Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

trà gừng-sả mật ong

Năm trước tôi điên điên, đặt rụp một đống Tea forté đủ loại, từ mấy bạn truyền thống uống đã thành nghiện green mango peach, apricot amaretto, vienna cinnamon đến mấy loại mới thử xem sao bombay chai, ginger lemongrass, đó là chưa kể mấy set trà lá hộp nhỏ vị chanh, bạc hà Maroc và xoài-đào.

Mấy vị xoài, đào và mơ mau hết sạch. Quế và chai Ấn qua tiết lạnh tự dưng bị bỏ rơi. Riêng gừng-sả thử lần đầu xong thất vọng tràn trề nên gần như nguyên dạng.

Giờ tiếc của, con giời ngồi nghĩ làm thế nào cho hỗn hợp sả-gừng này nó hấp dẫn. Món trà lạnh xem chừng hứa hẹn nhưng nhà không có lấy một viên đá mà mua ngoài thì tôi không chịu, nên coi như bỏ qua.

Lại nghĩ tiếp thì ra món trà nóng bổ túc mật ong, mà hình như tôi đã uống đâu đó ngoài tiệm. Trà pha xong, rót vào cốc thủy hai lớp bodum sóng vàng rực rỡ, vô cùng đẹp. Đi tìm mật ong mãi chẳng thấy, lại không thích khui chai mới to đùng, liếc dọc ngang thì tặc lưỡi tóm trúng lọ mật malt whiskey TL tha lôi về từ Scotland. Nước trà chêm mật ong xấu mù, nhưng uống thì miễn chê luôn.

Tối kể cho bạn ăn tối. Có người nghe xong thì cười phá lên rồi nghiêm túc hỏi, thế mày không say à :-)

Giờ tôi đã biết làm thế nào để mau tiêu thụ hết hộp trà. Và nữa, lần tới tôi sẽ thử cho thêm mấy lá sả tươi non cho thêm phần dậy vị.

Note 1/7/2017: Đã thử và rất ok - cho chút trà khô, còn chính vị là lá sả non. Nước trà nóng pha thêm mật ong nhắc mùi kẹo sả-chanh Liên Xô ngày bé :-) Khi nào có đá thì sẽ thử tiếp món trà lạnh :-))) 

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

ân sủng của ngày, đồ vật ký và chuyện nhận-cho

(1)

Tôi nghe chuyện về 25 cái thùng carton to đùng vẫn chưa đủ chứa chỗ sách của một người quá cố từng học cổ ngữ và cổ văn nhưng cả một đời chưa có ngày nào chính thức gia nhập đội ngũ những người lao động hưởng lương.

Vẫn là người này, trong tám tháng cuối đời, đã chi ra một món tiền kha khá cho các hộp đựng tài liệu để chỉ làm đúng một việc: sắp xếp giấy tờ. Tôi nghe kể, sau tang lễ, đám người của tay luật sư đến mau chóng và gọn nhẹ xử lý sạch sẽ chỗ giấy tờ không cần thiết và đám hộp. Địa chỉ duy nhất dành cho chúng: túi rác. 

Tôi tự dziễu, lại thêm một ví dụ về thế giới điên rồ rộng lớn, về những phi lý trong hành động của người đời.

Rồi tôi tự thấy, xem ra bản thân vẫn còn "thuốc chữa"!

(2)

Mấy năm trước, qua TL mà tôi khám phá ra ông tối giản Leo Babauta và rất chịu khó đọc các entries của tác giả này. Hết một đoạn thời gian, Leo Babauta như chưa từng tồn tại.

Hè năm ngoái, sau khi nghe nói chán chê về phương pháp Kondo qua các blog notes đủ kiểu, tôi cuối cùng cầm trên tay bản tiếng Việt cuốn sách đã trở thành "kinh điển" của nữ tác giả người Nhật về dọn dẹp nhà cửa. Tôi học được cách gấp đồ vải, tâm đắc với cảnh báo về bọn thùng chứa có nắp, song còn lại lời lẽ chỉ dẫn trong sách quá nhẹ nhàng, quá lịch sự. Tôi cao hứng được đâu một tuần sau khi đọc sách, chăm chỉ thực hành được đâu một tháng, sau thì đâu vào đấy.

Cả Leo Babauta và Marie Kondo, đó là chưa nói tới cả một tiểu đoàn bloggers mà tôi hì hục đọc để lấy cảm hứng cho cái sự nghiệp dọn dẹp và bỏ đồ của mình, đều thực chỉ là những "liều thuốc" nhẹ. Tệ hơn, cùng với việc dừng hí hoáy tập tành tối giản thì tôi lại hì hục mua đồ, từ những món gỗ to đùng đến những món gốm trang trí bé xinh xinh. Mỗi khi cảm thấy "tội lỗi" thì ngay tức thì tôi lại an ủi, thì cũng là để thỏa mãn cái psy đang khó chịu của mình!

Giờ thì mọi chuyện đã đến ngưỡng báo động, gần mức quá-tầm-kiểm-soát. Tôi có thể dễ dàng cắt phập một dây liên hệ xã hội với một người mà tôi yêu thích và/hay yêu quý, nhưng với đồ vật, từ cây chì cũ ngắn tủn bằng một đốt ngón tay đến một cuốn từ điển mà gần hai chục năm nay tôi chưa sờ tới lấy một lần hay một cái áo có đến hơn mười năm tôi vẫn chung thủy đợi chờ thân người mình xọp đi chút xíu để nhét vừa... cho đến giờ tôi tuyệt đối không bỏ được chúng.

Cũng giờ, tôi có một "liều" chỉ dẫn mạnh hơn với bản dịch cuốn sách của Francine Jay. Từ trang này sang trang khác, tôi liên tục thấy mình trong đó, đáng thương hại và cũng đáng trách!

(3)

Tôi xỏ món quà mùa hè vào chân, cười hi hi ha ha như một đứa bé, đi đi lại lại. Nhấp một ngụm trà lạt, tôi tuyên bố, coi như xong đầu mục footwears của chương trình làm mới bản thân.
city slippers

(4)

Về đồ vải, sau câu chuyện Piazza Sempione hồi đầu tháng, tôi tiếp tục có cả một đống trải nghiệm thú vị: ghi ra món đồ mình thích và muốn, ngẫm nghĩ chút rồi xóa sổ cái dục vọng vừa mới nhú. Hiệu quả thật bất ngờ. Tôi hưng phấn, bị kích động khi nhìn và nghĩ về chúng. Tôi ngờ vực khi thấy tên chúng được viết ra, khi nghĩ về chất liệu làm ra chúng và nhất là khi đặt câu hỏi về hoàn cảnh mà tôi có thể sẽ mang chúng. Rồi tôi tỉnh ngộ, ái chà mình đâu có cần đến vậy :-)))

(5)

Tối nay tôi khoe một người thành tích cho-đi: hai váy linen trong đó một mặc đúng một lần, một còn chưa từng sờ tới và một áo pull sợi tổng hợp mà tôi vốn rất thích nhưng cũng rất tỉnh táo biết rằng nó chẳng hề hợp với cái bụng trống cơm hiện giờ của tôi. So với việc vứt đi đám chun và kẹp hoen rỉ hôm trước thì rõ ràng thành tựu này không tệ chút nào, và đương nhiên là tôi được khen rồi :-)

Chỉ có điều, tôi lờ tịt đi chuyện cũng tối nay, mang cao hứng sáng tạo nhưng lại thiếu kiên nhẫn và tính toán thông minh, tôi đã phá tan tành một cái áo vải thô mới toanh và rất đẹp mà lẽ ra nên được cho vào túi cho-đi. Gõ một cái note như thế này, tôi có thể xóa đi một từ hay ngữ nhăng nhít để viết mới, nhưng kéo đã cầm trong tay, hành động cắt đã hoàn tất thì chẳng còn cơ may undo nào nữa! Coi như tôi có bài học quý.

(6)

Tối hôm nay, nhiều sách truyện cũng đã được xếp riêng để mai chuyển cho cô em đồng nghiệp.

Tôi nâng lên hạ xuống, bỏ được Carver và Nguyễn Việt Hà cùng mấy cuốn trong tủ sách của ông toán học gia và bà văn sĩ kiêm giáo sư công tác xã hội, nhưng vẫn còn đắm đuối với mớ truyện rùng rợn xứ Phù Tang. Cho cái đám sau, tôi thở phù phù, đợi lần cho kế tiếp.

(7)

Tôi chưa buông hẳn được suy nghĩ, xấu hổ chết đi được khi huỵch toẹt tình trạng bản thân ra thế này. Nhưng ít nhất là cho lúc này, khi tôi ghi lại hoàn cảnh của mình, biểu đạt rõ mong muốn thay đổi của mình, một cách công khai, tôi có thể nhận thấy mình không còn bối rối và mất phương hướng nữa, không còn chỉ biết đến một chiều psy duy nhất với những "nhục nhã", "xấu hổ", "nhàm chán", "vớ vẩn"... !

Chuyện hẳn rồi sẽ tốt, phải không nào!

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

creep

Các cơn đau chưa kịp rời bước thì ác mộng mất ngủ đã hiên ngang chiếm vị trí chủ nhân ông thời gian ngày và đêm của tôi. Thực thì tôi đã nếm đủ mùi đêm trắng từ mấy ngày nay, song đến hôm nay thì là tận cùng giới hạn chịu đựng. Mở cửa cho hàng xôi xong, tôi trở thành cái xác sống bê bết giữa sàn phòng gỗ. Gần trưa tỉnh giấc trong cảm giác đau nhừ toàn thân, đầu óc thì tăm tối, ủ rũ. Tôi tự nhủ, nào cố gắng, dứt khoát phải sống ngày của mình để tối đủ mệt mà lăn quay ra đúng theo nhịp sinh học.

Ở tiệm quen, mọi chuyện diễn ra như thế tôi vẫn chăm chỉ duy trì cái nhịp mỗi ngày một đúp latte. Các cô gái vui vẻ ân cần, lúc tôi rời đi rộng rãi cho mấy cái bánh quy đi kèm. Cốc latte đầu tiên sau cả tuần dài cai-nghiện bỗng nhiên ngon tuyệt vời. Xe bus tuyến quen đến trễ gần một giờ đồng hồ, tôi kiên trì ôm cái cốc, nhìn thấy một màn phong phú bộ dạng người đến và đi ở chỗ nhà chờ, đám dân văn phòng trong mấy tòa nhà đối diện túa ra, dzung dzăng qua đường tìm hàng ăn trưa. Có một bà cô ngồi chờ lâu gần bằng tôi. Lúc người đó ngồi xuống, chân này bỏ giầy ngoắc lên chân kia rung bần bật, tôi tự nhủ, úi giời. Chúng tôi không có trao đổi gì. Lát sau một anh bạn béo múp míp tay cầm túi nhỏ đựng thuốc và bìa y tế can chụp gì đó hỏi to cả đoàn người đợi bus làm thế nào đến được bệnh viện Đại học Y. Mấy người vừa đến tụ họp với tôi và bà cô rung đùi xì xào bảo không biết, còn lại bà cô thì không rõ là trả lời cậu chàng hay lẩm bẩm với chính mình, cứ lặp đi lặp lại ở đây làm gì có xe đi thẳng ra chỗ đó. Tôi tự dziễu mình có nên làm người tốt không, xong rồi thì quay sang cậu chàng thủng thẳng, này nhé có hai cách là đổi một tuyến thì đi từ đây và đi đúng một tuyến thì phải rảo bộ chút. Bà cô nghe ra thiếu vỗ đùi đánh đét một cái, hùa theo và giải thích thêm phần cặn kẽ. Tôi chẳng phải nói thêm lời nào, gật gật cái đầu. Cậu chàng dõng dạc cám ơn cả đoàn người đợi xe rồi cắp mông đi bộ một chặng để tiết kiệm cái vé bảy ngàn đồng. Tôi nhìn xuống cái cốc rỗng không, thấy mình chẳng ra làm sao cả.

Mọi người đi hết, cuối cùng còn sót lại mình tôi, kiên nhẫn chờ cái xe của mình. Vẫn là các đám dân văn phòng đi qua đi lại. Tôi nghĩ sống đời công sở mà cứ lếch tha lếch thếch đội dù đi tìm bữa trưa thế này khổ thật, song được hồi thì chực phá lên cười, bọn người kia nhìn tôi hẳn cũng nghĩ, cái kẻ này đúng là loser đích thực.

Tôi lấy báo tuần, mua giấy khô và giấy ướt ở địa chỉ quen thuộc, vào thư viện chìa thẻ gia hạn sách, mua mấy món đồ ngọt lừ ngon nhưng mà ngu ngốc ở tiệm bánh quen, dừng lại ở chỗ Chị Lan nốc sinh tố. Lời trong miệng co quắp, tôi nói chưa đến mươi câu ở tất cả mấy địa phương đó, nhưng có điều hay ho là có cảm giác rất thoải mái, quen thuộc. Không tính chị chủ quầy báo, cậu bé coi thư viện và mấy bạn trẻ coi quán cafe, đến cả cửa hàng tiện lợi chỗ tôi tìm giấy, cô chủ cũng vui vẻ nói thêm mấy câu về bịch giấy ướt, còn ở tiệm bánh thì mấy cô cậu đứng quầy đều cười chào rạng rỡ.

Cả tháng dài không điên khùng tiêu tiền vào đồ vải, cả tuần dài không tốn tiền cho cafe ngoài, tôi quyết định có ngày hoang phí với sách. Tìm cuốn về "thế chiến III" của nhà Trẻ mới ra không có, tìm cuốn chăm dưỡng da kiểu Hàn để làm quà cho một con nhóc thì được trả lời sách này đang hết, cuối cùng danh sách đọc của tôi lần này là một cuốn của tác giả Kẻ móc túi, Ba đêm trước giao thừa của Ryu Murakami, hai cuốn lảm nhảm chuyện chị em phục vụ cho bài giảng kỳ tới, hai cuốn dạy buông bỏ và tinh giản đời sống, một cuốn líu lo triết lý của cái hàng-ngày, một cuốn hứa hẹn giải-bận rộn, và hay ho hơn tất cả cặp đôi sách của Jerome Klapka Jerome. Ngày trước tôi tìm những thứ nghiêm túc phi thường và gắn với chuyên môn; kết quả thường là phi thường đến mức đọc hồi ú ớ chẳng hiểu gì cả, còn chuyên môn thì thường là khô không khốc và cứng quèo nếu không nói là độc đoán, giáo điều. Giờ, tôi vui vẻ đọc về cuộc sống, để mình vẩn vơ mơ màng từ dòng suối này đến con lạch nọ của thế giới psy rộng lớn.

Lúc tôi rời nhà sách Lâm, có hai người đàn bà bước vào mang tư thế của kẻ giàu mới ngạo nghễ trương phô đồng tiền. Túi trắng LV to đùng nghênh ngang bên hông, váy họa tiết mặt hổ báo của nhà Cavalli nhăn nhúm như thể vừa được lôi ra từ máy giặt sau một hồi quăng quật trong lồng giặt, giày kiểu đế đỏ Louboutin giậm cộc cộc. Không có lịch sự hỏi han có được mang túi vào không, chỉ có âm giọng khàn khàn cười nói ầm ĩ như ở giữa đồng không, sặc mùi vị của khoa trương, của dâm dật.

Tôi rời khỏi cái màn lờm lợm đó, tìm trạm bus kế tiếp. Bên kia đường, mặt hồ rung rinh theo gió. Có một thiếu phụ mặc váy lụa dài flottant cổ xẻ chữ V sâu khoe bầu ngực đầy đặn, đôi chân tròn mập kiêu hãnh sải bước trên đôi giày đen đế cao, tay dắt một đứa trẻ ăn mặc xuềnh xoàng chân xỏ dép lê cũ. Ở cách một mặt đường, tôi không nhìn rõ mặt song thực sự choáng ngợp bởi vẻ đẹp nữ tính của thân ảnh đó, bởi sự ân cần của người lớn với đứa trẻ và cái vẻ hớn ha hớn hở của thằng bé con. Tôi chẳng có đủ năng lực cảm thụ cũng như miêu tả để mà tụng ca vẻ đẹp thoáng qua đó, song đích thực đó là hình ảnh contra tuyệt vời của hai bà mua sách kia.

Có hai bác già, chừng trẻ hơn hai cụ già của tôi ở Bắc Ninh một chút, đến làm bạn chờ bus. Hai người già làu bàu, than thở, chán rồi quay sang hỏi tôi về tuyến xe đi sân bay. Tôi cười bảo, hai bác đến sớm 3 phút thì vừa kịp lên xe. Hai người lại tiếp tục làu bàu, than thở, không phải theo cái kiểu khó chịu của một loại ông già và bà già cáu bẳn, xấu tính mà là của hai ông bà già đích thực yêu thương nhau. Tôi phì cười nói như hỏi, nếu hai bác không phải là bay đi đâu thì chuyến tới cứ thong thả là được mà. Tắp lự có hai cái miệng bảo đúng thế, đúng thế, rằng thì là mà chúng tôi thừa thời gian. Xe tôi cần lên trờ đến, tôi vui vẻ chào tạm biệt, hai bác già cũng vui vẻ chào tạm biệt.

Trên bus về nhà, có hai đám người ở tỉnh xa lên xe kế tiếp nhau. Những đứa trẻ được cho đi chơi thành phố phấn khích vô nhường. Đám thứ nhất từ tỉnh núi phía Bắc, chủ yếu là ngắm cái hồ, ăn kem Tràng Tiền và mua giày dép quần áo ở khu phố cổ. Đám thứ hai hình như ở ngay phụ cận Hà Nội, tinh thần yêu nước và ý thức chính trị cao ngất trời. Tôi dỏng tai lên nghe trộm, bọn trẻ đi thăm Lăng Bác. Mẹ hay dì của chúng nó nói, nếu đã thăm Lăng Bác là đúng là thăm Lăng Bác, phải rất nghiêm trang. Còn nếu muốn chỉ là đi chơi thì dứt khoát không đi thăm Lăng Bác. Tự dưng, tôi nhớ mùa hè xa lắc lư nào đó, ở trong phòng học dưới Bách Khoa, chúng tôi có cuộc phỏng vấn sâu năm thứ hai hay ba gì đó với đối tượng của mình. Vào giờ nghỉ, đối tượng, đến từ tỉnh trung du phia Bắc, kể chuyện thanh niên trong xã đi mua tượng Bác Hồ, thằng này cắp nách cái tượng ngồi sau xe máy thằng kia, về đến trụ sở xã thì bị mắng té tát một trận vì thiếu tôn trọng lãnh tụ. Lúc xe đi qua chỗ có ông/anh Lý Tử Trọng, ở vườn hoa đối diện đậm sắc đỏ của một đám lớn người. Vẫn là cái người đàn bà ngồi phía sau tôi kia bình luận, lại cái bọn biểu tình bị Việt Tân xúi bẩy đây.

Tôi xuống xe mang dư vị thích thú với mấy lời kia rồi quay lại tình trạng của bản thân, ngẫm nghĩ làm thế nào để tiếp tục mệt nhoài mà còn lăn quay ra ngủ đúng giấc đêm nay. Cứ thế mà sau cả tuần làm trạch bà, tôi quay lại phòng tập. Ngoại trừ hai cô gái trẻ mặc đồ tập siêu ngắn, siêu hở, siêu sexy uốn a uốn éo selfie có lúc làm vướng lối của tôi ra thì quả là không tệ chút nào khi tôi có thể lăn lê bò toài và thở hùng hục như một con heo trong cái phòng tập gần như là trống vào khung giờ vắng này.

Hôm nay tôi bắt đầu nấu ăn tử tế trở lại, tối sẽ không uống trà mạn tự hại mình mà sẽ là mấy loại lá và quả khô. Bản thảo luận án là gần 200 trang lộn xộn, tệ hơn cả một đống rác. Các bài luận cũng ở tình trạng tương tự. Tôi nghĩ đọc chúng chỉ cần trang đầu thôi cũng đủ biết thua xa trình độ của một nhóc sinh viên năm ba. Nhưng tôi biết, hiện tại trong tình trạng sức khỏe này, tôi phải hết sức từ tốn mà quay lại "làm lành" với chúng :-)))

Tôi không có khả năng thay đổi đánh rụp. Song tính sau cái tuần thanh lọc cơ thể vừa rồi thì xem ra tôi đang trên con đường đúng! Cái này, tôi tự nói với mình, cố gắng, cố gắng!

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

hoa trong vườn tháng sáu

Thời tiết chết tiệt!

Nó trương cái mặt xị ra suốt cả ngày, thi thoảng giống đứa trẻ mải nghịch giữa đám bùn đất chợt nhớ ra mình nóng thì quơ tay gạt tóc, để lộ vài đọt nắng chạy ngang qua ngày. Phần thời gian chủ yếu của ngày, nó xám xịt.

Nhưng vấn đề to là nó không cho mưa. Nó đưa ra các dấu hiệu, nó gầm gừ dọa dẫm. Nhưng dứt khoát không mưa.

Tôi bị nó "lừa". Cộng với tính lười của tôi, ỷ lại vào cơn mưa được giả định dứt khoát sẽ phải đến thì đương nhiên hậu quả là cái vườn khô khốc, bọn cây rũ ra vì mệt.

Chủ nhật cửa hàng không mở cửa. Sau một đêm mất ngủ, xế trưa thì tôi cuối cùng cũng khềnh khàng chui ra khỏi phòng gỗ, mắt nhắm mắt mở hé cửa phía Bắc nhìn cái vườn và tự nhắc chiều nay dứt khoát phải tưới tắm cho đám cây.

Nhang được thắp, bình cafe được châm, trong thời gian chờ đợi tôi làm bài tập routine của mình: quét sân vườn.

Phần thưởng cho hai con ngươi vẫn chưa quen ánh sáng ngày và sự tỉnh trí của tôi là chút màu sắc bất ngờ lộ ra, từ một góc kệ tường bao, từ cái thân xù xì của cây khế, và từ đám lá xanh vấy đầy bụi bẩn của cây quất nhỏ.




Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

blame it on my youth

(1)

Tối qua khi tôi nói nửa giọng nghiêm túc nửa giọng đùa cợt về tiến độ của các bài luận, M ra ý động viên tôi với câu, chỉ cần bắt đúng nhịp và tập trung làm là được. Tôi nghĩ nó nói không sai chút nào. Tưởng tượng các bài luận cấu thành một bữa cơm thường ngày, tôi đã sẵn sàng bước kết thúc. Kiểu như, cơm trong nồi cơm điện đã chín tới; chảo đã được làm nóng trên bếp với lớp dầu ăn láng mỏng, rau củ đã làm sạch, mấy gia vị đã sẵn sàng để chờ xào, nấu; thức kho mặn đã chín thơm trong nồi đất nóng hôi hổi; vịt nước chấm ngay trước mặt với tỏi và ớt bằm để sẵn trong bát nhỏ chờ chế thành món chấm; đũa bát đã bày gọn gàng một góc mâm. Ấy nhưng cái động tác, những động tác cuối ấy, tôi vẫn lừng khừng chưa làm.

(2)

Tối qua, trước khi kết thúc ấm trà vụn, tôi khoái chí chỉ cho M cuốn artbook và kể lý do tôi mua nó, xong rồi trèo sang chuyện đọc cuốn sách có cái tên khiêu khích năng lực hủy diệt kia. Tôi bảo nó, đó là khám phá hoàn toàn mới với tôi. Còn M thì ngạc nhiên về chuyện trong khi gần như cả làng đọc xứ mình còn đang hân hoan với những gương thành công kiểu "tôi có thể" thì nhà sách kia lại mạo hiểm đầu tư vào dòng văn chương u ám này. Rồi nó chuyển tông, hào hứng bày tỏ nó thích làm sách kiểu này như thế nào. Tôi không biết cái thế giới làm nghề, cũng chẳng phải là người đọc điển hình theo trào lưu, nghe ù ù cạc cạc. Nhưng có điều tôi biết chắc, sau một đoạn thời gian phải lòng mấy vị kinh điển sặc mùi triết và mấy tác giả Nhật cận-hiện, giờ tôi bước chân vào một thế giới xám xịt và u sầu mới, một địa phương mới.

(3)

Cả đêm thức trắng chịu đau, sáng ra mở cửa cho hàng xôi xong thì tôi nằm thẳng cẳng chẳng còn biết mô tê gì. Gần trưa tôi mới tỉnh, lờ đà lờ đờ nghĩ chắc phải dậy thôi để tránh đêm nay mất ngủ. Lúc chui ra khỏi nhà tắm thì thấy hàng xôi đã chuẩn bị sẵn hoa và quả để thắp hương. Tôi lau ban thờ, thay nước mới, cắm hoa, bày quả, nghĩ một hay ba nén nhang đây rồi quyết định mình làm người xởi lởi. Nì nèo mặc cả với cả một danh sách dài các Cụ từ tổ xa lắc lư của ba họ đến các chư thần cai quản vùng đất, tự dưng chỉ muốn cười ầm ĩ một trận. Trừ cái đoạn chăm chỉ mua trầm và đều đặn làm ấm áp ban thờ ra thì tôi về cơ bản là đứa láo toét. Lúc nào cao hứng sẽ mua đủ thứ mình thích bày biện dâng lên, còn cứ vào các ngày một và rằm lịch dưới thì đều là ỷ lại vào hàng xôi. Lúc đầu còn từ chối, còn ý tứ đòi trả tiền này nọ, sau thì nghĩ người ta cậy nhà mình mà mưu sinh, mấy món cúng lễ đó coi như tấm lòng đáp lại việc được dùng chỗ miễn phí, vậy nên coi như người ta vui mà các Cụ, các chư thần hẳn cũng là hiểu cho cả.

(4)

TA cập nhật tin tức về mớ giày PonsMBT, nhân chuyện tôi khoe đang cai cafe ngoài thì viết lại rằng mình giờ không màng lắm món nước này, ngon thì uống, không thì thôi, chẳng vì đó mà cảm thấy phiền nhiễu. Tôi nhân đó mà cao hứng tăng đà, không chừng đợt tới còn giảm-tải lượng cafe tiêu thụ sáng sáng ở nhà. Lúc viết lại cho TA, tôi mới thấy mình lố bịch đến mức nào khi trở thành con nghiện ở Highlands như vậy. Lúc trước, TL khinh bỉ bĩu môi chê cười tôi hoang phí, BJ không ngừng cười nhạo tôi đằng nào cũng đắt thì mày chạy thẳng vào Staburcks mà kiếm thứ gì ngon ngon ý, D thì thắc mắc đồ uống ở đó dở tệ sao còn mua, tôi rất hùng dũng mà bao biện, ấy là có chỗ làm việc thuận lợi khi không muốn ngồi ở nhà với nguy cơ cái đầu mau lãng đãng bay tọt ra vườn; rằng thì là mà tôi đâu có phải dạng làm màu bản thân chạy theo tên gọi. Giờ thấy mình đúng là cùn. Cái vườn chẳng có lỗi. Xao lãng là vấn đề của tôi. Còn cái chuyện không thèm quan tâm đến nhãn hiệu, sao mà có thể dễ dàng dò ra thực hư thế nào. Nếu có cái hình xanh xanh mọc ngay bên kia con đường to xem, khả năng rất cao là tôi sẽ lại mắt nhắm mắt mở chạy theo hương nồng quyến rũ mà trở thành con nghiện được nâng hạng. Giờ thì là tiệt tận gốc. Lối sống mới đầy trắc trở nhưng cũng đầy hứa hẹn muôn năm :-) Với nó, nếu thành công, bạn/tôi/chúng ta sẽ trở thành những tín đồ vô sản đầy phẩm giá và kiêu hãnh trong cái thành phố nhộn nhạo sặc mùi kim tiền và nhung nhúc những thèm khát thể hiện này. Nghe thật là hứa hẹn, phải không nào :-)

(5)

Cuốn sách khổ nhỏ 174 trang tôi nghĩ có thể "nhai" nó nội trong một tối, còn không cùng lắm là một ngày. Thực chuyện lại không phải là vậy. Tôi đọc nó, chậm rãi có, nhọc nhằn có. Thêm nữa là vừa đọc đầu óc vừa xẹt ngang xẹt dọc với đủ suy nghĩ linh tinh và những mẩu vụn ký ức. Tôi nhớ thêm nhiều chuyện, nhiều người, nhiều khuôn mặt vốn đã tưởng như hoàn toàn bị quên lãng. Có dạo tôi nghe Chet Baker, thích thì nghe, chẳng buồn biết ông này là thế nào, thậm chí còn nghĩ rất đương nhiên là một ông vẫn còn sống và vẫn còn hát. Giờ chỉ đọc có hai dòng cái giả định của nhân vật chính-người kể chuyện về cáo chung cuộc đời của ông ca sĩ này, tôi mau nhảy phắt sang cú tai nạn của Camus và cuốn sách mỏng đen tối một cách rực rỡ của William Styron. Rồi tôi nhớ lại bức hình trong email cuối cùng Michel Bernay gửi cho tôi, vạch STOP vàng chói mắt. Tôi đã không biết gì về những ngày cuối của ông "sếp" khó tính thích chơi jazz này. Tôi nhớ cả Bà Nội, lời của Bà rằng sống lâu quá là ăn lạm sang phần của con cháu và mấy câu triết lý về bù đắp giữa những người con lành lặn và kém lành lặn của Bà. Tôi không có cái nghi cách phù hợp để bình luận về mấy chuyện xảy ra trong gia đình to, nhưng tôi tin vào điều Bà nói về cuộc đời.

(6)

Mới chỉ tuần trước thôi, ở nhà một trong những bà cô nhà Nội, tôi đã chuẩn bị mất bình tĩnh song may mắn là mau chuyển thành uyển chuyển hướng câu chuyện của chủ nhà sang đề tài khác. Tôi nhìn bà cô khá giả của mình mang vác kẽo kịt một đống tỵ hiềm với người thân, nhìn cái cách một người lớn trong gia đình lớn tìm các kéo bè kéo phái tinh thần để bài xích một người lớn khác, mới đầu là tức sau là chán, còn giờ là lạnh lẽo. Bà cô kia đã quên một cách gọn gàng chuyện người mà mình ghen tỵ cho dù có là không ngừng hưởng "lợi" từ trong nhà tới nơi làm việc và ra ngoài xã hội thì cũng vẫn là người ấy đã và đang "phải" trải nghiệm bao khó chịu đó thôi, từ nỗi lòng của phụ huynh sốt ruột con cái hiếm muộn đến nhẫn nại chăm lo cho người bạn đời giờ tay chân run, đầu óc lơ mơ nhớ trước quên sau.

(7)

Ngày trước ai mà bảo tôi cánh anh chị em tài phú có nỗi niềm riêng của mình tôi cóc tin. Nhưng giờ, biến cố nhỏ xảy đến không phải là ít, những trải nghiệm khó chịu và đau đớn cả về tâm lẫn thân đủ để dạy cho tôi bài học to, rằng cuộc đời có sắp xếp, có lý lẽ riêng của nó. Tôi không hẳn huỵch toẹt về một thứ gọi là "công bình", nhưng tôi gần như chắc, ai cũng có vấn đề của riêng mình. Vậy nên, tốt nhất là thong thả sống, sống theo cái đạo lý của mình một cách nghiêm chỉnh đường hoàng, chừng nào thấy nó không ổn thì điều chỉnh song dứt khoát không được phản bội hay oán trách nó, dứt khoát phải biết chịu trách nhiệm về chọn lựa lối sống và lẽ sống của mình. Tham lam, cáu giận, ghen tuông, tôi nghĩ ai thì tôi không biết, tôi vẫn có chúng làm bạn hàng ngày. Nhưng dứt khoát, chúng vĩnh viễn không phải là kiểu bạn tốt mà tôi vô tư chào đón làm bạn đồng hành!

(8)

Theo chỉ dẫn của Young-Ha Kim, tôi nghe My Funny Valentine, và tiếp tục công việc scan ảnh cũ.

Lần này chủ yếu là tôi lòng khòng, vui vẻ, vô ưu trong những chuyến đi ngắn ngoài nước Pháp.

cạnh firenze - đến nhà bạn của Oli ở trên đồi
Tôi có thể nhắm mặt mà hưởng thụ trong tưởng tượng mùi của nắng vàng rụm trải ngập đến bất tận, sắc xanh bàng bạc của các rặng olive, làn da đen bóng của các cô gái điếm cao tốc gốc Phi gầy tong teo có phốp pháp phì nhiêu có của xứ Toscane; vị cafe thơm nồng quyến rũ của các tiệm nhỏ gần Sciences Po, mùi các trang sách trong tiệm L'Ecume des Pages trên đại lộ St Germains, hương thảo mộc trong khu vườn sau nhà Alex, con mèo lười ở sân vườn phố St Guillaume, bước chân chậm của các ông bà già bạn xem phim của tôi vào các suất chiếu chiều trong cái rạp nhỏ khu Latin nơi tôi cứ thế mà trở thành người hâm mộ vô điều kiện Pasolini, mấy tầng hầm thư viện trên đại lộ Wilson nơi tôi đọc trọn mấy năm tập san Phổ thông trước khi đình bản; các quán bia lờ mờ sáng mà ông cụ già Vincent dứt khoát yêu cầu mọi người phải thưởng thức một khi đã tới Bruxelles, chiều tà uể oải trên bãi biển Ostende, những đường kênh nhỏ bao đầy hoa cỏ ở  Bruges; mùi bánh cà rốt thơm phức vừa rời lò trong căn bếp nhà cha mẹ Cô Barbara, cái vẻ giản dị và sạch sẽ nhưng cũng sặc mùi kiêu ngạo của thành phố Basel nổi tiếng về thuốc và các gallery nghệ thuật đương đại...

Tính ra tôi đã đi và nhìn không ít thứ, phần nhiều là với vô tâm và hời hợt của một loại tuổi trẻ. Và giờ, tôi từ từ "sống" lại chúng, ngẫm nghĩ về chúng, lấy chúng làm tấm gương soi cái cuộc đời hiện tại. Đế sống tiếp theo một cách ổn hơn và tốt hơn, đích thực đúng với con người tôi hơn!

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

tumi, vòng đá, dây thun cũ và bìa carton bỏ đi

(1)

Tôi tiếp tục làm bạn với các cơn đau. Theo một kiểu hòa ái đáng ngạc nhiên và có chút "bệnh hoạn". Bình thường, nếu từ miệng tôi phụt ra mấy chữ hứng cảm, khoái cảm thì chín mươi chín phần trăm là dành cho việc đọc một cái gì đó hay ho sặc mùi triết lý/triết học cao siêu hoặc không là đồ ăn thức uống tống vô bao tử; một phần trăm còn lại là khi đứng trước một phong cảnh nào đó - nhưng điều này hiếm khi xảy ra vì đã lâu rồi tôi không còn hứng thú đi xa khỏi nhà. Còn giờ, nội hàm của đám sự vật có thể mang vác mấy cảm trạng trên đã mở rộng ra cả sự đau đớn hình lý.

(2)

M qua nhà chơi. Tôi pha ấm trà trộn những vụn cuối sót lại từ túi trà Chính Thái với hộp oolong xứ Đài, thức ngọt kèm là phong bánh đậu vị sầu riêng. Trà cuối túi trộn tùm lum hơi kỳ cục song về cơ bản vẫn ngon như thường. Riêng bánh đậu, sau nửa thanh thì tôi gần như không chịu nổi. Bột bánh tắc ngứ ở phần trên họng, vị thì ngọt lừ. Tôi nghĩ ngẫm một hồi mình muốn cái gì, sau gạ gẫm khách, mày ra quán Huế đầu phố với tao đi, rồi sau đó tao đuổi mày về.

(3)

Bữa tối ngẫu hứng diễn ra thong thả. Tôi kể chuyện mua trượt túi xách của mình, rồi kết luận rất có thể có một âm mưu phá hoại ngăn cản cơn điên khùng mua sắm lần này của tôi nhưng dù thế nào thì tôi sẽ không tìm hiểu chuyện này vì rốt cuộc thì rất may là tôi đã không sở hữu cái túi trong mơ đó.

M nghe chuyện hành trình mua túi [trượt] của tôi, chuyện BJ lấy chuyện nhìn thấy giá trên trời của mấy cái valise cùng nhãn mác ở sân bay Dallas để dziễu tôi thì chỉ cười khà khà mấy cái. Nhưng đến đoạn tôi bắt đầu giở cái vẻ mặt nghiêm túc mà thề, hứa, đảm bảo là lần này sống đơn giản, tối giản đích thực thì nó lộ nguyên cái bản chất siêu xỏ xiên của mình. Kết luận của nó là, mỗi lần tôi tuyên bố vậy thì đều là điềm báo cho một vụ tiêu tiền điên khùng sau đó. Nó nói chẳng sai về những lần trước, nhưng cho lần này tôi nghĩ phần nhiều tôi là kẻ thắng cuộc vì có vẻ như tôi chẳng còn hứng thú gì với ý tưởng về các món đồ mới nữa.

(4)

BJ gọi điện kể chuyện bi hài về cái xe thừa kế. Tôi cười đến lệch miệng, dứt cơn thì bảo, đợt tới cần sắm thêm Range Rover và Porsche cho đủ bộ. Xem ra mức độ điên và phù phiếm của tôi chỉ là con muỗi so với một ai đó ở đâu đó!

(5)

Đối tượng dọn dẹp của tôi ngày hôm nay là ngăn kéo của một giá sách. Kết quả đồ tống thùng rác: mấy cái dây thun cũ gần như là mục; một đống miếng bìa carton tròn và vuông nhãn mác áo Ginko và Yerse mà tôi giữ lại hẳn là với ý đồ sẽ dùng chúng làm label cho cái gì đó sau này; và một cái móc treo rỉ hoèn.

Tôi nhìn cái sọt rác, ngẫm nghĩ nghiêm túc một hồi thì kết luận, cứ bảo tại sao nghèo và hèn. Đi tích dây thun cũ và mấy miếng bìa nhỏ thì xứng đáng quá rồi còn gì :-(

(6)

Còn về đồ trao-tặng, một trong những vòng tay tôi đặc biệt thích giờ được để riêng chờ được xâu lại và gửi cho TA cuối hè này.

Tôi biết rõ thói ki-bo cũng như tạng lười của mình nên xem ra cứ nên thong thả thế này mà để riêng các món bán-tặng và các món trao-tặng, tuốt tuột từ đồ vải sang sách, đá và bạc, rồi thong thả tìm người gửi đi.

scan một mẩu quá khứ

Nhiều người xung quanh tôi nói về các ứng dụng, các phương thức này nọ của việc lưu trữ phim và ảnh. Tôi nghe các từ các câu từ tai này bắn vèo sang tai kia và đi mất. Đến lúc đọc cóc nhảy anh chàng tối giản người Nhật thì gật gù, ấy cứ đơn giản gọi là scan đi. Mà tôi lại có cái Note 8, có thể scan ảnh được :-) Chuyện này kể lại cho D trong lần nói chuyện cuối cùng thì nhận lại tôi được một tràng cười dài tưởng như bất tận. D bảo không nghĩ có ngày tôi quan tâm đến mấy chuyện liên quan máy móc và công nghệ, lại càng không nghĩ tôi có đủ nghiêm túc và kiên nhẫn làm việc đó. Mà đúng thật, tôi gần như quên sạch sẽ cái ý nghĩ nhất thời đó.

Hôm qua định dọn đồ vải trong phòng gỗ thì loay hoay thế nào thành ra cái màn rúc đầu vào gầm cái sập đơn kéo ra đống hộp chứa sách vở và giấy tờ để phủi bụi và cũng là để khua khoắng cái chổi quét sàn. Trong đó có một hộp chứa đầy ảnh.

Tôi ghét việc chụp ảnh và bị/được chụp ảnh. Nhưng xem lại chúng thì hình như cũng không hẳn là vậy. Có đứa nhăn nhăn nhở nhở từ lúc còn mang mớ tóc dài đến chấm lưng cho tới lúc đầu gần như là trọc. Hay ho nhất là phần lớn tôi trong ảnh chỉ bằng một nửa tôi bây giờ, xét về hình dạng và trọng lượng. Tôi thay đổi thật nhiều :-)))

Nghiêm túc phi thường, Note 8 được đem ra tác nghiệp. Nhưng với đứa dốt nát về máy móc và cả thèm chóng chán như tôi, kết quả đương nhiên là chưa được mươi cái ảnh thì sự nghiệp scan kết thúc.

Niềm vui nhỏ bổ khuyết là nhớ ra cái chuyến đi biển kỳ thú từ đâu tôi không nhớ mà điểm cuối là Mystique. Con tàu nhỏ này đã cứu đời rất nhiều người Do Thái. Anh chàng đến từ Phi Châu này thì hình như là khách mời đặc biệt liên quan gì gì đó đến cái bảo tàng tàu thuyền. Còn vì sao tôi ở trên đó, hình như là từ một cuộc nói chuyện ở Dutch Tavern, nơi tôi đã gặp những người kỳ lạ chẳng kém gì những nhân vật trong thế giới mà tôi đã khám phá khi đi theo đám sinh viên và trợ giảng quốc tế ở Paris mấy năm trước đó.


Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

enjoy the silence

(1)

Các cơn đau vẫn chưa buông tha, tôi nhẫn nại chịu đựng và suy nghĩ về chúng chán thì tự bảo, mặc kệ. Hình như thế hóa lại tốt, giống lũ trẻ cáu giận rồi làm lành với nhau, chúng trở thành những cơn đau lặng lẽ!

(2)

Đầu sáng tôi nhận được hai mẩu tin nhắn báo chuyện lỡ chuyến từ Kenya sang Zambia. Tôi không rõ việc này có liên quan gì đến trễ chuyến bay đêm ở Hà Nội trước đó không.

Cũng lúc ấy, tôi nghĩ giá có smartphone thì tốt. Nghĩ xong thì cũng kịp nhắn lại một câu, vất vả rồi, dù chẳng biết là đang giao tiếp với ai.

Dù thế nào thì tôi cũng không lo lắng nhiều. Chuyện xứ Phi Châu bi hài kể và nghe đến cả năm cũng chẳng hết. Thêm nữa là vạn sự khởi đầu nan. Còn cùn nhất thì tự an ủi, mọi chuyện đều được an bài!

(3)

Sau một đêm gần như là trắng, tôi bù lấp cơn thiếu ngủ trong tư thế của xác chết, nửa người trên chiếu, nửa người dán trực tiếp xuống sàn gỗ bụi bặm. Có chút nhếch nhác và buông xuôi, tôi biết vậy, nhưng quá mệt nên cứ mặc kệ, buông mình lơ ma lơ mơ.

Giữa sáng, vào lúc chập chờn tỉnh giấc thì thoáng nghe ai đó gọi tên. Sau tôi hỏi hàng xôi, câu trả lời là không.

(4)

Bắc ấm đun cafe, tôi tính toán ngày của mình. Sau hai phút chăm chú nhìn lịch biểu mấy thông điệp quan trọng của Công đồng II là cú thở dài đánh thượt trước thực tại căn bếp ngập ngụa bát đũa rếch, phòng gỗ lôi tha lôi thôi, sảnh ngoài bày một dải những tấm khăn tắm lớn và hai cái chậu hứng nước dột sau cơn mưa to hôm trước. Giữa công việc luận án và công việc nhà, tôi thích động đậy tay chân hơn. Cũng coi là một cách để quên các cơn đau đi!

(5)

Hôm trước, có đứa đứng ngắm cái tường có ba dòng nước rỉ, chực giậm chân và vung tay cáu bẳn. Lúc ấy tôi bảo, cẩn thận hóa thành tâm thần. Nói xong thì nhận được câu trả lời, thì tâm thần rồi còn gì.

Nhà chung cư cũ, chúng tôi nhận ra liên hệ giữa các cơn mưa to, vệt nước dài chảy từ mái tòa nhà xuống sân sau và mấy chỗ rỉ nước trong nhà.

Sau cái phát hiện này thì tôi hết năng lượng bận tâm. Cáu lại càng không. Một năm đôi ba bận hứng nước. Hết chuyện!

(6)

Tôi mở cửa sổ phía Bắc để ánh sáng chảy ngập phòng gỗ. Đã nhiều ngày nó bị phong bế, lý do là tiết trời âm u mưa gió một phần, phần nữa là tôi lười động đậy.

Nếu lấy phòng gỗ làm gương phản chiếu cuộc đời và tâm tính tôi thì tôi có thể coi là đứa bỏ đi toàn tập. Lộn xộn và tạp nham!

Tôi muốn vứt bỏ, nhưng phần lớn thời gian sau một đoạn ngắn huy hoàng hưng phấn là bế tắc tuyệt đối trước câu hỏi bắt đầu từ đâu và với cái gì. Nói chung là thảm!

Cho hôm nay tôi nghĩ sẽ tấn công đồ vải.

(7)

Tối qua tôi đọc và xem linh tinh mấy món khác nên chưa động đến cái cuốn sách có tựa đầy thách thức kia.

Còn trưa nay, sau màn rửa bát hoành tráng là thư thả pha một ấm trà theo cung hoàng đạo, ngồi ôm bậu cửa và lần dở cuốn artbook mới mua hôm qua.

Thêm một lần nữa tôi thấy rõ là ngoại trừ cái chùm ảnh cô người mẫu đặc biệt kia, thì cuốn sách đích thực không phải là cho cái tạng của tôi. Hoặc là tôi dốt đặc, hoặc là nó nhảm nhí. Còn nói theo cách vui vẻ thì từ trước đến giờ tôi vẫn nhảm đấy thôi - cái đứa tôi chăm chỉ mua Elle Deco, Kinfolk Home rồi củ tỉ củ ti những cuốn về kiến trúc và trang trí nhà cửa nữa.

(8)

Nhà trà xứ Firenze quả thật vui tính.

Tôi nhìn thứ nước nâu đỏ sóng sánh trong nắng, tự bảo úi chà, mình hóa ra là có cái tư vị này. Chua chua và ngòn ngọt!

Nếu có một ngày mở tiệm trà cóc chuyên bán theo ấm, tôi nhất định sẽ trưng ra cái danh mục trà theo tâm trạng chứ không phải bộ trà astro theo cung này tuổi nọ.

Và món đầu tiên trong danh sách sẽ là trà-nhảm :-) Ừm mà về chuyện này thì tên là chưa đủ, tôi sẽ phải suy nghĩ tiếp về chuyện dành cho cái thói nhảm [nhí] thì ngoài các vụn trà xanh và đen ra cần phải bổ túc những vị gì.

(9)

Lúc rửa bát tôi nghe Depeche Mode sau là R.E.M, một dòng chảy dài âm thanh vừa quen vừa lạ.

Cảm giác khá kỳ cục sau những ngày mưa bay bay trong Dragon KingThe Old Tea House.

(10)

Ở ngoài vườn cửa hàng lười biếng không dọn bọn khế rụng tự nhiên và rụng do chuột gặm trên mái che. Tôi nhìn nhưng không nhắc. Cứ đợi mùi quả chua nồng lên mà xem, tức khắc sẽ có kẻ cầm que mà khều khều.

Còn lại việc tôi làm đã thành routine là chăm lo quét mảng sân trước cửa phía Bắc.

Lúc uống trà nhìn ra sân, tôi nghe thấy tiếng tán cau khô rơi. Khều nó xuống rồi thì theo phản xạ nghiếc mắt nhìn một cái. Cạnh chùm cau ngả đỏ là một mảng tươi tắn hoa cau sắp trổ. Vườn hứa hẹn một màn sớm mai thoảng hương cau với các vụn hoa trắng, coi như không tệ đi :-)

(11)

Mấy năm về trước, sau một cuộc trò chuyện vẩn vơ với chị đồng nghiệp, tôi lên cơn bốc đồng đi đặt một tủ áo to bốn ngăn và hai giá sách gỗ ép.

Kết quả sau một năm là nếm đủ sự khó chịu và mệt nhọc của việc lau dọn và đối phó các đám mốc ẩm.

Hệ quả tiếp theo là có một rạng sáng, tôi tay búa tay gậy xử lý sạch sẽ toàn bộ phần trên của hai cái giá sách, chỉ giữ nguyên khối hai phần dưới. Sáng ra khi hàng xôi đến mở hàng thì nhăn nhở gạ gẫm có lấy tủ không. Hàng xôi nhanh nhẹn cộng cùng ông hàng gạo kiêm xe ôm chỉ trong nửa cuối buổi sáng đã giải quyết gọn gàng cái tủ.

Sau sách được đóng hộp. Chỗ tủ mốc được mau chiếm cứ bởi một tủ gỗ hương to đùng có giá bằng tiền dịch một cái báo cáo rưỡi cho L. Tôi nhớ ngày ấy D còn đùa rằng tôi phá rừng, còn tôi thì chun mũi bảo, chỉ phá một lần còn tốt chán so với những bột cưa, keo dính cứ đôi ba năm lại thay một bận.

Hai cái khối phía dưới của giá sách gỗ ép được đưa ra vườn làm kệ. Một cái để sân sau nhờ bóng che của lồng cọp nhà tầng hai đến giờ vẫn tốt, cái kia phận kém co rúm dưới lớp mái hiên khiêm tốn bề rộng nên giờ đã xọp xẹp chực từ trần.

Hôm nay tôi sẽ tiếp tục sự nghiệp phá rỡ và thay vào đó là cái giá sắt cao Tùng Thư cao lêu khêu.

(12)

Tôi lật giở những trang đầu tiên cuốn sách của Young-Ha Him.

Đúng là có mùi u ám trong đó. Nhưng dù gì thì vẫn dễ hơn là gặm Ulrich Beck cho đám bài luận dở dang :-)

(13)

Lúc trước, trong cuộc trò chuyện, có một giây lát tôi chỉ muốn tát một cái vào mặt con ranh con mới ngoài hai mươi tuổi đầu mà líu lo lý luận về triết lý sống an dật.

Nhưng giờ thì tôi lại phì cười như con dở, với mình và về mình.

Đã có một quãng thời gian không ít năm tôi cũng to mồm lảnh lót như vậy.

Còn giờ, tôi thích ngậm miệng, nghĩ linh ta linh tinh, viết note ghi lại các ngày của mình.

Và với chút ngây ngốc là cái mong đợi có ngày mình có thể thực sự thụ hưởng cái cuộc sống an dật đích thực xa xỉ kia.

Mà thực thì cũng chẳng phải là đợi không. Nếu tôi cứ tiếp tục bỏ đi các đồ vật và các suy nghĩ tiêu cực, nhẫn nại nương theo thói phóng túng lần khân của mình mà chăm chỉ làm việc thì cái gọi là an cũng theo thế mà từng chút một tựu thành. Phải không nào :-)))

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

ngày xa xỉ

(1)

Theo hẹn từ tuần trước, tôi bất chấp cái bụng rấm rức từng đợt các cơn đau và cái đầu tổ quạ thực sự bốc mùi, rón rén ra ngoài để ăn trưa.

Con bé trước mặt nói loanh qua loanh quanh các vấn đề, các giấc mơ, các điều nó muốn. Tôi nghe từ tai này sang tai khác chán rồi thì cơn đồng bóng bỗng đâu nổi lên, quay sang phá đám. Tôi bảo nó, mày nói những chuyện này từ cái tối mùa đông năm ngoái ở tiệm chả cá, giờ vẫn là y chang.

Tôi chọc ngoáy con bé tới lui một hồi từ tiệm mỳ đến tiệm cafe, sau đó thì đến màn tạm biệt.

Trên đường về, tôi nghĩ vẩn vơ ra nhiều chuyện. Nếu cân những lời ngốc nghếch, những kế hoạch vĩ đại trong đời của tôi, thì hẳn phải được vài tấn hàng hóa bông phèng. Rồi tự dưng tôi có chút đa sầu đa cảm, thấy biết ơn đến cả một đại đội người - cả người cũ lẫn người mới - những người đã vui lòng làm cái "sọt rác" - nói theo diễn đạt của Valeria - chủ động hoặc bất đắc dĩ hứng các lời nhảm nhỉ và vô trách nhiệm của tôi!

Xét từ phương diện này, tôi là kẻ cho-đi xuất sắc và là một kẻ nhận-vào kém cỏi. Phần vì tôi ích kỷ và tính phũ. Nhưng phần nữa, quan trọng hơn, tôi đã thực sự hết cái hào hứng làm-người-tốt và chăm chăm bao đồng việc và chuyện của người thiên hạ.

Có anh chàng tối giản người Nhật nọ nói bạn tốt chỉ ba người là đủ. Lần đầu nghe câu này tôi cười khì khì, sau ngẫm nghĩ trong khi đợi định nghĩa cho ra cái gọi là "bạn tốt" thì đúng là với cái tạng của bản thân, tôi xem ra còn chẳng đạt tới chuẩn quota đó!

(2)

Chiều về nhà, tôi đi tiệm quen làm sạch cái đầu, vác theo túi mặt nạ origins tự tặng mình một giấc ngắn khẽ khàng hương thảo mộc.

Đến đoạn tỉnh giấc thì có màn thì thà thì thào những chuyện không đầu không đuôi với cô bé gội đầu. Nó kể chuyện có cô ế chồng vì gò má cao, đi tiêm cái gì gì đó làm cho má đầy đặn để lấy được chồng. Bạn cô ấy hỏi thế sau này tính sao, cô ấy bảo lấy được chồng cái đã. Mà cô ấy lấy được chồng rồi.

Tôi nghĩ, thật buồn cười. Lúc trước còn đang mải hỏi cái con bé kia là liệu mày có muốn trở thành một Fan Ho của Hà Nội không khi nó nói về giấc mơ nhiếp ảnh gia lâu đời của nó thì giờ là nghe chuyện giấc mơ trở thành người-vợ của một phụ nữ trẻ mà tôi hoàn toàn không biết.

Rốt cuộc thì ở trong cái đô thị nhếch nhác, vội vã và cáu kỉnh này có bao nhiêu loại giấc mơ?

(3)

Sau một ngày đắn đo, cuối cùng tôi có nó. Kiểu sách này không thuộc tạng đọc của tôi. Hôm qua, khi chạy ra tiệm Nhã Nam gần nhà tìm cuốn Ruột ơi là ruột để hai cụ già mang về Bắc Ninh nhẩn nha đọc, tôi còn kịp ngó nghiêng các kệ sách và giở coi mấy trang đầu của nó. Lúc đó, tôi đã ấn tượng vô cùng chuỗi bức hình của cô người mẫu này. Ấn tượng đến mức tối về còn khua môi mô tả cho TL, không biết diễn đạt thế nào thì bảo giống Thị Nở nhưng mà xinh vô cùng, làm cho con em quay sang vặn vẹo, Thị Nở xinh à.

Thực thì tôi có nhớ quái mặt mũi Thị Nở trên phim như thế nào đâu. Nhưng bất luận tôi có nói nhảm thế nào thì đúng là tôi có thể ngồi cười hì hì không chán trước những tấm hình mà chẳng rõ nguyên cớ từ đâu.

Going East/Tìm về Phương Đông - Dzung Yoko-Artbook
Vậy nên, nếu tôi đã bắt đầu ngày muộn của mình làm một kẻ lắng-nghe xa xỉ, tiếp tục nó với một sự tận hưởng cảm giác được chăm-sóc ân cần thì tại sao lại không kết thúc với một cuốn sách có cái giá trên trời mà nội dung và thông điệp đích thực của nó là gì tôi cũng chẳng rõ :-/

(4)

Nói thêm, trong khi chưa coi nó, tôi đã kịp đọc một mạch tối qua Thợ bánh samurai và cho tối nay sẽ là ngó nghiêng Tôi có quyền hủy hoại bản thân - cuốn sách mà tôi mua chiều nay chỉ vì cái tựa và mấy lời giới thiệu ở bìa cuối.

Cái này thì không phải là xa xỉ nữa rồi :-)))

Nhưng điên chút thì có sao đâu, nhất là sau một ngày đặc biệt như ngày hôm qua, nhỉ!

bí ngồi xào bacon vị dầu mè

Tôi rón rén bước vào thế giới khủng-long ăn rau :-)

Sau vụ phải lòng thứ dầu mè trong suốt hiệu Cauvin và hớn ha hớn hở công thức xào sém, tôi hăng hái xào xào nấu nấu đủ loại rau.

Lần này tiếp tục là bếp bất quy tắc, có gì mần nấy, nhưng dứt khoát phải có dầu mè, dứt khoát phải là xào sém :-)

Nguyên liệu:
- Bacon Vissan đanh, chắc và ít phần mỡ (so với rọi quế xông khói của Đức Việt)
- Bí ngồi thái lát đều tay, xóc với muối hạt, chừng 10-15 phút thì vắt nhẹ tay cho ráo nước tiết ra
- Cà rốt thái sợi
- Hành tây 
- Tỏi bằm
- Chút xíu ớt bột (optional)
- Và tất nhiên là phải có dầu mè rồi :-)

Làm món:
- Chảo bắc bếp nóng rồi thì cho chút dầu mè vào rồi cùng lúc xào lửa to tỏi bằm, bacon, cà rốt và hành tây. Dầu mè không cho nhiều, chủ đích là lấy vị thơm, còn lại là cùng với phần béo tiết ra từ bacon đủ để làm đượm đà món xào :-)
- Xem chừng các bạn cà rốt và hành tây sem sém, hơi ngả sắc caramel thì cho nốt bí ngồi vào xào mau tay tiếp.
- Trước khi bắc chảo thì rắc một lượt ớt bột cay cay.

Tôi chẳng buồn canh thời gian, nhưng chắc chắn là món này làm siêu-nhanh, nếu không tính thời gian chờ bí xóc muối ngấm mặn. Xào hỗn hợp ban đầu chừng dăm phút, đến phần bí xem ra chỉ 3 phút là đủ.

Tại sao xóc muối bí, lý do rất đơn giản, để các lát bí vừa tới ngấm mặn, và cũng là để khi cho vô miệng thì chúng vừa có vị ngọt của rau củ lại vừa hơi sần sật.

Bacon Vissan vốn dĩ mặn nên khi xào lẫn hành tây và cà rốt coi như không phải thêm nếm gì.

Về phần bạn ớt bột, tôi rắc vào vì thích ăn cay cay, và phần nữa là vì tiện cái lọ ớt bột Mẹ làm nó ở ngay trước mặt lúc tôi đứng bếp.

Với món này như vậy ngoài mấy hạt muối xóc bí ra thì chẳng cần quan tâm gì đến nêm và nếm. Quan trọng là lửa to và đảo nhanh tay :-)

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

ngày đặc biệt

Đâu đó tôi nghe hoặc đọc về tiết trời của bốn mùa trôi đủ trong nội một ngày thời gian. Hôm nay, tôi gần như trải đủ các loại hình cảm xúc đã từng biết đến kể từ khi có ý thức về sự tồn tại của mình trong cõi đời này.

Tôi không phủ nhận sự tới lui tùy tiện của cảm giác chán ghét phải-sống, cảm giác chán ghét đám-đông-người. Điều an lành là cuối cùng thì thắng thế không phải là cái màn tiêu cực đó. Mà là một tích tắc nhận ra rằng rốt cuộc, chính an-tĩnh mới là đáng giá hơn tất cả.

Khi tôi kịp hãm phanh mớ cảm xúc hỗn độn xám xịt đầy ám muội, khi tôi tìm lại được sự bình tĩnh, khi tôi thực sự dừng-lại, tôi có cơ may nhìn ra một thế giới khác xung quanh mình.

hoa huệ từ vườn nhà Bắc Ninh

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

gần như là cho-không của tuần :-)

Sự nghiệp đời sống mới, lối sống mới của tôi tuần này có phiên bản mới. Không phải là đồ vải hay sách cho đi, dù chúng đã được xếp đống và đóng túi hết cả rồi, mà là bán-như-cho mấy món trang trí nhỏ.

Tôi gần như đã bán sạch chỗ bạc cũ Hmong. Còn lại là đám đồ bạc trang trí đặt làm trên phố Hàng Bạc mấy năm trước. Giơ lên hạ xuống bán hay không, con nhóc muốn mua thì lại quái gở không theo bộ, cộng với TL bảo nó muốn lấy tất nên cuối cùng lại là cất vô hộp.

Chiều nay tôi cười toe toét, tay cầm một nắm tiền lẻ sau khi đã mại đi bốn cái nhẫn bạc và bốn viên đá nhỏ. Tôi gọi hành động của mình là bán nhưng mà gần như là cho-không của tuần, đơn giản vì chỗ tiền thu về thậm chí không đủ để mua lấy một trong mấy cái nhẫn tôi vừa tống tiễn :-)

Dù thế nào thì con giời vẫn vui. Vì cảm giác được giải-phóng khỏi đồ vật. Nghe có vẻ quái gở, nhưng đó đúng đích xác là điều đang xảy ra đối với tôi, kẻ mà theo phép ẩn dụ thì có thể nói là đã chết ngập từ lâu trong các món đồ, từ to đùng đến bé tí xíu :-///

salad vịt xông khói

Salad vịt xông khói tôi thích nhất là phiên bản gốc ở Âu Lạc. Sau không rõ có phải là đổi chef không, vị có khác chút, ngọt hơn, nhưng về căn bản vẫn là ngon, ngon nhất :-)

Ở nhà, có đôi lần tôi làm thử món salad với phần lườn vịt đóng gói của ông già ika nhặt ở quầy đồ nguội ngay trong siêu thị fivimart gần nhà, nói chung là vui vẻ. Giờ tôi phát hiện ra gói đóng sẵn ở cửa tiệm Thanh Long đầu phố Đặng Thai Mai, còn vui vẻ hơn nữa, nhất là cho người ngại béo. Thịt chắc, thơm, gần như không có lớp mỡ dưới da.

Tôi lười là một phần, phần nữa là qua thời gian thì cũng bớt thói rườm rà dzởm đời, nên làm món salad tối nay thấy mình thong dong, và việc bếp hóa ra đơn giản, nhanh nhẹn vô cùng. Món làm ra xơi được, nếu có phần đáng tiếc là thiếu chút hạt vừng trắng rang vừa là điểm xuyết, vừa là làm gia tăng độ thơm và bùi.


Nguyên liệu
- Hai trái dưa chuột rửa sạch, bỏ hai đầu núm và nạo vỏ, sau đó bổ dọc thành hai phần. Khéo dùng đầu dao nhọn lách bỏ ruột mềm, chia thành ba khúc dài rồi thái các lát dọc đều tay. Xóc chút muối chừng 10-15 phút thì chắt nước dư ra.
- Hành tây củ nhỏ thái lát dọc, xóc với dấm, tôi dùng Heinz vàng. Giống dưa chuột, cũng để chừng 10-15 phút.
- Cà rốt củ nhỏ, nạo vỏ, rồi bổ đôi, thái các lát mỏng theo chiều dọc, đều tay. Xóc với đường, cũng để chừng 10-15 phút.
- Hành hoa, phần thân trắng thì chẻ mỏng, còn phần lá xanh cầu kỳ chẻ ba chẻ tư, tôi lười, cắt khúc nguyên ống. Xong rồi thì cho vào trộn với chỗ hành tây để bớt hăng.
- Lá húng.
- Mùi ta và lá mùi tàu (optional) mấy cái gọi là thái rối.
- Lườn vịt xông khói thái lát mỏng. Bắc cái chảo nóng thì cho chút dầu vừng, tôi dùng Cauvin - thứ dầu trong suốt ép từ vừng rang, rồi đảo mau tay thịt vịt đã thái lát, đảm bảo vừa ngấm thơm dầu vừa nóng tới.
- Nửa củ tỏi ta bóc lấy tép cộng với một trái ớt đỏ lột hạt, tất cả úm ba la bằm vụn.

Trộn salad
- Toàn bộ rau củ gồm dưa chuột, hành tây, hành hoa và cà rốt đảm bảo đã được vắt nhẹ tay ráo nước tiết ra, trộn đều tay với phần tỏi và ớt bằm để ngấm các vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay và chia đều độ mặn. Vẫn còn phần nước dư tiết ra thì khéo và nhẹ tay chắt tiếp.
- Sau là trộn tiếp với thịt vịt, mùi ta và mùi tàu thái rối. Cuối cùng là bổ túc các lá húng non.

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

dreaming my dreams

Tôi làm xe ôm đưa TL đi coi tiệm đồ đồng để mua quà tặng bà sếp cũ. Đến nơi, cửa tiệm đóng, gọi điện bà chủ ra ngoài ăn trưa hẹn mấy phút sau có mặt. Tôi ngó lơ cuối hành lang có tiệm trầm liền rủ TL vào giết thời gian.

Hỏi thông tin, tám mấy câu, tôi ấn tượng vô cùng tốt về cô gái bán hàng - người biết rõ về sản phẩm, nói năng chừng mực, khéo tạo cảm giác dễ chịu. Kết quả rời tiệm là một ống trầm se và cảm giác vui vẻ sau khi đã thử hương mấy loại.


Về nhà lục tìm hộp đốt chẳng rõ giấu kỹ đâu, ngó nghiêng thấy khúc gỗ xin từ nhà Bắc Ninh đến cả nửa năm trước giờ vứt chỏng chơ ở cạnh cửa vào nhà, thế là có màn sơn sơn quệt quệt, lấy mấy lá quỳ miết lộn xộn, rồi ba nhát đinh đóng khẽ lấy khe cắm trầm.

Xong xuôi đến màn thưởng thành quả. Tự dưng phì cười, mình già rồi :-)



Cũng ngày hôm nay, tôi tái-hòa-hợp [đời sống] xã hội khi thấy mình ngồi nhăn nhở trong một thế giới người xa lạ :-)))

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

quả đào vườn hà nội

Hôm nay tôi khoái trá nghĩ chuyện lôi bộ bàn ghế xếp bày ra vườn. Vấn đề to là có đứa dở hơi giấu kỹ quá bọn đinh vít để vặn bàn. Vậy nên con lười chuyển sang ngồi bậu cửa, uống trà, ngó cây đào trước mặt và đột nhiên là phát hiện ra nó, quả đào duy nhất của năm.

Nó to hơn bất cứ trái nào đã từng đậu trong vườn Hà Nội những năm trước :-)

Và tất nhiên là chẳng ai nghĩ đến chuyện ăn [được] nó :-)))


Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

ngưng, oải, và tự dziễu để cho-đi

Tôi chưa kịp hí hửng cái thành tích kết thúc chuỗi kê khai đủ loại giấy tờ thủ tục thì giờ là sụp đánh rụp!

Không cúm. Không cảm. Không ho. Mọi biểu hiện rõ của cái sự gọi là "ốm" đều không có. Nhưng cảm giác rệu rã, chút bất an về những việc cần phải làm, bất lực trước bản thảo cần sớm hoàn tất... tất cả, chúng chính xác là ở đó!

Chiều nay, sau khi đã không còn sức rướn hai mí mắt để coi tiếp các trang sách, tôi quay sang dọn phòng gỗ. Túi đồ các món vải cho-đi được bổ túc.

Tôi thực sự khiếp sợ về cái sự nhố nhăng và ngốc nghếch của bản thân đối với các cái áo, cái quần.

Điều tôi cần là thản nhiên hơn nữa, "máu lạnh" hơn nữa. Không có tự vấn lương tâm, kiểu rằng thì là mà bỏ đi là có tội, là vô trách nhiệm. Cũng không có kiểu tính toán quẩn quanh, kiểu như hy vọng ngày đẹp trời cái tấm thân phì nộn của tôi sẽ xẹp cắc-bụp mươi kí lô và thế là tôi có thể thảnh thơi đi đi lại lại trong những món áo quần yêu thích trước kia.

Cho-đi, theo cách này hay cách khác, dứt khoát các món vải sẽ hữu dụng với ai đó. Còn ở-lại, chúng như những tảng đá tâm lý đè nặng lên tôi, mà tôi thì đã oải quá rồi :-(

Mà hay nhá, trong nhà có không biết bao nhiêu đầu sách về dọn dẹp. Nhưng rốt cuộc chúng chẳng giúp được là mấy. Tôi phát hiện chi bằng cứ "phỉ nhổ" kịch liệt bản thân, cứ "biêu riếu" mình thế này thì hóa ra lại có thể đủ bị "kích động" để dọn, để cho-đi :-)

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

từ chuyện tên gọi sữa thực vật đến chuyện thứ chúng ta ăn

(1)

Vốn chẳng quan tâm mấy món này nhưng hôm nay vô tình coi chuyện thì ghi note lại.

Hazelnut milk/Lait de noisettes này, Soja yoghurt/Yaourt au soja này... cứ chạm vào mấy cái mác bio hay green hàng ngoại có tên có tuổi chi chi mà xem, đắt đến sốc điện luôn.

Không ít lần tôi nghe mấy chị phụ nữ tụng ca các bạn sữa [làm từ] thực vật, cũng đã nhấp miệng thử. Thật thà là chúng ngon thật, nhưng điều kiện hiện thời của tôi không thể trở thành một người tiêu dùng sành điệu được. Tôi cũng không có con bé tí xíu để làm bà mẹ vĩ đại, chắt bóp mồm miệng mua các hũ và chai kiểu trên, không phải hàng xách tay thì là hàng bày shop cho dân expat.

Còn bảo tự làm thì tôi xin kiếu luôn. Vì lười. Vì vụng. Và thật thà nhất thì lý do chính là tôi về bản chất là động vật ăn thịt :-(

(2)

Chuyện là ở xứ lục địa già, cái ông bà tòa án tập thể vui tính quyết định giờ cấm tiệt gọi tên vốn đã quen tai, thuận mắt sữa và sữa chua làm từ các loại hạt, đương nhiên là thực vật rồi, là sữa và sữa chua. Túm lại là cấm tiệt cái từ sữa.

Các vị đó cấm tuốt tuột tất cả những món gì từ thực vật vác nhãn milk/lait, cream/crème, butter/beurre, cheese/fromage, buttermilk/babeurre, yoghurt/yaourt, whipped cream/chantilly, whey/lactosérum.

(3)

Ấy thế nhưng mấy món có tính lịch sử, có tính truyền thống thì thoát nhá: kiểu như crème de riz hay lait d'amand ở Pháp và cream ở xứ Anh quốc trong một vài trường hợp.

(4)

Tôi vốn nghĩ cái đám ông bà cộng đồng lục địa già này thật dư thời gian, ngồi tỉ mẩn phân loại bắp cải chán rồi thì quay sang xem xét các khiếu kiện chống cạnh tranh để rồi cho ra cái quy định loằng ngoằng này.

Nhưng rồi tôi lại đọc tin đôi ba năm trước có hai phụ huynh ở nước Bỉ không thèm đi hỏi bác sĩ nhi mà cho con còn bé xíu xơi đủ loại sữa thực vật, chạy từ hàng yến mạch, kiều mạch, diêm mạch đến gạo và còn chi chi nữa để rồi kết quả là khi mang con đi cấp cứu thì đã quá trễ để níu kéo một sinh mạng.

(5)

Đến đây thì quả có chút giật mình.

Tôi nghĩ, với trẻ con và người bệnh đặc biệt, dinh dưỡng là chuyện nghiêm túc phi thường, dứt khoát phải rửa tai nghe ông bà bác sĩ.

Còn người lớn, người phàm, chuyện chay hay mặn, chuyện [thực phẩm] ngoại hay nội, chuyện rau củ quả và các loại hạt này thịt này thịt nọ, tất tật đều là tùy cái điều kiện kinh tế, đức tin tôn giáo, lựa chọn lối sống... và nhất là cái thể tạng, cái cơ địa, cái cơ chế hấp thu ở mỗi người.

Tôi chán ghét cái loại người mở miệng là chê bôi anh A chị Z rằng thì là mà họ chỉ sính "ngoại", rằng họ tinh vi tinh tướng. Người ta có tiền người ta xài đồ theo ý thì mặc kệ người ta.

Tôi chán ghét cái loại người mở miệng là chê bôi những kẻ ăn thịt như tôi không biết trân trọng sức khỏe Trời ban [dạ cám ơn Người!], rằng chỉ có chay, chỉ có vegan mới là cao quý, mới là lành mạnh.

Thế giới đa dạng, phong phú. Con người, nhất là thị dân phàm tục, đa dạng, phong phú. Với thức ăn, xét đến cùng, câu chuyện vẫn là chúng ta tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn thứ chúng ta đưa vô mồm. Đơn giản vậy thôi!

cai cafe - một cam kết nghiêm túc phi thường

Chuyện bắt đầu đôi ba năm trước. Chớm đông, đầu óc tôi lộn xộn, lúc ấy còn chạy xe máy cũ là phần quà "thừa kế" từ Bà Nội ở phố Cửa Bắc suốt từ ngày bắt đầu đi làm, nếu không phải là tự ngã thì là ở trạng thái sẵn sàng tông vào người khác. Mấy lần như thế, tôi khiếp hãi, lại vớ đúng dịp kiếm được khoản tiền to đùng dịch báo cáo năm, hơn cả nửa năm lương ở trường đại học, tôi phóng túng sáng nào phải đi làm cũng có màn băng qua cái đường to, chui vào tiệm Highlands làm một hoặc hai cốc latte rồi trèo taxi đến trường. Lúc rời cơ quan thong thả và từ tốn thì thực hành đi xe bus cho quen.

Thế rồi thành quen, dù chẳng mặn mà gì với thứ nước uống bên ngoài này nhưng ngay cả khi đã thành cao thủ đi bus kè kè vé tháng trong túi, tôi vẫn giữ nguyên cái thói quen kiếm cốc giấy mang đi rồi trèo lên bus, thong thả nhấp ngụm lớn ngụm nhỏ. Thêm nữa là chuyện tôi có chút thích thú, có chút hảo cảm với mấy bạn trẻ làm trong tiệm, nhất là quãng thời gian chốt bản dịch cuối cho nhà xuất bản, mấy cái góc im lìm trong tiệm thực sự là chỗ làm việc xen kẽ tuyệt vời cho tôi, kẻ vốn dễ bị xao nhãng bởi mấy cái ý tưởng điên rồ là ra vườn cắt tỉa, đào bới lung tung hoặc nếu không là lui cui trong bếp lục đồ ăn.

grừ grừ chào buổi sáng ở nhà nè :-)))
Từ thói quen không rõ từ lúc nào tôi thành kẻ nghiện ngập. Kết thúc sự nghiệp mõ, tôi thậm chí còn đùa vui mà trong lời có đôi chút phần sự thật, rằng đếm cái đống bìa lót cốc thì đủ biết tiền chi cho cafe đủ để mua quá nửa cái xe máy mới sản xuất tại Việt Nam.

Năm nay nhiều lần tôi tuyên bố tôi thề, tôi hứa, tôi đảm bảo cai nghiện cafe [ngoài]. Nhưng chẳng có lời nào được giữ, chẳng có lời nào được coi trọng. Tất cả mọi người biết tôi đều cười phì mỗi khi tôi nhắc đến cái tên Highlands. Cái thứ nước uống "chết tiệt" đó, tôi nói vậy, nhưng nếu có việc đi ra ngoài phải trèo bus thì mười lần có đến chín lần tôi sẽ tạt qua cửa tiệm trước khi tìm đến điểm dừng đón trả khách.

Giờ tôi có một đống vấn đề với cái bao tử, với tấm thân phì nộn, và với cả cái ví tiền lẹp xép. Vậy nên, cai cafe [ngoài] hẳn là ý tốt đi :-)))

Vậy nên, thêm một cái vậy nên nữa, tôi sẽ chăm chỉ đun cafe bình ở nhà, và sẽ cố gắng không quá hai bình mỗi ngày, không cafe sau bữa trưa trừ trường hợp dùng set lunch ở Ren, rồi từ từ sẽ chỉ dùng cafe sáng.

Những lần trước là nói miệng, giờ cái note này giống như biển báo-cam kết. Để xem cái lòng tự-trọng của tôi vốn đã teo tóp nhiều có giữ mình được lần này không :-)))

công thức thịt quay kho dưa ghi lại

Kết quả chát chít với TA tuần trước. Tôi tính xấu ghi lung tung ra các mảnh giấy rồi vứt chúng bừa bãi, đến khi cần thì làm toáng lên trước khi nhận ra lỗi là tại mình.

Quen miệng ăn dưa Mẹ muối, từ rau cải trông vườn nhà và được nén nguyên cả tàu cả bẹ, nhiều lúc ở Hà Nội chúng tôi thực thèm có một đĩa dưa chua trên mâm cơm nhưng lại không quen với việc mua ngoài nên chặc lưỡi bỏ qua.

Công thức này ghi vắn lại, để có dịp thì mần trước khi tờ giấy note bị rơi mất tiêu :-)
- Hành tỏi phi thơm
- Thịt quay và dưa cho vào đảo
- Tiếp là đậy vung om

Khi nào ăn thì cho tiêu và hành (chắc là hành hoa).

Tuyệt đối không cho mắm. Nếu thích thì có thể cho nước dừa (cái này tôi thấy lạ này) và xì dầu.

TA bảo, món này "chết" cơm :-)))

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

nhảm thị dân học đòi làm động vật chính trị

(0)

Rất nhiều năm trước, tôi trố mắt ra nghe chuyện, hình như là ở nhà Alex, về ông vua cái nước Bắc Âu nào đó đi vào cửa tiệm thì có đồng chí tháp tùng xin lỗi và xin phép bà con đang xếp hàng thanh toán cho vua mua đồ trước, nói kiểu nhà mình là "chen ngang" - và chỉ khi bà con ôkê-la hết lượt thì ông vua mới đặt mình ra đằng trước. Lúc ấy tôi rất thật thà nghĩ, ông vua này ngốc thật.

Sau mấy năm, tôi nghe chuyện tương tự, người thật việc thật luôn vì ông kể chuyện là con cháu Viking và chính là một trong những khách mua hàng ở một cửa tiệm nào đó mà ông vua ghé vô.

Cách đây đôi ba tuần tôi ngó trộm "phây" của một người, có clip ngắn về xe chở ông thủ tướng Nhựt bổn đi trên đường, đằng trước có xe dẫn với một ông nhoài người ra xin lỗi nhân dân vì làm phiền. Tôi không chú ý phần âm thanh, chẳng rõ xe có ụ còi hoành tráng như ở nhà mình không. Ở chỗ lời bình liên quan, có mấy người vui vẻ đối sánh với xe biển xanh biển đỏ xứ mình. Tôi đọc đến đó tự bảo, trúng phoóc, tôi đây nếu chạy xe máy mà thấy mấy bác này thì biết thân biết phận dẹp sang một bên liền :-)

(1)

Chuyện của tuần trước. Gần giờ các Bồ tát xơi cơm, xe bus tuyến quen thong thả đi qua dốc Ngọc Hà, qua nhà chờ Bách Thảo 1 và gần đến nhà chờ Bách Thảo 2 thì đứng im thin thít. Bác tài và bác phụ vốn nho nhã cả một đoạn dài bỗng như hóa thân thành người khác, xì xà xì xổ cáu bẳn không ngại văng vẻ vài từ to. Đằng trước có công trình to, xe quay bê tông nghênh ngang một dãy, một công an giao thông tay giơ cái gậy điều tiết. Có ai đó trong xe góp lời vào than vãn muộn giờ của hai bác lái và phụ, bảo bọn này chúng nó cậy thế không sợ ai cả.

Tôi thấy xe dừng, rồi lại ồn ào thì tỉnh hẳn ngủ, thế là vểnh tai hóng hớt. Nghe ra chuyện thì nhớ đến chuyện vài tháng trước, có cái tiết mục thành phố của chúng ta xấu đẹp thế nào trên truyền hình, vạch tội thằng dân đen nào thì nêu danh, nêu địa chỉ đầy đủ, nhưng đến cái mục đáp ứng tiếng nói của nhân dân liên quan đến đại công trình đẳng cấp thượng lưu của một tập đoàn lớn thì lại ỏn ẻn đại ý hiện nay trên địa bàn... đang có một công trình... còn chưa đảm bảo vệ sinh.

Rồi ai đó trên xe bus nói về công trường của "bọn Tây|" lịch sự xin lỗi vì làm phiền người đi đường. Vì nghe cái câu đó mà khi xe ngang qua chỗ rào chắn, tôi cố nhòm xem có cái biển xin lỗi nào không. Nhìn không rõ, chỉ là thoáng một cái biển to.

Trong khi chưa nhìn ra cái biển to nói gì thì con giời kịp ngẫm, ngẫm ra rằng cái nói năng của người xưa từ đông sang tây về quyền, tiền, thế cấm có sai :-)

(2)

Vẫn là cái xe bus đấy, vẫn là hai bác tài và phụ đấy, đến chỗ đường đôi rợp bóng cây to và lấp loáng các thân ban rừng thì xe lại dừng tiếp. Lý do: tỉa cành [cây].

Tất nhiên là bác tài vốn đang cuống chuyện nguy cơ mất thi đua nên lại chửi um lên. Chuyện hay sau đó là khi đường thông, cửa trước bus mở roẹt một cái, chính bác này lại dừng xe hơn mười giây hét toáng lên với ông thợ chặt cây người gầy như con mắm tép, khuôn mặt khắc khổ, như thể mắng yêu đứa cháu nhỏ trong nhà, đại ý sao giờ này còn bày vẽ lôi việc ra làm. Ông kia cười toe toét, để tý nữa "chúng nó" còn họp.

(3)

Sáng thứ Ba chui từ công an quận ra, tôi khoái chí a lô cho các cụ già thông báo thành tích nhẫn nại tới lui điền hồ sơ giờ đã được thưởng cái giấy hẹn.

Xong rồi con gái hỏi bà cụ đang làm gì. Trả lời, nghe chất vấn. Con cười ha ha ha, hỏi tiếp có liên quan gì đến các cụ, thì nghe loáng thoáng gì gì nông nghiệp.

Tự dưng tôi nhớ ra chuyện xe bus bữa trước.

(4)

Vì nhớ ra chuyện cũ nên khi ngồi taxi tiến ra cái cửa khẩu khét tiếng nhiều năm trước của Hà Nội, tôi rất chăm chú nhìn xem cái biển ở công trường bên cạnh vườn bách thảo rốt cuộc là cái biển gì.

Úi chà, đúng chuẩn công trường và vô cùng nghiêm túc nhá: không phận sự miễn vào.

(5)

Thời gian này nếu buổi tối ngồi dzuỗi coi tivi sau bữa cơm, tôi và TL rất có ý thức theo dõi tin tức nước nhà và thế giới, ít nhất mỗi ngày cũng lướt dăm bảy phút không phải thời sự chính thống của nhà đài trung ương thì cũng là mấy bản tin của đài địa phương.

Tối nay có đoạn cô dẫn chương trình mặt mày khẩn trương nghiêm túc phi thường như đang kiểm thảo ở họp chi bộ nói đến việc ông bộ phụ trách đời sống văn hóa nước nhà trả lời chất vấn của các đại biểu của nhân dân. Trong đám lời thao thao đó có một đoạn liên quan đến trách nhiệm bảo vệ [nền] đạo đức. TL cười hề hề bảo quản thế quái nào cái thứ ở trong đầu.

Tôi nghe xong thì nhớ đến cái vụ biển kia, nghĩ, quái ông đề cao đủ loại văn hóa, thế nếu rảnh thì có lẽ nên ra thêm một cái quy chế quy định công trường dứt khoát bên cạnh biển "không phận sự miễn vào" thì có thêm biển cảnh báo nguy hiểm cho người đi qua, và một cái văn bản khuyến khích các ông chủ công trường bày thêm cái biển "xin lỗi đã làm phiền".

Thế hẳn Hà Nội của chúng mình đích thực xứng đáng cái danh xưng thủ đô văn hiến, văn minh, văn hóa hì :-)

Note 13.7.2017: Từ xe bus nhìn sang, đã có biển báo đại ý "xin lỗi đã làm phiền" ở công trường cạnh Bách Thảo :-)

đậu đũa xào sém với cà rốt và hành tây

Món chay luôn nhá :-)

Chuẩn bị, có:
- Đậu đũa chần chín tới, để nguội thì trộn với dầu mè.
- Cà rốt thái sợi hoặc nạo mỏng, tùy ý.
- Nửa củ hành tây nhỏ thái lát ngang hay dọc tùy ý, cứ đều tay là được.
- Tỏi bằm.

Làm thành món xào thế này:
- Láng chút dầu vào chảo cho nóng thì a lô xô tỏi, hành tây, cà rốt cùng trút vào đảo mau tay, để lửa to. Áng chừng cà rốt gần chín thì cho tiếp đậu vào, vẫn là đảo mau tay và lửa to, chừng đôi ba phút là xong xuôi.
- Dầu ăn làm nóng chảo chỉ chút xíu gọi là nên hỗn hợp xào thành khô sém. Phần hành tây nổi bật vị ngọt. Còn cà rốt thì giòn. Riêng nguyên liệu chủ là đậu đũa vì đã được trộn trước đó với dầu mè nên đảm bảo món thành phẩm có chút vị ngậy đặc trưng của bạn dầu này.

Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

giải khát mùa hè - nước hầm đỗ đen và đỗ đỏ rang

Đỗ đen hầu như ai cũng biết. Đỗ đỏ nghe thoáng qua có thể gây lầm lẫn. Tôi muốn nói tới ở đây là loại hạt giống y chang hạt đỗ đen, có khác chăng chỉ là màu sắc, và đương nhiên là nó đỏ rồi. Người đi chợ hay nấu mấy món đậu/đỗ hầm, thoáng nghe đỗ đỏ có thể nghĩ sang hạt đậu đỏ tươi.

Từ ngày mấy từ tiểu đường, đường trong máu trở thành quen lỗ nhĩ không ít ông bà già và cả các dự bị ông bà già, món chè đỗ đen ngọt lừ vị đường, vị mật có xu hướng thoái lui, nhường chỗ cho nồi hầm đỗ [đen] thuần đỗ, không một hạt đường hay miếng mật nào.

Đỗ cho vào nồi hầm, sau để nguội, tùy tính và tùy sở thích có thể được để tiếp vào ngăn mát tủ lạnh. Người lớn tuổi trong nhà cứ thế mà uống nước đỗ, ăn hạt đỗ. Bọn nhóc và người trẻ thì không ngại ngùng gì mà thêm thêm bớt bớt vài thìa chất tạo ngọt, rồi cả đá viên, đá mài nữa - coi như thành món chè đỗ đen luôn :-)

Bà cụ già ở Bắc Ninh lọ mọ rang sẵn hai túi đỗ, một đen một đỏ, rồi để ông cụ già mang ra Hà Nội cho các con. Tôi chẳng máu mê gì mấy vụ chè nước kiểu đó nên mặc kệ. Chỉ có TL là chăm chỉ hầm đỗ lấy nước uống cả ngày.

Chúng tôi bỏ phần cái vì các hạt đỗ sau khi hầm kỹ thực chỉ là bã thoái ngọt. Còn phần nước được trút ra bình to, thong thả có thể để vô tủ lạnh lấy mát.

Nước đỗ ninh từ các hạt đã được rang cho vị có chút khác biệt với nước ninh đỗ hạt không rang. Đó là vị thanh hơn.

Tôi dư lỗ mãng trong sự ăn sự uống, được hai ngày cuối tuần ních căng bụng nước đỗ mà không có trà truyền thống thì thực hết chịu nổi. Nhưng cách một hai ngày không có món nước đỗ hầm thì lại thấy có chút gì đó thiếu thiếu :-)

Tôi nghĩ cái sự mau ngán đó là do thiếu ngọt đường. Vì thế, thi thoảng chúng tôi còn làm lái đi món nước đỗ, đó là sau khi ninh xong thì phần nước còn nóng đưa ra ấm để hãm mấy quả táo đỏ khô. Khi đó, chúng tôi có thức uống thanh và dìu dịu ngọt. Một kiểu ngọt rất nhẹ!

đỗ đã rang có thể làm một vốc nhai rau ráu cũng được :-)

indigo poetry & bắt nhịp mới

Tối muộn hôm qua, trong khi ngồi vá víu cái quần rách, tôi để tivi mở kênh bất kỳ, vô tình thành khán giả lơ đễnh của một chương trình trò chuyện chị em, chủ đề là "bốc hỏa". Lúc đấy tôi nghĩ, làm phụ nữ khổ.

Sáng nay dậy sớm nhưng lề rề đồ đạc nên cuối cùng lại một màn hấp ta hấp tấp cafe mang đi rồi ngồi taxi vào trường họp. Vẫn là xe đó, vẫn cậu tài đó, giá thế quái nào nhích thêm gần hai chục ngàn đồng.

Tôi nhảm nhí mấy câu với đồng nghiệp, có chút phẫn nộ khi nhìn thấy một mẩu thông tin liên quan tới mình nhưng sau lại hi hi ha ha trong lòng, ấy là cũng tốt. Con người thật buồn cười, trong phần lớn trường hợp cứ tham lam bao đồng, muốn quản, muốn hưởng, càng nhiều càng oách, càng nhiều càng tốt. Ở trường đại học, tôi hiếm khi gặp ai bảo đang giảm tải, đang buông-bỏ, đang thong thả tận hưởng cuộc sống ngoài cái ao làng nhân danh chữ nghĩa. Hầu hết các trường hợp là phải có thêm, từ tiền tài đến lợi lộc và danh tiếng. Tôi chẳng phải cái loại người tốt đẹp gì theo chuẩn đạo đức hình thức mà người ngoài xã hội vẫn ra rả nói, nhưng có một nguyên tắc tôi rõ ràng với bản thân, với việc và với người, nếu em không làm thì tuyệt đối em sẽ không nhòm sang mâm của các bác; các bác cứ xơi, em cứ chơi.

Mấy món quà cho người quen ở trường hôm nay đã được gửi đi sau đến cả gần nửa năm lên kế hoạch. Chị đồng nghiệp hỏi có đi nghỉ cùng cơ quan không, có ý kiến lựa chọn nào không giữa Nha Trang-Đà Lạt và xứ Thái, tôi cười khì khì đáp lại hỏi em làm gì. Giờ nếu không có việc to và nếu không phải là về thăm hai cụ già ở Bắc Ninh, đừng hòng có ai hay cái gì bắt tôi rời thành phố. Tôi thực ngại di chuyển, thực ngại việc ăn ngủ đi lại nói cười theo tập thể, thực ngại việc lăn tòm ra ốm làm phiền đến người khác.

Hết việc cơ quan là trèo bus đi làm thủ tục hoàn tiền thi B2 đăng ký hồi cuối năm trước. Lúc đóng tiền tôi đã thấy loằng ngoằng, giờ rút ra còn lôi thôi hơn nữa. Nam chuyên viên nói, phải làm đơn. Thế là có màn xin tờ giấy cắm cúi chữ gà mái ghẹ. Từ phòng đào tạo sang phòng tài chính rồi nữa là nữ thủ trưởng ký duyệt, tôi luôn nghe câu phê bình sao đến lấy lại tiền trễ. Dạ thưa, em cố chờ các bác tổ chức, chờ mãi, chờ mãi mới đến nước này :-) Xong cái phần ký duyệt, cô chuyên viên tài chính bảo chờ làm giấy mấy hôm nữa mới có, rồi bảo để lại số điện thoại. Tôi bổ sung số điện thoại, thấy mình có chút hèn mọn khi nhăn nhở bảo, điện thoại em là ngu-phôn lại chạy đi chạy lại người một nơi máy một nơi nên nếu không nhận được điện thì xin phép mấy bữa nữa gọi điện tới phòng kiểm tra thông tin. Cô chuyên viên tươi cười bảo được. Tôi cám ơn, đi ra đến cổng thì thấy mình ngu, có cái phép tắc căn bản nhất là biết mình làm việc với ai, cần liên lạc với ai, như thế nào, tôi bỏ qua tuốt. Tự cười nhạo mình, rồi lại tự bảo, kệ, thong thả tính sau.

Trèo lên xe bus tuyến quen nhưng chưa đi bao giờ, tôi thấy rõ sự khác biệt giữa những tuyến xe vẫn hay đi với tuyến mới này. Xe xóc, bẩn, không thô lỗ nhưng uể oải, rệu rã, giống như cái chợ quê xế buổi với những người phụ nữ vêu vao, mỏi mệt mong chờ vớt vát bán được nốt chỗ hàng họ còn sót.

Từ kính xe bus, tôi thấy một xe taxi dán khẩu hiệu to tướng phía sau đại ý rằng, đi xe truyền thống là giúp hỗ trợ/bình ổn/nâng cao ngân sách quốc gia - thực tôi chẳng nhớ rõ là từ gì. Nghĩ lại màn thanh toán buổi sáng thì lại muốn cười phì, cái "truyền thống" đấy thực tôi không kham nổi! Vậy nên, khỏe nhất là chịu khó chạy xe máy, nếu không là thức dậy sớm rồi bắt kịp bus. Chấm hết!

Trên xe tôi gặp chị hàng xóm ở tòa nhà kế bên, đã lâu ngày không nhìn thấy. Chúng tôi vui vẻ tán gẫu mấy câu, làm thành một màn trao đổi chuẩn mực từ chủ đề các bậc phụ huynh, giờ giấc đi làm, giờ chạy xe bus tới thời tiết. Tôi không đến mức nhìn chằm chằm vào mặt người đứng cạnh nhưng nhìn đủ để cảm thấy sốc về sức mạnh của thời gian, mơ hồ thấy tương lai gần của mình với làn da sạm nám, đường kẻ tràng mày vội vã, những chỉ nhăn mờ trên trán và nơi khóe mắt. Tôi lại nhớ đến cái chủ đề "bốc hỏa" tối qua.

Xe dừng điểm cuối là cái công viên vốn đầu và cuối ngày đông vui các ông bà già tập khí công, đám thanh niên chạy bộ và các quý cô nhảy zumba giờ lơ phơ mấy mống người đang loay hoay tìm chỗ trú mưa. Không mang ô, tôi bất đắc dĩ để mình dính nước của ông Giời, mau mau rảo bộ về nhà. Mở xong cái cổng vào thì có màn thở phào, về và ở nhà mình là sướng nhất :-)))

Cho tuần mới này, mục tiêu to nhất là kiện toàn sức khỏe, tiếp tục công việc luận án và mấy thủ tục giấy tờ liên quan đến cá nhân và việc nhà. Sau nữa là tiếp tục VỨT-BỎ-ĐỒ-ĐẠC và TIẾT-KIỆM. Thực buồn cười khi tôi có thể hết líu lô lại lải nhải về nào sống thanh đạm, nào sống tối giản, nào sống giản dị, nhưng mỗi ngày trôi qua, đến khi tôi nhìn lại mình thì chỉ thấy thói lần khân, những lời lấp liếm và bao biện cho đống tội lỗi của mình.

Bắt nhịp lại là có thể? Câu trả lời thậm chí không phải là có hay không. Mà là dứt khoát phải thế!

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

salad rong biển chay chay - với dưa leo và cà rốt

Rong biển xanh đã chế biến, được thái sợi chỉ có trộn dầu [và] mè, mặn vừa, chỉ chờ trộn món salad, đối với tôi ngon nhất, ấn tượng nhất là cái chai nhựa đựng nước nalgene loại một lít nêm chặt các sợi rong được gửi cho tôi như là món quà từ xứ cờ hoa đã đến cả mươi năm về trước.

Hành trình của cái chai đó rất buồn cười. Đầu tiên phải kể là lần đầu đến NL, tôi đã thích mê mệt nhìn các động tác làm món của anh chàng người Trung gốc Triều đến từ cái thành phố công nghiệp bé tí xíu tít mù tắp phía bắc của đất nước to đùng hàng xóm, chẳng hiểu loay hoay thế nào mà bà chị thì định cư ở New York, ông em thì tay dao mềm mại canh quầy sushi trong một cái tiệm cơm phân lô Thái-Nhật nhưng chủ là người Lào thoang thoảng cả máu Hoa lẫn Việt và một đoàn thể chị em phục vụ Hàn-Triều-Trung-Miến-Thái đủ bộ. Chúng tôi trò chuyện với nhau bằng một thứ tiếng Anh sứt mẻ, hồi đó vốn từ vựng tiếng Trung của tôi còn chưa rơi rụng hết nên thi thoảng cũng đá ngang đá dọc rất ra dáng vài câu xủng xoảng, và nói chung là có thể lòe được ai đó vì đồng chí chef gật gù hiểu ý. Khi đã quen quen, lần nào chúng tôi cũng nhận được một phần quà, lúc là tô cơm nhỏ rắc trứng cá, lúc là đĩa salad rong biển dưa leo và tôm. Ngày tôi về nước, còn nhận được món quà riêng là cái cối xay tiêu, giờ vẫn hoạt động rất tốt trong bếp.

Vì tôi thích không giấu diếm các sợi rong biển xanh rì đó nên bạn đánh chén hỏi thăm anh sushi chef, anh sushi chef khều sang ông chủ tiệm, ông chủ tiệm chia sẻ một phần từ cái can to tướng rong biển nhập từ New York và thế là có cái hộp nalgene dành cho tôi.

Sau này ở Hà Nội kiếm rong biển xanh không phải là khó. Nhưng không hiểu sao, có lẽ do vấn đề cảm giác, tôi luôn thấy các gói rong biển mua ở nhà không ngon bằng thứ có trong cái hộp nhựa kia :-) Vì thế, sau một vài lần mua và làm món, dần tôi cũng không còn quan tâm nữa. Nếu cao hứng thì ở Ren gọi một phần salad mấy loại rong biển, ăn vui vẻ kiểu hai ba năm một lần là đủ.

Tối hôm nay loanh quanh thế nào thì cao hứng sờ đến cái khay rong mua tuần trước, làm món salad rong biển chay. Thức đi kèm không có tôm, mà là dưa leo và cà rốt. Món làm nhanh, ăn còn nhanh hơn nữa :-)

- Rong biển để rã đông, tôi muốn nhanh ngâm vào nước lọc, sau vắt kiệt. Cái khay nhỏ lúc dỡ ra tôi không chú ý, có lẽ là 100gr.
- Hai trái dưa leo rửa sạch, cắt hai đầu và để nguyên vỏ, bổ dọc thành bốn phần, bỏ ruột đi thì chia tiếp mỗi thanh dưa thành hai phần, túm lại là có 8 phần dưa bổ dọc không hạt. Các bạn đó xếp khum đúng hình trái dưa ban đầu, xắt thành hạt vuông, sau đó xóc với muối (tôi dùng muối hầm).
- Cà rốt một củ nhỏ thái chỉ rồi xóc với đường nâu và dấm Heinz vàng.

Sau khi làm dưa và cà rốt chừng 10-15 phút thì nhẹ tay vắt kiệt dưa và cà rốt. Rồi úm ba la trộn ba bạn đó với nhau. Tiếp là rưới dầu vừng, tôi dùng loại dầu ép từ vừng rang Cauvin.

Đĩa salad được mau chóng giải quyết sạch sẽ. Ăn xong con giời xoa bụng bảo, hóa ra không có tôm vẫn ổn. Rồi lại cười hì hì một mình rất vô duyên, mình đúng không phải tạng ăn chay. Con em bên cạnh bảo cứ yên tâm, chay ngon thì xơi tất, thành vegan tất :-)))

Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

thức chấm rau muống luộc

Rau muống luộc đánh dấm chua chua đã có nhiều kiểu khác nhau, đếm quá số ngón tay trên hai bàn tay. Chấm rau muống luộc cũng có nhiều kiểu, từ nước chấm tới các gia vị bổ túc.

(1) Cho người thích nước tương: nước tương với đôi ba tép tỏi đập dập, mấy lát ớt cay.

Bản thân cái tên nước tương nhiều khi dễ gây cảm giác mơ hồ, tàu vị yểu, xì dầu, magi, và nó thực khác xa với một món chấm lên men xứ Bắc đôi khi cũng mang nhãn nước tương, trong khi thực tên gọi thường dành cho nó chỉ gọn lỏn trong một từ: tương.

Ở nhà tôi quen gọi nước tương là xì dầu. Trong bếp nhà tính ra lúc nào cũng có ít nhất là dăm loại, từ chuyên cho sushi chai nhỏ xíu đến vịt Kikkoman truyền thống cho chấm và cả chai nhựa to hơn cũng vẫn là Kikkoman cho nấu. Rồi nữa chai xì dầu Quảng Châu nhờ các Cha mua qua đường Lạng Sơn. Và mấy loại nước tương hàng Việt Nam yêu nước, giá mềm mại, ăn nhiều còn thành nghiện.

Độ mặn của chúng thực khác nhau. Thế nên, có khi cho món chấm rau muống luộc, cạnh tỏi và ớt còn có thể có chút xíu đường nâu thêm vào để giảm mặn tăng ngọt.

(2) Tương hạt đậu lên men kiểu Bắc, mà nổi tiếng kiểu đại trà và đi vào truyền thuyết là tương Bần.

Ở nhà chúng tôi không bao giờ ăn món chấm này cho rau muống luộc. Nhưng nhiều năm trước, khi lê la không biết bao nhiêu cái lò gạch truyền thống ở bán kính 50-60km quanh Hà Nội [cũ], không ít lần bữa trưa trên đường của chúng tôi là ở trong một cái quán tạm bợ, hầu như lúc nào cũng đầy ruồi, mâm cơm chỏng chơ mấy quả cà muối căng phồng, đĩa rau muống luộc ú hụ, bát nước luộc chẳng có bất cứ thứ tạo vị chua nào, và để chấm rau là một bát tương mặn chát chúa nhà làm. Tôi vẫn nhớ lần đầu, lần thứ hai nhìn thấy vậy thì khiếp hãi. Nhưng từ lần thứ ba trở đi thế quái nào lại thấy quen, rồi ngon miệng, rau chén sạch sẽ, cà xơi sạch sẽ, có ế thì chỉ là bát nước luộc rau xanh rì.

Tương mặn quá thì không thú vị lắm. Nhưng cứ mặn vừa mà xem, phàm đã quen cái miệng thì rau chấm ăn vào miễn chê. Rau quê thật thà sạch sẽ, ít nhất lúc ấy tôi tin chắc vậy, quện vào phần nước chấm với các mảnh đậu nành xiu xíu cho vô miệng vừa đậm, vừa ngọt, vừa thơm, và tất nhiên là bùi bùi nữa :-)

(3) Nước mắm chanh, tỏi, ớt

Tùy khẩu vị gia giảm đường và nước cốt chanh để hợp theo ý độ ngọt và chua, quyết định còn lại phụ thuộc mắm cốt ngon, và cách xử lý tỏi và ớt

Chuyện tỏi và ớt cho vào nước chấm nghe thoáng qua tầm thường, nhưng làm khác đi chút thì cái ếp-phê xem ra cũng khác. Tôi thích tỏi ta, thứ tỏi tía củ nhỏ, tép tỏi cứng cáp. Ớt không quá cầu kỳ, có trái ớt hiểm từ miền Trung gửi ra thì tốt, nhưng không trái ớt vừa vừa mua ở chợ chỉ cần đảm bảo cay cũng rất ổn.

Tỏi có thể nguyên tép đập dập rồi cho vô bát nước chấm, còn cách nữa là cầu kỳ thái lát rồi bằm vụn. Ớt cũng vậy, đơn giản nhất là bỏ cái cuống đầu đuôi, rạch dọc thân bỏ sạch hạt rồi thái lát chéo, cầu kỳ thì cũng thái lát chỉ mỏng rồi bằm vụn.

Cảm quan mà nói, bát nước chấm tỏi và ớt bằm coi hấp dẫn hơn bát nước chấm cục mịch tép tỏi vẫn giữ chút dạng bộ và ớt thì là lát nào ra lát nấy.

(4) Nước tương hoặc mắm cốt dầm trái sấu luộc

Trái sấu vốn là lúc đánh dấm nước luộc rau thì làm dư thêm mấy trái, đặt các bạn ý vào bát nước chấm, khẽ dùng đũa hay thìa chọc rồi ép cho phần thịt chua trong trái sấu tiết ra, lớp vỏ sấu tiếp xúc với xì dầu hoặc mắm ngấm mặn.

Một sêu cọng rau luộc chấm vào bát nước chấm đó, tham lam khều thêm một phần thịt sấu dầm đã ngấm mặn, úi cha ngon!

(5) Mắm cốt dầm sấu non thái lát

Sấu non đầu mùa non đến mức thậm chí có thể ăn tuột tuột cả phần hạt trắng. Cạo qua loa vỏ xanh mỏng mượt của chúng, thái lát thật mỏng, cho vô bát nước mắm cốt, rồi thêm mấy lát ớt cay. Rau luộc mềm mềm khi ăn lẫn phần sấu lại sần sật, chua chua, cay cay, ngon!

(6) Mắm ngâm xoài xanh/quéo/muỗm

Mấy thứ quả này nạo vỏ đi rồi, thái lát mỏng ngâm cùng mắm. Vì chúng phần đa chua đặc biệt nên tốt nhất là gia giảm thêm chút đường, rồi tùy thích thì là tỏi và ớt.

Với các loại quả tươi thì nên ngâm mắm trước bữa chừng giờ đồng hồ để các lát thịt quả ngấm vị mặn của mắm, còn mắm lại hưởng phần nước chua tiết ra.

Nghĩ đến đây là vậy :-) Còn dấm rau muống luộc thì coi ở đây!

mỳ udon nữa này - với nước dùng gà, thịt bò và cải thơm

Nguyên liệu:
- Nước dùng gà, có củ hành tây và củ cà rốt tăng vị ngọt.
- Thịt bò thái, ướp gừng, tiêu, muối.
- Cải thơm, Mẹ mua hạt giống ngay ở chợ quê và gọi nó là vậy, các lá nhỉnh hơn cải ba lá cay cay và vị ngọt, bình thường chúng tôi ăn sống - món ghém, lần này để chần cho vào bát mỳ.
- Mỳ luộc có cho muối hạt và dầu vừng để đậm sợi và không dính.

Nhanh nhanh có bát mỳ udon chan :-)
- Nồi nước dùng sôi, chần rau nhanh tay, kiểu cưỡi tên lửa xem hoa, rồi cho vào bát. 
- Tiếp đó xếp mỳ bên cạnh. 
- Trụng thịt bò chín tới rồi cho tiếp vào bát.
- Xong xuôi thì chần nước cả bát hỗn hợp rau-mỳ-bò để các bạn ý vừa thêm phần chín tới vừa nóng.
- Nước dùng sôi trở lại, chan vào bát là có thể ăn.

Tôi bảo TL tìm tương ớt hợp với mỳ. Trong tủ lạnh có orange krush hot sauce cay xè thoang thoảng vị khói, tabasco đỏ cay cay chua chua, và tương ớt Mẹ làm từ trái thu hoạch vườn nhà Bắc Ninh. Tôi thích bạn cay vị khói, TL chắc lười trút từ bình to sang lọ nhỏ nên khều một góc bát xinh món chấm nhà làm, rồi đặt thêm bên cạnh bát mắm ngâm ớt hiểm miền Trung.

Tôi quá tay tương ớt, bát mỳ đỏ choét. Lại lỗ mãng cắn phải trái ớt, miệng cứ há há xuýt xoa.

Bát mỳ này hỏi là kiểu gì, trả lời bất quy tắc!

Thực thì tôi nghĩ, từ sợi mỳ khô udon và nước dùng ngon có thể làm đủ loại mỳ chan biến tấu, tùy vào việc trong bếp nhà có loại rau củ gì, chứ không phải khư khư chấp bám một công thức làm khó mình :-)))

Cho lần tới của udon-ký, tôi sẽ làm món mỳ udon lạnh bắt chước món trong set lunch ở Ren.

thực thì chay chay thế này đủ ngon rồi
trước khi chần thêm một nước và chan bát thành phẩm

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

mỳ udon nước dùng gà kèm bacon

Bữa tối thứ Sáu ăn muộn, có chút phần uể oải, song cũng có chút cố gắng tinh thần ăn uống tử tế. Vậy nên thay vì tọt xe chạy ra chỗ ngã tư bảo tàng và công viên gần nhà ăn phở gà thì tự mình loay hoay trong bếp làm món mỳ chan udon.

Nước dùng gà TL chuẩn bị tối hôm qua, không có bất cứ bổ túc gia vị hay nêm nếm muối gì cả. Cho bữa tối được đun nóng cùng hành tây, cà rốt và muối hạt. Gà thực đã đủ tạo ngọt nhưng tiện tay tôi cho thêm một tép bột rong biển nữa.

Mỳ udon một tay rưỡi luộc chín thì vớt ráo rồi cho vào bát nước lọc để nguội. Khi luộc chủ trương mấy hạt muối biển tạo mặn và chút dầu vừng để các sợi mỳ vừa không bị dính vào nhau lại thoang thoảng vị thơm của mè.

Hành tây nửa củ thái lát mỏng, hành hoa thái cả phần thân trắng và lá xanh thật mỏng.

Bacon của nhà Vissan các lá dày và ngắn, nguyên các lớp lá bacon cứ thế chia đều thành bốn phần. Cầu kỳ thì áp chảo để tạo giòn, tôi lười nên để y nguyên các lớp bacon đã cắt chồng lên nhau như vậy, sẵn sàng cho bát mỳ chan.

Bát tô bày ra, lớp nhân dưới cùng là hành tây và hành hoa, sau là bacon, rồi đến mỳ. Rắc lên đó chút ớt bột Mẹ làm ở Bắc Ninh. Nước dùng nóng dzãy chan ngập phần cái. Thế là được bát mỳ nóng, ngọt và ngon chuẩn nhà làm và chuẩn bếp ăn bất quy tắc :-)

NB.

(1) Tôi hì hục luộc quả trứng, định bụng điệu đà cho vào bát mỳ thêm màu sắc nhưng lần này luộc vụng trứng tái nguyên quả. Thế là có cảnh có kẻ ăn vụng, húp roẹt một cái phần lòng đào, xong xuôi loay hoay cậy phần lòng trắng nhưng được lúc thấy khó khăn vô nhường thì tặc lưỡi, bỏ!

(2) Thêm nữa, tôi điệu, tính chuyện rắc chút vụn rong biển lên bát mỳ. Ăn no kềnh càng mang bát quay lại bếp thì nhìn ra gói rong biển vẫn còn chưa bóc. Lại tặc lưỡi, để lần sau thử nghiệm.

Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

quý cô sexy và pizza ngon ở hà nội

(1)

TL tối hôm trước về nhà cười cười, coi bộ có chút xỏ xiên, và thì thào kể chuyện người quen cho đọc note trên "phây" của một cô nghệ sĩ có tên có tuổi và được nhiều chị em hâm mộ về chuyện mặc đồ vải trên người.

Theo cô này, và qua giọng kể của TL cùng với năng lực hấp thụ thông tin của tôi, có hai loại tâm lý của chị em với cơ thể của bản thân: ghét và yêu. Ghét thì sẽ không thèm chú ý đến ăn mặc, sẽ mặc xấu, sẽ chấp nhận mặc đồng phục, sẽ mặc đồ không làm lộ được các đường nét của cơ thể [người] đàn bà. Còn yêu thì sẽ mặc càng ít vải càng tốt, càng "lộ" càng tốt, và đặc biệt là phải làm sao để vẻ đẹp hình thể [người] đàn bà được phô diễn tối đa.

Vẫn cô này bày tỏ lòng căm thù với thứ có tên là đồng phục, bất luận là của ngành nghề gì và trong hoàn cảnh nào. Túm lại, hở triệt để, sexy triệt để!

Người quen của TL bảo thế mới là đúng và khuyên nó nghiêm túc suy ngẫm học hỏi.

Tôi bảo, cô nghệ sĩ đó chẳng sai, bạn mày cũng chẳng sai. Họ đúng là đúng với họ. Còn với người khác, ai mà biết được.

Có những quan điểm tôn giáo/tâm linh chủ trương che kín thân thể, chẳng phải dứt khoát chỉ vì lý do đạo đức mà có khi còn do mấy chuyện che chắn, bảo vệ huyệt đạo. Rồi nữa, người béo kẻ gầy có phải ai cũng đẹp mà phô mới cả bày ra cho người thiên hạ. Rồi nữa nữa, cái tâm trạng của ngày, cái tâm lý cố hữu của từng đoạn tuổi trong đời, cái hoàn cảnh đời sống cụ thể từ sức khỏe, thời tiết, phương thức đi lại, nghề nghiệp tới cái ví tiền... có đến cả đống lý do để người ta có thể không làm theo cái lời khuyên kể trên, hoặc không sao theo nổi.

Đó là chưa kể chị em cơm áo gạo tiền rượt đuổi sát mông, con hai nách tháng tháng tuần tuần nã đủ các khoản tiền từ học thêm học nếm tới thăm thú bệnh viện, tệ hơn vớ phải ông chồng bất đắc chí chia động từ tươi sáng lúc nào cũng ở thời tương lai, loại chị em đấy mà dại dột nghe cái cô nghệ sĩ kia, dứt khoát bỏ công ăn việc làm bắt xỏ đồng phục, dứt khoát tay dao tay kéo bằm nát những mẩu áo quần công sở thì có hưng phấn cũng chỉ nhất một đoạn thời gian dài đủ đầu mẩu ngón tay, còn sau đó nhẹ thì ân hận rồi kịp sửa chữa lỗi lầm, nặng thì tự mình nhét mình vào chỗ thảm.

Vậy nên, cô chủ trương sexy cô có cái lý của cô, tôi lôi thôi mẹ bổi tôi có cái lẽ của mình :-)

(2)

Một đám người, đa phần sang chảnh, say sưa bàn luận pizza trong thành phố tiệm nào ngon nhất.

Thị dân trẻ tuổi tài cao đồ hiệu từ đầu tới chân, mở miệng toàn rì-zọt chỗ này sốp-ping chỗ nọ nếu không phải cỡ đại tập đoàn lớn trong nước thì là các quốc gia láng giềng, mười người có đến chín rưỡi dứt khoát phải là chuỗi cửa hàng của nhà ếch-xờ-pát Nhựt bổn. Hỏi ngon thế nào, nghe loanh quanh lý luận giải thích một hồi thì à, ồ vì rau sạch từ cái pham ọc-ga-ních của bổn tiệm, vì cái phô-mai tự làm của bổn tiệm, vì cái tinh thần xì-tát-ướp của bổn tiệm...

Đám người lớn tuổi hơn chút, có con tuổi tầm tầm ăn thì ít mà quậy tưng bừng, còn phụ huynh quen ăn to nói lớn, thì thích phong cách mễ-tây-cơ, vừa chén pi-da vừa gặm sườn nướng ở chuỗi quán có tên có tuổi đã nhiều năm trong thành phố.

Còn lại, mấy kẻ im im chẳng nói gì, phải đập đập một lúc thì mới mở miệng, thủng thẳng, quyết định cho pizza là formage; bọn tao đã thử đủ, chuỗi Nhật tàm tạm nhưng nếu thích thì là thích cái tinh thần hơn chất lượng; chuỗi phong cách Mễ thì nói thật nhá, sườn bọn tao còn gặm chứ pizza thì dẹp ngay. Hỏi tiếp thế rốt cuộc là nhà nào. Thỏ thẻ, cuối cùng vẫn là trăng thu :-)