Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

nhật ký covid: nhớ gì sau đợt giãn cách thứ ba

cơn tâm thần mang tên "mái nhà Hà Nội"
(1)

Đêm mất ngủ.

Vì cả đống lý do ất ơ.

Do cơ thể hờn dỗi này nọ, tỷ như bữa tối tham lam chén quá đà, làm cho dạ dày và túi mật hoạt động quá sức, thế là các bạn ý cùng đồng bọn đình công, phản loạn.

Do vẩn vơ nghĩ ngợi này nọ, theo mạch nghĩ thì cứ thế thuỷ chung nghĩ tiếp. Dù chẳng ra được cái ý tứ gì ra hồn nhưng vẫn cứ là nghĩ gần như xuyên đêm. Với hai con mắt mở chong chong. 

(2)

Sáng thường sẽ là dậy trễ sau khi đã vớt vát được một giấc nông đầu sáng.

Mắt nhắm mắt mở đun nước pha cafe. Cafe chỉ gọi là vì mục đích chính là bột diếp cá uống kèm. 

Tốt cho tiêu hoá, đó là thông tin hứa hẹn từ TA khi lần đầu tiên bạn giới thiệu cho tôi món này. Sau thì TA thành người phụ trách luôn mục hàng hoá này từ Paris. Ở Hà Nội, tôi ung dung uống diếp cá với niềm vui sướng cái bộ ruột của mình hình như trơn tru chạy.

(3)

Nếu tối muộn hôm trước tôi chăm chỉ rửa bát thì lúc pha cafe tôi có thể khoái chí chạm mặt bàn bếp sạch sẽ, rồi lấy bát đũa khô cất vào vị trí quen thuộc của chúng.

Còn nếu tối muộn hôm trước tôi quá mệt, quá lười để động đậy tấm thân vác rổ bụng to đùng thì có nghĩa là sau cốc cafe-diếp cá tôi sẽ phải xử lý một ê hề bát đũa nồi chảo dzơ. Tôi rửa bát.

Nhớ chuyện chị NA kể trong góc nhỏ pha trà-cafe của cái viện nghiên cứu to đùng trên đại lộ Wilson quận 16 Paris. Chị đáng tuổi bác, thậm chí nếu tính kiểu thời xưa tảo hôn phổ biến thì là bà/bà trẻ của tôi, nhưng cái ngày tôi ngoài 20 chút chút đó, chị cương quyết, cưng gọi chị là chị. Chị kể ngày xưa ở Sài Gòn, cha là chủ ga-ra sửa chữa xe hơi danh tiếng, chị ngoài thời gian đi học vẫn có lúc chạy qua chạy lại xưởng. Chị nhớ mãi cảnh ông gia trưởng phê bình đám thợ ăn cơm xong không rửa bát ngay, vệ sinh quá kém, nhất là đám đũa mà ngâm lềnh phềnh trong nước không tốt chút nào. Chuyện đó nằm ngủ sâu trong đầu chị, đến ngày hết cái cảnh tiểu thư nước không động một giọt đầu ngón, sang Pháp sống tiềm tiệm, phải chăm chỉ đi làm kiếm lương tháng, phải lo việc nhà thì nguyên tắc sạch sẽ bếp núc chị tuân thủ vô cùng nghiêm túc.

Tôi thấy chuyện này hay lắm. Mà "khoái cảm" dọn dẹp và hưởng thụ kết quả của sự dọn dẹp đâu phải là không có. Vấn đề là xét theo chiều dài thời gian thì số lần biếng nhác thắng thế luôn là cao hơn số lần hăm hở ta đây là một người chăm chỉ. Thế nên nửa sau buổi sáng trong bếp nhà căn hộ thời cách ly, khi tôi biết chắc hôm nay cũng như hôm qua và như ngày mai, thời gian sống của ngày luôn là trong không gian này, thì việc rửa bát trễ đã trở thành điều hết sức bình thường.

(4)

Tôi và TL có một thoả thuận ngầm là chia bữa hay ngày ra nấu. Vì bếp nhà căn hộ chật một phần. Phần nữa, tính tình khác nhau, hai cái ý trong một căn bếp dễ gây xung đột. Mà thời giãn cách này, chớ có dại để nảy nở những mầm xung đột mới.

TL nấu ăn cẩn thận và phong phú. Dù gọi là thoả thuận ngầm vậy thì thực ra phụ trách nấu nướng chính là cô em.

Tôi háo hức chờ bữa trưa ngon. Ăn xong ôm cái bụng kễnh, rồi nhớ ra thì đứng dậy đi đun ấm nước pha trà.

Bữa trưa và giờ trà trưa cũng là lúc cái phần động vật chính trị trong tôi nó rục rịch. Giờ tôi thấy mình chẳng khác nào ông cụ già ở Bắc Ninh, mắt kém tai nghễnh ngãng, ngồi trước cái màn hình tivi coi thời sự, vừa coi vừa nói chuyện mình ta với ta hay với cái màn hình tôi cũng chẳng rõ. Lần đầu thấy thế tôi choáng lắm, sau mới biết hoá ra đây là bệnh của khối người kể cả có tuổi lẫn chưa già. 

Tôi thấy mình rất ngớ ngẩn và lố bịch. Cớ chi mà nhìn một cô mờ-xê son phấn đậm đà váy tay bồng phong cách công chúa thì cáu chứ. Tự nhắc mình xong thì lại chực tăng-xông. Tiên sư cái thằng cha con mẹ phóng viên kia, đưa tin thì cũng phải khách quan công bình chút chứ, sao lại có cái kiểu bố mày đây nhà báo nhà đài độc quyền mồm miệng và tin tức thì có mùi của đảng đúng dân sai luôn luôn thế này.

Rồi tôi phát hiện, tức kiểu mình ta với ta như vậy thì chỉ tổ hại cái lá gan của mình. Thôi không tức nữa. Ta đây làm giấc!

(5)

Không rõ bạn đời có chụp ảnh "before" cho nhà căn hộ vào ngày đầu tiên chúng tôi đến xem và bàn bạc thoả thuận thuê không. Tôi không có ảnh nhưng hình ảnh về cái không gian lem nhem cũ nát thì luôn sống động.

Cái sàn nhà lát ván gỗ trầy xước cũy bẩn, sau một lần rải tiền cho thợ đánh bóng thì khá hơn chút. Nhưng về căn bản cũ thì vẫn là cũ, nát thì vẫn là nát, chân bước trên mặt sàn tôi không thấy đâu cái sự ấm áp của gỗ mà thường là cảm giác rin rít đáng ngờ.

Nhưng hay nhá. Ở trong căn hộ rồi, chăm chỉ lau sàn, và nhất là trong thời gian giãn cách, chăm chỉ bò lê bò toàng như nhóc con tập bò, tôi dùng luôn tấm thân to hơn con tượng của mình để đem lại nhân khí cho cái mặt gỗ. Giờ thì sàn nhà bóng trơn, cảm giác chạm vào mát và sạch lành, rất thích.

Còn về phần tôi, chưa thấy xuất hiện dấu hiệu lạ đường da liễu, chứng tỏ bọn chất tẩy rửa công nghiệp không hay chưa gây tổn hại gì đến thân thể của mình.

(6)

Tôi mắt kém, giờ muốn đọc hay học tử tế rất khó. 

Sách vở xếp tràn lan mặt tủ sau lưng, chỗ tôi hay ngồi. Nhưng hỏi giở ra xem được bao nhiêu, tôi thực chẳng biết trả lời thế nào.

Nguyên cớ thực giản dị, chữ trước mặt thì mắt cứ gọi là tèm nhem :-)

* Hà Nội cuối tuần đầu tiên của đợt giãn cách thứ 4: Note viết dở thì bỏ để mốc meo :-) Giờ lưu lại để nhớ về những ngày giãn cách đợt 3 ở Hà Nội :-)))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét