2022 chào 2021 |
Ngày đầu năm 2021, và đặc biệt sau đó là khởi đầu của năm Tân Sửu, tôi thấy mình ở xứ người, chìm sâu trong bế tắc. Lúc đó, tựa như mọi cánh cửa đều đóng sập trước mắt tôi, tựa như tôi là một kẻ-vô-giá-trị, môt kẻ-bỏ-đi.
Rồi đột nhiên, một guồng máy được khởi động. Như một sự thần kỳ, tôi thành công "thoát-tẩu-hồi-quốc". Nỗi sợ về thứ mang tên cách-ly tôi mang trong mình suốt từ khi bắt đầu dịch bệnh ở Việt Nam hoá ra cũng không đến mức quá nặng nề. Tôi "sống sót" qua hơn hai tuần cách ly tập trung ở Bến Cát, Bình Dương.
Về Hà Nội sau một giai đoạn lơ mơ cộng choáng ngợp 2 in 1, tôi thả lòng và sống ra vẻ bình thường như hầu hết mọi người xung quanh. Tôi đeo khẩu trang, kè kè bên người nước sát khuẩn, đồng thời vẫn có thể lêu lổng ngồi xíu ở quán cafe quen, lên Hàng Đồng hay ra Điện Biên Phủ chén một bát phở bò hay một tô hủ tíu. Rồi Hà Nội giãn cách, đợt 1, đợt 2, đợt 3 và hơn thế. Nỗi sợ từ từ quay lại chiếm giữ tâm trí tôi, theo một cách có phần mới mẻ.
Khi tôi bắt đầu nhãn covid 19 notes trong cái bờ-lốc lảm nhảm và cà ràm này, nỗi sợ của tôi là mơ hồ, không hình vị rõ ràng, là sợ vì không biết chuyện thực là gì. Còn giờ, nỗi sợ của tôi đong đo được, bằng thời gian và chất lượng của các ngày sống, của các tuần sống, của các tháng sống và thậm chí là tính được cả theo đơn vị năm. Nỗi sợ giờ có từ ngữ nhận dạng đi kèm, bất lực.
(2)
Năm 2021 đánh dấu nhiều sự khép lại. Cho những chương hồi dài ngắn khác nhau của quan hệ xã hội, của công việc bài vở học hành, của vài tư cách và nghĩa vụ trong công việc mà đi kèm đó là sự tự do, và của cả những mơ màng không rõ nét.
Tôi giờ minh bạch với bản thân, rằng ngay cả khi mình chẳng giỏi giang ra đầu ra đũa một món gì thì thực đó không phải là vấn đề chính yếu. Quan trọng là tôi có vui không khi làm điều đó. Và cho mấy chuyện từ nấu ăn tạp nham không quy tắc tới khâu khâu vá vá chuệch choạc, thực tôi vui, thực tôi hài lòng.
Tôi đã rất ghét mấy công thức kiểu như đời là những niềm vui bé nhỏ, hay biết sống hạnh phúc với những việc nho nhỏ của ngày vì nếu chúng không phải mang sắc diện ngôn tình thì là sặc mùi tâm lý trị liệu phổ thông đại chúng. Nhưng giờ ngẫm nghĩ, tôi thấy chúng cũng có lý. Việc quái gì tôi phải mơ màng những thứ xác thực tôi không mấy thích nhưng cứ gò mình ra vẻ ta đây thích chỉ vì đó là xu hướng chung hay vì điều đó cấp cho tôi một nhãn mác xã hội có lợi cho bản thân cơ chứ.
Tôi tự hứa với mình rằng sau cơn ác mộng bài vở sẽ có Fan Ho, điều này TL đã hiện thực hoá giúp tôi. Tôi cũng tự hứa với mình sẽ làm một hình xăm chủng tự om ở bắp tay trái, điều này tôi đã không làm trong năm 2021 vì vướng con cúm Tàu. Và ngoài kế hoạch, tôi còn có món đầu tư đầu tiên theo hướng mới, mà TL đề xuất tạm gọi là ngơ-ngơ trong khi tôi thấy confusion mới là sự lột tả chính xác nhất.
(3)
Về sinh hoạt cá nhân, tôi đã cai nghiện thành công cafe dù vẫn hàng ngày vẫn thong thả uống thứ nước nâu này. Nói là cai ở đây là theo nghĩa, tôi không còn trong tình trạng không có cafe thì nhà cháu đây không sống nổi. Về phần trà thì úi chà, mức độ nghiện ngập và tham lam của tôi gia tăng trình mới.
TL đầu tư máy ép chậm và máy làm sữa hạt, kết quả là tôi cứ thế khoái chí hưởng lợi. Chúng tôi không chủ trương ăn chay tuyệt đối, nhưng ăn uống thanh và lành hơn thì cố gắng.
(4)
Tôi nghèo, nghèo rớt mồng tơi.
Đó là hệ quả tất yếu của nhiều năm sống lộn xộn vừa qua. Và nhìn lại toàn bộ câu chuyện, tôi không ân hận, chẳng tự trách bản thân, đơn giản chỉ nghĩ, nếu có thể quay ngược bánh xe thời gian thì mình sẽ sống khác đi. Cái gọi là sẽ ở thời điều kiện cách quá khứ rõ ràng không bao giờ có cơ may trở thành hiện thực nhưng nếu đặt ở thời tương lai thì tính khả thi xem ra không hề thấp.
Năm 2021 vừa qua, cơn điên mang tên áo quần giày dép của tôi về căn bản là về mort. Sách báo giấy mua cũng rất ít. Điều này thực là một dấu hiệu tốt.
(5)
Năm 2021 cũng là một năm đặc biệt đối với tôi liên quan câu hỏi ý nghĩa của việc tôi sống trên đời này.
Trong rất nhiều năm, tôi thoải mái nói về hai mốc điểm 28 và 40 của mình căn theo lời các vị thầy bà. Hai năm đó đến rồi đi, chẳng có đứa dở hơi nào ôm cổ chân tự tử cả. Hoá ra, việc nói về cái chết, về tự-sát chỉ là một lảm nhảm sặc mùi triết học dzởm đời mà thôi.
Nhưng nói gì thì nói, đúng là cái hố psy đen ngòm trong tôi vẫn luôn luôn ở đó. Một cái hố đen khủng khiếp, bình thường thì im ắng, nhưng theo nhịp thời gian lại giống đồng hồ cúc-cu được lên giây cót mà gióng chuông nhắc nhở. Tôi cảm thấy việc sống thực mệt mỏi.
Việc già-đi mang lại cho tôi hai chiều nhận thức về cuộc sống, khó nói là tiêu cực hay tích cực, nhưng theo hai hướng khác nhau thì là đúng. Một mặt, tôi biết việc tôi còn sống sờ sờ ra thế này mà cứ lảm nhảm tự hỏi về ý nghĩa của cuộc sống chẳng phải là điều hay ho gì. Mặt khác, tôi biết cái khúc mắc "hiện sinh" đó vẫn luôn ở đâu đó trong tôi, và nó thay vì hiện diện dưới hình hài của những mẩu từ ngữ sặc mùi triết lý thì giờ lại là vấn đề hình lý vô cùng cụ thể, vô cùng tàn khốc: cơ thể theo thời gian tự nó thoái hoá, rất nhiều việc nho nhỏ tuổi 20 hay 30 tôi có thể tự nhiên làm không một chút đắn đo thì giờ lại phải cân nhắc làm hay không làm, các vấn đề sức khoẻ đến dồn dập cái nọ nối tiếp cái kia...
Từ đó mà có một bài toán cần được giải, tổ chức cuộc sống của bản thân thế nào. Đây là gợi ý mà người lớn trong nhà, vài hảo bằng hữu đàn anh đàn chị đã gợi ý cho tôi ngay từ khi tôi rời trường đại học song phải gần ba mươi năm sau tôi mới thấy nó thực sự là một câu hỏi dành cho bản thân.
Ngày đầu năm mới 2022, TL và tôi qua thăm một bà cô bên nhà Nội mà trong quá khứ tôi vốn rất gần gũi nhưng vì sau nhiều lần nhìn thấy những việc bà cô này làm thì lại hoá thành giữ khoảng cách. Bà cô không dùng mấy từ "buông bỏ" hay "tối giản" nhưng đại ý lời. nói ra là giờ hạn chế tuốt tuột, từ các quan hệ xã hội đến các cảm xúc tiêu cực như nóng giận, cay nghiệt, nói và làm điều ác. Và trong buổi trò chuyện đó, bà cô không quên xỉa xóc mấy câu chống lại ông chú này bà cô khác trong nhà. Tôi không mấy quan tâm chuyện của bà cô mà quan tâm việc lấy đó là gương soi cho chính bản thân. Hàng ngày, chúng ta tự nghĩ ra hoặc, và chủ yếu là vậy, học được những lý luận hay ho về cuộc sống nhưng cứ sang hồi áp dụng trong thực tiễn mà xem, chuyện cứ gọi là hỏng bét, trong đa số trường hợp.
Nhìn lại năm 2021, ngay cả khi mọi sự thật khó kể tên ra rõ ràng thì tôi vẫn có cơ sở để hoan hỉ. Tôi đã làm một số chuyện mà trong quá khứ tôi nghĩ là bất khả. Và sau một chút lo lắng, sợ hãi được mất thì hoá ra cảm giác còn lại chỉ có duy nhất là được-giải-phóng. Có thể điều bà cô nhà Nội nói ra và điều tôi nghĩ không liên quan gì đến nhau xét về bản chất. Nhưng ít nhất, từ phương diện vỏ từ ngữ thì đúng là cứ hạn chế đi, cứ tiết giảm đi, cứ buông bỏ đi... cuộc sống của chúng ta về căn bản cũng chỉ là vài ba cái gạch đầu dòng. Và khi chúng ta trở nên già-đi, nặng nề mang vác một tấm thân bệnh tật thì chẳng có cớ gì mà chúng ta làm mình khổ sở với đủ loại hoạt động hay suy nghĩ thừa thãi nữa.
Trong năm 2021 này, tôi đã hiểu ra một điều, sẽ không bao giờ có câu trả lời dứt khoát cho vấn đề đâu là ý nghĩa của cuộc sống này [của tôi]. Nhưng phàm tôi đã có mặt ở đây thì tôi cứ sống sao cho tốt chút mỗi ngày. Việc gì sai quấy, việc gì dở hơi trót phạm phải rồi thì bữa sau ta tránh lặp lại. Chuyện vui trong tầm mắt thì ta nhẹ nhàng hoan hỉ thay vì khua chiêng gõ trống rùm beng. Bất tiện cùng đau đớn hình lý như là hệ quả tất yếu của quá trình già đi được coi là phần tất yếu thay vì là một đối tượng hay chủ đề của những than thân trách phận cũng như những nỗ lực vô vọng quay lại thời thanh xuân trẻ và khoẻ.
Làm sao cho ngày sống của mình nhẹ nhõm và an nhiên trong nhận thức, trong thái độ sống, ấy thế mới đáng gọi là sống. Đó hẳn là kết luận to nhất của tôi cho năm 2021 đầy biến cố vừa mới khép lại!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét