Từ làng này sang thành phố nọ trong vùng, các siêu thị có một điểm đồng dạng, đúng ngày đúng giờ theo quy định mới ban của tiểu bang, tuyệt đối không còn món túi nylon chứa đồ cho khách nữa. Còn lại, đối với túi giấy thay thế, mỗi siêu thị áp dụng một lịch biểu riêng. Có chỗ cho bà con một tuần dùng túi giấy miễn phí trước khi tính tiền túi, có chỗ rộng rãi kéo dài thời gian ra cả tháng và hơn thế.
không còn bạn này nữa |
Điều thú vị tôi quan sát được là dù bọn túi giấy miễn phí, đa phần bà con bước chân vào siêu thị đều tòng teng trên tay đám túi vải gai, vải bố, vải nylon đủ kiểu dạng. Người đơn giản mua luôn túi đựng hàng được bày bán ở siêu thị, chất lượng vừa phải, giá mềm mại, có chút trang trí hoa văn màu mè và quan trọng nhất là có cái tên của chính siêu thị tranh thủ tự quảng bá. Còn lại, có những người mang túi kiểu nhặt đâu hay đấy hoặc không là túi vải bố đi chợ siêu sành điệu vốn chỉ có thể thấy bán ở mấy tiệm đồ bếp cao cấp.
Ở mấy cửa hiệu Á châu, chuyện có chút khác. Chẳng có cái biển thông báo hoành tráng mang tinh thần chúng tôi yêu môi trường nào được đặt trước lối vào. Túi nylon đựng hàng vẫn có để cấp cứu tạm thời bà con tay không đi chợ, tất nhiên là không có chuyện miễn phí nữa, còn bọn túi giấy thay thế tuyệt nhiên chẳng thấy cái nào. Chỗ chúng tôi thi thoảng lui tới để mua rau và gạo, bữa rồi có cặp đôi nói tiếng Tàu lẻng xẻng, lúc đứng quầy thanh toán cương quyết không bỏ ra 10 xu mua túi nylon đựng hàng mà dùng luôn cái xắc tay giả da của phụ nữ đựng nào khô nấm, nào mỳ, nào củ cải. Hình ảnh trước mắt làm tôi chợt nhớ đến chuyện khôi hài nghe được mấy năm trước về anh cháu xứ Đài mua tặng nãi nãi yêu quý túi xách LV rồi sau được bà khen hết cỡ vì túi chắc đựng cá tươi vô cùng lợi hại. Lại ở tiệm khác của một ông chú người Hàn, chủ tiệm thậm chí chẳng buồn hỏi khách có muốn mua túi hay không, tính tiền xong khoanh tay nhìn khách ôm đồm một đống đồ khô cùng rau củ vác ra xe. Cuối cùng, bên quầy thu ngân của siêu thị Á Đông to đùng ở Hartford, nữ khách hàng mảnh mai liễu yếu đào tơ đứng trước tôi trong một tích tắc chẳng hiểu lôi đâu ra một cái hộp carton to đùng ngã ngửa, cứ thế cùng với trợ giúp của nhân viên tính tiền, xếp đồ vào đó thành đống ngộn ngộn, quẹt ký thẻ xong, nhận lấy hóa đơn xong thì thêm một tích tắc đã trở thành thậm chí không phải nữ cường nhân tầm tầm mà là nữ đại lực sĩ, thoăn thoắt bê cái hộp ra xe đậu cách cửa siêu thị đến cả đôi ba chục mét đường.
Ở Whole Foods có chút màu sắc phô trương của đám nhà giàu từ lâu hay dân "tiền mới" - tức nhà giàu mới nổi, túi giấy vẫn được cấp miễn phí, nhưng nhân viên xếp đồ giờ rất chú ý hỏi khách lần lượt hai câu. Thứ nhất là có cần túi giấy không. Và thứ hai, nếu có, thì có cần phải lồng hai túi không. Tôi đứng lơ vơ chờ đến lượt thanh toán, làm một quan sát xã hội học nho nhỏ, trừ đúng một ông dáng dấp quản lý văn phòng tầm tuổi 40 đẩy xe siêu thị chứa ba cái túi giấy đựng hàng to đùng, khách siêu thị còn lại từ mấy vị mang phong thái giáo sư cho tới mấy ông bà trung tuổi lem nhem kiểu hippy hoàn lương qua các nam thanh nữ tú mới thò chân vào thế giới văn phòng hay các cặp đôi ông già bà già thắm thiết tay trong tay, ai nấy đều có bọn túi riêng của mình. Thậm chí có một cô còn cấp tiến/cực đoan tới mức dùng túi vải chuyên dụng cho từng loại rau củ cô mua thay vì để chúng trong các túi nylon tự phân hủy dành cho rau quả do siêu thị cung cấp.
Tôi đã từng hóng hớt xem mấy cái túi chuyên dụng đó, bày bán ngay trong Whole Foods. Hàng nhập từ Ấn Độ, được quảng cáo rất oách nào công nghệ cao nào hảo bằng hữu với môi trường, và giá thì không mềm mại cho lắm. Ý tưởng dùng đám túi đó không phải là tệ. Nhưng với kẻ nghĩ chậm và không theo kịp thời đại như tôi, tôi thích chủ động để bọn rau lá mấy món loại khác nhau vào chung một cái túi tự phân hủy, còn bọn củ quả thì để tự chúng tiếp tục khỏa thân từ kệ bày đến giỏ/xe đựng hàng trước khi ra quầy thanh toán và được chuyển sang đám túi vải của mình, thay vì như trước đây mỗi thứ rau nằm trong một cái túi nylon tự phân hủy. Dùng túi đựng rau chuyên dụng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, đối với tôi có chút màu nếu không phải là eco-friendly quá đà thì là trưởng giả.
Nói vậy nhưng thực thì lúc gõ những dòng này, tôi nhớ lại chuyện từ hơn năm trước đã chủ động từ chối túi nylon bên siêu thị to gần nhà như thế nào, đã chủ động mang theo túi lưới đựng đồ ra sao và đã không ít lần nhận được những cái nhìn châm chọc từ đám người xếp hàng phía sau, thái độ sửng sốt của mấy cô thu ngân; song đôi khi ngược lại là vài câu chia sẻ hay tán thưởng của người bên cạnh. Tôi không nhớ đích xác lý do cụ thể của sự thay đổi hành vi này. Có lẽ nó là điểm nút của một quá trình chuyển hóa từ từ, sau khi tôi chủ động hay vô tình đọc tùm lum tùm la một đống viết lách này nọ về lối sống mới hướng về giảm bớt sự lãng phí và tinh giản hóa, sau khi tôi tự mình chứng kiến vài người không nói to và nói nhiều mà lặng lẽ ngày ngày thực hành nguyên lý sống xanh và tiết kiệm, và cũng là sau khi chính bản thân tôi trong căn bếp, trong ngôi nhà nhỏ của chúng tôi, thực đã có những khoảnh khắc choáng ngợp trước chính năng lực tích trữ đồ-rác vô biên của bản thân, về sự thừa mứa vô tích sự của không ít thứ mang tên đồ-vật bao quanh mình.
Ai mà biết được, có lẽ sang tuần, tôi lên cơn cao hứng hoặc tốt hơn nữa là ý thức thân thiện môi trường tăng vọt một nấc, sẽ chủ động sắm set túi chuyên đựng đồ rau. Nhưng dù thế nào, có một điều rõ ràng là tôi cương quyết không mất đồng xèng 10 xu để mua cái túi nylon đựng hàng và mỗi lần rời xe để đi vô siêu thị hay cửa hàng, đều chăm chỉ vác theo bộ túi được xếp gập gọn gàng, món có lớp độn cho đồ đông lạnh, món vải bố cỡ to cho rau củ và các thứ đồ khô khác. Chuyện cái túi đi chợ của tôi là vậy, thích coi là tầm thường thì là tầm thường, mà muốn nhìn nhận nó như là một dịch chuyển nhỏ trong nhận thức của cá nhân và xã hội về thế giới chúng ta đang sống, về lối sống chúng ta đang thực hành cũng chẳng sai chút nào.
Ai mà biết được, có lẽ sang tuần, tôi lên cơn cao hứng hoặc tốt hơn nữa là ý thức thân thiện môi trường tăng vọt một nấc, sẽ chủ động sắm set túi chuyên đựng đồ rau. Nhưng dù thế nào, có một điều rõ ràng là tôi cương quyết không mất đồng xèng 10 xu để mua cái túi nylon đựng hàng và mỗi lần rời xe để đi vô siêu thị hay cửa hàng, đều chăm chỉ vác theo bộ túi được xếp gập gọn gàng, món có lớp độn cho đồ đông lạnh, món vải bố cỡ to cho rau củ và các thứ đồ khô khác. Chuyện cái túi đi chợ của tôi là vậy, thích coi là tầm thường thì là tầm thường, mà muốn nhìn nhận nó như là một dịch chuyển nhỏ trong nhận thức của cá nhân và xã hội về thế giới chúng ta đang sống, về lối sống chúng ta đang thực hành cũng chẳng sai chút nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét