Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

hà nội phấn hồng, trái lê hàn quốc và ba bìa đậu phụ

(1)

Từ lâu, tôi biết mình nghèo.

Nhưng với bản tính cùn, chuyên gia dựa dẫm số một tôi đây sau một chốc lát bận tâm lại thật mau chăm chỉ lêu lổng sống tiếp.

Cho tới ngày rồi, ngồi tổng kết tình hình tài chính, xếp lại nửa phần tiền được Bố Mẹ nói là vay nhưng thực là cho từ trước hồi Hà Nội giãn cách để mang về Bắc Ninh hoàn trả, tôi phải thật thà với chính bản thân, mình ở tận cùng của cái sự mang tên thảm rồi a 😒

(2)

Và thế là tôi bắt đầu tính toán, tiết kiệm.

Và thế là đột nhiên, tôi bắt đầu nhìn sinh hoạt của thành phố, của nhân dân, của bản thân theo một cách vô cùng mới mẻ.

(3)

Đầu tiên là một Hà Nội giàu có, thoạt tiên là chói mắt, tiếp theo là có gì đó không ổn, và cuối cùng là xem ra nhiều phần tạm bợ cùng lố bịch.

Sau giãn cách, đường sao mà đông, người sau mà lắm. Tắc ứ ừ tôi chưa thấy, vì giờ tôi ra ngoài phần lớn là trái khoáy, nhưng ùn ứ thì thật quen thuộc. 

Trên cầu vượt, xe nhà giàu to đùng và bóng lộn quẹo roẹt một cái lấn sát mép đường phải vốn cho người chạy món hai bánh để vượt một anh taxi bốn chỗ rách nát. Dưới chỗ con đường to với khấp khểnh các miếng vá, giữa một đám người chạy xe máy xám xịt sắc đông nổi bần bật một bạn bốn bánh phấn hồng. Đường đông, xe hèn xe sang đều cứ tự nhiên mà chậm lại. Tôi ngó một cái, úi chà, Maserati phấn hồng. Bữa đó thế quái nào tôi không phát huy máu xỏ xiên mà cố nhìn một cái xem bác tài là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Phấn hồng, ôi phấn hồng, thành phố chúng ta thật giàu có 😊

Địa phương cho tôi cảm nhận rõ ràng nhất về sự giàu có vô giới hạn nhưng đồng thời có gì đó sàn sạn, gờn gợn không phải là chỗ mấy cái cầu vượt quái vật trong lòng thành phố hay con đường chồng chất các lớp vá nhựa đường ẩu tả kia. Mà là ở cái siêu thị của nhà giàu mới, nơi theo thói tôi vẫn thi thoảng lui tới khi cần một món gia vị đặc biệt chi chi.

Ngày trước, đó gần như là độc quyền siêu thị dành cho dân expat. Giờ thì dân expat khối bác ma lanh, lại cộng với dịch vụ mở ra nhiều như nấm sau mưa đồng nghĩa với lựa chọn và các hấp dẫn giá cả trở nên đa dạng phong phú, siêu thị từ áp đảo khách Tây chuyển thành cuồn cuộn khách ta. Mà cái ta này không phải là hạng ta mạt hạng, thứ thị dân ngồi bệt mông chạm tầng đáy của phân cấp kinh tế-xã hội - nếu có một cái phân cấp như vậy, như kiểu tôi đây mà là ta giàu, ta của tiền mới.

Lần đầu quay lại siêu thị nhà giàu đó sau giãn cách, tôi vẫn còn nhiều sợ sệt lẫn lơ mơ trước cái ám ảnh covid, đứng xếp hàng chờ thanh toán mà như kẻ mất hồn. Rồi tôi bỗng trở nên phi thường tỉnh táo. Đó là khi nghe cô thu ngân hỏi cô khách trẻ hàng hiệu chói mắt từ tóc tới chân rằng thì là mà điểm tích luỹ của chị giờ đã hơn 13 triệu, chị có muốn dùng để thanh toán không. Cái phần hàng hoá bữa đó cô gái trẻ kia thanh toán, để sau đó gần chục túi lớn sẽ được nhân viên giao đến tận nhà bên cạnh một bịch bự hẳn là đồ lạnh được cô trực tiếp cầm đi, giá vượt quá lương tháng của tôi. Wow!

Cũng ở cái siêu thị nhà giàu đó, bữa qua có việc gần đấy thì tôi chạy vào tìm nhà ớt xanh Jalapeno. Con đường tìm kiếm cái hộp với những trái quả dài đó sao mà gian nan, bất chấp việc tôi biết rõ khu hàng rau và giá kệ chuyên bày họ hàng nhà ớt ở đâu. Chuyện là trong siêu thị người người nhà nhà chen chúc. Nam thanh nữ tú có, bố mẹ bỉm sữa có, trẻ con đang tuổi chập chững đi lẫn bọn tuổi chừng lớp chồi lớp mầm ý thức về hoàn cảnh đặc quyền của mình có, mấy ông bụng to kiểu đại gia thành đạt hay thủ trưởng cấp vụ cấp cục tháp tùng các quý phu nhân - tôi dám gọi là quý phú nhân vì tuổi của các bà - xúng xính lụa là cũng có. Coi như đủ hết thành phần giới tính, tuổi tác, từ tong teo gầy ốm - hẳn do ăn kiêng hay bệnh tật chứ dứt khoát không phải là đói - đến béo phình nở những nơi không nên phình nở, coi như là có tất. Và bỏ qua hết những khác biệt đó, phần đa họ bốc ra mùi tiền, và sáng chói mắt theo nghĩa thể lý luôn.

Vượt qua cái rừng người đó để xuống được khu tầng hầm ngõ hầu tìm các trái Jalapeno, tôi hoa mắt chóng mặt. Tôi không đến mức lỗ mãng mà chằm chằm nhìn bụng các quý anh, các quý ông để coi họ đeo cái dây nịt [thắt lưng] có chữ H hay không. Nhưng đập vào mắt tôi, úi chà, đủ một gallery hàng hiệu sống động luôn nhá. Slipper cứ là H. Túi cứ là Gucci và Chanel. Khăn lụa phất phơ bóng dáng Hermes. Nhẫn và vòng kim cương chói chang. Và nếu lướt qua mấy đàn bà, từ cô trẻ tới bà già, thuỷ chung mùi của Chanel No5 huyền thoại. Chuyện tôi nhớ cái mùi này dài hơn cả một bản saga của người Viking. Đại loại là rất nhiều năm trước, tôi khám phá ra rằng rất nhiều chị em khi bắt đầu giàu thì muốn sang, và khi muốn sang thì trong nhiều bài tập vỡ lòng học như một con vẹt có tiết mục, No5 là số 1.

Nếu chỉ dừng lại ở những thân ảnh và mùi vị đó, có Bụt có Chúa đột nhiên xuất hiện trước mặt và nói Ta cho phép con thì tôi cũng đừng hòng mà dám nói rằng những vẻ sang giàu đó là thiếu căn cơ, thiếu chiều sâu, thiếu sự vững chắc. Ấy thế mà tôi lại láo toét tự cho mình cái quyền quan sát và nhận định như vậy. Tại sao a?

Đó là khi lời của họ lọt vào lỗ nhĩ kẻ nghèo mạt tôi đây. Đó là khi dù tôi đã chủ ý nhường và tránh thì vẫn bị nhà giàu mới nghênh ngang xô đẩy, chen chỗ. Cảm giác vừa mệt, vừa tức, lại vừa buồn cười!

(4)

Sau công chuyện buổi chiều Chủ nhật, tôi trở về nhà căn hộ, vứt bỏ hết mọi ấn tượng của ngày ra sau gáy và nghiêm túc tính toán tiếp cái kế hoạch sống tiết-kiệm của mình.

Tính toán hồi thì bắt đầu thập thò hai ý, mua đậu phụ về làm món đậu phụ kho nấm nhân nhà đang có khay nấm shiitake tươi; và mua cải bắp cùng trái lê để muối kim chi cải bắp. 

Đậu phụ muốn tươi ngon thì phóng xe ra chợ, dõng dạc kêu ba bìa, đưa tờ 20 ngàn được thối lại 12 ngàn. Vậy là cho ba bìa đậu phụ, tôi tiêu hết tám ngàn đồng tiền.

Còn về đường mua bán phục vụ món kim chi thì thuận tiện hơn. Chỉ cần lóc cóc cầm cái ví xuống siêu thị dưới nhà.

Một cây cải bắp trắng tự phong là sạch giá thiếu mấy chục đồng tiền là vừa xinh 30 ngàn. Trong khi đó một trái lê nhỏ Hàn Quốc, mà tôi thực cần chỉ là một góc tư, giá chuẩn chỉnh 59 ngàn thêm 500 đồng tiền. Chưa tính tiền hành tây, tiền gừng, tiền muối, tiền đường, tiền ớt, tiền cà rốt... chỉ nội lê và cải bắp thôi cũng đã đắt hơn nhiều tiền mua một hũ kim chi cải thảo muối ở cùng cái siêu thị đó.

(5)

Vấn đề là tôi thích kim chi cải bắp. Và thích tự mình làm.

À, thế thì tôi lại phải phi thường nghiêm túc mà suy nghĩ tiếp. 

Ý tưởng tiết-kiệm không tồi. Nhưng thực hành nó thì cần phải có vài tầng chiến lược cùng các nguyên tắc rõ ràng a. Mà cái khoản này, kẻ làm việc thường theo ngẫu hứng tôi đây xác thực kém!

ghi chép paris - covid đó đây (9): chính quyền và các chính sách "chống giặc"

CHÍNH QUYỀN VÀ CÁC CHÍNH SÁCH "CHỐNG GIẶC"

Từ "chống giặc" tôi dùng được Tổng thống sử dụng đầu tiên ở lần gia hạn phong toả. Ngay sau đó, các chuyên gia đặt câu hỏi và trả lời cho việc "dùng từ" này. Cho đến giờ, tôi cũng không biết người ta đồng ý hay không với Tổng thống tuổi trẻ tài cao về việc dùng và lặp lại từ này mỗi lần sau đó.

Trong lần phong toả đầu tiên, chính phủ công bố số ca nhiễm mới, ca xuất viện, ca nhập viện, ca nằm phòng cấp cứu và ca tử vong hàng ngày thông qua vị Tổng giám đốc (Vụ trưởng?) Vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng của Bộ Y tế, vốn là một bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm. Tôi luôn có cảm giác vị ấy đang cố gắng chống lại sức nặng của các con số trên vai ở mỗi lần xuất hiện với vẻ nhút nhát của một cậu học sinh khiêm tốn.

Chính phủ chống dịch bằng rất nhiều quyết tâm nhưng thiếu đủ thứ thiết yếu. Khốn khổ thay, những thứ này không liên quan đến quyết tâm.

Rất nhanh sau những khẳng định chắc nịch khẩu trang không có tác dụng gì, bà con được cho biết, kho khẩu trang dự trữ của chính phủ cho y tế sắp hết. Và ngay trong điểm dịch, hoặc trước đó không lâu, người ta đã đốt đi một lượng lớn khẩu trang do quá hạn (?).

Chính phủ loay hoay tìm mối mua-nhập khẩu trang. Nói trắng ra là mua bán với Trung Quốc. Các chính quyền vùng-tỉnh cũng tìm mọi cách thông qua các mối quan hệ hợp tác, doanh nhân để mua khẩu trang. Có rất nhiều người đứng đầu chính quyền [địa phương] nói thẳng: chính phủ không lo được thì nói ra một câu, thả các chính sách ra, để chúng tôi tự lo liệu. Có vị chủ tịch một quận đã ra một văn bản hành chính bắt buộc người dân ra ngoài phải đeo khẩu trang. Lệnh này ngay sau đó đã bị bãi bỏ bởi Hội đồng Nhà nước. Lý do (theo quần chúng): khẩu trang đâu có mà bắt đeo. Lý do chính thức: lệnh phải do chính quyền trung ương ban.

Một số phóng sự truyền hình ảnh: một số nhân viên y tế phải lấy túi nylon đựng rác làm đồng phục bảo hộ vì đồng phục được phát rách toác, hở trước hở sau. Một vài phóng sự quay nhân viên y tế được điều động chống dịch phải ở lại khách sạn.

Các y-bác sĩ kêu ca phàn nàn về việc thiếu thiết bị đặc dụng. Có lần, Bộ trưởng Y tế mới lên, cũng là một yếu nhân tuổi trẻ tài cao, đã phải thốt lên trên truyền hình rằng vị ấy choáng ngợp khi vấp phải các bức tường hành chính ngăn cản sự vận hành của hệ thống trong tình trạng khẩn cấp.

Các bệnh viện tư được kêu gọi ưu tiên phòng cho bệnh nhân covid bắt đầu lên tiếng về việc, chính phủ không sử dụng đến số giường này. Trong khi chính phủ dùng cả đoàn tàu cao tốc để chuyển vùng vài bệnh nhân từ tâm dịch ra.

Các y tá, điều dưỡng từ các "vùng xanh" về tâm dịch, trong khi giữa tâm dịch, rất nhiều y tá-điều dưỡng muốn tham gia "đánh giặc".

ghi chép paris - covid đó đây (8): giấy đi đường

GIẤY ĐI ĐƯỜNG

Lần phong toả hay giới nghiêm nào cũng có chuyện hay để cười vào sáng hôm sau. Có lần, chúng tôi mở mắt dậy với ba mẫu giấy đi đường khác nhau cho cùng một cá nhân: giấy đi làm, giấy đi đón con, giấy đi chợ... giấy nọ không thể thay thế cho giấy kia. Và trong vòng nửa ngày thì các loại giấy đã được thu gọn vào trong một. Tất cả đều chung một mẫu do Bộ Nội vụ cấp, nhân dân lên mạng in-sao ra. Không có chính quyền cấp nào ký tên đóng dấu.

Tất cả các danh mục được phép ra ngoài đều được in và có ô để đánh dấu. Dĩ nhiên, [có] cả việc đi dạo và dẫn chó mèo đi ị. Và nhiều khi chúng ta phải tự đoán mục để đánh dấu cho việc ra ngoài của mình.

Ai không tuân thủ có thể bị phạt khoảng trên 100. Thỉnh thoảng, truyền thông lại thông báo, đợt vừa rồi, Nhà nước đã thu được từng này, từng này tiền phạt.

Trong ba lần phong toả, giới nghiêm, với rất nhiều lần ra đường, tôi bị kiểm tra tờ giấy này một lần duy nhất. Tôi mang cho chị bạn gần nhà một hộp găng tay. Điểm hẹn là ngã tư đèn đỏ của một khu phố nhỏ. Hai con mụ gặp nhau với khoảng cách, khẩu trang, kính đen kín mít mừng như mấy kiếp chưa gặp, thao thao bất tuyệt. Hai ba phút sau có hai nhà chức việc, nhân viên của Toà Thị chính tiến đến gần yêu cầu trình giấy đi đường. Tôi bị nhắc nhở không được viết bằng bút chì, kể cả với lý do bảo vệ môi trường (khỏi phải in nhiều lần). Chả là chính quyền đề phòng bà con ra ngoài quá giờ quy định rồi tẩy đi viết lại.

ghi chép paris - covid đó đây (7): phong toả

PHONG TOẢ

Lần phong toả đầu tiên, chúng tôi chỉ được ra ngoài mỗi lần trong vòng 1 giờ và đi không quá xa nơi cư trú 10km. Giấy chứng nhận cho mục đích ra ngoài được Bộ Nội vụ ban hành và mọi người có thể in trên mạng. Ai không in được thì có thể viết tay. Các danh mục về mục đích ra ngoài được in sẵn. Trong đó có mục đi dạo. Việc tập thể dục ban đầu được cho phép nhưng sau đó thì không.

Thành phố âm u, cho dù mùa hè đến sớm, tháng 4-5 mà nắng nóng như tháng 7-8. Tôi đạp xe trên các con phố vắng như đi trong một thành phố dịch bệnh trong phim có zombie. Các cửa hàng, cửa hiệu đều tối om, cửa sắt kéo sập. Thành phố có vẻ tắt thở, buồn u ám. Trên đường, lảng vảng các ông bà già, vừa đi vừa dí [gí?] mắt vào các tấm biển nhỏ xíu dán trong các cửa kính của các cửa hiệu. Thỉnh thoảng có cụ vấp cái "cục" vì mải nhìn cửa hàng.

Mảnh vườn nhỏ xíu của khu nhà giờ đây thành bãi phơi nắng của vài ông bà già trong khu nhà. Cũng quần áo bơi hai mảnh như ngoài công viên. Hai ba bà mẹ trả sáng chiều xách đứa con lẫm chẫm xuống vườn quanh quẩn. Có bà mẹ trẻ thì kéo cậu con trai tầm 4-5 tuổi với cây gậy dài cùng túi nylon đi nhặt rác trên con đường gần nhà.

Tôi giết thời gian bằng việc cắt khâu khẩu trang và tập thể dục tại nhà. Tôi chẳng đọc được chữ nào trong suốt hai tháng phong toả đầu tiên.

Lần phong toả tiếp theo thì dễ thở hơn. Ở lần phong toả thứ ba, mọi người được đi lại trong vòng 30km mà không bị giới hạn thời gian.

cách làm sạch nấm tươi: shiitake / hương / đông cô

(1)

Nấm tươi tuỳ loại mà cho cảm giác dễ hay khó trong khâu làm sạch [rửa] và sơ chế.

Ngày trước bếp nhà Hà Nội hay có tiết mục làm món với nấm rơm, do vị "đậm" đặc trưng của bạn này - mà tôi biết có không ít người thổ lộ, ăn ngon thật nhưng mùi thì không thể chịu nổi -, tôi luôn có màn trụng nấm trong nước đun sôi với vài lát gừng mỏng thả trong nồi. Nấm qua nước nóng dzãy đó lại được chạy qua nước chảy trực tiếp từ vòi hay đôi khi cầu kỳ hơn là vừa kịp ráo thì nhảy tõm tô to ngâm nước đá. Đảm bảo nấm giòn, và lại cho cái cảm giác - cảm giác thôi nhá - rằng thì là mà vị ngái, đậm đặc trưng kia đã bay biến chút phần nhờ mấy lát gừng.

Một vài loại nấm khác kiểu như kim châm, ngọc châm, đùi gà/hàu, sò... tôi không có vấn đề gì về rửa và/hay sơ chế.

(2) 

Riêng sang bạn shiitake / nấm hương / nấm đông cô tươi, tôi thực có chút đau đầu. 

Tôi rửa chúng, nấu chúng, rồi xơi chúng mà thường cứ là gờn gợn, chưa được "sạch" như ý.

Hôm qua vô tình ngó một anh người Tàu sống ở cái trấn nhỏ nào đó nước Tàu và chuyên nấu các món bếp nhà giản dị, tôi ú ớ tiếng Trung nghe chẳng ra, coi phần chữ Anh do anh bếp kia dán lên màn hình thì cũng là lơ mơ cái hiểu cái không, nhưng rốt cuộc vẫn cứ là đắc chí. Lý do? Tôi học được mẹo rửa/làm sạch nấm tươi vô cùng lợi hại.

Nấm bỏ chân, xóc với xíu muối, đổ xíu bột mỳ rồi cho nước vô, nhẹ tay đảo, rửa rồi tráng đi tráng lại dưới nước vòi. Nhớ là nhẹ tay để các mũ nấm không nát nhá. Sạch như ý luôn :-)

(3)

Hôm nay cho bữa trưa tôi nấu một đụm mỳ somen trên nền nước ninh xương với rau chủ đạo là nấm shiitake tươi và gia vị nổi bật là cần tây "tàu/ta". Nấm đó tôi làm sạch theo cách của anh bạn iu-tu-bi bếp trưởng tại gia kia. Lười tìm bột mỳ, tôi dùng bột gạo. Ổn! Rất ổn!

Sau chuyện này, tôi hoan hỉ lắm. Vậy là không biết chữ mà mò mạng nhện đôi khi có duyên vẫn học được mẹo gì hay hay a :-)))

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

chuyện tháng mười: chạy việc và thói quen mới

cây từ ngoài vườn hiên mon men mép cửa,
giờ thì giữa nhà luôn nhá :-)))
(1)

Còn một ngày nữa là tháng Mười kết thúc. Tôi nhìn lại, có thật nhiều chuyện, thật nhiều sự kiện!

Các đầu việc được chậm chạp hoàn thành, với rất nhiều lần "quá hạn" và lần nào cũng như lần nào, tôi nhăn nhở cười coi vậy mới đích xác là tôi. Đại khái là cùn hết cỡ, cùn vô đối :-/

Niềm vui to nhất của tháng là tôi đã xong một hành trình dài lê thê gần mười năm và cuối cùng, sau bốn đợt giãn cách, đã có thể cùng TL về Bắc Ninh thăm hai cụ già.

(2)

Nhiều ngày liền mưa lạnh thực khó chịu. Có bữa buộc phải ra ngoài, tôi về nhà ướt nhép. May mà đã lâu tôi không còn bị dị ứng nước mưa gay gắt như hồi còn là sinh viên. 

Tôi vẫn chưa thoát khỏi cảm giác lơ mơ trộn lẫn sợ hãi mang tên covid. Đúng là tôi bắt đầu đi ra khỏi nhà căn hộ nhiều hơn - đều là do việc phải ra ngoài - và chỉ đeo một khẩu trang thay vì hai, nhưng về căn bản, tôi thấy mình rón ra rón rén và luôn có một phản ứng cơ thể tự động là khẽ lùi hay tránh mỗi khi có một ai đó, thường là vô tình, sán lại gần.

(3)

Trong bếp nhà, chúng tôi bắt đầu một chế độ ăn mới. 

Thoạt đầu tôi chưa quen, có cảm giác thiếu và đói thường trực. Nhưng giờ thì bỗng có chuyện hay ho, tôi phản ứng với sữa và mấy món đồ nguội. 

Lẽ dĩ nhiên là còn lâu tôi mới hùng hổ tuyên bố những câu kiểu, eo ôi em cứ ngửi thấy mùi thịt là ghê hết cả người :-) Nồi xương ninh nước trong veo, tôi hít hà vui vẻ, thơm thực là thơm a :-)))

(4)

Nhà căn hộ luôn ở trong trạng thái cần và được dọn dẹp. 

Tôi hoan hoan hỉ hỉ với kế hoạch không-mua-mới-gì nhưng cứ mỗi cuối tuần nhìn sổ ghi chép chi tiêu thì kiểu gì vẫn thòi lòi ra vài đầu mục. Tỷ như đặt làm mấy món đồ vải trang trí. Tỷ như năm ống trúc để làm giá leo cho bọn cây rau và sào treo quần áo. Hay một bao đất để cùng với trấu, tro xin từ nhà Bắc Ninh mà tôi có thể bắt đầu một kế hoạch ủ rác rau mới cho cái vườn hiên bé tý tẹo của mình. Hay nữa là một lọ tinh dầu mùi già cho bình xông, hòng kiếm chác chút hương vị xưa cũ khi tiết đông lạnh về.

(5)

Hôm nay có việc đi lên chỗ cái hồ to, tôi rất khoái chí là chân cứ thế nhấc bược lướt qua nhẹ nhàng quán cafe quen. 

Cốc nước nâu nóng thơm nhức mũi được tôi xem như một tín ngưỡng giờ lại giống một đoạn hình ảnh xưa cũ chợt xẹt qua trong trí.

Các thói quen, những "dục vọng" ham ăn ham uống, cứ tưởng không sao bỏ được mà hoá ra đến đúng thời điểm, chuyện bỗng hoá nhẹ nhàng, không có các bạn ý mình vẫn sống ổn a :-)))

trở thành chuyên gia nhai rau
ghế dài chuyển nhà về Bắc Ninh, 
miếng phủ giờ có công dụng mới

ghi chép paris - covid đó đây (6): khẩu trang - nước rửa tay và khoảng cách xã hội

KHẨU TRANG - NƯỚC RỬA TAY VÀ KHOẢNG CÁCH XÃ HỘI

Thực thà mà nói, Covid biến tất cả chúng ta thành cô gái đồng trinh trong đêm tân hôn. Tất cả chúng ta đều lúng túng. Covid biến một chính trị gia lão luyện thành một kẻ mị dân, dối trá và một chuyên gia hàng đầu thành một tên ngu ngốc, thiếu năng lực.

Chuyện khẩu trang ở xứ này những ngày đầu dịch mới thật sự là bi-hài kịch. Dĩ nhiên, khẩu trang là một phụ kiện hoàn toàn mới mẻ với đa số bà con. Một số người Châu Á có thói quen đeo khẩu trang mới đầu bị hắt hủi, thậm chí còn bị xúc phạm và tấn công.

Lúc này, các cơ quan chức năng liên đới, trong đó có chính phủ, vẫn còn cho rằng khẩu trang không thật sự cần thiết cho tất cả mọi người. Trừ những trường hợp đặc biệt như trong bệnh viện. Sau này, người ta được biết, chính phủ mắc một lỗi lớn trong kho [khâu?] dự trữ khẩu trang.

Lệnh phong toả đầu tiên ban ra sau một vài ngày thì bắt đầu có các ý kiến nên đeo khẩu trang. Một số bệnh viện còn có các thông tin hướng dẫn bà con tự may khẩu trang.

Kết quả là tôi đã phát hiện ra mình có rất nhiều váy áo còn mới nguyên. Các tấm vỏ gối, áo cotton, khăn quàng cổ nhỏ đã được tôi mang ra may khẩu trang cho mình và cho người thân. Việc này đã chiếm khá nhiều thời gian của tôi. Tôi may may cắt cắt đến quên cả đói và thậm chí bỏ qua mục uống nước khi khát.

Thỉnh thoảng truyền hình như một tên mách lẻo láu cá hét vào tai người nghe: tỉnh nọ, tỉnh kia vừa bị chính phủ ăn chặn khẩu trang ở ngay sân bay. Chả là một số chính quyền vùng-tỉnh tự tìm nguồn nhập khẩu trang.

Rồi chuyện các nước trong Liên minh Châu Âu, rồi nước Mỹ, ăn chặn, hớt tay trên của nhau khẩu trang ngay tại sân bay.

Tôi đón nhận những tin này như một con dở.

Cho đến một ngày, từ các chính phủ lớn bé cho đến tổ chức Sức khoẻ thế giới [WHO?] khuyến cáo, bắt buộc mỗi người ra ngoài phải đeo khẩu trang. Các bình nước rửa tay diệt khuẩn được đặt ở các công sở, bưu điện, cửa hàng. Các vạch chéo dán băng dính màu với khoảng cách chạm tay không động vai nhau hiện diện ở trước cửa siêu thị, bưu điện... Khẩu trang từ việc được bán hạn chế trong hiệu thuốc với giá tăng gấp vài lần đã được treo ở nơi dễ thấy nhất trong các siêu thị với đủ sắc màu.

ghi chép paris - covid đó đây (5): bệnh viện

BỆNH VIỆN

Con số nhiễm ngày càng tăng. Con số người chết càng ngày càng tạo ấn tượng. Có lúc, người ta phải trưng dụng khu đông lạnh ở chợ đầu mối Rungis cho việc bảo quản thi hài.

Nhân viên y tế nói nhiều hơn về việc quá tải của bệnh viện. Các bệnh viện tư được dự báo chuẩn bị phòng dành riêng cho bệnh nhân Covid.

Các lịch hẹn cho bệnh nhân không phải Covid được lùi lại.

Các bác sĩ và các chuyên gia dịch tễ, phòng dịch được mời phát biểu-thảo luận thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tin tức cứ rầm rập như tin chiến trường. Đến một lúc, người nghe không còn biết tin vào đâu. Virus Vũ Hán bắt đầu được gọi bằng Covid. Rồi người ta cũng chẳng thèm thắc mắc tại sao cho dù đây đó, vẫn có người muốn phải gọi thế này và phải gọi thế kia.

Thời tiết bắt đầu nắng ấm kỳ lạ. Trời tối ngày càng muộn. Rồi dần dần, chẳng ai bảo ai, đúng 8h tối, giờ thời sự, bà con đổ ra balcon nhà vỗ tay khích lệ y-bác sĩ và nhân viên y tế. Một số đầu bếp tiếng tăm thi thoảng làm một vài món ngon mang đến bệnh viện. Có khi một y tá nào đó về nhà đã thấy có sẵn một túi thức ăn được hàng xóm chuẩn bị và treo trước cửa. Lại có một y tá nào đó, một người bán làm việc trong siêu thị nào đó, trở về nhà và nhìn thấy tờ giấy găm ở cửa hoặc trong hộp thư: đề nghị chuyển nhà vì có thể là nguồn lây nhiễm. Ở một bãi đỗ xe của một bệnh viện nọ, một nhành hoa tươi được cắm lên kính xe bởi một cửa hàng hoa nào đó.

Ở bệnh viện, người ta bắt đầu nói đến chuyện thiếu khẩu trang, thiếu đồng phục bảo hộ.

ghi chép paris - covid đó đây (4): phong toả lần một & tình trạng khẩn cấp

LẦN PHONG TOẢ ĐẦU TIÊN VÀ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP ĐƯỢC BAN BỐ

Đó là một tối thứ Bảy. Tôi không còn nhớ ai thông báo tình trạng khẩn cấp và lệnh phong toả (Thủ tướng hay Tổng thống). Trong chương trình thời sự, thông tin về việc phong toả và ngừng hoạt động của một số ngành nghề được đưa ra. Chúng tôi có thêm ngày thứ Hai để thu xếp công việc. Dân tình hầu hết đều bị bất ngờ. Các chủ nhà hàng phải mang cho những đồ ăn đã chuẩn bị sẵn.

Lần phong toả đầu tiên bắt đầu vào ngày 16 tháng 3. Thời gian phong toả [sẽ] trong hai tuần. Và hai tuần đó đã kéo dài cho tới giữa tháng 5.

Cho đến bây giờ, khi tôi đang gõ những dòng ghi chép này thì nơi này đã trải qua ba đợt phong toả, ba đợt "giải toả". Ba lần, chúng ta quyết chiến với giặc (lời của Tổng thống trong một lần ban bố lệnh phong toả).

ghi chép paris - covid đó đây (3): nước ý

NƯỚC Ý

Ý là nơi tình trạng trở nên báo động đầu tiên. Bệnh viện quá tải. Thông tin về người nhiễm và người chết tăng chóng mặt.

Lúc này, không ai hỏi tôi có phải người Trung Quốc không. Cho dù tôi đã chuẩn bị sẵn câu trả lời: Không, tôi là người Ý. 

Người ta nói đến việc hệ thống y tế của Ý phải lựa chọn bệnh nhân để chữa trị. Người ta nói đến người chết không được gặp người thân. Đám tang chỉ là thủ tục và chỉ có cha xứ. Người ta nói đến việc các cha xứ bị nhiễm.

Nước Ý kêu gọi, gần như là cầu khẩn các nước Châu Âu khác cẩn thận. Hầu như người ta vẫn còn coi nhẹ, hoặc đang hoảng loạn để có thể đối phó với "giặc".

Cuba và Trung Quốc là những nước giử cứu trợ khá sớm cho nước Ý.

Các bệnh viện dã chiến, hay đúng hơn là điểm thu nhận bệnh nhân tạm thời được lập nên ở [các?] thành phố tâm điểm dịch của nước Ý.

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

một chuyện về món trà ướp hoa sói

cây hoa sói khép nép một góc vườn nhà Bắc Ninh
Quen với việc trong vườn nhà, từ Hà Nội qua Bắc Ninh, có hiện diện những cây và hoa từ mẫu đơn tới ngâu, sói, dạ hương, tôi cứ tự động để nguyên trong đầu một suy nghĩ, những cây này ai mà chả biết.

Hôm rồi qua nhà cô người quen, tôi được mời uống trà kèm lời giới thiệu, đây là trà hoa sói do một người bạn gửi cho. Tôi gật gù, thi thoảng Mẹ cháu cũng làm món trà này. Đáp lại, cô chủ nhà bảo, pha uống vậy chứ cô chẳng biết gì về món này, hoa sói cây và hoa thế nào lại càng không biết.

Tôi nghe xong thì ngạc nhiên lắm. Về nhà nghĩ lại chuyện này cười phì một cái. Không phải là cười cái sự không-biết kia của cô người quen. Mà là cười chính bản thân. Chuyện ở đời nhiều khi mình cứ khơi khơi nghĩ cả thiên hạ ai mà chẳng biết, hoá ra là té cái nhầm. Và ngược lại, có thằng cha con mẹ nào hùng hổ xuất hiện trước mặt mình, mắng mình ngu, sao thế mà không biết, thì đích thị thằng cha con mẹ kia cũng bé cái nhầm nốt. Thế nên chẳng trách từ cổ chí kim, từ Đông qua Tây, người ta có hàng bồ triết lý về những cái sự mang tên không-biết của con người a :-)))

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

bắc ninh: hoa vườn nhà

Nhà anh họ trồng cây cảnh hơi hướng cổ, với hòn giả sơn, với ông lão câu cá, với sắc trầm của xanh lá cùng ghi xám cũ kỹ của núi đá phiên bản tí hon. Mấy nhà hàng xóm xung quanh tưng bừng sắc hoa của phong phú giống cây leo giàn, từ hoa giấy đến những giống loài chi chi tôi không rõ tên. Còn thôn bên giàu có lại có không ít nhà-vườn với sân gạch rộng thênh thang, nhà cất hai tầng vừa pha cổ Đông lại đá kim Tây, tôi gọi vui là vi-la thôn đời mới, thì lại cho một cảnh quan vườn hoành tráng, từ cây tới chậu, mà một kẻ ngu ngơ nhìn vào hẳn cũng phải đoán định, đắt lắm đây. 

Trong khi đó, vườn hoa của hai cụ già nhà mình thì chẳng giống nhà nào cả. Cây hoa cứ lặng lẽ theo mùa mà cho bông. Nhà cũ, vườn cũ, người sống nơi đây cũng cũ [già], tạo nên một tổng hoà của tự nhiên, ấm áp và dễ chịu.

Tôi nhìn ngó các bông hoa, lom khom rón rén rình mấy nhóc chim sâu vừa nhảy lách tách vừa ngoạc mỏ cãi nhau để chụp hình mà bất thành, sau lại quay sang trêu chọc bọn bươm bướm lượn lờ quanh mấy bụi hoa nơi mép tường. Chơi chán thì con giời ngồi bệt ở bậc thềm, ngẫm nghĩ một chút về cái sự đời. Bao năm tôi chạy theo những món phù phiếm, phô trương, giả tạo; giờ chẳng cần gồng mình cứ thế mà tự nhiên hiểu ra được một điều, làm gì cũng cứ phải là theo hoàn cảnh của mình, phù hợp với cái hoàn cảnh đó. Hướng vọng ra ngoài, rướn mình đua đòi, rồi chẳng may dại dột mà lún quá sâu trong cái hố tham, ác và ngu thì sớm muộn phong cảnh tươi đẹp để hưởng thụ chưa biết có hay không mà cái lòng, cái dạ, cái tâm, cái trí nó cứ nặng nề và đen kìn kịt, Như thế, thực là khổ a!





Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

bắc ninh 23.10.2021

Bắc Ninh tháng 10.2021
(1)

Tôi thấy chuyện này rất buồn cười.

Cả TL lẫn tôi không phải dạng ngô nghê hỏi gì cũng không biết. Nhưng đến đoạn tìm hiểu thông tin đường về Bắc Ninh thì chúng tôi thành ngô ngọng. 

Từ hôm Hà Nội chính thức dỡ lệnh giãn cách, chúng tôi hỏi. Hỏi mỗi nơi, mỗi người thì ra một câu trả lời mỗi khác. Đến tuần trước, bạn lái xe quen chuyên đưa chúng tôi về Bắc Ninh khuyên, chờ thêm chút. Ừ thì chờ!

Thứ Bảy về thăm hai cụ già, lịch chốt đàng hoàng rồi mà chúng tôi vẫn lơ mơ. Nghe nói đường này không chặn, đường kia còn chặn. Thôi kệ, cứ về!

May mắn là đường thông một lèo. Chẳng có ma nào chặn cả!

(2)

Đường 5 không đến mức ùn tắc như bình thường, nhưng đông vui thì cứ gọi là đông vui.

Chỗ rẽ từ quốc lộ to đùng sang con đường nhỏ chạy qua đền thờ Bà Ỷ Lan, chúng tôi thấy bên mép đường, chỗ một miệng cống đổ bê-tông khối vuông chồi lên mặt đất chừng một phần tư mét, có hai ông lão đang ngồi chồm hỗm tay cầm cần, mắt chăm chú đồng hướng ngó xuống.

Bạn lái xe phá lên cười. Mình cứ tưởng chỉ có bọn trẻ con mới chơi trò này. Giờ hoá ra mấy bác già cũng thế. Mà hai ông bác này chẳng có khẩu trang hay khoảng cách xã hội 2 mét chi sất a :-)

(3)

Sau nhiều ngày sụt sùi, Ơn Giời, ngày về quê Ngoại nắng ấm tưng bừng, trời cao xanh trong trẻo, còn không khí thì chẳng gì tuyệt vời hơn, chúng tôi thoả sức căng lồng ngực hít hà.

Tôi ngó nghiêng một hồi, rồi ra hỏi u già, sao Mẹ không trồng hồng vàng. À, hoá ra đã thử. Và không thành công! Bà cụ già kết luận, chán [không muốn thử nữa]! Nhưng mà hay nhá, sau tất cả những sự thử và sự chán đó, vườn nhà Bắc Ninh của Bố Mẹ vẫn cứ là vui vẻ với đủ sắc hoa chỗ này một tý, chỗ kia một tẹo.

Ngày trước, có dạo tôi cứ nghĩ nhà và vườn thì phải là theo hình thái này, với cây cỏ nọ. Sau rồi phải tự lo cái thân thì tôi phát hiện, mọi hình ảnh mà tôi ngưỡng mộ và theo đuổi có thể là đẹp người nhưng không phù hợp với ta. Rốt ráo lại thì chân mình cứ phải chạm đất nhà mình, rồi sờ cái túi tiền xem nó nặng nhẹ ra sao, rồi thêm cả cái chiều tâm trạng của mình nó thu hẹp hay phình nở, và rồi chi chi vân vân tá lả các yếu tố khác nữa, mà nhà mình, nhà ta có cái vườn theo kiểu nhà mình, nhà ta a :-)))

(3)

Vẫn như mọi khi, con gái ngồi uống nước trà nói chuyện với Bố với thái độ sẵn sàng nhắc lại nguyên văn một câu vừa thoát ra khỏi miệng. Còn ông cụ già thì vẫn như mọi khi, hết mực khách sáo, con thông cảm cho Bố là giờ tai nghễnh ngãng. Mẹ vẫn đau chân, mỗi lần đứng lên ngồi xuống là một lần cử động chầm chậm. Ở bên miệng giếng nước, con gái ề à tám chuyện với bà cụ già. Nghe một mớ chuyện liên quan đến covid ở quê, ở làng.

Mẹ kể có cái thôn ở đầu kia của xã, dân chỗ ý đi Nam [làm ăn] giàu có lắm, về quê từ trong đó bằng xe riêng. Về rồi ăn cỗ khắp làng. Được mấy bữa thì cả làng đó cách ly. Còn chuyện người làng mình đi Nam dính chưởng covid trực tiếp họ hàng không có, nhưng thông gia của họ hàng thì có. Vào trong đó lâu, sinh hoạt cũng theo nếp nơi chốn mới, đâm ra có nhà kia chẳng chú ý chuyện giắt chút tiền bên hông. Nhoi ra đường kiếm tiền xe ôm, ông chồng rước covid về nhà. Bà vợ không qua được, ông chồng là người ở lại.

(4)

Mà cái thời covid này hoá là dịp để khối người làng đổi hướng đường sinh kế của mình. Nhà chị họ xa bắn đại bác bảy ngày không tới trong thời gian trường mẫu giáo đóng cửa thì chị họ-cô nuôi dạy trẻ quyết định đầu tư thuyền lồng cá. Chồng chị đi Nam giờ về nhà mang cái "tội" nợ cờ bạc phải để vợ đậy nợ giùm nên vợ nói gì cứ cun cút làm. Kết quả là hai anh chị chăm chỉ "mò cua bắt ốc" với thu hoạch đều đều mỗi ngày nào cá, nào hến, vừa bán chợ gần vừa đưa chợ xa. Ngày ít kiếm đôi trăm, ngày nhiều có khi lên tiền triệu, mặt mày chị họ nở hoa tưng bừng. Chị họ này cứ tiếc mãi, giá mà biết vậy từ sớm thì có phải là đỡ phải đi làm ăn xa không.

Còn anh họ gần sau khi bỏ hẳn giấc mộng định cư Châu Âu đã kịp về Việt Nam hồi đầu năm với một cục tiền bự. Anh họ lả lướt đủ loại giấc mơ, từ bán tạp hoá qua làm hàng mã. Không rõ lý do thôi ý định bán hàng là chi, còn về món hàng mã thì anh giải thích, mình không "tín" thì làm hàng không có cái "thần", rồi khách đến mua hàng mình nói chuyện chẳng đâu vào đâu, vô duyên! Sau rồi, anh chốt lại cái kế hoạch theo đuổi sự nghiệp mới của mình, sửa chữa đồ điện tử. Gần tuổi 50, anh họ ngày ngày chạy xe máy ra thị trấn học nghề một thầy một trò với một ông già, sáng học, trưa về nhà em gái ăn cơm và nghỉ ngơi, chiều học, tối chạy xe về nhà với vợ con. Anh họ tính rất hay, thích lọ mọ đục đẽo các mẩu gỗ. Anh bảo vẫn chăm chỉ đặt mua gỗ về tích, để lúc nào thảnh thơi thì lôi ra đẽo gọt.

(5)

Tôi có chút cảm giác choáng ngợp trước sự "thả lỏng" của mọi người, cả ở Hà Nội lẫn khi về quê Bắc Ninh.

Có lẽ vì đã qua hơn một năm run cầm cập ở xứ người, lại chưa hết hồi chuếch choáng với liên miên giãn cách, rồi nữa là cái máu "hèn" vốn có của bản thân, nên tôi nhìn về phía trước vẫn cứ là lờ mờ xám chứ chẳng có chi sáng sủa hứa hẹn tức thì.

Nhưng thật may mắn là cuối cùng, chúng tôi đã có thể về thăm Bố Mẹ. Và việc được ăn với hai cụ già một bữa cơm trưa đầy mùi chiều chuộng của Mẹ, được làm con gái "chấy rận" khi ngồi ngoài hiên chăm chú vạch và nhổ tóc sâu cho u nhà mình, rảo bước sang nhà anh chị họ tám chuyện luyên thuyên và tranh thủ vơ vét, xin xỏ món này món nọ... tất cả giống như một liệu pháp tinh thần, cho chúng tôi vừa là cảm giác an toàn, vừa là hy vọng rằng mọi chuyện rồi sẽ chầm chậm tốt!

anh họ làm cho cái giá đèn từ cành cây

bình gỗ bonsai anh họ tự làm

vơ vét từ nhà anh họ: mâm gỗ cũ;
đĩa và lọ gỗ anh họ tự làm

cún nhỏ nhà chị họ xa, chạy sang tò mò ngó

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

vườn nhà bắc ninh mùa này có gì

nhiều tháng không về được vì giãn cách,
giờ ngó cái vườn... có chút lạ lẫm!
(1)

Cuối cùng, chúng tôi đã có thể về Bắc Ninh thăm hai cụ già.

Vườn nhà nhìn có chút phần trống trải. 

Nhưng rất mau tôi phát hiện mình "bé cái nhầm".

(2)

Mướp và bí xanh lơ lơ lửng lửng cả trên giàn lẫn trên cây lớn đầu vườn. Rau muống giấu mình ở một góc xa sau tán bưởi rộng. Góc này góc kia khoát tay một cái là có liền từ mồng tơi qua cải ngọt đến các cành ngót. 

Mẹ chép miệng, rau sao mà đắt thế. Bà cụ đâu phải mua rau ngoài chợ, vậy tại sao biết chớ. À hoá ra có chị quen đi qua kể chuyện muống phải mua đến 5 ngàn đồng tiền một mớ. 

Con gái nghe xong cười phe phé, dù chẳng biết cái mớ chị kia nói nó to hay bé thì con biết chắc mớ muống lèo phèo ở siêu thị giá cứ là hơn mười ngàn đồng tiền đi.

(3)

Cây ăn quả xem ra rất "rộng rãi", cho quả từ bưởi qua xoài.

Hay ho nhất là cây chanh vàng vui vẻ xuất ra liền ba trái.

Trừ một bị hỏng thì hai trái còn lại thực to con. Chanh đó được TL lấy làm thành tựu vác về Hà Nội. Lúc cô em mang quả từ vườn vào, đưa ngang mặt cho tôi ngửi. Hương chanh thơm ngát, thực dễ chịu, thực sáng khoái!

xoài bọc tờ giấy lịch to chờ từ từ chín


hành lấy củ

mùa trồng cấy mới

đây chanh vàng, khinh khỉnh mãi
rồi cuối cùng cũng cho trái

giàn bí cuối mùa, nhìn kỹ trái còn kha khá

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

hai chậu ngải: paris lỏng khỏng hà nội phều phào

ngải phong cách người mẫu của T.A.


(1)

Tôi rất tin tưởng vào công thức cây [rau] phong thuỷ trong nhà của M từ nhiều năm về trước. Rằng thì là mà ở trong nhà nên trồng ba thứ cây: nghệ, đinh lăng và ngải cứu. Da dẻ, sắc diện người đàn bà trong nhà đảm bảo sẽ là tươi tắn, nhỉnh nhuận hơn nhiều.

Tôi khoái chí cái vụ cây [rau] phong thuỷ này lắm. Không phải vì mong đợi một ngày kia cái mặt lúc nào cũng tươi nhuận. Mà đơn giản bọn cây đó chúng giản dị, nhìn vui vui mắt, và xem ra cũng dễ đường chăm sóc.

Nói là vậy nhưng lúc còn ở nhà Hà Nội, nhà có đủ ba cây đó thì tất cả đều là ở ngoài vườn chứ không phải trong nhà. Vậy thì phong thuỷ cái quái gì nhể!

(2)

Lên nhà căn hộ, hành động đầu tiên của tôi liên quan đến cái hiên là vác một chậu đinh lăng về trồng. Ất a ất ơ thế mà giờ cây xem ra có dáng vẻ ra phết. Cứ ngọn nào chồi lên là tôi nghiến răng nghiến lợi nhắm mắt cắt xẻo. Giờ chúng tôi có chậu đinh lăng lùm lùm.

Nghệ mấy cây nhỏ được bứng lên từ góc vườn nhà Hà Nội rồi cho vô chậu đặt ở hiên tầng dưới tầng trên. Một chậu cây vươn cao khoẻ khoắn, một chậu cây làm mình làm mẩy phải đến đôi ba tháng giờ mới uể oải vươn vai. 

Riêng ngải cứu, mấy lần tôi ngó chỗ hàng quen Chợ Bưởi không thấy, rồi sau đó vướng liền tù tì mấy đợt giãn cách thì ý định trồng tạm quẳng ra sau gáy. Có lần tôi còn nhờ vả Mẹ, chuẩn bị sẵn cho con ngải cứu để hôm nào về được Bắc Ninh con xin mang ra Hà Nội. Nói vậy nhưng hôm trước cuối cùng tôi cũng kiếm được ba bó nhỏ già cỗi, ủ rũ. Con giời trồng cây mà cứ lom ra lom rom, rất thiếu đàng hoàng. Sau nghĩ lại, tôi phì cười. Chắc lúc đó là run run lo bọn cây chúng tử.

(3)

Sau hai ngày chỗ ngải cứu đó xem ra đã quen nhà mới với đất bùn ao được tôi ngồi kiên nhẫn dùng dao gọt vụn.

Chưa biết chỗ ngải này sẽ lớn mạnh ra sao.

Nhưng tôi dám chắc, so với chậu ngải cứu lòng khà lòng khòng của TA thì ngải nhà mình đây dù vẫn còn phều phào hẳn ở thì tương lai gần sẽ là to mập đây a :-)))

phều phào chút nhưng nhà cháu sẽ nhớn :-)

những kẻ muôn năm cũ: nghệ và đinh lăng

cá trắm trắng kho hai lửa: giềng gừng sả rồi qua đến khế chua

một lần kho cá trắm :-)))
(1)

Trắm, trắng hay đen, không phải là loại cá quen thuộc đối với tôi. 

Về căn bản, nghe hay nói chuyện món cá trắm kho thì tôi ngay tắp lự sẽ nhớ đến quán cơm bình dân gần trường đại học, nơi có một thời tôi hay lê la cùng mấy bạn bên khoa Sử qua đó ăn cơm trưa. Bạn thân thiết gọi cơm, gần như mười lần sẽ có đủ mười gạch đầu dòng cá kho. 

Khúc cá lớn được bày trên đĩa sâu lòng, được rưới chút nước kho sậm màu, và nhất thiết không thiếu hai bạn kho cùng chí cốt là giềng vài lát, ớt vài trái. 

(2)

Đợt này người ủ rũ, cái sự ăn uống trở thành một hành động lặp đi lặp lại theo quán tính, ăn để lấp cái dạ theo nhịp của ngày, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện thử cái này mần cái nọ hòng đem lại chút phấn chấn trong và cho bếp nhà căn hộ. Thế là có tiết mục kho cá trắm.

Trong bếp có sẵn mẩu giềng non và mấy trái khế chua, con giời trịnh trọng đi thăm bác gúc-gù. Có món cá kho giềng-khế, đúng. Nhưng mà là cá đồng. Còn lại, hoặc cá kho giềng-sả, hoặc cá kho giềng-gừng, hoặc cá kho khế. Tôi bối rối!

Cuối cùng, tôi quyết định bắt đầu cái vụ kho cá này theo cách an toàn: giềng, sả, gừng, ớt như là đường gia vị nồi kho. À xíu quên, có cả mấy hạt tiêu đen khô và hai ba nhánh tiêu xanh tươi nữa nhá!

(3)

Nồi kho lửa thứ nhất có:

- Mấy miếng ba chỉ
- Sả một củ - vì nhà chỉ còn đúng một củ
- Giềng một miếng nhỏ chừng hai đốt ngón tay chụm lại, thứ giềng non mềm mềm và thơm đậm dìu dịu 
- Gừng mấy lát
- Ớt hiểm mấy trái
- Và dĩ nhiên không thể thiếu đường mắm muối

Món ra bàn ăn hết mực vui vẻ. Phần thịt chín rục tôi chẳng quan tâm. Cá khều khều, nhặt bỏ xương đi, lại dầm vào chính nước kho của nó, cùng với cơm nóng lùa một miếng lớn vô miệng, rất được. 

Nhưng nếu là thích nhất thì tôi sẽ gọi tên ba bạn giềng, gừng và ớt. Sả một nhánh củ kia bị thái vụn nhỏ chỉ vừa đủ đem lại chút cảm giác cho món kho chứ còn đâu nữa mà nếm. Còn lại, các lát gừng, các lát giềng và trái ớt sau mấy giờ củi lửa sao mà đậm đà, sao mà ngon. Ớt dẻo. Gừng và giềng mềm mà không nát. Tôi thậm chí chả nhẽ làm một nồi kho mà cá và thịt thành gia vị, còn chính ba thủ trường này mới là thức ăn chính đâu :-)))

(4)

Có một vấn đề to là khay cá mua về để kho có ba khúc. Đối với chúng tôi thế là quá nhiều!

Sau bữa tối thứ nhất xử lý gọn gàng một khúc cá, tôi ngắm cái nồi kho và nghĩ làm gì tiếp đây.

Kết quả là đến nồi kho lửa thứ hai có thêm góp mặt của các lát khế chua. Thành công mỹ mãn, và lại một lần nữa tôi tính tiếp sao không làm món khế kho chủ vị nhỉ.

(5)

Nói vui vậy thôi, cá trắm kho thế này cả năm làm và ăn chơi một lần đối với tôi là đủ.

Chuyện không phải vì ngon hay không ngon, vấn đề rốt lại là lượng.

Cái dạ của chúng tôi xem ra đã co lại kha khá nên cái sự ăn không còn sôi nổi và thô tháo hung hăng như trước. Thêm nữa, cá mua theo khay đâu có thể đứng dõng dạc chỗ quầy thu ngân mà bảo tôi đây chỉ lấy một khúc; và ngay cả khi chạy xe ra chợ mua ở hàng cá nhõn một khúc thì thực phí năng lượng để làm một nồi kho cá ta đây một khúc à.

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

khám phá rau bồ công anh

đây rau bồ công anh xanh
theo tên gọi của trang trại trên Mộc Châu
(1)

Note nhỏ xà lách xào tỏi vị dầu hào được nắn nót viết và cho lên bờ-lốc nhảm này của tôi hồi đầu năm 2016. Tôi vẫn nhớ rất rõ bữa cơm ngày ấy, TL ốm khật khà khật khừ. May là ra mâm, con chị nấu cơm được con em phán cho một câu, xơi được. Cái sự xơi được đó là hướng tới món rau xào ngẫu hứng của tôi.

Sau đó có bạn "mini Cun" (tôi đoán là cún nhỏ - mini Cún) gợi ý, nhà rau xà lách mà tôi mơ hồ không rõ tên này "có thể là một loại bồ công anh".

Cho tới thời điểm đó, tôi vẫn nghĩ bồ công anh là cái cây có bông tơ/lông nhỏ chạy lăn lóc tà tà mặt đất theo chiều của gió. 

(2)

Vậy là xà lách - diếp - bồ công anh, kẻ tham ăn tục uống tôi đây xơi cứ xơi. Còn ai hỏi, con giời sẽ tự động bày ra cái vẻ mặt ngu dốt vô tội, nhà cháu chịu a :-)

Hai năm trước, sau một đợt dài vắng mặt ở nhà Hà Nội, lúc tôi trở về, có bữa nghe TL kể mua được rau bồ công anh ở nhà rau Đại Ngàn trong tiểu khu, ăn thích lắm. Tôi nghe có nhiều phần háo hức, sau chẳng hiểu sao mà không có dịp tìm và nấu, ăn thử món rau này.

(3)

Đến hôm qua, tôi chính thức được "giải ngố".

TL gọi điện về nhờ tôi ra cổng khu chung cư lấy rau đặt từ trang trại trên Mộc Châu. Rau mang về nhà được dỡ khỏi túi, rất mau tôi phát hiện một giống cây lạ hoắc, dài loằng ngoằng, lá có hình dạng lai giữa lá diếp và cải rocket, thêm nữa là rễ cũng dài và xem ra rất chắc. Ngó sang tờ hoá đơn, à thì ra đây bồ công anh.

Buổi tối đi làm về TL đảm nhận vai trò đầu bếp. Có nước luộc thịt, thế thì dùng nấu canh rau bồ công anh.

Tôi hồi hộp ngó cái nồi canh. Húp một ngụm nước canh nóng, nhằng nhặng đắng. Đến khi đưa một gắp rau vô miệng, úi chao sao đắng! Khác xa bạn xà lách - diếp vườn nhà Bắc Ninh kia chỉ là "nhằng nhặng đắng", rau bồ công anh này đắng thật, đắng sắc. Đặc biệt khi canh càng nguội thì vị đắng càng nổi rõ.

Ngoài chút "choáng váng" lúc ban đầu, với cái mồm miệng và cái dạ lưng lửng đã được luyện tập xơi nhiều món rau củ vị đắng, từ quen thuộc ngải cứu và mướp đắng, tới gần đây thường xuyên nhai và uống nước ép cải kale và cải rocket, tôi thực mau thích nghi với vị canh bồ công anh này. 

Lại thêm lời động viên từ cô em, rau này vị thuốc đấy, có người còn xay/ép lấy nước uống đấy. Nghe có vẻ hay nhể! Vậy thôi, bỏ qua cái sự đắng, mình nấu tiếp, chén tiếp canh rau bồ công anh xanh hỉ :-)))

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

ghi chép paris - covid đó đây (2): tháng ba

THÁNG BA

Cả nước rầm rập với một ổ dịch được phát hiện. Đó là nơi đóng quân của một sân bay quân sự. Các ca nhiễm mới đều không tìm ra được nguồn bệnh. Có người nhiễm bệnh qua đời. Sau này người ta mới biết, số quân nhân tham gia chiến dịch "đưa đồng bào từ vùng dịch về nước" đều không phải cách ly. Họ được cho nghỉ ở nhà một thời gian.

Tôi đến phòng tập thể dục, một người đàn bà bản xứ liên tục hỏi tôi: Cô là người Trung Quốc à? Câu hỏi được lặp lại mỗi khi tôi và bà ta chạm mặt nhau. Lúc đầu, điều này khiến tôi buồn cười và tôi còn nhã nhặn trả lời: Không phải ạ. Nhưng tôi chợt để ý, cho dù tôi nói "không phải" thì bà nọ vẫn rời khỏi nơi có sự hiện diện của tôi. Sau đó, tôi không còn trả lời câu hỏi rập khuôn kia nữa. Thậm chí, có hôm tôi còn có ý ác: nếu tôi không vội, tôi sẽ ở lại đây rất lâu. Bà sẽ đứng bên ngoài rất lâu để chờ tôi rời đi. Và bà nhẽ bị nhiễm lạnh. Bà có thể bị cảm cúm và nghĩ rằng mình bị virus nọ tấn công. Là tôi nghĩ thế!

Một hôm tôi đứng chờ đèn đỏ. Khi đèn xanh bật lên, tôi nhìn thấy một người đàn bà từ phía bên kia có một kiểu sang đường hình vòng cung rất kỳ lạ. Sau đó, tôi ớ ra khi phát hiện ra điệu này: đó là cách bà ta tránh tôi.

Ở cửa hàng thịt, tôi xếp hàng sau một bà già nhỏ bé khác. Tôi nghe bà ta thì thầm với người thu ngân, vợ của ông hàng thịt, và lấm lét quét mắt sang tôi. Khi rời khỏi cửa hàng, bà ta phi qua tôi như một ngọn gió. Tôi suýt phá lên cười và nói to với ông hàng thịt: Thôi ông bán nhanh cho tôi chứ không thì khách [của] ông chạy hết. Ông chủ khoát tay: Ôi dào, dâu tôi là người Trung Quốc, về quê ăn tết vừa sang hôm qua kia kìa, tôi còn ôm hôn nó thắm thiết [mà] chả sao.

Bạn bè tôi bắt đầu râm ran các câu chuyện về việc người có dáng vẻ Á châu bị soi mói, thậm chí bị chửi bới, và khá ấm ức. Tôi còn nhiều lý trí để nói rằng: Tôi hiểu được tâm lý bà con xứ này. Đó là sự phản ứng thái quá trước một điều lạ lùng, vượt quá khả năng tư duy thông thường chứ không phải là kỳ thị. Xứ mình hoặc bên hàng xóm, nơi ổ dịch xuất hiện cũng có những hành động tương tự, thậm chí quá đáng hơn nhiều. (Đó là do tôi đọc được: những hành khách của một chuyến bay về Trung Quốc đã phản đối những người gốc gác Vũ Hán lên máy bay).

Lúc này, khẩu trang, nước rửa tay và việc giữ khoảng cách vẫn chưa được bàn luận.

Dù sao đi nữa, tôi vẫn không mang cảm giác bị kỳ thị!

ghi chép paris - covid đó đây (1): khởi nguồn

[MÀO ĐẦU]

Tôi có một trí nhớ xấu. Xấu chứ không phải tồi! Bởi vì tôi có thói nhớ dai những thứ không đáng nhớ. Trong ký ức của tôi, những kỷ niệm êm đềm, hay ho quả thật hiếm. Nhưng nỗi buồn và sự "hằn học" thì đầy ắp. Dù tôi có muốn quên thì thì chúng vẫn cứ nằm ì đâu đó và chỉ chờ cơ hội để điểm danh.

Khi covid xuất hiện, tôi không ghi chép chuyện đã và đang xảy ra. Cứ tưng tửng đi qua và "đụng chạm" vào nó. Nhiều thứ nhớ lan man, không rõ. Nhưng có những chuyện ngày nào cũng luẩn quẩn trong đầu. Nhiều khi chúng hiện ra khiến tôi trở nên giống một kẻ đối thoại với ma.

Nghe tin dịch ở Trung Quốc, rồi Việt Nam, cảm giác không yên lòng chiếm ngự tâm trí tôi. Rồi một ngày nó ào đến xứ này như mưa rào, như giông bão. Tâm thần tôi không mấy động đậy. Hàng ngày vẫn lảm nhảm, để ý-moi móc các cách nói-hiểu-phổ biến-phòng và chống dịch từ phương tiện truyền thông cho đến đời thực như một mõ già.

Tâm tính xấu xa của tôi chỉ thực sự sống lại khi tôi nghe tin dịch quay lại nơi nó đã gần như lướt qua. Tôi nghe ngóng tứ tung và cảm giác bất an ngày một tăng. Bất an vì những "chiến lược-tác chiến-vũ khí-thành luỹ" được chế tác một cách cấp tốc, kiểu "ai có súng dùng súng..." để đánh giặc covid. Cho đến khi cái đầu óc nhỏ mọn bắt đầu quá tải thì tôi nghĩ đến việc chép lại (chép lại chứ không phải ghi chép) những điều cỏn con về COVID đó đây!

KHỞI NGUỒN

Tôi không nhớ là qua những cuộc điện thoại, trao đổi với người thân qua các mạng xã hội hay từ thông tin truyền thông xứ này mà tôi nhận tin về sự xuất hiện của covid. 

Lúc đó, nó chỉ mới được gọi là virus. 

Tôi có đọc-xem các hình ảnh về dịch bệnh ở Vũ Hán. Hình ảnh đóng dấu là đường phố vắng tanh. Câu chuyện đọc-xem đâu đó về việc người dân bị giám sát bằng công nghệ hiện đại khiến tôi nghĩ đến [việc] đang xem một bộ phim hành động-viễn tưởng kiểu Mỹ. Lúc đó, tôi chỉ có một logic duy nhất và nó khiến tôi bối rối: quê tôi sẽ là điểm đến tiếp theo. Vì chúng ta là hàng xóm thân cận. Và nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là cơn ác mộng của dân tôi và của hệ thống y tế.

Tôi đi làm, mùa Noel đến, nhìn cảnh bà con tấp nập ngoài đường mà nghĩ: Điều gì sẽ xảy ra khi nơi đây có con virus kia. Giữa những sóng người, biển người, chen vai thích cách chạy đua với khoảng thời gian cuối năm cho kịp lễ tết.

Trên truyền hình, báo đài, tôi thấy-nghe-đọc các chuyên gia của đủ mọi lĩnh vực sôi nổi bàn luận (có cả bàn tán) về cái con virus ở xứ sở kia. Tất cả hầu như chung kết luận: nó ở xa quá, nơi đó khác chúng ta quá, chúng ta khác nơi đó quá... Và nếu chúng ta biết tận dụng thời cơ, đây sẽ là cơ hội để chúng ta "đút túi" (kiếm tiền), vì đối thủ đang bận phòng vệ bản mệnh. Tôi cười hềnh hệch với những "bàn tròn" của các tinh khôn.

Ngoài đời, bà con râm ran bàn tán. Sợ có. Tò mò có. Móc máy có. Nhưng nhìn chung còn bình tâm lắm!

Noel và tết 2019 qua đi. Cuộc sống còn giữa được vẻ "bình thường cũ". Cho đến một ngày, hệ thống y tế được báo động bởi 3-4 ca nhiễm virus. Những bệnh nhân này hầu hết đều liên quan đến vùng dịch khởi điểm. Họ vừa từ nơi ấy về.

Bệnh viện bắt đầu chạy chữa. Rất nhanh, hệ thống y tế có các cuộc họp báo. Các bác sĩ có liên quan thông tin tình hình trên các phương tiện truyền thông. Tôi nghe đến các biện pháp điều trị, con số nhân viên y tế xung quanh người bệnh. Rồi mọi việc qua đi. Người bệnh bình phục. Bộ trưởng Y tế, vốn là một bác sĩ, một người đàn bà có khuôn mặt, giọng nói khá hiền từ, kiểu của một cô giáo hơn là một chính trị gia, trấn an dư luận, chúng ta đã khống chế được virus.

Tiếp: ghi chép paris - covid đó đây (2): tháng ba

lưu các ghi chép paris của bạn - covid đó đây

(1)

Tôi tò mò chết đi được, rằng thì là mà nhân dân, bà con, đồng bào suy nghĩ gì ở thời điểm chớm, trong và hứa-hẹn-"hậu"-covid (?)

Tuỳ mỗi hoàn cảnh người, từ sống ở nơi chốn nào đến công ăn việc làm thu nhập ra sao, già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, tôn giáo quy thuộc là chi, rồi cả mớ những điều kiện khách quan, chủ quan khác nhau mà những cảm thức, cảm niệm về chính bản thân, về người xung quanh và về đời ngoài kia có muôn vàn công thức biểu tỏ, muôn vàn câu chuyện kể về trải nghiệm mang tên covid.

Tất nhiên là chuyện này chỉ xảy ra với những-kẻ-sống-sót!

(2)

Hôm qua tôi vô tình ngó một bản tin của một nhà truyền thông tư nhân, phát hiện họ rất khéo. 

Thay vì nói có bao người chết, tử vong thì họ dùng diễn đạt "những người không qua khỏi".

Cái chết xem ra nghe bớt nặng nề, đau đớn!

(3)

"Những người không qua khỏi" này, cho đến nay, xác thực tôi không quen biết một ai trực tiếp trong cái vòng tròn xã hội bé tý xíu của mình.

Nhưng nếu mở rộng các quan hệ bắc cầu thì ngay khi Sài Gòn nếm mùi căng thẳng, TL đã thì thào thuật lại lời kể của cô bạn học bổng Chevening về số người quen bị nhiễm cúm Tàu và qua đời. Chuyện nghe rất rầu!

(4)

Thông tin qua nhiều tuần lặp đi lặp lại cùng một dãy các gạch đầu dòng.

Về số ca mắc và tử vong cũng như được ra viện. Mà trong đó, con số thứ hai không phải lúc nào cũng rõ ràng, rành mạch!

Về bao nhiêu vất vả của toàn hệ thống.

Về bầu không khí hừng hực kiểu giặc chưa diệt hết ta chưa về, kiểu mọi ngóc ngách bộ này ngành nọ đều nhất loạt hoá thân thành chiến luỹ, chiến luỹ chứ không phải lô-cốt nhá!, và từ chúng dân tới các ông bà quan cán bộ nhất tề thành số đông chiến sĩ bên cạnh một hai tinh bông tư lệnh chỉ huy.

Về những gương sáng, những điển hình mà thường là sự tôn vinh nếu không phải sặc mùi tuyên giáo thì lại mắc cái bệnh ẩu tả, thiếu chiều sâu cả về làm nghề lẫn luân lý làm người!

(5)

Trong khi truyền thông quan phương là vậy thì truyền thông dân gian lại có danh sách gạch đầu dòng riêng của mình.

Mà nếu túm lại thì thuỷ chung vài từ: đói, khổ, tuyệt vọng!

(6)

Tôi bối rối, giữa những thực thực hư hư.

Ngay ở Hà Nội thời gian "giãn cách", chỉ nơi tôi và TL sống thôi, so với nhiều người nhà và người quen, rõ ràng là "dễ thở" hơn rất nhiều. Và như vậy, từ chỗ của mình, tôi chẳng có cớ gì để ngoạc mồm ra mà kêu ca phàn nàn cả.

Nhưng khi thành phố thở phào một cái, chúng tôi ghé qua bà cô kế út nhà Nội để thăm hỏi, nghe chuyện em họ kể thì tôi rùng mình. Hà Nội như vậy có bị thằng cha nào đó của hãng thông tấn AFP gọi là nhà-tù-lộ-thiên xem ra chả oan ức tẹo nào.

Còn chuyện Sài Gòn và các tỉnh Miền Nam, một hai đoạn clip thì còn có thể gật gù, ừ thiểu số. Nhưng dồn dập thông tin, nhiều đến mức mà cuối cùng thì chính vài vị thuộc giới tinh bông quốc doanh cũng phải lên tiếng, thì rõ ràng chúng ta có vấn đề, rất có vấn đề!

(7)

Nhân chuyện ý kiến của chuyên gia và tinh bông, có một chuyện hài hài thế này nơi xứ mình.

Phần lớn các ý của các vị khi được phát ngôn ra thì chẳng có chi là mới mẻ.

Vì trước đó, trong dân gian đã có đủ đầy hết cả rồi.

Khác chăng, các vị là cựu này cựu nọ với đầy mình credits đỏ. Và lời của các vị nói vào phút cuối được đánh giá là thẳng thắn thì chỉ vài tuần, vài tháng trước cứ tự động mà rơi vào giỏ "phản động". 

Đời thật hay, tuỳ việc bạn là ai mà lời bạn nói ra là đúng hay sai, là đẹp hay xấu a!

(8)

Tôi luôn tự nhắc mình, sống cuộc đời của mình, đừng bao đồng, chớ ngó nghiêng dẩu mỏ ra mà tám nhảm hay tệ hơn là rủa xả.

Không hẳn là li khai nhưng quả thực tôi hạn chế tiếp cận tin tức. 

Hôm qua cũng vẫn là vô tình mà tôi thấy một chớp nhoáng hình ảnh kệ kê túi đồ của những người đã khuất ở một bệnh viện dã chiến. TL tinh mắt, nhìn, rồi bảo tôi, cái túi kia nhìn hình thức vậy đoán là của một người thanh niên.

Trong chốc lát đó, tôi thấm thía thêm một tầng mới ý tứ của hai chữ vô thường.

(9)

Năm trước, trong lúc tôi bối rối vì thế mắc kẹt ở xứ người, nhận được thư từ đàn anh thì tôi trong chốc lát quên sạch những bức bối vì còn mải xỏ xiên cười ha ha ha trước mấy lời thư của ông anh nói về việc covid thúc giục chúng ta "dừng lại", suy nghĩ và thay đổi nơi chính mình ra sao. Lúc đó, tôi nghĩ, đàn anh xem ra thích lời "hoa mỹ".

Thế mà giờ đây tôi sẵn sàng gật đầu tắp lự tán thành cái ý tứ đó.

Thời gian diệu kỳ. Nó khiến chúng ta khốn khổ. Nó đem lại cho chúng ta những phép chữa lành. Nó giăng ra trước mắt chúng ta tấm màn đen kịt mang tên tương lai gần, tương lai xa. Rồi cũng chính nó lại hé mở những cánh cửa mang tên hy vọng. 

Tôi phát hiện, bất luận nó là thế nào, cái thời gian nghịch lý, mang trong mình đầy mâu thuẫn đó, thì vấn đề rốt cuộc hoá lại là chính ta. Và mỗi cái ta có một hoặc một chùm truyện kể, của riêng mình về cái sự kiện mang tên covid!

(10)

Gần hai năm qua, tôi chăm chỉ ghi nhật ký covid. Là các notes phần nhiều nhảm nhí, lảm nhảm cà ràm sặc mùi xỏ xiên, phản ánh trung thành cái đầu óc của tôi nhất thời. 

Giờ là lúc tôi đọc ghi chép [về] covid của bạn ở phương xa.

Bắt đầu từ đây, cái bờ-lốc nhảm này của tôi sẽ có thêm một mục với một nhãn mới: ghi chép Paris. 

Các chuyện kể của TA cho tôi thêm một miếng ghép trong bức khảm khổng lồ về trải nghiệm covid suốt thời gian qua!

vị đông

những mảnh ghép ấm áp
Rất buồn cười nhá.

Tôi mơ mơ màng màng trong nỗi sợ mang tên covid của mình. Thành phố nới lỏng rồi "bỏ" cái món "giãn cách", bà con tưng bừng lao ra đường, tôi lê lết kéo dài các ngày sợ chết của mình ở trong nhà căn hộ. Vì thế, dấu chỉ thời tiết nổi bật nhất, và cũng có thể coi là duy nhất, là cái khuông trời nhìn qua các ô cửa sổ cùng bờ hiên chật hẹp. Và cũng vì thế, tôi chỉ tập trung cảm nhận sự hiện diện của mưa cùng gió mát trở lạnh.

Ngày hôm qua, tôi rảo bộ ra Chợ Bưởi tìm mua bó đũa nấu thì giật mình, úi chà, tiết đông cứ lẳng lặng núp sau các cơn mưa [bão] mà hiện diện từ lúc nảo lúc nao trong thành phố.

Thực thì ngoài đường kia, thời trang của nhân dân ta, đặc biệt của cánh chị em, tính ra vẫn là vô cùng đa dạng, vô cùng phong phú. Có cô nàng hai dây khoe từ rãnh ngực đến cả mớ hình xăm lộn xộn. Lại có chị gái đi bốt lửng và mặc váy lụa là mấy lớp bay phấp phới. Còn lại, cánh thanh niên bình dân cứ hốt-đi và quần dài quần cộc phóng xe máy ầm ầm. Và đặc biệt các cô bác trung tuổi cùng các bà già, những người thông báo mùa đông tích cực nhất phố phường, với đủ kiểu áo khoác từ nhung mỏng hay ren móc điệu đà qua đánh rụp một phát áo phao.

Ở trong nhà tôi không đến mức như TL co ro kêu rét hay cô khách tới chơi sù sụ một cái áo lông, nhưng vẫn cứ là cẩn thận áo chùng quần dài nghiêm nghiêm chỉnh chỉnh. Cái này gọi là tránh bị gió lùa :-)

Còn lại, cảm nhận vị đông, chào đón mùa đông, hành động chính của tôi lúc này là lục lọi tìm các món vải đem lại cảm giác ấm áp, và vô tình thì sửa cái này, chữa cái nọ để có thêm vài món đồ vui mắt ngày đông.

đèn cây hết hồi "cứu vãn" giờ được hoá phép
thành món treo cây

khâu nhí nhố từ hai vụn vải

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

thu qua, đông tới: chúng mình ăn gì a

tiết trời mát-lạnh, thịt kho tàu thế này không ngại ngán
cứ cơm gạo lài thơm phức, nóng hôi hổi kết bạn mà xem :-)))
nhưng lại giật mình, ối cô-lét-tờ-rôn cô còn đấy không :-(((
(1)

Bỏ qua hết mọi triết lý âm-dương, dưỡng sinh, dược sư này chi chi nọ, tôi cứ thô thiển mà suy từ cái dạ của chính bản thân, từ cảm giác dấy lên nơi khoang miệng, từ "tiếng nói" của cơ thể - mà gần như chắc chắn là do não bộ tôi nó xuyên tạc không ít để nghĩ đáp án cho câu hỏi này.

TA bảo, giờ là lúc ăn khoai môn, củ cải

Tôi không hỏi tại sao, mà chỉ băn khoăn, khoai môn và củ cải thì ô-kê-la, còn riêng lê xuất xứ nước Tàu thì ngờ ngờ vực vực, nghĩ mà ngại a.

(2)

Tám chuyện rau củ là vậy. 

Còn lại vào tiết mát và lạnh thế này, lại nhìn qua cửa sổ thấy đồng dạng một sắc xám có nhiều phần ảo não cộng với xiên xiên các vụn mưa thì tôi thực cảm thấy cần cái gì đó ấm áp.

À, vậy là đến mùa của mấy món rau củ quả hầm rồi a :-)))

(3)

Ăn là vậy, sang thức uống, chuyện tưởng tầm phào mà nghĩ xíu thì khéo ra nhiều chuyện hay hay.

Nước gừng, mật ong, chanh pha âm ấm uống thông họng đầu sáng, sao mà tốt!

Trong thời gian của ngày lại có trà vị quế nồng ấm. Rồi mấy loại trà đen, vị tôi không quá hảo hảo yêu thích nhưng rất lạ là cái sắc của chúng trong tiết thu-đông này lại cho một cảm giác động viên, khuyến khích. 

(4)

Thời gian này, tôi gần như chẳng còn "ham muốn"gì xét về đường ăn uống. Thực thì vẫn có vài nét nhỏ gảy gót, kiểu như ôm khư khư cái hộp trà xanh xứ Đài sợ hết. Nhưng về đại thể, giờ uống là lấy thức ấm ấm, ăn là để cái bao tử không bị ngó lơ mà làm mình làm mẩy. 

Trong nhà, yêu cầu về sự ăn uống lành mạnh và thông thái gia tăng thêm một bậc. Cái sự ăn và uống không còn là để thuần tuý lấp đầy cái dạ, càng không chỉ là để thoả mãn những thèm khát nhất thời. 

Chúng tôi cần hiểu về một thực phẩm là một chuyện. Nhưng đi xa hơn, thật đáng hiếu kỳ về cái sự kết hợp của nó với những nguyên liệu khác trong bếp. Sự nấu và ăn tưởng là chuyện nơi góc bếp hoá lại là một mạng nhện khổng lồ với đủ dòng chảy triết lý sống cùng tri thức.

(5)

Vậy là đã đến lúc tôi cần nghiêm túc quay lại nhãn dược sư yêu thích nhưng bị bỏ mốc của mình a!

canh khoai môn bào, vừa hợp tiết thu-đông

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

nhật ký covid: chuyện hài về một chữ "thèm"

nhớ nhá, chỉ đọc tít không thôi là chưa đủ :-)))
(1)

Tối nay một người quen gửi cho tôi một cái hình qua viber với lời than "Báo với chả chí đặt cái tiêu đề sao mà chối tỉ"!

Tôi nhìn tấm hình, à thì ra là Thực khách Hà Nội xì xụp bát phở, dân Sài Gòn..."thèm".

Xem ra có vẻ "chối tỉ" thật. Khi mà hoàn cảnh covid làm cho một vài người bỗng trở nên "nhạy cảm" hơn mức bình thường, nếu không nói là theo một cách bất bình thường, trong đó có tôi.

Nhớ hồi mấy bạn trẻ từ Hải Dương mặc trang phục y tế cưỡi phi cơ vào Sài thành hoa lệ để làm một việc rất tốt mà chẳng may vì trẻ trâu hăng máu lỡ vài lời thì rồi trở thành "tội đồ" bất đắc dĩ, một dạng "con dê tế thần", cái thùng rác hứng những uẩn ức sâu nông các kiểu. Tôi chẳng thích cái bọn đoàn hội ở trường đại học nói to và thường là vô nghĩa, nhưng trong chuyện cụ thể này, tôi nghĩ không phải là công bằng nếu người đời chỉ một chiều chĩa mũi dùi công luận nhân danh này nhân danh nọ mà thoá lị những bạn nhỏ tội nghiệp kia.

Nhớ xong rồi thì tôi có chút hiếu kỳ. Người của cái tờ báo chính thống kia hẳn không phải thứ cán bộ truyền thông tập đoàn ỷ thế bố mày đại gia đỏ, đại gia tiền mới to nhất cả nước mà văng nước miếng vô tội vạ đâu nhể. 

Mò mạng nhện xem thử thế nào. Ơ hay, nội dung bài báo đó "lành" mà!

(2)

Chuyện vậy chỉ là tại cái tiêu đề. Tại cái chữ "thèm". Tại cái sự đặt song song tạo ấn tượng hàm ý so sánh giữa Hà Nội và Sài Gòn. Tại cái cảm giác tức thì "chúng tao" chiếu trên ngó xuống "chúng mày" a!

Mà tôi đoán nhá, nhiều nhân dân ta có thói quen qua mạng nhện xã hội cứ thấy cái xìt-tây-tút đầu tiên là tức thì lai [like] một phát, và nữa là hứng chí tán dương hay nhảy chồm chồm phản đối. Tôi bắt đầu nghi ngờ, người quen của mình liệu có đọc bài báo này không. Hay đơn giản là thấy ai đó phàn nàn, phê phán trên tường nhà mình thì cứ thế mà hoà mình vào dòng các vị chủ "phây" hăng say chia sẻ, chuyển tiếp thông tin :-)

(3)

Cách đây vài năm, có dạo cô em trong nhà chăm chỉ theo dõi Đọt chuối non.

Nhà dùng chung cái dekstop nên tôi theo thói cũng ngó nghiêng mỗi ngày. 

Bữa kia có bài đăng về chuyện an toàn thực phẩm chi chi, cái hình minh hoạ là một tô phở. Chuyện bức hình hẳn sẽ là tầm thường, không có mảy may ý nghĩa gì nếu tô phở đơn giản là một tô phở, to hay nhỏ, gà hay bò, chín hay tái, cứ là một cái tô hình tròn. 

Vấn đề là hình dạng cái tô lại đặc biệt. Và tôi, một kẻ chẳng đến mức nghiện xơi phở ngoài tiệm nhưng máu lêu lổng trong thành phố có dư, tức thì nhận thức, ô kìa đây là ảnh tô phở của cái tiệm đang nổi danh ở đất Hà thành.

Không phải là fan của hàng phở đó nên tôi chẳng có bực bội chi ở đây. Nhưng cảm giác ngứa ngáy khó chịu thì có, sao trang mạng nhện kia có thể tuỳ tiện đăng tấm hình có thể làm ảnh hưởng hình ảnh của người ta vậy a.

Tối muộn hôm đó tôi hí hoáy viết một cái còm-men góp ý. Sáng hôm sau mở ra coi, hình tô phở minh hoạ giờ đã khác, một tô phở như nhiều tô phở sáng trưa chiều tối đêm chúng ta ăn ở bất cứ tiệm quán nào khắp miền đất nước,...một tô phở mà phở ở trong một cái bát tròn!

(4)

Tác giả bài báo, Lê Thành Phong, ở cuối bài nhấn mạnh [chính quyền] Thành phố Hồ Chí Minh "không có lý do gì không cho phép quán ăn, nhà hàng mở cửa hoạt động trở lại". 

Rồi vị này chẳng keo kiệt gì khi giải thích cái chữ "thèm" được "giật tít": Chữ "thèm" nêu trên có hai nghĩa, đó là thèm được vào ngồi trong quán ăn để ăn bát phở nóng hổi, và quan trọng hơn là thèm được làm ăn sinh sống".

(5)

Tôi gần như không bao giờ đọc báo mạng, Lao động này lại càng không.

Nhưng với chút xỏ xiên tôi quàng xiên một chút sang nhà đài quốc doanh to nhất nước thì thấy bản báo ta thực là tử tế đi!

Ít nhất là ở cái đoạn không bố chó bông ông chó xồm, mặt mày vênh vênh váo váo ngồi xổm lên đám chúng dân với mười cái tin đưa về chuyện thời dịch vật thì có đến quá nửa là từ bắt đầu đến kết thúc chỉ một tinh thần buộc tội nhân dân.

Ký giả Lê Thành Phong này, ít nhất là đọc theo mặt chữ, không giọng kẻ cả thế trên. Đơn giản tôi đọc bài của vị này thì hiểu, phải để nhân dân tự do "kiếm ăn" a :-)))

Lại thêm một chút máu xỏ xiên cố hữu, tôi tự hỏi cái tít này vậy là của tác giả Lê Thành Phong hay đội biên tập báo mạng nhà ta? 

Trong khi cái thắc mắc này của tôi lơ lửng trong không khí, câu chuyện này được kịp được kể cho cô em trong nhà. Nghe xong, đồng chí em phán, "đặt tít câu viu [views] rẻ tiền". Hic!

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

nhà mới cho cây ớt

cây ớt con "chuyển nhà"
(1)

Người ta tuỳ tiện ném hạt ớt xuống một mặt đất nào đấy, tỷ như một góc vườn nhà; hay cẩn thận tỉ mỉ là chọn những vỉ ươm với đất đã được xử lý; cẩn thận nữa là làm ẩm bông gòn để bao dung bọn hạt; rồi sau ba bốn tuần là có cây ớt con khoẻ khoắn để bứng ra trồng ở chậu mới. 

Tôi ngồi xổm ngoài hiên nhà căn hộ ngắm đám cây ớt con, thành quả của mấy lần ra sức tung, ném hạt ớt vô một cái chậu nhựa chứa đất trồng cây đã bị quay vòng vòng nhiều lần sử dụng.

Sau hơn 8 tuần giãn cách, chúng vẫn là cây ớt con, mảnh mai, yếu đuổi.

(2)

Vừa mới hung hăng cam kết giờ mình sống "kiệm", bữa qua có việc phải đi ra ngoài, trên đường về nhà có đứa dở hơi cao hứng mua một chậu đất nung cùng một bao đất bùn ao để về làm nhà mới cho cây ớt con.

(3)

Tiệm bán chậu và đất rất kỳ. Có chậu nhưng hỏi đến đĩa lót đồng bộ thì gãi đầu gãi tai, nhà em chỉ còn mấy cái đĩa bé đặt chậu vào hơi kích. Ối Giời!

(4)

Đôi ba cây ớt con xem ra khoẻ khoắn nhất được chuyển nhà chuyến này.

Đất đáy chậu là đất cũ tận dụng. Mặt trên bù lại có không ít đất bùn được tôi kiên nhẫn dùng dao gọt thành các lớp mịn xen lẫn các cục nhỏ bùn sét.

Hy vọng chúng sống, và sống tốt, những cây ớt con này.

(5)

Ngắm thành quả lao động cuối chiều của mình, tôi phì cười.

Chuyện về chậu đất nung và đĩa lót tạm bợ của nó chẳng khác chi chuyện, tưởng tượng thôi nhá, một bà ra chợ cóc đầu ngõ thấy cô kia bán áo dài treo cả dãy gắn bảng siêu giảm giá thì cao hứng mua một kiện tặng bản thân, hỏi đến quần cô kia xin lỗi, đợt này nhà cháu cháy hàng. Rồi bà này về nhà, mượn ông hàng xóm cái quần cộc, tức quần đùi, đánh bộ cùng áo dài, lượn lờ một vòng khắp xóm.

Nhảm vậy thôi chứ có chậu đất nung xuất xứ Bình Dương hàng mới nhập thế này là tôi khoái chí lắm rồi. Vừa là mình có cái chậu, vừa là xem ra sự giao thương đã từ từ hồi sinh, bất luận mấy món chậu đất nung là từ Bình Dương chuyển thẳng ra Hà Nội - tôi nghĩ khả năng rất thấp - hay từ một cái kho hàng nào đó gần Hà Nội rồi được gửi tới phố Hoàng Hoa Thám.

nhà mới cho cây ớt, có chậu mà thiếu đĩa lót

thu nhà rừng

(1)

Đường về quê Ngoại xem ra hãy còn "xa". Tôi nghe thấy những lời phàn nàn về đủ mọi "rào cản" làm chết tức thì hay giảm nhiệt những háo hức của người ở Hà Nội muốn sau "giãn cách" có thể mau mau làm một chuyến "về quê" thăm nhà.

Vì không ra khỏi được thành phố, lại sợ chết cố thủ trong nhà căn hộ, niềm vui ngắm trời ngắm đất của tôi loanh quanh hạn hẹp ở khối các mái nhà dưới tầm mắt, những nhấp nhô nhà cao tầng ở xa xa và một góc nhỏ của cái hồ to.

Cảm giác thu và cảm giác đông của tôi chủ yếu dừng ở chuyện sáng mở mắt thấy mát, thấy lạnh ra sao; rồi thời gian của ngày thì nhìn trời ngó mưa thế nào. Còn lại, về căn bản, các sắc màu của Hà Nội phơi bày ra trước mắt tôi thuỷ chung chỉ là xám, xám và xám. Hiếm hoi lắm mới có một chút nắng, một chút tưng bừng không khí cả của Ông Giời lẫn những thị dân vẫn chưa hết "hoàn hồn" sau một thử thách "giãn cách" có nhiều phần khác thường.

(2)

Lão Tiên sinh vẫn ở trong cơn nghiện ngập nhà rừng. 

Ông lão vừa gửi cho tôi mấy bức hình nhật ký nhà rừng. Nhìn mặt nước hồ, nhìn các sắc lá rừng đổi thay, tôi tự nhủ, cứ bảo tại sao ông lão nhà mình kêu bận bịu đủ đầu việc không tên liên quan đến nhà rừng nhưng xem ra thời gian chính của ông nếu không phải là lêu lổng trong vùng thì là ngồi ngoài hiên phỉnh phờ ngắm mây, ngắm cây a:-)

(3)

Cái hồ này cách không xa nhà rừng. Mùa đông băng giá, người ta còn đi lại ầm ầm trên đó. Có bữa, tôi thấy một ông ngồi ung dung, nhìn kỹ thì ra là câu cá.

Còn đám cây ở mép trảng cỏ đánh dấu kể từ đây là rừng, xem ra ông lão nhà mình đã làm việc thực chăm chỉ. Hàng lối gọn gàng chứ không phải nhấp nhô đám cây bụi và dây leo láo ngáo nữa.

Nước Mỹ có cả vạn điều hoặc là dở hơi thực sự hoặc là tôi quá già để có thể thích nghi, không còn đủ kiên nhẫn để mà hiểu nên từ đó thấy sao mà xa lạ, kỳ quặc. Nhưng bỏ chuyện này sang bên, xứ sở mang trong nó cả vạn điều hay ho thú vị.

Kệ mịa các lý luận líu lo về chủ nghĩa tư bản "thúi tha" này nọ nọ kia, cái món tư hữu xem ra hay. Và cả chuyện công sản xem ra cũng hay. Cứ tưởng tượng trong bán kính đôi trăm cây số trở lại tính từ trung tâm Hà Nội, còn bao nhiêu mặt hồ vô tư phô bày ra trước mặt công chúng một cách hoàn toàn miễn phí thế này a :-)))

Về điểm này, lão Tiên sinh nhà ta quả là hạnh phúc trong sự thụ hưởng các mùa thời gian!