Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

creep

Các cơn đau chưa kịp rời bước thì ác mộng mất ngủ đã hiên ngang chiếm vị trí chủ nhân ông thời gian ngày và đêm của tôi. Thực thì tôi đã nếm đủ mùi đêm trắng từ mấy ngày nay, song đến hôm nay thì là tận cùng giới hạn chịu đựng. Mở cửa cho hàng xôi xong, tôi trở thành cái xác sống bê bết giữa sàn phòng gỗ. Gần trưa tỉnh giấc trong cảm giác đau nhừ toàn thân, đầu óc thì tăm tối, ủ rũ. Tôi tự nhủ, nào cố gắng, dứt khoát phải sống ngày của mình để tối đủ mệt mà lăn quay ra đúng theo nhịp sinh học.

Ở tiệm quen, mọi chuyện diễn ra như thế tôi vẫn chăm chỉ duy trì cái nhịp mỗi ngày một đúp latte. Các cô gái vui vẻ ân cần, lúc tôi rời đi rộng rãi cho mấy cái bánh quy đi kèm. Cốc latte đầu tiên sau cả tuần dài cai-nghiện bỗng nhiên ngon tuyệt vời. Xe bus tuyến quen đến trễ gần một giờ đồng hồ, tôi kiên trì ôm cái cốc, nhìn thấy một màn phong phú bộ dạng người đến và đi ở chỗ nhà chờ, đám dân văn phòng trong mấy tòa nhà đối diện túa ra, dzung dzăng qua đường tìm hàng ăn trưa. Có một bà cô ngồi chờ lâu gần bằng tôi. Lúc người đó ngồi xuống, chân này bỏ giầy ngoắc lên chân kia rung bần bật, tôi tự nhủ, úi giời. Chúng tôi không có trao đổi gì. Lát sau một anh bạn béo múp míp tay cầm túi nhỏ đựng thuốc và bìa y tế can chụp gì đó hỏi to cả đoàn người đợi bus làm thế nào đến được bệnh viện Đại học Y. Mấy người vừa đến tụ họp với tôi và bà cô rung đùi xì xào bảo không biết, còn lại bà cô thì không rõ là trả lời cậu chàng hay lẩm bẩm với chính mình, cứ lặp đi lặp lại ở đây làm gì có xe đi thẳng ra chỗ đó. Tôi tự dziễu mình có nên làm người tốt không, xong rồi thì quay sang cậu chàng thủng thẳng, này nhé có hai cách là đổi một tuyến thì đi từ đây và đi đúng một tuyến thì phải rảo bộ chút. Bà cô nghe ra thiếu vỗ đùi đánh đét một cái, hùa theo và giải thích thêm phần cặn kẽ. Tôi chẳng phải nói thêm lời nào, gật gật cái đầu. Cậu chàng dõng dạc cám ơn cả đoàn người đợi xe rồi cắp mông đi bộ một chặng để tiết kiệm cái vé bảy ngàn đồng. Tôi nhìn xuống cái cốc rỗng không, thấy mình chẳng ra làm sao cả.

Mọi người đi hết, cuối cùng còn sót lại mình tôi, kiên nhẫn chờ cái xe của mình. Vẫn là các đám dân văn phòng đi qua đi lại. Tôi nghĩ sống đời công sở mà cứ lếch tha lếch thếch đội dù đi tìm bữa trưa thế này khổ thật, song được hồi thì chực phá lên cười, bọn người kia nhìn tôi hẳn cũng nghĩ, cái kẻ này đúng là loser đích thực.

Tôi lấy báo tuần, mua giấy khô và giấy ướt ở địa chỉ quen thuộc, vào thư viện chìa thẻ gia hạn sách, mua mấy món đồ ngọt lừ ngon nhưng mà ngu ngốc ở tiệm bánh quen, dừng lại ở chỗ Chị Lan nốc sinh tố. Lời trong miệng co quắp, tôi nói chưa đến mươi câu ở tất cả mấy địa phương đó, nhưng có điều hay ho là có cảm giác rất thoải mái, quen thuộc. Không tính chị chủ quầy báo, cậu bé coi thư viện và mấy bạn trẻ coi quán cafe, đến cả cửa hàng tiện lợi chỗ tôi tìm giấy, cô chủ cũng vui vẻ nói thêm mấy câu về bịch giấy ướt, còn ở tiệm bánh thì mấy cô cậu đứng quầy đều cười chào rạng rỡ.

Cả tháng dài không điên khùng tiêu tiền vào đồ vải, cả tuần dài không tốn tiền cho cafe ngoài, tôi quyết định có ngày hoang phí với sách. Tìm cuốn về "thế chiến III" của nhà Trẻ mới ra không có, tìm cuốn chăm dưỡng da kiểu Hàn để làm quà cho một con nhóc thì được trả lời sách này đang hết, cuối cùng danh sách đọc của tôi lần này là một cuốn của tác giả Kẻ móc túi, Ba đêm trước giao thừa của Ryu Murakami, hai cuốn lảm nhảm chuyện chị em phục vụ cho bài giảng kỳ tới, hai cuốn dạy buông bỏ và tinh giản đời sống, một cuốn líu lo triết lý của cái hàng-ngày, một cuốn hứa hẹn giải-bận rộn, và hay ho hơn tất cả cặp đôi sách của Jerome Klapka Jerome. Ngày trước tôi tìm những thứ nghiêm túc phi thường và gắn với chuyên môn; kết quả thường là phi thường đến mức đọc hồi ú ớ chẳng hiểu gì cả, còn chuyên môn thì thường là khô không khốc và cứng quèo nếu không nói là độc đoán, giáo điều. Giờ, tôi vui vẻ đọc về cuộc sống, để mình vẩn vơ mơ màng từ dòng suối này đến con lạch nọ của thế giới psy rộng lớn.

Lúc tôi rời nhà sách Lâm, có hai người đàn bà bước vào mang tư thế của kẻ giàu mới ngạo nghễ trương phô đồng tiền. Túi trắng LV to đùng nghênh ngang bên hông, váy họa tiết mặt hổ báo của nhà Cavalli nhăn nhúm như thể vừa được lôi ra từ máy giặt sau một hồi quăng quật trong lồng giặt, giày kiểu đế đỏ Louboutin giậm cộc cộc. Không có lịch sự hỏi han có được mang túi vào không, chỉ có âm giọng khàn khàn cười nói ầm ĩ như ở giữa đồng không, sặc mùi vị của khoa trương, của dâm dật.

Tôi rời khỏi cái màn lờm lợm đó, tìm trạm bus kế tiếp. Bên kia đường, mặt hồ rung rinh theo gió. Có một thiếu phụ mặc váy lụa dài flottant cổ xẻ chữ V sâu khoe bầu ngực đầy đặn, đôi chân tròn mập kiêu hãnh sải bước trên đôi giày đen đế cao, tay dắt một đứa trẻ ăn mặc xuềnh xoàng chân xỏ dép lê cũ. Ở cách một mặt đường, tôi không nhìn rõ mặt song thực sự choáng ngợp bởi vẻ đẹp nữ tính của thân ảnh đó, bởi sự ân cần của người lớn với đứa trẻ và cái vẻ hớn ha hớn hở của thằng bé con. Tôi chẳng có đủ năng lực cảm thụ cũng như miêu tả để mà tụng ca vẻ đẹp thoáng qua đó, song đích thực đó là hình ảnh contra tuyệt vời của hai bà mua sách kia.

Có hai bác già, chừng trẻ hơn hai cụ già của tôi ở Bắc Ninh một chút, đến làm bạn chờ bus. Hai người già làu bàu, than thở, chán rồi quay sang hỏi tôi về tuyến xe đi sân bay. Tôi cười bảo, hai bác đến sớm 3 phút thì vừa kịp lên xe. Hai người lại tiếp tục làu bàu, than thở, không phải theo cái kiểu khó chịu của một loại ông già và bà già cáu bẳn, xấu tính mà là của hai ông bà già đích thực yêu thương nhau. Tôi phì cười nói như hỏi, nếu hai bác không phải là bay đi đâu thì chuyến tới cứ thong thả là được mà. Tắp lự có hai cái miệng bảo đúng thế, đúng thế, rằng thì là mà chúng tôi thừa thời gian. Xe tôi cần lên trờ đến, tôi vui vẻ chào tạm biệt, hai bác già cũng vui vẻ chào tạm biệt.

Trên bus về nhà, có hai đám người ở tỉnh xa lên xe kế tiếp nhau. Những đứa trẻ được cho đi chơi thành phố phấn khích vô nhường. Đám thứ nhất từ tỉnh núi phía Bắc, chủ yếu là ngắm cái hồ, ăn kem Tràng Tiền và mua giày dép quần áo ở khu phố cổ. Đám thứ hai hình như ở ngay phụ cận Hà Nội, tinh thần yêu nước và ý thức chính trị cao ngất trời. Tôi dỏng tai lên nghe trộm, bọn trẻ đi thăm Lăng Bác. Mẹ hay dì của chúng nó nói, nếu đã thăm Lăng Bác là đúng là thăm Lăng Bác, phải rất nghiêm trang. Còn nếu muốn chỉ là đi chơi thì dứt khoát không đi thăm Lăng Bác. Tự dưng, tôi nhớ mùa hè xa lắc lư nào đó, ở trong phòng học dưới Bách Khoa, chúng tôi có cuộc phỏng vấn sâu năm thứ hai hay ba gì đó với đối tượng của mình. Vào giờ nghỉ, đối tượng, đến từ tỉnh trung du phia Bắc, kể chuyện thanh niên trong xã đi mua tượng Bác Hồ, thằng này cắp nách cái tượng ngồi sau xe máy thằng kia, về đến trụ sở xã thì bị mắng té tát một trận vì thiếu tôn trọng lãnh tụ. Lúc xe đi qua chỗ có ông/anh Lý Tử Trọng, ở vườn hoa đối diện đậm sắc đỏ của một đám lớn người. Vẫn là cái người đàn bà ngồi phía sau tôi kia bình luận, lại cái bọn biểu tình bị Việt Tân xúi bẩy đây.

Tôi xuống xe mang dư vị thích thú với mấy lời kia rồi quay lại tình trạng của bản thân, ngẫm nghĩ làm thế nào để tiếp tục mệt nhoài mà còn lăn quay ra ngủ đúng giấc đêm nay. Cứ thế mà sau cả tuần làm trạch bà, tôi quay lại phòng tập. Ngoại trừ hai cô gái trẻ mặc đồ tập siêu ngắn, siêu hở, siêu sexy uốn a uốn éo selfie có lúc làm vướng lối của tôi ra thì quả là không tệ chút nào khi tôi có thể lăn lê bò toài và thở hùng hục như một con heo trong cái phòng tập gần như là trống vào khung giờ vắng này.

Hôm nay tôi bắt đầu nấu ăn tử tế trở lại, tối sẽ không uống trà mạn tự hại mình mà sẽ là mấy loại lá và quả khô. Bản thảo luận án là gần 200 trang lộn xộn, tệ hơn cả một đống rác. Các bài luận cũng ở tình trạng tương tự. Tôi nghĩ đọc chúng chỉ cần trang đầu thôi cũng đủ biết thua xa trình độ của một nhóc sinh viên năm ba. Nhưng tôi biết, hiện tại trong tình trạng sức khỏe này, tôi phải hết sức từ tốn mà quay lại "làm lành" với chúng :-)))

Tôi không có khả năng thay đổi đánh rụp. Song tính sau cái tuần thanh lọc cơ thể vừa rồi thì xem ra tôi đang trên con đường đúng! Cái này, tôi tự nói với mình, cố gắng, cố gắng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét