(1)
Bình thường tôi hay nói ăn chực, ăn ké, thậm chí là ăn chầu - chầu chứ không phải trầu nhá, và đây hẳn là trong "chầu chực" đi - để chỉ cái hành động, thường là của bọn trẻ nít thời bao cấp nghèo khó xưa kia, chạy sang nhà hàng xóm hồn nhiên đánh chén.
Cơm nhà nghèo ngày đó nào có chi. Có khi còn là thiếu ăn. Nhưng trẻ con ăn chực không phải là chuyện hiếm trong khu nhà tập thể. Ít nhất với nhà chúng tôi, hai bạn nhỏ nhà bên sang ăn chực không hẳn là tranh phần cơm mà chủ yếu là chằm chằm cái đĩa cá khô rán do Mẹ làm.
Giờ tôi quen nghe một từ khác chỉ cùng một hành động ăn kiểu này: cọ cơm.
(2)
Cùng là hành động và tên gọi này, tuỳ hoàn cảnh mà nghĩa xấu tốt cảm nhận và đánh giá khác nhau, có khi là đối chọi nhau.
Với tôi, ngay cả khi nhớ lại thời bao cấp và nghèo khó xưa trong cái phiên bản "xấu xí" nhất của nó thì ăn chực hay ăn ké chẳng có chi là xấu. Mà ngược lại, vui vẻ và hồn nhiên!
Có thể vì khi đó bọn trẻ con chúng tôi quá nhỏ để nhận thức được những sự thiếu thốn đủ khủng khiếp làm cho con người ta - người lớn - trở nên bé mọn, soi mói và vô thức hay ý thức mà giữ chặt cái rá gạo nhà mình.
Nhà cô hàng xóm khá giả có hai đứa trẻ con thích cơm cá khô nhà tôi. Cô thắc mắc, sao bác làm ngon thế. Bọn trẻ con sang ăn chực thức ăn mặn, mẹ chúng thi thoảng lại gửi phần quà nguyên liệu làm thức ăn mặn. Như một sự trao đi đổi lại, đủ đối đãi không làm ảnh hưởng đến khẩu phần dinh dưỡng cũng như mất đi cái lòng thảo vốn có giới hạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét