đường về quê Ngoại - 28 tức 29 Tết phần phật và đỏ rực |
Tôi dặn Tiên sinh, nhớ canh điện thoại để tui đây khi về nhà Bắc Ninh gọi điện cho màn chúc Tết sớm. Ông lão hỏi lại, sao vừa hôm trước về bữa nay lại về. Ơ, thế ông không nhớ là có Tết à. Nhớ chứ, nhưng mà Tết là [giữa] tuần sau kia mà. Dạ, mời ông coi lại lịch ạ.
Trong các mẩu đối thoại, thường có một câu thế này, ngày 28 Tết tức là ngày 29 Tết, hay ngày 29 Tết tức là ngày 30 Tết. Thoạt nghe thì rất nực cười. Nhưng cái sự kỳ cục về lời và diễn đạt đó thực có nguyên cớ: năm nay làm quái gì có ngày 30 lịch Âm của tháng Chạp cơ chứ.
Chẳng trách, có anh bạn mang biệt danh [Đ]Éo Hiền [!] còn chơi một cái xì-tây-tuýt về chuyện này trên phây. Chuyện là có tờ báo quốc doanh nào đó đăng bài giật tít nghe cứ gọi là giật mình đánh thót vì sao táo quân 2022 không phát sóng vào tối 30 Tết, khiến cho anh chị em một cõi phây cứ gọi là xôn xao nháo nhác. Bạn trẻ Éo Hiền này tưng tửng, các Anh Chị nên có thái độ trân trọng, tin mật báo từ VTV người ta nói cho mà biết còn cười cợt à. Tôi đọc trộm FB của TL, cười khì khì.
(2)
Năm trước tôi bị mắc kẹt ở xứ người, ăn Tết buồn thiu thiu, chẳng rõ không khí tết nhất Hà Nội và Bắc Ninh thế nào. Năm nay, Tết chưa bắt đầu mà cảm giác đã thực trầm.
Tôi chứng kiến cảnh hai cụ già ở Bắc Ninh đang-già-đi, theo một nhịp có tiết tấu mau và khó đoán định hơn cái sự đang-già-đi mà bản thân tôi thấy mình trong đó. Mà chính tôi và TL cũng chẳng vui vẻ gì với vài trục trặc về sức khoẻ. Mà nữa, nhìn sang phải sang trái rồi ngó trước ngó sau, tôi thấy hầu như ai cũng có một vấn đề gì đó liên quan đến cái sự gọi là lão và bệnh.
Vấn đề hình lý là một chuyện. Đáng sợ hơn với tôi là câu chuyện một thái độ sống. Tôi không nghĩ mình có vấn đề to về nhận thức. Nhưng thực hành cái ý thức chấp nhận và sống nó - sự già đi cùng bệnh tật, thì quả chẳng vui vẻ và dễ dàng chút nào!
(3)
Vào phút cuối, kế hoạch "ăn Tết" của chúng tôi thay đổi. Bữa bún riêu Mẹ đãi các con hoá thành bữa tất niên bất đắc dĩ.
Con mang vác về Hà Nội thùng to bọc nhỏ, cho mình thì ít mà là đồ gửi cho mọi người thì nhiều.
Mà chuyện quà đi quà lại này thực có nhiều điểm buồn cười. Tỷ như bạn của TL cho một con cá song câu từ biển Quảng Trị, nặng đâu trên dưới 6kg. Tôi nói với cô em, bạn tốt và nhiệt tình đáng yêu đấy nhưng đúng là có chút thiếu "tinh [tế]". Ai đời nhà có mấy người già lụ khụ hoặc gần già lụ khụ chứ đâu phải thanh niên trai tráng ăn thùng uống vại hay đệ tử của thần nhậu mà phải con cá bự đến vầy.
Càng già đi tôi càng bỏ qua mấy sự lườm rườm quà cáp. Vì cái này mình cho là hay, là tốt, là quý vào tay người chưa chắc đã vậy, có khi còn gây phiền. Thế nên mới có chuyện TL kể chị đồng nghiệp được biếu con gà còn sống - có vẻ như từ thuộc cấp của ông chồng - thì chửi um cả lên.
Về phần con cá có kích cỡ khủng bố được cho, tôi không rõ hôm qua sau khi chúng tôi rời nhà Bắc Ninh để quay về Hà Nội thì bà cụ già nhà mình phải huy động anh họ nào để xử lý và sau đó là chia phần cho những cháu nào. Hẳn mấy anh họ gần của TL và tôi sẽ rất khoái chí vì ngay cả khi các anh này không phải bợm nhậu chân chính thì cũng là, như hầu hết mọi đàn ông Việt ở làng quê, yêu thích tụ họp kiểu anh nói chú nghe.
(4)
Chúng tôi qua nhà anh họ thân cận để chuyển đồ cúng Ông Bà Ngoại.
Chuyện này xọ chuyện nọ, hài hước cười cợt có mà đáng suy ngẫm nghiêm túc cũng có.
Tỷ như nói về phát triển, anh họ bảo may mà vùng này [quê Ngoại] không có làng nghề cũng chẳng hoạt động kinh tài chi nên ô nhiễm do sản xuất [thủ-công-nghiệp] căn bản không có. Ngày trước nhiều lò gạch thủ công và ống khói của nhiệt điện Phả Lại làm nhân dân khổ sở thì nay lò gạch thủ công đã tịch bóng, còn bên Phả Lại nghe nói có công nghệ mới nên cái sự ô nhiễm không phải là rành rành một cái liếc mắt nhìn ra, kiểu như mái ngói đỏ thì cứ đỏ chứ không ngả đen vì khói nữa. Rồi bên kia sông đất Hải Dương chỗ đó an lành nghèo nghèo nên chẳng có đe doạ gì về môi trường. Nhưng đi xa ra khỏi làng, khỏi xã, khỏi huyện mà xem. Nào là khói lò rác, nào là đường 18 ngập bẩn bụi... kinh khủng lắm.
Anh họ không có bằng đại học, nghề nghiệp tự do, nhưng nói năng nhận định tình hình chính trị chính em xem ra hợp lý và dễ nghe hơn khối quý thầy bà trường này viện nọ hay lãnh đạo cấp to. Anh không nói xấu theo phong cách "phản động" - kiểu như được các cơ quan phố Phan Đình Phùng hay tập đoàn báo chí mậu dịch định nghĩa, mà là thủng thẳng nói về những điểm dở cụ thể của sinh hoạt chính trị-xã hội nước nhà. Có một câu anh họ nói làm tôi giật mình, chỉ số niềm tin của dân mình. Anh bảo thời gian anh sống bên Tây, dân nước đó nói là làm, nói là giữ lời, còn dân ta với ta dối như vẹm. Về hẳn Việt Nam được một thời gian thì trong đầu tự hình thành thái độ phòng-ngừa người với người, dân với Nhà nước, chẳng thấy ai đáng tin cậy nữa. Nghe thật thảm hại!
(5)
Phát triển hàng tỉnh, hàng quốc gia là thế. Còn ở làng, cái gọi là sự giàu-lên thực không phải lúc nào cũng là vui vẻ, hạnh phúc.
Làng không hay chính xác là chưa có mấy tệ nạn nghiện hút cờ bạc như một vài địa bàn khác trong vùng. Nhưng bắt đầu có hiện tượng tụ bạ chè chén rồi hát hò. Anh họ bảo, karaoke nào có hay, cứ như là hét, ảnh hưởng bọn trẻ con học hành. Hát có mà nhảy đồng cũng có. Phần lớn con nhang đệ tử từ Hà Nội về, nhảy cứ gọi là bét nhè, ầm cả một góc làng.
Làng có chùa. Chùa đã từng có một ông sư quê Gia Lâm Long Biên gì đó. Sư tự giới thiệu có thời gian tu tập ở Singapore, nói tốt tiếng Anh. Sư về làng đôi năm thì chùa đã có bộ tượng hoành tráng từ trong ra ngoài. Rồi ngày nọ, nghe nói sư ốm, rồi lại nghe nói sư dính tai tiếng vay nợ để chỉnh trang chùa. Sư chết trong các lời đồn đại. Chùa không sư, có một cô tính đường họ hàng bắn đại bác bảy ngày không tới, cô này gọi Mẹ là dì thì phải, giữ vị trí trông coi chùa. Chùa không sư cứ thong thả hoá thành nơi nhảy múa đồng cốt. Đến lúc có ý kiến thì lễ đồng linh hoạt chuyển từ chùa sang nhà cô kia. Vậy là lên đồng ta cứ lên đồng. Đời sống văn hoá nông thôn mới chẳng hiểu mới, hiện đại, bốn chấm không đến đâu... nhưng dân gian kiểu tuỳ tiện bất chấp thì có thừa.
(6)
Tôi nhớ chừng 4-5 năm trước có lời đồn đại thằng cha đại gia nào đó về quê mình mở xưởng chế biến nông sản. Lúc đó có nhiều anh chị họ ở quê hoan hỉ lắm. Nhưng cũng có một vài người cảnh giác, xưởng hay nhà máy kiểu đó bẩn lắm, ô nhiễm lắm. Sau chả rõ đại gia phá sản hay ý tưởng của đại gia phá sản, đất ruộng quê mình vẫn là người bên Hải Dương và Hưng Yên sang thuê trồng cà rốt, củ cải rồi chi chi nữa mà nghe nói đa phần là để xuất khẩu, nhưng trồng dỡ đến đâu mang đi đến đấy chứ không có xưởng hay nhà máy chế biến tại chỗ.
Còn khoảng 9-10 năm trước thì là một lời đồn lan rộng khắp vùng, về hậu duệ của Cao Lỗ Vương từ tận nước Mỹ xa xôi quyết định đầu tư phát triển văn hoá quê hương. Hành động phát triển cụ thể là gì? Xây một con rồng chạy dọc sông dài mấy cây số, mà cái đuôi của nó nghe đồn là nằm trúng đất thôn [làng] mình. Dự án được vẽ trong trí tưởng tượng của dân quê hoành tráng lắm, nào là nhà nghỉ dưỡng, nào là rì-zọt ven sông, nào là ca-nô du lịch cho khách ngắm cảnh quan sông nước... Hồi đó tôi nghe chuyện bậy bạ một câu, thế thì làm thêm cái bãi tắm truồng [nude] cho nó oách, hiện đại luôn một thể. Dự án đó hoá ra chỉ là trong lời. Đê đúng là được cải tạo xe chạy êm êm, nhưng hai triền đê vẫn cứ là lúp xúp tre bụi, dưới sông nếu không phải phà chạy rì rì thì là mấy nhà bè nuôi thả cá, chấm hết.
Tin đồn của ngày hôm nay vươn vượt đạt tầm mới, với mùi tiền ngồn ngộn. Tôi nghe thấy rất khó tin nhưng tin đồn có thì vẫn luôn ở đấy. Đại loại là "Bắc Ninh" sẽ sáp nhập Hà Nội. Vấn đề chỉ là "Bắc Ninh" là "Bắc Ninh" nào (?!). Anh họ thân cận của chúng tôi ngâm nga, người ta nhỏ không được, mình lại thích to. Mà to song lại không có năng lực quản lý. Tất nhiên là lời của anh họ ở quê Ngoại chỉ là một viên đá nhỏ được búng vào lòng đại dương. Còn lại pháo nổ pháo nang cứ phải là mồm miệng các đồng chí ở trên cao và bọn thầy bà các thể loại học viện quốc doanh.
Tôi thấy mình nằm trong số nhân dân có chỉ số niềm tin tụt thảm hại. Không rõ các nhân dân khác thế nào, nhưng với tôi, thậm chí tôi chẳng buồn nghĩ hay thảo luận về những chuyện "phát triển [của] nước nhà" bên bàn trà nước nữa. Có thể tôi bị chê là ích kỷ, nhưng tôi cứ mong quê Ngoại yêu quý của mình cứ nghèo nghèo, hèn hèn mà lại thành an an, bình bình. Và bà con đừng quá giàu đến mức chẳng làm ăn chi suốt ngày nhậu nhẹt hát hò, cũng đừng vọt mức tâm linh phát triển quá đáng để bọn xe biển 29 và 30 [xe Hà Nội] lũ lượt kéo về góc nhỏ vùng sâu vùng xa này của tỉnh Bắc Ninh mà bông la bông phèng bà này bà lên đồng...
Ô phát triển! Phát triển thế nào tôi cóc biết. Nhưng phát triển như tôi đã thấy và cả trong những lời đồn đại, đồn thổi nữa... tôi thực muốn mình là phản-phát triển a :-)
Ơ mà không được, tôi đã cam kết không bao đồng, không để máu động vật chính trị nó ngọ nguậy trong não. Thế nên tôi dừng ở đây cái màn lảm nhảm của mình. Ô phát triển!
nồi bánh chưng nhà anh họ |
anh họ sống vui và sống nhàn - sở thích đẽo, gọt, tiện... tự tay làm |
U cho gà, con kiêu xin rau :-) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét