(1)
Giãn cách xã hội, giãn cách trong xã hội, cách ly, phong tỏa... tả-pí-lù từ ngữ. Quan phương mặt mày nghiêm túc và rất chi ra dáng, "giãn cách". Nhân dân nhại theo, cũng "giãn cách". Mấy ông lề không "phải" văn vở, "ông Nhà nước gọi giãn cách, [chúng] tôi [gọi là] phong tỏa". Thế là lại có vài nhân dân đu dây, "phong tỏa". Lại có chị có anh cứ phải chuẩn chỉnh à-la-Tây, lockdown. Rồi có kẻ lười và cùn, như tôi đây chẳng hạn, quê mùa nói trẹo cho đỡ bị nhệch miệng, rằng thì là lốc-đao. Cái công thức cuối ý mà, đảm bảo thoát khỏi tầm sóng quét AI của bất cứ thằng cha con mẹ nào đang lùng sục truy vết đám công dân hạnh kiểm không tốt dám xuyên tạc tinh thần sử dụng từ ngữ phải đạo - politically correct theo đúng đường hướng của Trên đâu á :-)))
Mà dùng từ nào, ngữ nào thì đến cuối ngày thằng này nhìn thằng kia, yêu ghét thế nào chẳng quan trọng, đều phải công nhận một điều, thực tế vẫn chỉ là thế, chỉ là một mà thôi.
Thế nên anh ả véo von gọi chi cũng được, rồi bi quan hóa hay thơ mộng hóa - nói chính xác hơn là cố gắng gọi tên sự kiện một cách khách quan, gọi tên sự vật bằng cái tên hay ho hòng giảm bớt tính nghiêm trọng của vấn đề, hay gọi tên sự vật theo kiểu gây áp lực và/cùng sợ hãi - thì các chốt kiểm soát vẫn ở đó, vài ông dân phòng vênh váo vẫn ở đó, cái giấy đi đường kinh qua mấy phen điều chỉnh vẫn cứ là cái giấy đi đường, ngoáy mũi toàn dân hay ngoáy mũi có chọn lọc thì vẫn cứ là ngoáy mũi...
(2)
Tuần đầu tiên của đợt giãn cách thứ tư này, tôi gọi mau là Hà Nội giãn cách 4, tôi thấy mình ít nhiều hung hăng dõi theo cái màn náo nhiệt trên mạng nhện xung quanh mấy quyết định của ông đô trưởng. Xong rồi, tôi phì cười, kệ mịa đời, đằng nào cũng vậy.
Tôi không ra đường, chuyện giấy đi đường không đặt ra. Mà thêm một tiếng nói kiểu chê bồi hay phẫn nộ vào cái lò dư luận nóng hầm hập mấy ngày đó thì có ích chi nếu không phải là hại chính cái gan cái bao tử của bản thân kia chứ. Chuyện này nhà cháu cười và kết, miễn bàn.
Tôi chẳng thích chi cái vụ Hà Nội ngoáy mũi, nhất là sau khi nghe một đống dặn dò đủ kiểu này nọ từ ông lão đang ngồi rung đùi ở cái xứ Mỹ đế xa xôi. Nhưng trốn cũng chẳng được. Mà tính tôi ngại gây, ngại cãi với đại diện chính quyền. Thôi thì bác bên tổ dân phố rồi sau thêm đồng chí công an khu vực nhắc nhở, nhà cháu đi ngửa mặt nhìn trần nhà cho người ta chọc mũi. Xong một việc, nhẹ nợ.
(3)
Nếu có chuyện làm tôi lấn cấn, lăn tăn và âm ỉ cái máu động vật chính trị đầy xỏ xiên của mình thì đó hẳn là chuyện vắc-xin.
Tôi thấy chuyện này rất chi là buồn cười, không phải là nghe xong thì ta cười sảng khoái, cười vô tư. Mà là cười với cơ mặt méo xệch, với nước mắt ngập ngừng rơi trong một sự thất vọng kéo dài thêm vài tấc trước các phụ mẫu của nhân dân phiên bản hiện đại.
Rõ ràng nhìn lại lịch sử hai năm rồi, ông chính quyền trong suốt thời gian dài im im lìm lìm cái chuyện vắc-xin và kế hoạch chích ngừa. Đến lúc nó "bung", đến lúc nó "toang" thì cà cuống. Thế mà có ông to kia đi xứ người khua chiêng gõ trống không chỉ "dạy" cho người thiên hạ về cách ta đây chống dịch giỏi - oái oăm là đúng vào những ngày Sài Gòn đen tối, Hà Nội bấn loạn -, mà còn phi thường nghiêm túc chắc nịch đại ý là ta đã có kế hoạch mua vắc-xin từ sớm. Tôi nghe thời sự trưa ở nhà đài quốc doanh với đám mờ-xê mặt mày vênh vênh váo váo, đang ở trong bếp mà vừa muốn phì cười vừa muốn văng ra một câu thật bậy. Thôi thì công dân tôi đây nhát chết, chỉ khe khẽ một tiếng kiểu muỗi kêu, điêu!
Chuyện vắc-xin Tàu đem ra tiêm cho nhân dân đồng bào tôi không bàn vì tôi không [bị/phải] tiêm cái bạn này. Nguyên tắc của tôi là cố gắng việc gì mình cóc liên quan thì cố mà ngậm cái miệng, không có linh tinh lang tang tán nhảm tam cô lục bà chi chi.
không lời! |
Và chuyện cuối cùng về vắc-xin, lần này không Tàu mà ta, cũng lại là thêm một lần cười, cười lệch lạc, cười có chút "bệnh". Chị quen gửi tin nhắn muộn, lúc tính theo kim đồng hồ thì đã là sang ngày mới. Bà chị nhắn cái tin được đánh số 123 rất chi rõ ràng với giọng điệu ra chiều thổn thức. Tôi buồn ngủ rũ mắt, đọc qua loa thì nắm được cái đại ý rằng, thứ nhất ông hội đồng đạo đức vẫn khôn lỏi kết luận nước đôi và đẩy quả bóng trách nhiệm [ra quyết định] sang ông hội đồng bộ y tế cấp phép; thứ hai nhiều báo đã tung tin thủ trưởng Nanocovax đã được thông qua - không rõ có tính là fake news không hỉ; và cuối cùng là chuyện có tay nhà chùa quốc doanh làm lễ cầu siêu cho cái vắc-xin kia được thông qua - mà sau đó tưởng ai hoá ra là tay sư tôi đã có ấn tượng rất kém từ hồi năm ngoái.
(4)
Chuyện Hà Nội giãn cách 4 của tôi, với tôi là vậy.
Hôm nay vì cần mua thực phẩm mà tôi ra đường. Lơ nga lơ ngơ như đứa đang phê thuốc. May mà đi đến nơi về đến chốn.
Chợ búa đông vui tấp nập, có nhà cửa hàng bé tý chẳng ma khách nào dán cái mã QR to tổ bổ, lại có cửa hàng to người ra kẻ vào va nhau lách cách thì nhìn ngược xuôi chẳng thấy cái chỉ dẫn khai báo nào.
Con đường ngàn năm trước là cái thành luỹ bảo vệ kinh thành giờ cũng đông vui tấp nập. Vài cửa hàng bán cây cảnh đã có người mang hàng đến người đến mua cây đi. Phía đường bên kia, công an và dân phòng thay vì cắm trực chốt đang tích cực bê và đẩy lên xe bán tải một cuộn dây thép hàng rào to tướng hẳn là thu từ một nhà bán cây khác. Chẳng rõ ông bà chủ nhà kia trần tình chuyện chi, ông cảnh sát hồi đáp thế nào nhưng đám đông nhân dân-khán giả thì líu ríu tay chân vung vẩy. May là ai cũng đeo khẩu trang nên hẳn là không có cái màn nước miếng văng tung toé đi. Ấy thế nhưng con cúm Tàu nó bay lượn sao trong không khí thì tôi không dám chắc kết luận có hay không đâu nhá.
Đi chợ về thì có tiết mục ngồi ôm cái màn hình ti-vi tay tuốt rau ngót chuẩn bị cho bữa cơm trưa có món ngót luộc ăn với chả rim mặn. Bản tin gần trưa của nhà đài trung ương có cái cảnh ngay bên phố Thuỵ Khuê kha khá nhân dân, có người địa phương nhưng cũng có người đến từ tận Thanh Xuân quận, kiên nhẫn xếp hàng để mua bánh trung thu truyền thống. Tôi không quá máu mê cái vụ bánh trái này, giờ thêm nỗi khiếp sợ covid nên nhìn và coi bà con vậy, quả là bái phục, bái phục!
thú vui mới đợt giãn cách thứ tư ở Hà Nội: chiều chiều ra hiên ngó một cái một góc cái hồ to |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét