Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

goodwill therapy

(1)

Sáng lơ mơ tỉnh giấc sau một giấc ngủ chật vật vì hai cái lỗ to tướng ở chân hành hạ suốt cả đêm, bước ra hành lang thấy cửa trước mở toang cánh gỗ, sau lớp cánh kính là ông đưa thư đang bước lên bậc tam cấp.

Bỏ đi không được, đành nguyên cái đầu xù và cái mặt ngái ngủ nhe răng mở cánh cửa kính nhận bưu phẩm, chào hỏi mấy câu chúc ngày mới tốt lành.

Ngoài thư và tạp chí hôm nay còn có một cuốn quảng cáo của Macy's. Tiện tay ngó chơi khi ngồi uống cafe sáng, thấy rơi ra tờ mẫu thử kèm thông tin mã giảm giá cho J'adore của nhà Dior. Hương nồng và ngọt. Lại càng thêm nồng nàn và ngọt ngào với hình ảnh Charlize Theron như một pho tượng vàng biểu đạt hình ảnh mơ ước của người đàn bà trưởng thành.

Lại nhớ vừa mới sáng qua nhìn thấy bìa sau The New York Times Style Magazine một Keanu Reeves hình tượng cho Saint Laurent, đầu cúi nhẹ trầm tư. Bức hình đen trắng bố cục đơn giản, nhưng mị lực của nó, và cả phần nào là người trong ảnh - diễn viên yêu thích của ai đó, không nhỏ chút nào.

Tôi có lịch sử tích trữ mấy món Elle phiên bản tiếng Việt phục vụ cho bài giảng chị em, thấy phần lớn các bức hình trong các số tạp chí quá màu mè và rườm rà. Hai ngày rồi, hai bức hình thương mại này lại để lại một ấn tượng lạ lùng. Tất nhiên với lịch sử gần hai mươi năm trung thành với Fareinheit, tôi sẽ chẳng có lý do gì để tìm kiếm hương ngọt nồng J'adore kia. YSL lại càng không vì tôi không phải là giống đực. Mà thêm nữa, hai lý do đích thực nhất, quan trọng nhất là tôi giờ chắc nịch vị trí người vô sản và mấy cái sự cao hứng thích và thèm [khát] thứ này thứ nọ xem ra đều đã phai màu trong tôi.

(2)

Sau gần ba tháng trời tính từ ngày ở quán rượu trong thành phố hai ông già tám chuyện vô tình thòi lòi ra cái tiết mục Tag Sales, cho tới hôm nay, công cuộc dọn dẹp nhà cửa, cho đi và/hoặc tống khứ đồ vật đã hoàn tất một hành trình.

Vì cơn bão, lịch bán hàng ở bãi cỏ trước nhà từ ba ngày rút xuống còn hai. Chủ nhà lấy tiền bán hàng một ngày, hơn 260 đồng. Tiền thu về ngày còn lại dành cho hai bà cụ giúp việc tống khứ đồ. Hết ngày, chủ nhà ra sức gạ gẫm hai bà cộng thêm một bà chị của hai bà, thích gì cứ thoải mái lấy, trước khi chúng [những món còn lại] đi prawn shopGoodwill. Ba bà cụ phấn khởi nhặt món này món nọ, xem chừng đến lúc ngại thì dừng tay. Tôi thực muốn các bà lấy thêm, nhưng rồi lại nghĩ nếu là mình thì cũng ngại, nên thôi không nói gì.
một người giàu có 😊

Đống đồ điện tử hôm nay được cho ra pawn shop trong thành phố, thêm 40 đồng thu về. Tổng cộng, tiền giấy và tiền xu thu chốt đặt lên bàn là hơn 300 đồng chút xíu.

Còn lại, toàn bộ sách mấy thùng lớn được gửi cho thư viện thành phố. Còn lại, vô thiên lủng các tấm gương soi lớn chuẩn vingtage, đĩa nhạc cổ điển, bộ sưu tầm khổng lồ Chrismas CD, giày bốt, áo khoác đại hàn, một dãy suits cùng một mớ hơn bốn chục cái cà-vạt tuốt tuột là Brooks Brothers gần như mới tinh của người quá cố có lịch sử cuộc đởi là không đi làm hưởng lương dù chỉ một ngày nhưng khi còn ở trên cõi nhân gian mang dáng vẻ của một ông giáo già chuyên về tôn giáo đến từ Yale, đủ loại set đồ sứ bày bàn ăn lẫn cốc, lọ, nồi chảo và hai thùng to tướng các món knich-knacks được chuyển đi Goodwill.

Tôi trêu gia chủ, giàu to. Có người lập tức mơ màng nghĩ đến cái lò đốt củi ngoài trời thứ hai cho nhà ở Massachusetts. Tôi hỏi giá bao nhiêu. Chính xác là 199 đồng. Lại tiếp tục đùa, vậy số dư mua lotto hỉ.

(3)

Tôi nghĩ về hai bức hình quảng cáo và đặc biệt là mấy mẩu nghĩ rời rạc trong đầu mình về chúng thì muốn cười thật lớn. Cuộc đời buồn tẻ của tôi mấy chục năm qua có không ít lên xuống lộn xộn khát cầu món này món nọ, nhưng thường là trong trật tự của những thứ nằm ngoài dòng chủ lưu của các yêu thích tuổi thiếu nữ, tuổi nữ cường nhân trẻ tuổi chân ướt chân ráo bước vào thế giới làm nghề, tuổi bà mẹ trẻ, tuổi nữ phụ dồn gần hết lực bận tâm vào việc giải quyết mấy nốt nhám trên mặt, mấy đường nhăn trên cơ thể và làm sao canh giữ đức ông chồng của mình cho tốt. Không có áo quần váy xống theo mốt trên phố hay túi xách hàng hiệu chuẩn hãng, fake 1, fake 2 chi chi. Không có son son phấn phấn được rì-viu ồn ào trên cái mạng nhện. Không có giày ủng gót cao lênh khênh và/hoặc phải thòi ra mấy cái chữ cái đại diện cho nhà [mốt] này nhà [mốt] nọ, dù là hàng mua ở tiệm lớn trung tâm Paris hay đơn giản là made in China. Lại càng không thuốc tăng cường sinh lực và/hoặc trẻ hóa hòng cứu vớt tuổi thanh xuân vốn đã đi mất từ đời tám hoánh nào.

Nhiều năm trước, đã có lần chúng tôi ngồi tám chuyện, tưởng nói dzóc mà tính ra thì lại chạm sự thật. Học bổng hai năm học dịch cộng với tiền lẻ thu về từ việc chạy loanh quanh mấy món đề tài của các đại giáo sư và nhất là các món không nhỏ từ dịch dzọt này nọ, cộng lại vào một thời điểm nhất định tôi hoàn toàn hẳn đã có thể mua cho mình căn hộ xinh xinh của một dự án chung cư nào đó trên đường Nguyễn Văn Lương vẫn còn um tùm cỏ ruộng hoang và cát lấp. Nhưng số tiền ấy đi đâu? Vào bộ sưu tầm đồ bạc của người dân tộc, vào tủ quần áo indigo, vào một tủ bày toàn đá là đá, vào sách chuyên môn cho các bài giảng, vào vài chuyến đi chơi loanh quanh xa Hà Nội, và nhất là vào lịch trình lêu lổng dài bất tận trong thành phố ngày qua ngày.

Sách mua cho món chị em, cho món các tư tưởng này nọ, cho các thế giới của đức tin cuối cùng tính ra chỉ được sử dụng chừng một phần mười số nằm xó trong nhà. Rất nhiều cuốn thực chẳng hề được đọc ra hồn. Rất nhiều cuốn thực chỉ được coi kỹ cái mục lục. Tôi không quên cảm giác của gần mươi năm trước, nghiêm túc ngồi im mấy tháng trời sản xuất một bài ngắn trong đó có một trích dẫn ông già Paulo Freire yêu thích của mình. Vài tháng sau, bài được gửi biên tập cho một cuốn sách, quý anh chị sửa bài xóa gọn ghẽ cái trích dẫn cùng một đoạn bản thảo với lý do nhạy cảm. Với món chị em cũng vậy, càng có chức vị và/hoặc càng đanh đá to mồm lấn lượt thì càng là người nắm giữ chân lý, một kiểu chân lý-[tự] diễn giải bất chấp sự đa dạng của tư tưởng, bất chấp nguyên tắc tôn trọng [những] sự khác biệt, một kiểu chân lý-[tự] diễn giải đóng khung cứng nhắc, chủ quan và chuyên nhất. Tôi chịu không theo nổi ví dụ của ông thầy nổi danh tinh tế, uyển chuyển và khéo leo đu dây trong ngôn từ và trong các mối quan hệ của mình. Tôi chán ghét khi nghe câu cửa miệng, cái đấy/tay đấy mình còn lạ gì. Tôi chán nản khi cứ thi thoảng lại nghe một nhỏ to tâm sự, đành rằng cũng biết là... nhưng cơm áo gạo tiền mang một gánh nặng trên vai, thôi thì... Nếu có một Julien Benda phiên bản Việt thì chuyện kể sẽ là quý làm nghề trong môi trường làm nghề nếu không phải là nói như không nói thì sẽ là tám chuyện thời sự trên mạng xã hội, sau đó ở các cuộc tụ tập hảo bằng hữu ngoài công sở bỗng hóa thành đại chuyên gia, cái gì cũng biết, nói gì cũng hay. Tôi đã từng tưởng đi theo xu hướng này. Nhưng cuộc đời vui tính, số phận trêu đùa, phần lớn thời gian trong thế giới thầy bà, tôi giống như một con bệnh trầm cảm, chán ngán chẳng muốn mở miệng nói năng thì lấy đâu ra mà thành người sâu sắc bên một bàn bia. Cái giấc mơ vô tư ngắn cụt lủn có được từ những ngày ngồi ê a ở các lớp học của EFEO Hà Nội, sau đó là thế giới Sciences Po ở Paris chết yểu lúc nào chẳng hay. Sách vở chất đống một góc nhà từ dáng dấp kinh viện nhảy phắt thành bí kíp nhảm dạy cách trưởng thành trong đời hoặc không là một thùng tướng chuyên đề nấu nướng. Tôi là một loser đích thực theo định nghĩa của xã hội [hiện tại] về cái món có tên thành đạt với phép đo lường là một tên gọi/chức vị trong hệ thống, một cái nhà, một cái xe hơi, chồng không có một chức vị nho nhỏ trong hệ thống thì là ông doanh nhân thành đạt cấp phường, và con học trường [chuẩn] quốc tế tại chỗ hay du học.

Các chuyến chạy xe đến Goodwill hai ngày vừa rồi có hai điểm tới, một trung tâm nhận đồ nho nhỏ với cậu nhân viên tuổi như thể chưa chạm ngưỡng đôi mươi, mặt buồn rười rượi; một còn lại là trung tâm nhận đồ và cửa hàng qui mô vùng, nhân viên là mấy ông già mặt vui hơn hớn có, rầu rĩ lê lết có, da trắng có, nâu đen có, mũi tẹt da vàng có. Ở Goodwill nhỏ, áo quần xếp đống ngay trên nền đất, nhăn nhúm, bốc mùi. Còn ở Goodwill to, đó là cả một thế giới không có đường biên giới. Tôi thấy nào ghế dài, nào tủ áo, nào kệ kê, có những món cũ mèm, nhưng cũng có những món như thể chui ra từ một nhà giàu có thói mỗi năm thay nội thất một lần, đồ tốt và đẹp kinh khủng. Tôi mắt chữ a mồm chữ o chỉ hết cái này đến cái khác, không ngớt lời cảm thán như một con dở. Trời ơi, đây chính là kệ đẩy bếp mình muốn. Ơi Trời, đây chính là cái tủ nhỏ chia ngăn kéo nhiều tầng mình cần... Chuyến cuối mang đồ đến đây, trong một tích tắc tôi gần như nghẹn thở khi thấy ông nhân viên dáng dấp người Hoa nhẹ nhàng nhấc và xếp bộ tranh tứ bình vẽ bằng mực tàu chủ đề hoa cỏ. Tôi nhớ ngôi nhà thiếu sáng của ông cố Tàu với không ít các bộ tranh truyền đời trong đó, nhớ căn phòng nhỏ trên phố Huế bày không ít các khung tranh của gia đình Chị H. Một tiểu-thế giới tôi gần như đã quên lãng giờ bỗng hiển hiện trước mặt nhờ bốn cái khung tranh này. Cũng trong một tích tắc, trong tôi thảng vụt một ý nghĩ rất nhảm, mình muốn chúng.

Tất nhiên là cái màn cướp đoạt trong tưởng tượng kia không bao giờ hóa thành sự thật. Thêm nữa, sau tích tắc thăng hoa của cơn thèm khát họa phẩm kia, tôi còn kịp nhìn mà muốn vô khối món đồ được thả vào hay được dỡ ra từ các xe đẩy hàng kích cỡ một thùng xe bán tải. Tôi không có khả năng dùng từ ngữ để chụp lại các nếp não rối tùng phèo của mình trong mấy quãng thời gian ngắn ngủi ở Goodwill. Đơn giản là chính là ở đó, tôi thêm một lần nữa nâng tầng nhận thức - nói hoa mỹ là ngộ đi - về không chỉ sự thừa thãi, vô nghĩa của đồ vật; mà còn là cả về cái sự thật mỗi ngày một rành mạch, ờ hóa ra mình có thể sống mà không cần tới chúng.

(4)

Những ngày này tôi giống như một người mắc chứng rối loạn lưỡng cực.

Với người ngoài, nhìn từ bên ngoài, tôi vẫn là tôi, nhăn nhở nói cười, lảm nhảm vài câu khi đi ra ngoài, chăm chỉ chuyên cần đào xới mấy ô đất trong vườn, chạy tới lui trong nhà dọn dẹp lau chùi này nọ.

Nhưng ở trong nhà, khi chỉ còn mình ta với ta, nhất là giữa các đêm trắng mất ngủ, ôm hai cái chân thủng lỗ, tôi thấy mình từ từ rơi xuống hố sâu của những suy nghĩ u ám, thậm chí là ý định tự hủy hoại bản thân một cách triệt để.

Chủ đề này vốn có một lịch sử dài. Nếu tôi nhớ chính xác, nó bắt đầu vào khoảng năm hai hay năm ba đại học gì đó. Lần duy nhất không làm người nói năng ôn tồn, Sym gào lên, chỉ có tao hiểu và chịu đựng được mày. Tôi lúc đó chỉ là con nhóc mải chơi trong thành phố nên chỉ kịp sống vài giờ chấn động thì đã vứt toạch sau lưng một mối quan hệ tốt lành. Nhấm nháp cảm giác khó chịu, đau đớn và nuối tiếc là chuyện của rất nhiều năm sau này. Giữa các khoảng thời gian, tôi không ngừng tám chuyện tự sát ở tuổi bốn mươi. Qua ngưỡng đó mà vẫn còn nhăn nhở trên đời, trong đời, tôi tưởng đã thoát khỏi lời đùa lố bịch nhưng té ra không phải. Một sự hiểu lầm kiểu vô thưởng vô phạt, một cơn tủi thân hờn giận kiểu vô duyên vô cớ tự làm mình làm mẩy, một trận cãi vã nhỏ, đều đủ đưa đẩy tôi đến chỗ dây đu psy cùng ý nghĩ tôi muốn kết thúc.

Đã có lúc tôi nghĩ mình thực nhố nhăng, ai lại đi thi vị hóa cái phần bệnh hoạn đỏng đảnh trong mình như thế. Lại có lúc tôi tự hỏi, hay mình thực sự bệnh. Cuối cùng, cái kẻ chân không chạm đất cật chẳng tới trời là tôi hài lòng với hoàn cảnh sống và nhận thức mơ hồ này. Thay vì đặt câu hỏi rõ ràng và tìm một hay nhiều đáp án cho nó, tôi tiếp tục sống.

(5)

Cho dù thi thoảng nghĩ đến nó thì về căn bản, tôi càng ngày càng rời xa câu hỏi đích thực tôi là ai, muốn gì, có thể làm gì. Ở đâu đó rất sâu trong tôi là một neo bám mơ hồ của psy vào thứ có tên số mệnh, phúc phận. Nhìn lại nhiều chuyện đã xảy ra, đã đến với mình, tôi phát hiện hòng cứ cố với thì rất khéo ngã đau, còn lơ ma lơ mơ sống theo kiểu đến lúc chuyện nó phải là vậy thì nó ắt là vậy, tôi hóa lại sống yên tĩnh ngày qua ngày.

Tất nhiên nếu là tôi của mười hay hai mươi năm trước, hẳn sẽ có màn tôi phẫn nộ với chính bản thân, hẳn sẽ có một trận tự sỉ vả ầm ĩ kiểu sao mày có thể hèn nhát chui trong kén, vô trách nhiệm với bản thân khi cố thủ trong cái comfort zone của mình. Nhưng giờ đây chuyện có thể là gì? Một quá trình co rút không ngừng hướng về cái tâm-ngã của bản thân. Mỗi ngày trôi qua, sự hứng thú và thậm chí là bao đồng đến ngoại vật, ngoại nhân lại càng tiết giảm. Còn lại với chính mình, tôi vật lộn cố gắng làm cho các suy nghĩ trở nên rõ ràng nhất có thể, cố gắng nghĩ chu đáo nhất có thể về một chuyện cụ thể mình đang đối mặt. Ý nghĩa của cuộc sống, của sự tồn tại trên cõi đời này khi được đặt ra có vẻ như sặc mùi nỉ non triết lý hay tâm linh à la mode. Nhưng thực tôi biết rõ, cái đoạn đấy đã qua từ lâu rồi. Giờ đây, những câu hỏi kiểu này đặt ra xuất phát từ chính cuộc sống thường ngày của tôi, trong trọn vẹn tính cá nhân, riêng tư và tầm thường của nó.

Tôi làm vườn, nghịch ngợm trong bếp, đọc cái này cái nọ, khám phá các tầng âm thanh mới, đi bộ, đạp xe, ngó nghiêng vài cái triển lãm hay sự kiện văn hóa kỳ quặc nào đó, không phát cuồng cũng chẳng dửng dưng. Các hoạt động và hành động của ngày giống như một kênh dẫn, một cánh cửa, để tôi tự nhìn ngó chính bản thân mình, từ tốn hơn trong các cử động của thân thể cũng như phát ngôn, vui thích phát hiện ra những thế giới khác. Chúng cứu rỗi tôi. Tôi cố gắng sống trọn vẹn chúng.

Hôm nay là một ngày quan trọng. Sau một chuỗi dài các tuần chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng có thể lên một lịch biểu vốn lẽ ra phải được thực hiện từ vài tháng trước. Tôi nhìn thấy một hành trình mới đang dần rõ ra trước mắt. Điều đồng nghĩa với, nào tiếp tục cố gắng. Cố gắng sống mà không để bị cuốn quá đà vào những tầng tăm tối của psy. Cố gắng sống mà không bị cuốn quá đà vào các cơn lốc xả van xã hội không chính thống - cái cụm từ social media mobs mới hay ho làm sao. Cố gắng sống mà không để một thằng không quen biết bất lịch sự va vào mình hay một kẻ mở miệng giảo hoạt thân ái nhưng không bỏ qua bất cứ cơ hội nào dùng lưỡi dao miệng lưỡi đâm chọc sau lưng mình có thể làm mình mất hứng. Cố gắng sống mà không để đơn giản là bị cuốn theo các tầng dục vọng từ tầm thường nhạt nhẽo nhất là ăn uống nghỉ ngơi đến thứ mang danh hào nhoáng thăng tiến xã hội chỉ huy, kiểm soát tâm trí và hành động của mình. Tôi không biết mình có thể đến được đâu trên cái hành trình này, nhại lời ông già Dumont là sống giữa hai thế giới dans le monde và hors du monde.

Tôi nghĩ đến Sym, người từ lâu tôi tưởng đã quên lãng. Tôi nghĩ đến Akent loay hoay với các tư thế nắm bắt khuôn hình của những thị dân ngoài lề của Hà Nội đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Tôi nghĩ đến cặp đôi D và partner quá cố luôn là bạn nghe chuyện chu đáo. Tôi nghĩ đến Alex, Mẹ già, Mẹ trẻ cổ quái. Tôi nghĩ đến BB và ET kiêu ngạo đến khó chịu nhưng dù thế nào đã là nguồn cảm hứng lớn đối với tôi trong một đoạn dài thời gian. Tôi nghĩ đến ông cụ Paul Vincent đáng kính người đã qua đời vài ngày sau khi tôi đặt chân đến States lần thứ ba. Tôi nghĩ đến cô nghệ sĩ đóng bỉm tưng tửng trong lời và hành động của mình. Tôi nghĩ đến Jannetje, đến những cô gái Ý và nhóm bạn sinh viên quốc tế với sự chân thành của họ. Tôi nghĩ đến những người bạn ít gặp nhưng đáng tin tuyệt đối ở Hà Nội. Tôi nghĩ đến thằng bé mà tôi hay vui miệng gọi "thằng chó", người đã cho tôi món quà quý "vô tâm chú" không rõ là thật tồn hay tưởng tượng nhưng thực đã phát huy tác dụng đến không ngờ. Tôi nghĩ đến người thân của mình, những người luôn yêu thương và chịu đựng tôi vô điều kiện. Tôi nghĩ đến người bạn đời yêu quý của mình, người luôn xê dịch theo kiểu không thể đoán trước từ một bộ dạng rất boyscout đến một ông hài nhảm qua một ông lão chuyên cà ràm. Té ra, cũng như đồ vật, những người quanh tôi có thể đến và đi, bước vào rồi bước ra khỏi cuộc đời tôi, hết sức nhẹ nhàng. Té ra, đã từ lâu, tôi tự thích nghi với việc bắt đầu cũng như kết thúc một liên hệ trong vô thức mà không biết. Té ra, trong khi tôi có thể giải phóng bản thân khỏi những thắc mắc hay nuối tiếc nho nhỏ khi không còn ai đó trong tầm mắt thì cũng chính tôi vẫn chưa đào thoát thành công khỏi nhà tù đồ vật.

Chuyện đẩy đến tận cùng, vào thời điểm tôi lò dò gõ những dòng lảm nhảm này, đơn giản là tôi sống tiếp. Với những thứ đồ vật mỗi ngày một ít đi bên cạnh. Với những người yêu thương gần gũi bên cạnh theo nghĩa hình lý, tinh thần và có khi là cả hai. Đối với tôi, đời thế là đủ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét