Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

bắc ninh 23.01.2022

cho tiết mục bánh chưng: dây lạt tự chẻ
(1)

Tôi mệt. TL còn tệ hơn. Và mọi việc được làm đều như thể theo quán tính, hai chị em về thăm Bố Mẹ với dáng vẻ của zombie hơn là đám con cái háo hức về nhà thăm Thầy U.

Thật may là càng về gần nhà Bắc Ninh, không khí càng bớt phần ảm đạm. 

(2)

Các chợ quê ven đường rực hồng đỏ của đào, vàng xanh của quất và đặc biệt là chói chang sắc nắng từ các thùng đựng sơn được hoá phép thành xô cắm hoa cúc bó lớn.

Ra khỏi Hà Nội, đường quê dù là trấn huyện lớn hay xã thôn nhỏ đều có đầy đủ các yếu tố kinh-tài xã hội học như thành phố lớn, nhưng là ở một cấp độ và qui mô khác, với điểm thú vị là còn nhiều phần chân chất, thật thà, hồn nhiên hơn. 

Tỷ như tiệm kia bán đồ hàng hiệu tên Pig - tôi đồ rằng thay cho Bé Ủn theo cách gọi của một cô chủ tiệm giả định nào đó ở Hà Nội, trông rõ là sang là chảnh nhưng cô người mẫu bằng nhựa đứng cửa lại lòng thòng mang một miếng carton lem nhem với hàng chữ xiêu vẹm xả hàng

Người ngoài Hà Nội mua bán cũng sum tụ thân va thân chan chát nhưng là trong cái không khí sạch sẽ và đượm nắng vàng được phóng chiếu từ tầng trời cao xanh chứ không phải là mờ mờ ảo ảo của sương mù và bụi tụ thị thành. 

(3)

Con gái bữa trước mang về lịch bóc từng ngày cỡ đại, bữa nay thêm cuốn lịch bàn với tính toán, ngày đã qua, tờ lịch đã bị lấy đi thì có công có việc gì quan trọng sao các cụ già có thể thuận tiện ghi nhớ cơ chứ. Ai dè ông cụ bảo, mắt mũi giờ kém lắm rồi nên buông bỏ thói quen ghi chép. Trong khi ông động viên bà nên ghi để mà nhớ thì bà lại mau mau phủi tay không cần. Tôi cười hì hì, không có thì làm thành quen, để sau có việc gì đỡ công căng óc nhớ nghĩ lại.

Mà ví dụ có tức thì. Chị họ mang vác năm triệu đồng tiền đến gửi hai cụ nhà mình để các dì - tức TL và tôi - mua giúp thuốc thang cho món tiểu đường chị mang theo người nhiều năm nay. Con mang thuốc về, bà cụ già yên tâm mình đã đưa tiền cho con, giờ chỉ việc gọi cháu đến lấy thuốc về. Ú ớ một hồi, bà hỏi ông, à hoá ra là bà đưa tiền cho ông để ông cất tạm. Mà giờ, hỏi ông đánh rụp tiền để đâu, ông bảo phải từ từ để Anh nhớ.

Tôi sém chút ha ha một trận trêu đùa hai cụ nhà mình, đấy, nếu có lịch bàn thì Bố Mẹ chỉ cần ghi ngày đấy tháng đấy cô cháu H. đã gửi tiền mua thuốc và chúng tôi đã giấu ở dưới cái gối đầu cái giường nhỏ nơi gác lửng - chuyện này tôi bịa trong đầu nhá. Không rõ sau chuyến này hai cụ già nhà mình có dùng sổ lịch bàn không. Nhưng tôi dám chắc những trao đổi nho nhỏ liên quan đến những chuyện đã xảy ra mơ mơ hồ hồ về thời gian và nơi chốn sẽ chẳng bao giờ thiếu ở nhà Bắc Ninh. Ôi, tuổi già!

(4)

Năm nay con gái của Bố Mẹ "hẻo", run run cái phong bao sắc hồng con chỉ có ngần này biếu Bố Mẹ ăn Tết. Cả hai cụ già ra ý từ chối và lo lắng, tiền này kiếm được từ đâu. Con phớ lớ, tiền dịch bài đấy, mà con vẫn còn dư một ít đây này.

Trước giờ chúng tôi quay lại Hà Nội, người lớn thủng thẳng, để Bố Mẹ gửi các con một khoản nhỏ đỡ đần việc chi tiêu [cho] Tết. Ơ thế hoá ra vẫn là con gái cái bòn, vẫn là con nhận quà từ Cha Mẹ chứ đâu phải hiếu kính nhỏ lớn a. 

Tất nhiên là các con của Bố Mẹ từ chối. Và hai cụ nhà ta Tết này xem ra cộng dồn lương hưu mấy tháng của cụ ông, lãi cổ tức của cụ bà và quà từ con cháu thì ít nhiều cũng được xếp hạng phú ông phú bà trong làng a :-)))

(5)

Anh họ thân thiết về bên nhà đẻ của mẹ kế quá cố ở Hưng Yên để thăm viếng họ hàng trước Tết nên chúng tôi không qua chơi chọc phá như mọi bận. Lại thêm ngại ngùng covid, suốt cả chuyến về thăm nhà lần này cả TL và tôi chỉ loanh quanh trong phạm vi sân nhà Bắc Ninh.

Thời gian làm con gái chấy rận - tức ngồi hiên nhà nhổ tóc sâu cho Mẹ, tôi thì thào hóng hớt chuyện nhà quê. 

Cách con mương nhỏ là thôn, xã, huyện khác. Bên đó dân giàu vì có người đi Nam làm ăn lớn cũng có, có con cháu chức quyền to ở Hà Nội cũng có, mà kinh bang tế thế kiểu dân quê buôn bán chạy đi chạy lại trong vùng như là các ông chủ buôn, bà chủ buôn tầm tầm cũng có. Trong đó, chính là nhóm đầu và nhóm cuối thi thoảng lại vui tính thòi ra một vị làm người vận chuyển con cúm Tàu về làng. 

Ở làng thì có chuyện về một anh họ xa bắn bảy tầng đại bác không tới là người duy nhất còn sống sót trong đám tam tam ba đàn ông nổi danh ở làng với cái lối ăn uống trâu chết gà rù con gì cũng xơi. Anh này có nghề chính là bốc mả, theo lời kể của mợ họ thì có bữa làm cho nhà kia, anh nghỉ giữa giờ, tháo bao tay rồi cứ thế lôi bia ra nốc. Anh quần quật chở thuê gánh mướn, việc nặng gì ở làng làm tuốt, tiền bồi dưỡng cao ngất ngưởng nhưng vì mải ăn mải uống nên tính ra chẳng tích được xu mẻ nào, nghèo vẫn nghèo. Có bữa anh họ này nhìn thấy bà cụ nhà mình hỏi thăm biết bà đi kiếm cát thì anh khoát tay để cháu. Mẹ bận làm gì đó, cũng ừ à cho qua mà nghĩ nó nói chơi vậy. Ai dè sau nửa ngày ông anh xuất hiện với một xô cát bự và dứt khoát không lấy tiền công. Lại có bữa anh gặp bà cụ già nhà mình đi chợ thì bảo, dì ra sông vớt củi đi, nhiều lắm, rồi cháu ra chở về tận nhà cho, cháu làm giúp, không lấy tiền. Bà dì vui tính nói câu cám ơn xong thì bảo, tao chân tay thế này ra sông loạng quạng để sau nhờ mày tìm xác à. Thế là cho qua vụ vớt củi ngoài sông. 

Tôi không biết về anh họ này, nghe chuyện cứ gọi là cười ngất ngư. Rồi sang một anh họ khác mà tôi mang máng biết thì chuyện siêu hài hoá thành bi hài. Anh này chẳng làm ăn gì sất, cắm sổ đỏ ngân hàng tiêu pha bét nhè, giờ đến lúc cạn tiền thì quay sang anh họ thân cận của TL và tôi, người được đồn đại là có nhiều tỷ đồng sau mấy năm lao động xứ người, hỏi vay. Mà anh họ xa kia rất hồn nhiên, chú cho anh vay đôi trăm triệu để anh lấy sổ đỏ ra rồi anh cắm lại lấy tiền làm ăn, khi nào kiếm được anh hoàn chú. Tiếp theo câu chuyện thế nào hẳn ai cũng đoán ra được. Công nhận, anh họ xa này thật vui tính :-)

(6)

Covid đem lại vài biến động dân cư nhỏ ở làng quê. Với quê Ngoại Bắc Ninh của chúng tôi, đó là lẻ tẻ vài người hồi hương từ các tỉnh Nam. 

Có anh họ xa là việc không có lại đèo thêm khoản nợ cờ bạc thì vợ dứt khoát gọi về không cho đi Nam nữa. Lại có nhà kia, chẳng rõ có dây mơ rễ má họ hàng với Mẹ không, thì cả nhà lóc nhóc kéo về mở tiệm tạp hoá, lấn đường lấn lối của thôn còn kinh hơn dân phố ngoài Hà Nội. 

Chúng tôi đi qua tiệm tạp hoá đó, nghe láo nháo tiếng người dân quê mình vẫn cứ là nồng hậu châu thổ giờ pha thêm lối nói của người Nam. Quả là một sự kết hợp thú vị khi nghe những kẹt xe rồi, ăn tô phở, uống ly cafe... với các tầng âm quen thuộc của quê Ngoại mà không nhìn mặt người tôi khéo nghĩ chắc một ông Tây nói tiếng Việt.

(7)

Mẹ như mọi khi luôn nói chẳng có mấy gì [phải làm/chuẩn bị] cho Tết. Nhưng cứ nhìn quanh mà xem. Bà cụ già nhà mình đã chuẩn bị sẵn sàng kha khá thứ cho tiết mục bánh chưng: bó lá dong xanh rì, dây lạt được hai cụ tự chẻ, gạo nếp nhờ hàng xôi Phú Thượng mua giúp mà hoá thành quà biếu tặng. Rồi sang măng khô thì có bạn của con gái út đã lên tiếng phụ trách. Quà này quà nọ từ cháu định cư ở miền Nam, từ hàng xôi có lịch sử bán hàng nhờ trước cổng nhà trên dưới hai chục năm trời, từ cô chú hàng xóm đối diện nhà Hà Nội... cứ xếp lại cũng thành một núi nhỏ. Con gái cười hi hi ha ha, hai cụ nhà mình ăn Tết "xôm" ra phết nhể.

Hai cụ già thuộc nhóm những người "xưa cũ". Quà nhận được tức thì tính toán phải làm sao đối đãi đáp trả cho tương xứng. Thế là nào túi lì xì, nào gà, nào bánh chưng, nào hành nào tỏi... đều được tính toán đến ngày đến buổi là chuyển đến tay những người quen biết. 

Don hay contre-don ở đâu cần gì mấy ông bà nhân học, cứ về nhìn chuyện nhà quê Bắc Ninh với hai cụ già nhà mình hiểu hết a :-)))

(8)

Rau cỏ hoa lá nhà Bắc Ninh thời gian này quả là phong phú đa dạng.

Mẹ kể có ông thợ dạo đi ngang qua nhà gạ gẫm bà cụ già bán lại gốc mộc cao ngất 12 triệu đồng tiền. Bà cụ già từ chối, ông kia ra sức gạ không được thì chuyển sang thì thào ý là đợi đến khi bà già đổi ý. 

Bạn lái xe biết chuyện kể có đại gia kia có gốc mộc cao y chang cây nhà Bắc Ninh nhưng được cái phần tán cây rộng chừng gấp đôi và giờ gốc mộc đó đang được một đại gia khác trả giá 90 triệu đồng tiền. 

Tôi và TL nghe xong cười sằng sặc. Cười chán thì chúng tôi chơi trò đếm cua trong lỗ, hò nhau ra giá cho hai gốc mộc nhà Bắc Ninh. 

Rồi cô em còn vui tính hơn, nhắc lại cái ý tưởng nhờ Mẹ chiết và trồng mới chục gốc mộc để hai mươi năm nữa con gái của Mẹ có một khoản ra tấm ra món dưỡng già. Tiếc là giấc mơ thúng vỏ chai của chúng tôi mau chóng vỡ vụn khi bạn lái xe lưu ý rằng thì là mà mốt cây luôn thay đổi, ai mà biết được có khi chỉ ngày này sang năm chẳng ma nào yêu quý nhớ nhung các chùm hoa mộc nữa :-)

(9)

Thời gian này tôi thấy mình suy sụp về hình lý, bối rối về trí lực.

Nhưng chỉ cần về nhà Bắc Ninh, ngay cả khi "phải" nghe Mẹ càu nhàu về chứng điếc đặc và "cãi nhau với cái ti-vi" của Bố thì tôi vẫn cứ là thấy như được bồi một thang thuốc với công lực thần kỳ. Đó là cái sự an ẩn dấu sau những lời càu nhàu của Mẹ. Đó cũng là bầu không khí đất quê sạch và lành, nơi tôi có thể mở căng lồng ngực mà thở sâu thật sâu.

nhìn cây nhớ gốc đào cổ thụ ngày trước

cây mộc được Mẹ chiết từ cây vườn nhà Hà Nội
cây Hà Nội trong chậu "em vẫn như ngày xưa"
còn cây Bắc Ninh cao lút ngút

đào phai quà từ hàng xôi mấy năm trước

năm nay không còn ai nhớ chuyện ngắt các cánh hồng :-)

chào bạn ong nhỏ :-)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét