Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

nỗi sợ

(1)

Tôi không nhớ chính xác ngày tháng của câu chuyện.  Đại loại khi cái tên dành cho covid-19 bây giờ hãy còn là một mớ từ loằng ngoằng mà tôi nghe từ tai này thì tắp lự bắn sang tai kia và luôn sẵn sàng rút gọn thành dịch cúm. Đại loại khi Việt Nam có bệnh nhân covid-19 đầu tiên. Đại loại hầu hết mọi người xung quanh tôi, và cả tôi, đều thờ ơ coi đó là chuyện người ta và ở kia.

TL đi làm về, Trong khi làm bữa tối ề à tám chuyện, nó cười khanh khách kể, cô đồng nghiệp giữ vai trò đại mama tổng quản của cơ quan sáng đến văn phòng việc đầu tiên làm là email cho người quản lý toà nhà hỏi đã tính toán những biện pháp gì trước mối nguy bệnh tật mới này. Rất mau quản lý toà nhà vô tư trả lời, không có gì, chưa tính tới. Thế là có email thứ hai ghi rõ một danh sách những việc cần làm, trong đó có tiết mục nhân viên lễ tân và gác cửa của toà nhà nhất thiết đeo khẩu trang [bắt buộc] và nhắc người ra vô đeo khẩu trang [không bắt buộc] cùng tờ thông báo nhắc nhở dán ở chỗ đông người qua lại; nhân viên vệ sinh cần liên tục sát khuẩn thang máy và hình như nữa là phải có nước rửa tay khô ở lối vào ra.

Vẫn là TL kể chuyện, chỉ trong chiều hôm đó, các đầu việc cần làm [ngay] của cô đồng nghiệp đã được triển khai tắp lự.

Tôi nghe chuyện xong thì tự bảo, cô này thật cẩn thận. Bữa sau chuyện nhỏ này tôi quẳng ra sau gáy, đi sang tiệm Highlands bên kia đường, bà con ngồi cafe lẫn bà con công sở ở các tầng của toà nhà đi lại phởn phơ, chẳng có dấu hiệu gì về sự tồn tại của thứ vài tuần sau hoá thành dịch bệnh.

(2)

Ngày đầu tiên toà chung cư dán tờ thông báo yêu cầu cư dân đeo khẩu trang và hạn chế nói chuyện cùng sử dụng điện thoại trong thang máy, tôi thò chân vào cái hộp sắt để lên căn hộ, thấy sặc mùi nước tẩy.

Có nhà một mẹ trẻ và hai con nhỏ, bé gái lớn chừng 4-5 tuổi, bé gái nhỏ bi bô tập nói, bước liền chân vào thang máy cùng tôi, mẹ khẩu trang y tế, con khẩu trang Hello Kitty hồng hồng. Tôi theo thói thấy có trẻ nhỏ thì cười một cái thay cho lời chào. Không rõ vì tôi lúc ấy cũng đeo khẩu trang nên cười như không cười, mắt nhìn sang bà mẹ trẻ thì thấy phản ứng là một cái gật đầu nhẹ, còn ánh mắt nhìn thì lại vô cùng phòng bị.

Khi bé gái lớn ngả ngốn dựa vào tường thang máy, lập tức bà mẹ lôi tay kéo con lại và bắt đầu một tràng giáo huấn rằng thì là mà thang máy bẩn và nguy hiểm như thế nào. Tôi ngán ngẩm, con nhóc mấy tuổi này thì biết cái gì. Lại nghĩ tới phát hiện nho nhỏ về bà lao công không ít lần dùng nguyên cái  lau sàn cứ thế tương lên bề tường và cửa thang máy cho tiết mục vệ sinh thường lệ thì thấy bà mẹ trẻ kia cũng là có lý.

Sau chuyện ba mẹ con nhà kia trong thang máy, tôi còn thấy họ mấy lần ở trước sảnh vào toà nhà, lần nào cũng như lần nào là cảnh ba người chui ra từ một cái taxi. Một trong những lần thấy họ như vậy, tôi chợt phì cười, đã sợ sao không sợ đến độ thuỷ chung, taxi là cái hộp công cộng nguy cơ tiềm ẩn không phải là nhẹ mà.

(3)

Cuối tháng 2 tôi đi một vòng từ Hà Nội qua Narita trước khi tới Boston, thấy vạn trạng kiểu thái độ.

Nội Bài từ lâu đã có hạn chế người đưa tiễn người thân thế quái nào bữa ấy như được thả lỏng, bà con đưa người và đón người cứ bầu đoàn phầm phập đi ra đi vô, đa phần chẳng ai đeo khẩu trang, còn nếu đeo thì là một thân vải hờ hững dưới cằm. Lý do hẳn là để khi seo-phì thì còn nhìn ra đủ cái mặt. Khách bay dân Á nghiêm túc phi thường che kín mồm miệng, còn dân Âu-Mỹ phần đông vẫn là vô tư nhởn nhơ không phòng bị.

Qua Narita đột nhiên tôi thấy mình khẩn trương. Ấn tượng nhất là ở trong khu lounge, cứ mươi phút là một lượt các bà các cô nhân viên mang đồng phục vào khu vệ sinh làm công việc của mình.

Ở Logan, mười ông bà mang đồng phục thì chỉ có hai hay ba người là mang khẩu trang, điểm chung duy nhất là đồng loạt ai cũng đeo găng tay. Tôi để ý giao tiếp cơ thể của họ vẫn rất vô tư phóng khoáng, nhất là mấy người hispanics, chụm đầu sát sạt vào nhau nói cười phớ la phớ lớ.

Trong toàn bộ hành trình bay, tôi chỉ cảm nhận thực sự rõ ràng thứ mang tên nỗi sợ là trong khoang máy bay mỗi khi có ai đó húng hắng ho. Lần đầu nghe cái âm thanh rất con người này, tôi theo phản xạ thông thường ngoái cổ tìm tòi, phát hiện có cả một đống người cũng hành động y chang mình. Đến những lần tiếp theo thì tôi chỉ lặp đi lặp lại đúng một động tác là chỉnh trang cái khẩu trang trên mặt mình.

(4)

Mới quay lại đây, tôi như thể đi lạc vào một thế giới khác, hoàn toàn xa lạ với Hà Nội hỗn loạn trong cơn khát khẩu trang y tế và nước rửa tay khô và loay hoay đóng đóng mở mở trường học.

Có một lập luận khá phổ biến là "cúm Vũ Hán" cũng chỉ là một dạng cúm, rằng thì là mà tỷ lệ người chết đâu có cao. Rồi lại có quan điểm của mấy bạn người Á rằng chỗ này của tiểu bang không phải thành phố lớn nên dứt khoát không đáng sợ. Tôi ù ù cạc cạc nghe vậy, trong lòng có chút bất an vì không thể mang cái khẩu trang thủ sẵn trong túi ra đeo lên mặt.

Lúc ấy, cho dù mọi đặt hàng mua khẩu trang đều được hồi đáp với cái hẹn giữa tháng 3 mới có hàng thì mua vài chai Purell không phải là việc khó khăn gì. Găng tay y tế và giấy vệ sinh cũng còn xa tít tắp cái đỉnh điểm khủng hoảng hết hàng.

Garde - brief intermission
(5)

Thế rồi mọi chuyện diễn ra theo một nhịp mau ngoài mọi sức tưởng tượng.

Purell cháy hàng, một ông lão khó tính như Tiên sinh đành gật gù với Care One, rồi sau là Equate của WallmartGiấy vệ sinh vô số chủng loại, tôi bảo nhặt cái nào mà chẳng được, ông khăng khăng phải cái loại này mới gần được như Passeo [ở Hà Nội]. Muốn là vậy, chỉ sau có một ngày mua mấy lọ hand sanitizer và hai bịch đại Charmin, ông có kén cá chọn canh cũng chẳng được nữa rồi. Các kệ hàng cửa hàng nhỏ, siêu thị to đều trống rỗng, không nước rửa tay sát khuẩn cũng không nốt giấy vệ sinh.

butcher shop quen thuộc, hai tuần trước ông chủ còn thong thả, tao chỉ đóng cửa Chủ nhật, còn lại mở cửa sáu ngày của tuần và ngày nào cũng nhập hàng. Tuần rồi, thông báo mới của ông là một tuần nhập hàng 3 ngày, sau sẽ thành 2 ngày, rồi 1 ngày và rất có thể sẽ có ngày phải tạm đóng cửa.

(6)

Tuần đầu tiên của tháng 3, vợ chồng bằng hữu của Tiên sinh kể có bạn nhỏ sinh viên người Việt Nam đang chơi nhà ông chú ông cậu gì đó ở Toronto viết email xin ở nhờ một đêm nửa sau tháng 3 trước khi bay về Việt Nam. Ông trả lời đồng ý với điều kiện, tao mở cửa sẵn, mày cứ thế mà chui xuống hầm đã có phòng ngủ cho khách được chuẩn bị tinh tươm cùng đồ ăn vặt, rồi hôm sau mày cứ thế mà đi ra khỏi nhà.

Lúc đó Toronto chưa phải là cái tên làm người ta khiếp sợ. Tôi nghe chuyện xong thấy có chút lạnh lẽo, đến lúc kể lại cho TL thì choáng vì phản ứng của nó, rằng thì là mà hai bác ấy làm thế là đúng quá rồi còn gì.

Giờ nghĩ lại tôi thấy mình đúng là thiển cận và chủ quan. Hai bác kia, bà vợ quá 80 còn ông chồng đã kề cận tuổi ấy, họ có quyền tự bảo vệ mình theo cách của mình.

(7)

Hai tiệm ăn quen trong thành phố, một phong cách cajun của ông chủ người Mỹ chính gốc trăm phần trăm, là diễn viên ballet giải nghệ giờ đứng bếp cần mẫn cày kiếm tiền trả góp nhà và không có bảo hiểm y tế, một bếp Thái của bà chủ người Thái đi xe Maserati và hợp đồng bảo hiểm các loại phủ kín người.

Thành phố rục rịch lệnh cấm các tiệm ăn phục vụ tại chỗ, phản ứng của hai ông bà chủ quán khác nhau một trời một vực.

Bà người Thái mau gọi điện cho khách quen, thông báo cả trên mạng nhện lẫn treo banner chỗ cửa sổ và trưng thêm bảng đen viết phấn ngoài vỉa hè phương thức đặt và giao hàng. Mặt tỉnh bơ, bà bảo sẽ tuỳ tình hình mà mở quán ba hay bốn ngày một tuần, tệ hơn có thể chỉ mở hai ngày cuối tuần.

Ông Mỹ thì ngay lập tức đóng cửa. Nhiều thực phẩm trong bếp ông gọi người cho. Tôi được một miếng ba rọi to đùng. Mà cách ông cho cũng đặc biệt, đồ được để sẵn trong túi và đặt trước cửa tiệm, khách quen hay bằng hữu tới cứ thế đến mà vác về. Ông trốn trong nhà ở ngay bên cạnh quán, dứt khoát không thò mặt ra nói năng phây-tu-phây gì cả. Ông bảo, còn một ít nguyên liệu ông chờ mấy bữa nữa nếu có nhiều người khó khăn trong sự đi lại mua bán thực phẩm thì ông sẽ nấu mẻ lớn và cũng sẽ để ở cửa để bà con đến mang đi mà không lộ mặt.

Chuyện nữa về ông là ông bỏ luôn thói quen ra tiệm cafe ngon trong thành phố và thay vì đó là ngồi xe đi McDonald's. Cafe chỗ đó có thể kém ngon nhưng drive-thru cho ông cảm giác an toàn.

(8)

Tối hôm kia nghe tin tiểu bang có chừng ba triệu rưỡi dân đã hơn 600 vị nhiễm con corona virus. Lại nghe vẫn là tin cơn khát bộ xét nghiệm và thiếu khẩu trang y tế cho người làm trong bệnh viện.

Tối qua ngó tin địa phương, có anh đang điều trị ung thư, có tên trong danh sách ưu tiên ván bài sinh tử, giờ được thông báo tạm ngừng điều trị để nhường chỗ cho bà con bị covid-19. Hoàn cảnh của anh được cho lên truyền hình với chút hy vọng có thể sau bản tin này thì anh sẽ được điều trị trở lại.

Xa hơn chút, ở không ít nơi có phong trào nhân dân tự may khẩu trang, còn ai tích từ trước khẩu trang phẫu thuật thì xin có lòng gửi cho bệnh viện.

Chiều nay Tiên sinh tán gẫu với ông hàng xóm béo. Ông này kể theo lời con gái sống ở đảo Rhode thì thống đốc bang này đã phải vời đến vệ binh để chặn không cho dân New York ùn ùn kéo vào trốn dịch. Chẳng rõ thực hư thế nào nhưng ở ngay thành phố nhỏ này, khi chạy xe đạp chiều nay tôi nhận thấy đúng là khu nhà nghỉ mùa hè giờ trạt đầy xe biển sắc đồng [New York].

Vẫn ông hàng xóm béo kể, Mystic giờ đầy xe đậu, đa phần mang biển New York. Xung quanh đây mấy cái làng nhà giàu cũng tình trạng tương tự. Mà chưa kể đến chuyện đám siêu giàu kéo nhau ra Fisher Island né dịch không ít trong số đó sẽ dùng phà xuất phát từ thành phố này. Điều này đồng nghĩa với việc có một lượng người kha khá đi loanh quanh trong các cửa hàng, siêu thị xung quanh đây, tạo nên mối nguy tiềm tàng không nhỏ. Không ít bà con ở đây đang hí hửng  nghĩ mình vùng sâu vùng xa và thành phố của mình chưa vào hè hãy còn hiu quạnh thì an toàn giờ coi như vỡ mộng.

Cuối cùng, vẫn là ông hàng xóm béo, con gái ông muốn về đây tá túc. Ông không đồng ý với lý do, tao già rồi.

Chuyện gần chuyện xa như vậy, xứ cờ hoa tôi quay trở lại một tháng trước đây giờ không còn vô tư hay phởn phơ nữa. Nỗi sợ dù là vô hình nhưng rõ ràng mỗi ngày một gần.

(9)

Tôi sốt ruột tình hình ở nhà, lên cơn nỉ non một hồi thì tự dziễu lo lắng thái quá hoá giả tạo. Lý do, đằng nào tôi cũng bị mắc kẹt ở đây, chi bằng bình tĩnh tự trấn an và chăm lo bản thân cho tốt, thế mới là có trách nhiệm với bản thân và những người thân yêu của mình.

Nhưng nói gì thì nói, hóng tin qua mạng nhện dù là ở mấy trang chính thống thì vẫn cứ nghèn nghẹn. Sáng nay gọi điện cho TL, nó bảo công an phường đã đi nhắc nhở một lượt và từ ngày mai hàng xôi và hàng quả bán nhờ trước cửa sẽ phải tạm dẹp hàng, rồi hàng bánh, hàng bún, tiệm cafe xung quanh cũng tuốt tuột tạm thời đóng cửa.

Tôi không biết chuyện xa của người thiên hạ. Nhưng con bé bán hoa quả nhờ trước cửa nhà, tôi biết để có cái Tết tươm tươm trong hoàn cảnh không hy vọng gì vào tay chồng hờ sống chung nhà nhưng thực đã ly dị từ năm một ngàn chín trăm lâu quá rồi, nó đã phải vay nóng một khoản với hy vọng ra Giêng em kiếm tiền trả nợ lẫn lãi. Rồi hàng xôi một cái thúng với một cái nồi thịt kho trứng, chưa kể đỡ đần bán giúp vài chai sữa đậu do con bé cháu mất cha là công nhân vệ sinh môi trường vì bị một ông taxi tông năm ngoái làm và gửi bán, gánh nặng đè vai là đức ông chồng mỗi năm chỉ có duy nhất một lần làm ra tiền là cận Tết Âm lịch vác dao ra ruộng chặt đào cùng một thằng bé con đang tuổi ăn tuổi lớn.

(10)

Ở đây và ở kia, cơn bão mang tên covid-19 không phân biệt giàu sang, tuổi tác, địa vị và nơi chốn.

Và nỗi sợ mà nó tạo ra tiếp tục biến hình vạn trạng với đủ kích cỡ và sắc màu.

Anh bạn trẻ hồi hôm còn nham nhở trong bữa tiệc corona của kỳ nghỉ xuân phong cách giờ đã chuyển vai thành một COVIDIOT biết cúi đầu ăn năn hối lỗi.

Những phản ứng của người xung quanh mấy bữa trước tôi còn cho rằng có phần "thái quá" giờ hoá ra hoàn toàn có lý và có trách nhiệm.

Tôi đã qua cao điểm sợ hãi khi bản thân lăn quay ra ốm và sau đó là biết mình mắc kẹt trong thành phố nhỏ này. Tiếp theo đây, hình hài nỗi sợ tôi sẽ phải đối mặt sẽ là gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét