Ở đây, tôi xoay xở khá ổn với bịch gạo nếp giống Nhật trồng tại xứ cờ hoa, cứ tinh tinh làm theo hướng dẫn vo gạo một lượt, ngâm gạo 12 giờ đồng hồ, và khi nấu thêm sáng kiến drop lid nữa là được nồi cơm nếp/xôi mềm như ý. Nhưng đến món gạo tẻ, từ jasmine rice xứ Thái đến sushi rice qua basmati rice hay forbiden rice, cơm nấu ra chẳng bao giờ được như mong đợi. Bao biện duy nhất lặp đi lặp lại: tại không có nồi cơm điện.
Sự thực đúng là vậy. Tôi không nhớ chính xác từ bao giờ trong nhà xuất hiện nồi cơm điện, chỉ biết chắc chắn là trước khi hai cụ già quyết định về quê ngoại Bắc Ninh làm nông dân tay mơ. Với cái nồi tự nấu như thế, chỉ cần chú ý với mỗi loại gạo là một cữ nước đảm bảo có bát cơm ngon. Gọn gàng chấm hết như vậy.
Lúc dọn bếp ở đây, tôi thấy một cái môi nhựa - loại chuyên kèm nồi cơm điện. Môi có nhưng nồi chẳng thấy đâu. Hỏi chủ nhà thì được câu trả lời kèm giải thích, đã từng mua nhưng sau trả lại hàng vì nấu cơm nồi đó không ngon. Chủ nhà còn nhiệt tình chỉ bảo, đây này, kỹ thuật nấu cơm bằng nồi thường chuẩn chỉnh tuyệt đối, đảm bảo cơm ngon.
Đúng là cơm gạo basmati ông nấu cho mấy món cơm trộn chi chi đảm bảo ngon. Nhưng để có bát cơm lài thơm phức mang mùi của xứ Đông Nam Á nóng và ẩm thì cái công thức tuyệt đối không được mở vung nồi và canh thời gian chính xác đến li lai của ông không có gì là đảm bảo. Chúng tôi thử vài lần, một người cần mẫn tự khen mình nấu giỏi, còn người kia nhăn mặt bảo rõ ràng không phải là bát cơm được mong chờ. Lại thêm chuyện nhà có hai miệng ăn thì chỉ có tôi không bài trừ các món liên quan đến gạo nên rất mau, tôi bỏ cuộc, thôi tiết mục nấu cơm ở nhà.
Kết quả là mỗi lần đến tiệm Thái trong thành phố, tôi đều rập khuôn công thức nhắc nhà hàng để phần cơm sang bên để đóng hộp mang về. Không ít lần bà chủ tiệm còn hỏi có muốn lấy thêm cơm mang về không.
Tối nay ăn với vợ chồng hai bác D và B cũng có cảnh như vậy. Cả hai rất ngạc nhiên thấy tôi khư khư cái hộp trong tay, ngoác miệng ra bảo đây là phút giây hạnh phúc nhất của ngày. Trước thắc mắc của hai người tại sao tôi không tự nấu cơm, tôi thật thà giải thích ỷ lại cái nồi cơm điện lâu quá rồi nên đã thử vài lần với nồi thường thì đều không như ý. Bác D bảo trong nhà có nồi cơm điện không dùng tới, tôi có thể lấy về xài. Tôi lấy lý do chỉ có mình xơi cơm nên từ chối. Tiếp sau đó, câu chuyện bên bàn ăn chuyển thành một màn tranh luận sôi nổi xung quanh các kỹ thuật nấu cơm.
Tôi lơ ma lơ mơ nghe các mẩu chuyện hài xung quanh cái nồi cơm điện cũng như mẹo nấu cơm tuyệt đối không [được] mở vung. Bất chợt loáng thoáng hình ảnh căn bếp quê xưa cũ, có bếp nhỏ lụp xụp một góc sân thơm mùi rơm mùi trấu, lại có gian bếp rộng thoáng đãng với một góc xây kệ cao tiện thế khời củi thanh chỉnh lửa. Gạo nấu nồi gang vần trong những căn bếp ấy, dù nhỏ hay to, vừa cho cơm thơm, nóng, dẻo lại rộng rãi thêm một lớp cháy cơm giòn rụm chiều chuộng cái miệng háo hức tò mò của con trẻ thành phố.
Rồi còn nữa, nhà nghèo thị dân thời bao cấp, bếp củi chẳng ra bếp củi, nhưng lại có món bếp dầu và bếp nhồi mùn cưa một thời rất phổ biến. Trẻ con trong nhà tập tành học nấu cơm, rất mau quen với việc chắt nước cơm nếu có hoặc cần, đợi nồi cạn thì dùng đũa cả đảo và ghế cơm [nguội], xoay tay chỉnh lửa bếp dầu hay chỉnh cữ miếng che cửa lò bếp đun mùn cưa khi sang công đoạn vần cơm.
Tất cả những việc ấy đã có một thời tôi vô cùng quen thuộc. Thế mà giờ những từ ngữ nào vần, nào ghế, nào chắt nước cơm bỗng trở nên xa lạ, tựa như chưa từng tồn tại trong vốn từ nấu, ăn và uống lộn xộn của tôi.
Mà giờ kể cho một nhóc tì chuyện ngày xưa phổ biến một mô-típ truyện người làm đứng bếp lén lút chắt chút nước cơm về cho con bé đói khát bị chủ nhà phát hiện uỵch cho một trận tả tơi thì có khi bị nó hỏi lại thế nào là chắt nước cơm, hoặc không là cười vào mũi làm gì có chuyện [đó].
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét