thói tiêu hoang.

Đồ chứa nước nâu nâu là cái lọ vốn đựng dưa chuột muối. Cái phễu đỏ đỏ vốn là đồ ai đó bỏ đi vì gẫy quai và nứt viền bao, nhưng có đứa dở hơi quyết định giữ lại từ nhiều năm nay với một ý tưởng mơ hồ là sẽ trồng dây vạn niên thanh vào đó rồi treo lên tường ngoài sân. Bạn giấy lọc vốn mua cho máy pha cafe ở cơ quan nhưng vì ở đó chẳng có ma nào chịu vệ sinh máy pha cafe sau khi uống đã món nước do người khác phục vụ nên kết cục là cái máy chồm hỗm trên nóc tủ còn các bạn giấy lọc thì thành của ế.

Bình Baletti bị đứt dây đệm cao su. Tôi lười chạy xe máy cuối tuần lên đường Xuân Diệu mua cái mới. Giữa đêm thèm cafe thì ra cái vụ này.

Cafe du Monde đích thực vị chicory kết hợp với Ru Nam đệ nhất siêu mịn màng và thêm chút sữa, uống xong thì mắt thao láo tới sáng. Lúc trèo bus đi làm, tự trách mình, đúng là ngu!

[Nhưng mà] của đáng tội, lúc cả nhà ngủ còn mình ngồi rung đùi đọc nhảm và nhâm nhi cafe thì đúng là có cái vui thú riêng của nó :-)))

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

măng chua xào thịt gà vị hạt dổi

Hạt dổi TL mua khi đi chơi Pù Luông, giá một ngàn đồng tiền một hạt. Măng củ thái lát ngâm chua bà cô bên nhà Nội cho một hộp. Gà nhà vườn Bắc Ninh.

TL làm món xào theo kiểu nhân dân Hòa Bình. Khác chăng là nó luộc qua măng cho bớt vị chua.

Món xào trông không mấy hấp dẫn vì không có sắc xanh của hành, mùi tàu. Tôi hỏi TL, thế ở Hòa Bình không thả hành à, nó bảo chẳng có gì.

Món xào vị đậm, ăn với cơm nóng rất ngon. Hạt dổi giã dập cho vào món xào, ai lạ có thể bảo sao hắc hắc, nhưng đã quen miệng rồi thì có thể nói là thú vị.

1985


Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

thành phố biến dạng (1)

Chúng tôi chính thức chuyển đến nơi ở hiện tại vào khoảng năm 1989. Nhớ vậy vì đó là quãng thời gian tôi bị sốc chút chút khi lần đầu nhìn thấy cái trường cấp 3 nhà cấp 4 mái ngói thấp tè, lụp xụp, và ở một góc trường còn có cả mảnh ruộng to tướng với một con trâu béo múp vất va vất vơ đứng chơi. Sống trong khu tập thể trường đại học dưới Đại La không hẳn là có gì cao sang, vào cái thời cả Hà Nội còn về căn bản vẫn chưa rủ bỏ phần nhiều cái chất nghèo nghèo và chậm chậm và nó; nhưng chí ít thì thế giới "chỗ đó" có vẻ tốt hơn thế giới "chỗ này". May mắn là rất nhanh, tôi thích ứng tuốt tuột, từ cái nhà tập thể chỉ lác đác vài hộ gia đình nhìn ra vùng đất trống hoác toàn cây bụi đến trường học mới cũ kỹ, thậm chí là có chút "tối tăm".

Việc chọn nhà tầng 1 có nguyên cớ. Theo tiêu chuẩn thì diện tích nhà hiện tại nhỏ hơn. Có phương án đề xuất lấy thêm một nửa căn của hộ tầng cao, người lớn trong nhà gạt phắt, bảo không cần. Cũng đúng vì điều quan trọng nhất là đảm bảo cho Mẹ, người có xuất thân từ nông thôn và chăm chỉ làm lụng, có miếng đất con con để "tăng gia sản xuất". Đặc biệt hơn nữa, vì hoàn cảnh, Mẹ không thể đạp xe đằng đẵng đi làm và kết thúc "sự nghiệp" của mình bằng một "cục" tiền, diễn đạt quen thuộc hồi đó là "về một cục", vừa hoẻn để mua một xe tải than tổ ong - nên chuyện đến nơi ở mới vẫn đảm bảo có ô đất vườn vừa là đáp ứng thói quen, sở thích, vừa như là, đây là điều mà mãi sau này tôi mới nhận thức ra, một kiểu hỗ trợ hay đảm bảo về mặt tâm lý quan trọng. Tôi vĩnh viễn không quên câu nói kèm cái nhếch mép của một ông bác họ hàng xa đằng nhà Nội, rằng sống ở khu tập thể nếu là tầng 1 thì chỉ là đám dân lao động. Chẳng có gì làm mếch lòng ở đây cả. Thực tế đúng là vậy, vào lúc đó, cái giới élite nửa chừng con con mà tôi biết đúng là luôn ở tầng 2 và 3 đầy lý tưởng :-)

Nhà nghèo nên căn hộ tập thể được sửa chữa ở mức vừa phải theo tiêu chuẩn lúc đó. So với nhà hàng xóm tường rào nửa gạch nửa song sắt uốn viền trang trí cầu kỳ, nhà mới của chúng tôi chỉ có hàng rào tường xây thấp lè tè trang trí vài miếng gạch lỗ hoa. Trong nhà cầu kỳ hơn, điệu đà với gạch bông "nữ hoàng" nền vàng hoa văn trang trí sắc nâu ở phòng ngoài và gạch bông hoa văn xanh lá phòng trong.

Tôi vào lớp 10, trong lớp cũng giống như cái ngày đi học phổ thông ở Nguyễn Phong Sắc, phân khu tập thể Kinh tế, tập thể Đài phát thanh và quân khu Đại La, giờ là chia phe phái anh em trong làng, có Trung Hòa - Nhân Chính và đương nhiên là làng Cót, anh em tập thể Nghĩa Đô và bọn còn lại thiểu số đi từ mạn Bệnh viện E. Tiền Mẹ nhận được khi nghỉ chế độ biến thành một hành lang toàn than tổ ong, tôi thông báo cho đám bạn học trong lớp ở cùng khu tập thể, có mấy cô cậu bạn chăm chỉ đến mua than giúp. Cái xe than đó hình như mất non một năm mới bán hết, kết quả là hỏng toi cái nền gạch ở hành lang, và đứng về góc độ thiệt và lợi thì Bố xứng đáng là "kinh tế gia hạng bét". Chuyện này thi thoảng được nhắc và kể lại, lần nào tôi cũng cười rung rinh trong khi người đối diện không phải ai cũng từng có trải nghiệm về thời kỳ chuyển tiếp đó thì mặt lại nghệt ra. BJ luôn hỏi thế tại sao là than tổ ong, tại sao lại chấp nhận về nghỉ mà không có lương hưu và bảo hiểm; còn D thì lắc lắc cái đầu rồi lầm bầm, cực vậy sao.

Chúng tôi sống yên ổn một thời gian dài cho đến ngày đẹp trời nhà hàng xóm tầng 2 cưới bà vợ mới, và nữ chủ nhân quyết định sửa nhà theo kiểu hoành tráng chẳng giống ai, thay vì cậy gạch cũ khu phụ thì úp gạch mới đè lên. Hậu quả, những vệt nước thấm đầu tiên xuất hiện. Tôi kết thúc cấp 3, trèo lên đại học, mùa hè năm 1996 lấy được cái bằng xong thì sang đầu thu lần đầu rón rén đi xa nhà. Khi trở về, tôi mất chừng một tuần để tiêu hóa cái cảm giác ngán ngẩm khi nhìn thấy bức tường buồng trong vẫn ẩm mốc như cũ, còn buồng ngoài thì được bổ túc chút nét mới là một mảng trần to bằng một góc chiếu hoa thì đã thành khỏa thân tuyệt đối. Vào quãng thời gian đó, có tay viết lách nào đó khi viết về tình trạng các nhà tập thể đã lôi luôn cả ví dụ về cái trần nhà của chúng tôi trên tờ Hà Nội mới. Lúc đó tôi chưa có máu xỏ xiên nhiều như bây giờ nên đọc xong phì cười rồi cũng chẳng buồn giữ mẩu báo đó làm gì.

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

bó lúa nếp và mớ cốm "vòng"

chu du
Tôi chưa bao giờ thích ăn bánh cốm vì món này ngọt lừ. Còn với cốm tươi và cốm khô thì khá hơn chút, có phần thích thú theo kiểu, hoặc là làm một nhúm thả vô miệng rồi chậm rãi nhai, hưởng thụ cái vị ngọt sữa của lúa non giã, hoặc lúc đi thật xa nhà khề khà làm đĩa cốm xào thưởng thức cùng ấm trà mạn hảo, đại loại là thế.

Ngày Bố Mẹ còn ở Hà Nội, đến mùa trong nhà theo lệ vẫn có một hai bữa nhấm nháp cốm với chuối tiêu, thêm nữa là món cốm xào. Mẹ làm cốm xào với đường trắng, màu thành phẩm đẹp, ăn ngọt vừa phải, rất thích. Đến khi chỉ còn tôi với TL, cái sự yêu thích không lớn đến mức dứt khoát phải dừng chân hàng cốm nên bẵng đi nhiều năm chúng tôi không nếm món quà vặt này.

Cách đây mấy năm hai bác giáo sư già gửi bài đăng SOJOURN về phụ nữ di cư nông thôn-đô thị. Bài viết của dân kinh tế khô không khốc, lại loằng ngoằng số liệu. Trong hai ý kiến bình duyệt, một đưa ra mấy phản hồi kỹ thuật [và] chuyên môn, rất có giá trị; còn một thì lả lướt hồn thơ, phàn nàn rằng hình ảnh mấy bà mấy chị hàng rong đại loại là không giống hiện thực "đẹp" của Hà Nội chút nào. Hồi đó tôi biết chuyện cay cú chửi đổng "tiên sư cái ông/bà ngụy-học thuật", chúng tôi có làm văn làm thơ đâu mà lãng mới chả mạn. Bài chỉnh trang chút rồi sau vẫn đăng đàng hoàng, còn ấn tượng về lời bình theo tôi một đoạn thời gian. Đến một ngày, trong cái nắng xiên giữa chiều ở đâu đó mạn gần Ô Quan Chưởng thì tôi hiểu ra, đúng là đẹp thật hình ảnh bà cụ già với mẹt cốm và người phụ nữ trung niên đạp xe với tầng tầng hoa sau lưng. Nhưng nói đi thì vẫn phải nói lại, tôi vẫn tin chắc rằng, đẹp là trong mắt kẻ quan sát, còn những người đàn bà lao động này, cái hàng đầu với họ ắt vẫn phải là câu chuyện cơm áo gạo tiền.

về nhà
Đầu chiều thứ Sáu, tôi xuống xe bus, tần ngần mở ô hay không mở ô trước màn mưa bụi yếu ớt, sau quyết định mặc kệ, ướt chút cũng chẳng sao. Rảo bước được dăm mét đường thì đập vào mắt là một cô ngồi thu lu dưới tán mái tiệm tạp hóa, hai bên quang gánh là hai bó lúa nếp - nhìn cái dấu hiệu đó thì đương nhiên là bán cốm rồi. Tôi dợm chân mấy bước, không bỏ được cái lòng tham muốn sở hữu một bó lúa nếp kia thì quay lại gạ gẫm, cô bán cháu bó lúa nhá. Hàng cốm nói không bán, rồi thêm câu, mấy ngày nay nhiều người cứ hỏi mua. Tôi lại thương lượng, thế thì cháu mua cốm rồi mua lúa nhá. Kết cục, tôi trả tiền cốm, còn bó lúa thì nhận như món quà. Lúc thanh toán xong, tiện miệng tôi hỏi, cô ở đâu; trả lời, làng Vòng. Tôi hỏi tiếp gạo giã cốm ở đâu; trả lời, rất thật thà, Bắc Ninh và Bắc Giang.

Gặp M và chị D, bà chị trêu cho chị, tôi bảo không. Ở đường bán sách, lúc M cầm giúp tôi mớ lúa, có bà cô chuyên thu đổi ngoại tệ chợ đen câu đầu hỏi chúng tôi có tiền bán không, câu sau là nham nhở gạ thằng bé, cho em mấy cọng lúa.

Tối về tôi kiếm cái bình sản xuất hàng loạt của BJ, cắm chỗ lúa vào. Đi ra đi vào sảnh, thoang thoảng mùi thơm, rất dễ chịu. Còn các bạn cốm, vì không có chuối nên đã được chế biến thành món cốm xào. Nhà chỉ có đường nâu, đĩa thành phẩm coi không đẹp mắt cho lắm, nhưng ăn thì ổn :-)))

bắc ninh 15.10.2016

Tối thứ Năm trong khi chờ TL đi làm về, tôi gọi điện thoại thăm hai cụ già. Nói bâng quơ với Mẹ, bọn con tính cuối tuần này hoặc tuần sau về chơi, bà cụ già vội chốt cuối tuần này đi về, [vì] tuần sau còn sửa bếp. Con hỏi mấy câu, xem ra chương trình sửa chữa lần này không nhỏ chút nào. TL về tôi bàn tính với nó, nó bảo Chủ nhật còn nghỉ ngơi hồi sức cho tuần mới đi làm nên chốt về Bắc Ninh thứ Bảy. Mấy cái tin nhắn xong, xe được đặt, con báo cáo Mẹ thời gian về và đề nghị luôn món này món nọ muốn đánh chén.

Chiều thứ Sáu kế hoạch riêng của tôi thay đổi, hóa thành một màn dạo chơi nói năng linh ta linh tinh với hai đứa trẻ con. Tôi hơi lo vụ sửa chữa tháng 9 lịch âm, hỏi ý kiến thằng bé, nó bảo không rõ Bác tính thế nào nhưng tốt nhất vẫn là tháng 10.

Sáng thứ Bảy về đến Bắc Ninh, câu đầu con thì thào với Mẹ là tính xem có lùi lịch cho thuận lợi không, Mẹ bảo yên tâm. Hóa ra là việc dọn dẹp cho sửa chữa có phần gấp gáp nên hai cụ già rời ngày khởi công sang đầu tháng 10. Lát sau con nói chuyện với Bố, thì ra ngày chọn ban đầu của tháng 9 cũng không hẳn là ưng ý. Đã có nhiều chuyện xảy ra trong nhà nên dù vô thần vô thánh thì giờ tôi vẫn mang chút tâm lý dè chừng, kiểu cẩn thận vẫn hơn. Biết lịch mới tháng 10 coi như thở phào nhẹ nhõm :-)))

Trong khi dọn bàn cho bữa trưa, Bố cười cười bảo Mẹ các con có bí mật bất ngờ cho các con. Tôi hỏi dò chắc là tốt ạ, câu trả lời là đúng vậy. Ra bữa, bất ngờ là bánh chưng vừa nấu hôm trước. Có đứa cười sướng, được bánh đem về Hà Nội.

Vườn rau mới dọn chờ mùa mới nên rau xin về chỉ có mấy món, rau muống, rau cải cay, rau cải bó xôi và mấy quả mướp. Thêm nữa là mớ dọc khô phơi đủ cho cả mùa đông và một bình dưa muối chuyển từ vại sang. Rồi có cả mớ trai béo mới đầu TL làm kiêu kêu ngại chế biến, sau tôi tham lam vơ tất mang về Hà Nội.

Trong bữa trưa, tôi ăn như đứa chết đói. Đến lúc lên xe rời làng, bụng một bồ kềnh càng mới thấy ân hận. Tối về nhà Hà Nội hì hục đặt nồi cháo và làm trai, đúng là bọn chúng béo thật. Tôi vẫn tật ăn tham, quên béng mất là cơ địa vốn chẳng mặn mà gì với mấy con trai ốc hến, túm lại là bọn nhuyễn thể, cật lực xì xụp cháo rắc đầy hạt tiêu và ớt. Kết quả đêm đến được phen căng tức bụng, và như mọi khi, cho lần thứ n, tôi thì thào tự nhủ, thề lần này là lần cuối ăn con trai. Cái này tôi gọi là đáng đời mình, chết vì không biết tiết chế :-(