(1)
Năm 2006, trong kỳ học thu ở States, tôi thi thoảng được bà con cho ra ngoài ngó nghiêng khám phá xứ sở. Một trong những vui thú lớn lúc đó là đi thăm các bảo tàng nhỏ, ghé qua những hiệu sách tư nhân - phân biệt với các siêu thị sách khổng lồ -, và những cuộc trò chuyện bên bàn cafe sau đó.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy một lượng khổng lồ ấn phẩm của Thầy Thích Nhật Hạnh, dĩ nhiên là bằng tiếng Anh. Mà không chỉ có thể, họ hàng với sách được bày trên các kệ hàng còn có lịch, cards, và rất nhiều món trang trí xinh xinh cho bàn làm việc/góc học tập với các trích dẫn lời của Ngài.
Nhiều năm sau, tôi kể chuyện này cho D. và partner. Hai ông anh giải thích về một nhu cầu được chữa lành của không chỉ người Mỹ mà cả hàng xóm của họ sau sự kiện 11/9 như là lý do việc đọc và nghe Thầy Thích Nhất Hạnh trở nên quen thuộc ở Bắc Mỹ. Tôi nghe biết vậy song cũng không để ý nhiều hơn nữa.
(2)
Đầu năm 2021, vẫn là ở States, tôi nghe một cuộc phỏng vấn dài Loretta Ross trên radio về chủ đề calling in.
Tiếng Anh của tôi kém nên nghe bập bẹ. May mắn là dù chủ động hay không thì thời gian nhiều tháng qua tôi đã tiếp nhận kha khá tin tức thời sự để có một cơ sở thuận lợi nghe và hiểu ít nhiều cuộc trao đổi trên sóng radio.
Lúc đó, không hiểu sao tôi nghĩ ngay tới Thầy Thích Nhất Hạnh.
Còn bên cạnh, bạn đồng hành cười khoái chí, đúng tầm và cơ của trường Smith, nữ quyền thế này mới gọi là thuyết phục. Tôi biết là ông ám chỉ các quý đồng nghiệp nếu không phải là mơ mơ màng màng với các đại-diễn ngôn, đại-tự sự thì là nhảy choi choi mấy công thức rỗng tuếch hợp mốt politically correct. Mấy vị thầy bà này, năm 2006 tôi đã từng ngồi xem mấy cuộc họp và sinh hoạt học thuật của họ, rất hung hăng, có mùi của đấu tố chữ to thời cách mạng văn hoá ở nhà Bác Mao.
Trở về nhà sau chuyến đi nghe radio đó, tôi định thong thả thì đọc kỹ hơn về chủ đề này. Nhưng rồi loanh quanh mải lải nhải phàn nàn số phận và ôm ấp các cơn đau thường trực, tôi bỏ lỡ dự định này.
(3)
Mấy tháng Hà Nội giãn cách vì covid này, tôi dư thời gian để nghĩ linh ta linh tinh, trong đó có cả phần nghĩ về cặp đôi calling out / calling in này.
Có những call-outs hiệu quả. Nhưng lâu bền có lẽ là cần nhiều đến call-ins hơn. Từ bàn luận kiểu học thuật dấn thân như Loretta Ross đến thông điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha, trực tiếp hay gián tiếp, cuối cùng thì hình như luôn có một nhấn mạnh đến cái ngả truy vấn nội tâm, suy niệm và hành động hướng tới sự chữa lành, sự phục dựng, sự hồi sinh...
Nhưng rồi tôi lại nghĩ tiếp, mỗi ngày trôi qua, nhìn và nghe các tin thời sự xứ sở mình đang sống đây, ghìm cái tâm tính đang trong thế chực nổ tung để mà thực hành calling in xem ra thực là một sự xa xỉ vào một thời điểm đặc biệt như thế này!
Có quá nhiều chuyện vốn lúc đầu có thể thông cảm, bao dung nhưng khi chúng lặp đi lặp lại, mỗi lúc lại biểu lộ với mức độ gia tăng một thứ thái độ bất chấp đầy phi lý và thiếu trí sáng, thì từ rì rầm đến dậy sóng calling out, cái lý xem ra không phải là không có đâu!
Nhảm và cà ràm vậy, tôi tự kết luận cho bản thân, thôi ngoài kia thế nào thì đó là chuyện người đời. Tôi đây, ở trong nhà, ở trong bếp, tự nhắc bản thân chớ có nhảy chồm chồm hướng ngoại mà bất mãn phán xét này chi chi nọ. Nhà cháu chưa đến trình trí huệ và vị tha để calling in, nhưng tự vấn bản thân chút chút, chú tâm tự nhắc nhở bản thân chút chút, cố gắng làm tốt công việc của mình, cái này thì chắc là được a :-)))
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét