CUỘC SỐNG TRONG PHONG TOẢ VÀ GIỚI NGHIÊM
Phải nói rằng, lần phong toả đầu tiên để lại nhiều dấu ấn nhất trong nhân dân anh hùng.
Cửa hàng thịt gần nhà ngay thứ Sáu trước phong toả đã có cảnh xếp hàng như chợ Tết. Bà con mua cả trăm đồng tiền thịt. Đến lượt tôi thì cửa hàng gần như tan hoang. Vợ chồng nhân viên cửa hàng thịt mặt mũi bơ phờ bảo tôi: dân điên xừ hết rồi mày. Vét cho không còn gì.
Chả là, có rất nhiều "cán bộ" được phím trước về chuyện phong toả và nhiều nhân dân khá thông minh khi được nhắc nhở mang máy tính, điện thoại công vụ về nhà.
Các siêu thị ngày Chủ nhật và thứ Hai được bà con vét cho bằng sạch. Tôi nghe chuyện, trong lần phong toả thứ hai, có hai bà mẹ lao vào chửi nhau vì: một mẹ ôm trọn 8 cái bánh mỳ còn lại trong siêu thị với lý do, nhà có nhiều con!
Siêu thị bắt đầu thiếu trứng, bột mì, đường, bơ. Một phần vì bà con dự trữ, một phần vì bà con "rảnh đâm đảm đang", ở nhà thì vẽ ra làm bánh trái. Kết quả là sau một thời gian thì giá bột mì tăng kha khá.
Một đêm, với thói quen xem tivi muộn, tôi đọc (hay nghe) một tin ngắn: đề nghị nhân dân không gọi điện tố cáo hàng xóm vừa ra khỏi nhà vi phạm lệnh giới nghiêm hay phong toả. Vì khu vực nào cũng có cảnh sát tuần tra. Tin này làm tôi nhớ lại những gì đọc được thời chính quyền Quốc xã và dân Do Thái.
Rồi cũng trên tivi, nhân dân nhìn thấy một đôi anh chị bị phạt vì tội: giấy đi đường ghi "tập thể dục", nhưng mà y phục thì không có vẻ gì của một người sẽ đi chạy.
Tôi xếp hàng ở bưu điện, với giãn cách nghiêm ngặt. Trong vòng hai giờ đồng hồ xếp hàng, tôi đếm được không dưới 10 anh chị tinh thần thể dục, chạy sầm sập, thở phì phì, mồ hôi mồ kê nhễ nhại chạy qua chỗ chúng tôi xếp hàng.
Thỉnh thoảng, nhân dân lại nghe tin, ở làng nọ, phố kia, có nhà tổ chức tụ tập rất đông. Có người hàng đêm vẫn tổ chức nhảy nhót, hộp đêm tại gia, hoặc ở một nơi bỏ không để thu tiền. Cá biệt, có một nơi tụ tập lên cả ngàn người, cảnh sát-y tế phải rất cẩn thận và kiên nhẫn chờ cái đám đông ngàn người kia tự giải tán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét