Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

nhật ký covid: thời tiết, thể trạng, tâm trạng, chuyện nâng cao nhân khí và thực hành nếp sống mới

(1)

Mùa mưa bão năm nay giống như hoàn cảnh của chính năm nay, thực không dễ chịu chút nào.

Hoàn cảnh covid cho chúng ta mỗi ngày thêm trải nghiệm về mất mát, đó là chuyện của năm. Còn chuyện của mùa, bão lũ năm nay thiệt hại nhiều nhưng chẳng thấy đâu trống chiêng làm màu của nào tiên-lũ nào lũ-hậu. Ông lão chăn bò năm xưa giờ chẳng may có làm ăn thất bát thì cũng chỉ có thể mơ màng hồi cố cái giây phút "ân sủng" trong mùa lũ năm trước mà thôi.

Mà với thời tiết thế này thì trừ đám người trẻ và vài người đặc biệt mình đồng da sắt, còn lại tôi vụng trộm nghĩ chắc là đều ốm và/hay tâm trạng kém hết lượt đâu!

(2)

Bữa trước tôi ốm.

Hoảng hốt nghĩ, hay mình dính chưởng [covid].

Rồi lại ngẫm nghĩ kiểm điểm bản thân, có đi ra ngoài động chạm ai đâu mà cô mới chả vít.

Sau rồi thì tôi mới nghe ra là có rất nhiều người đều ở trong tình trạng uể oải, lờ đờ, đau nhức, người "ươn" như tôi đây.

Chốt chét với cái bản mặt nhăn nhúm bất đắc chí, tất cả là do/tại thời tiết!

Mà mở ngoặc là Hà Nội không phải đến mức rừng thiêng nước độc nhưng xét về mặt khí hậu theo tiết theo mùa, thực không có nhiều ngày dễ chịu trong vòng quay thời gian của một năm đâu. Bỏ qua hết các yếu tố ô nhiễm do con người gây nên hay cả câu chuyện trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu chi chi, thì ở cái địa phương này, những định dạng thời tiết từ bao lâu nay đâu có ưu ái chi cho cơ thể của con người cơ chứ!

Giờ người tôi vẫn cứ gọi là "la đà". Các cơn đau nhức ở hai phần cẳng tay cẳng chân là một chuyện. Thi thoảng có mũi khoan xoáy sâu gây choáng váng xây xẩm mặt mày là một chuyện. Nhưng có một chuyện hay làm tôi hài lòng, làm tôi cảm thấy mình được an ủi, đó là trừ một lần phản ứng gay gắt duy nhất thì trong hơn tháng qua, cái túi mật nó để tôi yên. Tôi nghĩ, hẳn đây là do chính tôi cũng vô thức hay ý thức mà đã cẩn trọng hơn trong đường ăn uống!

(3)

Thể trạng là thế. Còn tâm trạng thì không ít lần chuệch choạc chực theo ngã rẽ tồi tệ hơn nữa!

Tôi cố gắng đứng ngoài, cười hì hì quan sát nghe ngóng các phản ứng của cái món não trạng xã hội. Nhưng tính toán là vậy chứ được hồi con giời lại "xoắn quẩy", cũng đung đưa theo các nhịp cáu kỉnh, phẫn nộ và bài xích, đả phá của dân gian.

Mỗi ngày trôi qua, tôi thấy mình cứ loay hoay thò chân vào rồi rút chân ra. 

Sau rồi, tôi cố gắng điều tiết dòng chảy tâm trạng của mình. Vào đúng những chuyện cụ thể của chính bản thân, trực tiếp liên quan đến bản thân.

Lúc đầu, cảm giác là vô cùng bức bối, khó chịu và cả bất lực nữa. Nhưng nghĩ, nghĩ tiếp, nghĩ cẩn thận thì hoá ra chuyện thường là đơn giản. Con người loanh quanh một hồi vẫn cứ là vận hành đời sống của mình xung quanh mấy trục là tham lam chiếm hữu, hống hách làm con đầu đàn bắt nạt kẻ yếu thế, tranh thủ mọi cơ hội phát huy cái "trí tuệ" méo mó và ngắn cụt lủn của bản thân để mà cướp hết phần khôn của thiên hạ rồi thu thu vén vén bên trọn mối lợi về cho mình, cho gia đình, dòng họ cùng bằng hữu cánh hẩu của mình. Nghĩ ra được thế rồi thì khi gặp một chuyện dở hơi chẳng may rơi trúng đầu mình, tôi dám chắc là người trong cuộc sẽ có cơ may to đùng là không còn bị trói buộc, vướng bận vào/bởi nữa. 

Anh chàng KT thực có lý khi nói chuyện không liên quan đến mình thì dứt khoát không chúi mũi vào. Phần lớn chuyện xảy ra trong ngày, chúng ta cứ tưởng như núi lở sông lũ dâng trào gây nạn cho mình đây đến nơi rồi. Nhưng cuối ngày hoá ra lại là núi lở ở triền bên kia, sông nước dâng là ở cái nhánh nọ, còn chúng mình đây vẫn cứ là thong thả sống ngày sống của chúng mình, nếu muốn!

(4)

Có một phần nhỏ trong tôi, tôi biết, ít nhiều kiêu ngạo và hống hách kiểu "ếch ngồi đáy giếng". Cho dù đã va vấp không ít lần, mỗi lần vậy thường là co rút lại bản thân thêm chút nữa, thì ở đâu đó tôi vẫn chưa triệt tiêu hoàn toàn cái mầm thái độ ngang ngược, nghĩ mình là duy nhất đúng.

Cho đến khi, do hoàn cảnh rất vô tình, tôi thấy mình được nâng cao "nhân khí", được gia cố cái phần sinh lực, đà sống từ một đám bạn trẻ. 

Tuần trước, tôi còn âm thầm cười nhạo, mấy đứa ranh tinh vi tinh tướng vớ vẩn. Tuần này vẫn là tôi và vẫn là bọn nhóc đó, tôi thấy mình tự động trở nên khiêm tốn và hoà ái, và quan trọng nhất là bọn trẻ con dạy cho tôi nhiều bài học về sống và làm người.

Tôi nghĩ, kể về những gì đáng quý từ những tiếp xúc, tương tác này thì hẳn sẽ chẳng có hồi kết thúc. Nhưng nếu tóm lại trong một câu, tôi chẳng ngần ngại gì mà cám ơn các bạn nhỏ này, về chuyện chúng đã cho tôi một thái độ lạc quan và đúng mực hơn trong hành động sống của mình!

(5)

Tôi không thích từ nếp sống mới này cho lắm.

Nghe to tát, có chút màu của tuyên giáo ngày xưa. Nhưng vì chưa tìm ra công thức khác thích hợp hơn thì tôi cứ gọi là vậy cái đã.

Thời gian này tôi rất khoái chí với cái dự án buying nothing của một đám ông bà xứ cờ-hoa. Đúng là không thể máy móc nhòm một cái rồi thấy người thiên hạ làm gì thì mình đây giống con khỉ lặp lại y chang. Nhưng cái món này quả thực là hay. Nó như một sự nâng trình sau nào là decluttering nào là minismalism vân vân chi chi.

Tôi dọn đồ vải, quần áo đủ mặc cho tới khi xuống mồ. Giày dép chẳng cần sắm thêm chi. Phụ kiện túi mũ trước nay có coi như đủ. Đồ dùng sinh hoạt trong nhà cần gì về cơ bản là có nấy.

Chỉ có những thứ "lặt vặt" song lại kha khá tốn tiền thì lại là một mối nguy to ở dạng tiềm năng. Chúng vuốt ve kích động cái phần tâm trí của tôi, khiến tôi thấy mình trở nên khát cầu, loay hoay tính tính toán toán mua này sắm nọ.

May là cuối cùng thì tôi vẫn chưa mua món gì quá đáng cả. Một ví dụ hay ho cho cái màn thực hành tự-kỷ-luật này của tôi là mới đây hơn cả, tôi đã làm hai cái giàn nhỏ cho cây đậu đỗ và mướp đắng. Từ những nguyên liệu có sẵn trong nhà căn hộ. Và đương nhiên là không tốn đến nửa cắc đâu :-)))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét