Cuối cùng, tôi sợ vong ma hơn người sống!
Mới có hơn tuần trước, có kẻ còn đắc chí cười nhạo đám người tưng bừng khí thế nghênh đón rằm tháng Bảy, từ mấy bà buôn to bán nhỏ mang vác đủ loại đồ mã cúng vong đến bọn thanh niên xúng xính áo quần màu xi măng khẳng định cho đức tin của mình rủ nhau lễ chùa Vu Lan báo hiếu. Lúc đó, tôi nghĩ, cứ cúng thường là đủ.
Nhưng rồi lơ vơ hỏi mấy câu, nghe xong phần trả lời thì tự mình dọa mình. Áy náy hồi, tự bảo, không biết không sao, chứ biết rồi thì cứ cẩn thận chút cho chắc dạ.
Thế là có màn ra chợ mua đồ mã. Choáng ngợp trước các lựa chọn. Con bé bán hàng thuê ở tiệm đồ hoa quả kiêm đồ cúng ngày trước tôi hay qua mua chuối chắc ra thành phố đã lâu, mùi thị dân đậm đà ngoại trừ cái giọng thi thoảng đá vài âm mang màu sắc quê nhà, nhiệt tình hướng dẫn. Tôi nghe hồi, bảo, đơn giản nhất có thể.
Cuối cùng là đồ mã tối giản, gồm mớ tiền giấy bản mỏng tang màu vàng in các vòng chữ màu đỏ, chẳng rõ chữ Phạn thật hay chữ người âm do phàm nhân cõi dương phát minh; cùng nữa là một set áo quần. Con bé gạ gẫm mua áo quần cho các cụ và đồ cho cô hồn em bé, tôi bảo loằng ngoằng lắm, cứ cái set kia là đủ.
Xong tiết mục quần áo và tiền đến tiết mục bỏng ngô. Cũng lại là theo set, túi bỏng đủ màu để trong túi to combo đồ cúng. Con bé bảo, em bỏ bỏng riêng ra nhá. Tôi chực gật đầu song nhìn đám màu sắc kia thì kêu thôi. Trước đó, tôi đã được dặn, cúng mấy món màu sáng, tức màu trắng, đại diện cho tính dương, từ xôi trắng qua cháo trắng đến bỏng cũng trắng nốt. Vậy là mâm cúng không có bỏng.
Lịch cúng năm nay trải từ ngày 13 qua ngày 16, giờ cúng hai khung, sáng sau 4 trước 7, tối sau 5 trước 9. Nhà cổng chính hướng Đông vốn dĩ có hàng xôi cát cứ, sinh hoạt mang tính gia đình hóa ra loanh quanh với cái vườn là cửa phía Bắc nên chỉ cần đảm bảo cúng ngoài sân thì mâm cúng được định ở ngoài vườn.
Ngày 13 về Bắc Ninh đón TL, tôi đã định cúng sớm nhưng trời mưa, bỏ. Tối 13 mệt phờ, bỏ. Sớm 14 ngủ quên, bỏ. Tối 14 lười, bỏ. Cuối cùng, cả cúng Cụ và cúng chúng sinh, làm hết trong sáng 15.
Hàng xôi mở cửa sau 6 giờ sáng, đợi đến lúc đó có xôi cúng thì sợ trễ. Thế là có thêm cái cảnh qua 5 giờ sáng có đứa lọ mọ bắc nồi cháo trắng. Đồ cúng sáng sớm ngoài vườn có một túi bánh gạo to tướng, một bát cháo trắng có cái thìa inox để cạnh, một cốc nước và đương nhiên là mớ tiền vàng cùng quần quần áo áo. Ba cây trầm se được cắm gọn trong cái cốc đổ quá lưng gạo. Trước tôi đã hỏi có cần rượu không, người được hỏi bảo vong uống nước. Tôi định kiếm thêm mấy bông hoa trắng trong vườn, mẫu đơn trắng, nhưng loanh quanh thế quái nào quên tiệt.
Sáng tờ mờ vườn được quét dọn sạch sẽ. Ghế đẩu mang từ trong nhà ra để ngay ngắn, trên là mâm cúng nhỏ xinh xinh. Hiệu ứng đem lại có chút quỷ dị. Hương trầm từ trong nhà, hương trầm thoang thoảng ngoài sân. Ánh sáng chậm rãi tăng tông, đến lúc cúng xong thì cả khu vườn sáng bừng.
Giữa buổi sáng thì hóa vàng. Cho món đồ mã trị giá 25 ngàn đồng tiền Việt Nam, tôi tiêu mất hơn 40 phút thời gian để đốt. Ngồi im bó gối, ngay ngắn khều cái que vốn là cành khế khô, đốt. Hai đầu gối nóng ran vì nhiệt tỏa ra. Tôi lơ mơ nghĩ một cách nghiêm túc đến ông giáo Bachelard với phân tâm học về lửa, rồi lại xiên cuội nghĩ linh tinh đủ thứ bà rằn khác.
Buổi tối TL về lúc nào tôi không rõ vì còn mải ngủ bù cho đêm trắng vừa qua. Lúc tỉnh giấc thì bữa tối đã sẵn sàng. Cháo trắng, từ cái nồi tôi đặt lúc sáng. Ăn với cà là thầu củ cải nhà làm từ năm trước, củ ngâm đen đặc đượm sâu vị xì dầu và đương nhiên là siêu mặn ngang ngửa bọn củ quà Bắc Kinh, Thượng Hải nhiều năm về trước chúng tôi thường nhận được.
Vậy là sáng vong ma xơi cháo trắng thuần. Tối có đứa sợ ma cộng với đứa vô thần vô thánh húp cháo kèm cà la thầu bóp dấm với tỏi và ớt bằm.
Tháng bảy lịch dưới có mấy điềm không tốt, nhà rỉ nước, tôi đứt tay, viên đá trong nhà tắm tự vẫn lăn lông lốc và nứt toác. Tôi còn chưa buồn đi hỏi thầy thợ chuyện viên đá là sao. Ít nhất thì xong cuộc trao đổi với các vị vong ma cũng có chút an tâm ở trong lòng. Chiều đi gội đầu, nhìn thấy một thằng cu tay băng bó kín mít, nghe chuyện nó bảo đang chạy xe bình thường có thằng dở hơi tông thẳng vào. Nó kể, từ lúc vác cái tay băng bó, có đến mươi người bảo "may mà không chết". Trước lúc thằng bé rời đi, tôi nghe nó ầm ĩ với thằng anh em họ gì đó về mớ đồ lễ lát nữa đem lên chùa. Thằng bé anh em họ kia học ở Sài Gòn đợt này ra chơi, chẳng rõ có phải thấm sâu tinh thần Thầy Thích Nhất Hạnh không, ca một bài về Vu Lan mùa báo hiếu. Rất ngộ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét