Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

đàn bà, đàn ông và cao gót

Kết quả của dọn nhà, ngó đông ngó tây và tám chuyện qua các email ngắn với TA.

(1)

Nguyên tắc căn bản tối thiểu cho chăm sóc các bạn giày da theo bác thợ sửa giày trong khu phố TA sống.

- Thi thoảng bôi kem dưỡng da cho các bạn ý

- Thường phải xịt keo chống nước 24h trước khi trời mưa [không hiểu là loại "kem chống nước 24h" hay là phải chăm chỉ theo dõi dự báo thời tiết để chính xác một ngày trước khi trời mưa thì xịt keo chống nước 😂😂😂]

- Không đi cùng một đôi giày hai ngày liên tục. Lý do, để các bạn giày thở và cũng là để chân mình không bị tấn công bởi mấy con vi khuẩn vi trùng gì đó

- Trước khi cất giày phải lau sạch sẽ, bôi kem dưỡng da cho các bạn ý [không hiểu là cất giày vào tủ giày hàng ngày khi về nhà, hay là hết một mùa/vụ thì cất giày đi một thời gian dài 😂😂😂]

Dù thế nào thì cho tới nay, tôi dù lười nhưng khi cao hứng thì lôi bộ đồ nghề ra thực hiện đủ các thao tác trên, coi như từ giờ tiếp tục phát huy!

(2) 

Tôi luôn thắc mắc tại sao lại có cái truyền thuyết là cánh mày râu thích chị em đi lại trên các đôi cao gót. Hỏi mấy người nam già đời mà tôi biết và yêu quý, té ra đều là lũ "biến thái", tuyệt đối lắc đầu phủ nhận. Nho nhã thì bảo, đúng là cao gót làm dáng phụ nữ đẹp, hấp dẫn hơn; nhưng nói xong ý đó thì tiếp tục nho nhã phang chưởng, nhưng mà nói thật nhá, không có nhiều người biết đi cao gót. Huỵch toẹt thì bảo, mày xem, giày gì mà vẫn còn nguyên cái nhãn giá ở dưới đế, giày gì mà không lau chùi, giày gì mà cứ bừa bãi đưa cho người đánh giày ngoài phố, đi kiểu gì mà người cứ nghiêng ngả...

Nghe thoáng có lẽ đáng bực. Nhưng lần nào tôi ngồi ở quán Chị Lan, nhìn các nữ cường nhân đi tới đi lui, đúng là mười chị thì may ra có hai hoặc ba thực sự duyên dáng trên cao gót. Còn lại, nếu không phải là những đôi vẹt móng, lem nhem bẩn thì lại là vấn đề dáng đi dáng đứng, vụng về không làm chủ được đôi cao gót của mình, coi rất tội!

(3)

Cao gót được phân tích qua ngòi bút của tay viết dành cho chị em và có tẩm gia vị học thuật, đại ý là được bắt đầu bằng câu hỏi rất mùi: Tại sao chúng ta lại gán cho phụ kiện này một tầm quan trọng đến mức đôi khi chính chúng - những đôi giày  - là thứ quyết định sự lựa chọn trang phục của chúng ta?

Rồi tiếp đến là câu trả lời: chúng bao bọc cho đôi chân của chúng ta - phần cơ thể vốn dĩ là “vật thế cho phallus của phụ nữ” như được Freud giải thích trong Ba tiểu luận về lý thuyết tình dục. Nói cách khác, chân biểu trưng cho sức mạnh của phụ nữ, kẻ vốn dĩ không có pénis. Khi bao bọc cho đôi chân [mang giày], chúng ta đã khiến đôi chân của mình vượt thoát khỏi chức năng thuần túy của một bộ phận cơ thể và biến đôi chân của mình thành một đối tượng của dục vọng… Vậy nên khi bước chân vào một cửa tiệm, có đồng thời hai mối bận tâm bao chiếm chúng ta [chị em nhá 😂😂😂], thúc đẩy chúng ta: tiện nghi, điều nhấn mạnh đến sự đi lại [thoải mái] của chúng ta, và thẩm mỹ, cái làm thức tỉnh thứ năng lực quyến rũ trong chúng ta. 

Tôi chẳng biết mô tê gì về mấy cái tiểu luận của ông cụ có râu kia, chỉ chực quan tâm đâu là khác nhau giữa phallus pénis. Giời ạ, nói ngắn lại thì cái thứ nhất là ngôn ngữ của mấy ông bà ngồi ghế bành trầm tư, còn cái thứ hai là từ cửa miệng của chúng ta, những kẻ phàm. Tất nhiên là ở trình nghiêm túc và chuyên môn hơn thì chuyện không đơn giản vậy. 

Mà nữa, tôi biết, ít nhất là không phải một trường hợp, có chị em cóc quan tâm tiện nghi vì bao chiếm đầu óc của họ, từ khi chưa bước chân vào tiệm giày cơ, là dứt khoát phải cao gót, phải sexy. Tự chị em với bản thân không sao vì đó thực là quyền chân chính của họ, nhưng vào chính cái khoảnh khắc chị em cao cao tại thượng nhìn xung quanh và gán cái chuẩn mực của riêng mình cho toàn bộ thế giới đàn bà thì hình như có gì đó không ổn. 

Không ít lần tôi được chiếu cố quan tâm nhắc nhở về chuyện mang giày. Lúc đầu tôi ngốc, giơ cái mặt đen sì, phản ứng khó chịu tức thì. Sau khôn ra chút, tôi chẳng nề hà tận dụng khiếm khuyết lưng gù vĩ đại của mình, lấy luôn bản thân làm đối tượng của u mặc, hỏi lại, thế tôi lòm khòm người lao ra phía trước thế này giờ lại lênh khênh vụng về trên đôi gót nhọn thì hóa ra sỉ nhục cộng đồng chị em chúng mình à. Người đối diện tự động chuyển sang chủ đề khác liền, lần nào cũng vậy.

(4) 

nguồn: ở đây
Có một đồng chí, Conchita Wurst (Tom Neuwirth), đoạt giải Eurovision năm 2014. Chuyện sẽ chẳng có gì là đặc biệt liên quan đến bọn giày đàn bà nếu như đồng chí này không ở trên sân khấu với váy đàn bà và một đôi babe. Năm 2015, một số của Rolling Stone còn để trang bìa anh chàng ca sĩ người Áo ngực trần. Tôi thấy một phiên bản khác của Iggy Pop, máu xỏ xiên nổi lên thì nghĩ tiếp, ông già đẹp hơn, và cũng điên hơn, so với ông trẻ 😂😂😂

Xem chừng cảm hứng Conchita Wurst lớn đến độ có cái học viện Top in Heels ở thành Vienne vốn là nơi đàn bà học đi lại trên cao gót đã mở thêm khóa học dành cho quý ông. Quảng bá của học viện này nhấn mạnh cao gót có thể trở thành mốt trong giới mày râu. Còn trong đám thầy bà hướng dẫn có drag-queen Helmut Fixl.

(5)

Bỏ tiền đi học là một chuyện, chuyện ở nước Áo.

Còn ở xứ sở sương mù lại có trò đàn ông tự nguyện đi cao gót trọn một ngày theo sáng kiến của một tờ tạp chí thời trang sau sự kiện một phụ nữ được tuyển cho vị trí tiếp tân cho Price Waterhoose Coopers đã bị chính hãng tuyển dụng nhân sự sa thải vì không đáp ứng tiêu chuẩn "cao gót".

Cái hãng tuyển dụng kia, Portico, yêu cầu phụ nữ mang giày từ 5-10cm, còn cái cô bị mất việc thì sau này tranh cãi, sao không áp dụng tiêu chí đó cho các nam đồng nghiệp. Không nói đúng sai thế nào, cái lý của Portico là bạn [nữ] không chỉ chuyên nghiệp mà dứt khoát cần phải hấp dẫn. 

Xem ra ý tưởng để cho nam giới thấy được việc bắt buộc phụ nữ mang cao gót ở nơi làm việc của tờ Stylist đã thành công khi trong đám nam nhân tham gia thử nghiệm đột nhiên có không ít người mang nhận thức mới về nỗi thống khổ cao gót. Kết luận của không ít anh em, phụ nữ bị bắt buộc trèo lên gót nhọn hoàn toàn không cùng một hoàn cảnh với nam giới phải mang bộ củ và đeo thòng lọng.

(6)

Mặc kệ cái học viện hay cái tạp chí và đống đàn ông tự bỏ tiền hay tự nguyện tham gia thí nghiệm, mặc kệ đám thầy bà ngành chăm sóc sức khỏe có gào thét thế nào về những vấn đề tổn thương chân, tổn thương cột sống mà thủ phạm là cao gót thì thế giới công sở vẫn sống cái dress code thành văn hay bất thành văn của nó.

Lý do, định nghĩa [của] xã hội về một dáng [người] đẹp và có tính chuyên nghiệp đối với phụ nữ luôn gắn liền các hình ảnh cô thư ký sexy và những thiếu nữ pin-up.

(7)

Trong khi cả làng nhốn nháo, tầm phào tám chuyện có mà nghiêm túc phi thường, kiểu như thu thập chữ ký để đưa vấn đề ra thảo luận ở nghị trường, cũng có thì lại có các ông học giả học thật tung ra kết quả ngâm cứu, làm nức lòng không ít giới chủ tư bản và những nam nhân vốn bị không ít đám nữ quyền quá khích cáo buộc là sexism.

Chuyện là có bác giáo sư khoa học hành vi người Pháp sau một hồi chăm chỉ cử người ra đứng đường làm thí nghiệm thì kết luận, cùng một nữ phụ với trang phục thống nhất nhưng trong ba hoàn cảnh của đôi chân, giày bệt, giày 5cm và giày cao 9cm thì hiệu quả tương tác xã hội đặc biệt không đồng nhất.

Cao gót muôn năm! Nếu bạn hỏi đường trên một đôi gót nhọn lênh khênh, nếu bạn vô tình hay cố ý bày đặt đôi chân của mình theo một cách đặc biệt, đảm bảo bạn sẽ mau được giúp đỡ 😂😂😂

Điều này chính tôi và TL cũng đã được trải nghiệm sống động. Chúng tôi ba người bắt taxi, tôi và TL lôi tha lôi thôi với giày bệt còn bạn đồng hành của chúng tôi, nguyên mẫu của hình dạng nữ cường lý tưởng trên các tờ tạp chí dành cho chị em, cùng lần lượt gọi taxi. Tất nhiên là chỉ có cô bạn kia là thành công trong việc làm cho một xe dừng lại đón chúng tôi vào giờ tan tầm và trời thì bắt đầu lất phất mưa. TL đùa vui, cái này gọi là sức mạnh của mỹ nhân! Tất nhiên cũng phải mở ngoặc là cạnh yếu tố cao gót thì còn nhiều phẩm chất đáng giá nơi cô bạn nhỏ kia: váy xống đẹp đẽ, mặt mũi xinh xắn tươi như hoa 😂😂😂

(8)

Lời của bạn, một kẻ u mặc có dư.

Cái đoạn giầy với chả dép í. Tớ nghĩ là cái giống đàn bà tự mình điệu đà, rồi mấy giống đàn ông thích lôi đàn bà ra làm dụng cụ làm việc, nên phóng đại ra cái giai thoại giày cao gót, rồi gót nhọn gót vuông.

Chứ thời ăn lông ở lỗ ấy, giầy dép gì đâu, thế mà tổ tiên mình cũng vẫn nhìn nhau cười hềnh hệch rồi hùng hục lao vao nhau đấy thôi.

Ðúng là có nhiều đứa đàn bà con gái đi đôi giầy cao gót vào thành Kiều luôn thật. Nhưng có nhiều mẹ đóng đôi cao gót ngất ngưỡng vào trong vẫn huỳnh huỳnh như lợn nái.

Mà có nhiều bà nhé, thật, làm đôi derbie 2cm với cái quần âu, cái áo chemise thôi mà vẫn duyên dáng, điệu đà đến ngất ngây.

Nhưng cái này thì đúng thật này. Giầy cao gót là một loại gây nghiện. Ði quen rồi sẽ rất khó hạ chiều cao. Mà khi hạ chiều cao thì sẽ bị đau bắp chân 😭😭😭

(9)

Tôi đã từng thử cao gót một vài lần, mang đôi giày "cưới" tậu ở Rome mùa hè năm xa lắc xa lơ với Oli trong hôn lễ của HĐ và anh họ yêu quý.

Không hẳn là "lợn nái" nhưng quái vật sùng bái Lưu gù thì đúng.

Vì thế, rốt cuộc tôi trung thành với các em bệt, một dải từ mấy đôi vnxk rẻ tiền tới Camper và Born xông pha sà sã, Hobbs kín đáo chuẩn mực, Santoni chói mắt mà uể oải, Armani nhẹ như không và có chút xa cách, Mohinders lôi tha lôi thôi và có chút màu cẩu thả. Sức mạnh to lớn nhất của tất cả các bạn này là tôi cảm thấy mình thoải mái trong chúng, sau nữa với kẻ đi bus chuyên nghiệp là tôi, đi đế bệt luôn đảm bảo sự an toàn.

Nhưng có một sự thật tôi đau buồn thừa nhận với bản thân, cái bọn đế cao ấy, chúng thực có power của riêng mình! Hè này, MBT lừng khừng bán-cao gót thực phần nào giúp tôi đi lại thẳng thớm hơn!

Nhưng ai mà biết được, một ngày đẹp trời tôi bỗng thấy mình thành kẻ si mê Ballin.

Đầu hè kể chuyện này cho D., ông anh cười ầm ĩ một trận, ừ thử xem sao. Kể cho bạn đồng hành yêu dấu, thì cứ xong luận án đi rồi muốn crazy thế nào cũng được.

Ừ thì xong luận án, rồi mình đi Ballin, nhể 😭😭😭😭😭 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét