Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

có một hà nội khác

Ngày đầu tiên "rón rén" ra khỏi nhà thực sự, sau 4 đợt giãn cách, của tôi có điểm đến là Hà Nội bên kia sông. 

Nhà nhìn ra con sông nhỏ, phà đi lại tấp nập. Mép đê kè có ai đó tranh thủ trồng rau, thả gà. Ngoại trừ tiếng máy từ các con phà chạy ngang cùng thi thoảng là tiếng xe hai bánh của mấy tay giao hàng thì còn lại là các khoảng lớn yên tĩnh. 

Hà Nội của tôi khi bé thực đẹp và yên bình. Bất chấp cái sự ngày xưa ấy nghèo sao mà nghèo.

Còn giờ, bỏ qua đủ sắc màu phường nhuộm nào phát triển, nào hội nhập chi chi cùng những bóng lộn giả tạo và sặc màu trưởng giả rẻ tiền của các khu đô thị mới, Hà Nội xem ra chật, bẩn và căng thẳng thường trực.

Cái góc nhỏ này của thành phố bị đồn đại là rơi vào tầm ngắm của một gã đại gia tư bản "đỏ". Kịch bản là sẽ có một quy hoạch thu hồi vì lý do rất chi là "quốc gia lợi ích". Sau đó cái quy hoạch đó sẽ giống như không ít loại giấy tờ đồng dạng khác, chờ một vài năm thì sẽ được điều chỉnh. Và đất dân an cư sau một thời gian bị bỏ hoang sẽ thành một trung tâm đô thị mới phồn vinh sang trọng đẳng cấp quốc tế. 

Đồn cứ đồn, sống vẫn phải sống. Tôi cảm thấy thật thú vị khi khám phá một góc Hà Nội lạ lẫm này. Và hy vọng sẽ không có một "Thủ Thiêm" thứ hai.




ô saigon saigon

Ảnh Chị TM chụp khi đi ra ngoài.

Chị bảo, lưu lại hình ảnh khu phố nhà mình trước giờ G.

Giờ G đó là hạn "tháo dỡ" các "chướng ngại vật" nhằm ngày hôm nay, 30 tháng 9 năm 2021 Tây lịch.

Mấy hôm nay theo dõi "bản tin" của ông có râu, tôi hóng hớt được là tuỳ chỗ mà Sài Gòn "dỡ" nhiều, "dỡ" ít và thậm chí có chỗ gần như là chưa "dỡ" xíu nào. 

Ở Hà Nội bữa trước ra đường, chỉ riêng con đường vốn gốc gác là đê-thành bao quanh kinh đô xưa, tôi đã thấy không ít các rào dính bạt xanh chỉ khu an toàn dù không ngang tàng chắn lối thì vẫn chưa được thu đi. Và ở một hai nơi, vẫn là rào dính bạt đỏ cảnh báo với nhằng nhịt dây chăng.

Hình lý là vậy. Còn tâm trạng của hai thành phố? Tôi vụng trộm nghĩ, chắc còn kha khá những màn trướng đi!

Dù thế nào thì cũng là mừng, khi ở đây Hà Nội hay ở kia Sài Gòn, không còn cái màn "giãn cách" kéo dài ở trong nhà nữa a :-)




Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

chuyện nhà rừng tháng 9

nhà rừng tháng 9.2021
Tôi có chút "tị nạnh" với lão Tiên sinh!

Nhà rừng có cây táo đỏ mới trồng cho trái, lại có cây táo xanh do vị gia trưởng trồng cách đây rất nhiều năm xem chừng quả trĩu cành.

Nhà hàng xóm trồng nhờ 6 cây cần, giờ đã thu hoạch. Bạn đánh chén đoán già đoán non, chắc cả nhà đó đang phê trên đỉnh núi :-)

Bọn chim đã bắt đầu mùa di cư nên giờ không còn nhiều trong tầm mắt. Nhưng hươu, gà tây, sóc, và cả gấu thì chẳng bao giờ thiếu. Giờ có chuyện ngược đời là người sợ gấu, lão Tiên sinh muốn trèo lên đỉnh núi ngó nghiêng nhưng giữa đường thấy gấu con thì lo đụng gấu mẹ nên bỏ luôn ý định thám thính của mình. Ông kể, không ít lần đang chạy xe lên nhà rừng thì thấy gấu phụ huynh đang dẫn dắt một gấu con ngay bên mép đường. 

Năm nay ông chủ nhà triển khai việc sơn sửa và đánh bóng từ lan can hiên nhà qua bộ bàn ghế ngoài hiên xem ra sớm hơn nhiều so với năm trước. Lại thêm nữa là ông lão lọ mọ mua sơn để thay áo mới cho nhà kho nằm bên lề rừng. 

Tôi sơn sửa gì nhảy phắt ra hàng ngũ kim hỏi năm câu ba điều là gật gù bê hộp lớn hộp nhỏ về triển khai. Ông lão nhà mình thì hay nhá. Kế hoạch chọn màu của ông bắt đầu từ cuối mùa xuân, đến giờ sơn đã gần xong mà ông vẫn tui không hạnh phúc, tui không hài lòng. Tôi hỏi có chuyện chi thì hoá ra cái sắc sơn cuối cùng không đúng như ý của ông. Mà trêu ông, hay đi mua thêm phần sơn mới về quệt đè lên thì ông gạt vội vì cái máu hà-tiện trong người ông nó lên tiếng. 

cái cây cũ kỹ

đường lên nhà hàng xóm

vườn nhựt-bổn kiểu mỹ

nhà kho khoác áo mới hai màu: mặt tiền xanh lá
hai thân bên lấp lánh ánh ghi bạc

chậm rãi ngắm cây khoe sắc lá

bánh ngải hấp đùm đùm

giải phẫu một đùm bánh ngải hấp
(1)

Mớ ngải cứu già TL mua về không nấu ngay, ngày hôm sau tôi ngó thấy có chút phần uể oải. Rau già lại không nhiều, tính nhặt xong rồi nấu tô canh ngải cứu trứng gà thực chẳng bõ. 

Thế là có màn con giời ngồi chăm chỉ nhặt từng nhánh lá, bỏ đi kha khá cọng và cành cứng. Rau đã được rửa sạch và làm ráo thì cũng là lúc ý tưởng làm thử món bánh vị ngải cứu được chốt định.

Tôi quên tên gọi món bánh truyền thống của Hà Nội xưa. Gõ cửa nhà bác gúc-gù thì biết là ở trên mấy tỉnh miền núi phía Bắc có món bánh ngải cứu. Nhưng bánh sau thực khác bánh trước, ít nhất là căn theo đường mô tả.

Còn sang món bánh tôi định làm, cái sự khác lại còn nhiều hơn nữa. Bánh đặc sản địa phương đa phần nhân ngọt, và gần như thuần từ [gạo] nếp. Bánh tôi làm nghịch chơi chơi có nhân mặn và bột ngoài nếp còn có náo nhiệt tham gia của từ tinh bột bắp qua bột tẻ đến bột năng.

(2)

- Lá ngải cứu cho vô cối và bổ túc chút nước rồi xay - bữa nay tôi dùng máy xay tay Braun, chắt lấy phần nước có màu lục để sang bên
- Bột tính theo đơn vị 1 là tổng hợp của: 3 nếp + 1 tẻ + 1 tinh bột bắp + 1 năng
- Trộn bột với xíu muối hầm và xíu đường rồi cho nước lá ngải vào nhào trộn tiếp. Bột được nhào qua một lượt thì rưới xíu dầu ăn để cho khỏi dính tay, rồi vun vén lại gọn gàng trong đáy thố. Dùng màng nylon che thố bột nhào và để bột nghỉ ngơi chừng một giờ. 
- Nhân bánh mặn có chút thịt bằm đã ướp đậm tôi xin ké từ TL - thịt này lọc từ dẻ sườn dày dặn, có cả nạc lẫn dắt xíu diềm mỡ vốn là để làm món mặn cho bữa tối, rồi bổ túc thêm mấy vụn tóp mỡ - là tóp tươi TL đang rán từ thịt ba rọi, và kha khá hành hoa cùng tiêu xay
- Dùng chút dầu ăn để thoa tay nặn bánh, vo sẵn các viên bột vừa cữ, rồi nhồi và viên từng chiếc bánh một
- Bánh hấp vỉ trong chừng 15-20 phút, sau khi nước trong chảo đỡ vỉ sôi lớn thì nhiệt bếp được hạ về mức nhỏ nhất, đại khái là liu ra liu riu. Cái nắp đậy chảo hấp được bọc qua một lớp khăn làm bếp, đảm bảo nước bốc hơi không tụ lại thành đống rồi rơi tõm xuống các bạn bánh.

(3)

Tôi không giỏi mấy đường nhào nặn vân viên bánh trái thế này, kết quả là bánh nó tròn không tròn, dẹt không dẹt, đều đương nhiên lại càng không. Chính xác một từ để mô tả các phần bánh, từ sống qua chín, là đùm đùm.

Nhưng hay nhá, bánh coi xấu cái bộ dạng nhưng ăn thì rất được.

Vị ngải đậm đà - ai không thích hay không quen hẳn sẽ nhăn cái mặt kêu đắng -, bột bánh đảm bảo dẻo mềm của nếp mà lại có chút phần chắc nhờ tẻ cùng bắp, còn riêng bột năng thì tôi nghĩ vai trò ở đây là đảm bảo độ kết dính lẫn tính đàn hồi. Chứ nếu thuần bột nếp thì nguy cơ bánh nhão nát toét qua tay tôi hẳn là cực kỳ cao đi :-)

Nhân bánh có tóp mỡ đảm bảo mềm mềm ngậy ngậy, lại thơm tiêu cùng hành, ăn thực là ngon.

(4)

Tôi sẽ tiếp tục gõ gõ cái đầu để nhớ ra cho được tên món bánh truyền thống của người Hà Nội xưa với sắc lục đậm và vị rau ngải cứu thơm nhẹ nơi đầu lưỡi!

(5) 

Trong lúc đợi nghĩ ra được cái tên bánh cổ truyền, con gái đã kịp khoe bà cụ già ở Bắc Ninh về món bánh có một không hai này của mình.

Con ngồi rung đùi nhà Hà Nội ăn bánh tay lem tem dính dầu mỡ. Mẹ nghe con kể chuyện thì cười ngất. 

Xong rồi Mẹ bảo, giá mà có lá chuối tươi lót xửng hấp thì tốt. Con gái tức thì, không sao không sao, ở đây bọn con có món giấy nến siêu lợi hai a :-)))

ngải cứu già nhặt lấy phần lá và ngọn non

a-lô-xô trộn mấy loại bột

cho bột nghỉ ngơi

bánh người ta làm xinh trai, đẹp gái
bánh mình vân vê hoá đùm-đùm

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

nhật ký covid: thời tiết, thể trạng, tâm trạng, chuyện nâng cao nhân khí và thực hành nếp sống mới

(1)

Mùa mưa bão năm nay giống như hoàn cảnh của chính năm nay, thực không dễ chịu chút nào.

Hoàn cảnh covid cho chúng ta mỗi ngày thêm trải nghiệm về mất mát, đó là chuyện của năm. Còn chuyện của mùa, bão lũ năm nay thiệt hại nhiều nhưng chẳng thấy đâu trống chiêng làm màu của nào tiên-lũ nào lũ-hậu. Ông lão chăn bò năm xưa giờ chẳng may có làm ăn thất bát thì cũng chỉ có thể mơ màng hồi cố cái giây phút "ân sủng" trong mùa lũ năm trước mà thôi.

Mà với thời tiết thế này thì trừ đám người trẻ và vài người đặc biệt mình đồng da sắt, còn lại tôi vụng trộm nghĩ chắc là đều ốm và/hay tâm trạng kém hết lượt đâu!

(2)

Bữa trước tôi ốm.

Hoảng hốt nghĩ, hay mình dính chưởng [covid].

Rồi lại ngẫm nghĩ kiểm điểm bản thân, có đi ra ngoài động chạm ai đâu mà cô mới chả vít.

Sau rồi thì tôi mới nghe ra là có rất nhiều người đều ở trong tình trạng uể oải, lờ đờ, đau nhức, người "ươn" như tôi đây.

Chốt chét với cái bản mặt nhăn nhúm bất đắc chí, tất cả là do/tại thời tiết!

Mà mở ngoặc là Hà Nội không phải đến mức rừng thiêng nước độc nhưng xét về mặt khí hậu theo tiết theo mùa, thực không có nhiều ngày dễ chịu trong vòng quay thời gian của một năm đâu. Bỏ qua hết các yếu tố ô nhiễm do con người gây nên hay cả câu chuyện trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu chi chi, thì ở cái địa phương này, những định dạng thời tiết từ bao lâu nay đâu có ưu ái chi cho cơ thể của con người cơ chứ!

Giờ người tôi vẫn cứ gọi là "la đà". Các cơn đau nhức ở hai phần cẳng tay cẳng chân là một chuyện. Thi thoảng có mũi khoan xoáy sâu gây choáng váng xây xẩm mặt mày là một chuyện. Nhưng có một chuyện hay làm tôi hài lòng, làm tôi cảm thấy mình được an ủi, đó là trừ một lần phản ứng gay gắt duy nhất thì trong hơn tháng qua, cái túi mật nó để tôi yên. Tôi nghĩ, hẳn đây là do chính tôi cũng vô thức hay ý thức mà đã cẩn trọng hơn trong đường ăn uống!

(3)

Thể trạng là thế. Còn tâm trạng thì không ít lần chuệch choạc chực theo ngã rẽ tồi tệ hơn nữa!

Tôi cố gắng đứng ngoài, cười hì hì quan sát nghe ngóng các phản ứng của cái món não trạng xã hội. Nhưng tính toán là vậy chứ được hồi con giời lại "xoắn quẩy", cũng đung đưa theo các nhịp cáu kỉnh, phẫn nộ và bài xích, đả phá của dân gian.

Mỗi ngày trôi qua, tôi thấy mình cứ loay hoay thò chân vào rồi rút chân ra. 

Sau rồi, tôi cố gắng điều tiết dòng chảy tâm trạng của mình. Vào đúng những chuyện cụ thể của chính bản thân, trực tiếp liên quan đến bản thân.

Lúc đầu, cảm giác là vô cùng bức bối, khó chịu và cả bất lực nữa. Nhưng nghĩ, nghĩ tiếp, nghĩ cẩn thận thì hoá ra chuyện thường là đơn giản. Con người loanh quanh một hồi vẫn cứ là vận hành đời sống của mình xung quanh mấy trục là tham lam chiếm hữu, hống hách làm con đầu đàn bắt nạt kẻ yếu thế, tranh thủ mọi cơ hội phát huy cái "trí tuệ" méo mó và ngắn cụt lủn của bản thân để mà cướp hết phần khôn của thiên hạ rồi thu thu vén vén bên trọn mối lợi về cho mình, cho gia đình, dòng họ cùng bằng hữu cánh hẩu của mình. Nghĩ ra được thế rồi thì khi gặp một chuyện dở hơi chẳng may rơi trúng đầu mình, tôi dám chắc là người trong cuộc sẽ có cơ may to đùng là không còn bị trói buộc, vướng bận vào/bởi nữa. 

Anh chàng KT thực có lý khi nói chuyện không liên quan đến mình thì dứt khoát không chúi mũi vào. Phần lớn chuyện xảy ra trong ngày, chúng ta cứ tưởng như núi lở sông lũ dâng trào gây nạn cho mình đây đến nơi rồi. Nhưng cuối ngày hoá ra lại là núi lở ở triền bên kia, sông nước dâng là ở cái nhánh nọ, còn chúng mình đây vẫn cứ là thong thả sống ngày sống của chúng mình, nếu muốn!

(4)

Có một phần nhỏ trong tôi, tôi biết, ít nhiều kiêu ngạo và hống hách kiểu "ếch ngồi đáy giếng". Cho dù đã va vấp không ít lần, mỗi lần vậy thường là co rút lại bản thân thêm chút nữa, thì ở đâu đó tôi vẫn chưa triệt tiêu hoàn toàn cái mầm thái độ ngang ngược, nghĩ mình là duy nhất đúng.

Cho đến khi, do hoàn cảnh rất vô tình, tôi thấy mình được nâng cao "nhân khí", được gia cố cái phần sinh lực, đà sống từ một đám bạn trẻ. 

Tuần trước, tôi còn âm thầm cười nhạo, mấy đứa ranh tinh vi tinh tướng vớ vẩn. Tuần này vẫn là tôi và vẫn là bọn nhóc đó, tôi thấy mình tự động trở nên khiêm tốn và hoà ái, và quan trọng nhất là bọn trẻ con dạy cho tôi nhiều bài học về sống và làm người.

Tôi nghĩ, kể về những gì đáng quý từ những tiếp xúc, tương tác này thì hẳn sẽ chẳng có hồi kết thúc. Nhưng nếu tóm lại trong một câu, tôi chẳng ngần ngại gì mà cám ơn các bạn nhỏ này, về chuyện chúng đã cho tôi một thái độ lạc quan và đúng mực hơn trong hành động sống của mình!

(5)

Tôi không thích từ nếp sống mới này cho lắm.

Nghe to tát, có chút màu của tuyên giáo ngày xưa. Nhưng vì chưa tìm ra công thức khác thích hợp hơn thì tôi cứ gọi là vậy cái đã.

Thời gian này tôi rất khoái chí với cái dự án buying nothing của một đám ông bà xứ cờ-hoa. Đúng là không thể máy móc nhòm một cái rồi thấy người thiên hạ làm gì thì mình đây giống con khỉ lặp lại y chang. Nhưng cái món này quả thực là hay. Nó như một sự nâng trình sau nào là decluttering nào là minismalism vân vân chi chi.

Tôi dọn đồ vải, quần áo đủ mặc cho tới khi xuống mồ. Giày dép chẳng cần sắm thêm chi. Phụ kiện túi mũ trước nay có coi như đủ. Đồ dùng sinh hoạt trong nhà cần gì về cơ bản là có nấy.

Chỉ có những thứ "lặt vặt" song lại kha khá tốn tiền thì lại là một mối nguy to ở dạng tiềm năng. Chúng vuốt ve kích động cái phần tâm trí của tôi, khiến tôi thấy mình trở nên khát cầu, loay hoay tính tính toán toán mua này sắm nọ.

May là cuối cùng thì tôi vẫn chưa mua món gì quá đáng cả. Một ví dụ hay ho cho cái màn thực hành tự-kỷ-luật này của tôi là mới đây hơn cả, tôi đã làm hai cái giàn nhỏ cho cây đậu đỗ và mướp đắng. Từ những nguyên liệu có sẵn trong nhà căn hộ. Và đương nhiên là không tốn đến nửa cắc đâu :-)))

nhật ký covid: dịp tội

Tôi mới học được từ này: dịp tội!

Thời gian tin Miền Nam và cả Hà Nội cứ đen sì sì, tối om om, tôi đã nghe nhiều từ than phiền đến rủa xả về những diễn biến của ngày. Lúc đó, dù đã mất đi kha khá phần lạc quan, bình tĩnh thì tôi vẫn tự nhủ, hoàn cảnh khó vậy cần cho các quan phụ mẫu hiện đại chút thời gian để thể hiện trí tuệ và bản lĩnh.

Giờ, Hà Nội chẳng phải "bung" hay "toang" theo nghĩa đe doạ trong lời của ông đô trưởng ngày nào mà là duyên dáng mở theo một nhịp được gọi tên bình thường mới. Và trong cái bầu không khí hoan hỉ xã hội đó, lẫn giữa những tiếng thở phào nhẹ nhõm của không ít người có thể quay lại công cuộc mưu sinh ngày nối ngày của mình, lại thêm một màn oanh liệt những than phiền và rủa xả. 

Điểm khác biệt to đùng giữa trước [vài tuần] và nay là giờ thông tin được nhân dân anh hùng tóm bắt nhiều và cụ thể hơn. Rồi lại thêm khoảng cách thời gian đủ để cho các mảnh ghép được kết nối chặt chẽ hơn, tạo nên các mạch tự sự bất luận chúng là đúng hay sai.

Tôi tự nhìn ngắm cái psy của mình, tự kiểm điểm lại những tuần sống vừa qua của bản thân, rồi lại vụng trộm ngó nghiêng nghe ngóng lời của người thiên hạ thì sau đủ lên lên xuống xuống của cả bi lẫn hài cùng phẫn nộ và/hay bối rối, tôi có một kết luận to đùng. Đây chính là lúc tính ác được khởi theo một nhịp điên cuồng hơn bao giờ hết. 

Và điều đáng tiếc mà cũng nực cười là nếu không khéo, nhân dân anh hùng ngoài kia sẽ chẳng khác chi mấy ông bà xứ Phi Châu trong mô tả của Balandier về nghi lễ cho tay nô lệ làm vua một ngày. Cứ rủa xả đi, cứ calling out đi. 

Rồi sau đó?

Ở điểm này, tôi thậm chí chẳng buồn tự hỏi mình có phải đã chạm ngưỡng cực hạn của món bi quan hay không. Đơn giản là tôi chẳng quan tâm. 

Tất cả những gì quan trọng với tôi lúc này là một sự co rút, ngẫm nghĩ về những gì đang xảy ra. Và hành sự theo cách đơn giản nhất có thể. Trong khi vẫn rất ý thức rằng nhiều năm qua, tôi đã tự tích cóp kha khá cái gia tài đồ vật vô giá trị cùng những tâm tưởng lộn xộn hắc ám và giờ, theo một cách nào đó, tôi đích thực đang chết ngập trong chúng, bởi chúng.

nạc vai rim phủ thịt quả trám đen ỏm

nạc vai bằm rim trộn với thịt quả trám đen ỏm
Bình thường, trám đen được ỏm làm thành phần chính trong đĩa/bát thức ăn mặn của nhà. Nói trám là chính thì đương nhiên phải có phụ - thành phần phụ là thịt heo, thường là nạc vai đảm bảo có nạc nhiều nhưng cũng dính chấp chút beo béo mỡ, rất dễ ăn với nhiều kiểu mồm miệng. Thịt nạc vai có thể được thái miếng mỏng hay bằm vụn rồi rim ươn ướt, đậm vị muối mắm chút, sau đó trộn cùng trám đen ỏm. Nước thịt rim ôm ấp thịt quả trám béo bùi có mềm mà cũng có đanh, thích lắm! Nhà nghèo làm món trám đen ỏm thường là "cưỡi tên lửa chạy qua hàng thịt", nếu ai hỏi tôi sẽ thực thà thịt không quan trọng, mà quan trọng là nước thịt rim ngấm sang thịt quả trám. 

Giờ sang hoàn cảnh covid thì chuyện lại thành đảo chiều. Trám quý hơn thịt. Trám khó kiếm hơn thịt. Thịt nhớ thì nhớ đấy nhưng không đến mức thèm thuồng mà ngây cái miệng. Còn trám, đen sang xanh/trắng, cứ nghĩ là thèm thuồng và dạt dào nước miếng rồi :-)

TL bữa trước mua được mớ trám đen, làm theo kinh nghiệm của Mẹ ở bếp nhà Bắc Ninh, chế sơ rồi giấu diếm đi một hai túi quả nhỏ trong ngăn tủ đá, để lúc nào ăn thì mang ra rã đông. Trám ỏm quý giá đó được ăn kiểu ăn dè, ăn hà tiện. 

Thế là có chuyện phần thức ăn mặn trong bữa cơm tối hôm trước, có trám có thịt đấy nhưng không phải trám đen ỏm với thịt mà là thịt nạc vai bằm trộn với thịt trám đen. Thịt quả trám giờ giống như một thức gia vị chứ không phải là thành phần nguyên liệu rau củ quả thông thường nữa.

Bất luận thế nào, món vẫn cứ là ngon! Cơm gạo trắng ăn với món mặn này, cứ gọi là bay vèo vèo. Hay như mọi người vẫn nói, rất chi là đưa cơm!

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

bánh mỳ đá và hứa hẹn nướng bánh tử tế

Thói ẩu tả của tôi dù có trăm vạn lần được "ý thức" và tính đường sửa chữa thì về căn bản là đến cuối ngày, đâu vẫn cứ là đó. Tôi thậm chí còn tự nhủ, có khoái cảm lần khân, có khoái cảm tích đồ, có khoái cảm ở dzơ, thì thêm khoái cảm làm ẩu cũng đâu có tệ a :-)))

Hai gói men làm bánh mua vội ở tiệm nhỏ vài tuần trước khi Hà Nội bước vào chuỗi giãn cách, một gói dùng hết từ lâu, còn một gói hôm kia tôi mới lọ mọ mang ra ngắm nghía. Chữ tiếng Đức tôi dứt khoát không hiểu, có thể nhờ bác gúc-gù nhưng tôi lười, thôi thì mặc kệ, cứ làm theo trái tim mách bảo.

Bột mỳ hoa lan Việt Nam ta yêu nước được bổ túc xíu đường nâu và muối hầm, xíu men kia pha nước ấm thấy sủi bọt cứ như nước giải khát có ga, tôi chẳng buồn bận tâm suy nghĩ nhiều, tự động các thao tác trộn bột, giặt khăn phủ rồi bỏ đó.

Hôm sau thố bột được lấy ra khỏi tủ mát rồi được vần vò mấy lượt. Khum khum ẩu tả thành mấy phần cho vô lò nướng. Tổng thời gian hai ba lần vặn nút chắc cũng phải hai phần ba giờ đồng hồ, nhiệt độ chạy tứ tung từ 150 lên 200 [độ C], hương bánh nướng thơm lừng nhưng nhìn qua lớp cửa kính thì chẳng có chi bắt mắt.

Cô khách qua nhà ngó một cái và nhận xét, bánh này chắc bị chai rồi.

Kết quả đúng là chai thật. Có một phần ruột bánh tôi phải bỏ đi.

Nhưng lạ nhá, bánh mỳ cứng như đá này ăn vô cùng đậm đà và thơm. Tôi cứ băn khoăn mãi, nhờ muối hầm, nhờ đường nâu hay là nhờ cái men tự xưng dang qua nhãn in chữ Việt, ta đây organic nè :-)))

Thôi, bữa nay nhí nhố vậy. Bữa sau, với chỗ men bạn mới gửi về cho, tôi dứt khoát sẽ nghiêm túc làm theo đúng hướng dẫn để cho ra mẻ bánh mỳ đúng tên gọi bánh mỳ a :-)))

bánh mỳ đá: xấu, cứng, ấy thế mà đậm đà ngon
mở ngoặc: cần bộ nhai thực chắc nhá :-)))

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

tầng gió hú (1) - chuông báo động

(1)

Bản tin tối trên nhà đài trung ương đã qua lâu. Không khí như mọi khi là im ắng khắp các chiều hành lang của tầng lầu. Nhà căn hộ cửa sắt được mở he hé để gió lưu chuyển từ cửa hiên qua cửa hướng hành lang. Tôi nói chuyện điện thoại với lão Tiên sinh. Đang dở câu chuyện thì còi báo động vang lên đinh tai nhức óc.

Tôi và TL chạy ra chỗ cửa sắt ngó nghiêng, thấy mấy nhà xung quanh cửa bắt đầu he hé và thò ra những cái đầu, cũng là ngó nghiêng. Rồi có một thằng cu ở góc cầu thang phía bên kia lanh lẹn chui tọt vào thang máy.

Giải thích cho bạn đời chuyện mình thấy, tôi được giục, xuống đi, nhớ đi cầu thang bộ, nhớ mang theo điện thoại để có gì còn liên lạc. TL hỏi tôi có xuống không. Tôi hỏi TL có xuống không.

Rồi lần này không phải là ngó qua cửa sắt nữa mà là tôi mở cửa đàng hoàng, nhô cả thân người ra thăm dò thái độ của các nhà hàng xóm với ý, nếu họ xuống thì mình cũng xuống. 

Trong khi đó TL đã kịp kiếm đâu cái túi xốp khoác vai đứng ngay chỗ cửa, sẵn sàng cho một cuộc thoát tẩu. Tôi nhìn cái túi phì cười. Tức thì được giải thích, thì phải mang theo giấy tờ quan trọng chứ.

(2)

Còi báo động vẫn rú inh ỏi, chừng sang đến phút thứ năm thứ bảy rồi. Mà "máu lạnh" của cư dân tầng lầu này xem ra cũng thật là đáng nể phục. 

Không tính một hộ người đến người đi lúc nào cũng đầy vẻ bí ẩn xem ra bữa nay không có ở đây nên chẳng có động tĩnh chi, thì còn lại nhà nào cũng có một hai đại diện thò cái mặt, cái thân ra ngoài hành lang để xem xét tình hình. 

Nhà kia có thằng bé con phi xuống ngay từ khi chuông bắt đầu réo, ông bố muộn hơn một hai phút lại chạy thang bộ hướng lên tầng trên rồi sau đôi ba phút thì phì phò chạy xuống thông báo, trên đó không có dấu hiệu của khói hay mùi điện cháy chi chi.

Tôi và TL vẫn đang ngập ngừng nơi bậu cửa, xuống hay không xuống. 

Nhà có hai đứa trẻ thiếu sót đường ăn nói lúc đầu thấy cô giúp việc có khuôn mặt quý bà thò mặt ra ngó một cái. Tiếp đó đến con bé cháu đang tuổi thiếu nữ mơ mộng hót-gơn lúc nào cũng thuỷ chung bộ đồ ngủ lụa là kín kín hở hở thò mặt ra ngó một cái. Nữ chủ nhà người gầy đét như cá mắm và không có chút xíu sức sống luôn mang đầy đồ hiệu và cử chỉ thì dư kiêu ngạo mà chẳng dính chút kiêu sa cứ mở miệng là lộ cái giọng còn quá nửa chất quê hương vùng châu thổ cùng hai thằng cu con tuyệt đối không thấy xuất hiện. Muộn hơn đôi ba phút, gia trưởng của nhà đó, tức chồng của nữ phụ quý bà thiếu khí chất và cũng là cha của hai thằng nhóc một không nói và một nói không ra câu ra cú kia chạy ầm ầm từ trên tầng lầu xuống, người đánh nhõn một cái quần cộc và khoả thân phía trên khoe đủ đường hình xăm từ rồng qua chữ vuông [Tàu]. Ông bố trẻ béo núc ních này cười hềnh hệch nói với nhà hàng xóm bác sĩ, chẳng thấy gì. 

Một ông khoả thân thân trên nữa không thể không điểm mặt, đó là lão "dê già" theo cách gọi của TL và tôi. Bà vợ ông này có tóc búi kiểu phu nhân ngài cố vấn [Ông Nhu] hơn nửa thế kỷ trước, mặt thớ thịt chảy xệ nặng nề giống các bác gái và các bà đã từng vang bóng một thời sân khấu cải lương để sau rồi chỉ còn thời oanh liệt thấp thoáng đáy lưng trong khi hiện thực là những biến dạng mặt mày do phẫu thuật thẩm mỹ thì đứng một khối thân người sừng sững chỗ cửa nhà không nói năng chi. Trong khi đó, ông "già dê" vẫn thuỷ chung phong cách lăng xăng, chạy tới lui khắp ba hướng hành lang tầng lầu, chửi rủa ầm ĩ ban quản lý toà nhà, tay rờ nút bấm thang máy. Ông này chưa kịp bấm nút thì bị ông Tây ở đâu xuất hiện ra dấu gạt đi trước khi chỉ sang cầu thang bộ. 

Ông Tây này hẳn là nhân vật thú vị nhất của toàn bộ sân khấu tầng lầu. Đúng phong cách của một ông lãnh đạo phòng khám quốc tế, ông đi đi lại lại, ngó nghiêng các góc hành lang, mặt mày phi thường nghiêm túc. Nhân dân tầng lầu xem ra quen thuộc sự hiện diện của ông, chẳng có phản ứng gì. 

Nhà có cô bác sĩ thì không thấy bà cụ lẫn cô con gái mà là cô giúp việc trung tuổi. Cô này đứng cạnh bà chủ nhà hàng xóm kế bên tuổi nhỉnh hơn chút, nhìn một lượt tôi dứt khoát đoán không ra ai là chủ ai là "tớ'. Hai nữ phụ này rất thú vị, hóng hớt chút vụ cái chuông báo ầm ĩ thì ít mà tranh thủ ngó vào nhà căn hộ của TL và tôi thì nhiều, rồi một cô mạnh dạn hỏi thăm tình hình "cái ông chủ nhà hồi trước hay thấy mà giờ không thấy". Tôi cười toe toét, "bác ý bị tắc đường, chưa sang được ạ". 

Tôi trả lời xong thì tiếng chung cũng đúng lúc dừng. Trong khi tôi còn tính toán làm thế nào để không có một cuộc tám chuyện dông dài với hai bà thím này thì lại xuất hiện ở đâu ra một ông hàng xóm khác, lần này là chui ra từ thang máy, hẳn là đi từ tầng dưới lên đi. Ông này thông báo, tầng 13 báo chuông, giờ không sao rồi.

(3)

Trong một tích tắc, toàn bộ tầng lầu yên tĩnh lạ. 

Tất cả các thân ảnh vừa mới nửa giây trước còn nhốn nháo thì giờ đều biến mất tăm sau các cánh cửa nhà!

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

ghém hồng - dưa góp giá đỗ, cà rốt và hành tây

ghém hồng - dưa góp "5 phút"
với giá đỗ, cà rốt và hành tây
Già-đi bên cạnh cả tấn những điều khó chịu và dở hơi thì cũng cho tôi kha khá trải nghiệm thú vị. Tỷ như, trong bếp tôi bỗng thấy mình bớt đi không ít cảnh vẻ rườm rà, mỗi ngày lại gật gù thêm chút, à thì ra vậy, ờ chuyện hoá ra thực đơn giản a :-)))

Bữa trước chúng tôi có mâm cơm trưa làm mau, món nấu đúng tinh thần leftovers cộng với tranh thủ trong bếp có gì mình dùng nấy.

Hôm đó, tôi làm mau món dưa góp - gọi là "ghém hồng" với ba nguyên liệu giá đỗ, cà rốt và hành tây. Không quên nhắc tên tỏi, dấm và đường nữa. Và không có xíu chất mặn nào nhá :-) 

Món làm mau, thao tác chuẩn bị trong chừng 5 phút. Sau đó thì để dưa góp - ghém hồng đó tự chơi một mình, hay còn gọi là cho thấm, cho ngấu. Đại loại là làm xong món trộn này, đợi dăm mười phút thì có thể ăn liền. Còn nếu để lâu hơn thì khi làm món, chú ý hạ bớt lượng dấm trộn. Đơn giản vậy thôi.

- giá đỗ hai nắm tay nhặt rửa sạch, để ráo
- cà rốt một củ nhỏ thái sợi, liễu yếu đào tơ mảnh mai tốt mà chân phương sợi dày mình cũng tốt, miễn là sợi nào sợi đó đều nhau chứ đừng để lẫn lộn kiểu người mẫu Victoria Secret với hoa hậu "béo" hoàn vũ
- hành tây một góc sáu hay góc tám - tuỳ củ hành đó to hay nhỏ - được thái lát mỏng
- hai tép tỏi ta đã lột bỏ lớp áo
- dấm gạo (lần này tôi dùng dấm táo tự xưng danh nhà em đây gốc Hàn)
- đường

Nguyên liệu là vậy. Vật dụng làm món cần thêm một cái tô trộn inox, cái dập tỏi và bao tay làm món.

- Hành tây đã thái lát rồi thì cho vô thố và xóc một lượt với dấm táo
- Cà rốt thái sợi xong rồi thì cho tiếp vô thố, trước đó nhớ gạt hành tây sang bên nhường góc nhỏ cho cà rốt, rắc xíu đường lên cà rốt rồi khe khẽ trộn cho cà rốt ngấm được bao ngọt tốt bấy nhiêu
- Cho tỏi vô cái dập tỏi, ấn một nhát, khều chỗ thịt tỏi vụn cho vô thố
- Dùng bao tay và trộn nhẹ tay một lượt các món có trong thố, sau đó cho tiếp giá đỗ vào và trộn tiếp, nhớ là nhẹ tay vì giá đỗ dễ bị gẫy nát
- Để món trộn hoàn chỉnh đó nghỉ ngơi, và sau đó đương nhiên là đánh chén rồi :-)))

Ghém hồng này giòn, đanh, thanh, the, mát. Nếu theo thói mồm miệng ngày thường của tôi thì món bị coi là nhạt [nhẽo] cả đường vị lẫn đường hình. Nào là thiếu chút đậm muối, vắng chút cay ớt. Rồi lại không có sắc xanh của mấy bạn rau gia vị tươi như mùi tàu hay kinh giới chi chi. 

Nhưng mà hay nhá. Dưa góp kiểu này lại làm nổi bật vị tươi mát của rau củ quả tươi. 

Tôi còn tính, lúc nào đó thử bỏ luôn cả tỏi, đường và dấm dùng chỉ qua loa gọi là cưỡi tên lửa xem hoa. Như thế hẳn sẽ còn thanh thanh nhã nhã hơn nhiều a :-)))

Đấy, già-đi trong bếp có lợi vậy đó. Cuộc đời bỗng trở nên thật nhẹ nhõm và đơn giản. Phải không nào!

nhật ký covid: calling out, calling in

(1)

Năm 2006, trong kỳ học thu ở States, tôi thi thoảng được bà con cho ra ngoài ngó nghiêng khám phá xứ sở. Một trong những vui thú lớn lúc đó là đi thăm các bảo tàng nhỏ, ghé qua những hiệu sách tư nhân - phân biệt với các siêu thị sách khổng lồ -, và những cuộc trò chuyện bên bàn cafe sau đó.

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy một lượng khổng lồ ấn phẩm của Thầy Thích Nhật Hạnh, dĩ nhiên là bằng tiếng Anh. Mà không chỉ có thể, họ hàng với sách được bày trên các kệ hàng còn có lịch, cards, và rất nhiều món trang trí xinh xinh cho bàn làm việc/góc học tập với các trích dẫn lời của Ngài.

Nhiều năm sau, tôi kể chuyện này cho D. và partner. Hai ông anh giải thích về một nhu cầu được chữa lành của không chỉ người Mỹ mà cả hàng xóm của họ sau sự kiện 11/9 như là lý do việc đọc và nghe Thầy Thích Nhất Hạnh trở nên quen thuộc ở Bắc Mỹ. Tôi nghe biết vậy song cũng không để ý nhiều hơn nữa.

(2)

Đầu năm 2021, vẫn là ở States, tôi nghe một cuộc phỏng vấn dài Loretta Ross trên radio về chủ đề calling in.

Tiếng Anh của tôi kém nên nghe bập bẹ. May mắn là dù chủ động hay không thì thời gian nhiều tháng qua tôi đã tiếp nhận kha khá tin tức thời sự để có một cơ sở thuận lợi nghe và hiểu ít nhiều cuộc trao đổi trên sóng radio.

Lúc đó, không hiểu sao tôi nghĩ ngay tới Thầy Thích Nhất Hạnh. 

Còn bên cạnh, bạn đồng hành cười khoái chí, đúng tầm và cơ của trường Smith, nữ quyền thế này mới gọi là thuyết phục. Tôi biết là ông ám chỉ các quý đồng nghiệp nếu không phải là mơ mơ màng màng với các đại-diễn ngôn, đại-tự sự thì là nhảy choi choi mấy công thức rỗng tuếch hợp mốt politically correct. Mấy vị thầy bà này, năm 2006 tôi đã từng ngồi xem mấy cuộc họp và sinh hoạt học thuật của họ, rất hung hăng, có mùi của đấu tố chữ to thời cách mạng văn hoá ở nhà Bác Mao.

Trở về nhà sau chuyến đi nghe radio đó, tôi định thong thả thì đọc kỹ hơn về chủ đề này. Nhưng rồi loanh quanh mải lải nhải phàn nàn số phận và ôm ấp các cơn đau thường trực, tôi bỏ lỡ dự định này.

(3)

Mấy tháng Hà Nội giãn cách vì covid này, tôi dư thời gian để nghĩ linh ta linh tinh, trong đó có cả phần nghĩ về cặp đôi calling out / calling in này.

Có những call-outs hiệu quả. Nhưng lâu bền có lẽ là cần nhiều đến call-ins hơn. Từ bàn luận kiểu học thuật dấn thân như Loretta Ross đến thông điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha, trực tiếp hay gián tiếp, cuối cùng thì hình như luôn có một nhấn mạnh đến cái ngả truy vấn nội tâm, suy niệm và hành động hướng tới sự chữa lành, sự phục dựng, sự hồi sinh...

Nhưng rồi tôi lại nghĩ tiếp, mỗi ngày trôi qua, nhìn và nghe các tin thời sự xứ sở mình đang sống đây, ghìm cái tâm tính đang trong thế chực nổ tung để mà thực hành calling in xem ra thực là một sự xa xỉ vào một thời điểm đặc biệt như thế này! 

Có quá nhiều chuyện vốn lúc đầu có thể thông cảm, bao dung nhưng khi chúng lặp đi lặp lại, mỗi lúc lại biểu lộ với mức độ gia tăng một thứ thái độ bất chấp đầy phi lý và thiếu trí sáng, thì từ rì rầm đến dậy sóng calling out, cái lý xem ra không phải là không có đâu!

Nhảm và cà ràm vậy, tôi tự kết luận cho bản thân, thôi ngoài kia thế nào thì đó là chuyện người đời. Tôi đây, ở trong nhà, ở trong bếp, tự nhắc bản thân chớ có nhảy chồm chồm hướng ngoại mà bất mãn phán xét này chi chi nọ. Nhà cháu chưa đến trình trí huệ và vị tha để calling in, nhưng tự vấn bản thân chút chút, chú tâm tự nhắc nhở bản thân chút chút, cố gắng làm tốt công việc của mình, cái này thì chắc là được a :-)))

tôm sông phơi khô nấu canh mướp đắng

tôm sông phơi khô nhà làm
Mướp đắng nhồi thịt nấu canh là món quen thuộc. Nấu canh mướp đắng với tôm nõn khô, nếu tôi nhớ đúng thì đâu như trong bếp nhà tôi đã từng nấu một hai lần, mà chính xác là có nền tảng nước ninh xương, sau đó đá thêm vài con tôm nõn khô lấy vị đậm đà.

Thời gian này, chúng tôi có món canh mới liên quan mướp đắng: nấu với tôm sông phơi khô!

Bà cụ già ở Bắc Ninh là người làm luôn tay, "lọ mọ" đủ đường chế biến và trữ thực phẩm cho các con ở Hà Nội. Trong tủ lạnh của chúng tôi không thiếu quà "nhà quê", từ hũ bột nghệ qua túi thính gạo rồi đến cá khô, tôm khô do chính tay Mẹ làm. 

Cũng như cá, tôm là thợ chài lưới mang từ sông đến tận cửa nhà. Tôi không rõ chính xác mẹ già nhà mình làm thế nào, quà nhận được là các con tôm sắc nâu đỏ chắc rụm.

Tôm đó bữa nào vội vã có thể lấy làm món tôm rang với trang điểm hành lá xanh và có chút cay của ớt cùng tiêu, làm thức ăn mặn trên mâm cơm nhà bên cạnh bạn rau củ quả luộc thực vô cùng hợp.

Mà cũng tôm đó đem nấu canh mướp đắng, có hoặc không bạn đồng hành nấm hương khô, cũng thú vị chẳng kém.

Món canh nấu rất đơn giản. Không ngại dầu mỡ thì phi thơm một hai lát hành tây, còn nếu không thì cứ chân phương đun nước canh có nước, có tôm khô, có hành tây/hành hương và muối hầm. Nếu có nấm hương khô thì chính là cho vào đun cùng lúc này - tất nhiên là sau khi nấm đã được xử lý làm mềm. Nước đun đó sôi và đảm bảo đủ liu riu thấm ngọt từ tôm thì cho mướp đắng vào nấu tiếp. Hành lá được cho vô sau cùng, tạo chút sắc xanh cũng như thêm chút vị riêng. 

Tôm sông phơi khô nhà làm thế này vốn dĩ ngọt đậm đà nên chẳng cần đâu hai bạn gia vị mà trong bếp nhà Hà Nội chúng tôi thường ỷ lại: bột cá và/hay bột rong biển. 

Nước canh có sắc ngả nâu, hẳn là do tôm và nấm. Vị thì khỏi nói, ngọt, ngọt lừ! 

Canh đó ăn vã chơi chơi rất thích. Mà chan với cơm nguội dư từ bữa trưa được hâm lại hơi nóng chút, lùa miếng lớn vô miệng, bỏ qua hết đường văn vở thanh nhã, còn ngon và thích hơn nữa :-)))

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

rằm trung thu - nhảm thêm xíu nữa

ấy, tưởng dẻo mà hoá nướng này :-)))
Bữa qua, đánh chén xong phần bánh nướng, tôi nhắn tin cám ơn chị bạn. Chị áy náy bánh nhỏ ăn không bõ dính kẽ răng, con em bảo đâu có. Hai cái bánh được cho, bọn em đây mới chỉ xơi bạn nướng, còn dẻo để mai. Ơ kia, bánh đều là nướng mà. Ờ à, em đây quê mùa, nhìn sắc xanh thì tưởng là bánh dẻo cái còn lại đâu :-)

Trưa nay bánh tưởng dẻo hoá nướng vị trà xanh được lấy ra mổ xẻ sau bữa cơm. Chúng tôi uống trà, xơi bánh Trung thu muộn và nghe anh râu đen tám chuyện.

Hoá ra tối qua một bộ phận nhân dân Hà Nội ra đường đông và vui ra phết. Nhìn ảnh mà tôi hãi. 

Nói chung thì sau tám tuần giãn cách ngồi nhà, tôi chẳng có hơi sức chi mà bà tám bình phẩm chiều trái chiều phải về mấy chuyện kiểu này. Ai hỏi thì tôi bảo nhà cháu sợ chết nên mấy vụ này không dám tham gia. Thế thôi! 

Nhưng nói vậy thì nói, cái bệnh xỏ xiên nó ngấm sâu vào da thịt, tôi bắt đầu nghĩ nhảm, để xem sao. Chuyện tối qua chỉ là một chuyện nhỏ. Còn những ngày tới, chính là trong cái nếp sinh hoạt thường nhật mà bà con ta lơ lơ đễnh đễnh thì mới là bỏ mịa.

Nhất là khi số người ở thành phố này tiêm hai mũi và có thời gian tiêm mũi hai trên hai tuần xem ra chưa mấy nhiều. Rồi cái nếp sinh hoạt người chạm người xứ mình tự dưng bảo thay đổi đi thì đúng là chuyện khều tay ra túm chị Hằng và chú Cuội của chị ý.

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

ngàn lẻ một chuyện chích ngừa: ở đó (1)

(1)

Sáng nay gọi điện hỏi thăm Tiên sinh, tôi nghe ông lão hơn nửa giờ phàn nàn về "hành trình" đi thăm các ông bà đốc-tờ cả ngày hôm qua. Bỏ qua những kêu ca than vãn đầy mủi "tủi thân" giống trẻ con đó, có một chuyện làm tôi phì cười.

Đó là ông lão nhà mình vừa có phần nghiêm túc vừa có phần "khoái trá" - theo đúng kiểu một thằng cha con mẹ ất ơ đang đi ngoài đường thấy chuyện người thiên hạ thì ngó rồi bắt đầu mở máy tám nhảm với đứa bên cạnh vốn y thị chẳng quen biết chi sất - về thái độ của bà bác sĩ liên quan đến cuộc "khủng hoảng" covid ở campus viện đại học danh tiếng trong vùng. 

Chuyện là đôi ba tuần trước, bùm một phát có trên dưới 200 thủ trưởng sinh viên được xác định dương tính. Bọn này sau đó được gửi đi cách ly ở cái khách sạn to đùng bên khu sòng bài, để lại sau lưng một đống nhốn nháo và lộn xộn.

Dân thành phố biển không ít người bực tức, lũ nhóc chạy lung tung khắp thành phố, không rõ tới đây có làm thòi ra một dây lây lan mới không. Lãnh đạo và quản lý viện đại học bị phê phán vì không áp dụng nghiêm các quy định này nọ no chi phòng ngừa con cúm Tàu. Bọn sinh viên không dính covid cùng cha mẹ chúng cũng cáu um và/cùng phẫn nộ vì sau một thời gian dài đằng đẵng khổ sở vì đủ kiểu hạn chế đang sung sướng được quay lại nhịp sinh hoạt bình thường thì giờ lại zoom, zoom và zoom. Đó là chưa kể một chuyện ít người nói nhưng thực thì ai cũng biết rõ trong dạ, nếu số ca nhiễm bệnh tăng nữa thì sau một đống hậu quả tức thời, cái "niêu cơm" của viện đại học kia sẽ bị ảnh hưởng không ít a. Đúng là nó giàu, cái viện đại học lâu đời và có vị trí không tồi trong các bảng xếp hạng này, nhưng còn lâu nó mới vững và chắc như những Williams hay Smith chi chi.

Thế nhưng mà hay nhá, bà bác sĩ của bạn đời lại hớn ha hớn hở trước chuyện này. Lý lẽ của bà cực đơn giản và dễ hiểu. Ngần đấy đứa trẻ con bị covid mà không có biểu hiện đau ốm, điều đó chẳng chứng minh hiệu quả của tiêm vắc-xin thì là gì.

Ơ, nghe có lý a :-)))

(2)

Chuyện sáng nay tôi nghe là vậy. Còn cuối tuần rồi, vẫn qua kể lể rì rầm của bạn đánh chén, chuyện chích ngừa lần này là về ông thợ rừng Bruce và nhà hàng xóm trên núi. 

Từ lâu, chúng tôi đều biết rằng bà cụ già nhà hàng xóm là một người có xuất thân không hề nhỏ chút nào theo thuyết coi covid là chuyện bị/được truyền thông cùng chính trị gia thổi vống lên. Mẹ là vậy, còn đám con cháu thì chúng tôi tù mù không rõ lắm thái độ của họ. Dù thế nào, chuyện chích ngừa không phải là chủ đề người ta nói với nhau thuận miệng ở cái xóm núi nhỏ với số đông nhân dân "bảo thủ" này.

Còn về thợ rừng Bruce, tiêu biểu của nông dân thợ thuyền Mỹ quốc cuồng Chăm, nghe và tin ngài tổng còn hơn cả Chúa, thì ngay từ ban đầu không chỉ không tin covid mà còn phản đối kịch liệt chuyện chích ngừa. Bạn gái của ông còn cuồng hơn ông. Mấy ông bạn của ông, người nào người nấy nhà có đến cả vạn viên đạn với không biết bao nhiêu súng dài súng ngắn các kiểu, còn cuồng hơn ông. 

Vấn đề là Bruce có vấn đề to về phổi, đã từng kinh qua thập tử nhất sinh ở bệnh viện. Nên cuồng ai cuồng gì cứ cuồng, còn cái phần tiếng nói của cơ thể nó nhắc nhở, lại cộng với vài thiểu số người xung quanh khuyên nhủ thì ông "lung lay" quan điểm, bắt đầu nghĩ đến chuyện hay là mình đi tiêm.

Lão Tiên sinh kể với tôi không phải một lần, tui không quá thân thiết với hắn nên không dám khuyên nhiều, vì sợ nói nhiều quá thì không khéo bà bạn gái cùng mấy ông bằng hữu kia vác súng đến bùm cho một phát thì toi á, nhưng may là có Scott dưới chân núi gần gũi hơn và không ít lần động viên. Hy vọng ông bạn Bruce này mau đi tiêm.

Mạch chuyện tiếp theo hẳn sẽ phải là một ngày đẹp giời chúng tôi nghe chuyện cuối cùng, Bruce đã được chích ngừa a. Ấy thế mà không. Vào đúng lúc ông thợ rừng đang lên gân lên cốt làm một hành động vĩ đại là kéo tay áo lên để người ta chọc cho một phát thì ông lại nhụt chí.

Nhà hàng xóm trên núi kêu ông lên bàn bạc ý thuê ông cắt hạ mấy cây rừng. Thương thảo nhất trí xong đâu vào đấy thì có xíu tán gẫu. Bà cụ già không xuất hiện trong câu chuyện này mà là con trai và con dâu. Cô con dâu tóc vàng mắt xanh bảo Bruce, tui đây ngoài chuyện phải đi đo giày (loại đặc biệt) và chọn đai đỡ lưng thì đừng hòng có ly do chi đi bệnh viện và/hay gặp bác sĩ. Còn ông con trai của bà cụ thì đơn giản và dứt khoát hơn, đừng có tiêm! Kết quả của màn trò chuyện ngẫu hứng này là Bruce thợ rừng lại rơi vào trạng thái mơ hồ, tiêm hay không tiêm. 

Lão Tiên sinh kể lại chuyện này cho tôi rồi than thở thắc mắc, Madelaine thì tui không tính, nhưng hai người kia ý à (!)

Tôi thì cười hì hì, tui đây không rõ về ông chủ gia đình, nhưng sang bà chủ - tức cô con dâu của bà cụ thì xem ra vẫn có chút phần lý giải được. Với hiểu biết cụt lủn của tôi về gia đình đó, chuyện hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên vì các dấu chỉ rõ ràng sờ sờ ra đấy còn gì nữa.

Nhà đó cả nhà trồng cần, lắc lư dùng các sản phẩm CBD, hàng ngày đến giờ thì nào là thiền, nào là đọc chú, nào là chạy bộ cùng chó. Năm trước khi tôi còn lờ đờ ngồi bó gối ở nước Mỹ xa xôi, có bữa nghe cô con dâu khoe, đêm nay cả nhà tao sẽ tham gia cầu nguyện toàn cầu để cho ác mộng covid mau qua đi. Họ chưa hẳn là ăn chay cả nhà nhưng cũng có đến non nửa thành viên trong gia đình đó đã là vegan. Mà trong các loại vegan kiểu Mỹ thì phải nói luôn là có một bộ phận, tôi chủ quan nghĩ không nhỏ, thực tưởng không chính trị nhưng lại cực kỳ "cuồng" theo một tư tưởng hệ nào đó a.

(3)

Chuyện xóm núi là vậy. Sang chuyện thành phố biển nhỏ cũng thú vị chẳng kém.

Gia đình ông bạn F. của lão Tiên sinh ngay từ đầu câu chuyện covid đã trơ trơ một thái độ "tao cóc quan tâm". Trong khi ông lão nhà này kiêng kiêng kị kị, làm gì cũng khẽ khàng thận trọng thì vợ chồng nhà kia cứ tưng tửng tuần nào cũng đi chợ [siêu thị], đi bách hoá [mall]. Chị vợ nhà đó có bữa nói với tôi, không ra ngoài không chịu được. 

Tuần tới là sinh nhật quý ngài F. Ông lên kế hoạch rủ rê bằng hữu làm một cuộc ra trò ở tiệm thịt bò của cao thủ Jordan bên chỗ sòng bài. Rồi cũng chính ông tự tay kết liễu luôn cái kế hoạch đó. 

Lý do?

Hai anh con trai của ông đợt rồi thi nhau dính covid, bất chấp việc đã được chích ngừa đủ hai mũi mỗi người. Một anh thậm chí bị nặng, phải chạy vô nằm viện một thời gian.

Ông bố trong nhà thấy vậy thì từ không sợ chuyển thành sợ. Và đương nhiên là giờ ông làm gì cũng có nhiều phần thận trọng [hơn] so với trước kia.

rằm trung thu

bánh nướng nhân đậu đỏ trứng muối
(1)

Chúng tôi nhận được quà bánh nướng bánh dẻo tối qua với lời giải thích, đây là mua ở hàng quen, làm ăn tử tế. 

Tôi cười cười trêu đùa người cho quà, thế Chị không xếp hàng bên Thuỵ Khê à. Bà chị thật thà, cũng định làm vậy nhưng thấy chuyển sang bên trường học với hàng dài xếp hàng thì bỏ. Thêm nữa là tối về đọc trên "phây" có cái người kia chụp hình cọng tóc tơ nói là lấy ra từ nhân bánh của một nhà "truyền thống" thì dẹp hoàn toàn ý định.

Hôm nay chúng tôi đánh chén phần bánh nướng. TL chê bột bánh xem ra nướng chưa kỹ. Còn tôi thì chẳng có vấn đề chi. Bánh không quá xuất sắc, nhưng theo chuẩn thông thường thì một chữ ngon không tính là rộng rãi. Nhất là nếu so với bánh mua bữa trước có xuất xứ từ cái  công ty đã từng quốc doanh mà tên tuổi giờ vẫn to to trong bảng xếp hạng quốc gia.

(2)

Tối nhìn ra cửa sổ, đèn các nhà cao tầng sáng theo mảng. Vài toà xa xa còn chơi trình diễn đèn led, sắc màu hình khối cứ gọi là quay vù vù, rối hết cả mắt. Có một thứ được gọi tên là "ô nhiễm ánh sáng" [đô thị về đêm] nhưng ở xứ mình đem chuyện này ra bàn thì không khéo bị coi là rỗi hơi và/hoặc dở hơi. Tôi nhớ mấy năm trước, nhân cái chủ đề này, cô nghệ sĩ đóng bỉm còn cười tôi một trận ầm ĩ sau khi chê tôi "ngu". Lý lẽ của cô là ánh sáng đô thị về đêm đó trong mắt khối người biểu trưng cho hiện đại và phồn vinh, rặt chuyện tốt và vui chứ nào có lãng phí hay nhức mắt chi chi đâu :-)

Nếu tôi ra hẳn ngoài hiên và nhoài người qua cửa sổ ngẩng mặt ngó lên thì sẽ thấy Chị Hằng, tròn xoe và vàng rực rỡ. Còn có thêm một ông cậu sao to kha khá, tôi chẳng rõ tên họ là sao gì.

Dưới sân vườn toà nhà vọng lên tiếng bọn trẻ con ríu rít, không rõ có phải là tụ tập phá cỗ Trung Thu không.

Còn nếu phóng tầm mắt nhìn ra mấy con đường dài thì xe hai bánh và bốn bánh chạy thật tấp nập, tạo nên các sóng đèn sáng liên lỉ. 

(3)

Trong một chốc lát, tôi nghĩ, cứ như chưa từng có covid vậy a!

nhận quà Trung Thu

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

nhật ký covid: hết hà nội giãn cách 4

(1)

Giãn cách xã hội, giãn cách trong xã hội, cách ly, phong tỏa... tả-pí-lù từ ngữ. Quan phương mặt mày nghiêm túc và rất chi ra dáng, "giãn cách". Nhân dân nhại theo, cũng "giãn cách". Mấy ông lề không "phải" văn vở, "ông Nhà nước gọi giãn cách, [chúng] tôi [gọi là] phong tỏa". Thế là lại có vài nhân dân đu dây, "phong tỏa". Lại có chị có anh cứ phải chuẩn chỉnh à-la-Tây, lockdown. Rồi có kẻ lười và cùn, như tôi đây chẳng hạn, quê mùa nói trẹo cho đỡ bị nhệch miệng, rằng thì là lốc-đao. Cái công thức cuối ý mà, đảm bảo thoát khỏi tầm sóng quét AI của bất cứ thằng cha con mẹ nào đang lùng sục truy vết đám công dân hạnh kiểm không tốt dám xuyên tạc tinh thần sử dụng từ ngữ phải đạo - politically correct theo đúng đường hướng của Trên đâu á :-)))

Mà dùng từ nào, ngữ nào thì đến cuối ngày thằng này nhìn thằng kia, yêu ghét thế nào chẳng quan trọng, đều phải công nhận một điều, thực tế vẫn chỉ là thế, chỉ là một mà thôi. 

Thế nên anh ả véo von gọi chi cũng được, rồi bi quan hóa hay thơ mộng hóa - nói chính xác hơn là cố gắng gọi tên sự kiện một cách khách quan, gọi tên sự vật bằng cái tên hay ho hòng giảm bớt tính nghiêm trọng của vấn đề, hay gọi tên sự vật theo kiểu gây áp lực và/cùng sợ hãi - thì các chốt kiểm soát vẫn ở đó, vài ông dân phòng vênh váo vẫn ở đó, cái giấy đi đường kinh qua mấy phen điều chỉnh vẫn cứ là cái giấy đi đường, ngoáy mũi toàn dân hay ngoáy mũi có chọn lọc thì vẫn cứ là ngoáy mũi... 

(2)

Tuần đầu tiên của đợt giãn cách thứ tư này, tôi gọi mau là Hà Nội giãn cách 4, tôi thấy mình ít nhiều hung hăng dõi theo cái màn náo nhiệt trên mạng nhện xung quanh mấy quyết định của ông đô trưởng. Xong rồi, tôi phì cười, kệ mịa đời, đằng nào cũng vậy. 

Tôi không ra đường, chuyện giấy đi đường không đặt ra. Mà thêm một tiếng nói kiểu chê bồi hay phẫn nộ vào cái lò dư luận nóng hầm hập mấy ngày đó thì có ích chi nếu không phải là hại chính cái gan cái bao tử của bản thân kia chứ. Chuyện này nhà cháu cười và kết, miễn bàn. 

Tôi chẳng thích chi cái vụ Hà Nội ngoáy mũi, nhất là sau khi nghe một đống dặn dò đủ kiểu này nọ từ ông lão đang ngồi rung đùi ở cái xứ Mỹ đế xa xôi. Nhưng trốn cũng chẳng được. Mà tính tôi ngại gây, ngại cãi với đại diện chính quyền. Thôi thì bác bên tổ dân phố rồi sau thêm đồng chí công an khu vực nhắc nhở, nhà cháu đi ngửa mặt nhìn trần nhà cho người ta chọc mũi. Xong một việc, nhẹ nợ.

(3)

Nếu có chuyện làm tôi lấn cấn, lăn tăn và âm ỉ cái máu động vật chính trị đầy xỏ xiên của mình thì đó hẳn là chuyện vắc-xin.

Tôi thấy chuyện này rất chi là buồn cười, không phải là nghe xong thì ta cười sảng khoái, cười vô tư. Mà là cười với cơ mặt méo xệch, với nước mắt ngập ngừng rơi trong một sự thất vọng kéo dài thêm vài tấc trước các phụ mẫu của nhân dân phiên bản hiện đại.

Rõ ràng nhìn lại lịch sử hai năm rồi, ông chính quyền trong suốt thời gian dài im im lìm lìm cái chuyện vắc-xin và kế hoạch chích ngừa. Đến lúc nó "bung", đến lúc nó "toang" thì cà cuống. Thế mà có ông to kia đi xứ người khua chiêng gõ trống không chỉ "dạy" cho người thiên hạ về cách ta đây chống dịch giỏi - oái oăm là đúng vào những ngày Sài Gòn đen tối, Hà Nội bấn loạn -, mà còn phi thường nghiêm túc chắc nịch đại ý là ta đã có kế hoạch mua vắc-xin từ sớm. Tôi nghe thời sự trưa ở nhà đài quốc doanh với đám mờ-xê mặt mày vênh vênh váo váo, đang ở trong bếp mà vừa muốn phì cười vừa muốn văng ra một câu thật bậy. Thôi thì công dân tôi đây nhát chết, chỉ khe khẽ một tiếng kiểu muỗi kêu, điêu!

Chuyện vắc-xin Tàu đem ra tiêm cho nhân dân đồng bào tôi không bàn vì tôi không [bị/phải] tiêm cái bạn này. Nguyên tắc của tôi là cố gắng việc gì mình cóc liên quan thì cố mà ngậm cái miệng, không có linh tinh lang tang tán nhảm tam cô lục bà chi chi.

không lời!
Thế nhưng vẫn là vắc-xin Tàu, có một chuyện tôi lại muốn cười tiếp. Lần này là cười té ghế, cười rụng rún, không thực sảng khoái vô tư vì cuối cùng vẫn là cười trong nước mắt, trước cái năng lực diễn ngôn vô đối của anh ả bồi bút vừa quốc doanh vừa công an nhân dân kia. Tôi được chị bạn gửi cho bức chụp màn hình một đoạn của bài báo ngợi ca cái món vắc-xin Tàu kia, tức thì nghĩ, hẳn đây là đứa mất dạy nào nó chế ảnh ý mà. Ai dè, chẳng riêng cái đoạn mở đầu đó mà toàn bài sặc mùi ngôn tình, lãng mạn chủ nghĩa, đậm đà tính đảng, tình yêu [nhà] nước, vân vân mây mây coi như nồi lẩu tinh thần tự sướng khó có thể tưởng tượng ra được. Nghe nói bài báo kia sau đã biến mất. Tôi tiếc rẻ chút, biết thế lưu lại cho cái nhật ký covid nham nhở của mình :-)

Và chuyện cuối cùng về vắc-xin, lần này không Tàu mà ta, cũng lại là thêm một lần cười, cười lệch lạc, cười có chút "bệnh". Chị quen gửi tin nhắn muộn, lúc tính theo kim đồng hồ thì đã là sang ngày mới. Bà chị nhắn cái tin được đánh số 123 rất chi rõ ràng với giọng điệu ra chiều thổn thức. Tôi buồn ngủ rũ mắt, đọc qua loa thì nắm được cái đại ý rằng, thứ nhất ông hội đồng đạo đức vẫn khôn lỏi kết luận nước đôi và đẩy quả bóng trách nhiệm [ra quyết định] sang ông hội đồng bộ y tế cấp phép; thứ hai nhiều báo đã tung tin thủ trưởng Nanocovax đã được thông qua - không rõ có tính là fake news không hỉ; và cuối cùng là chuyện có tay nhà chùa quốc doanh làm lễ cầu siêu cho cái vắc-xin kia được thông qua - mà sau đó tưởng ai hoá ra là tay sư tôi đã có ấn tượng rất kém từ hồi năm ngoái.

(4) 

Chuyện Hà Nội giãn cách 4 của tôi, với tôi là vậy.

Hôm nay vì cần mua thực phẩm mà tôi ra đường. Lơ nga lơ ngơ như đứa đang phê thuốc. May mà đi đến nơi về đến chốn.

Chợ búa đông vui tấp nập, có nhà cửa hàng bé tý chẳng ma khách nào dán cái mã QR to tổ bổ, lại có cửa hàng to người ra kẻ vào va nhau lách cách thì nhìn ngược xuôi chẳng thấy cái chỉ dẫn khai báo nào.

Con đường ngàn năm trước là cái thành luỹ bảo vệ kinh thành giờ cũng đông vui tấp nập. Vài cửa hàng bán cây cảnh đã có người mang hàng đến người đến mua cây đi. Phía đường bên kia, công an và dân phòng thay vì cắm trực chốt đang tích cực bê và đẩy lên xe bán tải một cuộn dây thép hàng rào to tướng hẳn là thu từ một nhà bán cây khác. Chẳng rõ ông bà chủ nhà kia trần tình chuyện chi, ông cảnh sát hồi đáp thế nào nhưng đám đông nhân dân-khán giả thì líu ríu tay chân vung vẩy. May là ai cũng đeo khẩu trang nên hẳn là không có cái màn nước miếng văng tung toé đi. Ấy thế nhưng con cúm Tàu nó bay lượn sao trong không khí thì tôi không dám chắc kết luận có hay không đâu nhá.

Đi chợ về thì có tiết mục ngồi ôm cái màn hình ti-vi tay tuốt rau ngót chuẩn bị cho bữa cơm trưa có món ngót luộc ăn với chả rim mặn. Bản tin gần trưa của nhà đài trung ương có cái cảnh ngay bên phố Thuỵ Khuê kha khá nhân dân, có người địa phương nhưng cũng có người đến từ tận Thanh Xuân quận, kiên nhẫn xếp hàng để mua bánh trung thu truyền thống. Tôi không quá máu mê cái vụ bánh trái này, giờ thêm nỗi khiếp sợ covid nên nhìn và coi bà con vậy, quả là bái phục, bái phục!

thú vui mới đợt giãn cách thứ tư ở Hà Nội:
chiều chiều ra hiên ngó một cái một góc cái hồ to

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

vị thu

sâm nam ở nhờ chậu lựu giờ cho hoa này
(1)

Có bánh nướng bánh dẻo mua ở siêu thị dưới tầng toà nhà.

Công ty sản xuất trước là quốc doanh đình đám làm mưa làm gió một thời nghèo khó. Khó nhớ được là bánh xưa có thực ngon hay không. Nhưng ghi sâu trong ký ức rằng thì là mà ngày xa xưa đó có hộp bánh của công ty này thì oách lắm, thì sang lắm.

Bánh ngày nay dẻo mà bột đâu dẻo, nướng thì thiếu ngậy của mỡ và thiếu luôn cả vị thơm đặc trưng của lá chanh vốn luôn hiện diện trong nhân thập cẩm.

(2)

Thời tiết phập phù, chập chừng, giữa oi, giữa mưa giông, và cả gió từng cơn mát lành nữa.

Đầu sáng mở bùng lên cái vị se se, ấy thu về!

Hay nhất là trên tầng cao thi thoảng ngó ra cửa sổ hiên thấy chuồn chuồn bay vèo vèo báo hiệu mưa gió. Rồi đặc biệt là bữa qua lúc giữa chiều tôi còn thấy một bạn bướm to lượn lờ giữa mấy chậu cây rau, phởn phơ phải đến nửa giờ thì mới rời đi.

(3)

Tiết thu có nhiều gợi ý cho mấy món kho và canh đậm đà vị chua.

Tiết thu ở đâu đó giữa nóng và lạnh, vị đắng của đồ ăn thức uống không còn mấy tác dụng phòng nóng nhưng vẫn cứ là dễ tiếp thu, từ tô canh ngải cứu cá diếc qua một cốc trà xanh pha vội giữa chiều :-)))

bánh nướng bánh dẻo cũng như ai :-)))

vụng trộm ngó mặt cái hồ to - một góc thôi :-)

vườn hiên nhà căn hộ kiên nhẫn chờ cây lớn

canh ngải cứu cá diếc
vừa ăn vừa run, không sợ đắng chỉ sợ hóc

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

nhật ký cây đỗ xanh

Giá đỗ mua gói ở siêu thị, không được sàng sẩy tử tế mà ẩu tả nhét vô túi, khách mua về loay hoay cùng ngán ngẩm rửa tãi nhiều lượt mới tạm coi là được. Phần "rác" nhặt và rửa giá đỗ đó, thay vì thả vô thùng rác tôi dùng bổ túc cho chậu đất ngoài hiên. 

Được mấy bữa các mầm nhỏ xuất hiện. Tôi cười hi hi, những đầu mầm giá đỗ này thật khoẻ a! Sau rồi các mầm cứ lừ lừ vươn cao thành hình cây đậu đỗ. Có bốn cả thảy!

Tất nhiên là tôi chẳng có hy vọng gì ở các cây đỗ xanh này, về chuyện chúng ra hoa và kết trái. Nhưng trong thời giãn cách này, nhìn bọn cây lớn đã thật đủ vui :-)))

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

nhật ký covid: vật đổi vật, hàng đổi hàng

thời covid, món đồ tưởng tầm thường hoá quý a :-)))
(1)

Chị là người còn mang trong mình nhiều "nếp cũ", đường ứng xử với tha nhân lấy chữ hoà làm trọng, luôn để ý có trước có sau, có đi có lại. Đôi lần thấy Chị cẩn thận quá, tôi phì cười. Sau nghĩ lại mẹ già nông dân của mình, cả đời luôn bận bịu người ta cho mình tám thì mình phải đưa lại mười, thì tôi nghĩ sang hướng khác, có mối thân tình thế là quý lắm.

Chiều hôm đó, bà chị gửi cái tin nhắn, câu chữ dài loằng ngoằng ý tứ có đầu có cuối chỉn chu hết mực. Đại ý đọc xong thì là nhà có năm người, trừ Ông Nội không cần làm việc hay học tập on-lai thì còn bốn người cha mẹ và con cái đều phải ôm máy tính "chiến đấu".

Bàn thiếu, bàn yếu, thế là có cảnh mẹ "hy sinh" ôm ghế đẩu tre nhường nhịn chỗ tốt cho con. Vấn đề là cái ghế kia chuột không rê được, ngồi lại khó chịu. Bà chị nhớ ra con em hoarder số một và hỏi liệu còn dư cái bàn nào không.

Con em gửi tức thì ba cái ảnh. Đây bàn kê ngồi hiên uống trà sáng của ông lão nhà em, là bàn gấp có kèm ghế. Đây bàn gấp ngồi mặt sàn. Đây bàn học sĩ gỗ hương giờ em đang dùng làm bàn bếp, bàn này cũng có ghế. 

Chị chọn cái bàn gấp thấp. Tiện lợi, không tốn chỗ.

Lúc bà chị qua nhà lấy bàn, con em đã chuẩn bị sẵn hộp trà, biếu Chị cho hai tuần giãn cách mới ngồi nhà. Nhận lại con em có hũ hạt macca, món chắc chắn là "béo" TL.

Đấy là chuyện cái bàn, trà và hạt khô đầu đợt giãn cách lần này.

(2)

Còn cuối tuần trước nữa, bạn TL qua cho đồ ăn, từ trà sữa qua bánh cuốn tới chả lụa và rau cỏ tưng bừng túi lớn túi nhỏ. TL ý tứ lấy ra ba quả bưởi rồi dặn tôi tìm chai mật ong rừng đem xuống nhà để quà đến quà đi đủ đầy ý tứ.

Tôi cho chai mật vô túi dài chuyên đựng rượu vang, cẩn thận ôm ấp đến tận chỗ cổng khu chung cư dẫn ra đường lớn. Trong lúc đợi cô kia tới, tôi lười ôm chai mật thì đặt lên xe đẩy.

Lúc xe bạn TL đến, con giời ẩu tả quên chuyện chai mật ong, ẩn cái xe hàng một cái, thế là đi tong. 

Tôi tiếc chai mật quý kia một phần. Lại thêm một phần khác là sự áy náy, mình đây thòi ra nhõn ba trái bưởi mà nhận bao đồ ăn thức uống của bạn nhỏ kia kìa.

(3)

Mà trao đi đổi lại đâu chỉ có thế.

Còn nào xin cho từ hộp trà qua hũ bánh mỳ khô tới mẻ chả cá thát lát tươi rán ăn liền. 

Rồi ở gần nhau trong Hà Nội là một chuyện. Còn có cả cảnh điện thoại léo nhéo từ đông sang tây chốt chuyện gửi một thùng hàng, đằng nào tớ chẳng tìm được chỗ nào mua men nở thì mua hộ tớ một gói nhá.

Ở NYC hồi cuối xuân năm trước có cảnh hai bà hàng xóm chìa tay nhau qua bờ ban-công để chia sẻ gói men làm bánh. Giờ xem ra tôi sớm có gói men xịn, ngồi máy bay đi một chặng dài về tới tay mình đâu :-)))

Chỉ có điều, có lẽ lúc men đến tay tôi thì Hà Nỗi đã kịp thở phào một cái, cuối cùng đã nới giãn cách hì :-)))

khi kim chi cải thảo ngấu quá đà và bò xào leftovers gặp cải bắp trái tim: mình có món canh ngon :-)

kim chi ngấu quá, canh coi xấu tý
nhưng đảm bảo kết hợp này vui và ngon :-)))
Đích thực bếp leftovers luôn nhá!

Bát canh chụp vội, theo một cách hết sức ẩu tả đúng kiểu của tôi, nên lên ảnh thì kém đường nhan sắc so với thực tế ngoài đời. Đó là về hình!

Còn về ý, về vị thì tôi dù muốn khiêm tốn là mấy cũng vẫn phải cố tán thưởng chính ta đây một tý. Đó thực sự là một sự kết hợp hoàn hảo. Canh cho vị không mấy lạ lẫm, nhất là đối với người thi thoảng vẫn mần món canh kim chi [cải thảo] như tôi. Nhưng kết hợp vị kiểu tận dụng thế này thì đây là lần đầu tiên, và kết quả không tệ chút nào.

- Thịt bò xào là phần dải diềm thăn bò, đúng thứ thịt bò "ta" ngậy thơm rất đặc trưng, phần thịt xào đó vốn dĩ là cho món cuốn của tối hôm trước nhưng vì nấu quá đà nhiều món cho cùng một bữa nên thịt xào xong coi như chờ nguội rồi được bao bọc kỹ trước khi cho vô thăm cái tủ mát. Rẻo thịt bò được thái mỏng, có đầy đủ phần nạc mềm cận chất thăn bò, lại có thơm ngậy dắt diềm mỡ và sần sật đường gân. Thịt ướp sơ với muối cùng tiêu và đôi ba giọt mắm cốt, sau xào ở lửa lớn trên nền dầu phi thơm tỏi bằm.

- Kim chi cải thảo cắt lát mua liền trong hộp 500g, hiệu bibigo. Tôi tùm lum tùm la không để ý, cứ gọi trước này là kim chi Ông Kim để chọi với Cô Hường, hoá ra là sai toe toét. Kim chi này đối với tôi thực thà mà nói không đặt ra vấn đề ngon ít hay ngon nhiều, quan trọng là vô cùng tiện. Lúc bắt đầu khui hộp, cẩn thận cho túi kim chi vào hai lớp túi nylon đựng thực phẩm rồi dùng kẹp để làm kín thật cẩn thận. Sau đó đậy lại nắp hộp, để cái hộp trong tủ mát không phải ôm nỗi phiền muộn sao cái tủ lạnh nhà mình mấy bữa nay có mùi chi chi lạ. Kim chi đã thái lát lúc khều ra cho từng bữa cũng thật là tiện, đại loại thế.

Vấn đề to là mua hộp nửa ký trong hoàn cảnh nhà có đúng hai cái miệng ăn thì mười lần mua kim chi phải có tới bảy hay tám lần chúng tôi gặp phải tình huống kim chi tiếp tục ngấu rồi cứ thế mà trở nên quá chua, quá gắt gỏng. Và khi ấy, giải pháp làm món hay ho nhất chỉ là hoặc kho - với sườn heo hay thịt dẻ sườn bò chẳng hạn -  hoặc nấu canh vị chua chua - với tá lả từ đậu phụ qua cá đến sườn heo và có khi là cả thịt bò.

- Chuyện cải bắp trái tim xuất xứ từ ruộng rau trên Mộc Châu cũng hài hước chẳng kém chuyện của thịt bò và kim chi kể trên. Tôi nghĩ cái tên trái tim  hẳn là do hình dạng của bạn rau này. Còn nếu tự tiện đặt tên, tôi sẽ gọi là cải bắp lai, cải bắp "tây", cải bắp "giòn". Lá rau cuộn rất chắc, bản thân mỗi cánh lá cũng thực cứng cáp. Nhưng sự cứng cáp này không có nghĩa là cứng khó nhằn mà là chắc giòn nhá. 

Tôi kiếm nửa cây cải bắp làm món kim chi cải bắp. Còn lại nửa cây lúc đầu tính luộc cải bắp dấm cà chua, nhưng sau ngó thấy thịt bò xào dư và kim chi ngấu quá thì chuyển pha thật nhanh: cho bữa tối tại sao mình lại không thử nấu canh kim chi cải thảo với cải bắp tươi tận dụng vị thịt bò xào nhể :-)

Món làm cực dễ, yêu cầu to nhất là thong thả kiên nhẫn, vì cải bắp này cần thời gian canh lửa và nhiệt nóng của nước canh để chín từ từ.

- Bắc chảo sâu lòng phi thơm chút hành tây thái lát - thay cho hành hương nhà hết sạch - cùng tỏi đập dập, xào cà chua thái miếng kiểu bổ cau đặng cà chua thơm mềm

- Lá cải bắp đã được thái lát mỏng, bề ngang mỗi lát chừng 1cm, cho vô xào tiếp; chêm muối hầm, xíu mắm cốt - tôi phát hiện nhà còn chai Nam Ngư chẳng hiểu sao tôi lại có lúc cao hứng mua về, mắm này tôi không thích nhưng đúng là cho vô mấy món xào/nấu thì lại rất hay - cùng chút bột cá

- Sau khoảng mươi phút, đảm bảo bắp cải đã gần như là chín - ăn được, phần sống lá nếm thử thấy đã qua đoạn sượng mà bắt đầu sần sật, thì chêm nước vô cùng kim chi và vớt vát chút nước kim chi đỏ au nữa

- Canh đun sôi bùng thì chỉnh lửa về liu riu, nấu trong khoảng 15-20 phút nữa, nói khéo thì là món ninh đi, dù không có đậy điệm chi cái vung :-)

- Chú ý trong thời gian "ninh" canh như vậy, nêm nếm chỉnh mặn lạt, và nhất là với người háo vị chua như tôi, do bản thân kim chi và nước muối kim chi không nhiều nên tôi chẳng ngần ngại gì mà bổ túc thêm chút dấm - lần này thay vì dùng dấm Heinz vàng thì tôi chuyển sang dùng thử giấm táo tự xưng gốc gác Hàn quốc nhưng là được sản xuất tại Bình Dương

- Lúc tắt bếp thì thả hành hoa thái nhỏ hoặc xắt đoạn dài tuỳ ý vô nồi canh, đơm canh ra bát rồi đưa bát ra mâm

Món canh này có liền ba tầng chua liền lạc, không mấy dễ phân biệt rạch ròi: cà chua, kim chi và dấm táo. Đậm đà của mắm "công nghiệp", muối hầm rồi lại thêm chút mặn mòi biển cả nhờ vào xíu bột cá Nhật kia. Và đặc biệt là vị thơm ngậy của thịt bò, bất chấp là món thừa tranh thủ thì vẫn cứ là ngon. 

Tôi chan canh ăn cơm thích một thì múc canh ra bát ngồi ăn vã thích mười. Kiểu này, bữa nào thong thả tôi dứt khoát sẽ nấu một tô canh chuẩn đúng điệu với thịt bò nguyên liệu tươi. Còn kim chi ư? Cứ phải là chín quá đà, chua quá đà, ngấu quá cữ thời gian đi :-)))

nhà rừng mùa cây thay sắc lá

Sáng nay tôi bận bịu, xong việc thì mệt rũ người, nhìn giờ coi chừng đã muộn ở nhà rừng nên bỏ qua chuyện nháy máy chào hỏi ông lão nhà mình.

Được hồi nghe ting-ting báo hiệu tin nhắn. Tiên sinh gửi hai cái ảnh trảng cỏ kèm câu hỏi, có ổn không.

Chưa kịp coi kỹ hai tấm hình, tôi gọi điện tắp lự. Ề à mấy câu, sáng ở đây tôi ngáp chảy nước mắt, tối khuya ở kia bạn đời cũng ngáp hết cỡ thi đua. Thôi, ông đi ngủ đi cho nó lành.

Trước khi tắt máy, ông lão vớt vát bằng được, có nhìn ra tấm hình là gì không. Tôi ú a ú ớ, rồi đoán mò, chắc là sắp Indian Summer rồi nhể. Thế là bị mắng mấy câu về cái sự thiếu chú tâm quan sát cũng như kém về đường hiểu biết.

Đây là rừng cây vào mùa thay sắc lá, hiểu chửa :-)

thay sắc lá

ỷ sắc nắng

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

nhật ký covid: hà nội ngoáy mũi

(1)

Tối thứ Sáu, bác trai mấy lần qua nhà đưa thẻ đi chợ gọi ời ời ngoài cửa. Tôi chạy ra nhận hai mẩu giấy kèm lời dặn, nhà mình sáng mai xuống sân làm xét nghiệm covid.

Tối muộn hơn, TL bàn bạc, bỏ không đi có được không nhỉ. Lý do của cô em là vừa mới làm xét nghiệm hôm trước, tính đến sáng hôm sau còn chưa đến 48 giờ. Tôi trả lời không biết, và bắt đầu nhắn tin dò la chị người quen.

Bà chị trả lời mau rằng mình cũng muốn "trốn" xét nghiệm - vì ngại đông người không khéo lại thành dính mắc dịch -, nhưng nhà có ông chồng tính rất thú vị, thấy xét nghiệm này là miễn phí thì hò bắt cả nhà tranh thủ đi ngoáy mũi, kể cả thằng bé con. 

Đến khuya, tôi kể chuyện này cho bạn đời, ông lão bảo xét nghiệm thì không có gì là không tốt, nhưng ông băn khoăn liệu chỗ đó làm có an toàn không. Rồi ông bắt đầu bài ca nào phải khẩu trang sát khuẩn, nào cần giữ khoảng cách, nào cẩn thận khi dùng thang máy. Càng nghe ông dặn dò càng có cảm giác mình nhiễm covid đến nơi rồi.

(2)

Qua nửa sau sáng thứ Bảy, tôi lừng khừng pha cafe và đợi. Đợi xem có ai nhắc nhở không, hay chuyện cả thành phố ngoáy mũi đích thực chỉ là lời nơi cửa miệng của tay đô trưởng.

Cốc nước nâu thậm chí còn chưa được uống sang ngụm thứ hai thì ngoài cửa lại ời ời tiếng gọi.

Cảnh sát khu vực béo múp míp, có đồng hành là một bảo vệ toà nhà cũng béo múp míp, đứng ngoài cửa sắt giục chúng tôi mau xuống sảnh toà nhà. 

Tôi bị "doạ", nhà mình xuống đi chứ nếu không thì mai phải sang toà bên đông lắm, còn nếu không đi nữa thì sau phải ra phường còn lằng nhằng hơn nữa.

Tôi dạ vâng xong còn cố hỏi mặc cả một câu, thế tiêm đủ mũi vắc-xin rồi vẫn cứ phải là xét nghiệm à. Phải tất, ai cũng phải làm. Thôi, cán bộ bảo thế thì nhân dân chẳng dám lủi.

(3)

TL từ đầu sáng đã cặm cụi điền đủ thông tin vào hai tờ giấy kia. Áo áo quần quần dù tính bài "né" thì thực chúng tôi cũng đã đàng hoàng đủ để đi ra khỏi nhà. 

Cửa được khoá kêu loạch xoạch. Hai ông công an và bảo vệ người to như tượng, mông nẩy đánh sang trái đánh sang phải theo bước chân khuỳnh khuỳnh đang hướng tới mấy nhà cuối hành lang. 

Có nhà kia đang gạ gẫm bàn lùi, nhà tôi tất cả đều ở trong nhà thì có phải xét nghiệm không. Phải tất. Tôi nghe xong sém phụt cười, nhà đó khách khứa con cháu nội ngoại đến đi ầm ầm, nói phét cứ tỉnh bơ vậy a.

Hai ông công an và bảo vệ lại hướng sang đầu cầu thang bên này, nơi có căn hộ của hai ông bà Tây già. Cậu bảo vệ thì thào, đây là nhà ông Tây. Tôi không để ý lắm, chẳng rõ hai ông này có gọi cửa nhà đó không.

Chỉ biết lúc chúng tôi chuẩn bị thò chân vào thang máy, cậu cảnh sát khu vực động viên, giờ hai chị xuống đang vắng, làm mau lắm, làm cho xong đi chị ạ.

(4)

Dưới sảnh có đúng một bà vừa ngoáy mũi xong. 

Bảo vệ toà nhà một cậu ngồi thu phiếu. Nhân viên y tế hai cô trẻ măng, coi bộ là sinh viên, mặc đồ bảo hộ lùng bà lùng bùng lại mỏng tang tang - chẳng rõ có an toàn trước con cúm Tàu không, một bà bác hẳn là cán bộ tổ dân phố cắm cúi lấy thông tin từ từng tờ khai để khớp với danh sách cư dân toà nhà.

Chúng tôi không được tự mình ngoáy cái lỗ mũi [của] mình. Cô lấy mẫu thờ ơ chẳng ra thờ ơ, khí thế cách mạng phừng phực chẳng ra khí thế cách mạng phừng phực, nỗi niềm căm thù cũng không nốt, nhưng mà lúc cái tăm bông chọc vô mũi, úi chà đau.

Mà đau mũi là một chuyện. Thế quái nào tôi còn bị hoang tưởng, cứ gọi là kèn kẹt đau rát cả chỗ họng. Sau tôi mới nghĩ, có lẽ là do ám ảnh Bình Dương - hồi đó, lấy mẫu xét nghiệm covid là chọc miệng a.

(5)

Xong cái màn ngoáy mũi, về nhà rồi tôi mới có chút nghi nghi hoặc hoặc, cậu bảo vệ kia nhận giấy, cô y tế kia chọc tăm bông vô mũi nhân dân, thế nhưng hai người truyền thông ra sao nhể, làm sao để không lẫn lộn tùm lum râu ông này cắm cằm bà nọ đây (?)

Nghĩ mệt, tôi quay sang rờ cái điện thoại, nhắn tin hỏi chị người quen đã lấy mẫu chưa.

Sau hơn nửa giờ, tin trả lời đến, cả nhà chị bạn vừa hoàn thành "trách nhiệm" công dân. Chị bảo dưới đó [sảnh toà nhà] đông lắm, chen chúc nhau.

Tôi đoán, chắc đây là kết quả của cái màn hai ông béo kia đi ời ời gọi cửa từng nhà đây.

(6)

Sau vụ ngoáy mũi này tôi có mấy nhận thức thế này.

Công an và chính quyền phường ta làm việc nghiêm túc ra phết.

Thứ nữa là chính quyền và ngài đô trưởng ý mà, phàm họ đã muốn làm thì họ tất sẽ làm được. Vấn đề còn lại chỉ là cái ý tứ sau mỗi hành động là đẹp hay xấu, là trí tuệ hay ngu xuẩn mà thôi a :-)

Và đặc biệt là hậu quả của những quyết định, quyết sách thì cần thời gian mới rõ được.

Chuyện ngoáy mũi này tôi thấy ý tưởng chẳng tệ, nhưng về cách làm và kết quả thì để xem thế nào. Trong thời gian chờ đợi kết quả, tôi thực thích thú cái tiếp cận "miễn phí thì phải tranh thủ, tội gì" của ông gia trưởng kia.

nhà biển tháng 9 này - nếu cái cột điện biết nói năng

Harkness
Lão Tiên sinh mười mấy năm xông pha "thực địa" ở Việt Nam thuỷ chung áo ti-sớt dài lùng bùng với quần hộp trông lúc nào cũng lem nha lem nhem, đại khái là khá hơn một tay vô gia cư tý xíu gọi là. Giờ ông nghỉ hưu thì xem ra lại có chút "đỏm dáng", mười lần tôi gọi điện chào hỏi thì tám chín lần cứ gọi là hoa mắt chóng mặt tưởng lạc vào phường nhuộm. Chẳng phải chuyện lạ nếu từ Hà Nội xám xịt, có đứa dở hơi gào lên, xin chào ngày mới Mr Pink và tức thì sẽ có lời đính chính, tui đây là Ngài Đỏ chứ không có hồng có tím gì sất ở đây.

Tôi cứ nghĩ đời mình tệ hại chồng chất đủ loại vấn đề, nhưng xem ra bạn đời cũng có nhiều bận tâm không kém. Từ mấy câu chuyện sức khoẻ - ông ngứa mách bác sĩ thì bị phán, chắc mày bị Lyme disease, ông chảy nước mũi thì cương quyết không đi xét nghiệm mà tự mình quyết định chắc tui nhiễm covid roài, rồi có mỗi việc kiểm tra cái chụp răng mà quá nửa năm vẫn chưa xong vì ông không biết nên chọn bác sĩ nào thay cho ông vặn răng một tay đã qua đời năm trước đây. Đến những chuyện phi thường nghiêm túc hơn như có nên lắp thêm điều hoà cho phòng khách mở rộng nhìn ra sân sau không, có nên thay mới hệ thống đường điện cho nhà biển không.

Quen tính bạn đời rồi, giờ tôi nghe gì cũng nhe răng ra cười và dùng đi dùng lại mấy công thức, thật đáng tiếc [khi nghe vậy], dũng cảm lên, ừ cứ làm sao mình cảm thấy thoải mái là được. Và khi nghe đủ chuyện cà ràm của bạn đánh chén xong, tôi phát hiện, kỳ thực ông lão nhà mình ổn mà. Chứ cứ như tình hình ở xứ mình lúc này, mấy cái cột điện nếu biết nói năng hẳn đang gào lên, chúng tui muốn sang Mỹ quốc chứ chẳng đùa a :-)))

hiên nhà biển - ơ cái cây cụt đầu đâu mất tiêu roài?

mớ củi mới xin từ cây mới đốn bên vườn nhà hàng xóm

cà chua vườn nhà biển

vườn sau, ngó sang vườn ông cha hàng xóm