(1)
Tôi tò mò chết đi được, rằng thì là mà nhân dân, bà con, đồng bào suy nghĩ gì ở thời điểm chớm, trong và hứa-hẹn-"hậu"-covid (?)
Tuỳ mỗi hoàn cảnh người, từ sống ở nơi chốn nào đến công ăn việc làm thu nhập ra sao, già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, tôn giáo quy thuộc là chi, rồi cả mớ những điều kiện khách quan, chủ quan khác nhau mà những cảm thức, cảm niệm về chính bản thân, về người xung quanh và về đời ngoài kia có muôn vàn công thức biểu tỏ, muôn vàn câu chuyện kể về trải nghiệm mang tên covid.
Tất nhiên là chuyện này chỉ xảy ra với những-kẻ-sống-sót!
(2)
Hôm qua tôi vô tình ngó một bản tin của một nhà truyền thông tư nhân, phát hiện họ rất khéo.
Thay vì nói có bao người chết, tử vong thì họ dùng diễn đạt "những người không qua khỏi".
Cái chết xem ra nghe bớt nặng nề, đau đớn!
(3)
"Những người không qua khỏi" này, cho đến nay, xác thực tôi không quen biết một ai trực tiếp trong cái vòng tròn xã hội bé tý xíu của mình.
Nhưng nếu mở rộng các quan hệ bắc cầu thì ngay khi Sài Gòn nếm mùi căng thẳng, TL đã thì thào thuật lại lời kể của cô bạn học bổng Chevening về số người quen bị nhiễm cúm Tàu và qua đời. Chuyện nghe rất rầu!
(4)
Thông tin qua nhiều tuần lặp đi lặp lại cùng một dãy các gạch đầu dòng.
Về số ca mắc và tử vong cũng như được ra viện. Mà trong đó, con số thứ hai không phải lúc nào cũng rõ ràng, rành mạch!
Về bao nhiêu vất vả của toàn hệ thống.
Về bầu không khí hừng hực kiểu giặc chưa diệt hết ta chưa về, kiểu mọi ngóc ngách bộ này ngành nọ đều nhất loạt hoá thân thành chiến luỹ, chiến luỹ chứ không phải lô-cốt nhá!, và từ chúng dân tới các ông bà quan cán bộ nhất tề thành số đông chiến sĩ bên cạnh một hai tinh bông tư lệnh chỉ huy.
Về những gương sáng, những điển hình mà thường là sự tôn vinh nếu không phải sặc mùi tuyên giáo thì lại mắc cái bệnh ẩu tả, thiếu chiều sâu cả về làm nghề lẫn luân lý làm người!
(5)
Trong khi truyền thông quan phương là vậy thì truyền thông dân gian lại có danh sách gạch đầu dòng riêng của mình.
Mà nếu túm lại thì thuỷ chung vài từ: đói, khổ, tuyệt vọng!
(6)
Tôi bối rối, giữa những thực thực hư hư.
Ngay ở Hà Nội thời gian "giãn cách", chỉ nơi tôi và TL sống thôi, so với nhiều người nhà và người quen, rõ ràng là "dễ thở" hơn rất nhiều. Và như vậy, từ chỗ của mình, tôi chẳng có cớ gì để ngoạc mồm ra mà kêu ca phàn nàn cả.
Nhưng khi thành phố thở phào một cái, chúng tôi ghé qua bà cô kế út nhà Nội để thăm hỏi, nghe chuyện em họ kể thì tôi rùng mình. Hà Nội như vậy có bị thằng cha nào đó của hãng thông tấn AFP gọi là nhà-tù-lộ-thiên xem ra chả oan ức tẹo nào.
Còn chuyện Sài Gòn và các tỉnh Miền Nam, một hai đoạn clip thì còn có thể gật gù, ừ thiểu số. Nhưng dồn dập thông tin, nhiều đến mức mà cuối cùng thì chính vài vị thuộc giới tinh bông quốc doanh cũng phải lên tiếng, thì rõ ràng chúng ta có vấn đề, rất có vấn đề!
(7)
Nhân chuyện ý kiến của chuyên gia và tinh bông, có một chuyện hài hài thế này nơi xứ mình.
Phần lớn các ý của các vị khi được phát ngôn ra thì chẳng có chi là mới mẻ.
Vì trước đó, trong dân gian đã có đủ đầy hết cả rồi.
Khác chăng, các vị là cựu này cựu nọ với đầy mình credits đỏ. Và lời của các vị nói vào phút cuối được đánh giá là thẳng thắn thì chỉ vài tuần, vài tháng trước cứ tự động mà rơi vào giỏ "phản động".
Đời thật hay, tuỳ việc bạn là ai mà lời bạn nói ra là đúng hay sai, là đẹp hay xấu a!
(8)
Tôi luôn tự nhắc mình, sống cuộc đời của mình, đừng bao đồng, chớ ngó nghiêng dẩu mỏ ra mà tám nhảm hay tệ hơn là rủa xả.
Không hẳn là li khai nhưng quả thực tôi hạn chế tiếp cận tin tức.
Hôm qua cũng vẫn là vô tình mà tôi thấy một chớp nhoáng hình ảnh kệ kê túi đồ của những người đã khuất ở một bệnh viện dã chiến. TL tinh mắt, nhìn, rồi bảo tôi, cái túi kia nhìn hình thức vậy đoán là của một người thanh niên.
Trong chốc lát đó, tôi thấm thía thêm một tầng mới ý tứ của hai chữ vô thường.
(9)
Năm trước, trong lúc tôi bối rối vì thế mắc kẹt ở xứ người, nhận được thư từ đàn anh thì tôi trong chốc lát quên sạch những bức bối vì còn mải xỏ xiên cười ha ha ha trước mấy lời thư của ông anh nói về việc covid thúc giục chúng ta "dừng lại", suy nghĩ và thay đổi nơi chính mình ra sao. Lúc đó, tôi nghĩ, đàn anh xem ra thích lời "hoa mỹ".
Thế mà giờ đây tôi sẵn sàng gật đầu tắp lự tán thành cái ý tứ đó.
Thời gian diệu kỳ. Nó khiến chúng ta khốn khổ. Nó đem lại cho chúng ta những phép chữa lành. Nó giăng ra trước mắt chúng ta tấm màn đen kịt mang tên tương lai gần, tương lai xa. Rồi cũng chính nó lại hé mở những cánh cửa mang tên hy vọng.
Tôi phát hiện, bất luận nó là thế nào, cái thời gian nghịch lý, mang trong mình đầy mâu thuẫn đó, thì vấn đề rốt cuộc hoá lại là chính ta. Và mỗi cái ta có một hoặc một chùm truyện kể, của riêng mình về cái sự kiện mang tên covid!
(10)
Gần hai năm qua, tôi chăm chỉ ghi nhật ký covid. Là các notes phần nhiều nhảm nhí, lảm nhảm cà ràm sặc mùi xỏ xiên, phản ánh trung thành cái đầu óc của tôi nhất thời.
Giờ là lúc tôi đọc ghi chép [về] covid của bạn ở phương xa.
Bắt đầu từ đây, cái bờ-lốc nhảm này của tôi sẽ có thêm một mục với một nhãn mới: ghi chép Paris.
Các chuyện kể của TA cho tôi thêm một miếng ghép trong bức khảm khổng lồ về trải nghiệm covid suốt thời gian qua!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét