Tô Tịch |
Tôi nghĩ là mình bắt đầu quen với tình trạng "thiếu thốn", một cách nói lịch sự thay cho "nghèo mạt rệp". Đại khái là cứ nhe răng ra cười mỗi khi bàn đến một chuyện gì đó liên quan vật chất, liên quan đồng tiền. Kiểu như, đây cóc phải chuyện của tớ. Và kết quả là gì? Những người đối diện nói được dăm câu ba điều thì nản, coi tôi như không khí.
Tôi gọi vui, đây là tu tài, tu tiền.
Kết quả của cái sự tu bị động và bất đắc dĩ đó của tôi có nhiều, trong đó nổi bật hơn cả là tình hình sắm sanh cho Tết này.
Chẳng có chút rộn ràng tưng bừng phấn chấn nào cả. Mỗi một ý tưởng hay ý niệm xuất hiện trong đầu thì cũng lập tức trong đầu xoẹt một cái con dao pha vô hình kết liễu tức thì cái ý tưởng hay ý niệm kia đi.
(2)
Hôm nay có việc phải chạy một vòng chỗ này chỗ nọ, tôi cao hứng quyết định tự rộng rãi với bản thân.
Kết quả là con giời có hẳn hai cốc uống nước, một méo một ngay ngắn. Để bù đắp cho cái cốc Tiến sĩ đã bị vỡ ngay trước ngày Hà Nội bước vào xê-ri dài tập hết giãn cách lại giãn cách.
Cửa tiệm chuyên đồ lưu niệm tối om om với một bà cụ già lưng còng coi hàng. Bà cụ giải thích nhà mất điện. Tôi chọn đồ, đi tới đi lui với thuỷ chung một động tác là giơ mỗi chiếc cốc lên cao ỷ sáng trời ngoài cửa để xem có lỗi gì không. Mỗi lần tôi chạm vào một món đồ mới, bà cụ lại giống rô-bốt phán một cái giá. Xong cái màn mua bán kỳ lạ đó, chúng tôi rời đi không quên vẫy chào bà cụ và bà cụ già lụ khụ cũng rất xì-tin giơ tay ra hiệu chào tạm biệt chúng tôi.
(3)
Chúng tôi qua sạp báo quen tìm mấy tờ báo Tết mang về cho hai cụ già ở Bắc Ninh.
Trả tiền xong hai chị chủ tôi cười hi hi, chữ nghĩa xem ra nặng ra phết. Hai chị chủ sạp báo cười bảo đúng thế. Lại có một anh đi qua kêu mua báo thiếu nhi số Tết gì đó cũng chêm một câu, [báo Tết mua nhiều thế] đương nhiên là đắt rồi.
Rời sạp báo, TL nói với tôi, không ngờ còn nhiều người đọc báo giấy. Tôi thì lại nghĩ quàng ra chuyện khác, ở khu nhà mình mà muốn mua tờ báo giấy thì đúng là khó hơn tìm sao trên Trời. Xem ra dân trí vùng lõi thủ đô chân chính cao ra phết nha!
(4)
Tiệm hương trầm có ông chủ tôi đã quen mặt không tính làm gì nhưng lần này lại thêm một ông con chừng hơn mười tuổi đang chúi mặt vào màn hình máy tính. Mặt thằng nhóc y chang ông bố nó.
Tôi đợi ông chủ lấy hương ra cho mình, nói vui một câu, đấy cả năm nghèo không dám bén mảng giờ em mới đến gặp bác. Ông bác cười nói góp chuyện vô cùng nhã nhặn, không quên nhét vô túi đựng tạp chí và báo số Tết có bài quảng bá sản phẩm nhà mình.
Chúng tôi chuẩn bị rời đi, nghe thấy ông bố quát ông con với một câu trái ngược chuẩn 180 độ so với những lời lịch thiệp lúc trước. TL ngâm nga, mọi người có thật nhiều khuôn mặt.
(5)
Thành phố này thật kỳ lạ.
Tiếng còi xe cứu thương vẫn nhiều, vẫn đều. Vài chỗ các cửa tiệm treo biển chỉ bán mang đi với một dàn người mẫu bất đắc dĩ là các cô cậu nhân viên với đủ kiểu tư thế đứng ngồi vật vờ trước cửa hàng. Vài chỗ khác lại ồn ào náo nhiệt những sắp xếp phông màn chào đón một màn khai mạc hội chợ này chi chi nọ. Rồi những phố cũ và mới trạt hoa và cây cảnh chơi Tết với người va người như không hề tồn tại ác mộng cúm Tàu.
Tôi có một cái Tết "hẻo" nhưng đồng thời cũng là "thong dong" khi thấy mình đi ngang qua những tiểu-thế-giới-thị-dân đó.
Tết này tôi gọi là Tết chậm!
quà tặng kèm trầm hương huân hương thoang thoảng ái quốc tinh thần cuồn cuộn |
cốc méo quà Tết tự mình tặng mình bù cho cái cốc Tiến sĩ vỡ hồi hè |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét