Nhà lại rỉ nước. Lần này với qui mô lớn và mức độ nghiêm trọng hơn so với mấy lần cuối vừa rồi.
Điều làm tôi bất ngờ cuối sáng hôm nay, khi mắt mũi vẫn còn tẹp nhèm vì chưa ra khởi cơn buồn ngủ, là nhìn thấy cái vệt nước chạy dài dọc theo sảnh ngoài và ra tới tận mép cổng, tâm trạng vẫn cứ là ở trạng thái statu quo đi.
Lúc đó, trong tích tắc, tôi nghĩ, chắc là do mê ngủ. Nhưng sau màn cafe sáng, ngồi an ở bậu cửa phía Bắc nhìn ngó vườn, đọc linh tinh lang tang mấy thứ, tôi nghĩ lại vẫn chẳng thấy chút phiền não và cáu giận nào. Cái sự ngạc nhiên bất chợt kia cuối cùng được giải thích là, tôi đã lên thêm một cấp về năng lực tự-yên-tĩnh-lại.
(2)
Tôi sợ nước và ghét nước. Nực cười là cuộc sống của tôi từ gần ba mươi năm nay bị ám bởi nước. Nhà mới dọn vào tràn ngập nắng, thoáng đãng, khô ráo được vài năm thì ông bác tầng hai cưới vợ mới và một trong những việc đầu tiên tân nương ra tay là cải tạo cái nhà tắm và bếp. Kết quả, ám ảnh tường thấm và nước rò bắt đầu. Nhà trên sau mấy đời chủ cộng với nhà dưới say sưa sửa chữa không biết bao bận, cuối cùng chịu thua cái mái trên tầng năm bị ngấm và tạo hiệu ứng lan truyền, chịu thua mấy nhà trên gác ý thức kém, chuyển sang sống vui với nước.
Tường ngấm thì lau, lâu lâu sơn quét, lâu lâu nữa đập ra bôi trát lại. Nhưng nước bị ngậm và chảy theo các mạch của bê tông đóng khối thì ôi thôi, haiz toàn tập.
Tôi thậm chí bắt đầu nghĩ đến, với chút tán thưởng bản thân là mình thật thông minh, việc đi tìm ai đó giúp khoan chọc và đặt một hệ thống ống đón và dẫn nước. Biến cái sảnh dài thành một tác phẩm sắp đặt luôn.
(3)
Tôi chưa ra khỏi cơn chuếch choáng sau cuộc gặp ngắn kiểu chộp giật với người yêu dấu.
Hai gã đàn ông bước xuống từ cái xe đen sì, bệ vệ và khoa trương chuẩn phong cách xứ cờ hoa. Tôi thiếu nước dụi mắt vì ngạc nhiên.
Thằng bé-người hâm mộ gầy hơn bất cứ tay nghiện lão làng nào tôi đã từng biết. Còn người yêu dấu của tôi, giống như một ông quản lý nhà băng từ trên trời rơi xuống. Giải thích của tay thứ nhất, bận rộn thu xếp di dân. Giải thích của tay thứ hai, xuống máy bay phải đi gặp mặt ăn tối cho case mới luôn.
Trong thời gian của ngày, không ngày nào tôi không nghĩ để dành chuyện này chuyện nọ để khi nào nói chuyện điện thoại hay gặp mặt bạn thì sẽ kể. Nhưng người ở trước mặt thì tôi ú ớ, sau chuyển thành cười khì khì.
Cuộc sống mấy năm rồi của tôi có nhiều thay đổi. Tôi biết ơn bạn tốt kiêm thầy hướng đạo này của mình. Giống như một cái thùng rác, có thể kiên nhẫn hứng đủ thứ cà ràm điên khùng của tôi, không phán xét, không khuyên bảo trực tiếp nhưng khéo léo gợi ý vài điểm trọng tâm mà phải một thời gian sau tôi mới tiêu hóa hết ý nghĩa của chúng. Với tôi, thế là đủ, thế là quá tốt.
(4)
Trong một tuần, tôi nghe hai chuyện di dân, một về những người tôi không quen biết, một từ miệng thằng bé mà tổng số lần tôi gặp nó còn chưa bằng số ngón tay trên hai bàn tay.
Tôi hỏi nó, tại sao đi. Rồi đùa tiếp, đừng nói là vì bức xúc này nọ kiểu mấy thằng cha mồm to đấy nhá.
Nó cười cười bảo, vợ em muốn. Rồi nữa, cho bọn trẻ con. Mà bọn trẻ con là ai chứ, một đứa nhóc mới già một tuổi.
Lúc chúng tôi chia tay, nó bảo, em phá cũng đủ rồi, giờ muốn sống chậm.
Cái sống chậm này của nó, tôi nghĩ là đích thực. Và thực thà mà nói, tôi có chút ghen tỵ với nó, điều kiện bày ra một đống dư để thực hành.
(5)
Giữa chuyện con nhóc-nhân tài mới nổi và thằng bé-người hâm mộ, cùng một ý sống chậm nhưng hình dung và hành trình theo đuổi quả khác xa một trời một vực.
Còn tôi ở đâu?
Cho hiện tại, tất cả tập trung vào tiếp tục làm mọi thứ trở nên nhẹ nhõm. Tức là lần lượt thanh lý các món nợ. Tức là tiếp tục sự nghiệp decluttering vĩ đại. Tức là học cách sống chung trong hòa bình và vui vẻ với những thứ tôi hiện đang có. Tức là chú ý hơn đến những thứ tôi bôi trát, mang vác trên người và tống vào dạ dày.
(6)
Sau một hồi lên cơn với đám đồ vải, giờ dự án crazy happy minimalism của tôi tập trung vào nâng cao kỷ-luật-tính.
Nghe rất oách!
Mà kết quả ban đầu coi như không tệ đi :-)
Từ gần hai tuần nay, sau bữa tối, dù là quá 10 giờ đêm, vẫn có đửa dở hơi đứng ngoan trong bếp chăm chú rửa bát, lau chùi sạch sẽ và gọn gàng trước khi bắt đầu cơn ác mộng mất ngủ.
Bữa trưa, ăn ngoài với bạn hay linh tinh lang tang tùy hứng ở nhà, nghiêm túc hay đại khái, dù thế nào đều được duy trì đều đặn và thành nếp.
Badie chăm chỉ mỗi ngày một ít.
Bài luận thứ nhất đến trưa hôm qua đã xong hoàn toàn phần kết luận với một cảm giác đắc thắng đạt thành tựu vô cùng ầm ĩ, vô cùng khẩn trương.
(7)
Nhiều người khi chạm đến chuyện luận án khuyên tôi, không được cầu toàn.
Phản ứng của tôi thường là lảng sang chuyện khác và trong đầu thì lẩm bẩm, cầu toàn cái quái gì, lười và tắc tịt thì có.
Nhưng đến trưa hôm qua, khi đóng file bài luận, tôi biết, cầu toàn là có thật, và là theo một nghĩa chẳng vui vẻ dễ chịu gì.
Chính xác, cầu toàn cộng với dốt nát và lười biếng.
Giờ biết thế rồi thì giải-nút-gấp thôi!
(8)
Tôi mới phát hiện ra, khi tâm trạng bắt đầu có nguy cơ ngả sang màu xám, khi mọi thứ xung quanh bắt đầu trở nên tồi tệ, thì nghe Mano Solo, duỗi chân ngồi thềm cửa phía Bắc nhìn ngắm cái sân vườn thiếu sự chăm sóc - tất nhiên là khi trời không mưa - uống trà kì môn và xem sách của Choi Kab-soo.
Cho hiện tại, đó là một cứu rỗi tuyệt vời cho cái psy lộn xộn và ngớ ngẩn của tôi!
(9)
D đẩy cái hộp xanh ra, thái độ giống như cậu bé mới lớn ngượng nghịu ấp úng, anh vội nên chỉ tìm được cái này cho cưng.
Tôi luôn nhạo báng cái đám người kêu decaf sau bữa tối ngoài tiệm.
Nhưng giờ tôi có gì, bữa sáng biến thành bữa trưa, và cốc cafe thứ hai của ngày đích thực là chay.
(10)
Sau hai ba ngày tính toán lên xuống rồi chát chít với chủ nợ, tôi gia hạn thẻ phòng tập.
Cân nặng ổn định xung quanh ngưỡng 64, so với 71 kí lô hoành tráng ngày tôi lần đầu tiên thò mặt ra chỗ đó thì xem ra mọi chuyện là tốt.
Tôi đã không còn quan tâm đến kế hoạch giảm cân từng bước của mình. Ở tình trạng hiện tại, với các cử động của cơ thể và quần áo mang trên người, tôi có cảm giác thoải mái. Với tôi, thế là rất tốt và việc cần làm là duy trì nó.
bữa sáng chuyển nhà sang giờ trưa |
thuốc giải-psy |