Bắc Ninh tháng 10.2021 |
Tôi thấy chuyện này rất buồn cười.
Cả TL lẫn tôi không phải dạng ngô nghê hỏi gì cũng không biết. Nhưng đến đoạn tìm hiểu thông tin đường về Bắc Ninh thì chúng tôi thành ngô ngọng.
Từ hôm Hà Nội chính thức dỡ lệnh giãn cách, chúng tôi hỏi. Hỏi mỗi nơi, mỗi người thì ra một câu trả lời mỗi khác. Đến tuần trước, bạn lái xe quen chuyên đưa chúng tôi về Bắc Ninh khuyên, chờ thêm chút. Ừ thì chờ!
Thứ Bảy về thăm hai cụ già, lịch chốt đàng hoàng rồi mà chúng tôi vẫn lơ mơ. Nghe nói đường này không chặn, đường kia còn chặn. Thôi kệ, cứ về!
May mắn là đường thông một lèo. Chẳng có ma nào chặn cả!
(2)
Đường 5 không đến mức ùn tắc như bình thường, nhưng đông vui thì cứ gọi là đông vui.
Chỗ rẽ từ quốc lộ to đùng sang con đường nhỏ chạy qua đền thờ Bà Ỷ Lan, chúng tôi thấy bên mép đường, chỗ một miệng cống đổ bê-tông khối vuông chồi lên mặt đất chừng một phần tư mét, có hai ông lão đang ngồi chồm hỗm tay cầm cần, mắt chăm chú đồng hướng ngó xuống.
Bạn lái xe phá lên cười. Mình cứ tưởng chỉ có bọn trẻ con mới chơi trò này. Giờ hoá ra mấy bác già cũng thế. Mà hai ông bác này chẳng có khẩu trang hay khoảng cách xã hội 2 mét chi sất a :-)
(3)
Sau nhiều ngày sụt sùi, Ơn Giời, ngày về quê Ngoại nắng ấm tưng bừng, trời cao xanh trong trẻo, còn không khí thì chẳng gì tuyệt vời hơn, chúng tôi thoả sức căng lồng ngực hít hà.
Tôi ngó nghiêng một hồi, rồi ra hỏi u già, sao Mẹ không trồng hồng vàng. À, hoá ra đã thử. Và không thành công! Bà cụ già kết luận, chán [không muốn thử nữa]! Nhưng mà hay nhá, sau tất cả những sự thử và sự chán đó, vườn nhà Bắc Ninh của Bố Mẹ vẫn cứ là vui vẻ với đủ sắc hoa chỗ này một tý, chỗ kia một tẹo.
Ngày trước, có dạo tôi cứ nghĩ nhà và vườn thì phải là theo hình thái này, với cây cỏ nọ. Sau rồi phải tự lo cái thân thì tôi phát hiện, mọi hình ảnh mà tôi ngưỡng mộ và theo đuổi có thể là đẹp người nhưng không phù hợp với ta. Rốt ráo lại thì chân mình cứ phải chạm đất nhà mình, rồi sờ cái túi tiền xem nó nặng nhẹ ra sao, rồi thêm cả cái chiều tâm trạng của mình nó thu hẹp hay phình nở, và rồi chi chi vân vân tá lả các yếu tố khác nữa, mà nhà mình, nhà ta có cái vườn theo kiểu nhà mình, nhà ta a :-)))
(3)
Vẫn như mọi khi, con gái ngồi uống nước trà nói chuyện với Bố với thái độ sẵn sàng nhắc lại nguyên văn một câu vừa thoát ra khỏi miệng. Còn ông cụ già thì vẫn như mọi khi, hết mực khách sáo, con thông cảm cho Bố là giờ tai nghễnh ngãng. Mẹ vẫn đau chân, mỗi lần đứng lên ngồi xuống là một lần cử động chầm chậm. Ở bên miệng giếng nước, con gái ề à tám chuyện với bà cụ già. Nghe một mớ chuyện liên quan đến covid ở quê, ở làng.
Mẹ kể có cái thôn ở đầu kia của xã, dân chỗ ý đi Nam [làm ăn] giàu có lắm, về quê từ trong đó bằng xe riêng. Về rồi ăn cỗ khắp làng. Được mấy bữa thì cả làng đó cách ly. Còn chuyện người làng mình đi Nam dính chưởng covid trực tiếp họ hàng không có, nhưng thông gia của họ hàng thì có. Vào trong đó lâu, sinh hoạt cũng theo nếp nơi chốn mới, đâm ra có nhà kia chẳng chú ý chuyện giắt chút tiền bên hông. Nhoi ra đường kiếm tiền xe ôm, ông chồng rước covid về nhà. Bà vợ không qua được, ông chồng là người ở lại.
(4)
Mà cái thời covid này hoá là dịp để khối người làng đổi hướng đường sinh kế của mình. Nhà chị họ xa bắn đại bác bảy ngày không tới trong thời gian trường mẫu giáo đóng cửa thì chị họ-cô nuôi dạy trẻ quyết định đầu tư thuyền lồng cá. Chồng chị đi Nam giờ về nhà mang cái "tội" nợ cờ bạc phải để vợ đậy nợ giùm nên vợ nói gì cứ cun cút làm. Kết quả là hai anh chị chăm chỉ "mò cua bắt ốc" với thu hoạch đều đều mỗi ngày nào cá, nào hến, vừa bán chợ gần vừa đưa chợ xa. Ngày ít kiếm đôi trăm, ngày nhiều có khi lên tiền triệu, mặt mày chị họ nở hoa tưng bừng. Chị họ này cứ tiếc mãi, giá mà biết vậy từ sớm thì có phải là đỡ phải đi làm ăn xa không.
Còn anh họ gần sau khi bỏ hẳn giấc mộng định cư Châu Âu đã kịp về Việt Nam hồi đầu năm với một cục tiền bự. Anh họ lả lướt đủ loại giấc mơ, từ bán tạp hoá qua làm hàng mã. Không rõ lý do thôi ý định bán hàng là chi, còn về món hàng mã thì anh giải thích, mình không "tín" thì làm hàng không có cái "thần", rồi khách đến mua hàng mình nói chuyện chẳng đâu vào đâu, vô duyên! Sau rồi, anh chốt lại cái kế hoạch theo đuổi sự nghiệp mới của mình, sửa chữa đồ điện tử. Gần tuổi 50, anh họ ngày ngày chạy xe máy ra thị trấn học nghề một thầy một trò với một ông già, sáng học, trưa về nhà em gái ăn cơm và nghỉ ngơi, chiều học, tối chạy xe về nhà với vợ con. Anh họ tính rất hay, thích lọ mọ đục đẽo các mẩu gỗ. Anh bảo vẫn chăm chỉ đặt mua gỗ về tích, để lúc nào thảnh thơi thì lôi ra đẽo gọt.
(5)
Tôi có chút cảm giác choáng ngợp trước sự "thả lỏng" của mọi người, cả ở Hà Nội lẫn khi về quê Bắc Ninh.
Có lẽ vì đã qua hơn một năm run cầm cập ở xứ người, lại chưa hết hồi chuếch choáng với liên miên giãn cách, rồi nữa là cái máu "hèn" vốn có của bản thân, nên tôi nhìn về phía trước vẫn cứ là lờ mờ xám chứ chẳng có chi sáng sủa hứa hẹn tức thì.
Nhưng thật may mắn là cuối cùng, chúng tôi đã có thể về thăm Bố Mẹ. Và việc được ăn với hai cụ già một bữa cơm trưa đầy mùi chiều chuộng của Mẹ, được làm con gái "chấy rận" khi ngồi ngoài hiên chăm chú vạch và nhổ tóc sâu cho u nhà mình, rảo bước sang nhà anh chị họ tám chuyện luyên thuyên và tranh thủ vơ vét, xin xỏ món này món nọ... tất cả giống như một liệu pháp tinh thần, cho chúng tôi vừa là cảm giác an toàn, vừa là hy vọng rằng mọi chuyện rồi sẽ chầm chậm tốt!
anh họ làm cho cái giá đèn từ cành cây |
bình gỗ bonsai anh họ tự làm |
vơ vét từ nhà anh họ: mâm gỗ cũ; đĩa và lọ gỗ anh họ tự làm |
cún nhỏ nhà chị họ xa, chạy sang tò mò ngó |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét