Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

sống chung với trầm cảm?

(1)

Tôi không bao giờ quên cái mùa hè tăm tối đó khi nhà có chuyện.

Tất cả đều gồng mình, căng mình mà sống.

Chúng tôi thử mọi phương thức, đúng kiểu "Đông Tây kiêm cúng" như tôi vẫn thường dùng để nói vui về cách xử lý theo kiểu ăn may, theo kiểu "vái tứ phương" trước một vấn đề.

Tôi nhớ mãi phản ứng của một anh bác sĩ hàng xóm cũ, người thực sự đã chịu ơn người lớn trong gia đình tôi không ít vào cái thuở cơ hàn còn tập trung cho luận án tiến sĩ mà bên cạnh phải lo cho vợ và con nheo nhóc, người mà vào thời điểm chúng tôi liên lạc lại đã kịp thành danh trong thành phố lớn, chuyển đến khu ngoại vi của những người giàu mới. Anh hàng xóm cũ này rất nhiệt tình trong việc xác định địa chỉ tư vấn, địa chỉ chăm sóc y tế. Nhưng cuối cái màn giúp đỡ hoành tráng, chuẩn chỉnh đó là một câu đại ý rằng sau chuyện này thì chắc sẽ không có gặp lại vì anh không muốn các cô con gái của mình biết chuyện.

Thời điểm đó, tôi không có sức để phẫn nộ, chỉ méo miệng cười một cái rồi mải lo việc quan trọng hơn.

Thời điểm đó, có đến cả một đám nhóc con bạn học trường Ams xúm vào lo giúp việc giấy tờ, thủ tục để kế hoạch ban đầu không bị ảnh hưởng.

Thời điểm đó, tôi gọi điện cho một người, nói thứ tiếng Anh sứt mẻ giải thích tình hình và người này đã giúp gia đình tôi không ít.

Thời điểm đó, mấy bạn tốt của tôi đều đặn ghé qua bệnh viện, chăm chỉ nói chuyện dù chỉ là nhát gừng, dù chỉ là câu được câu chăng.

Thời điểm đó, chị dâu họ bên nhà Nội khăng khăng thu xếp để chúng tôi qua gặp một người đã từng kinh qua một giai đoạn khó khăn. Chúng tôi thấy mình trong một ngôi nhà to, hạnh phúc, trước một chị gái xinh đẹp, khỏe mạnh, vui vẻ nói về những trải nghiệm của mình.

Thời điểm đó, có rất nhiều người tưởng xa cách và lạnh lùng nhưng khi có chuyện đều chu đáo nhẹ nhàng theo cách này cách khác mà hỗ trợ, chiếu cố chúng tôi.

Sau chuyện này, tôi biết dù đầu óc tôi có đen kịt đến đâu, dù tôi thi thoảng trên đường có vấp phải lũ mọi rợ dở hơi xấu xa đến đâu thì thế giới vẫn tốt đẹp vô nhường. Và tôi cũng học được bài học quý, biết mở lòng, biết chia sẻ, biết bao dung.

(2) 

Ngày tang lễ chú [rể] là chồng Cô út bên nhà Nội, tôi rất để ý ca 2 kế tiếp. Một đám ma buồn tẻ, tôi nghĩ thế.

Ấn tượng về cái phòng chờ kế bên sảnh chính với mấy nhà sư hành lễ, mấy người nhà đen một màu trang phục đi đi lại lại, vừa có kiểu làm cho xong, vừa có kiểu lén la lén lút, mạnh đến nỗi sau hơn một tuần khi tôi gặp Chị MA, tôi vẫn nhớ y chang các hình ảnh tựa như của một cuốn phim quay chậm đó trong đầu.

Rồi chẳng hiểu thế nào, tôi nghe chuyện người đối diện thì cứ thế lờ mờ sau thành rõ nét mà nhận ra cái người em họ mà bà chị nói tới chính là nhân vật chính của ca 2 ở nhà tang lễ bệnh viện hôm nào.

Chuyện kể về người xa lạ, tôi nghe xong thấy buồn, thấy tiếc. Tôi nói với Chị MA, nếu biết trước người ta bệnh vậy, dù không thích bao đồng em cũng sẽ sẵn sàng chia sẻ chút kinh nghiệm đã qua.

Nhưng nghe tiếp vài mẩu rời rạc liên quan đến người quá cố, tôi nhận ra rằng cái sự gọi là mong muốn bao đồng kia của tôi chẳng qua chỉ là một ý nghĩ ngốc nghếch. Đơn giản, người thiên hạ có quá nhiều sĩ diện, thứ sĩ diện còn to hơn, cao hơn cả sinh mạng trân quý của con cái họ.

Vì thế, đối mặt với nỗi khiếp sợ mang tên "trầm cảm", họ chẳng làm gì khác hơn là đóng kín cửa, giấu nhẹm thông tin và để cho người bệnh chết dần chết mòn trong tinh thần và cuối cùng là cáo chung cái thân xác của mình.

(3)

Cuốn sách có tên rất gợi, rất màu: Đừng để trầm cảm tấn công bạn. Tôi mua nó ngay tắp lự ngay khi tiêu đề sách rơi vào tầm mắt.

Từ nhiều năm nay, tôi nhẩn nha đọc, tới rồi lui, lặp lại, William Styron và Kay Redfield Jamison. Sách của họ, xét từ một phương diện, đã giúp tôi dần dần yên tĩnh sống thuận theo những mảng tối psy của mình thay vì loay hoay đối phó.

Cuộc sống đối với tôi có lúc giống như đu dây đối với một tay mơ. Cái gọi là thăng bằng lý tưởng trên một sợi dây có lẽ chỉ là một sự bịa đặt, không hơn kém.

Vấn đề là cuộc đời của cùng một phàm nhân giờ có quá nhiều sợi dây. Vậy nên y thị chẳng phải lo nghĩ chi cái sự mất thăng bằng rồi lăn tòm ôm mặt đất. Các sợi dây, chúng cấu thành mạng nhện khổng lồ, chi phối, kiểm soát cuộc đời y thị. Y thị có thể ngả nghiêng, thậm chí có thể sõng soài, nhưng sẽ luôn là trên lớp tơ nhện êm ái huyễn hoặc của đời sống nhân gian.

Tôi suy nghĩ nhiều về việc chọn một sợi dây duy nhất hay để mình cuốn theo các lớp sợi tơ. Cho chọn lựa thứ nhất, tôi không đủ sức, đủ dũng cảm, và cả điên rồ nữa, để đi theo. Cho chọn lựa thứ hai, tôi sớm mệt mỏi vì những lời thừa, cử chỉ thừa, phô diễn thừa của người thiên hạ. 

Tôi không biết bao giờ mới đọc chậm xong ông bác sĩ David D. Burns này. Nhưng có chút thích thú ngay từ những trang đầu khi nhìn thấy công thức "liệu pháp nhận thức".

Chưa biết sách sẽ đưa tôi đến đâu. Trong khi chờ đến ngày kết thúc nó, tôi đã kịp làm một bài test BDC. Kết quả: 51 điểm. Mà theo giải thích của ông tác giả, ngưỡng 51-75 có nghĩa là [tôi] trầm cảm nặng :-(((

Sau khi ngắm nghía kỹ càng cái kết quả này, tôi nghĩ, thực cũng chẳng phải lo lắng gì. Vì ông bác sĩ là một ông Tây, cái bao dung thể văn hóa, cái thế giới người mà ông ý nói tới khác với thế giới tôi đang sống. 

Thêm nữa, với chút ranh mãnh, tôi đã kịp tự nhủ, để cách vài ngày sẽ từ từ trả lời lại cái bảng hỏi trứ danh kia. Ai mà biết được, có khi chính vào lúc ấy tôi lại ở ngưỡng của một kẻ "bình thường nhưng không vui", nhể :-)))

David D. Burns, Đừng để trầm cảm tấn công bạn, Uông Xuân Vy và Du Yên dịch, TGM Books - Nxb Phụ nữ, 2017, 299 trang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét