Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

chuyện hài ngày cuối cùng tháng 8

Đầu chiều, trèo bus vào phố tìm cái máy ATM rút tiền để có khoản đóng phường cho hàng xôi và chi sinh hoạt tuần tới, kết quả uống no nước, tám mấy câu tào lao với chị chủ quán quen rồi trèo bus ra về mà quên lý do chính của việc rời nhà 😂

Từ phố về nhà, ngâm nga nghĩ mấy phút hôm nay có nên đi phòng tập hay không vì còn muốn có thời gian ra tiệm gội đầu và sau là canh lò xông khói ngoài vườn. Cuối cùng, tinh thần thể dục thể thao cao ngút trời, hăng hái trèo xe máy rời nhà. Vào đến phòng thay đồ, đàng hoàng mở tủ cất giày, đến lúc định thay quần áo thì nhớ ra là đã quên mang theo đôi giày tập. Thế là thành nham nhở chào mấy cô cậu canh gác quầy lễ tân ra về sau khi đã chốt thông tin là ngày mai phòng tập vẫn mở cửa như thường 😂 😂

Trong bếp có mớ măng tây. Cho món bò bít-tết ăn kèm rau củ hun sém, nếu chỉ măng tây và hành tây thì xem ra màu sắc kém phần hấp dẫn. Lại trèo xe máy xông pha chợ tiểu khu tìm cà rốt. Vào hàng rau sạch quen, cô nhân viên kiêm thu ngân đang dọn hàng đóng tiệm, lui cui tìm rồi đưa cho hai củ cà rốt, bảo em cho. Bữa trước mua mẻ, lúc thanh toán thì chị chủ hàng khô phẩy tay đuổi về. Hôm nay, được miễn phí hai củ cà rốt. Tối TL đi làm về, hi hi ha ha khoe chuyện ngoài chợ, rồi lại hi hi ha ha nghĩ, mình quan hệ tốt ra phết, túi rỗng đi một vòng mua chịu, gì không biết chứ mấy cái tiệm này chắc chắn là không vấn đề: cửa hàng đồ gia dụng, hàng rau củ quả và nấm bán buôn cho nhà hàng, hàng bún, hàng giò chả, hàng đậu phụ, hàng thịt và hàng khô. Coi như mua chịu đủ nấu một bữa còn gì 😂 😂😂

Tham lam xông khói một tảng nạc vai to bên cạnh các bạn nhân vật chính là gà đùi, gà lườn, gà ức, tối muộn dỡ lò thì xem ra phần nạc vai kia cần thêm chút nhiệt. Nhìn đồng hồ lắc đầu, xem ra kế hoạch đi ngủ lúc 10 giờ thêm một lần phá sản 😂 😂😂 😂
quay lại thú vui hun đủ thứ

Nhà Hà Nội chỉ có hai mống. Để củng cố tình cảm gia đình thắm thiết thì hầu như tối nào cũng có màn trà nước ngó ti vi và/hoặc tám chuyện nhảm nhít. Hôm nay TL kể một dãy chuyện siêu hài, trong đó có tiến độ cái khách sạn tình yêu của một người quen. Cô chủ kia say sưa với cả đống ý tưởng, nào mô típ nghìn lẻ một đêm, nào giường ngủ chuồng chim, màu này sắc nọ... lãng mạn xem ra vô bờ bến nhưng được cái cuối cùng vẫn không thiếu khí chất của kẻ căn cơ với kế hoạch sang vùng Phật Sơn phương Bắc mua chăn giá chừng năm trăm ngàn đồng tiền Việt Nam một cái. Tôi bảo TL lúc nào tiện chuyển lời đến cô chủ kia, đã muốn phục vụ khách nghỉ cặp đôi hai ba giờ mỗi lượt thì cần quái gì lồng chim, cứ ghế tình yêu, mấy món đồ chơi tình thú và bao cao su đủ mùi, màu, vị tùy ý chọn là khách chúng vui. Còn sang trọng và lãng mạn á, thế thì anh cắp ả đi nghỉ trọn tuần ở cái rì dzọt nào chứ đâu mò mẫm ăn may một đôi giờ ở cái khu rặt dân Hàn cơ chứ 😂 😂😂 😂😂

Tôi có tật xấu, mua sách cả ôm, đọc rời rạc một hồi thì có cuốn thậm chí là quên tịt. Bởi thế mới có chuyện TL đọc tác giả Tô Cầm nào đó của Trung Quốc nói về lòng dạ đàn ông, tâm trí đàn bà cười khúc khích bảo nhiều chỗ đúng, tôi hỏi lại sách nào thế thì bị mắng vì hóa ra chính mình vác nó về nhà mà không nhớ gì cả. Trong khi chờ kết thúc tăng hai xông khói, đọc linh tinh lang tang mấy trang, ờ mà hay! Tỷ dụ đọc chuyện túi xách, tác giả bảo bọn đàn bà càng khoác túi xách to [tướng] thì "càng thiếu tự lập, càng có tính dựa dẫm, và cần người bên cạnh mang lại cảm giác an toàn cho mình".  Ngày xưa, tôi đọc một tiểu thuyết lãng mạn của bà tác giả có tên có tuổi người Ai Len, hình như có tên là Dưa, nhớ có nhân vật không phải là túi xách to mà là túi xách trong đó có đủ thứ bà rằn, đến ngày đẹp trời làm cuộc cách mạng cuộc đời thì ném tòm cái túi xuống biển, trở thành đàn bà tự tin đích thực. Còn chuyện túi to, tôi chỉ biết khi còn đang mơ màng túi tote Tumi thì bị trêu chọc không phải một lần, mày là cái dạng vô địch lôi thôi. Chuyện thiếu tự lập và dựa dẫm gắn với túi to, đây quả là lần đầu tôi biết. Nhưng gì gì thì cũng là may mà vụ bạn Tumi to đoành kia đổ bể, tôi không có bạn ý có nghĩa là tôi không phải loại dựa dẫm và ỷ lại, ít nhất là theo Tô Cầm 😂 😂😂 😂😂 😂😂

sống ở nhà tập thể cũ và huyền thoại hà nội thanh lịch

Các hộ trên tầng, từ tầng 2 đến tầng 5 chỉ có nhà tầng 5 chia phần hai hộ gia đình anh chị em sống dài lâu ổn định, còn lại tới lui thay đổi chủ xoành xoạch. Có người biết tôi nhìn thấy ngoác miệng ra một cái chào, hứng chỉ thì hỏi thăm dăm câu ba điều. Có người tôi biết sống ở trên tầng, nhưng người từ nơi chốn nào, sống ở hộ nào thì chịu.

Ở tầng 1 hứng rác rơi từ trên trời đã là chuyện cơm bữa. Chủ yếu là túi đựng mấy thứ ăn vặt trẻ con, junk food từ bim bim tới chocopie, thi thoảng là mấy cái vỏ kẹo, vỏ trà bột giải khát mùa hè hay cafe pha liền mùa mát từ lipton tới birdy. Rác rơi thì dọn, tính ra cũng quen.

Nhưng hè này lạ lắm nhá. Phía sân vườn Bắc cứ cách ngày có đủ loại vỏ, từ trà, cafe đến cả sữa vinamilk gói giấy thiếc.

Tôi nhặt rác, quét sân trong ngày, chiều về báo cáo TL. Nó cười khì khì, may "nó" còn chưa tương băng vệ sinh.

Hết chuyện!

Lại nhớ, có bạn ở khu chung cư "cao cấp" hồi mới mọc lên giữa cánh đồng cũ song giờ thì là trung cấp so với những Lancaster, Chelsea Park hay khu Ciputra, nó kể rằng nhìn từ tầng nhà nó xuống thấy đủ loại băng vệ sinh phụ nữ và bỉm trẻ con trên nóc cái phần lầu trệt thương mại.

Tự dưng nghĩ, may trên đầu nhà mình chỉ có 4 tầng, chứ nhà mấy chục tầng thì ai mà biết còn gì có thể rơi từ trên trời xuống :-(

Rồi lại nghĩ, mình ngốc xì, nếu là chung cư [mới] chứ không phải tập thể [cũ] thì làm quái có chuyện mình còn sống ở tầng thấp này!

Vậy mai lại quét rác, nhể!

Lại nhớ thêm một chuyện nữa, có một lão-giáo-sư mắc bệnh văn chương, viết tản văn, tạp văn lai láng mùi lãng mạn và tinh khôi về thanh nhã, thanh lịch của người Hà Nội. Lão này xuất thân từ vùng đất "chó ăn đá gà ăn sỏi", mới cất giọng chưa nói gì chỉ nghe âm điệu đã đủ khiến khối kẻ đối diện mê tít. Giờ lại thêm mùi thi vị trong câu từ về những nào vẻ đẹp văn hóa này vẻ đẹp văn hiến nọ. Tôi đã từng thích đọc lão-giáo-sư này. Cho đến ngày phát hiện, lão rất giỏi tách biệt thế giới thực - nơi lão sống nhà tập thể nhếch nhác gấp vạn lần nhà tôi - với thế giới của lý tưởng và mộng mơ, nên ngồi uống trà vỉa hè thì trình bày ý kiến, em phục bác giỏi sáng tác, chứ nhà em hiện thực thế nào thì cứ chân phương tả thực thế nấy.

Mà thế chả trách tôi biết một ông chú Hà Nội gốc chính hiệu, nho nhã đích thực, kiêu ngạo kiểu con nhà có gốc gác, danh tiếng một thời lẫy lừng phải gọi là sư tổ, lão này giờ đã rời Hà Nội, rời Việt Nam nhưng vào đoạn cuối thời gian còn sống trong thành phố, có ngày tự dưng phát tiết, buông một câu sặc mùi thị dân thời nhuộm nhạo chuyên gia bia bom lạc củ luộc ở rìa mấy phố "hàng", đại ý rằng "tiên sư mấy thằng cán bộ và văn sĩ dzởm cứ đú [mà] giương mấy khẩu hiệu Hà Nội thanh lịch". Đó là chuyện xảy ra vào cái năm thành phố mừng ngàn năm tuổi, cơ quan đoàn thể tưng bừng hội thảo kỷ niệm, tưng bừng tuyên truyền tụng ca, phim ảnh thi ca đề tài khoa học tiền tỷ đổ dồn cho ra đủ loại tổng tập này nọ. Tôi nhớ cái năm đó tôi kiếm mớ tiền nhờ làm tư liệu, dịch dọt và thậm chí cả cùng bạn viết bài ngâm cứu về mấy bác phố trưởng thời thuộc Pháp. Đó là chuyện trong bữa tiệc chia tay ông chú đẹp trai ở quán bia sặc mùi chua và khai của nước rác thức ăn cùng mấy thùng sơn cũ được huy động làm bô chứa nước tiểu cách các bàn ăn không xa. Tôi nghe cái câu của ông chú đó, cười thiếu chết ngất. Bữa đó, cũng là lần cuối cùng tôi gặp một đại diện đích thực của cái giống loại người Hà thành đích thực :-)

"huấn luyện" giấc ngủ

Chiều qua tôi hấp háy trình bày kế hoạch "huấn luyện" giấc ngủ của mình với HĐ, rằng tôi sẽ trèo lên cái sập đơn ngay khi đồng hồ kim chỉ 10 giờ tối. Người ngồi đối diện bảo, 10 giờ bắt đầu thả lỏng, an cơ thể, còn ngủ lý tưởng là từ 11 giờ.

Kết quả có đứa dở hơi ngồi chong mắt cả đêm, 6:38 sáng nay ngủ thiếp đi, tỉnh dậy là 12:05. Ngày đầu tiên dẫn dắt giấc ngủ thành bị nó xỏ mũi :-(

Kết luận to, lý luận thường "nổ" giòn giã, còn thực hành thường "ỉu" như cái bánh đa dính nước :-(

Điều tốt là cảm giác bất an, sợ hãi đã giảm bớt nhiều. Tôi nghĩ, tốt hơn là cứ vui vẻ mà từ từ điều chỉnh nhịp sinh học quái gở này thay vì nốc thuốc và tưng tưng lên lo lắng.

chào sớm, tôi đi ngủ :-/

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

trộn salad - dầu olive và walnut

Bữa trước khi tìm dầu vừng Cauvin, tôi nhặt thêm một chai dầu walnut cũng của nhà này.

Cái chai để trên kệ hơn tuần, tối nay bắt đầu đem ra làm thử món sauce nâu trộn salad.

Tôi lười không tìm mấy cuốn sách bếp, cũng không ỷ vào bác gúc-gù, mang máng hình ảnh Valeria trộn sauce làm salad ngày nào, rồi tự biên tự diễn. TL ngoài chê hơi mặn thì bảo được.

Ghi nhanh note này để nhớ. Còn lại, cho lần sau, sẽ điều chỉnh và ngâm cứu công thức cẩn thận :-)

- Sữa chua (hôm nay lần đầu tiên tôi thử hộp của Dalat Milk sau khi nghe một đống lời khen ngợi từ mấy người quen, xem ra rất ổn)
- Dầu olive và dầu walnut
- Đường nâu
- Dấm thơm balsamic
- Tỏi ép nhuyễn
- Muối
- Và cuối cùng là mù tạt vàng

Hỗn hợp sauce được đánh kỹ có sắc nâu mịn coi rất đẹp. Rau salad lần này có cải rocket, lá diếp tròn, dưa chuột và hành tây, trong đó có hành tây được tẩy hăng qua hỗn hợp nước và dấm từ trước.

Ngày trước coi Valeria làm sauce trắng - tức là không có mù tạt, tôi thấy bạn cho thêm lá hành khô (ciboulette séchée) và tiêu vụn. Lá hành khô nhà không có, còn tiêu thì tôi quên.

Cho lần tới, tôi nghĩ thậm chí có thể thử với lá basil oregano khô.

tạm biệt mùa hè

(1)

Tháng 8 lịch trên sắp chạm ngày cuối.

Suốt cả mùa hè, tôi có thú vui nhỏ mỗi sáng dậy muộn là xé tờ lịch ngày cũ trên bloc lịch treo tường lối vào bếp, nhìn thật kỹ cái hình trên tờ lịch ngày mới và nghĩ về ý nghĩa của nó. Lịch của công ty bảo hiểm chủ đề chim, bướm và cầu vồng, loanh quanh hơn hai trăm ngày của năm đã qua mà không hình nào trùng lặp hình nào.

Mùa hè năm nay, tôi nghĩ, có nhiều đặc biệt nhỏ. Nhỏ đến mức nếu không để ý thì có thể dễ dàng bỏ qua chúng và tôi coi như vẫn cứ là lê lết sống, ì ạch kéo dài mớ vấn đề của mình.

Nếu tôi tiếp tục giữ thái độ u ám và bất cần, mùa hè năm nay là sự lặp lại của các cơn đau, của những cú va chạm đủ dạng trong nhà ngoài sân, của những đêm mất ngủ, của cái cơ thể to và nặng gần như không co lại chút nào, của trạng thái gần như là treo bài vở liên quan luận án, và tệ nhất là của cái phát hiện vĩ đại cuối hè về cơn bệnh psy vô cùng xấu xí - tích trữ đồ.

Nhưng cũng mùa hè này đã mở mắt cho tôi vô khối điều, đẩy tôi đến tận cùng - nếu như thực có một thứ mang tên tận cùng - của một vài suy nghĩ nghiêm túc.

(2)

Lần đầu tiên, tôi nghĩ đến kiếm đủ và sống được, nhại theo ông tiến sĩ Lee khi nói về đàn ông.

Người lớn trong nhà không giàu có, nhưng đủ để thoải mái hỗ trợ mỗi khi tôi gặp khó khăn. Và tôi cứ thế mà ỷ lại, vô tư hưởng thụ những phúc lợi lẽ ra phải được trao theo chiều ngược lại.

Chỉ gần đây, tôi mới giật mình với mấy cái gạch đầu dòng nếu. Chuyện gì sẽ đến với tôi, tôi sẽ thành con người như thế nào nếu không ở nhờ nhà của Bố Mẹ, nếu không có một hỗ trợ tài chính đáng kể từ TL, nếu không có hai ông bà già chăm chỉ gửi thực phẩm tiếp tế từ Bắc Ninh, nếu tôi giống như những người phụ nữ mà tôi quen biết có một gia đình riêng với một ông chồng lúc nào cũng có nguy cơ bị người phụ nữ khác cầm tay dẫn dắt, hai ba đứa trẻ con tuổi quậy phá kèm theo số tiền học, ở trường và ngoại khóa, khổng lồ dành cho chúng, trách nhiệm họ hàng nhân đôi vì có cả hai nhà nội và ngoại, vân vân và vân vân.

Tất nhiên tôi sẽ không ngốc đến mức loanh quanh một hồi thì biến nếu thành một hiện thực rõ ràng. Vì chẳng có cái hiện thực quái nào như vậy cả :-/

Nhưng không hẳn là tệ khi tôi bắt đầu, ngay cả khi có vẻ là quá muộn so với những người đàn ông và đàn bà thành đạt xung quanh mà tôi biết, có một thái độ ứng xử nghiêm túc với đồng tiền mà mình kiếm được.

Sự thật là tôi kiếm đủ và sống được! Với một chữ nếu, lại là nó, đó là [nếu] cứ giữ nhịp độ cải thiện lối sống như hiện nay :-)

Lối sống mới đó thực rất đơn giản: hạn chế tối đa ăn uống ở bên ngoài, không mua mới quần áo giày dép, không mua mới đồ dùng, và cả bớt mua sách nữa.

Vẫn là câu chuyện tiền bạc, tôi có mấy món nợ cần giải quyết.

Chuyện nực cười là có hơn một lần, các phong bì đã sẵn sàng để được chuyển đi, nhưng rồi vì bận không gặp được người liên quan, vì cơn đồng bóng vô kỷ luật nhất thời bột phát, tôi lặp lại hành động đã thành routine: rút tiền ra khỏi bao và tiêu chúng.

Cho lần thứ n và cũng là lần cuối, các phong bì-trả nợ đầu tiên đã sẵn sàng.

Vậy nên xem ra, tôi có thể nhìn tình hình tài chính của mình từ hai điểm tận cùng, một xám xịt với lời châm chọc, mày là con nợ không cứu rỗi nổi, và một tươi sáng đầy hứa hẹn, bạn đang trên con đường đúng. Giống tay đi dây đu đang ở điểm trung vị, tôi phải tự mình quyết định chọn đầu cuối nào.

(3)

Hôm qua trong bữa trưa với đồng nghiệp, lần đầu tiên tôi nói ra thành lời về cái sự độc ác trong suy nghĩ của mình, rằng đã có một quãng thời gian, tôi đã từng mang tâm trạng khoái trá thế nào khi nhìn thấy kẻ tôi ghét gặp phải vận xui.

Điều này, tôi nghĩ về nó thường xuyên. Với những lên xuống chồi sụt của cảm xúc, từ tự xấu hổ đến vỗ về an ủi bản thân kiểu vậy đấy, coi như ta đã trưởng thành.

Sự thực là vào giờ phút này, tôi chẳng tốt đẹp hơn là mấy chút. Có chăng, thì đó là những sợi dây bao đồng, những bận tâm hời hợt ngoài thân về căn bản đã được cắt tỉa gọn ghẽ.

Tôi nghĩ, mình thật có may mắn khi đã từng biết Alex "gã kiệm lời" và Mẹ già "máu lạnh", rồi có D và mồ ma partner "vui vui đấy mà như có như không". Ít nhất là với mấy người bọn họ, tôi đã học được, sau một khoảng thời gian dài lê thê và dù họ chẳng hề mở lời dạy bảo tôi bao giờ, việc phải tự hiểu và tôn trọng bản thân như thế nào trước khi mở miệng nói chuyện bao đồng người thiên hạ.

Cái tôi-trung tâm đó hẳn nhiên sẽ bị cả đống người coi là ích kỷ. Nhưng tôi thực thích sự ích kỷ đó.

Tôi nhớ mấy năm trước đã sém chút nổi khùng với M khi nghe bình luận của nó về mấy người tôi nghĩ là thực hay ho. Giờ thì sao?

Quan sát chút, để ý chút, tôi phát hiện, không phải là đúng cho mọi trường hợp nhưng là đúng cho không ít trường hợp, kẻ nào to mồm nói nhiều về đạo đức, về những điều tốt đẹp dành cho xã hội, cho thế giới té ra lại là kẻ hời hợt, thiếu dây thần kinh thấu cảm và thương yêu nhất.

lý do yêu thích Yoshitomo Nara :-)
Tôi nghĩ, đã đến lúc đoạn tuyệt con người cũ, dễ dàng bị kích động, vô tâm tung tóe mớ cảm xúc hỗn loạn nhất thời của ngày, tự cho mình quyền bình phẩm phán xét về những người và chuyện ngoài thân trong khi thực chẳng biết gì về họ, về chúng.

(4)

Tôi có một hộp nhỏ trong có đủ loại giấy notes và cartes với đủ bộ dạng chữ viết, ngay ngắn có xiên xẹo có, được chậm rãi viết có mà vội vã ghi lại cũng có, với các cam kếtmơ ước của bản thân.

Tôi nhìn chúng, thấy về căn bản hóa ra có một tôi thực nhất quán sau khi đã bỏ đi một đống những rườm rà ngây ngô hay đồng bóng từ năm này qua năm khác.

Tôi quyết định không lờ tịt hay chối bỏ sự thật là mình có xu hướng "tiêu cực" trong suy nghĩ và hành động.

Và khi bắt đầu với sự minh bạch đó, tôi có thể thong thả và yên tĩnh tập trung vào chúng, những đích đến bí mật nho nho của mình, những điều mà trong một quãng thời gian dài tôi thực đã để quên trong cái hộp kia.

(5)

Vậy đó, mùa hè kết thúc rồi.

Đã đến lúc tôi đóng lại cái màn tự châm chọc, rằng tôi là một born to lose, luôn luôn thất vọng và tức giận với bản thân.

Thời gian kế tiếp, chăm chỉ làm việc và chăm sóc bản thân tốt nhất có thể!

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

lá curry khô

Cây curry bé tý xíu bạn của TL mang sang cho nhân dịp công tác ở Việt Nam ngày nào giờ đã cao vổng gần bằng nó.

Đây là đợt phơi và thu hoạch lá khô đầu tiên :-)

Chúng tôi dự định thử làm món nướng và bột gia vị hỗn hợp.

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

xá tội vong nhân bis

(1)

Có chị gái người ngoại quốc làm việc ở Hà Nội, hỏi nhân viên lái xe về tháng Bảy lịch dưới. Anh này chắc nịch, thì giống như Thanksgiving Day của chúng mày ý.

Chị kia nghe xong thì bảo, tao nghe giải thích từ người khác thì hiểu nó phải giống như Halloween mới phải.

Có người nghe xong cười khà khà, bảo hay là gọi thành Forgiving.

(2)

Tôi nhớ ngày còn bé, Hà Nội là thành phố nghèo, cúng xá tội vong nhân nhà Bà Nội trên phố Cửa Bắc chỉ có cháo và bỏng ngô, bàn cúng bé con con đặt chỗ gốc cây sấu ở vỉa hè trước nhà. Còn chính ở nhà chúng tôi khi đó, không rõ do khó khăn hay hai phụ huynh vô thần vô thánh, tôi thậm chí còn chẳng nhớ nổi thực có cái màn cháo và bỏng nữa hay không.

Sau này đất nước khá giả, thành phố khá giả, thị dân trung bình khá giả, có nhiều nhà cúng tưng bừng. Quần áo chúng sinh kích cỡ kiểu dáng phong phú, tiền vàng chất đống, bỏng que bỏng hạt màu sắc sặc sỡ bày tú hụ trên vỉa hè, một màn cúng hóa thành màn trình diễn cho cả khu xem.

Rồi lạ nữa là trên dưới mươi năm trở lại có câu chuyện mùa Vu Lan báo hiếu. Có những người nói say sưa về nó, tụng ca nó đến mức tôi nghe xong tự nhủ, thứ nhất là mình bất hiếu; thứ nhì là hình như quá khứ của mình đã bị xuyên tạc.

(3)

Năm nay nghe nói cửa địa ngục mở từ ngày 13 lịch dưới đến ngày 16 lịch dưới. Lời dặn dò cho kẻ mê tín là đi lại thì cứ đúng việc mà làm chứ chớ tạt ngang rẽ dọc ngoài kế hoạch.

Chuyện này tôi ù ù cạc cạc, đã nghe rồi thì cứ cẩn thận mà kiêng cho lành.

Và như mọi năm, ở nhà Hà Nội của chúng tôi cúng rằm tháng Bảy vẫn chỉ là thỉnh hoa quả ban thờ trong nhà chứ tuyệt nhiên không có cái màn bông hồng cài áo, cũng không nốt bàn lễ sụt sùi ở trước hiên nhà.

Chuyện này có người biết nói với tôi ra chiều vừa mắng mỏ vừa dạy bảo, rằng thì là mà phải tội. Nhưng theo thì biết theo đến độ nào cho đủ cơ chứ :-///

Vậy nên tránh ma tránh quỷ thì cố mà tránh. Chỉ vậy thôi!

cá thát lát - hai món chả

Tôi cà lơ thất thểu đứng xếp hàng trong cửa tiệm Vinmart. Đứng quầy có đến ba cô cậu thanh niên trước một cái máy tính tiền, nhưng từ nhân viên tiệm đến khách, ai cũng là vua sống chậm. Đám khách trước tôi là một đại gia đình mẹ chồng, nàng dâu mới và một đống cháu lau tau. Hóa đơn ba bốn cái, mẹ chồng ra tay rộng rãi bảo con dâu để mẹ trả tiền, sau thế quái nào lại hỏi phần tiền lẻ đóng góp. Đã tưởng xong, bà già đã móc ví trả phần tiền của mình, còn giơ mấy cái biên lai tính tính toán toán để xác định phần nhà mình bao tiền, phần con dâu bao tiền. Tôi chỉ nhìn xế lưng cái cô con dâu trẻ tuổi kia, chẳng rõ nét mặt thế nào song qua giọng nói và cử chỉ thì có lẽ đã quen với lối giải quyết vấn đề của bà bác. Túm lại là mẹ chồng và con dâu đi chợ thuận hòa, thắm thiết, rất tốt trừ cái chuyện làm cho khách mua sau là tôi phải làm khán giả bất đắc dĩ cho cái màn kiểm hóa đơn và dự tính chia tiền đóng góp :-(

Vì chẳng có việc gì để làm khi chờ đợi, tôi lơ đễnh sau là nghiêm túc phi thường ngắm cái khay đồ chế biến trên kệ quầy của mẹ con nhà kia. Và bắt đầu đoán, chắc là món mọc từ thịt lợn xay.

Nhưng nghe hội thoại thì ra là thịt cá thát lát xay. Cô thu ngân bảo cái này hay lắm rồi kêu tôi mua thử. Tôi nghĩ một lúc, đằng nào cũng phải đợi thì chạy ra quầy ngó nghiêng. Một cô nhân viên khác chạy ra thì thào ý bảo đã quen mặt tôi thì để cho một khay vì món này đã được nhiều người dặn đặt trước. Thế là có cảnh mua một khay cá xay ngoài chủ ý ban đầu nhưng lại rối rít cám ơn nhân viên cửa hàng.
chả cá thát lát - xong công đoạn hấp

Lúc thanh toán, hai cô của tiệm còn ân cần dặn dò, nhớ trộn thêm thịt heo bằm, càng mỡ càng tốt, cùng trứng và rau thì là rồi sau bọc lá lốt rán. Thì là trong chả cá thì tôi biết, nhưng cho cả trứng và bọc lá lốt tôi nghe có chút lạ.

Tôi lười, chạy vào chợ mua thêm chút mọc ở hàng giò chả quen cộng với nắm thì là và hành lá. TL đi làm về, tôi khoe thành tích rồi gạ gẫm nó làm bếp. Kết quả đổi lại việc không phải vào bếp thì trước hết làm chân loong toong chạy ra chợ mua thêm thịt nạc vai xay. Rồi lại được sai ra vườn vặt mấy cái lá lốt.

Trong bữa tối, tôi được nếm món chả thát lát bọc lá lốt, rất ngon. Còn một món chả nữa thì chưa hoàn tất vì tối nay TL mới chỉ xong công đoạn hấp. Cho ngày mai, các miếng chả hấp sẽ được rán thành chả cá thát lát nhà làm :-)

Đại loại ghi lại để nhớ là hỗn hợp cá thát lát xay sẵn + giò sống + thịt nạc vai xay theo tỷ lệ lần lượt là 3 - 1 - 1. Các bạn này một khi đã được trộn với nhau thì thêm tiêu xay, tỏi bằm, hành tây bằm (đúng ra là hành hương nhưng nhà không có), thì là và hành hoa thái nhỏ. TL không để ý là giò sống và cá xay vốn mặn nên cho thêm chút bột gia vị làm cho món chả có phần đậm không hạp để ăn vã chơi. Trong món chả nhà làm không có trứng.

làm lần thứ hai - viên hấp cắt đôi để rán
và rán xong thì nó là thế này :-)

Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

các vòng tròn của sự trống rỗng - bỏ đi mấy món dưới chân

Tối qua tôi cáu kỉnh vô cớ. Không theo cách thông thường là tung tóe hết cả lên mà gừ gừ trong họng, ậm à ậm ờ cho qua đối thoại. Sau đó rơi tòm xuống hố sâu của lo lắng. Tôi nghĩ chắc là do năm học mới sắp bắt đầu trong khi việc đưa giấc ngủ đi vào nề nếp hình như vẫn chưa nhúc nhích là mấy. Kỳ cuối vừa rồi, tôi đã khốn khổ vì cái ám ảnh phải rời nhà khi mới tờ mờ sáng và mỗi tuần chỉ cho duy nhất hai giờ đồng hồ trong lớp học tôi đã mất toi ba ngày năng lượng, một ngày đối phó nỗi lo ngủ quên, một ngày lừ đừ trong cơn thiếu ngủ kéo dài và ngày kế tiếp là vật vã bù trừ cho sự thiếu thốn.

Suy nghĩ một cách tích cực, chuyện xem ra vẫn đang tiến triển, dù là theo tốc độ rùa bò :-/

Các món đồ liên tục được xếp, được phân loại, được cho-đi. Badie hôm nào cũng được chào hỏi. Tiểu luận bữa nào cũng được mang ra ngắm nghía và chỉnh trang. Cho dù một kết quả rành mạch cuối cùng thì chưa thấy đâu cả :-///

Sau màn mở đầu với đồ vải và chút đồ bếp, chiều Chủ nhật, cuối cùng tôi cũng mó đến tủ giày. Mấy tuần trước, trong trạng thái nửa tiếc rẻ nửa cương quyết, tôi đã cho đi đôi mules sặc sỡ Minelli, mua cách đây hai năm trong một phút cao hứng của cơn đồng bóng bản năng và đi trong sự bực bội vì chất lượng của nó không như mong đợi. Còn lần này, các món cho đi thực sự là một sự khôi hài. Một đôi sandals da lộn đặt đóng từ những ngày đầu tôi đi làm, được giữ trong nhiều năm vì đó là kỷ niệm. Mấy đôi giày hàng vnxk được mua không rõ lý do, có đôi xỏ một hai lần, có đôi chưa chạm đến lần nào. Một đôi New Balances bị tháo dây buộc gần như còn mới song chủ nhân của nó hình như đã quên tiệt sự tồn tại của nó, sau mấy năm lưu cữu trong tủ giày tôi tự tiện quyết định tốt nhất cũng là cho đi.

crazy lần thứ n - lần cuối
Đám giày có tên là vnxk thực sự làm nên một câu chuyện hài hước đến ngớ ngẩn về năng lực kiểm soát ví tiền của tôi. Đã nhiều năm, những món đi dưới chân đều được chọn và đặt mua cẩn thận với tiêu chí hàng đầu là đi phải thoải mái và bền chắc. Phần lớn đều loanh quanh mấy nhãn Camper, Born, Think và Hobbs. Thực tế là tôi không có lấy một li lai nhu cầu cho giày dép mua ở các cửa tiệm trong thành phố.

Nhưng điều gì đã xảy ra?

Vì mấy đôi Camper TL mua cho đi thích quá, nên thấy ở cửa tiệm giày vnxk có nhãn đó thì quờ tay mua một đôi. Kết quả, đi cứng còng, khó chịu. Vì đôi sandals Timberland có từ nhiều năm nay đi êm quá, nên thấy ở cửa tiệm vnxk một đôi đế xuồng thì phát cơn tính nữ hay thử xem sao, kết quả được đôi bữa thì cắt phăng quai sau biến thành dép, rồi thêm dăm bữa nữa thì chẳng buồn ngó tới. Lại nữa Timberland bệt có nơ điệu đà, chẳng hề phù hợp với cái lưng lòng khòng và dáng người phình nở của tôi, xỏ đúng một lần rồi để đấy. Cuối cùng là bạn Gola vải, nhẽo nhợt khác xa với những bạn thửa ở chính quốc. Điên rồ toàn tập!

Tôi cho chúng đi, xấu hổ với bản thân vì đã lãng phí tài nguyên nhưng đồng thời vui vì cảm giác được giải-phóng. Nếu có luyến tiếc thì là giống lần trước bỏ đôi sandals Bass quai chéo siêu kinh điển nứt đế, giờ phải giã từ đôi Sperry moccasin slippers không rõ có phải do thời tiết mà trở nên co chật.

Ở trong nhà, tôi phát hiện, vẫn luôn là với cảm giác hổ thẹn pha cay đắng, không chỉ đồ vải, đồ bếp, sách, giày dép mà hầu như mọi loại đồ vật, tôi đều thực là con bệnh tích-trữ, theo nghĩa thảm nhất của từ!

Nhưng dù thế nào thì tôi không thể cứ gặm nhấm các cảm giác tiêu cực mà gần như hay thậm chí là không làm gì cả. Vậy nên, trong khi tôi tiếp tục tự sỉ vả, tự biêu riếu, thì cũng thế mà tiếp tục dọn-bỏ các món đồ thừa và thi thoảng thì ngẫm nghĩ chút về cái psy điên khùng của mình.

Tôi nghĩ đến các vòng tròn của ông già Kazuaki Tanahashi rồi lại nghĩ đến việc mình đang làm. Như một hành động [tự] giải phóng. Có nhiều khó chịu. Có chút đau đớn. Nhưng hứa hẹn một con đường mỗi lúc nhẹ nhõm và bình an. Hy vọng là vậy :-)))

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

can't get away - sách cho đi (4)

Cuộc dạo chơi ngắn trong thế giới Hồi giáo cùng Badie, sau đó là lơ mơ isle of the dead và Rodriguez triết lý trong khi dọn sách như là một hành động giải trí.
ít ra cũng là đồ "cổ" 😂 

Trong số sách cho đi lần này có Rong chơi miền chữ nghĩa. Tôi đọc nhảy cóc không theo bất cứ trật tự nào không ít bài trong ba tập sách đó. Kết luận, không đọc An Chi, không biết nhiều chuyện trong đó, tôi vẫn sống. Hồ Anh Thái lang thang trong chữ thì tôi chưa bỏ được sau khi đã cho đi toàn bộ các sách truyện sưu tập của tác giả này.

Sách vở giấy tờ liên quan chị em thật buồn cười. Tôi chưa dám động tới chỗ sách tạm coi là có hàm lượng "học thuật" đáng kể. Nhưng bọn tạp chí sưu tầm các kiểu với các tấm hình phản án tính nữ, dục tính nữ, giấc mơ nữ cường hiện đại, bản sắc song tính dị tính chi chi... giờ tôi bỏ tuốt. Ngày trước tôi ôm khư khư cuốn Elle phiên bản Việt có hình cô hoa khôi ngành thể thao và một cô diễn viên gốc Việt mặc đồ Chanel ôm ấp ngoài bìa chính, nghiêm túc phi thường nói với D và partner rằng phải giữ làm tư liệu, hai ông anh bình thường điềm đạm hôm đó cười lâu và cười to hơn mọi khi. Cuốn tạp chí đó sau một đôi năm tôi chỉ giữ lại đúng cái bìa mà vứt toàn bộ phần còn lại, còn mấy tháng trước thì vứt nốt cái hình. Tính nữ cái con giời, cổ súy cho giấc mơ sành điệu cái con giời, chỉ một phát nhảy ra đường, mua lố sách của mấy cô phụ nữ trẻ đang nổi như cồn trong thế giới mạng và cả thế giới đô thị thật là đủ 😂 😂 😂

Vậy nên, cứ nhắm mắt mà bỏ thôi 😂 😂 😂 😂 😂

bút

Chẳng có gì nực cười hơn chuyện nửa đêm có kẻ chong mắt không ngủ được và để bận rộn thì đọc những mẩu mớ lý luận về tầm quan trọng của giấc ngủ.

Chỉ đến rạng sáng tôi mới thiếp đi. May mắn là sau đó có giấc an, liền mạch.

Bữa trưa bị bỏ vì dậy trễ. Cafe như mọi khi đun một bình "tráng dạ". Tôi gọi TL hỏi về tin nhắn đang chờ mong, nó bảo chưa có và kêu tôi sốt ruột làm gì. Lời phụt tắp lự từ miệng, giờ tháng cô hồn, sợ có chuyện. Nó cười dziễu tôi. Kết thúc cuộc chuyện thì thành tôi tự dziễu mình.

Trời mưa lún phún, chỗ nước rỉ ở sảnh tiếp tục rỉ, tâm trạng của tôi xuống cực độ. Tôi nghĩ giữa Badie, bài luận và loanh quanh đi lại sờ mó dọn dẹp đồ vật thì làm gì thích hợp. Cuối cùng một thùng sách nữa được đóng. Kế tiếp là tấn công chỗ bút.

Hồi cận Tết tôi đã bỏ đi kha khá, trên dưới 200 chiếc, chủ yếu là bút dạ và chì màu, vốn được mua để cho bọn trẻ con trên lớp bôi vẽ trên các tờ giấy khổ A0 vào giờ thảo luận. Còn lại một ít chì đen tôi tiếc rẻ nên cho vào hộp giấu kỹ. Thêm nữa là giữ lại một ống cắm hơn chục cây dạ màu các kiểu để dành bọn trẻ con đến chơi nhà thì có cái lôi ra mà vẽ vời.

Kết quả dọn trưa nay vừa đủ cho tôi thấy rõ thêm sự "lố bịch" ngoại cỡ của những món đồ được tôi tích và tích.

Trong hộp thiếc trữ bút có 16 cọ vẽ đủ kích cỡ, 14 cái được tống tiễn, 2 cây to được giữ lại vì tôi phát hiện ra công dụng mới của chúng: làm chổi vệ sinh cho các khe nhỏ.

Giữa đám bút lẫn 6 cái kẹp file hồ sơ tôi chắc chắn có từ hơn 10 năm nay mà chưa bao giờ dùng tới, địa chỉ tới duy nhất: thùng rác.

Có 16 chì màu. Bỏ.

Có 57 chì đen. Giữ 3, trong đó có 1 cây dài để viết, còn 2 cây một dài hơn đốt ngón tay, một dài cỡ ngón út giữ lại vì vẫn còn chút "lưu luyến". Đó là cây chì của TL hồi học trường Ams và cây chì may mắn tôi được ông chủ tiệm rượu ở Virginia cho.

Chì bấm cả loại có thể bổ sung lõi lẫn loại dùng một lần bỏ 9. Tôi giữ lại 4 cây, loại dùng một lần.

Cuối cùng, 32 dạ màu và 23 bi và dạ: bỏ nốt.

Tôi đã từng viết bút mực, cầu kỳ từ lọ mực thảy riêng đến đám mực ống. Giờ vẫn còn chừng ba bốn chục cái ống mực nằm lăn lóc không ở đáy thùng này thì là ngăn kéo nọ trong khi hai cây bút máy đã biến mất dạng từ đời nảo đời nao.

Giờ là nghiến răng kỷ luật, cứ sắc đen Uni-ball Signo 207 mà xài, nét nhỏ, mực đều, viết thuận tay. Thích xanh thì là Bic Cristal muôn năm, "ví dụ độc nhất cho chủ nghĩa xã hội [đã được] hiện thực hóa" vì nó đánh bạt mọi "quyền tư hữu và phân biệt xã hội" theo lời ông già Umberto Eco tinh quái.

Tất nhiên là vì ki-bo thì con giời vẫn giữ vài cây pallpoint rollerball, cái là đi ăn cướp của D và BJ, cái là quà của đồng nghiệp sau một năm đi nghiên cứu ở Hàn Quốc.

Nếu người ta bảo nhìn vào bút đoán được người thì tôi chẳng biết mình là cái bộ dạng gì. Routine mà tôi muốn hướng tới thể hiện cái "khao khát" trở thành kẻ phàm vô hình không màu sắc. Còn đống lộn xộn mà hôm nay tôi từ bỏ thì thẳng thừng vạch mặt một kẻ lộn xộn, lần khân và thậm chí là "bệnh hoạn" trong quan hệ với đồ vật.

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

tháng cô hồn

Ở cuối hành lang dẫn vào nhà vệ sinh, nước rỉ. Lần này không phải là từ trên xuống mà là từ dưới lên. Tôi dọn dẹp lau chùi một hồi, tạm để mấy món đồ vải cũ để thấm nước. Nhà cũ xộc xệch, thi thoảng nảy sinh vấn đề không còn làm tôi mất bình tĩnh nữa. Lần này có chút xốn xang thì chỉ là vì tức thời có kẻ ki-bo nghĩ đến chuyện phải nhờ người đến sửa, lại có kẻ ghét thế giới loài người khổ sở nghĩ đến cảnh phải chịu đựng cảnh người lạ đi tới lui trong nhà.

Nắng về tôi phấn chấn đi ra phòng tập sau cả tuần đứt đoạn. Lúc ra về, trèo lên cái cân, không tệ. Kết quả của gần nửa giờ lăn lê bò toài là tối về người đau ê ẩm. Tôi thích các tấm gương lớn chạy bao khắp mặt tường ở phòng tập. Ở đó, tôi có thể chênh vênh một mỉnh giữa phòng, kiên nhẫn thế chân quỳ, miệng lẩm bẩm đếm. Lúc đầu là ngã xúi xụi tắp lự, giờ có thể đếm quá con số 100. Hơn một phút ở cái tư thế đó, tôi có cảm giác thời gian hoặc dừng chạy, hoặc kéo dài lê thê bất tận như sợi mạch nha dưới đôi tay phù thủy của ông bán dạo.

Đợt ốm đi qua, giấc ngủ cuối cùng thương hại tôi mà khẽ khàng quay lại. Tôi có giấc sâu liền mạch dù không dài nhưng so với những ngày lăn đi lăn lại rồi hết đứng lên lại ngồi xuống đằng đẵng qua đêm thì quả là món quà quý.

Sau vài chuyện, tháng Bảy lịch dưới giờ đối với tôi giống như một ám ảnh, vô cớ nhưng hiện hữu. Dù thế nào thì có cả ngàn việc tôi phải bận rộn, nên dù cửa địa ngục có mở, dù mọi người có nháo lên với những kiêng kị hay thủ tục lễ nghi rườm rà này nọ thì điều tôi cần làm hơn cả là chăm lo giấc ngủ, tiếp tục dọn nhà và quan trọng hơn cả, tiếp tục trả các món nợ :-(

Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

chào nắng

Thân thể vẫn trong trạng thái mỏi và mệt, nhưng đầu óc tôi xem ra thoáng đãng và nhẹ hơn nhiều khi ông Giời cho nắng.

Sân gạch tôi để mặc chân trần bước ra phơi đồ, được đôi ba nhịp thì chạy vội vào nhà vì bỏng.

Có rất nhiều món tạp nham được lần giở, và câu hỏi vẫn như mọi khi: Làm thế nào mà tôi có chúng?

kết quả đi làng nghề
quà từ nhà gốm delicious ceramic

ớt vườn nhà và hạt dổi xin thêm nắng trước khi xay nghiền

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

ngàn lẻ một cách uống trà - khi earl grey gặp kỳ môn

Earl grey organic của nhà Twinings một túi lọc cộng với thìa cafe Keemun của La Via Del Tè, pha trong ấm tích Tàu 2 lít, già nửa nước mỗi lần pha.

Kỳ môn đứng một mình đối với tôi khó uống. Bữa trước nhà có khách, là tay chuyên sủng trà mạn truyền thống, thậm chí còn chê trà chán. Nhưng kết hợp với túi lọc kia thì lại vô cùng hợp lý.

Ấm tích pha ngâm nga cả ngày, coi như thay cho món nước lọc.

Chiều nay có đứa hấp háy mắt trước các kệ trà trong cửa tiệm An Nam. Khi rời đi với hai chai dầu ăn một mua đúng theo kế hoạch một cao hứng nhặt thêm, con giời cười ha ha trong dạ, úi chà, ít nhất với đồ uống thì xem ra mình thật có kỷ luật  😂 😂 😂

món cuốn thịt ba chỉ và tôm ở huế

Tôi không để ý lắm mấy món cuốn, ghém ở Huế. Chỉ đến bữa trưa Chủ nhật ăn cơm khách ở đó, khi TL và M gọi món thì tôi mới lần đầu tiên ăn nếm món nem cuốn tươi của nhà hàng.

Thanh đến mức không thể thanh hơn, nếu bỏ qua yếu tố thịt heo béo ngậy 😂

Vỏ ngoài đương nhiên là bánh đa rồi. Loại mỏng. Bên trong có nửa con tôm rảo thịt mập mạp, ngọt tự nhiên; một miếng thịt ba chỉ béo mùi mẫn khổ to thái mỏng; mấy sợi bún, một phần lá xà lách và mấy sợi hẹ chạy dọc làm trang trí. 

Thức chấm là nước tương lạc, cùng dạng với món chấm dành cho nem lụi, được điểm một giọt đỏ thắm thiết ớt chưng dầu điều.

Nem chấm đưa vô miệng, cho một kết hợp hài hòa thanh, ngậy và thơm vị bơ lạc.

Tôi thấm thía thêm chút, gia vị, thành phần món, thay vì cứ tới tấp ồn ào chen ních hóa ra lại hiệu quả đến bất ngờ khi thong thả ung dung và kiệm.

các ô của ngày

Ở trong thành phố, nếu để ý chút thì tôi chẳng khác nào kẻ xuyên-không. Không phải là từ thời gian lịch sử này sang thời gian lịch sử khác, mà là từ bối cảnh sinh hoạt này sang bối cảnh sinh hoạt khác, tất cả cùng trên một mặt phẳng của cái hiện tại.

Khuôn viên nhỏ vườn nhà, bất chấp các ô gạch còn lâu mới được chà sạch, gọn gàng dưới nắng. Yên tĩnh nhỏ nhoi phía trong tường bao bị táp không thương tiếc bởi các chiều xe chạy đi chạy lại ngoài đường, thi thoảng là tiếng chậu bát xô đập lẻng kẻng của nhà tầng 2 cùng giọng cao vút ngang tầm nghệ sĩ opera đẳng cấp quốc tế của bà cô giúp việc nhà đó.

phát hiện của D: barber shop kiểu Hà Nội 😂
Hàng xôi chuẩn bị dọn hàng ra về. Mấy người đàn bà trong khu, mỗi người một giọng, quang quác làm cửa trước nhà thành cái chợ âm thanh bất đắc dĩ. Khoe bộ đồ mặc nhà mới mua, vừa khoe vừa xoay người ngang dọc. Đồ vốn để mặc ở trên giường, ở trong nhà, giờ được thản nhiên phô bày trên phố. Thú vị là các thiếu nữ, các nữ cường nhân công sở chú ý bao nhiêu cái khuôn dạng cơ thể của mình thì những phụ nữ này, hoặc thuần nội trợ hoặc kiếm tiền từ khu vực phi chính quy, chẳng nề hà gì ngực sệ, mông ỏng eo hay thân hình phì nộn. Vô tư khoe. Vô tư hỉ hả, mua được món rẻ, đẹp và sang. Trời ơi, từ bao giờ những hàng may Việt Nam yêu nước đường chỉ lớn, công thức ngàn cái như ngàn cái hóa thân thành những Zimmerli cơ chứ. Tôi căng tai nghe, còn thiếu một từ, gợi cảm.

Bệnh viện sặc mùi của thuốc, của bất an, của lo lắng. Ngày trước là vài người lớn, sau là thằng bé, luôn nói về nào những vong hồn, nào những ma quỷ, tôi đã từng tuyệt đối không tin mà cười lớn. Giờ thì có chút lạnh sống lưng kèm những đứt đoạn mơ hồ. Tôi bắt đầu nghĩ, người sống xem chừng đã vào đây cũng thành ma vì cái sự sống dở chết dở của mình chứ đâu.

Trong tiệm làm tóc quen, tôi thấy các cậu bé và cô bé tuổi ngoài đôi mươi, giọng cất lên vẫn còn phảng phất mùi vị quê nhà, thẳng thớm trong các bộ đồ đen từ đầu tới chân, tóc xanh đỏ đủ màu ra chiều mang phong cách nghệ sĩ, hưng phấn tay kéo tay lược trong giấc mơ khởi nghiệp. Họ nói to, cười to, phóng khoáng với những kế hoạch này nọ. Tương lai của họ vừa mới bắt đầu và tràn ngập mùi của hứa hẹn thành công. Sự phồn vinh bề mặt của thành phố được làm nên bởi họ, những thị dân mới.

Góc phố cũ có hàng cắt tóc siêu tối giản. Ông chủ, gầy tong teo và xăm trổ đầy mình, làm việc theo giờ gần giống giờ hành chính. Chẳng thô tục cũng không nho nhã, giống như một cái bóng câm nín, gật đầu chào khách quen, xoẹt xoẹt tông đơ và dao cạo, xong một cái đầu, nhận tiền rồi lom khom trên cái ghế tạm bợ tự chế của hàng nước lúc nào cũng trong trạng thái tẩu thoát khỏi công an phường.

Thành phố là vậy, như những mảng màu lớn. Chúng không đậm, không rõ, mà là những khối nhờ nhờ trong đó lại phân chia vô vàn các ô nhỏ với đủ tông sắc khác nhau.

Tôi theo thói, lê lết xê dịch qua các ô vuông. Cuối cùng, kết luận to rút ra luôn như nhất, nơi chốn an nhất, thật thà nhất, không đâu khác chính là nhà.

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

give away - sách (3)

Kết quả của buông thả, nằm thõng ôm cái sàn phòng gỗ hơn hai giờ cuối chiều, nốc một cốc cafe pha sẵn với bao biện sáng chưa đun cafe là chập chờn được một lúc rồi nửa đêm mắt thao láo, vùng dậy bày đặt dọn dẹp.

Lần xếp sách này có chút hài hước.

Cuốn sách cũ chữ Pháp của các học giả xô viết mua ở sạp sách cũ chợ tiểu khu năm thứ hai đi làm ăn lương, tôi khoái chí nhất là phần nói về cuộc đấu tranh tư tưởng/quan điểm trong khoa học lịch sử. Đọc lỗ mỗ, chẳng hiểu gì, nhưng đến mấy ông bị bắt đọc hồi còn mài đũng quần ở EFEO Hà Nội thì có đứa đầu gật lấy gật để ra chiều hiểu biết. Tôi cứ giữ nó mãi từ bấy đến giờ, mấy lần định bỏ rồi lại tiếc, ra chiều có ngày sẽ coi kỹ càng lại một thời người ta đã nói về lịch sử, xã hội và kinh tế như thế nào. Có điều, xem ra chẳng bao giờ có cái ngày ấy. Vậy nên, thanh lý.

Sách của Thuận, tôi chăm chỉ chính thống cuốn nào ra mua cuốn nấy. Đọc lần đầu thấy hay, thấy lạ. Đọc lại thì có chút mơ hồ rồi không còn thích nữa. Tôi nghĩ do mình thay đổi cái tâm cảm bản thân, rồi nữa sách in thường là xấu mù, nhìn chán. Nhưng công giữ, công sưu tầm bỏ thì tiếc. Giờ không tiếc nữa.

Thịnh Yến nghe tên thấy hay, hay hơn nhiều so với hướng dẫn xử lý rác thải hay đàn ông này nọ được giới thiệu từ miệng Chị Hoa trên Đinh Lễ. Ngày đẹp trời, tôi lên cơn điên, sau khi đã vòng vèo một chập cafe thì gạ gẫm D cùng chung kế hoạch đọc sách. Tôi bảo nghe mãi về ngôn tình, phe yêu phe ghét, giờ phải đọc thử mới được. Đứng tiệm Chị Hoa nghe giới thiệu một hồi ù tai thì có tiết mục chọn bừa. Đọc hì hục mãi cũng xong hai tập sách in lậu. Kết luận, ngôn tình hiện đại nhiều nhân vật, nhiều yếu tố thời đại, nhiều chữ hơn Quỳnh Dao. Còn D được tôi tống cho bản đẹp mê hồn Ly Tao, mấy lần tôi hỏi đều bảo có vô khối chỗ không hiểu. Kế hoạch vui đọc của chúng tôi xem ra kéo dài bất tận và tôi thì chẳng bao giờ cạn kiệt cảm thông dành cho ông anh. Lý do, bản dịch của Nhượng Tống đọc ẩu thì ổn, xem chừng rất xuôi thuận; nhưng cứ thử ngồi im kỹ càng dò từng chữ từng dòng mà xem, chết liền. Những lúc đó, trong lòng tôi có chút xấu hổ vì cái sự ngu dốt của mình, nhưng cũng rất mau lại tự bao biện, không biết mấy chữ Hán đó mình vẫn sống nhăn răng đó thôi. Giờ thì đã đến lúc bữa tiệc lãng mạn phải nhường chỗ cho các trang bản thảo luận án khô không khốc.

Tôi lười không làm file excel ghi chi tiết tên các đầu sách cho-đi. Nhưng làm cái thống kê tính đếm số sách, tạp nham có mà nghiêm túc phi thường cũng có, được chuyển giao để đo thành tích với người quá cố xem ra cũng không phải là ý tệ đi!

các gạch đầu dòng ngày chủ nhật

(1)

Chưa đến giữa sáng, tôi bị đánh thức bởi cái hẹn đi gặp một em bé sắp lên đường du học.

Tôi biết nó khi còn là một cây nấm lùn, lũn chũn theo chân người lớn mùa hè năm nào đó.

Giờ trước mặt tôi là một chàng trai cao, nhăng nhẳng gầy, điềm đạm từ tốn mà không thiếu dáng vẻ của thanh niên tự lập.

(2)

Nhân chuyện em bé xa nhà, nó được nhắc nhở chú ý không để bị dính líu quá sâu vào các mối quan hệ trong thời gian đầu nơi xứ lạ.

Lúc về nhà, tôi hỏi cái kẻ ra lời khuyên kia, rằng ý tứ đích thực là gì.

Nó thủng thẳng, chả nhẽ lại không thấy thằng bé và hoàn cảnh của nó là một "đám" hấp dẫn thế nào à.

Ừ nhỉ, chưa đi mà nó đã được mấy chị rủ rê cùng nhau thuê nhà, cùng nhau nương tựa, hứa hẹn đãi ngộ cái bao tử của nó bằng hồi cơm nước hàng ngày. Mẹ nó nghe xong hoảng. Tôi người ngoài nghe xong thấy hài.

(3)

Chúng tôi luyên thuyên chuyện gì đó thì quay sang cái chuyện tính chất "có thể bị lôi kéo, có thể bị lợi dụng".

Tôi nghĩ lại lần đầu tiên xa nhà. Ngố toàn tập. Và tôi sống sót. Nhờ phúc Bề trên, nhờ mối hạnh duyên kết nối với những người tốt. Chẳng [bị] ai lôi kéo, chẳng [bị] ai lợi dụng. Chính xác là tôi vô tư thụ hưởng những sự chiếu cố và chiều chuộng của mọi người.

Giờ tôi gần như không di chuyển khỏi Hà Nội. Không còn trẻ. Không có nhan sắc. Không có tiền. Không có địa vị. Không có bối cảnh. Nếu nhìn ngang sang cái đám tiêu chí áp cho em bé kia, làm sao tôi có thể nhìn mình như là một "đám" tốt. Vậy là cười khì khì, mình là looser đích thực 😂😂😂

(4)

Nhưng nghĩ thêm chút, già đi, sống nhàn nhạt, nhờ nhờ vậy cũng có cái hay của nó.

Các nhu cầu ngày càng có xu hướng co lại. Như thế sẽ không mất nhiều tiền bạc, thời gian và năng lượng cho mua sắm, cho truy cầu.

Đổ vỡ vốn chỉ là nguồn cơn của những khiếp sợ về tình trạng thất bại, về bế tắc không lối thoát, giờ lại hiện ra dưới khuôn hình khác: nó hứa hẹn cho một sự cách li vĩnh viễn khỏi vài thứ, vài người xấu xí, tồi tệ; nó hứa hẹn mở ra một hành trình mới.

Thay vì bị kéo lê trong bể sâu của những so sánh thiệt hơn, những đố kị được trát màu son phấn bởi những nhân danh quan tâm và hảo ý, những màn đấu đá tranh đoạt danh lợi tình âm hiểm mà cả kẻ thắng và người thua chung cuộc đều thương tổn đầy mình, rõ ràng hay ngầm ẩn, kẻ-đang-già-đi có cơ may biến mình thành gã u mặc có dư, không ngần ngại mổ xẻ cái thế giới psy hỗn loạn và tăm tối của y, tự trào phúng mình mà lại khinh lặng trước những xao động của tha nhân, của ngoại giới.

Cái cuộc sống tưng tửng, vô ưu, thậm chí đôi khi bị coi là vô trách nhiệm ấy, thực xem ra cũng đáng đi  😂😂😂😂😂

(5)

Tôi nhận điện thoại, nghe thêm một chuyện về người quá cố.

Hơn ba ngàn cuốn sách, chủ yếu là về lịch sử và tôn giáo, tiếp tục được tống tháo. Người đã từng là chủ nhân của chúng chưa một ngày làm việc hưởng lương trong đời.

Y phục cùng giày, bảo thủ trung thành với Brooks BrothersCole Haan, cũng được gửi hết cho từ thiện. Đó là chưa kể gần trăm cái cà vạt.

Tôi nghe chuyện phì cười, khắp nơi trên cái thế giới này, bệnh tích đồ xem ra không phải là chuyện hiếm. Và cơ hội cai-nghiện của tôi vẫn còn là khả thi.

(6)

Xen kẽ với việc đánh vật với những mô hình tổ chức cái chính trị của Badie, với việc chuốt các jets nham nhở của bài luận, tôi bắt đầu đọc, rất từ từ, Về nhà của Phan Việt.

trên đường

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

sugar man

Tối thứ Năm, tôi vật vã với cơn đau. Cuối cùng, thay vì uống thuốc giảm đau thì thành nốc rượu. Ghếch chân lên bàn, con giời ngả ngốn trên cái ghế dài, ngà ngà say tay bấm phím smartphone của TL chát chít với bạn. Đến lúc bạn bảo, nói chuyện với ông Paul nhá thì hoảng, kiếm cớ quên hết sạch phải nói năng thế nào, nhắn nhủ cho tớ gửi tới ông cụ lời chào và ba phát thơm má. Cuối cùng vẫn bị tóm. Lần này là luống cuống áp điện thoại bên tai, đi một vòng quanh nhà, sau thì nhảy phắt lên cái bàn học, chân đung đưa và cố nói mấy câu đúng ngữ pháp.

Ơn Trời, ông cụ già vẫn cứ là ông cụ già, người thích nói. Tôi nghe ông phê phán giới chính trị gia và truyền thông một hồi, sau là lời than, giờ tao là kẻ sống sót trong cercles bạn trường Mỏ, Crète và Coupole. Rồi một câu hỏi, mày biết tao bao tuổi không. Chỗ này thì tôi giỏi, đáp ngay tắp lự, chắc chắn là trên 90.

Tôi hứa viết email ngay, gửi ảnh ngay. Cái ngay ấy như mọi khi được kéo dài chút đỉnh. Thứ Sáu bận rộn cả ngày, thứ Bảy nhăn nhó đau nửa ngày rồi tối ra ngoài, chỉ đến cuối ngày đích thực thì lời hứa mới được thực hiện. Thư gửi đi, tôi nhớ ra còn mấy tấm cartes viết dang dở cho Bà Trẻ ở Sài Gòn từ mấy tháng trước vẫn chờ được kết thúc. Xem ra, ngày mai tôi lại có đống chuyện để mà kể lể :-)

Ông cụ Paul nói rất hài lòng về những "thành tựu" của tôi, còn tôi vừa nghe vừa nghĩ đấy là "tôi" nào vậy. Vấn đề là tất cả những gì đã đạt được thì đều là của thời quá khứ, và tôi chắc chắn không còn là con ranh con nếu không phải là mơ mơ màng màng thì lại là tinh tướng nghĩ mình biết tốt nhiều thứ và có thể làm nhiều thứ.

cầu phước xứ Miến - nghĩ đến ET
Cái suy nghĩ ấy được kéo dài và mọi thứ trở nên sáng rõ hơn khi email cho ông cụ Paul được viết. Tôi cà ràm véo von trích dẫn ông triết gia đanh đá Otto, rồi trịnh trọng kết luận, giờ đến cả từ trầm cảm tôi cũng không thèm dùng, rằng việc bấy lâu nay tôi cứ mải mê tự vấn liệu có phải tôi đã đánh mất sự nghiêm túc, yêu thích và nhiệt tình cho việc học và cho công việc ăn lương hóa ra là rất dở hơi vì câu hỏi đã bị đặt sai toét, rằng vấn đề đích thực của cái hành trình sống của tôi giờ đây là tôi thực sự muốn [làm] gì, muốn trở thành người như thế nào.

Tối nay khi đi ra ngoài, vui vẻ ăn ăn uống uống với một đôi bạn trẻ, im lặng nghe những điều họ nói với nhau và nói với tôi, với chúng tôi, tôi thêm một chút nữa thấm thía, thì ra cuộc đời là vậy, nghĩ kỹ càng thêm chút thì chỉ có vậy thôi, rất mực giản dị.

Hoặc cứ tiếp tục lao vào thế giới của những giả tướng, của những phù vân vật chất, không ngừng truy cầu vài thứ lấp lánh mang trên người, vài cái danh hiệu để khẳng định vị thế bản thân, bận rộn đem thân mình ra so sánh với thiên hạ rồi xả cơn phẫn oán hoặc không là tự trách móc bản thân, trách móc ông Giời keo kiệt cái túi may mắn. Hoặc yên tĩnh sống và thực hành, tất nhiên là không dễ dàng gì nếu không nói là với vô vàn khổ sở và thương tích đầy mình, cái lẽ sống chuộng sự giản dị, tu dưỡng bản thân, biết người biết mình và nhất là biết tuân thuận đạo lí của Trời Đất.

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

giải phẫu psy của kẻ tích đồ

Thứ Tư điên rồ bắt đầu với trạng thái lơ mơ kéo dài suốt cả sáng vì sự trở lại của đêm trắng mất ngủ.

Buổi chiều, lịch trị liệu bị hủy, tôi hẹn ngẫu hứng với HĐ và cứ như vậy mà có cốc latte thứ hai của tháng.

Đổi lại một cốc đúp thứ nước nâu theo yêu cầu, và hai phần bánh ngọt vốn chẳng có gì là đặc sắc của Highlands mà HĐ tự tiện gọi thêm, tôi chuyển giao cho nó một lèo 4 món vải Atelier, 2 chemise cổ Đức cho bà cô văn phòng và 2 cache-coeur điệu đà cùng một cái robe dài Mây, một tunic Mono và một pull tay cộc Uniqlo. Tất cả đều gần như mới tinh. Và tất cả, cho đến lần cuối tôi nhìn chúng trước khi nhét vô túi, đều dẫn tôi đên một câu hỏi duy nhất: tại sao tôi [đã/lại] mua chúng?

Tôi đã nghĩ mình điên, nhưng xem ra người trước mặt điên chẳng kém. Rất tươi tỉnh, rất thoải mái, HĐ nói với tôi, em vẫn giữ quần áo mặc trước khi sinh con. Lý do, đó là tài sản của mình.

Chuyện này, tôi chưa từng nghĩ đến. Níu kéo một dạng thức tình cảm có tên là kỷ niệm thì tôi biết và đã từng làm. Kiểu như tôi đã khư khư giữ chiếc quần Levis ống thẳng dài tít tắp của mình trong hơn mười năm trời bất chấp việc không thể nào nhét vô chỉ vì đó là món quần jean đẹp đầu tiên tôi có và nhất là do người lớn trong nhà mua cho. Tiếc của giời, lười dọn và bỏ cũng là những lý lẽ quen thuộc đối với tôi. Nhưng như là một thứ [chỉ là] của-tôi, nghĩ kỹ thì xem ra tôi còn lâu mới đạt độ trọng đồ vật như cô bạn nhỏ này.

Tôi kể chuyện đống khăn của mình, ba cái khăn của D cho HĐ. Nó bảo, không việc gì phải thế. Rồi nó mơ màng, ngày còn học đại học có bạn cùng lớp trong suốt một tháng trời không bao giờ mang trùng một cái khăn. Tôi nghe đến đó thì vội chuyển sang chủ đề khác vì biết nếu tiếp tục nói chuyện dọn đồ với nó thì cái mẩu dũng cảm xông pha dọn dẹp của tôi sớm lung lay và tôi sẽ mau quay lại nhịp routine mua & tích của mình.

Chào tạm biệt bạn, tôi trèo bus, bắt đầu hành trình về nhà của mình, lơ đễnh ngó nhìn những đàn bà và đàn ông lên xuống xe, những trang phục và những cử động cơ thể của họ rồi lại nhìn chính đồ vải mình đang khoác trên người, mấy miếng rách và tự vá lem nhem trên cái quần jean hàng vnxk mua đầu hè cùng họa tiết vui mắt của áo cộc Alain Figaret. Xem ra, cái sự lộn xộn và tùy hứng của tôi còn cần được chữa trị nhiều!

Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

decluttering đồ vải đợt 2

Cảm giác xen kẽ giữa rất tệsảng khoái!

Tôi nghĩ, mình bắt đầu thực sự ngưỡng mộ mấy người cứ im im chẳng nói gì mà vẫn cứ tự nhiên chỉn chu, lịch lãm và cũng là những tay cự phách trong màn áp dụng bọn nguyên lý essentialismminimalism.

Vậy nên, là một kẻ tầm thường đang đuối nước trong bể lộn xộn tầm thường của mình, tôi chỉ có một con đường, ngậm miệng lại và đơn giản là làm - tức là tiếp tục cái hành động vĩ đại: lọc và cho đi!

Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

bò cuốn cải xanh - công thức rút gọn

Nói "rút gọn" vì món được quyết định ngẫu hứng, trong bếp không có chuẩn bị trước nên dứa không có, khế chua không có. Món đúng như tên gọi: bò cuốn cải xanh [cay].

Thịt bò mua ở Thành Long, TL hỏi tôi Úc hay Mỹ, tôi ú ớ chẳng rõ. Túm lại là cái bạn nhập khẩu. Mềm!

Miếng thịt chừng 200gr, được ướp muối và tiêu hai mặt. Tôi bắt chước cô chủ kênh nấu ăn trên Youtube mới phát hiện ra hôm Chủ nhật vừa rồi nhân lúc rỗi rãi chờ bữa trưa Mẹ nấu thì ngồi bậc thềm ôm cái ipad xem này nọ - góc bếp thương thương với mẹ Nam Trân - miết thêm một hai giọt mắm [cốt] nữa :-)

Một miếng gừng bé xíu bằng đầu ngón tay út, một củ tỏi trắng kiểu Lý Sơn (tức là nó bé, còn là từ đảo thật hay không thì tôi chịu) chia tép rồi lột lớp áo, cả hai gừng và tỏi đập dập. Không có hành hương và hành tây, tôi lấy trộm một cây hành lá, xắt khúc bằng đốt ngón tay cả phần thân trắng và cọng xanh.

Thịt ướp nhiệt độ phòng chừng nửa giờ thì có thể mang ra rán. Chảo nóng cho dầu mè - loại Tường An nhẹ và trong suốt - vào rồi phi cái hỗn hợp gừng-tỏi-hành tươi nhanh tay để cho dầu thơm vị rồi khêu chỗ hỗn hợp đó không bị cháy. Tiếp là rán thịt bò. Tôi theo mấy cái clip hướng dẫn trên mạng, để lửa to, chừng ưng ý thì mới lật mặt rán tiếp. Sau nữa là tắt bếp thì để thịt tiếp tục tự chín bên trong. Lúc cắt miếng thịt thành các miếng dài, nhìn nước tiết ra và phần lòng vẫn đỏ thì rất khoái chí.

Rải lên đĩa một lớp áo bánh đa, tiếp là lá cải xanh, rồi thịt bò và cuốn. Hôm nay tôi vốn ướp thịt mặn vì định làm món rán ăn với cơm trắng, đến lúc thay đổi công thức thì đã quá muộn để cứu miếng thịt. Thành ra, bát xì dầu trộn wasabi TL để bên vừa thừa vừa thiếu. Chấm ngập chúng thì thành ra miếng cho vô miệng có chút đỉnh mặn. Còn không chấm thì lại thèm vị cay cay của mù tạt. Cuối cùng, tôi nghĩ ra trò hay, khêu nhẹ chút wasabi rồi tự tay chấm chấm lên miếng thịt trước khi cuốn. Ăn rất vui vẻ, trừ chỗ vụng để quá thì cay long óc.

TL lầu bầu tiếc là thiếu dứa, thiếu khế. Tôi nghĩ, nếu là chủ đích từ đầu làm món thì tôi sẽ còn bắt chước quán Huế Madame Lân đầu phố Tô Hiệu, ở đó món cuốn của họ còn có lá tía tô :-)

give away - sách (2)

Tôi dậy trễ sau một đêm thức trắng vì đau ê ẩm khắp người, đặc biệt hai cánh tay. Lý do hẳn là các hành động vung vẩy chặt tỉa cây cả ngày Chủ nhật :-(

Hôm nay tôi quay lại nghiêm túc với Badie. Thậm chí còn làm một suivi cho cái sự nghiệp trả nợ việc của mình.

Để tạo thêm động lực và hứng khởi làm việc, con giời quyết định tiếp tục dọn dẹp góc làm việc. Ở lối cửa ra phòng khách vốn có ba chồng sách cao tút, giờ sau khi hai cái thùng nhựa được làm đầy thì số cột sách giảm xuống còn hai, đứng ngoan sát tường.

Tôi bỏ Hồ Anh Thái và Nguyễn Trương Quý, những người mà sách của họ trong nhiều năm tôi đã rất chịu khó tích cóp và mỗi lần dọn dẹp lại tiếc rẻ giữ rịt. Giờ thì cho-đi.

Có cả ngàn vạn cách tri nhận về thành phố. Nguyễn Trương Quý đọc hay, tôi đã từng rất thích. Nhưng thế là đủ vì giờ tôi thích dành năng lượng của mình cho việc tự nhìn và tự ngẫm nghĩ hơn.

Còn Hồ Anh Thái, tôi đã ấn tượng vô cùng mạnh về cái mẫu hình giáo-sư-khả-kính. Nhưng rồi càng lâu nhận lương tháng, tôi càng biết đến những con người hiện thực còn lố bịch, tởm lợm và ngu xuẩn hơn cái nhân vật trong chữ kia. Mà giờ nếu người sống tôi còn chẳng quan tâm thì người-nhân vật lại càng không đáng. Vậy có thể cho đi tiếp.

Tôi tìm thấy một bản sách cũ của Rainer Maria Rilke. Phì cười! Tôi nhớ hồi còn chăm chỉ học tiếng Đức, đã hì hục đọc một đoạn thơ ngắn của ông tác giả này cùng một đoạn, siêu ngắn, của Bertolt Brecht, nguyên ngữ. Đọc xong, mặt mày vô cùng nghiêm túc thông báo với mọi người, từ nào tao cũng biết nhưng rốt cuộc là cái gì, tao không hiểu.

Tôi đang nghĩ, giữa Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổiSài Gòn ăn vặt thì nên giữ lại cuốn nào. Về căn bản, cuốn thứ hai hay ho hơn vì có hàng đống gợi ý địa chỉ ngó nghiêng, ăn ăn uống uống, thực coi trúng cái tạng tham ăn vốn dĩ của tôi 😂😂😂

Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

decluttering đồ vải - khăn quàng cổ

Gần 100 cái khăn, quá nửa là quà từ bạn đồng hành vui tính - người vào một ngày đẹp trời tự tiện quyết định rằng tôi là kẻ chuyên sưu tầm khăn lụa, nâng lên hạ xuống mấy ngày trời ra kết quả cuối cùng: 67 món được giữ lại.

Trong đám khăn give away, có không ít món mới tinh, còn nguyên nhãn mác và bao gói. Một số ít thì cũ mèm, tôi giữ chúng vì yêu thích, vì tiếc của.

Việc ít đi xe máy và ngồi bus làm cho sử dụng khăn cổ cũng có chút ít thay đổi. Ngày trước, mùa đông tôi sống chết phải có một tấm to sụ che chắn khi chạy xe máy. Còn giờ, sải bộ thì khăn lại cần nhẹ và gọn.

Hộp khăn được để tạm sang bên. Mấy hôm nữa, tôi sẽ lọc tiếp. Tất nhiên là việc này không dễ dàng gì. Vì trong cái hộp đó, có ít nhất là hai tấm the vốn là khăn Bà Nội cho tôi, mấy khăn cashemere đẹp vô cùng gắn với các chuyến đi và những người tôi yêu quý. Tôi đã không giữ cái xe máy quà Bà Nội cho, giờ kỷ niệm xem ra chỉ còn lại là mấy miếng the này nên bỏ thực không đành.

D nói với tôi ở nhà có hai món khăn ấm, còn loanh quanh Châu Á thì chỉ là dải khăn lụa mỏng khi đi máy bay, khi ốm hoặc khi phải ghé qua Hà Nội đúng vào tiết đông. Tôi không nghĩ mình có thể sống chỉ với ba chiếc khăn, nhưng từ 67 mà hạ xuống còn 30 thì hẳn là tốt :-)

Tối nay tôi ghép hai cái khăn Format tự xưng là lụa, một trắng một ghi, thành miếng rèm mới cho cửa ra vườn phía Bắc, thay cho rèm lụa cũ đã bị rách tả tơi do mấy lần tôi vụng về giật mạnh. Khổ khăn không che hết khuôn cửa hóa thành việc hay, vì chúng làm lộ ra các mép cửa sơn lem nhem vết bẩn.

Kết quả, cái cửa vừa có rèm che mới lại vừa được lau chùi sạch sẽ 😂😂😂

dọn vườn (2) bis

Cuối cùng thì nó là thế này :-)

1) Đồ gốm sứ bỏ đi: ba chậu hoa to, một chậu hoa nhỏ, một đôn.

Tất cả bọn chúng đều được lăn lóc trong vườn. Còn tôi luôn mang một hy vọng mơ hồ mỗi khi có chúng trong tầm mắt, có ngày mình sẽ dùng đến chúng.

2) Túi rác cây: bốn túi đen to đùng.

Chủ yếu là cỏ và cây dại cùng các cành khế, cành đào và đám dây leo thừa thãi.

Nhưng cũng có những món tôi tiếc rẻ một lúc: đám dây vạn niên thanh hì hục trèo tường lá rất to và rất đẹp. Mấy bạn tía tô cao vống. Đám cành mồng tơi lòa xòa ra phần sân đi lại.

Vấn đề là mồng tơi có bỏ bớt thì vẫn đủ ăn cả tuần cùng đám dền đỏ. Tía tô chặt ba bốn cây vẫn còn ba bốn cây nữa. Còn vạn niên thanh, đơn giản là tôi phải chọn giữa sân vườn và tường được gọn ghẽ với đám cành và lá vui mắt bám tường, cuối cùng tôi chọn cái thứ nhất.

(3) Các miếng gỗ và thanh tre chờ xử lý: 2 đọt gỗ dài vốn là khung thêu chăn khổ lớn của cửa hàng, mấy thân trẻ không rõ nguồn gốc.

Lúc tôi đang tỉa tót các cành khế vướng cửa ra vườn phía Bắc, có người gọi cổng, bác ơi, bác ơi. Nhìn ra, một ông lạ hoắc hỏi xin lá khế với lời giải thích để tắm cho em bé. Tôi cẩn thận nói, đây là khế ngọt, nhưng người hỏi xin bảo cũng được. Một nắm to được cắt và tuồn phía nóc cổng đổi lại một tràng cảm ơn. Tôi nhớ có lần dị ứng, cũng dùng mấy cái lá khế ngọt và hóa ra chúng cũng có ít nhiều tác dụng.

Hôm nay, sau màn chặt phá và bỏ đi, tôi có kết luận long trọng, cái tạng tôi không thừa hưởng gen trồng và chăm cây từ Mẹ. Có cái cây, từ cây cảnh tới cây rau, thích thì tôi có thích. Đến đoạn chăm thì tôi bắt đầu lười. Còn bảo là đam mê, là vui thú, lúc trước tôi còn lờ mờ chứ giờ thì dứt khoát là không. Cái đoạn này xem chừng không hợp mốt sống xanh cho lắm, nhưng biết làm sao được khi cái lười trong tôi vẫn cứ là ở thế thắng :-)

đây mới chỉ là non nửa túi :-)

dọn vườn (2)

Khi cửa hàng dọn đến, đã có thỏa thuận rõ là không có tiết mục sinh hoạt đời sống - tức cái sự ăn ăn uống uống nấu nấu nướng nướng. Một thời gian sau, xuất hiện một hai cái bát, một hai đôi đũa, rồi nồi cơm điện, rồi chậu bát đũa, giá tích cóp đồ đựng nhà bếp đủ cho một mâm. Có lần tôi tỏ ý không hài lòng, Mẹ bảo thông cảm cho người ta, ăn uống vậy sạch sẽ và tiết kiệm. Tôi bỏ qua.

treo, treo và treo
Nhà ban ngày vắng chủ, từng chút từng chút một khách thành chủ, lúc đầu giặt giũ, phơi phóng một hai miếng vải nhỏ, sau thì dây phơi thường xuyên trĩu nặng các mớ vải đủ sắc màu, rồi sau nữa là quần quần áo áo cho đến cả đồ lót, tất vớ.

Có con bé quê ở Phùng Trôi Nhổn Tó gì đó bán hoa quả ké cổng trước nhà nhiều năm. Lúc đầu nó đi nhẹ nói khẽ xin phép đi vệ sinh nhờ, đến mấy ngày cận Tết thưa hỏi nhờ để hoa quả ké ngoài sân vườn. Giờ thì nó đương nhiên để trong vườn một cái dù che to tướng, đi đi lại lại trong vườn như chủ nhân ông, cứ dăm bữa nửa tháng lại có một đôi mẹt quả để qua đêm trong sân vườn.

Mà trong vườn ban ngày không chỉ có nó, thi thoảng có mấy bà hàng xóm tôi vốn chẳng chơi bời gì. Rồi đôi lúc là những khuôn mặt lạ hoắc. Tôi vừa bực vừa buồn cười, từ bao giờ nhà mình lại thành cái sân hợp tác cơ chứ.

Hôm trước tôi cứ ngó đi ngó lại tưởng mình hoa mắt, có cả một xe gỗ trẻ con, mấy cái can La Vie loại 5 lít được ngoắc vào nhau treo lủng liểng, dưới nền đất là tá lả chai 2 lít, nửa lít. Tôi kêu cửa hàng phải dọn, được nghe phân trần nhà hàng xóm bên kia cầu thang đang dọn nhà gửi nhờ. Từ bao giờ, vườn lại thành cái kho chứa cơ chứ!

Hôm nay tôi dọn tiếp vườn, bốn năm cái túi cỏ, cành leo và cây nhỏ được nhổ sạch nhét vô chờ bỏ. Hai chậu sứ trồng hoa và một cái đôn sứ được để lay lắt trong vườn nhiều năm với ý định ngày nào đó sẽ trồng cây hôm nay cũng được tống tiễn. Tôi vẫn tiếc mớ chum vại nhiều năm trước lọ mọ đặt ở Phù Lãng. Nhưng ai mà biết được có ngày tôi lên cơn điên sẽ cho đi tiếp.

Tôi chẳng biết là đọc được ở đâu hay nghe ai nói, đại ý người thiên hạ xét về cái đoạn ý tứ và sĩ diện thì có hai loại lớn, một có một không. Cái loại có thường thua thiệt. Còn cái loại không, có kẻ thi thoảng còn tý áy náy và liêm sỉ thì biết đường dọn cái đống lộn xộn mình gây ra, biết mở lời thưa gửi  bày tỏ cái áy náy của mình, biết lùi lại một tý nhường nhịn người khác; còn lại là cái đám cứ theo đà mà vô sỉ phóng đại, quên mất mình là ai, ở đâu.

Tôi nhìn ngắm sân vườn, ngẫm nghĩ. Trời ạ, đây là nhà mình mà!

Vậy nên sang tuần có chút kỷ luật cần được thiết lập. Không có lý do gì mà trong một nhà lại có một nhà. Càng không có lý gì nhà mình thành cái kho chứa đồ của người thiên hạ!

cây curry giờ đã cao ngút


Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

món kho vị sa tế - sườn, đậu phụ và mộc nhĩ

Món này tôi làm ngẫu hứng, điên điên khùng khùng nghịch ở trong bếp. Ra thành phẩm lúc nóng sườn ăn ngon. Còn khi nguội, các miệng đậu rất đậm đà, ăn vã chơi rất thích.

Nguyên liệu 
- Đậu phụ 2 bìa xắt thành 6 phần nhỏ, rán, để lửa nhỏ, kiên nhẫn chờ các miếng đậu vàng rụm. Xong xuôi chờ các bạn ý nguội
- Sườn 2 giẻ, chặt khúc theo ý, chần qua nước sôi, ướp với bột canh
- Sa tế 1 lọ
- Dầu mè (loại nhẹ - tôi dùng Tường An)
- Xì dầu (tôi tiện tay tìm bạn hàng Việt Nam yêu nước - Phú Sĩ, vị nhẹ so với xì dầu Nhật hay Trung Quốc)
- Mirin
- Đường nâu chừng già một thìa cafe
- Hành tây 2 củ nhỏ bổ cau 1/8
- Hành tươi khoảng 5-6 cọng, cả thân trắng và xanh xắt khúc lớn dài chừng đốt ngón tay

Làm món kho
- Nồi đất láng mau tay một lớp dầu mỏng, đặt mộc nhĩ rồi sau đó là hành tây
- Đậu phụ và sườn xóc với sa tế và đường rải lên trên
- Trên cùng thêm một lớp hành tây và hành hoa xắt khúc
- Rưới chút xíu dầu mè, chút xíu xì dầu, thìa súp nước mirin và một một phần nước sao cho xâm xấp.
- Đun lửa to chừng sôi trong nồi thì hạ nhiệt, để liu riu cho đến khi cạn là được.

Tôi xấu tính, mộc nhĩ khêu chơi vài cái gọi là, hành coi như chỉ lấy vị nên không quan tâm. Còn lại sườn nóng ăn vã chơi, cay cay, ngòn ngọt, thơm thơm, mềm mềm, rất thích.

Riêng đậu phụ, ăn nóng ngon. Nhưng tôi thích hơn cả là món nguội cất vô tủ lạnh, bữa sau cho quay tít thò lò trong lò vi sóng, lúc ăn nóng lần 2 cảm giác vị đậm đà hơn lần trước.

Cái này không biết có phải là do cùng nguyên lý như một vài món ninh - ninh lại lần 2 bao giờ cũng ngon hơn (ví dụ, canh dưa, canh măng khô). Hay thực ra chỉ là vì bữa đầu các con giời ăn sườn đã no, nên đến bữa kế mới có chút hảo vị dành cho các miếng đậu phụ :-)

Lần sau tôi sẽ thử thái các sợi mộc nhĩ thật mỏng. Chắc cái ếp-phê sẽ khác đi chút chút!

bắc ninh 12.8.2017

Mọi người kêu oi, bức, nực ầm ĩ. Tôi ngồi nhà dọn dẹp và/hoặc ôm cơn đau nên chẳng thèm quan tâm để ý. Hôm nay về thăm thầy u, đến tầm trưa sang đầu chiều thì biết thế nào là cay nghiệt của tiết trời.

Chúng tôi rời Hà Nội sớm để tránh cái nắng theo gợi ý của TL. Đường đi còn vui vẻ nói chuyện trên giời dưới bể. Đến chiều đường về thì tôi lăn quay ra ngủ từ đầu đến cuối.

Khoảng vườn nhỏ trước nhà ngập sắc hoa. Đám hồng leo bắt đầu bò lồm ngồm, cho hoa nở tung tóe, tôi coi thật chẳng đẹp nhưng ké mũi ngửi, đúng mùi xưa cũ. Mẹ kể chuyện có cậu thanh niên không quen biết đến gọi cửa, gạ gẫm xin trao đổi các giống hồng. Sau mấy bận tới lui, xem ra vụ trao đổi từ lời đã thành hành động.

Ngoài vườn, Mẹ có ruộng ngô giờ đã cao lút đầu người. Hỏi bà cụ già sao lại là ngô, câu trả lời đỡ phải đối phó bọn sâu. Lá ngô khềnh khàng ăn sang phần đường lát gạch, đi qua không khéo chạm phải, cánh tay có cảm giác xương xước. Rau trong vườn đợt này không dồi dào nhưng con ăn xin vẫn được làn đẫy mấy loại rau củ khác nhau.

Hôm nay Mẹ đãi các con bún riêu cua. Rau ghém có thân chuối và rau muống chẻ cùng các bạn tía tô, kinh giới tuốt tuột đều là vườn nhà. Con như mọi bữa, tham ăn tục uống, vục mặt vào cái bát tô, xong xuôi đứng lên ôm cái bụng căng phồng hỉ hả.

ăn xin ớt khô sạch
ớt thu hoạch từ vườn nhà
cây leo cổng tưng bừng cho hoa
chủ điểm của vườn - ngô
ngó vườn
rau xin về nhà hà nội
ô trống hiếm hoi khoảnh vườn trước nhà

nhắc việc của người già

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

các tầng cúng

(1)

Vô tình tôi được nghe giải thích về các "mức" đồ lễ.

Đĩa xôi là mức thấp nhất, tầm thường nhất.

Con gà [luộc] là để xin Các Ngài một điều gì đó.

Còn đến cái đầu heo quay thì là để tạ lỗi trước Các Ngài.

(2)

Giờ tôi đã hiểu tại sao bà cụ già nhà mình, gần như vô thần vô thánh nhưng đồng thời cũng là một đại cao thủ võ lâm của giới những người "thần hồn nát thần tính", lại tránh tối đa việc bước chân vào cửa đền, cửa chùa, cửa quán. Có một đôi lần, chính Mẹ cũng nói rõ, sợ vô tình mà mắc lỗi.

Có ai làm bếp kiêm thầy cúng giải thích được tại sao là đĩa xôi, con gà và cái đầu heo mà không phải là đồ ăn khác?

(3)

Tôi lại nhớ chuyện hồi tháng trước, con bé hàng xóm cũ vẽ chữ vuông, giải thích cho TL nhà [gia] có hình cái mái [nhà] và con lợn ở trong.

Có kẻ phá đám đi qua, ngó vào mặt mũi tỉnh bơ hỏi, tại sao không phải là grandma mà lại là con lợn. Lập luận của kẻ này là nhà ai mà chả có bà [nội/ngoại].

(4)

Vậy thì chắc cũng chẳng cần hỏi tại sao là xôi, tại sao là gà và tại sao là thủ lợn, nhể 😂😂😂   

decluttering đồ vải - một chút thành tựu

(1)

Thành tựu buổi chiều, trước khi rời nhà

60 món quần và áo đóng túi gửi về Bắc Ninh. Đó là chưa kể tổng các đôi tất để trong cái xô câu cá - cũng là gửi đi - còn vượt quá cả con số đó.

Phần lớn ở tình trạng "không còn phù hợp".

Đó là cớ bao biện dễ dãi nhất mà tôi có thể nghĩ ra.

Tôi cảm thấy có chút áy náy, có chút sỉ nhục, nhưng nếu không bắt đầu như thế này thì tôi sẽ mau chết ngập trong đống đồ vải. Và tệ hơn, tôi sẽ tiếp tục lờ tịt đi cái thứ psy bệnh hoạn hoan hỉ tích trữ đồ này.

(2)

Đến tối muộn, trước giờ đi ngủ thì thành thế này

60 món đồ của tôi đã bớt đi ba áo t-shirt Don gần như là mới nguyên, một TL giữ làm áo mặc ngủ, hai cái còn lại gạ gẫm được hai đứa trẻ con lấy dùng. Tôi nhấn mạnh, cộc tay nhưng cổ cao, đảm bảo "kín cổng cao tường".

Lúc tôi chỉ hai cái túi to đùng, TL bảo chờ đã, em cũng có. Rồi nó nhìn ngó đống đồ, nói tại sao không cho nhà bột sắn dây. Tôi quên béng mất người này, không cao bằng tôi nhưng to ngang ngửa tôi, có không ít món có thể dùng để đi làm vườn. Không ít món vốn để mang về Bắc Ninh nay lại được đóng túi riêng chờ nhà bột sắn sang lấy.

TL góp thêm một túi lớn. Nó rất đắc chí, nói đại ý không lãng phí đồ gần như còn mới giống tôi. Còn tôi, cù nhầy chỉ vào cái ngấn bụng, thế này thì nhét người vào thế quái nào được.

(3)

Lúc giữa ngày tôi ngồi nắn nót email khoe thành tích với TA.

Tối nhận email trả lời, đọc được câu động viên "Hề hề, tiếp tục cố gắng. 3-4 đận nữa là 'giang sơn sạch bóng quân thù 😂😂".

một trong những món đồ yêu thích 
và là ví dụ của "chờ ngày mình gầy đi" vô cùng nhảm nhí
Nghe mà khiếp!

(4)

Nhưng đọc phần tiếp email của TA tôi còn khiếp hãi hơn.

Chuyện về một gia đình chúng tôi quen biết.

TA kể nhà đó giờ chẳng khác nào cái kho. Chỉ còn mỗi cái lối đi. Phòng ăn chỉ đủ chỗ cho 2 cái ghế và hai đôi chân. Phòng ngủ đủ chỗ cho lối đi vào giường. Bếp đủ chỗ đứng và mở cửa tủ lạnh. Mỗi khi cụ ông nói chuyện dọn dẹp là nhà có chiến tranh. Còn cụ bà doạ tự tử nếu chồng vứt đồ. Rồi nữa, trong nhà có cả 100 cái bàn chải (khăn tắm tương tự) gắn tên từng người (có bàn chải của người đã chết).

(5)

Tôi có gần 200 đôi tất, gần 100 cái khăn quàng cổ các loại.

Vụ này tốt nhất là không kể với TA 😂😂😂

(6)

Tôi bỗng nhớ căn phòng có độc chiếc giường thấp Kenzo nhìn ra khu vườn yên tĩnh ở Paris.

(7)

Có thể tôi bị coi là điên rồ, là cùn, nhưng cho đến giờ tôi gần như tin một cách chắc nịch là tinh giản thực sự thì thường đắt đỏ và ở một chiều khác, càng có nhiều đồ càng chứng tỏ cho tình trạng nghèo [nàn/hèn].

Ít nhất, điều này đúng với tôi.

(8)

Vậy nên, tôi cần tiếp tục nỗ lực làm cuộc cách mạng decluttering, nhể 😂😂😂😂😂