Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

món muối xổi tinh thần

(1)

Món muổi xổi trong bếp được đưa ra bàn ăn là thức chúng ta làm rồi ăn mà cái sự làm có thể coi là mang tính tức thì chứ không phải là một quá trình men hoá dài ngày. Người hiện đại ngày nay có thể bỏ qua khâu tự làm món, và như vậy thì có chút xê dịch về công thức: mua về và đánh chén. 

Cái sự chủ động của chúng ta - lọ mọ xông pha tự ta ra tay làm món hay phi xe [máy] ra chợ mua rồi mang về, bày món ra mâm và xơi - đích thực là từ chúng ta, do chúng ta.

Còn món muối xổi tinh thần, phần đa sẽ là do kẻ khác làm ra. Và chúng ta xơi nó, xơi chúng, hoặc do hoàn cảnh dẫn dắt hoặc do cái tính tò mò, a dua bày đàn, đánh đu bú chen [trend]. Trong không khí xã hội hừng hực khí thế này tinh thần nọ, không chắc nhiều người chúng ta là kẻ tiêu dùng "thông thái" chủ động chọn món và xơi món. Chúng ta rưng rưng xúc động hay hăng chí tự hào, cứ tưởng cái chủ thể "mình" đây to đùng quyết định nhưng cuối ngày bình tâm nghĩ lại, hoá ra lại vẫn cứ là trong vòng quay của đám đông mà thôi.

(2) 

Hồi cuối tháng 2 năm nay, vì gấp rút lo về nước mà tôi được sắm cái điện thoại xì-mát-phôn. Lần đầu tiên trong đời, sau một lịch sử dài sử dụng và thay không biết bao cái ngu-phôn hay còn gọi là điện thoại cục gạch. Cái nọ xọ cái kia, cứ thế mà tôi có và dùng quen viber từ lúc nào chẳng biết.

Những ngày giãn cách xã hội này ở Hà Nội, tôi thi thoảng nhận được từ một chị quen các đường dẫn tới tin này, video nọ. Mọi bữa dưới cái hình hay đường link sẽ có note ghi chú, tôi chẳng cần mở ra thì tỏ tường ngay quan điểm và thái độ của bà chị, thích hay không thích, chê bai hay ủng hộ, yêu thích hay phẫn nộ...

Riêng lần này, nhõn một cái chụp màn hình và một cái đường dẫn. Ranh giới.

Tôi mở ra, coi được đúng đôi ba phút thì thực sự có cảm giác "ứ ngắc" nơi cổ họng. 

Bối cảnh là mấy thân ảnh mang đồ bảo hộ kín mít lóng nga lóng ngóng gọi điện thoại cấp cứu. Số này hay số kia, người này hỏi người kia. 

Tính chuyên nghiệp và khẩn trương trong những hoàn cảnh y tế, đặc biệt là ở đây, không phải là điều tôi bận tâm. Chỉ là vài phút đó thôi, tôi lại bận bịu tò mò ý đồ của cái thằng cha con mẹ làm cái phim kia là gì.

(3)

Tôi cóc biết bọn học làm báo ở Việt Nam học cái chi mô. Sang bọn học về làm phim tài liệu thì tôi lại càng mù tịt.

Nhưng tôi biết võ vẽ một chút gọi là có những chuẩn mực, kể cả thành văn lẫn bất thành văn, cho hai cái nghề này... xét ở "chuẩn quốc tế" - nói "nhại" theo lối của nhiều cơ quan và tinh bông xứ mình ngày nay.

Tôi không coi cái phim này, chẳng biết ở trong nó có cái quái gì, chỉ là giữa một rừng rung rinh xúc động cùng nước mắt rơi thì thấy rơi lõm tõm vài ý kiến "trái chiều". 

Bọn đi ngược trào lưu này có vẻ như chưa kịp bị "ném đá". Còn tay đạo diễn phim - một quý ông chứ không phải quý bà - đã kịp giải thích về sản phẩm và việc làm ra sản phẩm của mình. Tôi đọc thật kỹ cái bài phỏng vấn đó - với không ít nghi ngờ về tính "toàn vẹn, nguyên bản" của chính cuộc phỏng vấn - thì lại càng tăng cảm giác "trào ngược". 

Xong rồi tôi giật mình, ơ mà mình hâm. Biết phim này do cơ quan nào sản xuất thì vỡ lẽ liền, thuỷ chung cùng một phong cách, cùng một thái độ, cùng một quan điểm, vô cùng hợp lý, vô cùng dễ hiểu!

(4)

Giờ tôi có chút tò mò.

Để xem cái làn sóng cả nước thút thít, cả một đám những kẻ tự nhận hay được phong là "người nổi tiếng" thổn thức được bao lâu, phóng ra một đống xì-tây-tuýt cái này na ná cái kia được mấy hồi.

(5)

Từ lâu tôi chẳng còn đánh giá cao gì cái đám đưa tin mang danh hiệu quốc gia này nên tôi chẳng có gì để mà tám nhảm gì ở đây. Tay đạo diễn phim kia và phim của anh ta, tôi không xem nên chẳng dại dột gì mà ý kiến này nọ.

Nhưng cái sự kiện não trạng xã hội đột nhiên bị độc quyền bởi một nhóm tạm coi là tinh bông được mấy tay bút mạng tung hô như đại diện cho toàn thể nhân dân/dân chúng - tỷ như tổ hợp một tay nhà báo lão luyện bao nhiêu thì tai tiếng vác trên lưng nhiều đến đó, một thằng cha đạo diễn phim truyền hình sống lâu lên lão làng trong cái ổ được bao cấp từ răng tới cắc-tút, một con mẹ diễn viên phim truyền hình cống hiến cả đời cho chính-nghệ nên dù tiếng tăm trong công chúng không cao nhưng danh xưng quốc doanh thì vẻ vang muôn dặm, và một gã ca sĩ đã qua tuổi sửu nhi nhưng nhí nhoẻn vẫn luôn dư thừa - để mà tung hô bộ phim và một nhóm nhân vật trong phim - đội ngũ y tế thì thật đáng để ý. 

(6)

Ngoài kia, còn có bao người "tuyến đầu" y tế thầm lặng cống hiến, thầm lặng hy sinh - bất kể sự cống hiến và hy sinh đó của họ là do tự nguyện hay do "hoàn cảnh". Rồi các thân phận "nạn nhân" covid còn nhiều lắm lắm. Tôi không nghĩ đám làm phim này ngu gì mà công khai khẳng định phim này "khái quát" toàn cảnh những đóng góp, hy sinh, mất mát, tang thương thời covid. Nhưng cái bọn tung hô bộ phim, thằng cha làm phim và cả cái nhà đài quốc doanh thì cố tình hay vô ý rõ ràng là đem lại cho công chúng cảm giác này.

Tôi không dám chắc đám làm phim này có "khôn lỏi" tìm một "thực địa" thật "nóng", thật "hót" để mà tác nghiệp và cho ra sản phẩm hay không. Nhưng rất sòng phẳng, phải công nhận là sự lựa chọn này đem lại hiệu quả to. Ít nhất là tức thời, là trong ngắn hạn, ở cái thời điểm này của năm 2021. Rõ ràng là hình ảnh trong một bệnh viện dồn dập khẩn trương sẽ "đắt" hơn nhiều cảnh một tổ xét nghiệm mệt phờ râu trê lê thê ca làm việc trong một cái nhà uỷ ban [phường/xã] nhếch nhác ở một địa phương nghèo. Rõ ràng hình ảnh những người bên ngưỡng cửa tử và người thân của họ trong một không gian y tế doạ người với máy móc và nhân sự y tế sẽ tạo ấn tượng mạnh hơn là cảnh quan phòng trọ chưa được mươi mét vuông chứa đến bốn năm nhân khẩu mặt mày dài thuỗn ngày qua ngày nhìn nhau đến phát chán. Rõ ràng là máy quay có thể lưu giữ lại được những biểu tỏ đau đớn hình lý và phần nào tâm cảm nhưng còn lâu mới dò được bể sâu của các cơn khủng hoảng tinh thần. Rõ ràng có những công chúng sẽ thích xem cái gì đó trực tiếp, sống động và gay cấn, bất chấp đôi khi chính bản thân vài yếu tố tưởng sống động hay gay cấn thực lại ít nhiều "sống sượng" hơn là một quá trình dường như không có hồi kết trong đó con người chịu đựng đau đớn chậm rãi, từ từ trong cảm giác sợ hãi và vô lực.

Có vẻ như Ranh giới vừa đáp ứng được các nhiệm vụ chính trị của nhà đài, vừa thoả mãn được một đám công chúng lớn, lại vừa là cơ hội để kha khá kẻ hoặc đã có chút tiếng tăm hoặc đang trong nỗ lực tìm danh tiếng nhân đó mà tỏ bày thương cảm cùng tụng ca. 

Và cũng có vẻ như phim tài liệu, phim phóng sự kiểu này thực là món xổi tinh thần hợp với cái gu của người dân xứ mình. Đọc và xem mau mau, không phải nghĩ nhiều, đủ nóng sốt, đủ giật gân để mà có chuyện bình, chuyện tám. Bình hồi, tám hồi, đột nhiên thòi lòi ra một chuyện khác sốt dẻo hơn, gay cấn hơn, thì chúng mình lại chuyển phỏm, bắc loa bà tám sang hướng mới.

(7)

Cách đây đôi ba tuần gì đó, tôi nhớ đại khái là vậy, vô tình đôi ba lần tôi mở ti-vi trúng đoạn nhà đài trung ương đang bận rộn tự mình khen mình, về cái nhóm làm phim ghi lại thời sự và lịch sử covid/phòng chống covid ở Sài Gòn. Lúc đó, tôi đã thấy có chút nực cười với những màn tự-tán-tụng với nước mắt thật thà và lời có chút phần ngô nghê của một vài người trong nhóm đó.

Giờ tôi nghĩ xa hơn cái đầu mũi chút. Chúng ta đang ở-trong-thời-covid. Nhưng bản thân những ngày này đã và đang được kể lại mới khác nhau làm sao.

Tôi tò mò chết đi được nếu một ngày kia, có thể là sau dăm bảy năm hoặc thậm chí là lâu hơn nữa, khi mà chẳng còn ma nào nhớ Ranh giới là cái quái gì thì lại thòi lòi ra một ông bà phó giáo sư y khoa nào đó tung ra hồi ký trong đó có một chương hồi Hùng Vương những ngày covid. 

Và ai mà biết được, rất có thể chúng ta sẽ được đọc một câu chuyện có nhiều sắc thái mới và khác biệt.

Rồi có thể bộ phim kia lúc đó sẽ được cho vào giáo trình giảng dạy dành cho bọn muốn thành các nhà báo hay nhà làm phim tư liệu tương lai, ở trong mục dành riêng cho "đạo đức" làm nghề chẳng hạn!

Rồi thêm một ý nữa, nếu có thằng dở hơi nào lên cơn vác cái điện thoại chạy tót ra đường ở Sài Gòn để chim-lai [livestream], hỏi bất cứ ai đi qua, ý kiến của Anh/Chị về phim Ranh giới, có lẽ lúc đấy những kẻ sống sót qua đại dịch này chẳng còn ai nhớ hay muốn nhớ về một bản-ghi-chép-lịch-sử dưới dạng phim ảnh này.

(8)

Kịch hoá, bi hoá là một "nghệ thuật" được cả người phàm lẫn người làm nghề sử dụng phổ biến trong nhiều phạm vi và lĩnh vực. Từ cuộc sống thường nhật buồn tẻ của một gia đình với chằng chịt tương tác đấu tranh - thoả hiệp giữa vợ với chồng, giữa con cái với cha mẹ qua các ganh đua nơi đám bằng hữu, giữa các đồng nghiệp - đồng chí ở cơ quan. Từ xã hội qua kinh tế đến nghệ thuật, chính trị, vân vân mây mây coi như đủ cả. 

Ai giỏi dùng thì hiệu quả lời lãi thu về không nhỏ. Nhưng có điều dùng quá nhiều, dùng quá đô [dose] thì đôi khi tưởng hay lại hoá dở. Hôm nay có một món xổi tinh thần làm nghẹn lồng ngực, cạn khô nước mắt của kẻ này người nọ. Ngày mai lại thòi lòi ra vài món xổi tinh thần na ná trong cùng một xê-ri thì liệu còn đâu sức chứa của khoang ngực và/hay nước rơi từ các hốc mắt (?)

Thời covid, thời giãn cách này chuyện dở hơi, chuyện buồn chất thành đống, kể có khi cả phần đời còn lại của mỗi người chúng ta cũng chẳng hết. Nhưng cũng cái thời này, dư chút thời gian mình ta với ta, đọc lại chuyện cũ, có khi là một thế kỷ trước, mà có khi chỉ là vài chục đôi năm trước, có thể khối người khối kẻ sẽ phải giật mình.

Trong quá khứ, đã từng có không ít món xổi tinh thần được tung hô, nhiều "anh hùng sáng tạo" được vinh danh. 

Nhưng rồi, chẳng rõ là cái đời này nó bạc, cái xã hội này nó tệ hay cái hệ thống này nó phũ, nhiều tác phẩm cứ tưởng là để đời, nhiều nhà sáng tạo nghệ thuật tưởng là tượng đài ngàn năm gió mưa không quật đổ được giờ chỉ là những cái tên mờ nhạt, chờ đến mỗi dịp kỷ niệm giỗ lạt này nọ nọ chi thì được lôi ra tế tụng một buổi trước khi được xếp xó trở lại trong kho ký ức quan phương.

(9)

Tôi thi thoảng coi trộm phây của cô em trong nhà. Lại thi thoảng vụng trộm nghe mấy anh "lề trái" lải nhải trên mạng nhện. 

Những lần ngó nghiêng và dỏng tai nghe vậy, tôi lờ mờ hẳn trong nhân dân vào cái thời đại công nghệ bốn chấm này, đang âm ỉ lưu ký một dạng "ký ức dân gian" mà không một cơ quan tuyên giáo hay một nhà đài quốc doanh nào có thể dám tự tin là về dài lâu sẽ/có thể làm mờ nhạt, càng không nói là làm "biến mất" được. 

Và ai mà biết được, đến một ngày kia sẽ có những ranh giới dân gian được vượt bỏ, và nhiều chuyện kể mới vượt ranh giới sẽ ra đời đâu :-)))

thời gian covid: nhờ giãn cách thì dọn nhà, dọn đồ
dọn dẹp thì thấy cái tôi ngây ngô ngày mới đi làm này
dù sao, tử tế dứt khoát không thể là món làm xổi xơi xổi được a

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét