(1)
Có chị gái người ngoại quốc làm việc ở Hà Nội, hỏi nhân viên lái xe về tháng Bảy lịch dưới. Anh này chắc nịch, thì giống như Thanksgiving Day của chúng mày ý.
Chị kia nghe xong thì bảo, tao nghe giải thích từ người khác thì hiểu nó phải giống như Halloween mới phải.
Có người nghe xong cười khà khà, bảo hay là gọi thành Forgiving.
(2)
Tôi nhớ ngày còn bé, Hà Nội là thành phố nghèo, cúng xá tội vong nhân nhà Bà Nội trên phố Cửa Bắc chỉ có cháo và bỏng ngô, bàn cúng bé con con đặt chỗ gốc cây sấu ở vỉa hè trước nhà. Còn chính ở nhà chúng tôi khi đó, không rõ do khó khăn hay hai phụ huynh vô thần vô thánh, tôi thậm chí còn chẳng nhớ nổi thực có cái màn cháo và bỏng nữa hay không.
Sau này đất nước khá giả, thành phố khá giả, thị dân trung bình khá giả, có nhiều nhà cúng tưng bừng. Quần áo chúng sinh kích cỡ kiểu dáng phong phú, tiền vàng chất đống, bỏng que bỏng hạt màu sắc sặc sỡ bày tú hụ trên vỉa hè, một màn cúng hóa thành màn trình diễn cho cả khu xem.
Rồi lạ nữa là trên dưới mươi năm trở lại có câu chuyện mùa Vu Lan báo hiếu. Có những người nói say sưa về nó, tụng ca nó đến mức tôi nghe xong tự nhủ, thứ nhất là mình bất hiếu; thứ nhì là hình như quá khứ của mình đã bị xuyên tạc.
(3)
Năm nay nghe nói cửa địa ngục mở từ ngày 13 lịch dưới đến ngày 16 lịch dưới. Lời dặn dò cho kẻ mê tín là đi lại thì cứ đúng việc mà làm chứ chớ tạt ngang rẽ dọc ngoài kế hoạch.
Chuyện này tôi ù ù cạc cạc, đã nghe rồi thì cứ cẩn thận mà kiêng cho lành.
Và như mọi năm, ở nhà Hà Nội của chúng tôi cúng rằm tháng Bảy vẫn chỉ là thỉnh hoa quả ban thờ trong nhà chứ tuyệt nhiên không có cái màn bông hồng cài áo, cũng không nốt bàn lễ sụt sùi ở trước hiên nhà.
Chuyện này có người biết nói với tôi ra chiều vừa mắng mỏ vừa dạy bảo, rằng thì là mà phải tội. Nhưng theo thì biết theo đến độ nào cho đủ cơ chứ :-///
Vậy nên tránh ma tránh quỷ thì cố mà tránh. Chỉ vậy thôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét