Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

ghi chép paris - covid đó đây (9): chính quyền và các chính sách "chống giặc"

CHÍNH QUYỀN VÀ CÁC CHÍNH SÁCH "CHỐNG GIẶC"

Từ "chống giặc" tôi dùng được Tổng thống sử dụng đầu tiên ở lần gia hạn phong toả. Ngay sau đó, các chuyên gia đặt câu hỏi và trả lời cho việc "dùng từ" này. Cho đến giờ, tôi cũng không biết người ta đồng ý hay không với Tổng thống tuổi trẻ tài cao về việc dùng và lặp lại từ này mỗi lần sau đó.

Trong lần phong toả đầu tiên, chính phủ công bố số ca nhiễm mới, ca xuất viện, ca nhập viện, ca nằm phòng cấp cứu và ca tử vong hàng ngày thông qua vị Tổng giám đốc (Vụ trưởng?) Vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng của Bộ Y tế, vốn là một bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm. Tôi luôn có cảm giác vị ấy đang cố gắng chống lại sức nặng của các con số trên vai ở mỗi lần xuất hiện với vẻ nhút nhát của một cậu học sinh khiêm tốn.

Chính phủ chống dịch bằng rất nhiều quyết tâm nhưng thiếu đủ thứ thiết yếu. Khốn khổ thay, những thứ này không liên quan đến quyết tâm.

Rất nhanh sau những khẳng định chắc nịch khẩu trang không có tác dụng gì, bà con được cho biết, kho khẩu trang dự trữ của chính phủ cho y tế sắp hết. Và ngay trong điểm dịch, hoặc trước đó không lâu, người ta đã đốt đi một lượng lớn khẩu trang do quá hạn (?).

Chính phủ loay hoay tìm mối mua-nhập khẩu trang. Nói trắng ra là mua bán với Trung Quốc. Các chính quyền vùng-tỉnh cũng tìm mọi cách thông qua các mối quan hệ hợp tác, doanh nhân để mua khẩu trang. Có rất nhiều người đứng đầu chính quyền [địa phương] nói thẳng: chính phủ không lo được thì nói ra một câu, thả các chính sách ra, để chúng tôi tự lo liệu. Có vị chủ tịch một quận đã ra một văn bản hành chính bắt buộc người dân ra ngoài phải đeo khẩu trang. Lệnh này ngay sau đó đã bị bãi bỏ bởi Hội đồng Nhà nước. Lý do (theo quần chúng): khẩu trang đâu có mà bắt đeo. Lý do chính thức: lệnh phải do chính quyền trung ương ban.

Một số phóng sự truyền hình ảnh: một số nhân viên y tế phải lấy túi nylon đựng rác làm đồng phục bảo hộ vì đồng phục được phát rách toác, hở trước hở sau. Một vài phóng sự quay nhân viên y tế được điều động chống dịch phải ở lại khách sạn.

Các y-bác sĩ kêu ca phàn nàn về việc thiếu thiết bị đặc dụng. Có lần, Bộ trưởng Y tế mới lên, cũng là một yếu nhân tuổi trẻ tài cao, đã phải thốt lên trên truyền hình rằng vị ấy choáng ngợp khi vấp phải các bức tường hành chính ngăn cản sự vận hành của hệ thống trong tình trạng khẩn cấp.

Các bệnh viện tư được kêu gọi ưu tiên phòng cho bệnh nhân covid bắt đầu lên tiếng về việc, chính phủ không sử dụng đến số giường này. Trong khi chính phủ dùng cả đoàn tàu cao tốc để chuyển vùng vài bệnh nhân từ tâm dịch ra.

Các y tá, điều dưỡng từ các "vùng xanh" về tâm dịch, trong khi giữa tâm dịch, rất nhiều y tá-điều dưỡng muốn tham gia "đánh giặc".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét