nhớ nhá, chỉ đọc tít không thôi là chưa đủ :-))) |
Tối nay một người quen gửi cho tôi một cái hình qua viber với lời than "Báo với chả chí đặt cái tiêu đề sao mà chối tỉ"!
Tôi nhìn tấm hình, à thì ra là Thực khách Hà Nội xì xụp bát phở, dân Sài Gòn..."thèm".
Xem ra có vẻ "chối tỉ" thật. Khi mà hoàn cảnh covid làm cho một vài người bỗng trở nên "nhạy cảm" hơn mức bình thường, nếu không nói là theo một cách bất bình thường, trong đó có tôi.
Nhớ hồi mấy bạn trẻ từ Hải Dương mặc trang phục y tế cưỡi phi cơ vào Sài thành hoa lệ để làm một việc rất tốt mà chẳng may vì trẻ trâu hăng máu lỡ vài lời thì rồi trở thành "tội đồ" bất đắc dĩ, một dạng "con dê tế thần", cái thùng rác hứng những uẩn ức sâu nông các kiểu. Tôi chẳng thích cái bọn đoàn hội ở trường đại học nói to và thường là vô nghĩa, nhưng trong chuyện cụ thể này, tôi nghĩ không phải là công bằng nếu người đời chỉ một chiều chĩa mũi dùi công luận nhân danh này nhân danh nọ mà thoá lị những bạn nhỏ tội nghiệp kia.
Nhớ xong rồi thì tôi có chút hiếu kỳ. Người của cái tờ báo chính thống kia hẳn không phải thứ cán bộ truyền thông tập đoàn ỷ thế bố mày đại gia đỏ, đại gia tiền mới to nhất cả nước mà văng nước miếng vô tội vạ đâu nhể.
Mò mạng nhện xem thử thế nào. Ơ hay, nội dung bài báo đó "lành" mà!
(2)
Chuyện vậy chỉ là tại cái tiêu đề. Tại cái chữ "thèm". Tại cái sự đặt song song tạo ấn tượng hàm ý so sánh giữa Hà Nội và Sài Gòn. Tại cái cảm giác tức thì "chúng tao" chiếu trên ngó xuống "chúng mày" a!
Mà tôi đoán nhá, nhiều nhân dân ta có thói quen qua mạng nhện xã hội cứ thấy cái xìt-tây-tút đầu tiên là tức thì lai [like] một phát, và nữa là hứng chí tán dương hay nhảy chồm chồm phản đối. Tôi bắt đầu nghi ngờ, người quen của mình liệu có đọc bài báo này không. Hay đơn giản là thấy ai đó phàn nàn, phê phán trên tường nhà mình thì cứ thế mà hoà mình vào dòng các vị chủ "phây" hăng say chia sẻ, chuyển tiếp thông tin :-)
(3)
Cách đây vài năm, có dạo cô em trong nhà chăm chỉ theo dõi Đọt chuối non.
Nhà dùng chung cái dekstop nên tôi theo thói cũng ngó nghiêng mỗi ngày.
Bữa kia có bài đăng về chuyện an toàn thực phẩm chi chi, cái hình minh hoạ là một tô phở. Chuyện bức hình hẳn sẽ là tầm thường, không có mảy may ý nghĩa gì nếu tô phở đơn giản là một tô phở, to hay nhỏ, gà hay bò, chín hay tái, cứ là một cái tô hình tròn.
Vấn đề là hình dạng cái tô lại đặc biệt. Và tôi, một kẻ chẳng đến mức nghiện xơi phở ngoài tiệm nhưng máu lêu lổng trong thành phố có dư, tức thì nhận thức, ô kìa đây là ảnh tô phở của cái tiệm đang nổi danh ở đất Hà thành.
Không phải là fan của hàng phở đó nên tôi chẳng có bực bội chi ở đây. Nhưng cảm giác ngứa ngáy khó chịu thì có, sao trang mạng nhện kia có thể tuỳ tiện đăng tấm hình có thể làm ảnh hưởng hình ảnh của người ta vậy a.
Tối muộn hôm đó tôi hí hoáy viết một cái còm-men góp ý. Sáng hôm sau mở ra coi, hình tô phở minh hoạ giờ đã khác, một tô phở như nhiều tô phở sáng trưa chiều tối đêm chúng ta ăn ở bất cứ tiệm quán nào khắp miền đất nước,...một tô phở mà phở ở trong một cái bát tròn!
(4)
Tác giả bài báo, Lê Thành Phong, ở cuối bài nhấn mạnh [chính quyền] Thành phố Hồ Chí Minh "không có lý do gì không cho phép quán ăn, nhà hàng mở cửa hoạt động trở lại".
Rồi vị này chẳng keo kiệt gì khi giải thích cái chữ "thèm" được "giật tít": Chữ "thèm" nêu trên có hai nghĩa, đó là thèm được vào ngồi trong quán ăn để ăn bát phở nóng hổi, và quan trọng hơn là thèm được làm ăn sinh sống".
(5)
Tôi gần như không bao giờ đọc báo mạng, Lao động này lại càng không.
Nhưng với chút xỏ xiên tôi quàng xiên một chút sang nhà đài quốc doanh to nhất nước thì thấy bản báo ta thực là tử tế đi!
Ít nhất là ở cái đoạn không bố chó bông ông chó xồm, mặt mày vênh vênh váo váo ngồi xổm lên đám chúng dân với mười cái tin đưa về chuyện thời dịch vật thì có đến quá nửa là từ bắt đầu đến kết thúc chỉ một tinh thần buộc tội nhân dân.
Ký giả Lê Thành Phong này, ít nhất là đọc theo mặt chữ, không giọng kẻ cả thế trên. Đơn giản tôi đọc bài của vị này thì hiểu, phải để nhân dân tự do "kiếm ăn" a :-)))
Lại thêm một chút máu xỏ xiên cố hữu, tôi tự hỏi cái tít này vậy là của tác giả Lê Thành Phong hay đội biên tập báo mạng nhà ta?
Trong khi cái thắc mắc này của tôi lơ lửng trong không khí, câu chuyện này được kịp được kể cho cô em trong nhà. Nghe xong, đồng chí em phán, "đặt tít câu viu [views] rẻ tiền". Hic!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét