Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

túi giấy đựng hàng 10 xu

Hết đôi ba tuần miễn phí túi giấy đựng hàng thay cho túi nylon, giờ siêu thị trong vùng áp dụng đồng loạt phí 10 xu cho một cái túi. Từ đó trở đi, cảnh không hiếm gặp ở lối ra bãi xe là một ông - rất ít khi thấy một bà - nách cặp hàng, tay cầm/xách hàng, hàng tuốt tuột là khỏa thân. Tinh thần tiết kiệm coi như không tệ.

Không bàn về cái chuyện tránh móc túi chi mười xu tiền, cũng chẳng bàn lợi hại của việc túi giấy - hàm ý tái chế được - thay cho túi nylon - có đời mục thất vẫn cứ trơ ỳ trong lòng Mẹ thiên nhiên, tôi nghĩ quàng sang một chuyện lẽ ra đã ở yên trong khu thần kinh quên lãng.

Hai ba năm trước gì đó, TL rất mê một serie phim tài liệu với hai ông dẫn chuyện, một ông là diễn viên hài, một ông là nhà tự nhiên học. Hai ông một cao một thấp, một béo một gầy, một cong một thẳng, tạo thành bộ đôi vô cùng thú vị, hết lên rừng lại xuống biển, đưa người xem đi theo một dòng chảy bất tận từ choáng ngợp này đến kỳ thú nọ.

Có bữa chủ đề của bộ phim TL xem liên quan đến các cộng đồng bản địa Madagascar. Diễn biến câu chuyện đang rất hay ho, tập trung vào mấy con vật được bảo vệ tốt ra sao, vào việc duy giữ văn hóa truyền thống thành công đến mức nào, bỗng nhiên thòi lòi ra chuyện ở cái vùng kia chính quyền cho phá sạch sẽ rừng nguyên sinh... để nhân dân trồng một giống cây nguyên liệu cho ngành sản xuất giấy bao bì thân thiện môi trường. Lúc đó tôi chỉ thấy chuyện có chút nực cười, chú ý chốc lát thì quên tiệt vì suy đến cùng nó chẳng liên quan quái gì đến mình.

Nhưng giờ mỗi khi đi ra ngoài mua bán này nọ, đập vào mắt là cái túi 10 xu ở siêu thị, đập vào mắt là túi lớn nhỏ đựng hàng hiệu các bà các cô tay cữu kịt mang còn mặt thì vênh chạm trần nhà lượn lờ ở mấy chỗ trung tâm mua sắm to to, rồi lại đập vào mắt ở ngay trong nhà từ góc này qua góc khác một tầng túi mua hàng về xếp đống chờ tái sử dụng hoặc tống ra thùng rác tái chế, lại chồng túi khác mua về chuyên đựng rác cành lá cây, thì tôi bắt đầu có chút gờn gợn.

Cả mươi năm trước, tôi đọc Sống xanh của Ngô Thị Giáng Uyên, đọc xong thì mua đâu cả chục cuốn tặng cho bọn trẻ con nhưng bản thân lại quyết định đóng vai kẻ hâm mộ từ xa. Lý do nghe rất dở hơi, rất tầm phào, nhưng sự thật là cho tới tận bây giờ tôi vẫn dư máu xỏ xiên khi tự nhắc bản thân với chút dziễu cợt, rằng thì là mà không khéo mình chính là cái chủng loại mở miệng ra vị môi trường chi chi trong khi tay quặp sau lưng là đám cốc lọ ống hút đồ xài một lần.

Nhưng rồi cũng có chuyện là mỗi ngày một chút, tôi bắt đầu nghiêm túc hơn khi nghĩ về những câu chuyện nhỏ kiểu như chuyện cái túi giấy đựng hàng này. Tôi xem ra còn lâu mới bén mảng thế giới của eco-friendly people. Nhưng tự bản thân chú ý tiết chế một chút, không tiêu 10 xu cho cái túi ở siêu thị, chủ động chìa ra cái túi vải bố mang theo người để bớt đi một túi giấy đựng hàng hoàn toàn miễn phí khi mua mấy món ở cửa hàng to cửa hàng nhỏ đồ gia dụng hay quần áo này nọ, hành động lặp đi lặp lại nhiều lần xem ra cũng tạo nên một thói quen tốt.

Chuyện nhỏ, thậm chí dễ bị coi là vặt vãnh. Nhưng thực thà mà nói, tôi có chút hoan hỉ, cảm thấy rất thành tựu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét