Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

bay hồi hương "trục lợi" - sao giờ các bác mới nói a

Grapevine - bắt đầu hành trình "hồi hương"
(1)

Thời gian gần đây, tôi không quá chú tâm nhưng có thể nghe ra mùi vị của một sự gia tăng "thái độ" liên quan đến việc mở lại các đường bay quốc tế "bình thường". Và sau hơn một lần nghe nói về bài báo với cái tít có phần gắt trên trang mạng nhện VnEconomy.vn - Chấm dứt ngay chuyến bay hồi hương "trục lợi", sóm nối thông đường bay thường lệ quốc tế thì sáng nay tôi nhận được chia sẻ đường dẫn đến bài báo này. 

Tôi không đọc từng câu từng chữ. Chỉ là lướt qua. So với vài nội dung "tố cáo" được vài người đưa tin trên mạng nhện trích dẫn, bài báo của tác giả Ánh Tuyết xét về cái ruột bên trong thực hiền hơn nhiều so với cái nhãn bao bì sản phẩm. 

Dù thế nào thì chí ít, tôi thấy được chút quen thuộc nào đó khi liên hệ câu chuyện của mình, câu chuyện mà tôi không đến mức chủ trương "sống để bụng, chết mang đi" nhưng về căn bản là tôi lờ lớ lơ, không đả động đến vài khía cạnh nhất định, đặc biệt là cái phần liên quan đến đồng tiền và quan hệ.

(2)

Hồi hôm Tết Nguyên đán, tôi nỉ non viết email cho cô bạn thân "nhờ vả". Bạn hồi đáp tức thì và bảo yên tâm "ăn Tết" rồi gia đình bạn sẽ lo việc này cho tôi. Cuối email, bạn bảo, tình hình của mày chưa là gì cả, nhiều người bi đát lắm. 

Sau đó vì vài lý do phát sinh, tôi không nhờ bạn nữa mà chuyển sang "ăn vạ" ngay chính người nhà. Chuyện được giải quyết thực chóng vánh, hai ba cú phôn, hai ba lần hỏi thêm thông tin... và thế là "chốt kèo". 

Tôi nghèo rớt mồng tơi, đương nhiên giương cái bộ mặt của kẻ vô tội, gia đình phải lo thôi. Chẳng ai kêu ca than phiền đắt rẻ, có được đường về là tốt lắm rồi. Duy nhất một điều, ông lão chủ chi hỏi đi hỏi lại tôi, thế có chắc được ở khách sạn tốt 4 sao không, thế có sợ bị người ta gạt không. Ông tư duy theo kiểu người xứ ông, cái gì cũng phải có hoá đơn chứng từ cam kết ký cọt đàng hoàng, giờ thấy giải quyết cắc-bụp phong cách Giêm-Bông 4.0 kiểu Việt Nam thế này, ông cứ gọi là há hốc miệng, trợn tròn mắt. 

Đôi ngày trước lịch bay, thông tin về cách ly không còn là khách sạn 4 sao mà là khách sạn zê-rô sao: cách ly tập trung tại Bình Dương. Ông lão nhà ta bận bịu với câu hỏi, ơ sao lại không đúng như mô tả hàng hoá nhỉ. Còn con giời thì kiễng chân vỗ vỗ vai ông, về được nhà là tốt lắm rồi bạn già ơi.

(3)

Ở Tân Sơn Nhất, chúng tôi vạ vật chờ đợi xuyên đêm để được trèo lên xe đưa về khu cách ly. 

Thời gian đó thực là lý tưởng cho các màn tam cô lục bà mà người tham gia không chỉ có giống đàn bà, thực tế là các anh các ông tám cũng vô cùng ác liệt. Và một trong những chủ đề vàng của đêm rạng sạng ngày hôm đó là về đợt này, bác chi bao nhiêu.

Cái góc tôi ngồi xem ra chẳng có ai được phần miễn phí, đích thực được "giải cứu" như tuyên truyền cả. Giá "dịch vụ" được kể ra cứ gọi là vô thiên lủng. Rẻ đôi ba ngàn đồng tiền Mỹ. Còn đắt kỷ lục trong đám đàn bà tám đó, là một cô mặt rầu rĩ khi nói ra con số gần cán đích 12 ngàn Mỹ kim bao gồm trong đó cả tiền vé máy bay. Tôi ngồi im giữa các bà các cô với quá nửa vì nóng đã lột sạch bộ đồ xanh bảo hộ, khẩu trang thì lơ lửng mỗi cái quai lòng thòng một bên tai: mình không phải là con mồi béo nhất :-)

(4)

Về đến Bình Dương, chui tọt vào phòng cách ly, sau đôi ba ngày thì tôi như cá gặp nước, vui vui vẻ vẻ sống những ngày cách ly chờ tới hẹn được "cấp bằng tốt nghiệp" - diễn đạt của Chị TM chỉ việc hoàn thành thời gian cách ly tập trung. 

Trở nên thân cận với các thành viên trong phòng, tôi nghe thêm được đống chuyện hay ho liên quan đến chuyến bay hồi hương này.

Theo lời cô quê ở Bắc Ninh lanh lợi và thạo việc, giá dịch vụ xê dịch từ hai đến ba ngàn đồng Mỹ. Thường thì anh chị em nào ở ngay Cali sẽ có cơ gặp được nhà cung cấp dịch vụ giá mềm. Rồi cô bồi thêm, nhưng mà nhớ nhá, chuyến bay nào cũng chừng 20% là "miễn phí". Gia đình Đà Nẵng cùng cô khi thấy mặt tôi nghệt ra trước chi tiết 20% miễn phí này thì ra sức giải thích. Đại ý rằng thì là mà sứ quán nó cũng phải ra vẻ tử tế chút chứ, chứ ai cũng nã tiền thì có mà loạn à. À thì ra vậy. Mà đúng thật nhá, cái nhà hai mẹ con thiếu chút là bạn cùng phòng của chúng tôi đợt này, họ đúng là ất ơ ăn may, đăng ký chuyến bay chơi chơi rồi ngày đẹp trời nhận được thông tin chấp thuận và cứ thế là thu xếp hành lý về nước "chơi một chuyến" không tốn bất cứ khoản đưa đẩy nào. 

(5)

Tôi ru rú trong phòng, không có trò thò mặt ra tám với bà con các phòng kế cận. Nhưng bác gái Đà Nẵng thì khác, thi thoảng bác đột nhiên biến mất, và hầu như lần nào quay lại phòng, bác lại có cả đống chuyện hay ho kể cho các thành viên người lớn trong phòng nghe. 

Qua nhiều mẩu chuyện vụn vặt của bác gái, tôi mơ hồ cảm nhận, xem ra chỉ có mình bi đát, dứt khoát phải hồi hương bằng mọi giá. Chứ còn lại ý à, cứ như thể bà con có một chuyến về nước chơi bời thăm thú bà con họ hàng vậy. 

Cô Bắc Ninh không vội hồi quốc nếu không phải vì mớ ai-phôn xách tay đưa về Việt Nam đúng dịp đảm bảo bán đắt như tôm tươi. Nhà Đà Nẵng vợ cắp nách đám con về với tinh thần đánh ghen với đám bồ của tay chồng và cũng là tranh thủ chốt kèo mua thêm đôi ba căn hộ chung cư nơi thành phố biển, đó là chưa kể ý định ra Thu Cúc ngoài Hà Nội xử lý cái mặt của mình. Rồi mấy cô mấy bác ở mấy phòng kế bên, tôi chích ngừa đủ rồi, an toàn rồi, về nước chơi một chuyến cho đỡ nhớ. Úi chà!

Cảm nhận mơ hồ của tôi càng trở nên rõ nét khi chúng tôi rời Bình Dương đi Tân Sơn Nhất. Anh kia mặt mày hớn hở với bao lớn thùng nhỏ, đợt này tranh thủ đánh hàng về kiếm chút. Nhà nọ bọn em thẻ xanh rồi cũng chẳng vội gì nhưng vì ở Mỹ mãi cũng chán, tiêm đủ rồi thì về nhà chơi, sợ gì. 

Chỉ duy nhất vài bạn trẻ thì xem ra đúng là ở tình trạng "kẹt" giống tôi. Tốt nghiệp rồi, bọn em phải về thôi!

(6)

Trừ ấn tượng ban đầu về phòng ốc cách ly rất chi là tệ thì thật mau tôi chẳng có than phiền gì. Thậm chí, tôi nghĩ mình cần bày tỏ một thái độ biết ơn với cái thể mang tên Nhà nước, Chính phủ. 

Bất luận chuyến bay hồi hương nào, nơi chốn cách ly nào, chuyện xấu tốt ra sao tôi không biết thì dứt khoát không bàn loạn. Nhưng ở khu cách ly tập trung Thị xã Bến Cát này, nếu chỉ được chọn một từ để tổng kết, tôi sẽ dứt khoát nói ra hai chữ tử tế.

Cô Đà Nẵng có kinh nghiệm bay hồi hương, bay giải cứu như đi chợ cười phớ lớ bảo, so với những lần trước ở cách ly trong khách sạn sao lớn sao nhỏ, lần này cô tiết kiệm được cả mớ tiền, tính ra đủ làm cái mặt ở Thu Cúc. Rồi cô lại nói, mà ở thế này sướng hơn khách sạn 4 sao nhiều. Phòng khách sạn sang chảnh đấy nhưng đâu có thoáng như ở đây. Về sự ăn uống thì cơm "công nghiệp" thế này còn ngon hơn nhiều cơm hộp khách sạn a. Đó là chưa kể đến giờ nhân viên y tế qua đo thân nhiệt, phát khẩu trang mỗi ngày, bà con vẫn có thể hỏi han dăm câu ba điều hay yêu cầu này chi chi nọ, đại loại là rất có không khí "con người" thân ái với nhau. 

(7)

Tôi về Hà Nội an toàn. Sau chút ngỡ ngàng lúng túng thì tôi rất mau thích ứng nếp sống, nếp nghĩ thị dân dưới đáy quen thuộc của mình.

Lão Tiên sinh có đôi bận thắc mắc về cái khoản chênh khách sạn 4 sao như cam kết với thực tế tôi cách ly tập trung và tự chi trả một khoản tính ra gần 100 đồng tiền Mỹ. Ý của ông lão là "bên kia" phải hoàn tiền khách sạn. Tôi cười ha ha ha trong điện thoại, Ông thế là không hiểu Việt Nam roài Ông ơi! 

Mà một ông Mỹ thì lại càng dứt khoát không hiểu được chuyện tại sao đã mất tiền rồi mà lại còn phải "biết ơn" nữa. Chuyện là tôi nhờ vả bắc cầu, vác được cái thân về nước thì đương nhiên phải chịu ơn giúp đỡ của từ người nhà mình tới hảo bằng hữu của người nhà mình. Chuyện này tôi gọi là "vì cái mặt" [thể diện]. Vì covid, nên cái sự biết ơn và giữ thể diện kia thực tôi cũng chỉ bày tỏ bằng lời. Người nhà nhắn nhủ, bình thường thì qua cám ơn người ta một câu, nhưng dịch dzọt thế này thì thôi không cần. Tôi nghe vậy coi như an tâm, mình làm đủ mọi "thủ tục" lễ nghi rồi :-)

(8)

Chuyện tôi kể ra bà con xung quanh cười hi hi ha ha trận lớn trận nhỏ. Chẳng ai tiếc rẻ cái khoản tiền khách sạn kia cả. Ai cũng sảng khoái an ủi, về được là tốt roài!

Và ngay cả bạn đời, một ông lão chi tiêu chắc nình nịch, cũng rất mau quẳng ra sau gáy cái thắc mắc về khoản chi khách sạn mà không có khách sạn, gật gật gù gù, Việt Nam là thế, và lại tiếp tục gật gật gù gù, thật là tốt khi chuyện đã xong. 

(9)

Thời gian này, nghe sự gia tăng thái độ của "công luận" về các chuyến bay hồi hương, tôi thi thoảng nghĩ vẩn vơ tý chút.

Thực sự cái sự gia tăng này là xuất phát từ những phàm dân thấp cổ bé họng hay đã đến thời điểm nhiều lực lượng kinh tế chạm điểm cực hạn của sức chịu đựng và bắt đầu lên tiếng?

Các thông tin dẫn cứ được nêu ra trên mặt báo chí tạm gọi là chính thống còn chung chung, còn mềm mại lắm. Sang đến bức xúc được xả ở các nội dung còm [comments] thì thực mới là một màn ẩn ức tích tụ lâu giờ nổ toang. Cái nhà bán vé độc quyền kia được gọi tên. Toà đại sứ được gọi tên. Còn thiếu vài cái tên cụ thể nữa nhưng mấp mé thông tin xem ra cũng bắt đầu phát lộ. 

Tôi không thích hùa theo đám đông kêu gào rủa xả. Giờ, tôi chỉ nghĩ, làm thế nào để những đứt gãy đình trệ bấy lâu được thuận lợi liền lạc trở lại. Trong một tình hình mới mà ai ai cũng phải có ý thức "cảnh giác", cũng phải thường trực đeo miếng vải che mồm miệng. 

Những phê phán, những đặt vấn đề về tổ chức bay hồi hương và sự cần thiết phải mở ra các chuyến bay bình thường trở lại, tôi không phản đối và thực là rất ủng hộ. Nhưng hãy cẩn thận! Bởi nếu không, câu chuyện cuối cùng sẽ chỉ là phê phán một chiều, bỏ qua hết những sự thật là cái hệ thống này, cái Nhà nước này, bên cạnh những chỗ không tử tế hay chưa tử tế, không hẳn là không làm gì cả

Hơn nữa, trong cả một tổng thể với vô vàn vấn đề, sẽ là rất ngốc nếu không nói là ngu ngốc khi nghĩ rằng gọi mặt chỉ tên đấu tố thì sẽ giải quyết được một vấn đề. Cứ nhìn sang mảng y tế mà xem, từ xét nghiệm tới chích ngừa còn ngổn ngang lanh tanh bành kia kìa. Các bác công luận "bới" vấn đề ra mà chẳng có hướng giải pháp nào ra trò, hoặc bới ra rồi thì để khắm khú cả nhà cùng hưởng, làm thế thì làm chi cho cực a. 

Tôi vẩn vơ nghĩ mà dứt khoát không nhớ được cụ thể là ai đã nói điều này. Đại ý là xét về tâm lý, con người ta rất giỏi ở chỗ tập trung vào vài điểm xấu và chì chiết nói đi nói lại, nói đến mức cuối ngày nhìn lại, hoá ra tất cả chúng ta sống trong một đống "sít". Mà thực sự thì ngày trôi qua, chúng ta vẫn hưởng gió, hưởng nắng, hưởng ánh sáng ngày mà!

Quan trọng vậy là chúng ta sống tiếp, nhìn vào cái ngày mai kia kìa :-)))

(10)

Tôi nắn nót gõ chữ trả lời chị bạn gửi đường link bài báo kia.

Rằng thì là mà, Đạo đức giả bỏ mịa :-) Giờ các ông chủ đói quá thì mới lên tiếng chứ dân kêu lâu rồi mà ai dám kêu thay!

xuyên đêm Tân Sơn Nhất - đợi về khu cách ly

cơm cách ly - không quá tệ như tưởng tượng trước đó

"tốt nghiệp" rồi, nhà cháu về Hà Nội thân yêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét