Giờ cái thứ mang tên thủ tục ấy giống như hố đen, rò mãi mà chẳng thấy đáy đâu. Tôi gần như là mếu máo, nào có ai ở trong hoàn cảnh khổ sở đến nực cười này như tôi (?)
Tất cả mọi người ở đây đều đương nhiên coi tôi một khi đã chạm chân mảnh đất này thì sẽ kiên cường bám trụ. Nhà hàng xóm đối diện có ông chồng chuyên chơi xe địa hình, từ đạp tới máy, vui thú không chỉ trong phạm vi các tiểu bang mà còn chu du đủ mọi miền Châu Âu. Ông kể trong đám bạn chơi của ông, có ông chát chít chi chi với cô người Khmer ở Phnom Penh, được hồi hơn năm thì cô kia đề nghị trả ông hai chục ngàn đồng tiền để cưới cô. Vấn đề là ông này giàu nứt đố đổ vách thì cần quái gì tiền. Sau chẳng hiểu loanh quanh thế nào mấy năm ông đều đếu qua xứ của cô thăm viếng, rồi thành tự nguyện cưới gả. Nghe nói tháng tới cô sẽ lần đầu tiên tới xứ sở của những giấc mơ. Ông hàng xóm theo chuyện thời sự và theo chuyện ông bạn, nghe sang chuyện của tôi trố mắt ngạc nhiên, người ta tìm cách vào, còn tôi tìm cách ra.
Tôi thi thoảng nghĩ về cô người Khmer kia thì phì cười. Tiền tích cóp từ dịch dọt bỏ ra mua tài liệu, sách vở cho bài giảng và luận án, lại phung phí linh ta linh tinh mấy năm rồi vào quần quần áo áo, giờ sau gần nửa năm không lương không bảo hiểm, chưa buồn tính đến mấy món nợ tồn, tôi đã đủ điều kiện xếp mình vào hạng vô sản triệt để. Thế nên không bao giờ có chuyện thòi ra một khoản to đùng để mua một ông xã. Còn nữa, tôi chẳng biết cái giấc mộng mang tên cờ hoa kia hay ho thế nào trong não trạng của những người khác, còn lại tôi với tôi hiện thực trần trụi không xám ngoét mà cũng chẳng rạng ngời.
Tôi không có điều kiện tốt như cô bạn, mỗi tháng có khoản chảy vào tài khoản cố định bằng hơn một năm lương thưởng của tôi, chưa kể lãi kết cuối năm, chưa kể bất động sản nằm ngủ một chỗ mang tên cô. Cô đi loanh quanh chán chê, đến khi về Hà Nội, thản nhiên bảo, mày biết không, thậm chí là hít sâu một phát để phổi căng đầy khói bụi cũng là một sự xa xỉ. Chuyện của tôi đơn giản hơn nhiều. Tôi thích cảm giác là kẻ ngoài cuộc, đến nơi, hít thở, ngó nghiêng, xài mấy câu tiếng Anh sứt mẻ gọi là cho giao tiếp xã hội, thế là đủ. Còn lại, cái ổ yêu thích của tôi cho tới giờ thực thà là Hà Nội - thành phố bụi bặm, ồn ào, lộn xộn nhưng quen thuộc và tiện lợi cho thói quen sinh hoạt tôi có từ hàng chục năm nay.
Mà dù gì đi nữa, ngồi líu lo về cái nơi chốn sặc mùi Virginia Woolf xem ra cũng quá xa xỉ và thừa thãi đối với tôi lúc này. Theo thời gian, tôi mỗi ngày lại giảm bớt cái phần chứa nào thói bao đồng, hiếu kỳ hay cả sự không hài lòng dành cho thế giới xung quanh. Điều tôi học được là có rất nhiều thứ nằm ngoài tầm với và tầm kiểm soát của bản thân. Rằng cho một số chuyện, giống người gỡ sợi rối bên khung dệt, trước luôn cần một thái độ điềm đạm cùng kiên nhẫn.
Vậy nên, khái niệm "cái ổ của mình" thậm chí không còn mang hình hài vật lý nữa. Thay vì bồn chồn, lo lắng, sợ hãi, phẫn nộ - túm lại là một cái danh sách dài các cảm trạng tiêu cực kiểu này - tôi hoàn toàn có thể thong thả tự tạo ra một "nơi chốn" của mình, nơi chốn của hiện tại, uyển chuyển và linh hoạt, không chỉ là hình lý mà còn mang một ý nghĩa tinh thần, bao chứa những tình cảm thiện lành và chân thật. Như thế, cuộc sống của ngày bỗng trở nên dễ chịu hơn rất nhiều!
Vậy nên, khái niệm "cái ổ của mình" thậm chí không còn mang hình hài vật lý nữa. Thay vì bồn chồn, lo lắng, sợ hãi, phẫn nộ - túm lại là một cái danh sách dài các cảm trạng tiêu cực kiểu này - tôi hoàn toàn có thể thong thả tự tạo ra một "nơi chốn" của mình, nơi chốn của hiện tại, uyển chuyển và linh hoạt, không chỉ là hình lý mà còn mang một ý nghĩa tinh thần, bao chứa những tình cảm thiện lành và chân thật. Như thế, cuộc sống của ngày bỗng trở nên dễ chịu hơn rất nhiều!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét