Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

blame it on my youth

(1)

Tối qua khi tôi nói nửa giọng nghiêm túc nửa giọng đùa cợt về tiến độ của các bài luận, M ra ý động viên tôi với câu, chỉ cần bắt đúng nhịp và tập trung làm là được. Tôi nghĩ nó nói không sai chút nào. Tưởng tượng các bài luận cấu thành một bữa cơm thường ngày, tôi đã sẵn sàng bước kết thúc. Kiểu như, cơm trong nồi cơm điện đã chín tới; chảo đã được làm nóng trên bếp với lớp dầu ăn láng mỏng, rau củ đã làm sạch, mấy gia vị đã sẵn sàng để chờ xào, nấu; thức kho mặn đã chín thơm trong nồi đất nóng hôi hổi; vịt nước chấm ngay trước mặt với tỏi và ớt bằm để sẵn trong bát nhỏ chờ chế thành món chấm; đũa bát đã bày gọn gàng một góc mâm. Ấy nhưng cái động tác, những động tác cuối ấy, tôi vẫn lừng khừng chưa làm.

(2)

Tối qua, trước khi kết thúc ấm trà vụn, tôi khoái chí chỉ cho M cuốn artbook và kể lý do tôi mua nó, xong rồi trèo sang chuyện đọc cuốn sách có cái tên khiêu khích năng lực hủy diệt kia. Tôi bảo nó, đó là khám phá hoàn toàn mới với tôi. Còn M thì ngạc nhiên về chuyện trong khi gần như cả làng đọc xứ mình còn đang hân hoan với những gương thành công kiểu "tôi có thể" thì nhà sách kia lại mạo hiểm đầu tư vào dòng văn chương u ám này. Rồi nó chuyển tông, hào hứng bày tỏ nó thích làm sách kiểu này như thế nào. Tôi không biết cái thế giới làm nghề, cũng chẳng phải là người đọc điển hình theo trào lưu, nghe ù ù cạc cạc. Nhưng có điều tôi biết chắc, sau một đoạn thời gian phải lòng mấy vị kinh điển sặc mùi triết và mấy tác giả Nhật cận-hiện, giờ tôi bước chân vào một thế giới xám xịt và u sầu mới, một địa phương mới.

(3)

Cả đêm thức trắng chịu đau, sáng ra mở cửa cho hàng xôi xong thì tôi nằm thẳng cẳng chẳng còn biết mô tê gì. Gần trưa tôi mới tỉnh, lờ đà lờ đờ nghĩ chắc phải dậy thôi để tránh đêm nay mất ngủ. Lúc chui ra khỏi nhà tắm thì thấy hàng xôi đã chuẩn bị sẵn hoa và quả để thắp hương. Tôi lau ban thờ, thay nước mới, cắm hoa, bày quả, nghĩ một hay ba nén nhang đây rồi quyết định mình làm người xởi lởi. Nì nèo mặc cả với cả một danh sách dài các Cụ từ tổ xa lắc lư của ba họ đến các chư thần cai quản vùng đất, tự dưng chỉ muốn cười ầm ĩ một trận. Trừ cái đoạn chăm chỉ mua trầm và đều đặn làm ấm áp ban thờ ra thì tôi về cơ bản là đứa láo toét. Lúc nào cao hứng sẽ mua đủ thứ mình thích bày biện dâng lên, còn cứ vào các ngày một và rằm lịch dưới thì đều là ỷ lại vào hàng xôi. Lúc đầu còn từ chối, còn ý tứ đòi trả tiền này nọ, sau thì nghĩ người ta cậy nhà mình mà mưu sinh, mấy món cúng lễ đó coi như tấm lòng đáp lại việc được dùng chỗ miễn phí, vậy nên coi như người ta vui mà các Cụ, các chư thần hẳn cũng là hiểu cho cả.

(4)

TA cập nhật tin tức về mớ giày PonsMBT, nhân chuyện tôi khoe đang cai cafe ngoài thì viết lại rằng mình giờ không màng lắm món nước này, ngon thì uống, không thì thôi, chẳng vì đó mà cảm thấy phiền nhiễu. Tôi nhân đó mà cao hứng tăng đà, không chừng đợt tới còn giảm-tải lượng cafe tiêu thụ sáng sáng ở nhà. Lúc viết lại cho TA, tôi mới thấy mình lố bịch đến mức nào khi trở thành con nghiện ở Highlands như vậy. Lúc trước, TL khinh bỉ bĩu môi chê cười tôi hoang phí, BJ không ngừng cười nhạo tôi đằng nào cũng đắt thì mày chạy thẳng vào Staburcks mà kiếm thứ gì ngon ngon ý, D thì thắc mắc đồ uống ở đó dở tệ sao còn mua, tôi rất hùng dũng mà bao biện, ấy là có chỗ làm việc thuận lợi khi không muốn ngồi ở nhà với nguy cơ cái đầu mau lãng đãng bay tọt ra vườn; rằng thì là mà tôi đâu có phải dạng làm màu bản thân chạy theo tên gọi. Giờ thấy mình đúng là cùn. Cái vườn chẳng có lỗi. Xao lãng là vấn đề của tôi. Còn cái chuyện không thèm quan tâm đến nhãn hiệu, sao mà có thể dễ dàng dò ra thực hư thế nào. Nếu có cái hình xanh xanh mọc ngay bên kia con đường to xem, khả năng rất cao là tôi sẽ lại mắt nhắm mắt mở chạy theo hương nồng quyến rũ mà trở thành con nghiện được nâng hạng. Giờ thì là tiệt tận gốc. Lối sống mới đầy trắc trở nhưng cũng đầy hứa hẹn muôn năm :-) Với nó, nếu thành công, bạn/tôi/chúng ta sẽ trở thành những tín đồ vô sản đầy phẩm giá và kiêu hãnh trong cái thành phố nhộn nhạo sặc mùi kim tiền và nhung nhúc những thèm khát thể hiện này. Nghe thật là hứa hẹn, phải không nào :-)

(5)

Cuốn sách khổ nhỏ 174 trang tôi nghĩ có thể "nhai" nó nội trong một tối, còn không cùng lắm là một ngày. Thực chuyện lại không phải là vậy. Tôi đọc nó, chậm rãi có, nhọc nhằn có. Thêm nữa là vừa đọc đầu óc vừa xẹt ngang xẹt dọc với đủ suy nghĩ linh tinh và những mẩu vụn ký ức. Tôi nhớ thêm nhiều chuyện, nhiều người, nhiều khuôn mặt vốn đã tưởng như hoàn toàn bị quên lãng. Có dạo tôi nghe Chet Baker, thích thì nghe, chẳng buồn biết ông này là thế nào, thậm chí còn nghĩ rất đương nhiên là một ông vẫn còn sống và vẫn còn hát. Giờ chỉ đọc có hai dòng cái giả định của nhân vật chính-người kể chuyện về cáo chung cuộc đời của ông ca sĩ này, tôi mau nhảy phắt sang cú tai nạn của Camus và cuốn sách mỏng đen tối một cách rực rỡ của William Styron. Rồi tôi nhớ lại bức hình trong email cuối cùng Michel Bernay gửi cho tôi, vạch STOP vàng chói mắt. Tôi đã không biết gì về những ngày cuối của ông "sếp" khó tính thích chơi jazz này. Tôi nhớ cả Bà Nội, lời của Bà rằng sống lâu quá là ăn lạm sang phần của con cháu và mấy câu triết lý về bù đắp giữa những người con lành lặn và kém lành lặn của Bà. Tôi không có cái nghi cách phù hợp để bình luận về mấy chuyện xảy ra trong gia đình to, nhưng tôi tin vào điều Bà nói về cuộc đời.

(6)

Mới chỉ tuần trước thôi, ở nhà một trong những bà cô nhà Nội, tôi đã chuẩn bị mất bình tĩnh song may mắn là mau chuyển thành uyển chuyển hướng câu chuyện của chủ nhà sang đề tài khác. Tôi nhìn bà cô khá giả của mình mang vác kẽo kịt một đống tỵ hiềm với người thân, nhìn cái cách một người lớn trong gia đình lớn tìm các kéo bè kéo phái tinh thần để bài xích một người lớn khác, mới đầu là tức sau là chán, còn giờ là lạnh lẽo. Bà cô kia đã quên một cách gọn gàng chuyện người mà mình ghen tỵ cho dù có là không ngừng hưởng "lợi" từ trong nhà tới nơi làm việc và ra ngoài xã hội thì cũng vẫn là người ấy đã và đang "phải" trải nghiệm bao khó chịu đó thôi, từ nỗi lòng của phụ huynh sốt ruột con cái hiếm muộn đến nhẫn nại chăm lo cho người bạn đời giờ tay chân run, đầu óc lơ mơ nhớ trước quên sau.

(7)

Ngày trước ai mà bảo tôi cánh anh chị em tài phú có nỗi niềm riêng của mình tôi cóc tin. Nhưng giờ, biến cố nhỏ xảy đến không phải là ít, những trải nghiệm khó chịu và đau đớn cả về tâm lẫn thân đủ để dạy cho tôi bài học to, rằng cuộc đời có sắp xếp, có lý lẽ riêng của nó. Tôi không hẳn huỵch toẹt về một thứ gọi là "công bình", nhưng tôi gần như chắc, ai cũng có vấn đề của riêng mình. Vậy nên, tốt nhất là thong thả sống, sống theo cái đạo lý của mình một cách nghiêm chỉnh đường hoàng, chừng nào thấy nó không ổn thì điều chỉnh song dứt khoát không được phản bội hay oán trách nó, dứt khoát phải biết chịu trách nhiệm về chọn lựa lối sống và lẽ sống của mình. Tham lam, cáu giận, ghen tuông, tôi nghĩ ai thì tôi không biết, tôi vẫn có chúng làm bạn hàng ngày. Nhưng dứt khoát, chúng vĩnh viễn không phải là kiểu bạn tốt mà tôi vô tư chào đón làm bạn đồng hành!

(8)

Theo chỉ dẫn của Young-Ha Kim, tôi nghe My Funny Valentine, và tiếp tục công việc scan ảnh cũ.

Lần này chủ yếu là tôi lòng khòng, vui vẻ, vô ưu trong những chuyến đi ngắn ngoài nước Pháp.

cạnh firenze - đến nhà bạn của Oli ở trên đồi
Tôi có thể nhắm mặt mà hưởng thụ trong tưởng tượng mùi của nắng vàng rụm trải ngập đến bất tận, sắc xanh bàng bạc của các rặng olive, làn da đen bóng của các cô gái điếm cao tốc gốc Phi gầy tong teo có phốp pháp phì nhiêu có của xứ Toscane; vị cafe thơm nồng quyến rũ của các tiệm nhỏ gần Sciences Po, mùi các trang sách trong tiệm L'Ecume des Pages trên đại lộ St Germains, hương thảo mộc trong khu vườn sau nhà Alex, con mèo lười ở sân vườn phố St Guillaume, bước chân chậm của các ông bà già bạn xem phim của tôi vào các suất chiếu chiều trong cái rạp nhỏ khu Latin nơi tôi cứ thế mà trở thành người hâm mộ vô điều kiện Pasolini, mấy tầng hầm thư viện trên đại lộ Wilson nơi tôi đọc trọn mấy năm tập san Phổ thông trước khi đình bản; các quán bia lờ mờ sáng mà ông cụ già Vincent dứt khoát yêu cầu mọi người phải thưởng thức một khi đã tới Bruxelles, chiều tà uể oải trên bãi biển Ostende, những đường kênh nhỏ bao đầy hoa cỏ ở  Bruges; mùi bánh cà rốt thơm phức vừa rời lò trong căn bếp nhà cha mẹ Cô Barbara, cái vẻ giản dị và sạch sẽ nhưng cũng sặc mùi kiêu ngạo của thành phố Basel nổi tiếng về thuốc và các gallery nghệ thuật đương đại...

Tính ra tôi đã đi và nhìn không ít thứ, phần nhiều là với vô tâm và hời hợt của một loại tuổi trẻ. Và giờ, tôi từ từ "sống" lại chúng, ngẫm nghĩ về chúng, lấy chúng làm tấm gương soi cái cuộc đời hiện tại. Đế sống tiếp theo một cách ổn hơn và tốt hơn, đích thực đúng với con người tôi hơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét