Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

phải thế này mới là ngày đông

cấm đội khi ra khỏi nhà
ấm áp và vui vẻ mũ đan Mẹ làm cho con gái già
Giày lười Bass để ở nhà biển, ở Hà Nội tôi lôi đôi New Balance cũ ra dùng. Cảm giác ấm áp và an toàn.

Khăn Bompard để ở nhà biển, ở Hà Nội ngay cả khi trời lạnh cũng không đến mức phải dùng bạn này, tôi hài lòng với con mèo đen DG mà TA mua cho từ mấy năm trước và trong một thời gian dài tôi luôn cho là quá đồng bóng.

Mũ sợi hemp thủ công Nepal vui vẻ suốt cả ngày từ trong nhà ra ngoài đường. Nhưng thi thoảng lên cơn thì con gái già ở Hà Nội chuyển sang đội cái mũ len xanh có tai do Mẹ đan ở nhà Bắc Ninh. Có con dở tự ngắm mình trong gương rồi khe khẽ thì thào, mình thật giống một con dở.

Áo khoác Joules để ở nhà biển, ở Hà Nội tôi phát hiện Musto thực rất ổn, giúp tránh mưa tránh gió và đảm bảo ấm hiệu quả 3 trong 1. 

Tôi lười bôi kem giữ ẩm. Điều này không có nghĩa là tôi không cần bạn ấy. Và hương lựu của ống kem bôi tay thi thoảng ở trong tầm mắt quả tuyệt vời.

Mùa đông có lạnh, có mưa phùn. Phải vậy mới là mùa đông Hà Nội!

khăn "đồng bóng" và kem tay điệu đà cho tuổi già

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

hà nội mình có lợn và có dê

Tôi nghĩ mình hoa mắt. Lại gần, đúng là lợn. Ba bạn ủn ỉn đen đen mông núc ních dúi dúi mõm cào cái nền đất cát bụi mù.

Qua chỗ đường nhỏ ven cái hồ to, tôi lại nghĩ mình hoa mắt. Lại gần, đúng là dê. Một mẹ bầu tương lai đang lững thững sang đường. Và vì tôi rất tôn trọng cái sự kiêng kị không chụp hình bà bầu nên bỏ qua tiết mục dừng xe làm phó nháy. 

Hà Nội có ngàn vạn những mẩu chuyện nhỏ của ngày hài hước như vậy. Chị dê sắp hạ sinh thì không nói làm gì. Còn về ba thủ trưởng ỉn kia, tôi thực thà có nhiều thương cảm, [vì] không rõ các đồng chí có sống sót qua cái Tết này (?)


nhà rừng có chi mới: máy tuyết

Có vẻ như sự việc ông hàng xóm nhà trên núi bị dính cúm Tàu có tác động sâu sắc tới ông lão nhà ta. Vừa là chuyện nhẩn nha suy nghĩ nhân tình thế thái và mệnh người. Vừa là lao xao tính toán, giờ ai cào và xúc tuyết giúp mình đây.

Sau mấy lần tích tắc tính toán, lão Tiên sinh mau ra một quyết định làm ông tốn một khoản có thể nói là kha khá. Tôi trêu đùa, mấy cái máy đó giá tiền là bao nhiêu ta. Tức thì câu trả lời nhận được là một vòng vo phong cách con tằm nó nhả tơ... mà chờ mãi chẳng thấy cái đoạn phú ông bị cháy áo, tức mấy cái máy đó giá bao đồng tiền Mỹ. 

Tất nhiên là tôi chẳng quan tâm chúng tốn kém là bao. Quan trọng là có ông lão ở nhà rừng đang hoan hoan hỉ hỉ như thằng nhóc đến mùa Giáng Sinh được tặng quà :-)

tractor về nhà được mấy hôm thì phải gửi lại tiệm xem xét,
đồng nghĩa với việc ông lão nhà ta không thể lao vào rừng

đây nhá, không có tuyết thì máy hoá đồ chơi :-)

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

nhà là nơi ta sống: bởi đây là hà nội

nhà Hà Nội hè 2011
(1)

Mấy tháng rồi, có thật nhiều chuyện bi-hài xảy ra xung quanh một chữ nhà.

Cơn điên loạn nhà đất, hay nói một cách hoa mỹ là bất động sản, tôi nhìn, nghe, đọc xem ra đã đủ. Và từ rất lâu. Về căn bản, với một người có xuất phát điểm nhàng nhàng trong tất cả mọi sự, bao hàm cả ý chí phấn đấu như người thiên hạ ngoài kia và là điều tôi vô cùng kém nếu không nói là ở mức zero, tôi chẳng màng để ý. 

Tất nhiên là thi thoảng nghe chuyện ai đó, đến nhà ai đó ngó một cái thì con giời cũng có chút xóc nảy, cũng có chút hoảng hốt, cũng có chút vội vã. Nhưng rất mau, tôi lại thấy mình ở trong nhà Hà Nội quen thuộc, trong cái ổ heo - phòng gỗ chừng mươi mét vuông với rất nhiều món đồ gỗ, rất nhiều sách, và ô cửa nhìn ra vườn ngập tràn sáng cùng xanh mướt. Tôi thấy ổn!

(2)

Khi trong cái cuộc đời lộn xộn và nhàng nhàng của tôi bất ngờ có một quyết định và sau đó là một hành động to, mang tên hôn nhân, thì nhà bỗng hóa thành chuyện. 

Trong nhiều tháng, tôi chẳng khác nào bọn cún quen mùi xí chỗ, ở nhà căn hộ thì ở đó nhưng vẫn tranh thủ và nại đủ kiểu lý do để tót về nhà Hà Nội, rúc trong cái ổ của mình.

Chỉ đến khi quay về Việt Nam trong hoàn cảnh covid, tôi mới bắt đầu đánh giá cao nhà căn hộ, nơi tôi có đủ không gian để yên ổn tự cách ly sau hơn hai tuần cách ly tập trung ở Bình Dương. 

Rồi nhà Hà Nội cũng sang trang mới, chúng tôi chính thức coi nhà căn hộ là nơi trú chính. Chẳng còn lý do chi để quay về nhà cũ

Nhìn bề ngoài mọi chuyện có vẻ hết đỗi bình thường. Nhưng trong dạ, tôi biết mình đã qua thực nhiều lăn tăn, xáo trộn, thậm chí là vật vã để thích nghi.

(3)

Và thế là cứ tự nhiên ngấm ngấm mà tôi bắt đầu biết thêm nhiều chuyện về các giấc mơ ngôi nhà riêng

Ngôi nhà riêng cho cả hộ gia đình nhé, chứ không phải căn phòng riêng - a room of one's own đậm mùi triết lý nữ quyền của nữ sĩ Woolf.

(4)

Tỷ như đàn anh có căn hộ cao ngất ngây, cả về độ cao hình lý lẫn độ cao của túi tiền bỏ ra mua nó, luôn tự hào rằng thì là mà tòa nhà anh sống nằm trên một cái "túi" khí phong thủy vô cùng quý của Hà Nội. Tôi đến nhà Anh, ngó Hà Nội từ phòng khách, thấy rặt mái nhà lợp tôn đỏ xanh cũ mới cùng các bình nước Sơn Hà.

Tỷ như có căn hộ kia giới thiệu em đây viu [view] Hồ Tây, đến nơi coi, úi chà, cứ phải là nghiêng vẹo lệch sườn thì thấy được xíu mặt nước của cái hồ to. Sau có người giải ngố cho tôi, quảng cáo nhà là phải vậy.

Tỷ như có anh rao bán căn hộ, trình bày ý kiến dài hơn cả đít-cua của ông tổng về công tác nội chính cách đây đôi ba tháng, nêu rõ hành trạng nghề nghiệp của mình, nỉ non tôi đây yêu nhà lắm nhưng vì muốn xuống đất [nhà đất] nên mới rao bán căn hộ này, đầy tự hào nhà tôi rộng rãi lại quay mặt nhiều phương lắm hướng ánh sáng ngập tràn quý Anh Chị nào chuyển tới thỏa chí sáng tạo [về trang trí nội thất], và cuối cùng là đám ảnh mà anh này úp lên minh họa làm người xem tưởng mình đi lạc, đây là xem nhà hay xem đồ nội thất phong cách Liên hợp quốc thấm đẫm tinh thần nhà giàu mới nổi hả anh?

Rồi nữa, những căn nhà ống giá trên trời, cứ đôi ba chục đến cả trăm tỷ đồng tiền Việt Nam, cứ gọi là chằn chặn mở cổng cũng là mở cổng nhà, chẳng có chút xanh nào của vườn hay thoáng đãng nào tầm nhìn vì nhìn phải nhìn trái nhìn sau đều là tường nhà hàng xóm. Chưa kể có trường hợp nhà kia có thằng cha đối diện có khi lôi gái về khú khí mà quên đóng cửa, bố con ông bên này cứ gọi là xem miễn phí, xem chán gọi luôn cả mẹ nó lên coi cùng. Tôi nghe chuyện đó mới đầu thấy gia đình-khán giả kia có chút "bệnh hoạn", sau nghe một bạn sống dưới khu Times kể, tao xem cảnh ấy có mà đầy. Hết chuyện!

Tất nhiên là có những nhà biệt thự, theo cả nghĩa đen chân chính lẫn nghĩa phóng đại bởi bọn chủ đầu tư lẫn khách hàng của chúng, thực không tồi chút nào. Đảm bảo có vườn, đảm bảo có mặt nước hồ nhân tạo. Những nhà, những căn hộ đó nằm ngoài mọi năng lực tưởng tượng của tôi khi nói về giá tiền. Bọn này, tôi cóc quan tâm.

(5)

Tôi, chúng tôi muốn tìm một nơi chốn của riêng mình.

Trong hành trình đó, tôi được chứng kiến không chỉ phong phú đa dạng về nơi chốn mà còn cả về tâm tính con người. Đặc biệt là thứ mang tên lòng tham

Cái lòng tham nó làm con người ta ngoắt nghéo trong lời, sẵn sàng trơ trẽn kiếm đại một cái cớ hết mực vớ vẩn để lật kèo

Cho tới giờ, tôi quen sống trong một thế giới xã hội dù lộn xộn mấy thì vẫn cứ là lành, quen với việc nói A thì dứt khoát là A, gặp phải một quý nhân vật như vậy thì vừa choáng vừa bực.

Nhưng đến cuối ngày, tôi ngẫm nghĩ, một kẻ mà ăn cơm tiệm thanh toán tiền chùa cả nhiều triệu đồng nhưng dứt khoát đứng chờ để được thối hai ngàn đồng tiền - 2.000 đồng nhá - thì cái sự bé mọn nó lớn là bao, cái sự đàng hoàng nó nhỏ đến mức nào hẳn chẳng phải là câu hỏi đáng đặt ra, lại càng không đáng thảo luận. 

(6)

Giữa những cuộc "thám hiểm" nhỏ trong góc này của thành phố để tìm nơi chốn của riêng mình, chúng tôi còn có không ít dịp tự chọc cười lẫn nhau, bất kể cái cười đó là bi hay hài.

Tỷ như sáng nay, bỗng nhiên ông lão nhà ta thì thào so sánh. Rằng thì là mà nhà biển của ông dù chỉ là một tầng như có hầm, có [gác] mái tha hồ chứa đồ, diện tích ở gần 200 mét vuông, sân vườn bao quanh bốn phía, view biển chẳng tệ chút nào, rồi nữa là có bãi biển dùng chung với chưa đầy mươi nhà khác mà trên thực tế ông chỉ chăm chỉ nộp tiền thuế chứ chưa dùng bao giờ... thế mà nhà đó giá còn chưa bằng nửa cái căn hộ xấu mù ở Hà Nội. 

Tôi cười hi hi ha ha, ấy sao Bác lại nói thế, chúng em đây là Hà Nội, Hà Nội đấy!

(7)

Hôm nay tôi thêm một nhãn mới cho cái bờ-lốc lảm nhảm cà ràm của mình.

Nhà là nơi ta sống!

Đó là giấc mơ, nhưng cũng là một nguyên tắc sống!

Tôi rất nghèo để mơ mơ mộng mộng này nọ nọ kia.

Đơn giản, dù ở đâu thì trong năng lực của mình, tôi, chúng tôi cố gắng tạo ra cái sự ấm cúng của riêng mình, cho riêng mình. 

Nghĩ thế quá khỏe hơn rất nhiều a :-)))

bắc ninh 28.12.21

Cảm giác về nhà Bắc Ninh trong thời gian của tuần làm việc rất lạ. Tôi thấy mình mất ý niệm về thời gian.

ngó bông đào đầu tiên

hồng hồng cúc cúc

su hào, xà lách, mùi... và chi chi nữa

hành nở hoa

mùi già

chanh vàng hay còn gọi chanh Mỹ
ở gần chanh Thái nên lai cái mùi

chanh Thái hàng xóm chanh vàng

con gái phường "trộm cướp" tha lôi rau củ về Hà Nội

áo cũ gần 20 năm tuổi, lôi ra từ tủ nhà Bắc Ninh
về Hà Nội nhà cháu đây vingtage

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

những mẩu vụn covid ký

Hôm trước tôi làm gì đó trong nhà căn hộ và để chạy youtube chương trình pháp thoại của một thầy chùa. Vị này có cảm khái một câu rằng thì là mà hồi tháng Ba năm trước, nghĩ đơn giản dịch bệnh chỉ sau chừng hai tuần căng thẳng thì cuộc sống ắt sẽ trở lại bình thường. Nào đâu ai biết lại rằng thì là mà cho tới giờ, con người vẫn loay hoay trong và với các vấn đề mang tên covid.

Hôm trước nữa, qua chị họ, tôi hay tin cô chức nghiệp chuyên cái món hồ sơ giấy tờ bài vở của tôi đã kịp trở thành F0. Chị họ loan tin này xong thì bình thêm câu, giờ F0 trong trường có mà đầy, [chuyện này] không có gì là bất ngờ. Nghe chuyện người này người kia mình biết theo kiểu bắc bảy cái cầu kiều mới đến nơi bị dính cúm Tàu đã không phải là chuyện lạ với tôi. Nhưng người thật sờ sờ ra đấy, người tôi có ít nhiều giao thiệp, đây là người đầu tiên ở trong vòng tròn xã hội mở rộng của tôi tại Hà Nội. Còn xa hơn chút, có thể kể thêm ông chủ gia đình nhà hàng xóm trên núi ở xứ cờ-hoa. 

Trong vòng chưa đầy một tuần tôi nhận được một chuỗi tin nhắn từ chị bạn cập nhật tình hình dịch bệnh trong toà nhà nơi chúng tôi sống. Đầu tiên là có bà tầng 6 đeo khẩu trang lên nhà Chị xin chữ ký giấy tờ liên quan sửa nhà, Chị kể bữa đó anh nhà không đeo cái món bịt mặt. Tôi không rõ hai người hàng xóm láng giềng này có tám chuyện dông dài không, nhưng chi tiết khẩu trang đeo và không đeo trong một hoàn cảnh bất thường như hiện nay quả không phải là chuyện tầm phào. Ngay ngày hôm sau của cái sự kiện xin chữ ký kia thì ban quản lý toà nhà cùng y tế phường phát ra cái thông báo nhà bà kia có F0 và bà kia với tư cách người cùng một nhà trở thành F1, và đương nhiên là chồng của chị bạn là F2 theo phân loại phổ biến hiện nay nơi xứ mình. Lại đôi ba ngày sau thì bà kia hoá thành F0 và hàng xóm của bà trở thành F1. Từ hai hôm nay tôi không nghe tin từ bà chị về chuyện này. Hy vọng mọi chuyện ổn.

Chiều hôm qua có việc phải ra nhà thuốc, tôi vừa thanh toán vừa tranh thủ hỏi han mấy câu ngoài lề với bạn đứng quầy. Nói là chuyện nhưng thực là tôi phàn nàn vụ cần mua aspirin trẻ em cho người già trong nhà mà không được. Bạn nhân viên giải thích một hồi rồi nói ra chiều an ủi tôi, chuyện nhà cũng chẳng phải gấp gáp gì, mà nói chung là không nên tự tiện uống thuốc nên không có cũng chẳng sao. Nghe cũng có lý. Vấn đề là từ nhiều năm nay có cả một câu lạc bộ các ông già chăm chỉ uống asprin dành cho trẻ em và chuyện cứ là bình thường như vậy cho đến khi người ta nhấn mạnh thuốc này giúp phần nào trong cuộc chiến chống cúm Tàu và bỗng dưng nó hiếm, nó thành không thể mua được nếu không có đơn của bác sĩ chuyên khoa. 

Đột nhiên bên cạnh tôi xuất hiện một ông khách mang bộ dạng của một tay có nhà mặt phố Hoàng Hoa Thám chuyên bán cây cảnh hay đồ làm vườn, bán thì ít mà tếch ra quán nước ngõ bên rít thuốc lào và bình chuyện thời thế thế thời tầm cỡ quốc gia và quốc tế thì nhiều. Anh này giao dịch với cô phụ trách quầy bên, tính về khoảng cách thì ở xa chỗ tôi đứng chừng non nửa mét. Anh dõng dạc, cho anh mua bộ kít-tét. Cô nhân viên nhà thuốc chu đáo giải thích mời anh xuống gặp bác coi xe dưới tầng hầm để mua. Anh không rời đi ngay mà lại tiếp tục dõng dạc, em có thuốc gì điều trị F0 thì bán cho anh. 

Đúng lúc tôi kết thúc màn giao dịch và tán gẫu với anh bạn đứng quầy nên rời đi, và không biết sau đó anh kia có mua được thuốc trị cúm Tàu hay không, điều mà tôi đồ rằng là không. Trở về nhà, tôi cứ nghĩ mãi về chuyện này thì cười khơ khơ một mình với mình như một con dở. Chỉ đến tối nhân TA gọi điện về thì tôi mới có người để kể lể. Kể xong chuyện, con giời tiếp tục cười khơ khơ, lần này là với bạn ở tít tắp mù khơi, rằng thì là mà tôi chẳng lo hay sợ gì bà ạ. Quả thực là lúc đó tôi cứ tự giác, tự nhiên mà hành động, như thể cuộc trao đổi ở quầy bên chẳng có một sức mạnh mang tính hăm doạ nào cả. Điều mà có thể là chỉ đôi ba tuần trước, hẳn tôi sẽ coi là sự kiện to, là điều gì đó thật khủng khiếp.

TA kể chuyện dịch bên Pháp xong một hồi thì nói với tôi đại ý là, omnicron kia mà vào đến Việt Nam thì còn khiếp nữa. Chả biết khiếp thế nào thì giờ tôi đã quen với tiếng còi xe cứu thương đều đặn vọng lên từ dưới đường lên nhà căn hộ. Tôi cũng chẳng có cảm xúc gì khi chạy xe qua phố dài một chiều Nguyễn Hữu Huân sáng qua thì đột nhiên phát hiện một đoạn phố cắt ngang đã bị quây rào với lố nhố nhân dân đứng xếp hàng chờ ngoáy mũi. 

Ôi cái thời covid này!

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

giáng sinh ta ở trong nhà: sống nỗi sợ, nghĩ việc tu và tổng kết chi tiêu

Tiếng xe cứu thương vọng từ dưới đường lên nhà căn hộ tầng cao giờ đã trở thành điều hết đỗi quen thuộc, và tần suất các hồi âm thanh này xem ra mỗi ngày một dày đặc. Tôi nghĩ, cũng là hợp lý khi các con số thống kê về dịch bệnh trong thành phố liên tục nhảy nhót một chiều hướng lên trên. Người thiên hạ dung dăng dung dẻ đi chơi Noel, đặc biệt các bạn trẻ. Hôm trước tôi còn học được một từ mới boxing day - ngày tặng quà với thông tin về một "hội chợ" được tổ chức ở chỗ hai con rồng xi măng xấu mù chỗ cái hồ to. Người ta là vậy, còn tôi đây nhốt mình trong nhà với cảm giác đau mỏi và mơ hồ lo lắng hay mình mắc cúm Tàu cùng chút dọn dẹp và suy ngẫm về năm 2021.

Tôi luôn tự nhắc bản thân, chớ kêu ca quá đáng, rằng thì là mà ngoài kia còn nhiều người khổ hơn mình. Nhưng nói vậy thì cứ nói, tự kêu than trong lòng trong dạ tôi vẫn rất chi là tích cực. Không phải là oán hận Ông Trời hay chính thể, chế độ chi chi trước các tin thời sự hoặc dữ hoặc xấu xí nối tiếp nhau mỗi ngày. Mà là tự trách bản thân, kiểu biết vậy thì mình đã sống tử tế hơn. Tất nhiên là chẳng ai có thể quay ngược bánh xe thời gian, vậy nên sau một hồi phản-tư thì con giời quyết định từ nay mình sẽ tu. Vấn đề là tu gì, tu như thế nào thì cứ từ từ tính tiếp a :-)

Năm nay 2021, tôi vẫn tiếp tục ngu ngốc trong chi tiêu. Nhưng nếu so với các năm trước đó thì tiến bộ xem ra không phải là ít. Gần như không mua quần áo giày dép mới. Sách truyện mua rất ít. Ăn uống bù khú hay cà phê cà pháo bên ngoài gần như là zero. Đồ gỗ món lớn không mua. Vòng nhẫn đặt làm không. Xì-pa hay phít-nét tuyệt đối không. Thậm chí đồ chăm dưỡng đã gần hết con giời cũng chẳng buồn nghĩ đặt mua mới. Nội dung chi tiêu ấn tượng nhất của năm là liên quan đề mục thủ công: một bạn rồng bao tử, một đống rổ rá và đặc biệt là thổ cẩm ghép từ các miếng đệm tới tấm rèm treo che ô cửa sổ nhỏ.

sảo nhỏ được cạp viền và đỡ dụng cụ vẽ sáp ong

chọn hoạ tiết thổ cẩm và đặt làm túi cho TA

rèm che ô sắt chưa nhờ được người khoan tường
thì hoá phép thành cái bọc đệm cho ghế YNot

Giáng Sinh mình ở trong nhà uống trà sen

hình Chị MA gửi - ai ai đều ngoáy mũi a :-)

ở tiệm quen
đồ lỗi không đi hội chợ Boxing Day được
thì ở nhà làm cướp biển mùa Giáng Sinh

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

một món cơm lứt rang giòn thơm vị dầu dừa ghee

Gạo lứt huyết rồng Bảo Minh cộng với gạo lứt hỗn hợp Lundberg Wildblend Rice, hai bạn này được nấu cơm với mơ muối Nhật umeboshi, mấy miếng nhỏ phổ tai và thêm nữa là gói hạt trộn 16 loại để nấu cơm Hakubaku 16 mixed grains, món cơm thành phẩm ra mâm khỏi phải chê.

Nhưng cơm này còn ngon và đặc biệt hơn nữa khi gặp bạn dầu dừa ghee. Tôi biết nhiều người nấu nướng xài dầu dừa, lại biết có nhiều món người nấu dùng tới ghee, nhưng dầu dừa ghee thì chỉ khi TL đặt mua tôi mới biết. Cô em nói định dùng cho các món xào nấu rau củ quả. Chưa thử dùng xào rau nhưng rang cơm đã từng dùng tới một lần, tôi thấy dầu dừa ghee này coi như không tệ.

Lần này, cơm gạo lứt hỗn hợp được cho vô chảo nóng với chút dầu dừa ghee, đợi khi cơm nóng thật nóng thì hạ nhiệt bếp về mức thấp nhất rồi cứ thế liu ra liu riu nóng dần đều, chắc dần đều. Thi thoảng đảo qua đảo lại cơm rang trong chảo.

Cơm rang này rất thú vị. Thơm vị dầu dừa, thơm vị bơ ghee không phải là điều làm tôi thích thú nhất. Mà thích thú nhất là các hạt cơm lứt đó săn, chắc và đanh. Vì thế gọi cơm mà chẳng giống cơm, thực giống món gạo lứt rang bán trong mấy cái chai đựng nước khoáng tái chế được bán ở cửa hàng đồ chay hơn. Mà nghĩ kỹ chút thì vậy mà không phải là vậy, bởi lẽ các hạt cơm rang này không chỉ ngậy béo mà lại có chút mượt nơi đầu lưỡi chứ không chằn chặn thô tháo như các hạt gạo rang.

Cơm rang này cứ thế ăn không, không cần thêm thắt rau củ quả hay thịt thà làm bạn. Miếng nhỏ vô miệng, nhai kỹ, nhai chậm, nhai nghiền ngẫm. Ngọt!

Vậy, tôi gọi đây là món cơm lứt rang giòn thơm vị dầu dừa ghee :-)

* Lưu ý duy nhất: chỉ dùng ít ít dầu dừa ghee thôi, vì quá tay một cái là sẽ thành quá đậm đà, điều mà với người quen dùng hẳn chẳng sao nhưng với tôi kẻ tập tễnh làm quen với bạn này thì thực là nồng quá.

lần đầu làm món: mứt gừng chân quê

mứt gừng chân quê
(1)

Tập thể trường Kinh tế kế hoạch (sau là Đại học Kinh tế Quốc dân) có toà nhà cao tầng mới đẹp ở gần khu nhà ăn sinh viên, trông ra cái ao lớn và có thể nhìn thấy tường và sân sau của trường Nguyễn Phong Sắc nếu đứng từ hiên căn hộ tầng cao. Tôi nghĩ mãi mà không nhớ ra tên của toà nhà, nhà I, nhà G, nhà H? Nhà gì không rõ nhưng dứt khoát không phải là nhà I9, khu nhà của giới "tinh hoa" một thời. 

Và ngay cả khi đã có I9 tinh bông thì toà nhà mới này vẫn đảm bảo có vài vị "tai to mặt lớn", tỷ như Giáo sư Khuê nguyên là thứ trưởng Bộ Đại học, sống ở căn hộ nằm dưới căn hộ chia đôi hai nhà mà một trong số đó là của Bà Tin, bảo mẫu của TL cho tới khi cô em đi học lớp 1.

Tôi ấn tượng về sự hiện đại của toà nhà đó một thì ấn tượng hơn nữa về nhà của bạn Thu Giang sống ở tầng 1 mười. Ông bà ngoại của Giang được phân nhà căn hộ tầng một, cho Bố Mẹ của Giang một phần đất vườn để xây ngôi nhà nhỏ. Phần khuôn viên còn lại vẫn rất rộng rãi, trồng cây leo, hoa cỏ... giống như một thế giới thần tiên trong con mắt của đứa trẻ con nhà nghèo thời bao cấp là tôi.

Mà tôi ấn tượng về ngôi nhà tầng trệt của gia đình Thu Giang mười thì ấn tượng về đám anh chị em họ thi thoảng về đó chơi và tụ tập chơi cùng chúng tôi một trăm. Hãy tưởng tưởng ở cận kề thời điểm của hai đợt đổi tiền, của những thì thào về những người ủng hộ công khai, cải cách đã bị cô lập ra sao, rồi cuối cùng là bùm, đổi mới, trong cái sự nghèo khó tích tụ cả về mặt kinh tế-xã hội lẫn tinh thần đó, có những đứa trẻ mặt mày sáng láng, làm ra những món mặt nạ giấy đón tết Trung thu vô cùng tinh xảo và mứt gừng cay cay thơm thơm để bán cho chúng bạn, đó thực là một chuyện tựa như trong "cổ tích".

Sau này thi thoảng nghĩ lại tôi lại phì cười. Khởi nghiệp là chi, tinh thần xì-tát-ấp là chi, nào phải đợi đến anh cá mập này chị cá mập nọ khoe màu trên cái phường nhuộm nhà đài mậu dịch mang tên vê-tê-vê cơ chứ. Quãng cuối những năm 1980 đó, đám anh chị em họ của Thu Giang đích thị đã là những nhà khởi nghiệp chân chính rồi.

Tôi không nhớ, và không nghĩ là mình đã có tiền để mua một phần mứt gừng họ làm. Nhưng vị của các lát mứt, vẻ đẹp tinh xảo của chúng thì tôi nhớ. Vì đám chúng bạn của Thu Giang khi qua chơi đều được mời nếm quà, đều được để tự do xỏ mặt vào những chiếc mặt nạ giấy vô cùng sinh động. 

Nếu ai hỏi tôi, ấn tượng đầu tiên về mứt gừng thì tôi sẽ kể lại chuyện sinh hoạt của đám trẻ ở một góc trường đại học ngày đấy!

(2)

Tôi không quá phấn khích trước các món mứt. Mứt gừng lại càng không. Và tôi đặc biệt không bao giờ nghĩ có một ngày mình lại lọ mọ làm mứt.

Ấy thế mà hay nhá, hôm nay trong nhà có một hũ nhỏ mứt gừng - mứt gừng do tôi tự làm, lần đầu tiên làm :-)

Nguyên lai là TL đặt một ký gừng từ trang trại Mộc Châu. Rau củ quả nhà đó chúng tôi thực ưng ý. Riêng bữa rồi gừng trong túi về đến nhà căn hộ, tôi sơ ý không kiểm tra liền nên cuối cùng vừa là không hài lòng với người bán lại vừa là có chút oán trách chính bản thân.

Gừng được dỡ tèm nhem bùn đất và ướt, ai đời nhà rau cứ thế gửi cho người mua mà không có chú thích chi. Mẻ gừng được lấy ra với ý định nào làm gừng muối gari phong cách Nhật, nào gừng nguyên củ muối theo phong vị bếp Tứ Xuyên, nào mứt gừng làm một lần cho biết... cuối cùng là kế hoạch phải chuyển từ A thành B. Lý do? Quá nửa chỗ gừng đó bị ủng nước. 

Phần gừng còn lại, tôi tính toán hồi thì dẹp sang bên ý định muối gừng mà tập trung cho món mứt.

(3)

Tôi làm theo hướng dẫn của Cô Ba Bình Dương. Chỉ là theo quy trình, còn về tỷ lệ đường-gừng thì do cái cân chưa được thay pin, tôi đại khái gọi là.

Thêm một điểm nữa là cô chủ bếp hướng dẫn ướp gừng với đường trong 6 giờ đồng hồ nhưng đến tôi thì thời gian đó dài hơn nhiều vì gừng được ướp từ tối hôm trước và phải sang giờ cơm trưa hôm sau mới ra chảo sên.

Và điểm khác biệt cuối cùng là tôi không có đường trắng nên dùng đường nâu Biên Hoà tự nhận là organic.

(4)

Món mứt thành phẩm có sắc sậm, nhìn không long lanh yểu điệu như các bạn mứt gừng mua trong hộp quà. Gừng được luộc qua hai nước, vị cay đọng lại vẫn còn kha khá. Cảm giác cắn nhẹ một cái và nhấn nhả lát mứt trong miệng thực là thích. Lại càng thích hơn khi có tách trà nóng bên cạnh rồi ta đây sảng khoái chiêu một ngụm lớn.

Tôi nói vui với TL, bữa này mình làm mứt gừng chân quê :-)

đây hũ mứt gừng lần đầu T. làm

mứt gừng - chờ nguội

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2021

chuyện lặt vặt mùa giáng sinh 2021

(1)

Năm nay trên phố Hoàng Hoa Thám có bán rất nhiều cây tùng thơm. Tôi có lúc cao hứng chực gạ gẫm TL hay là mình mua một cây về bày cho có không khí [Giáng sinh]. Dĩ nhiên, ý tưởng thì luôn là ý tưởng. Tôi ngại chuyện dừng xe giao tiếp với chủ tiệm hàng, lại không muốn tốn một khoản tiền, lại nữa là lười nghĩ chuyện chăm cây... thế nên dẹp!

Mọi năm ngồi bus 14 đi qua Nhà thờ Hàm Long, tôi vô cùng thích thú hình ảnh cây thông Noel. Năm nay không có các quầy hàng, sân nhà thờ lơ thơ mấy nữ phụ tầm tuổi xê dịch giữa 30 và 50 với váy áo nhung the đỏ chót say sưa nếu không phải là seo-phì thì là ưỡn người tạo dáng theo chỉ đạo của các phó nháy đàn ông trung niên râu ria xồm xoàm áo bạt ký giả chỗ nào cũng túi. Năm nay, tôi nhìn cây thông từ khoảng cách gần hơn do chạy xe máy qua phố nhỏ ôm nhà thờ. Chẳng hiểu do tâm trạng hay do cái sự thân cận này mà đột nhiên tôi phát hiện, cây thông đây không hẳn xinh đẹp như trong trí nhớ.

(2)

Chuyện ở đây là vậy, còn chuyện ở kia lại lên xuống tầng bậc theo một kiểu khác. Nhà hàng xóm trên núi có ông chủ nhà dính chưởng cúm Tàu nên năm nay chắc chắn lão Tiên sinh nhà ta không phải bận bịu áy náy mình được mời thì từ chối sao ta. Đại gia đình hàng xóm đó tập yoga, ngồi thiền, ăn chay, hút DOP, hiền thì bảo không tin tưởng vào vắc-xin, quá khích thì kết luận chắc nịch covid chỉ là một trò phịa... giờ trong nhà có người nhiễm không rõ tâm tư tình cảm ra sao. Tôi và bạn đời nhất trí cao độ, chuyện hẳn chẳng có gì đáng lo trừ bà cụ già tuổi U90. 

Ông hàng xóm Tony vợ mới qua đời trong năm giờ ở một mình buồn thì có trò hút sách. Ông này gạ ông lão nhà ta cùng hút cho vui. Tôi nghe xong dặn dò, nếu hút thì Ông nhớ là chớ có hút trước khi lên đường về nhà biển, kẻo lại thành get high trên highway thành dở. Lão Tiên sinh cười khà khà nói không quan tâm vụ này. Cái xóm núi nhỏ đó quanh đi quẩn lại không khéo cả một dây phê lòi. Được cái là giờ không còn lệnh cấm nữa nên sẽ không còn cảnh đang đi trên đường lại thấy một xe bị cảnh sát dừng lại và lục lọi khám xét như cách đây đôi năm. 

(3)

Tôi thấy mình mỏi mệt và trống rỗng. Các tin tức covid trong/của thành phố xem ra mỗi ngày một ngả sắc xám đen. Các con số thống kê cụ thể thế nào tôi không quan tâm để ý. Nhưng chỉ là nhìn ngó ngay xung quanh thì úi chà, tệ đây. Ra phố cứ cách quãng lại thấy một nhà mặt đường rào chắn cùng biển báo cách ly. Về nhà, hết hộ tầng 9 giờ đến hộ tầng 6 dính mùi cúm Tàu, ai F0 thì xem ra được gửi đi trị bệnh, còn F1 vui vẻ tự nhốt mình trong nhà. Bác coi xe mấy bữa nay cẩn thận ngoài khẩu trang chụp thêm cái nhựa chắn trước mặt.

Gần ngày lễ của bà con Công giáo, tôi ngẫm nghĩ về cái công thức "phận mỏng giòn" của con người. Càng nghĩ, càng thấm thía. 

Vấn đề là với tôi kẻ vô thần, Ơn Trên nào cứu rỗi đây a!

nhà biển năm trước :-)

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

covid ký: còn ta thán, ta còn hy vọng

50 đồng đấy, không nhỏ đâu :-)))
chuyện đọc ở đây 
(1)

Chuyện hài hước tôi nghe được từ lão Tiên sinh: có vị giảng sư kia vui tính đưa ra đầu mối về một khoản tiền 50 đồng tiền Mỹ trong syllabus gửi hơn 70 sinh viên đăng ký lớp của ông. Kết quả là đến cuối kỳ học, tờ tiền vẫn nằm im trong tủ,  chẳng có ma nào để lại tên cùng thời gian mở tủ lấy tiền cả. Kết luận mang màu bi-hài ở đây nặng thì là các thủ trưởng sinh viên nhà ta dứt khoát không có ai đọc đề cương bài giảng cả, còn nhẹ hơn thì là đọc qua loa nên bỏ lỡ một cơ hội có tiền :-)

Tôi thắc mắc, đó là môn học gì vậy. Người kể chuyện ú ớ. Sau mấy phút thì gửi cho tôi đường link bài báo. À, lớp học nhạc. 

Tôi bậy bạ đoán mò, thế giới nghệ sĩ tương lai đầu óc mơ màng ai mà đọc xi-la-bớt từng câu chữ cơ chứ. 

(2)

Chuyện này được chia sẻ cho một chị bạn. Chị vốn đang bức xúc vụ cô giáo tiếng Anh thiếu quần áo trước bé trai 8 tuổi tức thì liên hệ, đây là vấn đề của học online nói chung, rằng thì là mà đả đảo on-lai, rằng thì là mà đã đến lúc toàn xã hội phải anh dũng ọp-lai.

Tôi nghe xong cười khanh khách, ở đâu em chẳng biết, trình độ nào khác em chẳng biết, chứ với mớ thầy bà ngồi hội đồng cấp tiến sĩ ý mà, ngay cả mặt đối mặt kia kìa, các cụ các mợ có mấy người đọc tử tế bài vở của học trò đâu.

Thế cho nên mới có chuyện hơn đôi năm trước, khi xứ mình còn chưa dính chưởng cúm Tàu, tôi thấy mình bị "đánh tơi tả" vì cái tội dám bịa ra lý thuyết thị trường tôn giáo ba sắc đỏ, đen và xám trước một hội đồng quá nửa là ngơ ngác mặt mày không hiểu chuyện gì xảy ra - đồng nghĩa với việc ít nhất là cái phần thảo luận lý thuyết đó các cụ này cũng không đọc nốt, và một non nửa là cúi mặt che tay bụm miệng cười - cười đây không phải là cười con học trò là tôi mà cười cái quý giáo sư trường đảng đọc nhăng đọc cuội chữ tác chữ tộ rồi tám lộng.

(3)

Tôi theo một lớp bồi dưỡng on-lai. Thầy bà của ba tuần học đầu dễ tính với cái vụ cam [camera], đại loại là bọn đi học mở hay đóng mặc bay. Muốn biết chúng mày thế nào, tao hỏi một câu và yêu cầu gõ trả lời vào ô chát [chat], thế là xong.

Sang tuần thứ tư, ông thầy phi thường nghiêm túc bắt tất cả các con giời mở cam. Ừ thì mở.

Mà đâu chỉ có thế, ông lại đòi phải viết chào hỏi, viết ý kiến lên một cái mạng nhện theo chỉ dẫn của ông. Gần như cả lớp học loạn xà ngầu, làm thế nào đây ta. Tôi tức trong mấy phút, sau cũng làm được màn chào hỏi và trình bày ý kiến ý cọt theo chỉ dẫn thì hết tức.

Cuối ngày nghĩ lại, tôi thấy nực cười không phải là ông thầy hay lớp học mà chính bản thân tôi đây cả ở tư cách học trò lẫn tư cách một khán giả đang tham dự một tấn trò mang tên học on-lai. Chuyện là cam mở rồi thì tha hồ mà ngắm các bố mẹ giảng sư đại học oai phong lẫm liệt ở đâu chứ ở nhà thì hết ôm con hôn hít lại bị con chạy ra ôm hôn hít coi rất tình củm gia đình chứ chẳng đâu "nghiêm túc tham dự" như yêu cầu của ông thầy đứng lớp. Còn về cái vụ phải lóc cóc mở cửa sổ mới rồi chào chào hỏi hỏi, trình trình bày bày kia, bỏ qua một màn lúng túng thì tôi thấy cũng không phải tệ, giờ tôi biết có một thứ mang tên men-ti-mét-tờ [Mentimeter] :-)

(4)

Tôi than thở, bao giờ hết cái ác mộng cúm Tàu này đây.

Xong rồi, tôi lại nỉ non tự an ủi, chừng nào mình còn mong đợi cái sự kết thúc [đại dịch] này thì chừng ấy mình còn sức sống.

Sợ nhất có lẽ là buông xuôi toàn tập kiểu kệ mịa đời!

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2021

vườn nhà hà nội trước khi chuyển đi

Tôi lười, quen sống trong nhịp routine thường nhật, theo quán tính nên trước mỗi gợi ý hay yêu cầu thay đổi, phản ứng tức thời của tôi là chạy trốn. Thường thì mọi chuyện xem ra đều ổn, tôi núp chỗ này, giấu mình chỗ kia, đánh lạc hướng sự chú ý, tìm ra những bao biện hay cớ lý... và đến cuối ngày, ouf thoát rồi!

Nhưng có những khoảnh khắc to trong đời, chúng ta dứt khoát phải thay đổi. Với tôi, sự thích ứng hoàn cảnh [mới] diễn ra thật chậm chạp. Với việc chuyển khỏi nhà Hà Nội, tôi mất quá nửa năm để có thể "hoàn hồn", bình thản nói về ngôi nhà đã gắn bó suốt mấy chục năm qua.

Bữa nay dọn dẹp hồ sơ ảnh trên máy tính, tôi thấy thành tựu của lần thu hái cuối cùng trong vườn nhà Hà Nội. Một tập lá lốt, hơn chục trái quất, và đặc biệt nhất là trái chanh bói muộn từ cái cây chanh có đến hai chục năm tuổi luôn rộng rãi cho lá nhưng chỉ đến năm nay mới ra quả đầu tiên và duy nhất :-)

từ vườn nhà Hà Nội - lần thu hoạch cuối cùng

đợi, đợi nữa, đợi mãi: cuối cùng cũng bói quả

trúc Nhật chuyển nhà, tạm biệt vườn nhà Hà Nội
giờ em nó lên căn hộ cao tít tầng bụi mịn

canh bí nghệ xương ống

(1) 

Thời gian này tôi chịu khó ninh xương heo lấy nước dùng cho các món canh khác nhau. Thủ tục sơ chế và nấu nước dùng tưởng loằng ngoằng nhưng làm quen rồi hoá thật đơn giản.

- Xương ngâm trong nước pha muối và bột mỳ - có lúc lười tôi tiện tay dùng luôn bột gạo - trong dăm bảy phút sau đó rửa thật kỹ dưới nước vòi. Xương đã rửa và làm ráo được cho vô nồi đợi nước sôi.
- Nước đun sôi thì cho vô nồi xương, đặt lên bếp đã làm nóng đun trong dăm bảy phút nữa. Lại một vòng thao tác xối, xả và làm sạch xương dưới nước vòi.
- Và sau đó là thong thả ninh xương, với duy nhất một thành phần tạo ngọt là hành tây hoặc đôi khi có thể thêm phổ tai/kombu. Nước nồi ninh xương sôi một hai phút thì chỉnh lửa về liu riu, để ý gạn gợt bọt. Nếu cần bổ túc nước thì dứt khoát phải là nước sôi/nước nóng chứ không phải nước lã/nước lạnh.

Đại loại là vậy. Và chỉ khi sang tiết mục nấu một món canh cụ thể thì mới đến hồi thêm muối tạo mặn, thêm gia vị này nọ như gừng, hồi, quế, lá khô gì đó...

(2)

Đối với người thiếu chỉn chu và kém về óc tổ chức như tôi, chuẩn bị nước ninh xương thế này có một điểm lợi vô cùng lớn. Đó là tôi chẳng có cớ chi để mà quá lo nghĩ bữa nay mình ăn canh gì. 

Cuối chiều con chị ở nhà thong thả ninh xương. Đến tối con em về thì chốt hạ món canh yêu thích. Lúc đó, nước ninh xương đã ngọt lừ, đã sẵn sàng. 

canh bí nghệ xương ống
hành lá thả canh là hái từ vườn hiên 
Cho bữa tối nay, món canh được quyết định vào phút chót là canh bí nghệ. Nước ninh đó thêm bí thái lát. Thời điểm cho bí vô nồi cũng là lúc thêm muối kiếm mặn. 

Rau mùi và hành được thái nhỏ hay xắt rồi tuỳ ý thả sẵn đáy tô đựng canh. Canh kia trong nồi nóng dzãy chan vô tô. Thế là xong!

(3)

Người nhã thì cứ phải là nước canh trong vắt, tô canh thanh thanh một sắc vàng của bí cùng sắc xanh của hành mùi. Tôi thô tháo, nhà cháu đây thật thà canh bí nghệ xương ống thì phải có cả xương. 

Bí nghệ rất hay, chín mềm trong miệng nhưng về kết cấu thì vẫn đảm bảo nguyên lát dứt khoát không nát. Nước canh miễn chê, ngọt lừ từ vị bí đến vị xương. 

Tôi nhớ ngày xưa chỉ có độc bí ngô trái tròn và thịt quả rất mềm, rất dễ nát và vị thì nồng ơi là nồng. Có lẽ chính vì cái sự nồng nàn đó mà trong nhiều năm, tôi thực chẳng có cảm giác gì đặc biệt với bạn này. 

Giờ thì họ nhà bí có mà vô thiên lủng. Và riêng cái bạn bí nghệ - butternut squash này sao mà hạp cho món canh ấm mùa đông với đồng hành là mấy phần xương ống a :-)

một chúa nhật: bìa sổ, chụp đèn và bún ốc gói

Trong ngày có rất nhiều chuyện xảy ra. Một vài chuyện thầm kín cá nhân, mình đây mình giữ cho mình, nếu có viết ra thì là một đường sổ tay nắn nót. Một vài chuyện của tha nhân, nhưng là riêng tư của người ta, ta biết vậy rồi thì là để ngẫm nghĩ quy chiếu về hoàn cảnh bản thân, rút ra được đôi ba bài học. Những chuyện đó, dứt khoát là để trong lòng.

Còn không ít chuyện khác thì ngược lại, tôi đây có thể vung vít phô bày và nhìn vô mà sảng khoái cười. Hôm qua Chủ nhật là một ngày có nhiều chuyện hài như vậy.

(1)

Kế hoạch thủ công của tôi được khởi động tốt. Cái bọc vở làm từ miếng vải đay thêu hạt gỗ được cô người quen cho chỉ trong một ngày đã được hoàn tất. Bọc vở tự tay mình làm không tránh khỏi xô lệch, xiên xiên vẹo vẹo thay vì cứng cáp ngay ngắn như hàng đặt. Nhưng là món tự tay mình làm, mà lại free thì thực là sảng khoái :-)

Ý tưởng làm tấm bọc ngoài cho giá đựng bằng tre của tôi mau chóng ngủm củ tỏi. Lý do rất đơn giản, tôi tính toàn bề mặt cần bao phủ thấy kha khá thì oải. Công ghép vải tính li lai ra kha khá thời gian, mắt mũi con giời lại toét nhèm, khâu vá đến bao giờ xong cơ chứ. Giờ miếng ghép tạm được cân nhắc cho một cái nệm ngồi.

(2)

Bữa 11/11, TL cao hứng đặt cây đèn, đúng kiểu dáng ưng ý.

Hàng về nhưng lười kêu vận chuyển, mãi đến hôm qua cô em mới dứt khoát yêu cầu gọi dịch vụ Grab. 

Hộp carton được mở, TL phán một câu khâu kỹ thuật em kém với ý là người lắp ráp sẽ phải là tôi. Ừ thì lắp!

Loay hoay một chập, tất cả thực ổn. Ngoại trừ cái chụp/chao đèn. Nó có hình một vương miện, chẳng ăn nhập gì với miếng đỡ chao đèn cũng như tổng thể cây đèn. Đợi người đặt hàng giúp đến nhà chơi, chúng tôi bắt đầu "tố cáo". Con bé gọi điện tức thì cho anh chàng bán hàng bên Trung Quốc. Anh bạn này hồ nghi, hay là do di chuyển thì cái chụp bị móp. Giời ạ, kim loại móp đều hình vương miện thì sao có thể. Con bé bên này chỉ cho đối tác của nó xem hàng thật việc thật. Thế là có màn cười phá lên, hẳn là xếp nhầm đi. Cuộc trò chuyện kết thúc với lời hứa từ anh bạn kia là sẽ mau gửi chao đèn mới phù hợp. 

Tôi thấy một màn như vậy thì lẩm bẩm, tao không biết chữ, không biết tiếng, cứ ấm ớ mua qua mạng nhện thế này thì đúng là dở, may mà có mày ra tay. Con bé kia cười phớ lớ, phải thế thương mại điện tử mới phát triển. Ui dzào, nó nói chuyện này với Già Lưu ra phủ quan là tôi đây thì có ích gì cơ chứ! Nhưng mà hay, người chẳng quen mấy kiểu mua bán này như tôi thực được một ấn tượng lớn nhân vụ xử lý cái chao đèn này.

(3)

Tôi nhớ nhung các sợi bún Giang Tây thì gạ gẫm con bé người quen kia đặt mua cho một thùng. Nó hứa hươu hứa vượn, sau nhiều tháng thì hàng tôi nhận được không phải là bún trơn mà là liền mấy loại bún trộn, bún nấu kiểu ăn liền. Con bé giải thích, bún trơn mua ngay Hà Nội có mà. Tôi cũng có lý do của mình, tao không biết chữ, tìm qua loa trên mạng nhện thì chỉ thấy mỳ trường thọ thôi, nào đâu có bún gạo như tao muốn.

Tối qua, cô nàng ra tay nấu một phần bún ốc cho hai chị nếm. Tôi nhớ năm trước nghe mấy cô em nói chuyện về bún ốc đóng gói thì bày ra khuôn mặt nghi ngờ và khinh khỉnh coi thường. Giờ thì tôi lại thích thú với món bày trước mặt. Tất nhiên là tôi phải mở ngoặc liền, bún ốc thế này chừng vài tháng làm chơi một gói ăn chơi thôi, chứ chén thường xuyên thì khả năng cao là bục bao tử vì cay, vì chua, vì đậm. 

Con bé con chỉ cho tôi mấy loại bún ốc và giải thích, ở nhà mình thường bà con chỉ biết bún ốc Lý Tử Thất. Nhưng bún đó không phải là nhất, còn nhiều loại khác cũng rất ngon a. Rồi nó kể chuyện tại sao vừa mở hàng bún ốc đóng gói thì ngay lập tức đã dừng cái mục buôn bán này. Hoá ra có nhiều bạn từng ở Trung Quốc quen biết cách làm và ăn thì rất thích, thấy hàng không có thì hỏi han thúc giục bán trở lại. Nhưng cũng có những bạn hẳn là do hâm mộ cô tiên nấu ăn nước Tàu kia mà đặt hàng rồi mày mò chế bún. Đến lúc ăn không như tưởng tượng thì tương cho chủ shop một ngôi sao với đủ loại phàn nàn nào chua nào cay nào mặn. Chủ hàng bún gói thấy vậy thì tính toán, lãi lờ chẳng được bao nhiêu lại còn thêm cái vụ sao nhõn một cái đánh giá, tội gì mà bán cho mất công và bực mình. Thế là tôi lại biết thêm được một chuyện về thế giới thương mại điện tử :-)

đây bún ốc trong gói - vài tháng xơi một gói thì ổn

chờ chao đèn đúng loại

bọc vở đã làm xong trong một ngày :-)

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

chả tôm với vị lá chanh thái và thính đỗ-gạo

(1)

Chả tôm này không được làm từ tôm tươi mà là từ nõn tôm đông lạnh. Bữa Hà Nội giãn cách, TL đặt mua hai khay nõn tôm ở tiệm hải sản Quảng Ninh đầu dốc Bưởi. Khay đầu được khui ra chế món, cả hai chị em nhăn mặt nhăn mày trước vị biển nồng đậm thống lĩnh không gian bếp nhỏ nhà căn hộ, sau rồi kết luận, một lần mua cho biết vậy thôi.

Còn lay lắt một khay nõn tôm, TL thậm chí còn có ý muốn bỏ đi. Tôi thấy thế thực phí của Giời, và "phải tội" [với thức ăn] nữa. Thế nên con mẹ răng quặp tôi đây quyết định làm món chả tôm hơi hướng bếp Thái.

Lần làm món này, hai chị em mới biết mình có bao nhiêu ẩu tả trong khâu sơ chế lần trước. TL dùng nước pha cốt chanh và cả chút rượu vàng bếp Hoa để làm sạch các thân nõn tôm. Tôm được khêu bỏ sợi chỉ đen chỗ sống lưng, để ráo sẵn sàng chế biến món, chẳng đâu cái vị mặn mòi đến khó chịu nữa!

(2)

Trong bếp nhà biển, tôi hiếm khi làm chả tôm thuần mà hay làm hơn cả là món chả cá hỗn hợp, chả cá có sự tham gia của tôm. Và trong phần lớn trường hợp, tổng hợp nguyên liệu luôn có sự góp mặt của thịt heo. Lần này trong bếp nhà căn hộ ở Hà Nội, thành phần cuối này quả không vắng mặt.

Thịt heo để làm chả có cả nạc và mỡ. Phần nạc bằm tay hoặc xay qua trong máy trước khi được trộn với nõn tôm để phết nhuyễn. Phần mỡ được xắt hạt lựu, luộc qua rồi để ráo, sau xóc với chút bột rong biển để bên. Trước nay làm món hoặc khi luộc mỡ hoặc sau khi luộc tôi đều bổ túc chút đường. Lần này tôi thử làm khác đi. 

(3)

Một điểm đặc biệt nữa là về bột cho vô nguyên liệu viên chả, lần này tôi dùng thính.

Thính gạo nói ra tức thì ai chả biết, nhưng thực lại chưa chắc là vậy. Tôi lười làm thính nên bữa trước xin cô người quen một túi nhỏ. Bột thính ăn xin này rất đặc biệt ở hai điểm. Thứ nhất là nó được xay mịn, siêu mịn, mịn đến khó chịu. Tôi dùng thính làm mấy món gỏi và chạo, ngon thì có ngon vị thính, nhưng cũng chính là thính lại là điểm làm tôi kém hài lòng nhất. Tôi nghĩ, có một số món trộn/gỏi/nộm/chảo, thính gạo dứt khoát phải hài hoà đôi tầng mịn màng lẫn lao xao lạo xạo xét về mặt kết cấu. Thứ hai là cô người quen nói là làm thính gạo nhưng nếu mô tả chính xác thì hẳn món của cô phải gọi là thính đỗ-gạo vì lượng hạt đỗ tương rang có tới non nửa. 

(4)

Ngoài ba chuyện hơi khác chút kể trên - tôm nõn đông đá và cách sơ chế hiệu quả; mỡ xắt hạt lựu luộc ráo rồi trộn với bột rong biển; và thính đỗ-gạo siêu mịn - thì trong thành phần gia vị cho món chả lần này cũng có chút đặc biệt. Mà tất cả là do tính lười của tôi.

Tôi ngại bằm gừng tươi, bỏ gừng. Tôi ngại bóc và bằm tỏi, bỏ tỏi tép mà dùng sang bột tỏi khô. Tôi cũng ngại cả việc bằm hành hương kiếm thơm, thế là vời tiếp lọ bột hành tây. Ớt tươi có nhưng ngại xử lý, ờ thì dùng ớt khô xay rối bếp Ấn. Đại khái là gia vị khô tuốt tuột.

À xíu quên, liên quan đến dụng cụ bếp, tôi không thể bỏ qua việc ghi lại cái sự lợi hại của máy xay "hàng Trung Quốc nội địa" là quà TL nhận được từ bạn nhỏ Hồng Tâm. Tôi không thích cái xứ sở láng giềng với tư tưởng đại và lấy mình làm trung tâm, tôi không cuồng cũng chẳng to mồm bài xích kiểu bố mày đây vĩnh viễn không bao giờ xài hàng Tàu, nhưng về căn bản tôi giữ khoảng cách với các món made in China. Phần vì chất lượng của rất nhiều món thế nào không rõ. Phần nữa là thực thà mà nói, nhà cháu đây chữ vuông không biết, đâu biết sử dụng cho đúng a. Quay trở lại chuyện cái máy xay Trung Quốc này, so với máy xay tay Braun, cối xay Philips hay máy xay đa năng National chúng tôi vẫn quen dùng thì bạn Tàu nội địa này quả là siêu "chày cối", tức siêu khoẻ. Thịt tôm được phết nhuyễn dễ dàng, cho cái kết cấu đúng như tôi mong đợi.

lần đầu làm chả tôm trong bếp nhà căn hộ
(5)

Chả tôm làm ra ăn ngon hạp ý. Điểm trừ duy nhất là tôi hơi phóng tay với bột thính, lúc viên chả để rán không thấy có vấn đề gì, nhưng vì tôi chiên chả với lượng dầu ăn khiêm tốn thay vì chiên ngập nên viên chả thành phẩm không thể nào có được độ mượt mọng ở bên trong như viên chả chiên ngập "lý tưởng", và chính vì thế, bột thính bỗng có phần hiện diện quá phận. 

Bỏ qua chuyện bột thính thì còn lại là hài hoà vị. Và sự nhắc nhớ bếp Thái càng trở nên rõ nhờ các sợi lá chanh Thái xanh xanh và dậy vị thơm đặc trưng của chúng. 

- Tôm nõn sơ chế, để thật ráo
- Nạc heo băm qua hay xay sơ 
- Mỡ heo xắt hạt lựu, luộc qua rồi để ráo, sau trộn với chút bột rong biển [thay đường]
- Tiêu xay, bột tỏi và bột hành hiệu Ông Chà Và hàng Việt Nam yêu nước, ớt khô xay rối xuất xứ Ấn Độ, xíu muối hầm 
- Lá chanh Thái bỏ phần sống lá rồi thái sợi thật mịn

Máy xay nội địa Trung Quốc chạy roẹt một lượt hỗn hợp tôm và nạc heo. Cho vô cối bột thính, tiêu xay, bột hành, bột tỏi, vụn ớt khô, muối hầm và chút dầu ăn rồi roẹt thêm vài lần. Hỗn hợp đó lấy ra được trộn tiếp với mỡ heo xắt hạt lựu và sợi lá chanh Thái. 

Viên chả và chiên. Lý tưởng là phóng khoáng chiên ngập. Người kiêng khem thì chiên rón rén với xíu dầu, và phải chấp nhận là món thành phẩm sẽ không được toàn hảo như ý. 

Đại loại thế, món chả tôm lần đầu làm trong bếp nhà căn hộ của chúng tôi!

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

dọn vườn hiên và kế hoạch thủ công mới

ý tưởng làm book cover
(1)

Vườn hiên nhà được dọn dẹp gọn gàng. Tôi rất muốn mua thêm rau gia vị về trồng nhưng với cả đống thất bại mấy tháng rồi, tôi cuối cùng nghĩ, cứ chăm tốt những cây đang có cái đã :-)

Đậu đỗ vẫn thong thả cho quả. Thế nên kế hoạch dọn phần giá leo một bên cửa sổ hiên được tạm gác. 

Hiện tôi có một chậu đất lớn và một thùng ủ rác rau xem ra đã ngấu kha khá. Tất cả hứa hẹn một mùa trồng rau mới tưng bừng trong cái hiên bé hin hin này.

(2)

Váy liền thân Bianco Levrin vải linen loại mỏng và đanh mặt được mua với ý định gửi sang Ý làm quà tặng Oli.

Bạn từ Ý qua Đức lập gia đình, con gái giờ hẳn đã bước sang tuổi yêu đương ồn ào, mà cái váy tôi mua ngày nào vẫn nằm im trong hộp. Bữa trước tôi giở ra coi, úi chà, vải nó tự nổ, lộ ra vài đường rạn nhỏ.

Thân áo trên được dỡ ra để riêng. Phần thân dưới, tôi tính chuyện làm một cái váy đùm váy đụp để bao đùi mỗi khi ngồi làm việc ngày đông, giống như một tấm chăn mỏng vậy. Nói vày đùm váy đụp là vì kế hoạch của tôi là sẽ gá các vụn thổ cẩm lên toàn bộ mặt vải với chiều dài hơn 2m và chiều cao 85cm. 

Ì à ì ạch khâu khâu vá vá, sau hai ba tuần, con giời chưa kịp hoan hỉ với mấy đám vải ghép thì chợt phát hiện là mình rất ngu ngốc. Đó là chất thổ cẩm vốn dày, ghép hết mặt vải đó rồi thì sau làm sao có thể khâu nhíu cạp váy lại được. Cái váy xoè không khéo thành cái chăn cuốn a :-)

Vậy nên, giờ một thân váy đó được xé toang thành các mảnh nhỏ. Và kế hoạch mới là làm áo bao cho một giỏ tre đựng đồ.

(3)

Ở tiệm cô người quen, tôi được cho một miếng vải lanh đính hạt gỗ trang trí hình bông hoa và liền mấy dây vòng với các hạt nhựa nhỏ tý xíu.

Với tấm vải này, ý tưởng sẽ là một cái bọc vở cho cuốn sổ ghi chi tiêu năm 2022 sắp tới. Còn với các hạt vòng, ý tưởng là các sợi mành gắn chỗ cầu thang. 

Xem ra tôi thật bận rộn a!

bất thành ý tưởng váy đùm phong cách nữ tài tử Thanh Tú
trong Sao tháng Tám quay chỗ núi Sưa năm xưa
giờ là phương án mới: áo bọc cho giỏ tre

vườn hiên ngay ngắn - kiềm chế "dục vọng" mua và trồng cây

nộm thính tai heo với vị lá chanh thái

món nộm/gỏi thính tai heo của TL
không chanh ta thì dùng sang chanh Thái
TL liệt kê các thành phần gia vị tham gia món gỏi/nộm thính này. Nghe xong thì Mẹ ngạc nhiên là tại sao có giềng. Con gái của bà cụ già thì lại ngơ ngác, con cứ tưởng trước nay trong món Mẹ làm vẫn có giềng. Hoá ra trong món bếp nhà, thuỷ chung chủ vị lại là tỏi a.

Tôi nghĩ hồi thì nhớ, có thể là do ảnh hưởng từ công thức mấy món nem đùm đùm học từ bà cô nhà Nội. Mà bất luận thế nào thì món TL làm cho bữa trưa hôm qua đều ngon.

Gia vị trộn ngoài bột thính có: muối, tỏi, ớt, mắm cốt, nước cốt chanh, đường, giềng, và đặc biệt là lá chanh Thái được dùng "cấp cứu" thế chỗ cho lá chanh ta.

Mấy tháng trước tôi hỏi bà bán cây ở đầu chợ Bưởi thì được phán trăm ngàn một cây chanh nhỏ. Tôi e dè khi nhìn cái cây bé xíu mà lá to uỳnh nên cuối cùng không mua. Sau có người bảo, cây chanh chỉ chừng sáu chục ngàn thôi. Rồi kể chuyện cho Mẹ, bà cụ già tiếc tiền bảo, chờ Mẹ chiết cho một cây. Đến giờ nhà căn hộ chẳng có cây chanh để ngắt lá làm gia vị khi cần. Tôi nghĩ mà buồn cười, rốt cuộc là mình chê mấy cái cây ngoài chợ lá to rất mực khả nghi rằng thì không thơm, hay vì tiếc rẻ khoản tiền chục tiền trăm kia.

May mà trong tủ đông lúc nào cũng sẵn một túi lá chanh Thái hái từ vườn nhà Bắc Ninh. Và với món gì không rõ, nhưng ít nhất là với nộm/gỏi thính tai heo này, kết hợp vị lá chanh Thái tính ra không quá tệ a :-)))

lá chanh Thái hái từ vườn nhà Bắc Ninh
hoá ra đâu chỉ cho món Thái :-)))

nhật ký sữa hạt: yến mạch, mè đen và hạnh nhân

Những lần trước làm sữa hạt TL đều cho chút đường. Bữa nay, với bộ ba cám yến mạch, mè đen và hạnh nhân rang, cô em bỏ qua phần ngọt.

Món sữa làm ra vẫn đảm bảo ngọt, là vị ngọt bùi, rất dịu, rất khẽ!

yến mạch, mè đen, hạnh nhân

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

nhật ký sữa hạt: đậu xanh, bí đỏ và hạnh nhân

Món uống có vị beo béo, ngầy ngậy. 

Và điều kỳ quặc nhất với tôi cho tới giờ, không chỉ riêng công thức này mà với mọi công thức làm sữa TL đã thử từ đầu tới giờ, là hình như món sữa hạt không giúp lấp đầy cái dạ. Thay vào đó, nó làm cho chúng tôi có cảm giác mau đói hơn. 

bí nghệ, đỗ xanh và hạnh nhân rang thơm

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

vị đông ở đây, vị đông ở kia

sớm mai thành phố biển
Tôi có chút lo lắng về tình hình hai cụ già nhà mình ở Bắc Ninh nhưng gì thì gì các con vẫn có thể thu xếp về quê chọc phá phụ huynh và xin đồ ăn mang ra Hà Nội. Còn về lão Tiên sinh, sự lo lắng giống như dây kẹo kéo, kéo dài không dứt. 

Ông lão nhà ta chăm chỉ việc rừng quá độ. Kết quả là cái lưng đau, cái tay bị chọc nhiễm trùng và về lại nhà biển thì bận rộn đặt lịch đi thăm các bác sĩ. Tôi nghe ký-khám-bệnh của bạn đời xong thì cười cười động viên, chờ xuôi xuôi rồi vận động nhẹ với đi bộ hay xe đạp thay vì ì ạch cưa chặt kéo gỗ a. Rồi lại thêm màn dặn dò, Ông chịu khó ăn cá và rau củ quả nhá. 

Kết thúc một màn luyên thuyên qua điện thoại rồi tôi mới nhận ra rằng mình quên một ý. Đó là, Ông ở "bển" vẫn hạnh phúc chán vì không phải sống thường trực trong sắc đỏ báo động bụi mịn của Hà Nội như tui đây a :-)

Rồi nữa, dù tin covid xứ ông có tệ đến đâu thì ở cái thành phố biển bé xíu hay khu nhà rừng dân cư thưa thót kia, không gian sống của ông vẫn còn tốt chán so với đây Hà Nội chật hẹp người va người hồi hộp đợi một sóng dịch mới. 

Nhưng nói gì thì nói, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Tôi không muốn nghĩ ngợi hay lo lắng quá nhiều nhọc thân. Các sinh hoạt thường nhật giờ được tôi mô tả với chút trào phúng, tỷ như kể lể với chị bạn, Em ra Efarm mua hàng kiểu ăn cướp. Thủ sẵn lọ cồn, mắt trước mắt sau xoa tay lấy được. Vấn đề là giờ thấy ai cũng khả nghi, kể cả chính bản thân mình.

Và chị bạn tôi, người có năng lực lo lắng gấp vạn lần tôi, gật gù Thế thật, con nhà chị sáng dậy bảo đi mua test nhanh về thử vì hôm qua tiếp xúc F1.

tối mùa đông ấm áp của lão Tiên sinh
kế hoạch thủ công mới cho nhà căn hộ
Hà Nội thời covid - chữ nghĩa xông pha ra đường

nhật ký sữa hạt: lanh và yến mạch, yến mạch và mắc-ca tươi

TL càng lúc càng thuần thục trong chế tác sữa hạt. Còn tôi thì rất khoái chí hưởng lợi, gần như sáng nào cũng đều đều một cốc, rất chi là vui vẻ.

Ghi thêm mấy phép trộn:

- hạt lanh và cám yến mạch (bổ túc chút hạnh nhân rang)
- cám yến mạch và hạt mắc-ca tươi.
 
* Máy làm sữa hạt: Tefal Dynamix Cook

lanh & cám yến mạch

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

bay hồi hương "trục lợi" - sao giờ các bác mới nói a

Grapevine - bắt đầu hành trình "hồi hương"
(1)

Thời gian gần đây, tôi không quá chú tâm nhưng có thể nghe ra mùi vị của một sự gia tăng "thái độ" liên quan đến việc mở lại các đường bay quốc tế "bình thường". Và sau hơn một lần nghe nói về bài báo với cái tít có phần gắt trên trang mạng nhện VnEconomy.vn - Chấm dứt ngay chuyến bay hồi hương "trục lợi", sóm nối thông đường bay thường lệ quốc tế thì sáng nay tôi nhận được chia sẻ đường dẫn đến bài báo này. 

Tôi không đọc từng câu từng chữ. Chỉ là lướt qua. So với vài nội dung "tố cáo" được vài người đưa tin trên mạng nhện trích dẫn, bài báo của tác giả Ánh Tuyết xét về cái ruột bên trong thực hiền hơn nhiều so với cái nhãn bao bì sản phẩm. 

Dù thế nào thì chí ít, tôi thấy được chút quen thuộc nào đó khi liên hệ câu chuyện của mình, câu chuyện mà tôi không đến mức chủ trương "sống để bụng, chết mang đi" nhưng về căn bản là tôi lờ lớ lơ, không đả động đến vài khía cạnh nhất định, đặc biệt là cái phần liên quan đến đồng tiền và quan hệ.

(2)

Hồi hôm Tết Nguyên đán, tôi nỉ non viết email cho cô bạn thân "nhờ vả". Bạn hồi đáp tức thì và bảo yên tâm "ăn Tết" rồi gia đình bạn sẽ lo việc này cho tôi. Cuối email, bạn bảo, tình hình của mày chưa là gì cả, nhiều người bi đát lắm. 

Sau đó vì vài lý do phát sinh, tôi không nhờ bạn nữa mà chuyển sang "ăn vạ" ngay chính người nhà. Chuyện được giải quyết thực chóng vánh, hai ba cú phôn, hai ba lần hỏi thêm thông tin... và thế là "chốt kèo". 

Tôi nghèo rớt mồng tơi, đương nhiên giương cái bộ mặt của kẻ vô tội, gia đình phải lo thôi. Chẳng ai kêu ca than phiền đắt rẻ, có được đường về là tốt lắm rồi. Duy nhất một điều, ông lão chủ chi hỏi đi hỏi lại tôi, thế có chắc được ở khách sạn tốt 4 sao không, thế có sợ bị người ta gạt không. Ông tư duy theo kiểu người xứ ông, cái gì cũng phải có hoá đơn chứng từ cam kết ký cọt đàng hoàng, giờ thấy giải quyết cắc-bụp phong cách Giêm-Bông 4.0 kiểu Việt Nam thế này, ông cứ gọi là há hốc miệng, trợn tròn mắt. 

Đôi ngày trước lịch bay, thông tin về cách ly không còn là khách sạn 4 sao mà là khách sạn zê-rô sao: cách ly tập trung tại Bình Dương. Ông lão nhà ta bận bịu với câu hỏi, ơ sao lại không đúng như mô tả hàng hoá nhỉ. Còn con giời thì kiễng chân vỗ vỗ vai ông, về được nhà là tốt lắm rồi bạn già ơi.

(3)

Ở Tân Sơn Nhất, chúng tôi vạ vật chờ đợi xuyên đêm để được trèo lên xe đưa về khu cách ly. 

Thời gian đó thực là lý tưởng cho các màn tam cô lục bà mà người tham gia không chỉ có giống đàn bà, thực tế là các anh các ông tám cũng vô cùng ác liệt. Và một trong những chủ đề vàng của đêm rạng sạng ngày hôm đó là về đợt này, bác chi bao nhiêu.

Cái góc tôi ngồi xem ra chẳng có ai được phần miễn phí, đích thực được "giải cứu" như tuyên truyền cả. Giá "dịch vụ" được kể ra cứ gọi là vô thiên lủng. Rẻ đôi ba ngàn đồng tiền Mỹ. Còn đắt kỷ lục trong đám đàn bà tám đó, là một cô mặt rầu rĩ khi nói ra con số gần cán đích 12 ngàn Mỹ kim bao gồm trong đó cả tiền vé máy bay. Tôi ngồi im giữa các bà các cô với quá nửa vì nóng đã lột sạch bộ đồ xanh bảo hộ, khẩu trang thì lơ lửng mỗi cái quai lòng thòng một bên tai: mình không phải là con mồi béo nhất :-)

(4)

Về đến Bình Dương, chui tọt vào phòng cách ly, sau đôi ba ngày thì tôi như cá gặp nước, vui vui vẻ vẻ sống những ngày cách ly chờ tới hẹn được "cấp bằng tốt nghiệp" - diễn đạt của Chị TM chỉ việc hoàn thành thời gian cách ly tập trung. 

Trở nên thân cận với các thành viên trong phòng, tôi nghe thêm được đống chuyện hay ho liên quan đến chuyến bay hồi hương này.

Theo lời cô quê ở Bắc Ninh lanh lợi và thạo việc, giá dịch vụ xê dịch từ hai đến ba ngàn đồng Mỹ. Thường thì anh chị em nào ở ngay Cali sẽ có cơ gặp được nhà cung cấp dịch vụ giá mềm. Rồi cô bồi thêm, nhưng mà nhớ nhá, chuyến bay nào cũng chừng 20% là "miễn phí". Gia đình Đà Nẵng cùng cô khi thấy mặt tôi nghệt ra trước chi tiết 20% miễn phí này thì ra sức giải thích. Đại ý rằng thì là mà sứ quán nó cũng phải ra vẻ tử tế chút chứ, chứ ai cũng nã tiền thì có mà loạn à. À thì ra vậy. Mà đúng thật nhá, cái nhà hai mẹ con thiếu chút là bạn cùng phòng của chúng tôi đợt này, họ đúng là ất ơ ăn may, đăng ký chuyến bay chơi chơi rồi ngày đẹp trời nhận được thông tin chấp thuận và cứ thế là thu xếp hành lý về nước "chơi một chuyến" không tốn bất cứ khoản đưa đẩy nào. 

(5)

Tôi ru rú trong phòng, không có trò thò mặt ra tám với bà con các phòng kế cận. Nhưng bác gái Đà Nẵng thì khác, thi thoảng bác đột nhiên biến mất, và hầu như lần nào quay lại phòng, bác lại có cả đống chuyện hay ho kể cho các thành viên người lớn trong phòng nghe. 

Qua nhiều mẩu chuyện vụn vặt của bác gái, tôi mơ hồ cảm nhận, xem ra chỉ có mình bi đát, dứt khoát phải hồi hương bằng mọi giá. Chứ còn lại ý à, cứ như thể bà con có một chuyến về nước chơi bời thăm thú bà con họ hàng vậy. 

Cô Bắc Ninh không vội hồi quốc nếu không phải vì mớ ai-phôn xách tay đưa về Việt Nam đúng dịp đảm bảo bán đắt như tôm tươi. Nhà Đà Nẵng vợ cắp nách đám con về với tinh thần đánh ghen với đám bồ của tay chồng và cũng là tranh thủ chốt kèo mua thêm đôi ba căn hộ chung cư nơi thành phố biển, đó là chưa kể ý định ra Thu Cúc ngoài Hà Nội xử lý cái mặt của mình. Rồi mấy cô mấy bác ở mấy phòng kế bên, tôi chích ngừa đủ rồi, an toàn rồi, về nước chơi một chuyến cho đỡ nhớ. Úi chà!

Cảm nhận mơ hồ của tôi càng trở nên rõ nét khi chúng tôi rời Bình Dương đi Tân Sơn Nhất. Anh kia mặt mày hớn hở với bao lớn thùng nhỏ, đợt này tranh thủ đánh hàng về kiếm chút. Nhà nọ bọn em thẻ xanh rồi cũng chẳng vội gì nhưng vì ở Mỹ mãi cũng chán, tiêm đủ rồi thì về nhà chơi, sợ gì. 

Chỉ duy nhất vài bạn trẻ thì xem ra đúng là ở tình trạng "kẹt" giống tôi. Tốt nghiệp rồi, bọn em phải về thôi!

(6)

Trừ ấn tượng ban đầu về phòng ốc cách ly rất chi là tệ thì thật mau tôi chẳng có than phiền gì. Thậm chí, tôi nghĩ mình cần bày tỏ một thái độ biết ơn với cái thể mang tên Nhà nước, Chính phủ. 

Bất luận chuyến bay hồi hương nào, nơi chốn cách ly nào, chuyện xấu tốt ra sao tôi không biết thì dứt khoát không bàn loạn. Nhưng ở khu cách ly tập trung Thị xã Bến Cát này, nếu chỉ được chọn một từ để tổng kết, tôi sẽ dứt khoát nói ra hai chữ tử tế.

Cô Đà Nẵng có kinh nghiệm bay hồi hương, bay giải cứu như đi chợ cười phớ lớ bảo, so với những lần trước ở cách ly trong khách sạn sao lớn sao nhỏ, lần này cô tiết kiệm được cả mớ tiền, tính ra đủ làm cái mặt ở Thu Cúc. Rồi cô lại nói, mà ở thế này sướng hơn khách sạn 4 sao nhiều. Phòng khách sạn sang chảnh đấy nhưng đâu có thoáng như ở đây. Về sự ăn uống thì cơm "công nghiệp" thế này còn ngon hơn nhiều cơm hộp khách sạn a. Đó là chưa kể đến giờ nhân viên y tế qua đo thân nhiệt, phát khẩu trang mỗi ngày, bà con vẫn có thể hỏi han dăm câu ba điều hay yêu cầu này chi chi nọ, đại loại là rất có không khí "con người" thân ái với nhau. 

(7)

Tôi về Hà Nội an toàn. Sau chút ngỡ ngàng lúng túng thì tôi rất mau thích ứng nếp sống, nếp nghĩ thị dân dưới đáy quen thuộc của mình.

Lão Tiên sinh có đôi bận thắc mắc về cái khoản chênh khách sạn 4 sao như cam kết với thực tế tôi cách ly tập trung và tự chi trả một khoản tính ra gần 100 đồng tiền Mỹ. Ý của ông lão là "bên kia" phải hoàn tiền khách sạn. Tôi cười ha ha ha trong điện thoại, Ông thế là không hiểu Việt Nam roài Ông ơi! 

Mà một ông Mỹ thì lại càng dứt khoát không hiểu được chuyện tại sao đã mất tiền rồi mà lại còn phải "biết ơn" nữa. Chuyện là tôi nhờ vả bắc cầu, vác được cái thân về nước thì đương nhiên phải chịu ơn giúp đỡ của từ người nhà mình tới hảo bằng hữu của người nhà mình. Chuyện này tôi gọi là "vì cái mặt" [thể diện]. Vì covid, nên cái sự biết ơn và giữ thể diện kia thực tôi cũng chỉ bày tỏ bằng lời. Người nhà nhắn nhủ, bình thường thì qua cám ơn người ta một câu, nhưng dịch dzọt thế này thì thôi không cần. Tôi nghe vậy coi như an tâm, mình làm đủ mọi "thủ tục" lễ nghi rồi :-)

(8)

Chuyện tôi kể ra bà con xung quanh cười hi hi ha ha trận lớn trận nhỏ. Chẳng ai tiếc rẻ cái khoản tiền khách sạn kia cả. Ai cũng sảng khoái an ủi, về được là tốt roài!

Và ngay cả bạn đời, một ông lão chi tiêu chắc nình nịch, cũng rất mau quẳng ra sau gáy cái thắc mắc về khoản chi khách sạn mà không có khách sạn, gật gật gù gù, Việt Nam là thế, và lại tiếp tục gật gật gù gù, thật là tốt khi chuyện đã xong. 

(9)

Thời gian này, nghe sự gia tăng thái độ của "công luận" về các chuyến bay hồi hương, tôi thi thoảng nghĩ vẩn vơ tý chút.

Thực sự cái sự gia tăng này là xuất phát từ những phàm dân thấp cổ bé họng hay đã đến thời điểm nhiều lực lượng kinh tế chạm điểm cực hạn của sức chịu đựng và bắt đầu lên tiếng?

Các thông tin dẫn cứ được nêu ra trên mặt báo chí tạm gọi là chính thống còn chung chung, còn mềm mại lắm. Sang đến bức xúc được xả ở các nội dung còm [comments] thì thực mới là một màn ẩn ức tích tụ lâu giờ nổ toang. Cái nhà bán vé độc quyền kia được gọi tên. Toà đại sứ được gọi tên. Còn thiếu vài cái tên cụ thể nữa nhưng mấp mé thông tin xem ra cũng bắt đầu phát lộ. 

Tôi không thích hùa theo đám đông kêu gào rủa xả. Giờ, tôi chỉ nghĩ, làm thế nào để những đứt gãy đình trệ bấy lâu được thuận lợi liền lạc trở lại. Trong một tình hình mới mà ai ai cũng phải có ý thức "cảnh giác", cũng phải thường trực đeo miếng vải che mồm miệng. 

Những phê phán, những đặt vấn đề về tổ chức bay hồi hương và sự cần thiết phải mở ra các chuyến bay bình thường trở lại, tôi không phản đối và thực là rất ủng hộ. Nhưng hãy cẩn thận! Bởi nếu không, câu chuyện cuối cùng sẽ chỉ là phê phán một chiều, bỏ qua hết những sự thật là cái hệ thống này, cái Nhà nước này, bên cạnh những chỗ không tử tế hay chưa tử tế, không hẳn là không làm gì cả

Hơn nữa, trong cả một tổng thể với vô vàn vấn đề, sẽ là rất ngốc nếu không nói là ngu ngốc khi nghĩ rằng gọi mặt chỉ tên đấu tố thì sẽ giải quyết được một vấn đề. Cứ nhìn sang mảng y tế mà xem, từ xét nghiệm tới chích ngừa còn ngổn ngang lanh tanh bành kia kìa. Các bác công luận "bới" vấn đề ra mà chẳng có hướng giải pháp nào ra trò, hoặc bới ra rồi thì để khắm khú cả nhà cùng hưởng, làm thế thì làm chi cho cực a. 

Tôi vẩn vơ nghĩ mà dứt khoát không nhớ được cụ thể là ai đã nói điều này. Đại ý là xét về tâm lý, con người ta rất giỏi ở chỗ tập trung vào vài điểm xấu và chì chiết nói đi nói lại, nói đến mức cuối ngày nhìn lại, hoá ra tất cả chúng ta sống trong một đống "sít". Mà thực sự thì ngày trôi qua, chúng ta vẫn hưởng gió, hưởng nắng, hưởng ánh sáng ngày mà!

Quan trọng vậy là chúng ta sống tiếp, nhìn vào cái ngày mai kia kìa :-)))

(10)

Tôi nắn nót gõ chữ trả lời chị bạn gửi đường link bài báo kia.

Rằng thì là mà, Đạo đức giả bỏ mịa :-) Giờ các ông chủ đói quá thì mới lên tiếng chứ dân kêu lâu rồi mà ai dám kêu thay!

xuyên đêm Tân Sơn Nhất - đợi về khu cách ly

cơm cách ly - không quá tệ như tưởng tượng trước đó

"tốt nghiệp" rồi, nhà cháu về Hà Nội thân yêu