Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

cô-vít tệ đến thế nào thì ta vẫn phải sống tiếp thôi

cấm người lạ? - ấy, thế còn phòng khám?
(1)

Cô người quen kể chuyện em gái sống ở Sài Gòn, yên yên ổn ổn suốt đợt dịch vừa qua, đến hôm rồi có tủ hỏng phải sữa chữa chi chi thì để hai chú thợ vô phòng có cái tủ làm việc liền ba ngày. Hai chú này khi làm việc trong phòng không đeo khẩu trang, còn chủ nhà vẫn che đậy kỹ càng mồm miệng.

Việc sửa chữa xong cũng là lúc cô chủ nhà thấy người ương ương. Khi cảm giác khó chịu lên mức báo động, cô mua bộ xét nghiệm nhanh tự kiểm tra. Kết quả: hai vạch. Coi như bao công sức tự bảo vệ bản thân mấy tháng rồi hoá thành công cốc.

Cô người quen kể chuyện này không phải tuýp đàn bà yếu bóng vía, nhưng phản ứng với con cúm Tàu của Cô tính ra cũng thuộc hàng vô cùng quyết liệt, vô cùng cẩn trọng. Tôi nghe chuyện thấy là lạ, sao Cô kể cứ như chuyện sáng nay ra chợ gặp được mớ dưa chuột ta sạch vườn nhà nên mua liền mấy cân ý nhỉ. Rồi tôi ngẫm ngẫm nghĩ nghĩ và đoán định, hẳn qua bao thời gian sợ hãi, lo lắng và sợ bóng sợ vía thì giờ Cô cũng giống tôi và nhiều người khác trong thành phố này, không hẳn là bất cẩn đời kệ-mịa chuyện đến đâu thì đến, nhưng thực là cạn kiệt tinh thần và sức lực để căng người ra phòng và chống, và bắt đầu một chuỗi thời gian sống mới với một thái độ có chút phần cá cược ăn may, thôi thì cứ phải tuỳ tiện sống tiếp thôi.

(2)

Những ngày này tôi nghe không ít chuyện kể bi-hài-cúm-Tàu hoặc trực tiếp từ người quen biết hoặc có tính bắc cầu về những người tôi không trực tiếp quen biết nhưng là đồng nghiệp hay họ hàng, bằng hữu của những người tôi quen biết. 

Chuyện là ngày đẹp trời tự dưng nhân vật trong chuyện kể phải dừng hết mọi sự ngồi im trong nhà chờ loa phường nhắc đi ngoáy mũi. Lý do? Vì các vị này sống chung con ngõ hay toà chung cư với một F0 nào đó. Thế là phong toả. Thế là có khả năng [bị] cách ly. Đại loại thế.

Mới nghe lần thứ nhất, còn thảng thốt, còn lo lắng cho người mình quen biết. Nghe đến lần thứ n, ừ đúng là không may đi. Rồi ngẫm lại chính bản thân, ai mà biết không chừng ngày mai chính mình dính chưởng chung tầng lầu hay đi cùng thang máy với một bác F0 ý chứ. Thế là chuyện từ gây sợ thành chuyện... bình thường thôi!

(3)

Vòi sen hỏng từ hồi Hà Nội giãn cách. Lúc đầu nước rỏ xíu, lại trong hoàn cảnh "ngưng" thì chị em trong nhà bảo nhau, cố chịu vậy.

Thành phố hết giãn cách, nước rỏ nhiều hơn thì chị em trong nhà lại có chút hốt hoảng, sợ có người lạ vô nhà. 

Đến lúc nước ri rỉ, đã thế lại còn gây tiếng ồn, như một dạng tra tấn, khủng bố tinh thần thì chị em trong nhà cóc chịu được nữa, cuống quýt hỏi thăm hỏi nom thầy thợ và thông tin bộ sen vòi tốt tốt phòng trường hợp phải thay đồ.

Cậu thợ được mời đến ngó tình hình, xem mau và phán mau, không sửa được, phải mua mới. Sáng thứ Bảy, con chị làm xe ôm chở con em trưởng phòng tài vụ đến cửa hàng đại lý của một hãng to đùng. Bước vào cửa tiệm rất oai phong lẫm liệt, lời mở ra là em ơi, cho chị xem bộ sen vòi nào giá rẻ nhất. Đúng đợt khuyến mãi, món hàng rẻ nhất được khấu trừ 20%. Nếu nhờ người quen mua thì phần trừ lên tới tận 30% nhưng TL không muốn nhì nhằng bắt người quen phải chạy xe nửa vòng thành phố thì vui vẻ với cái ưu đãi ban đầu. Cậu thợ quay trở lại nhà căn hộ để lắp đặt thay mới bộ sen vòi. Xong xuôi hết thảy, TL hoan hỉ, biết thế thì mình thay cái này từ lâu rồi chứ sao khổ vậy.

Còn tôi thì tự soi xét bản thân, hoá ra mình vẫn sợ a. Sợ cái chuyện hôm nay vô cửa tiệm kia. Sợ cái chuyện có cậu thợ bước vô nhà. 

(4)

Đến cuối chiều khi Em S. đến dọn nhà thì tôi đã quên sạch sẽ cái lo lắng hồi sáng. Vì lại một lần nữa, chuyện chẳng may một con phố, một toà nhà dính chưởng phong toả, ngoáy mũi và cách ly hoá ra... bình thường thôi. 

Cho tới khi S. nói, giờ em chỉ lên giúp các chị. Còn nhà bình thường em vẫn làm ngày Chủ nhật thì đợt này em thôi rồi. Vì sợ!

Ôi, thế là cái nỗi sợ mơ hồ kia, nó lại quay lại, ngự trị trong tôi a :-/

(5)

Lảm nhảm vậy thôi, chứ giờ nghiêm túc phi thường mà nói, tôi tâm tâm niệm niệm, mình cẩn thận nhất có thể khi đi ra ngoài; bỏ hết mọi trò la cà lêu lổng không cần thiết.

Còn lại, phó mặc cho Ông Giời!

ngã tư chợ dân sinh - bạn này dứt khoát không khẩu trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét