Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

hà nội phấn hồng, trái lê hàn quốc và ba bìa đậu phụ

(1)

Từ lâu, tôi biết mình nghèo.

Nhưng với bản tính cùn, chuyên gia dựa dẫm số một tôi đây sau một chốc lát bận tâm lại thật mau chăm chỉ lêu lổng sống tiếp.

Cho tới ngày rồi, ngồi tổng kết tình hình tài chính, xếp lại nửa phần tiền được Bố Mẹ nói là vay nhưng thực là cho từ trước hồi Hà Nội giãn cách để mang về Bắc Ninh hoàn trả, tôi phải thật thà với chính bản thân, mình ở tận cùng của cái sự mang tên thảm rồi a 😒

(2)

Và thế là tôi bắt đầu tính toán, tiết kiệm.

Và thế là đột nhiên, tôi bắt đầu nhìn sinh hoạt của thành phố, của nhân dân, của bản thân theo một cách vô cùng mới mẻ.

(3)

Đầu tiên là một Hà Nội giàu có, thoạt tiên là chói mắt, tiếp theo là có gì đó không ổn, và cuối cùng là xem ra nhiều phần tạm bợ cùng lố bịch.

Sau giãn cách, đường sao mà đông, người sau mà lắm. Tắc ứ ừ tôi chưa thấy, vì giờ tôi ra ngoài phần lớn là trái khoáy, nhưng ùn ứ thì thật quen thuộc. 

Trên cầu vượt, xe nhà giàu to đùng và bóng lộn quẹo roẹt một cái lấn sát mép đường phải vốn cho người chạy món hai bánh để vượt một anh taxi bốn chỗ rách nát. Dưới chỗ con đường to với khấp khểnh các miếng vá, giữa một đám người chạy xe máy xám xịt sắc đông nổi bần bật một bạn bốn bánh phấn hồng. Đường đông, xe hèn xe sang đều cứ tự nhiên mà chậm lại. Tôi ngó một cái, úi chà, Maserati phấn hồng. Bữa đó thế quái nào tôi không phát huy máu xỏ xiên mà cố nhìn một cái xem bác tài là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Phấn hồng, ôi phấn hồng, thành phố chúng ta thật giàu có 😊

Địa phương cho tôi cảm nhận rõ ràng nhất về sự giàu có vô giới hạn nhưng đồng thời có gì đó sàn sạn, gờn gợn không phải là chỗ mấy cái cầu vượt quái vật trong lòng thành phố hay con đường chồng chất các lớp vá nhựa đường ẩu tả kia. Mà là ở cái siêu thị của nhà giàu mới, nơi theo thói tôi vẫn thi thoảng lui tới khi cần một món gia vị đặc biệt chi chi.

Ngày trước, đó gần như là độc quyền siêu thị dành cho dân expat. Giờ thì dân expat khối bác ma lanh, lại cộng với dịch vụ mở ra nhiều như nấm sau mưa đồng nghĩa với lựa chọn và các hấp dẫn giá cả trở nên đa dạng phong phú, siêu thị từ áp đảo khách Tây chuyển thành cuồn cuộn khách ta. Mà cái ta này không phải là hạng ta mạt hạng, thứ thị dân ngồi bệt mông chạm tầng đáy của phân cấp kinh tế-xã hội - nếu có một cái phân cấp như vậy, như kiểu tôi đây mà là ta giàu, ta của tiền mới.

Lần đầu quay lại siêu thị nhà giàu đó sau giãn cách, tôi vẫn còn nhiều sợ sệt lẫn lơ mơ trước cái ám ảnh covid, đứng xếp hàng chờ thanh toán mà như kẻ mất hồn. Rồi tôi bỗng trở nên phi thường tỉnh táo. Đó là khi nghe cô thu ngân hỏi cô khách trẻ hàng hiệu chói mắt từ tóc tới chân rằng thì là mà điểm tích luỹ của chị giờ đã hơn 13 triệu, chị có muốn dùng để thanh toán không. Cái phần hàng hoá bữa đó cô gái trẻ kia thanh toán, để sau đó gần chục túi lớn sẽ được nhân viên giao đến tận nhà bên cạnh một bịch bự hẳn là đồ lạnh được cô trực tiếp cầm đi, giá vượt quá lương tháng của tôi. Wow!

Cũng ở cái siêu thị nhà giàu đó, bữa qua có việc gần đấy thì tôi chạy vào tìm nhà ớt xanh Jalapeno. Con đường tìm kiếm cái hộp với những trái quả dài đó sao mà gian nan, bất chấp việc tôi biết rõ khu hàng rau và giá kệ chuyên bày họ hàng nhà ớt ở đâu. Chuyện là trong siêu thị người người nhà nhà chen chúc. Nam thanh nữ tú có, bố mẹ bỉm sữa có, trẻ con đang tuổi chập chững đi lẫn bọn tuổi chừng lớp chồi lớp mầm ý thức về hoàn cảnh đặc quyền của mình có, mấy ông bụng to kiểu đại gia thành đạt hay thủ trưởng cấp vụ cấp cục tháp tùng các quý phu nhân - tôi dám gọi là quý phú nhân vì tuổi của các bà - xúng xính lụa là cũng có. Coi như đủ hết thành phần giới tính, tuổi tác, từ tong teo gầy ốm - hẳn do ăn kiêng hay bệnh tật chứ dứt khoát không phải là đói - đến béo phình nở những nơi không nên phình nở, coi như là có tất. Và bỏ qua hết những khác biệt đó, phần đa họ bốc ra mùi tiền, và sáng chói mắt theo nghĩa thể lý luôn.

Vượt qua cái rừng người đó để xuống được khu tầng hầm ngõ hầu tìm các trái Jalapeno, tôi hoa mắt chóng mặt. Tôi không đến mức lỗ mãng mà chằm chằm nhìn bụng các quý anh, các quý ông để coi họ đeo cái dây nịt [thắt lưng] có chữ H hay không. Nhưng đập vào mắt tôi, úi chà, đủ một gallery hàng hiệu sống động luôn nhá. Slipper cứ là H. Túi cứ là Gucci và Chanel. Khăn lụa phất phơ bóng dáng Hermes. Nhẫn và vòng kim cương chói chang. Và nếu lướt qua mấy đàn bà, từ cô trẻ tới bà già, thuỷ chung mùi của Chanel No5 huyền thoại. Chuyện tôi nhớ cái mùi này dài hơn cả một bản saga của người Viking. Đại loại là rất nhiều năm trước, tôi khám phá ra rằng rất nhiều chị em khi bắt đầu giàu thì muốn sang, và khi muốn sang thì trong nhiều bài tập vỡ lòng học như một con vẹt có tiết mục, No5 là số 1.

Nếu chỉ dừng lại ở những thân ảnh và mùi vị đó, có Bụt có Chúa đột nhiên xuất hiện trước mặt và nói Ta cho phép con thì tôi cũng đừng hòng mà dám nói rằng những vẻ sang giàu đó là thiếu căn cơ, thiếu chiều sâu, thiếu sự vững chắc. Ấy thế mà tôi lại láo toét tự cho mình cái quyền quan sát và nhận định như vậy. Tại sao a?

Đó là khi lời của họ lọt vào lỗ nhĩ kẻ nghèo mạt tôi đây. Đó là khi dù tôi đã chủ ý nhường và tránh thì vẫn bị nhà giàu mới nghênh ngang xô đẩy, chen chỗ. Cảm giác vừa mệt, vừa tức, lại vừa buồn cười!

(4)

Sau công chuyện buổi chiều Chủ nhật, tôi trở về nhà căn hộ, vứt bỏ hết mọi ấn tượng của ngày ra sau gáy và nghiêm túc tính toán tiếp cái kế hoạch sống tiết-kiệm của mình.

Tính toán hồi thì bắt đầu thập thò hai ý, mua đậu phụ về làm món đậu phụ kho nấm nhân nhà đang có khay nấm shiitake tươi; và mua cải bắp cùng trái lê để muối kim chi cải bắp. 

Đậu phụ muốn tươi ngon thì phóng xe ra chợ, dõng dạc kêu ba bìa, đưa tờ 20 ngàn được thối lại 12 ngàn. Vậy là cho ba bìa đậu phụ, tôi tiêu hết tám ngàn đồng tiền.

Còn về đường mua bán phục vụ món kim chi thì thuận tiện hơn. Chỉ cần lóc cóc cầm cái ví xuống siêu thị dưới nhà.

Một cây cải bắp trắng tự phong là sạch giá thiếu mấy chục đồng tiền là vừa xinh 30 ngàn. Trong khi đó một trái lê nhỏ Hàn Quốc, mà tôi thực cần chỉ là một góc tư, giá chuẩn chỉnh 59 ngàn thêm 500 đồng tiền. Chưa tính tiền hành tây, tiền gừng, tiền muối, tiền đường, tiền ớt, tiền cà rốt... chỉ nội lê và cải bắp thôi cũng đã đắt hơn nhiều tiền mua một hũ kim chi cải thảo muối ở cùng cái siêu thị đó.

(5)

Vấn đề là tôi thích kim chi cải bắp. Và thích tự mình làm.

À, thế thì tôi lại phải phi thường nghiêm túc mà suy nghĩ tiếp. 

Ý tưởng tiết-kiệm không tồi. Nhưng thực hành nó thì cần phải có vài tầng chiến lược cùng các nguyên tắc rõ ràng a. Mà cái khoản này, kẻ làm việc thường theo ngẫu hứng tôi đây xác thực kém!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét