Tối M qua nhà chơi.
Chúng tôi trung thành với truyền thống ôm cái bàn gỗ hương, nốc trà trong cốc thủy tinh to và ăn vặt.
Nói về sách văn học của hai nhà sách, một Nhã Nam một ít tuổi đời hơn, tôi bảo không có ý gì nhưng đúng là nhờ Nhã Nam mà tôi có cơ hội đọc Đổi chỗ bản tiếng Việt, còn cái nhà sách trẻ tuổi kia, rặt một đám ngôn tình. Thằng bé bảo đúng, nhưng bổ sung luôn là nhà sách sau nó có độc giả lý tưởng ở tuổi thanh xuân, vì thế sự đọc phải vui vẻ, nhẹ nhàng và lãng mạn là đúng rồi.
Nói về một cuốn sách mới ra, tôi cười khì khì bảo nó, tao phát hiện ra là nó [cuốn sách] có mùi ngôn tình. Thằng bé tỉnh bơ, thì đương nhiên.
Rồi nó lý luận, đọc thế mới vào, sách vậy độc giả đại chúng mới chọn. Chứ giờ bảo đọc Thackeray thì mấy ai đủ kiên nhẫn với bao nhiêu bối cảnh, bao nhiêu ẩn dụ.
Tôi nhớ ngày xửa ngày xưa, ông giáo bắt đọc đồng thời Tuyên ngôn đảng cộng sản, Hội chợ phù hoa, Sự phản bội của đám trí thức... tùm lum tùm la giờ tôi quên sạch sẽ, ngoại trừ còn thoang thoảng góc nào đó trong đầu cái giọng điệu bề trên sặc mùi xỏ xiên của Benda và ấn tượng về Sir Pitt Crawley có đặc điểm chuyện gì không muốn quan tâm thì giả đò điếc đặc. Mà về cái nhân vật cuối này, tôi nhớ không phải vì đọc truyện, mà vì thi thoảng TL vẫn chun chun cái mũi mà cười nhạo, rằng tôi giống hệt ông già đó, chuyên lờ tịt những chuyện không muốn tiếp nhận.
Ờ mà chính tôi, ở tiệm sách Lâm đã vui vẻ tiện tay nâng lên nhìn ngó rồi mua Thanh xuân của ai không mơ hồ dù chẳng hề biết đến hiện tượng Lưu Đồng. Tất cả chỉ vì cái sự dễ vào của việc đọc, đọc lướt qua bên kệ sách lúc đó!
Thời gian đời người càng tích tụ lại càng thật hay ho. Ít nhất với tôi, nó làm cho nhiều chuyện bỗng trở nên vui vẻ và đặc biệt là giản dị, nhẹ nhàng đến mức có khi là có cũng như không thay cho những gồng mình làm màu, tỏ vẻ và vật lộn tìm cách khẳng định bản thân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét